Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những điều luật mang tính trang sức cho thể chế ?

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định : "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định : "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".

treo1

Quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam mặc dù đã được Hiến định, nhưng thực tế thì vẫn là "treo quyền" …

Theo đó, không được ai tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nhưng phải được luật quy định. Quy định này nhằm bảo đảm rằng việc hạn chế quyền chỉ được đặt ra khi có lý do khách quan, hợp pháp và hợp lý, trên cơ sở có sự nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận của chủ thể có thẩm quyền. Như vậy, quy định về nguyên tắc hạn chế quyền đã góp phần bổ sung cho hệ thống cơ chế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế thì những nội dung Hiến định đẹp đã đó đến nay vẫn dừng lại là các quy định mang ý nghĩa trang sức làm đẹp thể chế chính trị lúc cần thiết đối ngoại. Bởi cho đến nay nội dung nguyên tắc hạn chế quyền tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 vẫn chưa được giải thích, minh định rõ về trường hợp cần thiết hạn chế quyền.

Nhìn nhận vấn đề trên, tiến sĩ Trương Hồ Quang, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) trong một tham luận của mình đã cho rằng hiện nay, một số quyền hiến định chưa được luật hóa hoặc đang được điều chỉnh bởi văn bản có hiệu lực pháp lý thấp.

Cụ thể, như quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền được sống trong môi trường trong lành… chưa được cụ thể hóa đầy đủ bằng văn bản luật.

Một số quyền được điều chỉnh bởi nghị định, thông tư. Ví dụ, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (có nội hàm của quyền lập hội), … Khoảng trống trong quy định của pháp luật về quyền gây ảnh hưởng đến việc tiếp cập, thực hiện các quyền của công dân.

Ngay cả khi hiểu là "son phấn cho thể chế", thì Hiến pháp năm 2013 cũng chưa thật sự chặt chẽ khi chỉ quy định "trong trường hợp cần thiết" chứ không phải là "cần thiết trong một xã hội dân chủ". Bởi cần thiết trong một xã hội dân chủ là đòi hỏi cao hơn, rõ ràng hơn, chỉ hạn chế quyền khi đó là "một đòi hỏi xã hội cấp thiết", và đảm bảo sự cân xứng giữa hạn chế và mục đích của nó.

Ông Trương Hồ Quang cho rằng Hiến pháp năm 2013 cũng chưa đề cập việc hạn chế quyền không được làm mất đi bản chất của quyền con người, quyền công dân như quy định của pháp luật quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Như vậy quy định này cùng với sự thiếu vắng yêu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ, có thể dẫn đến hệ quả trong một số trường hợp sẽ hạn chế quá mức quyền con người, quyền công dân.

Vai trò lập pháp của Quốc hội bị lãng quên ?

Ông Trương Hồ Quang cho rằng quan niệm về hạn chế quyền của Hiến pháp năm 2013 rộng hơn so với quan niệm của thế giới.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì bất cứ quyền nào cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể. Trong khi đó thì theo pháp luật nhân quyền quốc tế – ví dụ Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 – ICCPR và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 – ICESCR là hai Công ước mà Việt Nam đã tham gia, có những quyền con người không thể bị hạn chế thực hiện vì bất cứ lý do gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong những trường cần thiết như quy định của Hiến pháp năm 2013.

Chính vì vậy, việc thi hành khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cần xem xét tới quy định tại khoản 1 Điều 5 ICCPR năm 1966. Theo đó, việc quy định các lý do để hạn chế quyền là đúng đắn. Tuy vậy, theo pháp luật nhân quyền quốc tế thì một số quyền cần phải được hạn chế trong mọi thời điểm mà không cần xuất hiện các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…

Chẳng hạn, quyền tự do hội họp luôn kèm theo điều kiện "hòa bình" (xem Điều 21 ICCPR năm 1966), quyền tự do lập hội có thể bị hạn chế đối với những người làm việc trong lực lượng vũ trang và cảnh sát (xem khoản 2 Điều 22 ICCPR năm 1966). Bên cạnh đó, có thể thấy lý do/mục đích về "quốc phòng" không xuất hiện trong cả Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền – UDHR năm 1948 hay ICCPR năm 1966, ICESCR năm 1966.

Trước mắt, để bảo đảm cho quyền hiến định của con người, của công dân thực sự là quyền, ông Trương Hồ Quang để xuất một số khuyến nghị sau :

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, soạn thảo, thông qua các luật cụ thể hóa các quyền đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền cũng như không bảo đảm tính hợp hiến, tôn trọng quyền trên thực tế.

Thứ hai, cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Nếu việc xây dựng và cả thi hành pháp luật về quyền chỉ đơn thuần dựa trên nhu cầu quản lý thì mục đích của pháp luật chưa đạt được. Theo phương pháp tiếp cận dựa trên quyền (Human Rights-Based Approach), việc xây dựng, thi hành pháp luật cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau : Coi việc hỗ trợ thực hiện, hưởng thụ các quyền con người là một mục tiêu cơ bản trong việc xây dựng, thi hành pháp luật ;

Lấy các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người làm định hướng trong việc xây dựng, thi hành pháp luật ; Làm rõ những chủ thể của quyền, chủ thể có nghĩa vụ và các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể có quyền, có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, thi hành pháp luật.

Nếu như đội ngũ cán bộ xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật… tiếp cận toàn diện với phương pháp tiếp cận dựa trên quyền sẽ bảo đảm tốt hơn yêu cầu về bảo vệ quyền.

Thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết giải thích một số quy định về quyền trong Hiến pháp năm 2013 như khoản 2 Điều 14, khoản 4 Điều 15 để tạo cơ sở cho việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền, bảo đảm thực thi quyền hiến định trong thực tế.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 19/02/2023

Published in Diễn đàn

Hộ khẩu ơi, ô hô, ai tai !

RFA, 31/03/2021

Tròn ba tháng nữa, chiếc hộ khẩu ở Việt Nam chính thức bị khai tử. 46 năm từ khi đất nước thống nhất, hơn 70 năm từ khi ra đời, sau khi hành hạ chán chê vô số người, cũng như cần mẫn và vô tri kiếm tiền làm giàu cho vô số người khác, cuối cùng, nó cũng chết.

hokhau1

Sổ hộ khẩu cũ ở Việt Nam - haiquanonline

Trong "con hộ khẩu", hội tụ lắm bi kịch trộn lẫn hài kịch, biến hóa nhất, cũng dai dẳng và quật cường hơn bất cứ con Kong hay xác ướp nào của nền điện ảnh giàu tưởng tượng nhất thế giới.

Sống với sự khống chế của nó trước đó và về sau này, người ta không thể nghĩ mình đã phải từng hèn hạ, hoặc, vô luân đến thế.

Gia đình tôi nhập hộ khẩu vô thành phố X rất dễ dàng vì công việc của cha mẹ tôi. Đó là thành phố nhỏ, và sau 1975 thì cũng như bất cứ nơi nào khác ở Việt Nam, nó đói meo. Tuy nhiên, do chính sách bao cấp nên những người làm nhà nước vẫn có tem phiếu mua gạo, mắm, dầu, củi, vải vóc… Gạo thì sâu, mắm thì thối, vải thì đồng phục khoảng 3 m/người lớn/năm, nhưng dù sao vẫn là có gạo có mắm, có đồng lương đều đặn không chết đói. Nhưng muốn giành lấy một công việc trong nhà nước thì phải có hộ khẩu.

Diện không thể có hộ khẩu ở các đô thị là những người mà lý lịch có liên quan đến ngụy quân ngụy quyền, tư sản, bóc lột và nợ máu v.v. Họ phải đi cải tạo hoặc đi kinh tế mới. Đi là cắt hộ khẩu ở nơi cũ. Kinh tế mới là đi khai hoang ở duyên hải hoặc Tây Nguyên, những công việc lao động chân tay mà dân cày đường nhựa trước đó không hề biết, không được học, cũng chẳng hề được cung cấp trang bị, kiến thức ban đầu. Đơn giản họ được đưa lên vùng núi rừng, cao nguyên hoang vắng, không trường học chợ búa bệnh viện, phát cho cái cuốc và … đó, tự sống đi. Sống bằng cách nào, sống ra sao thì mô Phật hoặc Jesuma tùy chọn.

Đương nhiên, đại đa số những người đi kinh tế mới không thể sống được ở nơi đất mới. Họ bỏ trốn hàng loạt về lại nơi cư trú cũ, nhưng không được nhập khẩu trở lại. Nghiễm nhiên họ thành dân bất hợp pháp, kiếm cơm bằng cách cách bán dần đồ đạc và gia sản cũ còn lại, bán cả sách báo, cả máu, cố để không chết đói bằng đủ mọi thứ nghề mà trước đó chẳng ai nghĩ ra. Họ sống ở đô thị ngoài vòng pháp luật một cách công khai, nhưng chính quyền chẳng thể làm gì vì họ quá đông, và vì không có giải pháp nào khả thi. Nhưng thỉnh thoảng, sẽ có các cuộc truy tìm người trốn kinh tế mới, dồn họ về trở lại.

hikhau2

Khu nhà ổ chuột bên cạnh các toà nhà mới xây ở thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Cái hộ khẩu, từ việc chỉ là phương tiện để kiểm soát số lượng cư dân trở thành một thứ giấy phép toàn năng cho tất cả các quyền sống của con người. Có cái bùa này, người lớn mới được mua nhà, kết hôn, tìm việc làm. Trẻ con đi học không bị đuổi.

Qua dần thời kỳ bao cấp, khi đến "đổi mới", cái hộ khẩu tưởng cũng đổi mới, ai ngờ nó vẫn cùm xích con người như cũ.

Lúc đó chỉ ở các thành phố lớn mới có trường Đại học. Học xong, muốn ở lại thành phố làm việc, bắt buộc phải có hộ khẩu. Giống như một thời kết hôn giả để được bảo lãnh sang Mỹ, cái hộ khẩu cũng đóng vai trò bà mai se duyên cho nhiều cặp… chẳng thể ngó được cái mặt nhau. Nếu kết hôn với một người có hộ khẩu thì sẽ được nhập hộ khẩu về địa phương đó. Bỗng, cô gái "dân thành phố", cầm trong tay quyển hộ khẩu xòe cánh trở thành hoa hậu, thành cao sang khó với hơn cả trong đám bạn cùng lớp. Các anh chàng "dân tỉnh", nếu muốn tìm cuộc sống thành thị với các cơ hội việc làm và môi trường phù hợp, xếp hàng tán tỉnh mong được cô (và nhà gái) gật đầu làm đám cưới. Tỉ tỉ chuyện khóc cười xảy ra, đi vào cả văn học một thời. Như bỏ tình nghĩa sâu sắc ở quê để chạy theo chàng trai/cô gái thành phố, dụ cho mang bầu (hồi đó, mang bầu là phải cưới, nếu không xem như danh dự bị hoen ố, không chỉ bản thân, gia đình, gia tộc người mẹ mà chính đứa bé cũng sẽ bị kỳ thị lâu dài. Ví dụ bị chửi "Đồ con hoang").

