Gọi là ‘tòa soạn chính danh’ vì các tờ báo này được Nhà nước Việt Nam cấp phép hẳn hoi, giấy phép vẫn còn hiệu lực.
Việt Nam ký đủ các công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, trong đó có tự do báo chí, ngôn luận và tư tưởng, nhưng Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu phải ‘dừng hoạt động xuất bản’, với lý do ‘quy hoạch báo chí’, thì phải dừng
Các tòa soạn hoạt động theo đúng hành lang pháp lý của Hiến pháp, của Luật Báo chí. Điều đó có nghĩa những tờ báo này chỉ có thể bị đình bản trong các trường hợp như vi phạm pháp luật, giấy phép hết hạn và không được cấp lại, tự dừng xuất bản vì lý do vốn liếng…
Thế nhưng ngay tuần lễ chuẩn bị đón mừng năm mới Canh Tý, tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, phiên bản báo giấy lẫn báo điện tử đều được Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu phải ‘dừng hoạt động xuất bản’ với lý do ‘quy hoạch báo chí’. Yêu cầu này tương tự như người dân ở bán đảo Thủ Thiêm, ở khu vườn rau Lộc Hưng đang sống yên ổn, bổng ‘đùng một cái’ nhận mệnh lệnh hành chính là phải ‘dỡ bỏ nhà cửa’, chờ ‘quy hoạch’ xong thì sẽ biết được ở đâu, làm gì…
"Việt Nam ký đủ các công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự, trong đó có tự do báo chí, ngôn luận và tư tưởng, nhưng không có một tổ chức tự do được thành lập để bảo vệ các quyền này và tương tự Việt Nam còn thiếu các cơ chế để đảm bảo thực thi các điều luật liên quan" – Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, có lần đã nhận xét như vậy với giới truyền thông quốc tế.
Lâu nay, người ta vẫn quen với nhìn nhận về các câu hỏi như sau đối với nền báo chí tại Việt Nam : Thế nào là tự do báo chí ? Tự do báo chí thì có tin người ta cứ đưa và người ta chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Ở Việt Nam thì không đơn giản. Đưa phải có định hướng, đưa phải có chỉ đạo. Tức là đưa mà trái ý, thì người đưa mà có thẩm quyền đi đứt trước.
"Có quyền phản biện những chủ trương mà đưa ra không thiết thực, thì người ta có quyền phản ứng, chống lại không ? Ở Việt Nam mà cứ máy móc phản biện là không được, làm cái đó coi chừng vi phạm pháp luật. Vụ việc nhà báo Phạm Chí Dũng là một ví dụ". Luật sư Trần Quốc Thuận nhắc nhở.
Trong một hội luận trên kênh BBC ngày 10/5/2019, nhà báo Phạm Chí Dũng đã đưa ra đề xuất : "Tôi chỉ có hai đề nghị ngắn thôi. Một là nên bỏ ngay khái niệm ‘báo chí Cách mạng’, mà nên đổi ngược lại là cách mạng báo chí. Và điều thứ hai, chính quyền Việt Nam phải có sự thay đổi, trả tự do cho những người đấu tranh cho tự do báo chí và lo cho quyền lợi của người dân".
Cả hai ‘đề nghị ngắn’ đó khả năng không thể thực hiện được ở Việt Nam lúc này, bởi ngay cả những tờ báo thuộc hệ thống Nhà nước cũng đang lâm cảnh dở khóc dở cười, khi họ buộc phải ‘dừng hoạt động xuất bản’ để phục vụ cho bản quy hoạch báo chí, mà người chỉ đạo chấp bút bản quy hoạch này là cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn, người vừa bị án hình sự sơ thẩm tuyên 14 năm tù.
"Tao muốn làm người lương thiện ! Ai cho tao lương thiện ?" – Đấy là câu nói của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, nó khiến cho những ai có lương tri đếu cảm thấy đau lòng, đều phải ưu tư. Những tưởng tâm trạng chua xót, bi thương và bế tắc ấy chỉ có trong truyện Chí Phèo, chỉ có trong thời kỳ trước Cách Mạng Tháng 8/1945, thế mà trong xã hội hiện tại vẫn không có không ít người phải đau đớn thốt lên rằng : "Ai cho tôi làm người lương thiện ?".
"Tự do báo chí và quyền làm báo của các tòa soạn chính danh ư ? Hãy nhìn vào tình cảnh của Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ thấy ngay về những Chí Phèo hôm nay trong làng báo chí cách mạng Việt Nam" – Ông Xứng, một đại lý phát hành sách báo khá tên tuổi ở Sài Gòn, cảm thán.
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 18/01/2020