Trước sự kiện Luật Đặc Khu vừa qua, có thể nói quyền lực của Bộ chính trị đảng cộng sản cầm quyền gần như tuyệt đối. Dù chưa bao giờ đạt được bất kỳ vị trí và vai trò chính danh hiến định hay luật định nào, thực thể gọi là "Bộ chính trị" ấy, gồm khoảng mười mấy nhân vật cao cấp nhất của đảng cộng sản, vẫn luôn nắm quyền sinh sát đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay.
Tuy nhiên, sự thể đó có vẻ đang thay đổi, thậm chí ngoạn mục. Năm 2017, Bộ chính trị đã kết luận phải thành lập ba đặc khu hành chính-kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. "Kết luận" đó không chỉ có hiệu lực trong đảng cầm quyền, mà còn chỉ đạo cả Quốc hội, thuộc ngành lập pháp của nhà nước, phải luật hóa thành Luật Đặc Khu.
Hình ảnh người biểu tình ở Sài Gòn sáng ngày 10/6/2018
Vì Bộ chính trị đã kết luận nên Quốc hội chỉ có thể bàn luận để ban hành luật, chứ không để bàn ra hay dừng lại, như Chủ tịch Quốc hội bù nhìn Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định. Tuy nhiên, bản dự thảo và ý định ban hành Luật Đặc Khu đã gặp sự phản kháng của toàn dân một cách quyết liệt chưa từng thấy trong lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản.
Trước mối đe dọa về tổng biểu tình khắp nơi chống Luật Đặc Khu, đêm ngày 8/6/2018 Bộ chính trị đã họp và chỉ đạo Chính phủ, thuộc ngành hành pháp của nhà nước, phải công bố quyết định dời lại kế hoạch biểu quyết thông qua Luật Đặc Khu, mà theo dự định sẽ diễn ra vào ngày 15/6/2018.
Sự kiện Quốc hội dời kế hoạch biểu quyết thông qua Luật Đặc Khu dưới áp lực của công luận cho thấy lần đầu tiên một quyết định của Bộ chính trị không thể đương nhiên thực thi như mong muốn. Và cũng lần đầu tiên, trong thể chế độc tài toàn trị, nhân dân thể hiện quyền lực của chính mình.
Bài học lớn nhất rút ra từ sự kiện này là một khi toàn dân đồng lòng và đoàn kết cùng lên tiếng về một vấn đề nào đó của đất nước, quyền lực của họ không thể bị bất kỳ thế lực nào cản trở, dù đó là Bộ chính trị siêu quyền lực.
Trong toan tính của mình, Bộ chính trị nghĩ rằng quyết định dời lại kế hoạch biểu quyết thông qua Luật Đặc Khu sẽ khiến người dân mất lý do xuống đường biểu tình. Nhưng cuộc tổng biểu tình trên toàn quốc hôm nay một lần nữa cho thấy toan tính của Bộ chính trị hoàn toàn sai lầm.
Bất chấp việc bộ máy an ninh tung lực lượng canh phòng những người bị điểm mặt là thường xuyên biểu tình, cuộc tổng biểu tình ngày 10/6/2018 đã quy tụ hàng ngàn người dân ở mỗi nơi với toàn những gương mặt mới xuống đường lần đầu, sát cánh cùng những gương mặt cũ.
Chắc chắn Bộ chính trị rất ngỡ ngàng và thậm chí choáng váng trước biến cố biểu tình hôm nay, bởi lần đầu tiên quyền lực của nó không còn tuyệt đối nữa, mà trái lại đã bắt đầu có giới hạn. Tất nhiên, biện pháp đối phó quen thuộc của kẻ độc tài sẽ không có gì mới ngoài đàn áp tàn bạo và tuyên truyền dối trá, như chúng ta sẽ mục kích trong những ngày sắp tới.
Tuy nhiên, cho dù thế nào, toàn dân Việt đã thức tỉnh. Họ bắt đầu ý thức được quyền lợi và quyền lực của chính mình. Nếu người dân tiếp tục tay trong tay, đồng lòng và đoàn kết trong mọi vấn đề của đất nước về sau, quyền lực của Nhân dân sẽ như cơn sóng thần tràn tới cuốn phăng mọi lực cản, kể cả chính chế độ độc tài toàn trị này.