Chuyện chị gái ly hôn giả với anh rể, để cô em gái kết hôn giả với chồng mình, nhập hộ khẩu vào xong xuôi thì ly dị, ai lại về nhà nấy cũng không thiếu.

Trên báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 06/11/2017, có bài viết kể vào năm 2006 ở Huế, một bà cụ sống độc thân phải đi sơ tán tránh bão theo yêu cầu của chính quyền. Bão tan, cụ về nhà thì nhờ trời nhà còn nguyên nhưng cái túi đựng giấy tờ tùy thân như sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy CMND… đã trôi tuột theo nước. Do là gia đình liệt sĩ, chồng con đều đã hy sinh nên cụ được xét chính sách hỗ trợ. Để làm hồ sơ, phải cần tất cả giấy tờ tùy thân photo. Muốn vậy phải làm lại hết các giấy tờ bản gốc. Thủ tục nhiêu khê rắc rối, 4 tháng sau, giấy tờ gốc phục hồi chưa xong thì cụ đã về suối vàng.

Ở phía công quyền, quyền được xét nhập hộ khẩu biến những người này thành giàu có.

Một suất hộ khẩu chạy được vào thành phố đồng nghĩa với công ăn việc làm, ổn định đời sống và quan trọng nhất, có vào được cơ quan nhà nước thì mới có cơ hội thăng tiến. Muốn mua nhà phải có hộ khẩu, mà có hộ khẩu mới được đứng tên nhà. Mua nhà xong, muốn nhập hộ khẩu phải chờ đủ hai năm tạm trú. Nhưng người đang sinh sống làm việc ở địa phương khác, làm sao phân thân sống ở thành phố nơi sở hữu cái nhà ? Chờ đủ chừng ấy năm mới được đứng tên, muốn bán lại hay thế chấp, vay vốn ngân hàng, làm cách nào ?

Vậy thì phải chi, phải bôi trơn từ khâu đầu tới khâu cuối để được trơn tru. Mỗi suất hộ khẩu vào Sài Gòn hay Hà Nội cách đây vài chục năm có giá tính bằng vàng. Thậm chí cho mãi đến năm 2018, tức một năm sau khi chủ trương bỏ hộ khẩu đã được đưa vào luật và chờ thông qua, trên mạng vẫn đăng công khai các "dịch vụ" chạy hộ khẩu, chạy KT3 (thường trú dài hạn nhưng chưa được nhập hộ khẩu).

Để lấy lòng tin ở "khách hàng", trang dichvuhokhau.com khéo léo giới thiệu : "Chúng tôi gồm nhiều người có nhiều kinh nghiệm nhiều mối quan hệ quen biết rộng, sẽ đảm bảo xử lý nhanh các trường hợp khiếm khuyết hồ sơ khó giải quyết để kịp thời cho bé nhập học vào trường mình mong muốn tại Thành phố Hồ Chí Minh".

OK fine ! Nhiều mối quan hệ quen biết rộng ! Hiểu !

Báo Người đưa tin đăng một bài phóng sự, cho biết giá nhập hộ khẩu vô Thành phố Hồ Chí Minh từ 30 triệu đồng-70 triệu đồng/người, mà chỉ vào được các quận xa xa ngoại thành như quận 9, Hóc Môn, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú. Chủ nhà sẽ nhận nhập hộ khẩu của khách, nhập xong lại tách ra thành hộ khẩu riêng độc lập.
Tác giả bài báo cho hay, các "cò" cam kết chỉ trong hai tuần từ khi nộp hồ sơ đầy đủ là khách hàng nắm chắc tờ hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh. Họ cho biết "…phải lo từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, không có gì khó cả".
Cách đây 10 năm, cháu tôi cũng muốn nhập hộ khẩu vô nhà bác ở Sài Gòn để hoàn tất hồ sơ đi xin việc. Xin số anh công an khu vực, anh hỏi kỹ nhập hộ khẩu để làm gì. Chúng tôi thiệt thà khai hết. Anh hẹn buổi tối ra một quán nước gần nhà nói chuyện.

Đúng hẹn, bác cháu tôi đến. Đã ngồi quán nước lề đường nhưng anh còn cẩn thận chọn một chiếc bàn tách xa khỏi các bàn khác đủ để không nghe được tiếng trò chuyện của nhau, nhưng cũng không cách biệt quá, dễ bị để ý. Quan sát kỹ lưỡng xung quanh xong, chúng tôi đi ngay vào việc. Nhưng anh công an hầu như không nói. Anh chỉ chốt hạ một câu cực kỳ trọng lượng khi chúng tôi hỏi bao lâu thì có hộ khẩu mới :

- Sáng đưa chiều có (tức sáng đưa hồ sơ, chiều có hộ khẩu mới).

Nhanh hơn qua cò vì cháu tôi là người thân, nhập hộ khẩu vào nhà bác thì không cần phải qua bước tìm chủ nhà và thỏa thuận với họ. Lại bỏ bớt được một khâu trung gian từ cò đến công an.

Đến phần giá cả. Anh quyết tâm đóng vai người Việt trầm lặng. Đáp lại câu hỏi của tôi, anh cầm điện thoại cùi bắp, bấm bấm rồi đưa lại. Trên màn hình nhắn tin là con số x (x trung học phổ thông).

