Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tô Đại đã để vuột mất chiến thắng trước Tổng Trọng trong gang tấc như thế nào ?

Trà My, Thoibao.de, 20/05/2024

Hội nghị Trung ương 9 của Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc sáng 18/5, theo lịch trình đã sắp xếp, với thời gian 3 ngày, trong bối cảnh, cuộc chiến quyền lực trên thượng tầng lãnh đạo cấp cao có dấu hiệu cho thấy, phe Tổng Trọng đã lật ngược được thế cờ, đẩy Bộ trưởng Tô Lâm vào thế bị động.

tolam1

Đại tướng Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an trung ương đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự hội nghị ngày 7/12/2022

Theo giới quan sát, nhiều tháng qua, ông Tô Lâm và lãnh đạo Bộ Công an lợi dụng chủ trương chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", để hạ bệ hàng loạt lãnh đạo cấp cao.

Đáng chú ý, bà Trương Thị Mai – một chính khách nữ nổi tiếng, về điều được cho là "sạch sẽ nhất", bất ngờ chủ động xin từ chức, và được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn thuận trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 9.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, đã có liên tiếp 3/5 lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng lần lượt khăn gói ra đi, với cùng tội danh tham nhũng. Theo một số ý kiến, nhân vật kế tiếp sau bà Mai sẽ bị Bộ Công an "rờ tiếp", khả năng cao sẽ là Tổng Trọng, chứ không phải ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao, Bộ trưởng Tô Lâm và Ban lãnh đạo Bộ Công an đang ở thế mạnh như chẻ tre trước đó, bỗng bị lật ngược thế cờ nhanh chóng, "từ đỉnh cao về vực sâu" ?

Có một điều cần khẳng định, đó là, sự góp mặt của các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng như Lương Cường và Phan Văn Giang, đã giúp ông Trọng nhanh chóng xoay chuyển tình thế, là điều ai cũng biết. Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, một loạt hồ sơ về các sai phạm của Bộ trưởng Tô Lâm và Công ty Xuân Cầu Holdings – Công ty gia đình của Tô Lâm, với quy mô khổng lồ, đã bị Bộ Quốc phòng điều tra và xử lý.

Trước đó, theo giới phân tích, nếu Công ty Xuân Cầu Holdings của ông Tô Dũng – em trai Tô Lâm, mà bị quân đội điều tra, thì đây chính là mối hiểm họa tiềm ẩn lớn nhất đối với sự nghiệp chính trị của Tô Lâm.

Nguồn tin của thoibao.de mới đây còn tiết lộ :

"Có một Công ty rất lớn của Tập đoàn Xuân Cầu ở Tây Ninh, vốn là địa bàn chính trị cũ của ông Trần Lưu Quang – Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và Bí thư Thành ủy Hải Phòng".

Đáng chú ý, ông Quang được nhà Tô Lâm xem như người trong gia đình.

Quan trọng hơn, theo ý kiến một số người, sự thất bại của Tô Lâm là do quá "chủ quan khinh địch". Lẽ ra, theo chủ ý của Bộ tham mưu riêng cho Tô Lâm, do Tướng Nguyễn Văn Hưởng cầm đầu, thì trước khi buộc bà Mai phải chủ động xin từ chức, thì Bộ Công an phải lật lại hồ sơ về những sai phạm của Trợ lý Tổng bí thư Hồ Mẫu Ngoạt. Cách làm này theo đúng kịch bản "bắt trợ lý để buộc thủ trưởng phải từ chức", mà Tô Lâm rất thành thạo.

Dư luận và giới thạo tin cho rằng, Trợ lý của Tổng Trọng – ông Hồ Mẫu Ngoạt, là một "trùm" chuyên buôn vua và chạy án tham nhũng. Đó là lý do vì sao, trong công tác nhân sự của Tổng Trọng, có rất nhiều ủy viên Trung ương khóa trước đã bị hay đang chờ kỷ luật, mà đến Đại hội Đảng khóa sau vẫn được Tổng Trọng đưa vào cơ cấu để trở thành ủy viên Trung ương, thậm chí lên tiếp ủy viên Bộ Chính trị, là vì như vậy.

