Hôm 24/05/2019, Bản tuyên bố chung của những người bị xâm phạm quyền tự do đi lại, bị cầm giữ tại nhà trái pháp luật được công khai trên mạng xã hội.
An ninh mặc thường phục đẩy người biểu tình lên xe buýt tại Hà Nội năm 2011. AFP
Ngăn cản đi lại trong nước
Bản tuyên bố đưa ra thực trạng hiện nay đối chiếu với Hiến pháp Việt Nam hiện hành để yêu cầu chính phủ Hà Nội chấm dứt việc xâm phạm quyền tự do của công dân để pháp luật được nghiêm minh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 23 Hiến pháp Việt Nam quy định "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Tuy Hiến pháp quy định rõ như thế nhưng việc công an mặc sắc phục lẫn thường phục, dân phòng và các lực lượng an ninh khác lởn vởn trước nhà của những người bất đồng chính kiến và ngăn cản việc đi lại của họ diễn ra đã từ nhiều năm nay. Thực tế này được ghi nhận bắt đầu từ năm 2011 khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Kỹ sư Trần Bang ở Sài Gòn, một trong những người thường xuyên bị canh chặn không cho ra khỏi nhà nhận định :
"Tôi cho rằng họ sợ biểu tình. Họ sợ những người có uy tín ở đám đông nên họ ngăn chặn không cho mình có cơ hội lên tiếng cho công lý và sự thật hay các vấn đề bức xúc trong xã hội.
Tôi thường bị chặn vào những dịp chẳng hạn như tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa 19/1 ; chiến tranh biên giới 17/2 ; tưởng niệm Gạc ma 14/3… Họ có thể chặn từ những ngày trước đó kéo dài đến sau ngày tưởng niệm. Nếu chúng tôi muốn đi thì vẫn có cách mà chúng tôi gọi là ‘dạt vòm’ để thực việc nghĩa của mình".
Những trường hợp bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà bằng nhiều cách được các nhà bất đồng chính kiến hay các nhà đấu tranh chia sẻ trên facebook rất nhiều, như đi theo rồi ép xe vô lề, yêu cầu về phường làm việc hoặc khóa luôn cửa ra vào từ bên ngoài.
Một trong những vụ gần đây được Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên trang facebook cá nhân của ông xảy ra ngay trước ngày ông được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019. Lực lượng an ninh đông đảo chặn ông ngay khi ông ra khỏi nhà và cấm ông ra khỏi nhà trong hai ngày liên tiếp. Lý do được một an ninh của Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh giải thích rằng các nhà ngoại giao Mỹ đã không xin phép nhà nước Việt Nam trước khi gặp ông.
Ông Scott Busby, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ về Việt Nam cho vòng đối thoại nhân quyền Mỹ Việt lần thứ 23 tại Hà Nội ngày 15/5/2019 nói với RFA sau chuyến đi :
"Điều đáng quan tâm là trước khi có vòng đối thoại thì chúng tôi đã tìm cách gặp gỡ với một số nhà hoạt động được coi là đại diện những tổ chức xã hội dân sự ở thành phố Hồ Chí Minh, thế nhưng có 3 nhà hoạt động đã bị ngăn chận và cấm đoán không được đến gặp chúng tôi. Chúng tôi e ngại là cầm quyền Việt Nam đã không muốn cho chúng tôi gặp những người ấy.
Và chúng tôi cũng được biết trước giờ hẹn với những nhà hoạt động mà chúng tôi muốn gặp thì tư gia của họ đã bị cảnh sát bao vây, hậu quả là họ không được tự do đến gặp chúng tôi. Tôi đã nêu vấn đề này với chính quyền Hà Nội, họ đã nghe chúng tôi nói rõ về việc này".
Ngăn chặn ra nước ngoài
Không chỉ ngăn chặn những người bất đồng chính kiến đi lại trong nước. Một số người còn bị thu hộ chiếu, tức tước quyền đi ra nước ngoài.
Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho RFA biết trường hợp của mình :
"Giữa tháng 5/2015 tôi có chuyến đi Singapore. Lúc đi thì bình thường nhưng lúc về thì họ giữ tôi lại Tân Sơn Nhất từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng ngày hôm sau nhưng họ vẫn trả hộ chiếu cho tôi về.
Ba tháng sau tôi qua Phnom Penh thăm đứa cháu thì an ninh sân bay chặn tôi lại không cho tôi đi và lấy luôn hộ chiếu của tôi với lý do ‘an ninh quốc gia’. Cho đến bây giờ họ vẫn chưa trả".
Ông Võ Văn Tạo cho biết lần gần đây nhất là hôm 4/5/2019, trước ngày anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh được thả, ông có dịp ra Hà Nội và ghé thăm vợ con anh Vinh. Lúc ra về ông bị theo dõi, bị bắt vô phường, bị thu giữ chứng minh nhân dân và điện thoại sau khi thả ông về.
Ông Scott Busby, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ RFA photo
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng trăm trường hợp người dân bị chính quyền xâm phạm quyền tự do đi lại.
Chỉ sau 5 ngày, bản tuyên bố đã có 100 người ký tên. Họ là những người từng bị xâm phạm quyền tự do đi lại, bị cầm giữ tại nhà.