Tôi phì cười nhớ hồi bể vụ cấp đất bừa bãi ở một tỉnh miền Trung, dân tranh thủ tố cán bộ. Người ta kể những chiêu ra giá rất công khai mà kín kẽ không thể làm bằng chứng tố cáo ăn hối lộ, nghe xong cười té ghế. Phổ biến là hai bên dẫn nhau đi dạo bờ biển xa xa một đỗi rồi anh cán bộ dùng chân vẽ con số lên lớp cát ướt, chờ sóng ùa vào xóa đi ngay.

Trông xa xa khéo lại tưởng đôi tình nhân đang chơi trò hò hẹn ấy chứ, nhỉ ! Đòi hối lộ mà chan hòa với thiên nhiên thế, thật xúc động lòng trời.

Quay lại chuyện cháu tôi. Anh công an khu vực đưa giá cao quá, chúng tôi lắc. Cuối cùng, cháu tôi chọn làm ở công ty nước ngoài, không cần hộ khẩu vẫn được nhận. Cũng may, nó khá giỏi chuyên môn và không có tham vọng làm quan chức, nên không cần phải chạy vào Nhà nước vẫn sống ổn.

Nhìn lại, liệu có tính nổi bao nhiêu người bắt đầu sự nghiệp phục vụ nhân dân bằng một cú đưa hối lộ công khai, là "chạy hộ khẩu" ?

Có lẽ chỉ ở đất nước thiên đường chúng ta mới có câu chuyện cảm động đến thế. Để được nhanh chóng chính thức sung vào đội ngũ công bộc phục vụ nhân dân, các mầm non công bộc phải dốc túi chạy chọt hàng chục triệu đồng cho riêng cái hộ khẩu, cộng thêm ít nhất vài trăm triệu khác cho chỗ làm.

Bản điếu văn cho cái hộ khẩu tạm kết thúc ở đây. Chúc mày ra đi mạnh giỏi !

*********************

Luật cư trú năm 2020 xóa bỏ rào cản trong việc đăng ký thường trú

RFA, 26/03/2021

Kể từ ngày một tháng Bảy năm 2021, nếu người dân mua nhà hay thuê nhà, tức có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Đây là một điều mới trong Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội chính thức thông qua vào ngày 13 tháng 11 năm 2020. Theo đó, chỗ ở hợp pháp được quy định là nhà ở không thuộc diện đã có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ; không phải là nhà ở trên đất lấn, chiếm trái phép…

cutru1

Luật Cư trú năm 2020 cho phép người dân mua nhà hay thuê nhà, tức có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Ảnh minh họa những sổ hộ khẩu kiểu cũ ở Việt Nam.

Theo quy định trước đây, người dân muốn mua nhà ở thành phố thì phải có hộ khẩu thường trú. Và muốn có hộ khẩu thường trú thành phố thì phải có nhà ở thành phố. Điều này bị cho là quy định chồng tréo và không khả thi, gây khó khăn cho người dân trong việc cư trú. Thêm vào đó, việc có hộ khẩu ở những thành phố lớn không dễ dàng bởi chính sách của Nhà nước là hạn chế số người nhập vào thành phố lớn với mật độ quá đông.

Điều này thực chất chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn. Hơn nữa, điều này hạn chế quyền tự do cư trú của công dân ; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông :

"Lâu nay họ dùng hộ khẩu thường trú để ngăn cản người dân di chuyển từ vùng này qua vùng khác. Thực chất họ không làm được. Người dân có nhu cầu thì họ vẫn đi. Ví dụ người nông dân gặp mùa màng thất bát, đất đai bị thu hồi khiến cuộc sống của họ ở vùng thôn quê quá khó khăn so với việc tìm kiếm công việc ở đô thị.

Việc người dân tràn về các đô thị nó gần như là chuyện không thể ngăn cản kể cả bằng biện pháp hành chánh là dùng hộ khẩu. Vì vậy chính quyền gần như phải chấp nhận thực tế đó. Có thể sắp tới họ sẽ có cách khác để kéo dãn dân cư khu đô thị, chẳng hạn như nâng cao đời sống của người dân nông thôn tới mức độ hô không cần phải đi đâu nữa". 

Luật cư trú năm 2020 được cho là xóa bỏ rào cản trong việc đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương và rút gọn thời gian giải quyết đăng ký thường trú từ 15 ngày xuống còn bảy ngày.

Theo Bộ Công an, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân ; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

Cựu đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho hay, trước đây Nhà nước quản lý rất chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu nên vấn đề cư trú ở một địa phương rất khó khăn, hạn chế đi lại và làm ăn của công dân. Nay, theo phản ảnh của người dân, Quốc hội đã xây dựng Luật cư trú mới nhằm tạo điều kiện cho bất kỳ người dân nào trên đất nước Việt Nam có thể cư trú, mua nhà mua cửa ở bất cứ đâu một cách dễ dàng. Ông nói tiếp :

"Trước đây phải có hộ khẩu ở nơi công tác hay sinh sống thì mới được quyền mua nhà. Bây giờ vấn đề này đã được pháp luật bảo vệ, tạo điều kiện cho người dân mua nhà nơi nào họ muốn và sẽ đăng ký thường trú tại đó. Như vậy quyền công dân về cư trú, đi lại được mở rộng, nhất là quyền về con người trong tương lai sẽ được pháp luật bảo vệ.

Ngoài quyền tự do cư trú, đi lại của người thì nhà nước cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý. Chính quyền địa phương các cấp sẽ quản lý con người trên địa bàn mình chặt chẽ và thuận lợi hơn".