Xin nhắc lại, theo thoibao.de đã đưa tin, tháng 9/2020, một Ủy viên Trung ương phụ trách Công tác bảo vệ Chính trị Nội bộ, đã chủ động gặp và yêu cầu Tổng Trọng phải cho Trợ lý Hồ Mẫu Ngoạt nghỉ hưu ngay lập tức. Nếu không, sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng xử lý bằng pháp luật. Chỉ sau đúng 2 tuần, Hồ Mẫu Ngoạt lặng lẽ "khăn gói quả mướp" về vườn.

Sau Đại hội 12, Hồ Mẫu Ngoạt không trúng Ủy viên Trung ương Đảng, theo quy định, ông không đủ tiêu chuẩn đảm trách chức vụ Trợ lý Tổng bí thư. Nhưng Tổng Trọng bất chấp quy định, vẫn để cho Hồ Mẫu Ngoạt tiếp tục làm Trợ lý của mình. Và thế là, ông Ngoạt lại tiếp tục làm mưa làm gió.

Đó là lý do khiến người ta tiếc cho Bộ trưởng Tô Lâm, chỉ vì một phút lơ là mà làm hỏng "đại sự", và bỏ lỡ cơ hội trở thành Tổng bí thư – người có quyền lực cao nhất của Việt Nam.

Trà My

************************

Một mông 2 ghế, Tô khiến cả Bộ Chính trị kinh hồn bạt vía ?

Thái Hà, Thoibao.de, 20/05/2024

Sáng ngày 19/5, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, cho biết, Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an, vì thế, Quốc hội kỳ này vẫn chưa phê chuẩn hay miễn nhiệm đối với chức danh này.

tolam2

Ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm luôn cả 2 chức : Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an ; ông sẽ ở luôn cả hai nơi : Phủ Chủ tịch và Trụ sở Bộ Công an

Thông báo này cũng đồng nghĩa với việc, ông Tô Lâm sẽ đồng thời kiêm nhiệm luôn cả 2 chức : Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Quan trọng nhất, điều này sẽ làm đảo lộn trật tự nhà nước.

Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước là cấp trên của Thủ tướng – người có thẩm quyền trình Quốc hội, đề nghị bãi nhiệm Thủ tướng. Nhưng về mặt Chính phủ, ông Tô Lâm lại là một Bộ trưởng cấp dưới của Thủ tướng. Thủ tướng có thể trình Quốc hội, đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Tô Lâm.

Có nhà phân tích đặt ra tình huống trớ trêu, tại thời điểm Quốc hội không nhóm họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải trình Chủ tịch nước Tô Lâm, để bãi nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Nhân sự cho vị trí Bộ trưởng Công an không thiếu, ít nhất, có đến 3 người có thể trám vào vị trí Bộ trưởng Bộ Công an ngay lập tức. Đó là các ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Hòa Bình, Trần Cẩm Tú – cả 3 đều là ủy viên Bộ Chính trị.

Với nhân sự hùng hậu như thế, mà lại để cho Tô Lâm kiêm nhiệm chức Bộ trưởng, điều này cho thấy, phe của Tổng Trọng không đủ khả năng cắt được quyền lực của Tô Lâm. Rất có thể, đây chính là điều mà Tô Lâm muốn.

Nếu xảy ra trường hợp, Tô Lâm nắm giữ luôn cả 2 chức vụ này, thì còn gây nguy hại hơn cho đối thủ của ông – điều này còn nguy hiểm hơn cho trường hợp Tô Lâm làm Chủ tịch nước, và để "đồ đệ" gốc Hưng Yên làm Bộ trưởng.

Uy và quyền của Tô Lâm tại Bộ Công an, tất nhiên, lớn hơn Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc rất nhiều. Thiếu vắng Tô Lâm, thế lực Trần Quốc Tỏ có thể sẽ trỗi dậy. Đáng nói là, khi Tô Lâm làm Chủ tịch nước, ông ta sẽ có chân trong Quân ủy Trung ương, với tư cách là Ủy viên Thường trực. Lúc này, quyền lực của Tô Lâm sẽ tăng lên gấp bội.

