Quan hệ đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ dự kiến được xác lập ở mức độ ‘chiến lược toàn diện’ là một cơ hội vàng mà Việt Nam cần tận dụng, để tránh những ‘tiếc nuối’ sau này và cơ hội này sẽ mở ra nhiều vận hội khác cho sự phát triển ổn định của Việt Nam từ kinh tế, an ninh quốc phòng cho tới hoàn thiện thể chế và tự do hóa, ý kiến từ trong giới quan sát chính trị Việt Nam và bang giao Mỹ - Việt nói với Đài Á Châu Tự Do trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam dự kiến diễn ra hôm 10/9/2023.
AFP
"Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ như một phép thử trong quan hệ với Trung Quốc là điều cũng tốt và đánh giá theo tất cả như tôi nghĩ thì đó là một cơ hội vàng mà Việt Nam cần phải tận dụng, không có thì nhiều năm sau lại luyến tiếc là cơ hội đã bị bỏ qua", từ Học Viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, PGiáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói với RFA Tiếng Việt.
"Về kinh tế, có hai vấn đề lớn, một là những đầu tư thông thường, theo tôi nghĩ, chừng nào còn lợi nhuận sẽ còn các nhà đầu tư, nhưng có những đầu tư có thể dài hạn hơn như là đầu tư về tăng trưởng xanh về năng lượng, và đặc biệt tôi nghĩ rất cần cho Việt Nam là công nghệ cao, thí dụ như công nghệ chip. Nếu các nhà đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, đây là một tín hiệu mừng cho Việt Nam, và Việt Nam cần phải chuẩn bị thật tốt, để có thể thúc đẩy.
Còn bây giờ cứ quanh đi quẩn lại bán nông sản, xuất khẩu nông sản và mấy thứ vật liệu, nguyên liệu thô thì đến bao giờ mới phát triển được ? Bây giờ sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 rồi, chúng ta cần phải nghĩ đến hướng đó. Và nhu cầu của Việt Nam là rất lớn trong các đầu tư về công nghệ cao, về năng lượng xanh, sạch, cũng như là về trí tuệ nhân tạo, trong tất cả các lĩnh vực, kể cả kinh tế lẫn quản lý, và Mỹ có thể đáp ứng nhu cầu ấy".
Theo ông Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công của Học viện trên, và cựu Giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cơ hội mà nâng cấp đối tác Mỹ - Việt lên tầm mức chiến lược hay cao hơn là chiến lược toàn diện, có thể còn kéo theo các vận hội khác nữa có tính chất tích cực, ông nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do từ Hà Nội :
"Hơn nữa, các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam, có thể không chỉ là các nhà đầu tư Mỹ, mà sau họ, có thể các nhà đầu tư khác của phương Tây, tôi nghĩ cũng sẽ mạnh dạn hơn và Việt Nam cần phải có những cam kết cho họ thấy tin tưởng vào đầu tư và làm ăn lâu dài, để đất nước có thể phát triển kinh tế, và tất nhiên sau đó là những kinh nghiệm quản lý, rồi sau đó là vấn đề dân chủ hóa đất nước".
Từ Sài Gòn, một chuyên gia về chính sách phát triển và hội nhập, cựu cố vấn của Đảng và Chính phủ Việt Nam về hợp tác, bang giao Việt – Mỹ nhiều năm về trước, kinh tế gia Bùi Kiến Thành đưa ra bình luận với RFA từ góc nhìn của mình về điều mà ông kỳ vọng là lợi ích và kết quả tốt đẹp đến từ mối quan hệ song phương ở tầm mức mới này, ông nói :
"An ninh, quốc phòng là một vấn đề lớn mà Việt Nam là một nước nhỏ cần có được một sự hỗ trợ của bạn bè lớn để bảo vệ an ninh quốc phòng của mình… Nhưng vấn đề khác với Việt Nam rất là quan trọng, đối với tôi, là quan hệ của Mỹ lần lần dẫn tới vấn đề là các sinh viên Việt Nam đi học bên Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam giao thiệp với lãnh đạo Mỹ, con cháu của các lãnh đạo Việt Nam đi qua Mỹ, đi qua Pháp, đi qua Đức, lần lần như thế, thế hệ này sẽ trở thành một thế hệ mà không phải là chuyên chính vô sản, nó không phải là ăn sâu vào trong những giáo điều của chủ nghĩa Marxism-Leninism này nọ kia khác.