Lê Công Định
Nguồn : fb.LSLeCongDinh, 10/06/2018
Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ lên nhậm chức khiến cho một bộ phận lớn người Mỹ lo lắng, Châu Âu cũng đã bộc lộ sự lo lắng trên mặt báo và trong các cuộc hội thoại hàng ngày. Nhiều lý do khiến Châu Âu phải lo lắng, trong đó có việc một số phát ngôn của Trump trong chiến dịch tranh cử và những quyết định của Trump trong những ngày đầu nhậm chức đi ngược lại với các giá trị mà Châu Âu muốn bảo vệ.
Người Mỹ không im lặng để cho Trump phát ngôn hay hành động một cách vô tội vạ
Việc Trump thắng cử được một số nhà phân tích nhìn nhận như là một bằng chứng cho sự thiếu hoàn hảo hay là sự bất cập của các nền dân chủ trên thế giới (người ta ngay lập tức nhớ lại rằng Hitler lên nắm quyền cũng là nhờ cơ chế bầu cử dân chủ).
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa một nền chính trị dân chủ và một nền chính trị độc tài là ở chỗ : Trump không thể bịt miệng dân chúng (như ở các nước độc tài) để muốn nói gì thì nói và muốn làm gì thì làm. Điều đã xảy ra và sẽ xảy ra : người Mỹ không im lặng để cho Trump phát ngôn hay hành động một cách vô tội vạ. Họ đã và sẽ phản ứng. Và chúng ta còn chưa biết phản ứng sẽ đi tới đâu.
Ngay sau khi Trump trúng cử, các cuộc biểu tình chống Trump đã nổ ra. Và ngay sau ngày Trump nhậm chức, khoảng 600 cuộc biểu tình chống Trump đã diễn ra trên nước Mỹ và khắp thế giới. Pháp lệnh cấm di trú của Trump vừa ban hành thì cũng ngay lập tức các cuộc biểu tình bùng phát trên các sân bay của nước Mỹ. Báo chí hôm 30/1/2017 cho biết đã có hơn một triệu người Anh ký kháng thư chống lại chuyến viếng thăm của Trump tới nước Anh.
Sau hai tuần Trump nhậm chức, điều mà hiện nay ta có thể ghi nhận là các chính sách mang tính cưỡng bức và cấm đoán (xây tường, pháp lệnh cấm di trú…) của Trump đã gây ra những phản ứng chống đối mạnh mẽ của người dân Mỹ nói riêng và người dân ở các nước dân chủ nói chung. Và để chống lại sự phản ứng đó thì các chính sách của Trump càng ngày càng nhất quán hơn với đường lối cưỡng bức và cấm đoán của ông ta. Chính trường Mỹ và xã hội Mỹ đang là nơi đụng độ của hai ý muốn, hai khuynh hướng rất khác nhau. Nhiều người không phải không có lý khi cho rằng Trump là vị tổng thống gây chia rẽ và gây bất ổn cho nước Mỹ và cho thế giới.
Và một điều nữa mà ta cũng có thể ghi nhận : dù Trump (một người có khuynh hướng quản trị và giải quyết vấn đề bằng cấm đoán) được bầu lên làm tổng thống, thì không thể phủ nhận rằng nền chính trị Mỹ là một nền chính trị dân chủ. Sự cấm đoán của Trump đang gợi lên một làn sóng phản kháng khắp nơi. Người dân Mỹ đang chứng tỏ quyền lực của họ bằng những cuộc xuống đường liên tục, báo chí Mỹ cũng đang chứng tỏ quyền lực của mình bằng cách đề cập một cách trực diện tất cả mọi bình luận và phân tích về tổng thống. Các chính sách mang tính cưỡng bức của Trump đang khơi dậy động năng của xã hội Mỹ.
Trump không thể lãnh đạo nước Mỹ một cách dễ dàng như có lẽ ông ta vẫn tưởng. Cuộc đụng độ giữa quyền lực lãnh đạo và quyền lực nhân dân vẫn đang diễn ra trên nước Mỹ. Và thế giới sẽ còn chứng kiến nhiều điều thú vị từ nay cho đến khi cuộc đụng độ đó kết thúc, dù ta chưa biết nó sẽ kết thúc dưới hình thái nào.
Paris, 31/1/2017
Nguyễn Thị Từ Huy
Nguồn : RFA tiếng Việt, 31/01/2017 (nguyenthituhuy's blog)
Đọc thêm :
Nền chính trị độc tài Việt Nam còn tồn tại dài lâu ? (3 bài)