Tại Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã gia cố Ban Bí thư, cho thêm 4 người trở thành ủy viên Bộ Chính trị. Kèm theo đó là nước cờ cao tay, kéo tướng Lương Cường về làm Thường trực Ban bí thư. Có tướng Lương Cường chấn trụ, trước những đợt tấn công như vũ bão của Tô Lâm.

Có thể, Tô Lâm sẽ không tấn công Lương Cường, vì Công an không có thẩm quyền điều tra Quân đội. Nhưng với vai trò kiêm nhiệm, Tô Lâm hoàn toàn có thể tấn công vào bất cứ vị trí nào khác của Ban Bí thư.

Vì thế, 4 tân Ủy viên Bộ Chính trị vừa mới được ông Trọng gia cố, có thể, sẽ là đối tượng để Tô Lâm tấn công đánh phá.

Hiện nay, nhiều cây bút lớn trên facebook, dẫn ra cả tiền lệ và Hiến pháp, để phân tích trường hợp của Tô Lâm.

Tuy nhiên, trong trường hợp này mà lại viện dẫn tiền lệ và Hiến pháp, thì sẽ hạn chế khả năng phân tích. Thực chất, đấu đá thượng tầng chính trị hiện nay, không còn theo luật lệ nào nữa, mà cũng chẳng tuân thủ theo tiền lệ. Nếu biết theo luật, theo lệ, thì chính trường thượng tầng đã không hỗn loạn như hôm nay.

Với việc kiêm nhiệm 2 chức vụ quan trọng này, Tô Lâm sẽ có đủ năng lực để đánh phá, hạ bệ bất kỳ ai có khả năng cản trở con đường lên chức Tổng bí thư.

Hiện nay, Ban Bí thư có đến 8 ủy viên Bộ Chính trị. Bất kỳ ai trong Ban này cũng có thể trở thành đối tượng mà Tô Lâm đánh phá. Ai cũng có phốt, ai cũng rất nhạy bén với "mùi tiền", nên ai cũng có thể trở thành đối tượng của Tô Lâm.

Chỉ với quyền lực Bộ trưởng Bộ Công an thôi, Tô Lâm còn đánh gục được 2 Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, thì "bây giờ" với vai trò Chủ tịch nước, kiêm luôn Ủy viên Ban Quân ủy Trung ương, sức mạnh của Tô Lâm đã nhân lên gấp bội. Có thể nói, tin Tô Lâm kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an, sẽ khiến rất nhiều kẻ trong Bộ Chính trị phải kinh hồn bạt vía.

Sắp tới, sẽ có khối kẻ ăn không ngon ngủ không yên, kể cả Phạm Minh Chính.

Thái Hà

************************

Từ 4 ứng viên, giờ còn Tô với Chính, trận "chung kết" sinh tử khó tránh ?

Hoàng Phúc, Thoibao.de, 20/05/2024

Sau kỳ họp Quốc hội, Tô Lâm sẽ chính thức nhận chức vụ mới, và sẽ có vị thế mới. Vị thế mới này sẽ quyết định việc Tô Lâm có đủ sức, đủ khả năng, để tiếp tục những trận chiến sinh tử tiếp theo hay không.

tolam3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an xem trưng bày ảnh về các hoạt động của lực lượng công an - Ảnh : VGP/Nhật Bắc

Mặc dù, Tổng Trọng đang ra sức bảo vệ chiếc ghế ông đang ngồi, trước sự tấn công của thế lực khác. Tuy nhiên, với tình hình sức khỏe như hiện nay, khó có khả năng ông sẽ tiếp tục được nhiệm kỳ thứ 4.

Với 16 người trong Bộ Chính trị hiện nay, trừ ông Nguyễn Phú Trọng, thì chỉ còn 2 người đạt tiêu chuẩn "hơn 1 nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị". Như vậy, cuộc tranh đấu để giành ghế Tổng bí thư mà ông Trọng đang ngồi, sắp diễn ra trận "chung kết", hoặc Tô Lâm, hoặc Phạm Minh Chính sẽ là người kế nhiệm Tổng bí thư.