Trước đây, để có hộ khẩu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người dân phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú, từ một đến hai năm, tùy từng địa bàn. Với Luật Cư trú 2020 thì người dân chỉ cần đáp ứng điều kiện có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình là có thể có hộ khẩu điện tử.

Chiều 25 tháng Hai năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo Bộ Công an đã bấm nút chính thức khai trương hai dự án số hóa có quy mô lớn là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Điều này có nghĩa Việt Nam chính thức vận hành hệ thống quản lý cư dân bằng điện tử thay cho hộ khẩu giấy.

Đón nhận tin này, blogger Tuấn Khanh cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang hướng về hướng của một thế giới văn minh. Tuy nhiên việc quản lý cụ thể như thế nào thì cần phải có thời gian để chứng minh rằng Chính phủ Việt Nam thật sự có sự rộng mở và quản lý con người một cách văn minh như các quốc gia văn minh trên thế giới hay không. Bởi vì cho đến lúc này, có rất nhiều người tại Việt Nam hoàn toàn không có giấy tờ gì hết.

Theo Luật Cư trú năm 2020, một người dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi người này được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú.

Là một người dân sinh sống và làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh trên 20 năm nhưng vẫn trong thân phận tạm trú ở thành phố lớn này, cô Diệu Hạnh bày tỏ niềm vui khi biết trong tương lai mình sẽ được đăng ký thường trú. Vô nói :

"Lâu nay em chỉ có tạm trú, bây giờ mà được thường trú thì nó thuận lợi cho công việc, cho học hành và việc đi lại dễ dàng hơn. Mình không thấy sự phân biệt giữa người ở quê và người thành phố trong cư trú. Lẽ ra Nhà nước nên làm điều này lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới làm. Em nghĩ sự thay đổi này tốt cho cả người dân lẫn Nhà nước trong quản lý. Đến 1/7 này em sẽ đi đăng ký thường trú".

Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi sổ Hộ khẩu ; cấp lại sổ Hộ khẩu ; cấp Giấy chuyển hộ khẩu.

Nếu Việt Nam bãi bỏ hoàn toàn chế độ hộ khẩu thì trên thế giới chỉ còn hai nước duy trì chế độ hộ khẩu là Bắc Hàn và Trung Quốc. Cả ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn đều là những nước trên lý thuyết theo Chủ nghĩa Cộng sản.

*******************

Người thứ hai tự ứng cử Quốc hội khóa 15 bị bắt giữ vì cáo buộc "phát tán tài liệu chống nhà nước"

RFA, 27/03/2021

Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội, bắt giữ ông Lê Trọng Hùng vào sáng ngày 27-3-2021 sau khi ông này có đơn đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ mình trong quá trình ông vận động tranh cử đại biểu Quốc hội.

cutru2

Ông Lê Trọng Hùng - Facebook Hùng Gàn Lê

Ông Hùng là một trong hơn 70 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 (2021 - 2026).

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do chiều ngày 27-3 gọi điện thoại cho cơ quan An ninh điều tra Hà Nội, tuy nhiên người bắt máy từ chối trả lời câu hỏi và yêu cầu phóng viên đến trực tiếp cơ quan để làm việc. 

Bà Đỗ Lê Na, vợ ông Hùng cho RFA biết, ông bị bắt khi đang trở về nhà và cơ quan công an tự động lấy chìa khóa mở cửa và lục soát ngôi nhà của 2 vợ chồng. Bà thuật lại vụ việc qua điện thoại như sau : 

"Chiều hôm qua họ cho người đến canh nhà thì gia đình cứ nghĩ rằng họ canh bình thường thôi, không biết rằng là có việc gì mà họ canh ; hay có thể là do anh Hùng viết đơn đơn yêu cầu bảo vệ anh ấy để tranh cử gửi lên các cơ quan công an. 

Chiều hôm qua thì có một người đến canh gia đình cũng chủ quan thì chỉ nghĩ là liên quan đến việc đấy thôi. 

Đến sáng nay thì thì tầm 10 giờ anh ấy đưa hai con đi chơi về, về gần đến nhà còn khoảng chục mét nữa ra thì người ta (công an Hà Nội-PV) bắt anh ấy đi không cho vào nhà, mà bắt anh ấy đi luôn.

Họ đưa hai con tôi vào nhà của hàng xóm sau đó thì người ta cướp lấy cái chìa khóa từ chồng mình và người ta mở khóa nhà mình đột nhập vào. 

Tôi đang làm việc ở trên tầng 3 họ lên họ bắt mình xuống xong sau đó đọc lệnh khám nhà. 

Họ nói là họ khám nhà để tịch thu các tài liệu liên quan đến vụ án 'Tàng trữ phát tán tài liệu chống phá nhà nước'".

Bà Đỗ Lê Na cho hay, bà không ký vào biên bản khám xét nhà do gia đình không có ai chứng kiến việc khám xét, do vậy công an cũng không giao biên bản cho gia đình. 

Ông Lê Trọng Hùng hôm 18/3 đăng tải trên Facebook cá nhân các hình ảnh và tài liệu cho thấy ông đã nộp đơn tự ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 15 tại Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội và Sơ yếu lý lịch của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của ông cũng có mộc đỏ của phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. 

Ông Hùng là một trong số ít người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội có chương trình hành động là dự án xây dựng Đại lộ Công dân cho dân tộc Việt Nam bằng cách trao tặng các bản Hiến pháp Việt Nam, vận động thành lập tòa bảo hiến và vận động Quốc hội ra luật biểu tình, luật giám sát của công dân... 

