"Tôi quê ở Hậu Giang, nhưng hộ khẩu đã chuyển về Thành phố Cần Thơ hơn chục năm nay. Mẹ tôi đi làm giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất sang tên tôi. Theo quy định, tôi phải ra phường ở Cần Thơ xin xác nhận có canh tác nông nghiệp hay không. Lẽ dĩ nhiên, giữa đô thị sầm uất của quận Ninh Kiều, tôi làm sao sản xuất nông nghiệp được. Vậy là giấy xác nhận ghi tôi không có sản xuất nông nghiệp. Cầm giấy đó về địa phương ở Hậu Giang, cán bộ đọc giấy xong trả lời vậy là không chuyển sang tên tôi được".
"Cha mẹ tôi chia cho hai anh em mỗi người được 3.000m2 đất trồng lúa. Nhưng do tôi là kỹ sư, hộ khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo quy định là tôi không làm chuyển quyền sử dụng đất được, Thế là tôi không được nhận tài sản cha mẹ tôi cho tôi. Luật quá vô lý vậy mà cũng ra được thành luật".
Đó là hai câu chuyện được truyền thông Nhà nước đăng tải cách đây vài hôm, liên quan đến một quy định bị cho là bất hợp lý trong pháp luật Việt Nam hiện nay.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - chuyên gia quản lý tài nguyên, môi trường – khi được RFA hỏi nhận định của ông về vấn đề trên, trong ngày 20/9/2023, ông nói :
"Sự thực là cái tư duy chính ở Việt Nam hiện nay vẫn sợ rằng những người không sản xuất nông nghiệp tích trữ đất nông nghiệp. Vì vậy nó có quy định là khi mà quyền sử dụng đất được chuyển nhượng thì rất nhiều ý kiến cho rằng, không được chuyển đất cho người không sản xuất trực tiếp đất nông nghiệp.
Thế nhưng, chủ trương này nó lại ngược với ý tưởng muốn hiện đại hóa nông nghiệp. Bởi muốn hiện đại hóa nông nghiệp thì phải có sự tham gia của doanh nghiệp, phải có đầu tư. Chính vì vậy mà đây là hai luồng ý kiến khác nhau, nó làm cho cái quyết định về chính sách đất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn cứ không rõ ràng.
Pháp luật hiện hành vẫn giữ chủ trương tìm cách quy định trong pháp luật để không cho hình thành các địa chủ mới. Chính vì vậy mà có những định nghĩa rất khó khăn về việc thế nào là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trên thực tế, rất nhiều người sản xuất nông nghiệp nhưng thu nhập chính của họ lại không từ nông nghiệp. Theo quy định về luật dân sự cũng như luật quốc tế, không gì có thể ngăn cản quyền thừa kế cả".
Cũng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, do có những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng họ có tiền để đầu tư vào nông nghiệp. Đó là cấu trúc kinh tế hiện đại. Nhà nước cần phải mở rộng quy định về đất nông nghiệp để thu hút đầu tư vào kinh tế nông nghiệp. Điều này cũng thống nhất với quyền thừa kế, là quyền không pháp luật nào có thể làm khác được.
Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Khi nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp thì cơ quan đăng ký đất đai yêu cầu người dân phải đáp ứng yêu cầu chuyển nhượng đất nông nghiệp, là phải chứng minh trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Người nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa bắt buộc phải thực hiện chứng minh là "nông dân" sản xuất đất nông nghiệp trong thời điểm hiện tại và có thu nhập từ nông nghiệp.
Quy định này khiến những người dân có đất nông nghiệp phản đối. Cô Tuyết có cha mẹ làm nông cho RFA biết ý kiến của cô :
"Cái đó là quá vô lý. Đời cha mẹ làm nông, đời con không làm nông thì đất đai thừa kế vẫn phải thuộc về đời con. Không cho nhận là ép dân. Làm vậy đâu có được. Đó là quyền sở hữu của tôi. Cho dù tôi có đi đâu, làm gì thì đất đó vẫn là của tôi. Đó là quyền thừa kế mà. Nhà nước không có quyền gì giữ lại hết. Luật nào vậy ? Đó là ‘luật cướp cạn’ à ?
Nhiều chuyên gia quan sát tình hình thời sự Việt Nam từng nhận định với RFA rằng Luật Đất đai của Việt Nam quá lỗi thời và có nhiều điều bất hợp lý, khiến gia tăng tình trạng tham nhũng do tha hóa quyền lực của cơ quan chức năng.
Hôm 4/5/2022, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng nói tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5 rằng, nhiều người giàu lên nhờ đất, nghèo đi vì đất, thậm chí đi tù, mất tình nghĩa gia đình, anh em, đồng chí cũng vì đất. Trong năm 2022, có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.
Ông Trọng cũng nêu ra các vấn đề liên quan đến những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 và các quy định chồng chéo, mâu thuẫn cũng như việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng vẫn là câu chuyện bất cập liên quan đến đất đai ở Việt Nam, nhất là vấn đề mà người dân đang bức xúc về việc thừa kế đất nông nghiệp, Luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 20/9 cho rằng, quy định tại Thông tư 33/2017 của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về việc người nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có xác nhận về việc có trực tiếp sản xuất nông nghiệp là một trong những quy định bất khả thi và vi luật cả về phương diện thực tế lẫn pháp lý. Ông giải thích :
"Về phương diện thực tế, giả thiết một người muốn chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách làm nông nghiệp. Họ nhận chuyển nhượng đất (tức là mua đất nông nghiệp), thì khi ấy, họ chưa trực tiếp làm nông nghiệp thì sao có thể thỏa mãn được thủ tục đòi hỏi cần phải có xác nhận về việc có trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp ? Điều này tương tự về câu chuyện khôi hài trong dân gian mà không bao giờ có được lời giải đáp chung cuộc về "Con gà và quả trứng, điều nào có trước".
Về phương diện pháp lý, tuy chưa công nhận quyền tư hữu về đất đai. Thế nhưng, Luật Đất đai đã công nhận cho người dân có quyền chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng (bán hoặc mua), thừa kế quyền sử dụng đất. Việc Bộ Tài nguyên và môi trường đặt ra quy định hạn chế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là vi luật. Trong trường hợp muốn đất nông nghiệp được người dân sử dụng đúng mục đích để bảo đảm an ninh lương thực, thì chỉ cần quy định về việc hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đủ.
Việc quy định hạn chế đối với người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không những không cần thiết, gây phiền hà cho người dân mà còn bất khả thi trong một số trường hợp".
Theo Hiến pháp, Luật Đất đai phải được sửa đổi theo chu kỳ 10 năm một lần. Luật Đất đai năm 2003 đã hết hiệu lực và đã được thay thế bởi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Luật Đất đai đang áp dụng năm 2023 là Luật Đất đai 2013 và 18 Nghị định, 52 Thông tư, 03 Thông tư liên tịch.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 20/09/2023