Khi ông Tô Lâm đánh Vương Đình Huệ, có thông tin cho biết, Phạm Minh Chính đã bắt tay với Tô Lâm, để hạ ông Huệ. Tuy nhiên, cái bắt tay này chỉ là giai đoạn, là nhất thời, và chỉ trên danh nghĩa. Người có công hạ bệ ông Huệ là Tô Lâm, chứ không phải ông Phạm Minh Chính.

Có thể, ông Chính bắt tay với Tô Lâm chỉ để tránh gây thù chuốc oán với vị Bộ trưởng nhỏ nhen. Mục đích của ông Chính là tránh đối đầu với đối thủ mạnh.

Khi ông Vương Đình Huệ còn đương chức, có đến 3 ứng viên cho ghế Tổng bí thư. Giờ đây, chỉ còn 2 ứng viên, dù Phạm Minh Chính có né tránh, thì đến lúc cũng phải đối đầu với Tô Lâm để phân cao thấp, bởi ghế Tổng bí thư chỉ có một, và cũng không thể trao cho 2 người đồng sở hữu.

Trước Hội nghị Trung ương 9, Tô Lâm cho đánh mạnh vào Ban Bí thư, và đã thành công hạ gục Thường trực Ban Bí thư. Mục đích của Tô Lâm là tạo ra sự hỗn loạn, cũng như tạo ra khoảng trống, để có thể nhét đàn em vào.

Tuy nhiên, ngay lập tức, ông Tổng đã ra tay bịt lỗ hổng. Thậm chí, ông còn gia cố cho Ban Bí thư vững chãi hơn, so với khi mà Trương Thị Mai còn đương chức.

Nhưng Tổng Trọng chỉ mới gia cố Ban Bí thư, chứ chưa tung đòn phản công. Còn sự thành bại khi phản công, lại là chuyện khác. Nếu ông Tổng thành công, tức là loại được Tô Lâm ra khỏi vũ đài chính trị, thì kẻ hưởng lợi là Phạm Minh Chính. Trớ trêu thay, Phạm Minh Chính lại không phải là đệ tử của ông Tổng, mà là đệ của Nguyễn Tấn Dũng – đối thủ lớn nhất đời ông.

Vậy nên, khả năng ông Trọng gia cố Ban Bí thư, là để bảo vệ ông không bị tấn công, hơn là trù tính việc phản công. Bởi nếu phản công, dù thắng hay bại, thì kết quả cũng là để kẻ khác hưởng. Hiện nay, đệ ruột của Tổng Trọng đã không còn ai đủ tiêu chuẩn, để kế nhiệm ông sau khi ông rời chính trường.

Còn 20 tháng nữa là đến Đại hội 14, Đảng vẫn đang rối như nồi canh hẹ. Không một ai đủ uy tín và quyền lực vượt trội, để ổn định tình hình. Ngay cả Tổng Trọng cũng đang phải "đấu tranh sinh tồn", thì làm sao có đủ khả năng thiết lập sự ổn định cho Đảng ?

Phạm Minh Chính và Tô Lâm từng cạnh tranh khốc liệt trong Bộ Công an. Cả 2 cùng được phong hàm cấp tướng cùng lúc, cùng được phân công làm Thứ trưởng Bộ Công an cùng lúc. Sự cạnh tranh đó đã kết thúc vào năm 2011, khi Phạm Minh Chính rời Bộ Công an, về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, cả 2 lại cùng lúc vào Bộ Chính trị. Chỉ đến năm 2021, Phạm Minh Chính mới vượt lên nắm chức Thủ tướng. Với thứ bậc trong Chính phủ, ông Chính là cấp trên của Bộ trưởng Bộ Công an.

Giờ đây, Đại hội 14 đang đến gần, và ứng viên cho ghế Tổng bí thư chỉ còn 2 người – Phạm Minh Chính và Tô Lâm. Thời gian tới, trận kịch chiến giữa 2 đối thủ đầy duyên nợ này, là điều khó tránh khỏi.