Bà Đỗ Lê Na cho biết bà ngạc nhiên khi chồng bà bị bắt vì sau thời gian trao tặng các quyển sách Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam hiện tại, ông Hùng chuyển qua ứng cử Đại biểu Quốc hội để việc phổ biến Hiến pháp được rộng rãi hơn. Bà nói :

"Mình thấy rất là ngạc nhiên và rất là bất bình bởi vì là một người làm tốt cho nhà nước, cho xã hội... thậm chí cái việc làm của anh ấy bạn bè ở bên phía dân chủ cũng không thích, họ nghĩ anh ấy đang làm lợi cho nhà nước.

 Có nhiều người không thích và bên nhà nước họ cũng không thích chồng mình, chẳng hiểu là như thế nào trong khi việc làm đó là hoàn toàn đúng".

Ông Lê Trọng Hùng sinh năm 1979, là cựu giáo viên dạy môn Hóa, Sinh của trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. 

Năm 2015, ông nghỉ dạy sau khi tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng nhà trường và sau đó tham gia làm báo độc lập bằng các chương trình phát sóng trực tiếp trên Facebook, Youtube với một số nhà hoạt động khác gọi là kênh truyền hình CHTV. 

Thời gian gần đây ông chuyển sang vận động mua sách Hiến Pháp Việt Nam và đem trao tặng cho nhiều người dân trong khắp cả nước đến ngày bị bắt. 

Hiện nay cơ quan chức năng và báo chí nhà nước Việt Nam chưa có thông tin về vụ việc bắt giữ ông Lê Trọng Hùng. 

Hôm 11/3, cơ quan An ninh điều tra, công an tỉnh Ninh Bình cũng bắt giữ ông Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, một người cũng nộp đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội với cáo buộc tội danh "Phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước". 

*******************

Có thật nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm như lời các lãnh đạo ?

RFA, 26/03/2021

Trưởng ban Dân vận Trung ương mới đây lại phát biểu : Nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, là chủ thể của sự nghiệp đổi mới đất nước. Trước đó, nhiều lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Hà Nội cũng có những phát biểu tương tự về vai trò của người dân mà họ nói là quan trọng.

cutru3

Hình minh hoạ. Đường phố Hà Nội với cờ của Đảng cộng sản Việt Nam hôm 22/1/2021 AFP

Phát biểu như vừa nêu của Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai được đưa ra tại Hội nghị góp ý cho Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận diễn ra tại Hà Nội chiều 25/3.

Theo lời bà Trương Thị Mai được báo Nhà nước Việt Nam trích dẫn, một trong những công tác dân vận cần tập trung là thực hành và phát huy rộng rãi sự dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân.

Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội ; khơi dậy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trao đổi với RFA tối 26/6, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho rằng, phát biểu của người đứng đầu Ban Dân vận Trung ương đúng về mặt lý luận nhưng thực tế không như lời bà nói.

"Tôi hiểu bà Mai là người rất muốn làm thật nhưng thời gian qua bà và đồng chí của bà không làm được, đọc như thế chỉ là đọc, chỉ là lời nói, không phản ánh sự thật mà chỉ phản ánh những gì họ viết ra".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng từ nhiều năm nay, những người dân Việt Nam không được có vai trò gì, nên nói vai trò trung tâm trong phát triển ở đất nước này là điều hoàn toàn không đúng mà ai ở Việt Nam cũng nhìn thấy.

Từ Hà Nội, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, người từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, nhận định :

"Đó chỉ là chiêu bài lừa mị người dân, là cái tuyên huấn nói hàng ngày hàng giờ nhưng không có thật, người ta đội lốt nhân dân để làm những việc đó.

Nếu nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng chế độ hoặc xây dựng đời sống người dân hoặc câu của Trưởng Ban Dân vận thì nhân dân phải được hoạch định các đường lối chính sách, phải được bầu ra những người đại diện cho mình và cùng với họ nhân dân thực thi những kế hoạch, chiến lược, sách lược của nhân dân đề ra. Cuối cùng là nhân dân kiểm tra kết quả những cái đó".

Những điều Nhà báo Nguyễn Vũ Bình vừa nêu cũng được nhắc đến trong hội nghị ngày 25/3 về mục tiêu Ban Dân vận cần tập trung thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Tuy nhiên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng, mục đích của Ban Dân vận chỉ trên lý thuyết. Ông nêu lên thực tế xã hội hiện nay :

"Ta thấy bốn vấn đề nhân dân chỉ có mỗi việc thực hiện các chính sách của đảng, nhà nước chứ không hề được bầu ra người đại diện lãnh đạo mình. Ta biết đảng cử dân bầu mà dân có được bầu đâu vì tất cả mọi cái đã được sắp đặt trước. Bây giờ các ghế Chủ tịch nước, Thủ tướng, chủ tịch Quốc hội đã biết trước thì dân nào được tham gia.

Thứ hai là dân không được hoạch định chính sách, tất cả góp ý đều vứt sọt rác, chỉ có đảng đưa ra đường lối chính sách theo quan điểm của Đảng, theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cuối cùng là kiểm tra kết quả, hiệu quả làm việc thì người dân có được kiểm tra đâu, cũng lại là đảng và nhà nước kiểm tra với nhau, báo cho dân thế nào thì dân biết vậy".