Lần lần, nó sẽ dẫn tới một xã hội phát triển khác hơn là trước đây, vì vậy nền dân chủ của Việt Nam sẽ được dần dần phát huy lên, như một cái cây lớn lên dần dần, và nó sẽ xum xuê hoa trái. Đất nước Việt Nam sẽ phát triển thành một quốc gia dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc, là điều mà tôi mong đợi và tôi thấy rằng quan hệ với Hoa Kỳ có thể giúp chúng ta tiến nhanh hơn, tiến mau hơn về sự phát triển dân chủ đó".
Cũng trong dịp này, qua bút đàm, từ Đại học Leiden, Hà Lan, Giáo sư Jonathan D. London, người có nhiều năm quan sát bang giao Mỹ - Việt chia sẻ thêm với Đài Á Châu Tự Do một vài cảm nhận của ông về quan hệ đối tác giữa hai nước, ông nhận định :
"Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải khẩn trương và thành thạo nâng cấp nền kinh tế. Quan hệ đối tác với Mỹ có thể hỗ trợ những nỗ lực này. Việc Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ đẩy nhanh nỗ lực của Việt Nam trong việc tái cơ cấu nền kinh tế và cụ thể hơn là chuyển dịch từ xuất khẩu hàng hóa đơn giản và sản xuất thâm dụng lao động sang sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao hơn.
Việt Nam cũng tìm kiếm an ninh kinh tế. Một cách tối ưu, Việt Nam có thể duy trì các khía cạnh có lợi trong thương mại với Trung Quốc, nước vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc về cơ cấu vào Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc tìm cách mở rộng đầu tư vào Việt Nam và đôi khi khéo léo sử dụng Việt Nam làm nền tảng để tiếp cận thị trường Mỹ, lợi ích kinh tế lâu dài của Việt Nam nằm ở việc tự giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị một cách hiệu quả.
Ba lĩnh vực hợp tác kinh tế – công nghệ xanh, sản xuất vi mạch, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học – minh họa cách đầu tư của Hoa Kỳ vào các ngành công nghiệp chiến lược có thể hỗ trợ lợi ích kinh tế của cả hai nước. Cơ sở hạ tầng năng lượng và môi trường của Việt Nam cần được cải thiện nhanh chóng. Khả năng công nghiệp của nó cần phải được nâng cấp. Và lực lượng lao động của Việt Nam, mặc dù có trình độ học vấn cao và cực kỳ năng động, vẫn đòi hỏi sự đầu tư bền vững để thay đổi cuộc chơi vào kỹ năng. Đầu tư và hỗ trợ của Hoa Kỳ vào những lĩnh vực này thể hiện cam kết lâu dài của Washington đối với sự thịnh vượng và an ninh của Việt Nam".
Cho rằng đây sẽ là một mối quan hệ đối tác chiến lược đầy hứa hẹn, ông Jonathan D. London, học giả người Mỹ về Việt Nam đương đại và giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học nói trên, tác giả một cuốn sách gần đây có tựa đề "Cẩm nang Routledge về Việt Nam đương đại", được xuất bản năm 2023, chia sẻ tiếp với Đài Á Châu Tự Do :
"Trong toàn bộ nền kinh tế, Việt Nam cần chuyển sang sản xuất và chế biến hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Làm như vậy sẽ đòi hỏi phải nâng cao trình độ tinh vi và năng lực của các nhà sản xuất trong nước cũng như thu hút đầu tư dài hạn vào nền kinh tế và con người, có lẽ đặc biệt là từ Mỹ. Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và thúc đẩy ổn định khu vực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ khả năng quốc phòng độc đáo của Mỹ. Về cả kinh tế và an ninh, lợi ích chiến lược của hai nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Các lĩnh vực căng thẳng vẫn còn. Điều rõ ràng nhất là việc thực hiện quyền của Việt Nam phải được cải thiện, trong khi Washington phải làm nhiều hơn nữa để khắc phục những tổn hại mà họ đã gây ra từ nhiều thập kỷ trước. Nhìn chung, chuyến thăm của Biden có nhiều hứa hẹn. Khoảng 48 năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị cùng nhau thực hiện những bước đi quan trọng vì lợi ích thịnh vượng, an ninh và hòa bình".