Nếu ông Trọng chết trước Đại hội 14, trận kịch chiến sẽ diễn ra sớm hơn, gay cấn hơn, khốc liệt hơn. Hứa hẹn cung đình sẽ có phim hay để xem.

Hoàng Phúc

************************

"Ông Trần Lưu Quang có quan hệ mang tính chất gia đình với nhà Tô Lâm"

Tin nội bộ, Thoibao.de, 20/05/2024

Một nguồn tin nội bộ tiết lộ như trên.

tolam4

Trần Lưu Quang (thứ ba từ phải) và Tô Dũng (thứ hai từ phải) em trai Tô Lâm. Lúc đó ông Quang, tuy đang làm Phó Bí thư Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng về Tây Ninh tham dự lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và 2.

Ông Trần Lưu Quang, quê quán ở Tây Ninh, nhưng ông sinh ra tại Hà Nội năm 1967, vì bố và mẹ ông cùng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Do đó tuổi thơ của ông Quang cũng gắn liền với miền Bắc.

Bố Trần Lưu Quang trước đây là cận vệ cho Tô Quyền, bố Tô Lâm, khi Tô Quyền hoạt động trong địa bàn Tỉnh Tây Ninh trong thời chiến tranh trước năm 1975, nên có ơn nghĩa với nhau.

Mẹ ông Trần Lưu Quang là bà Nguyễn Thị Huệ (1931-2022) quê ở Giồng Trôm, Bến Tre ; là đồng hương với cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Ngân. Bà Huệ sinh tất cả những người con trên đất Bắc, con trai út là Trần Lưu Quang. Sau năm 1975, cả gia đình về lại Tây Ninh. Bà Huệ từng giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Còn bố ông Quang từng làm Tổng Biên tập Báo Tây Ninh.

Ông Quang thăng tiến rất nhanh, tháng 6/2010 ông bắt đầu làm Bí thư của một huyện thuộc tỉnh Tây Ninh và chỉ 7 tháng sau (tháng 1/2011) ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Người nâng đỡ Trần Lưu Quang trên quan trường đó là đồng hương Tây Ninh, Nguyễn Văn Nên, tức Bảy Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, hiện là Bí thư thành Hồ.

Từ năm 2006 đến năm 2011, khi giữ chức Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh, ông Bảy Nên là người trực tiếp quy hoạch "cán bộ chiến lược", tiến cử Trần Lưu Quang làm ứng viên Dự khuyết Trung ương khóa XI, khi ông Quang (lúc đó mới 43 tuổi) chỉ là Bí thư huyện ủy Trảng Bàng.

Đầu năm 2023, việc Phạm Bình Minh bất ngờ "ngã ngựa", mở đường cho Trần Lưu Quang leo lên ghế Phó Thủ tướng.

Trước đó, khi làm Bí thư Tây Ninh gần bốn năm, từ 2015 đến 2019, Trần Lưu Quang không để lại bất kỳ dấu ấn gì, ngoại trừ việc dâng các dự án, "đất vàng" béo bở ở Tây Ninh cho các tập đoàn lớn như Vingroup, SunGroup, FLC, TNG Holding…, đặc biệt là Tập đoàn Xuân Cầu Holdings của Tô Dũng, em ruột của Tô Lâm.

Dự án nổi bật nhất của Tập đoàn Xuân Cầu tại Tây Ninh là các nhà máy năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3 với tổng nguồn vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, sử dụng 720 ha đất bán ngập hồ Dầu Tiếng. Không những đây là một dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn nhất nước, mà còn là là dự án lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng sạch với tổng công suất 500 MW.

Ngoài ra, UBND tỉnh Tây Ninh còn quyết định chấp thuận cho Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và Dầu Tiếng 5.2.

Tin nội bộ

Nguồn : Thoibao.de, 20/05/2024

Additional Info

  • Author Trà My, Thái Hà, Hoàng Phúc
Published in Diễn đàn