Không chỉ những quyền dính dáng đến bộ máy nhà nước như vừa nêu, mà ngay cả những quyền công dân cơ bản người dân cũng chưa được đảm bảo đầy đủ, theo lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp :

"Quyền làm người, quyền lao động, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền đi lại, quyền tự do ngôn luận không có, nên bà Mai nói đúng lý luận nhưng không đúng thực tế, người ta không làm được và làm đúng như thế".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng cho rằng không chỉ riêng bà Trương Thị Mai, mà nhiều lãnh đạo khác của Chính phủ Hà Nội cũng có phát biểu tương tự khi đề cao vai trò nhân dân, dù mỗi khi nói đến nhân dân thì lãnh đạo lại mập mờ.

Giải thích nguyên nhân, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng đấy chỉ là một lý luận được đặt vào sách, đặt vào đường lối, rồi viết và đọc ra. Do đó, không khó để phát hiện các nội dung mà những lãnh đạo phát biểu về dân đều giống nhau.

Còn theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, sở dĩ nhiều phát biểu về nhân dân hay được lãnh đạo nhắc đến chỉ vì mục đích duy nhất là tuyên truyền. Điều này theo ông được thể hiện rõ nếu ta nhìn vào đời sống người dân, nhìn vào quyền con người của người dân, nhìn vào những ứng xử của nhà nước đối với dân.

"Đó là cái từ xưa đến nay, từ khi khởi thủy nhà nước cộng sản này đến giờ phút này thì tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuyên huấn, dân vận, tất cả đều nói như thế nhưng đều làm ngược lại. Người ta chỉ biết quyền lợi của Đảng, của Nhà nước mà không quan tâm đến dân".

Tại buổi Hội nghị về công tác dân vận chiều 25/3 cũng nhắc đến nội dung về việc công tác dân vận phải quan tâm thực chất đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Ngoài ra còn phải đề cao vai trò làm chủ của người dân, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng đất nước, bảo vệ quyền lợi chính mình…

Thực tế cuộc sống người dân có được quan tâm như nội dung vừa nêu hay không ? Ông Hai Lúa, một người dân Cần Thơ nêu lên cảm nghĩ của ông như sau :

"Mấy ông cộng sản không nói gì thực tế, nói vậy từ lâu rồi, đối xử nhân dân thì mấy ông lo cho mấy ông, nhân dân nói gì được đâu, đói no nhân dân chịu, mấy ông không lo gì cho dân".

Published in Việt Nam
mercredi, 24 mai 2017 18:18

Đối thoại

Kể từ khi nhậm chức, 2/2016, hơn một năm im hơi lặng tiếng, nhạt nhòa và chìm khuất, sau hội nghị trung ương 5, tháng năm, năm 2017, bỗng ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng xuất hiện với một câu nói sáo rỗng, rất tiêu biểu cho ngôn ngữ Tuyên giáo cộng sản : "Cấp ủy các cấp phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, lấy tư tưởng của Người để soi rọi hành động, phải đổi mới lề lối tác phong làm việc, thực sự dân chủ, khoa học, thực sự gần dân, sát dân" và một đề xuất bất ngờ, độc đáo, táo bạo, như một người dân chủ, cấp tiến : "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý".

tranhluan1

Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng noài : Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận

Nếu chỉ nói suông, câu này cũng sáo rỗng như câu trên mà thôi nhưng ông Trưởng ban Tuyên giáo cho biết đã trình dự thảo và đang chờ ban bí thư thông qua văn bản hướng dẫn về việc trao đổi và đối thoại với những cá nhân có sự nhìn nhận khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng và nhà nước cộng sản. Điều này làm cho nhiều người, nhất là những trí thức đang canh cánh nỗi niềm về vận nước khấp khởi chờ đợi. Nhưng sự chờ đợi đó có cơ sở không ?

Với tất cả các loại hình nhà nước có trong lịch sử loài người thì nhà nước cộng sản bằng ngôn từ đã đưa người dân lên vị trí cao chót vót. Từ ngữ "Nhân dân", "Người dân" có tần số sử dụng đến lạm phát đạt kỉ lục ngày càng cao. Nhân dân làm chủ. Chính quyền nhân dân. Ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... Đến những công cụ bạo lực chuyên chính vô sản của nhà nước cộng sản để nô dịch dân, tước đoạt mọi giá trị làm người của người dân cũng mang tên nhân dân : công an nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân...

Hiện nay nhà nước cộng sản còn sử dụng thêm một công cụ mới, một lực lượng mới để đàn áp người dân đòi quyền sống, đòi quyền làm người đó là côn đồ. Với cách sử dụng tràn lan lá bùa "nhân dân" có lẽ công cụ đàn áp mới này rồi cũng sẽ được mang tên côn đồ nhân dân.

tranhluan2

Nhà nước cộng sản còn sử dụng thêm một công cụ mới, đó là côn đồ để đánh dân

Người dân được ngôn từ nhà nước cộng sản đề cao như vậy nhưng thực tế trong nhà nước cộng sản, người dân bị coi thường, bị khinh bỉ, bị sỉ nhục nặng nề nhất, bị đối xử tàn tệ, nhẫn tâm nhất.

