Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ "cướp hai ổ bánh mì" ở Sài gòn vừa rồi bị trừng phạt nặng nề, cho thấy tính "bất khả xâm phạm" của quyền "tư hữu". Món hàng của tôi, anh muốn có nó (ăn nó) anh phải trả tiền. Anh muốn ăn mà không trả tiền, anh phải "trả giá" bằng cái "tự do" của cá nhân anh.

Người bị tù ở đây, trước hết là vì tội "xâm phạm quyền tư hữu" của người khác.

Các nước tư bản, nhứt là Mỹ, quyền "tư hữu" là "tuyệt đối", là "trên hết". Tư hữu là "linh hồn" của chủ nghĩa tư bản.

tuhuu1

Tư hữu là "linh hồn" của chủ nghĩa tư bản.

Thí dụ về vụ ăn cướp bánh mì cho thấy luật về bảo vệ quyền tư hữu ở Việt Nam cũng "nghiêm ngặt" lắm. Thí dụ khác, vụ "chai nước có con ruồi", tòa xử ông Minh 7 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản". Điều này cũng "minh họa" luật của Việt Nam về việc bảo vệ quyền tư hữu của cá nhân.

Nhưng ở Việt Nam hình như người ta chỉ chú trọng đến hành vi "ăn cướp" của hai người trẻ "cướp hai ổ bánh mì", hay về hành vi "cưỡng đoạt" của ông Minh. Ít ai thấy "cái nguồn" đưa đến các tác nhân vô tù là việc "xâm phạm tài sản" của người khác.

Trở lại vụ ông phó quận xuống đường "giải phóng vỉa hè" mấy ngày hôm qua.

Nếu có xem các video clip của báo Tuổi Trẻ đưa lên, ta thấy "quyền sở hữu" của cá nhân (và nhà nước, vì Việt Nam có qui định quyền sở hữu của nhà nước) bị ông phó quận xâm phạm nặng nề.

Video clip cho thấy "đạo quân" của ông phó quận "hốt của" của những người bán hàng. Một số người "thừa nước đục thả câu", thuổng nhẹ hàng hóa của người ta.

Nhân viên công lực ở đâu sao không làm phận sự của mình là "bảo hộ quyền tư hữu" của người dân (và nhà nước) theo hiến pháp, và theo luật định ?

Ở đây nhân viên công lực a tòng với ông phó quận để "hốt của và phá của" của người ta.

Tôi không mong những cái video clip này lan ra nước ngoài. Nếu không, không có bằng chứng nào hữu hiệu hơn để tố cáo nhà nước Việt Nam không tôn trọng "quyền tư hữu".

Ông phó quận có thẩm quyền của ông ta, theo luật định. Nhưng khi đụng đến "quyền tư hữu" của người khác, ông này phạm luật. Vì quyền tư hữu là bất khả xâm phạm. Muốn "tịch thu" hàng hóa, tư liệu làm ăn của người ta, trước hết ông phó quận phải xin tòa "truất quyền sở hữu" của những người này. Sau đó mới theo thủ tục "trưng thu", hay "trưng dụng" hàng hóa, hay tư liệu làm ăn của họ.

Biện pháp "tịch thu" chỉ áp dụng trong những trường hợp người ta bán hàng lậu, phạm pháp.

Về hành vi "lấn vỉa hè", những người bán hàng nếu họ đã "trụ" ở đó trên 30 năm, nhà nước không phàn nàn, tức nhà nước đã chấp nhận. Tức là việc "bán trên vỉa hè" đã trở thành một "quyền thụ đắc" của người bán, không phải là việc "phạm pháp". Muốn giải tỏa, thì ông phó quận cũng phải đưa ra tòa. Chỉ có tòa án mới có thẩm quyền "truất quyền đã thụ đắc" của người buôn bán.

Vỉa hè, lòng đường… hỗn loạn từ sau 1975 đến nay. Cái "hỗn loạn" đó đã trở thành "tập quán", thành "quyền thụ đắc" của người sử dụng.

Làm gì cũng phải theo luật mà làm. Vấn đề là ở Việt Nam, ai có quyền lực thì hay vỗ ngực : "tao là luật".

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : FB nhantuan.truong, 03/03/2017

Additional Info

  • Author Trương Nhân Tuấn
Published in Diễn đàn