Mọi người dân sống trên lãnh thổ Việt Nam đều là nạn nhân của một thực tế cay đắng : Người dân chỉ là "quần chúng cách mạng" để những người cộng sản sử dụng cướp chính quyền và giữ chính quyền. Đất nước chỉ là kho tài nguyên và người dân chỉ là kho sức người để những người cộng sản huy động làm cách mạng và chiến tranh xác lập và củng cố quyền cai trị của đảng cộng sản, để những người cộng sản cầm quyền vơ vét, bòn rút tài nguyên đất nước, bóc lột người dân, làm giầu trên sự tan hoang của đất nước, trên nỗi thống khổ của người dân. Ngôn từ tuyên truyền là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng thực tế cay đắng là "mọi việc đã có đảng và nhà nước lo". Quyền công dân, quyền làm chủ đất nước của người dân bị điều 4 Hiến pháp tước đoạt. Người dân không có quyền con người, không có quyền công dân, không có tư thế bình đẳng của những công dân tự do, làm sao có thể đối thoại !

Với nhà nước cộng sản, người dân có mặt trong cuộc đời chỉ mang thân phận thần dân, không có tư cách công dân, người dân có mặt trong cuộc đời chỉ với tư cách công cụ, không có tư cách con người. Người dân nào không cam tâm làm công cụ, đòi quyền làm người, người dân nào không cam phận làm thần dân, cất tiếng nói công dân liền bị nhà nước độc tài cộng sản đẩy sang thế lực thù địch, bị đàn áp, trừng trị bằng bạo lực côn đồ xã hội đen và bạo lực công an nhà nước, bị tù tội bằng luật pháp bất công cộng sản với những điều luật hình sự 79, 88, 258 như cạm bẫy giăng bủa. Chủ nghĩa Mác Lê trở thành một tôn giáo, một thần quyền tạo ra quyền uy tối cao, khép kín để đảng cộng sản thống trị xã hội như thời trung cổ. Xã hội đó, không gian luật pháp và không gian chính trị đó không thể có đối thoại thực sự.

Có phải trong thời đại công nghệ thông tin, nhà nước cộng sản không thể duy trì mãi chính sách ngu dân, không thể bưng bít tuyệt đối thông tin, không thể bưng bít mọi sự thật được nữa. Ngày càng có đông đảo người dân tiếp cận được nhịp sống thời đại dân chủ, càng có đông đảo người dân ý thức được quyền con người, quyền công dân, quyền sống, quyền làm chủ đất nước của mình, do đó ngày càng có đông đảo "thế lực thù địch" thách thức sự tồn tại của nhà nước độc tài cộng sản đang nô dịch con người và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Và đối thoại chỉ là chiếc van xả bớt áp lực xã hội đối với nhà nước độc tài cộng sản mà thôi.

tranhluan3

Người dân nào cất tiếng nói công dân liền bị đàn áp, trừng trị bằng bạo lực côn đồ xã hội đen và bạo lực công an nhà nước

Nếu thực sự muốn đối thoại với dân, đối thoại với những quan điểm, ý kiến của dân khác biệt với nhà nước cộng sản thì những quan điểm, ý kiến khác biệt của dân đã lên tiếng, đã mở lời suốt nhiều năm nay rồi đó. Những kiến nghị, những tuyên bố, những bản lên tiếng của hàng trăm trí thức, của hàng ngàn công dân về những vấn đề, những sự kiện đang đe dọa sự sống còn, sự toàn vẹn của đất nước, đang đe dọa mạng sống của người dân và đe dọa cả sự tuyệt diệt của giống nòi. Kiến nghị về Boxit Tây Nguyên, về thảm họa Formosa. Kiến nghị về xây dựng bản Hiến pháp dân chủ để có một nhà nước thực sự của dân. Tuyên bố về những tượng đài hàng ngàn tỉ đồng hoang phí, xa xỉ, kệch cỡm, lạc lõng trên sự đói nghèo, bần cùng của người dân. Bản yêu sách đòi hỏi phải gấp gáp thay đổi chính sách đất đai. Bản lên tiếng về cái chết thương tâm của người dân lương thiện dưới tay công an nhà nước cộng sản. Những kiến nghị, tuyên bố, bản lên tiếng đó đòi hỏi phải được trả lời, đối thoại của đảng cộng sản cầm quyền và của nhà nước cộng sản. Nhưng hàng ngàn người dân kí kiến nghị, kí tuyên bố, kí bản lên tiếng chỉ nhận được sự im lặng lì lợm, bất chấp văn hóa hành chính nhà nước của một thể chế coi thường dân, khinh bỉ dân.

Nếu nhà nước cộng sản bỗng bừng tỉnh khỏi cơn say bạo lực, muốn thay công cụ đối thoại là bạo lực bằng đối thoại ngôn từ, lí lẽ, thay lực lượng đối thoại với dân là công an, tòa án nhà tù bằng tuyên giáo thì trước hết phải xóa ngay những bản án, những bản cáo trạng bất công và bất lương đối với nhà tư tưởng lớn Trần Huỳnh Duy Thức, đối với nhà báo trung thực Nguyễn Hữu Vinh, đối với trái tim người mẹ nặng tình yêu nước thương nòi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đối với luật sư khẳng khái Nguyễn Văn Đài... Vì những Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Thúy Nga, Lưu Văn Vịnh, Hoàng Đức Bình... chỉ là những người có tiếng nói, quan điểm khác biệt với nhà nước cộng sản đã bị nhà nước cộng sản sử dụng những điều luật vi hiến, mơ hồ, mù mờ buộc tội. Xóa bản án phi pháp mà nhà nước cộng sản đã gán cho họ và trước hết hãy đối thoại với họ. Họ chính là trí tuệ, khí phách, tâm hồn Việt Nam hôm nay. Họ chính là những người xứng đáng nhất đại biểu cho tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối thoại với nhà nước cộng sản.

Phạm Đình Trọng

(24/05/2017)

Published in Quan điểm