Ông Trần Bang cho biết bản tuyên bố chung là một cách để họ lên tiếng, rằng họ không bị tòa án kết tội nhưng họ lại bị biến thành tù nhân. Ông nói thêm :
"Bản tuyên bố chung này tố cáo việc vi phạm nhân quyền, vi phạm công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị ; vi phạm tuyên ngôn nhân quyền 1948 ; vi phạm các điều luật hình sự, tố tụng hình sự, vi phạm hiến pháp…".
Với nhà báo Võ Văn Tạo thì việc ký vào bản tuyên bố chung chứng tỏ những người tranh đấu đều bất bình với việc bị ngăn chặn đi lại. Họ ký để lên tiếng với công luận trong và ngoài nước, cũng như cho các nước có quan hệ với Việt Nam biết được và đưa vào hồ sơ nhân quyền Việt Nam.
Dự thảo cải cách thủ tục xuất nhập cảnh
Chiều 28/5/2019, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam từ Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ông Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh một số điểm mới của Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam ; trong đó nêu rõ ‘ Dự án Luật đã cụ thể hoá, thể hiện một bước tiến rất dài trong việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của người dân được quy định trong Hiến pháp ; trừ một số trường hợp, còn lại đại đa số người dân đều được cấp hộ chiếu, đều có quyền xuất cảnh, nhập cảnh.’
Vậy liệu những người bất đồng chính kiến từng bị thu hộ chiếu vì lý do ‘an ninh quốc gia’ có được nhà nước trả lại hộ chiếu nếu dự luật của ông Tô Lâm vừa nêu được thông qua hay không, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định ngay rằng tuyên bố của ông Tô Lâm nói về những trường hợp khác chứ không phải trường hợp như của ông. Ông giải thích :
"Lâu nay thủ tục hành chính trong lãnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam quá rườm rà, rối rắm khi họ đi thăm thân nhân hay du lịch thì bây giờ họ cải tiến, chứ với những trí thức phản biện như chúng tôi thì họ xếp vào dạng nguy hiểm cho chế độ độc tài của họ. Cho dù dự luật có thông qua thì họ cũng không trả lại hộ chiếu cho chúng tôi đâu".
Ông Trần Bang nhắc lại tuyên bố của bà luật sư Ngô Bá Thành ‘Việt Nam có rất nhiều luật, một rừng luật, nhưng khi thực hiện thì theo luật rừng.’
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 29/05/2019
Đến nửa đêm ngày 27/5, đã có 100 người ký tên vào danh sách những người đã và đang bị xâm phạm quyền tự do đi lại và dự kiến con số này sẽ tăng lên. Bản tuyên bố được họ ký tên viết :
Những người lạ mặt canh gác bên ngoài nhà của nhà báo Sương Quỳnh
"Chúng tôi, những công dân Việt Nam thường xuyên bị những người lạ mặt vô cớ ngang nhiên xâm phạm, ngăn cản thô bạo quyền tự do đi lại".
"Những người lạ mặt này không xuất trình được lệnh điều động tới canh giữ chúng tôi. Trong nhiều trường hợp họ dùng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa xúc phạm danh dự và nhân phẩm chúng tôi. Thậm chí nhiều khi họ còn dùng vũ lực ngăn cản, xâm phạm về thân thể gây tổn hại sức khỏe, đe dọa đến tính mạng chúng tôi",
"Để chấm dứt tình trạng ngang nhiên phạm pháp kéo dài rất lâu này, chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi đúng trách nhiệm, hãy chỉ đạo các cơ quan chức năng gấp rút có biện pháp ngăn chặn, xử lý những người vô cớ xâm phạm quyền tự do đi lại của chúng tôi theo quy định pháp luật",
Danh sách ký tên của những người đã và đang bị xâm hại quyền tự do đi lại
"Nếu những người nói trên vẫn tiếp tục vô cớ xâm phạm quyền tự do đi lại của chúng tôi, chúng tôi sẽ thực hiện Quyền phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015", một đoạn trong tuyên bố chung đi kèm danh sách chữ ký".
"Mọi hậu quả gây ra do xô xát, hay gây ra án mạng thì nhà cầm quyền Việt Nam và các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm".
Muốn cho cộng đồng thế giới biết
Bản tuyên bố nói rằng danh sách ký tên này là "muốn cho đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước biết về thực trạng vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam".
"Chúng tôi tha thiết kêu gọi các quốc gia, các tổ chức chức quốc tế xem quyền con người là một trong những tiêu chí không thể thiếu khi quan hệ bang giao với Việt Nam, cần có biện pháp chế tài mạnh nếu Việt Nam vi phạm các cam kết".
Nhà báo Sương Quỳnh, một trong những người ký tên trong danh sách cho BBC biết, lý do cộng đồng đấu tranh muốn đưa bản ký tên vào thời điểm này vì nhiều năm qua họ thường xuyên bị tước quyền đi lại.
"Việc muốn thu thập chữ ký thời điểm này vì nhà cầm quyền gia tăng canh giữ chúng tôi, bất kể lý do gì. Ví dụ, một tù nhân lương tâm nào ra tù cũng canh, cưỡng chế đất ở đâu đó cũng canh, lễ tang một lãnh đạo nào đó chết".
"Hồi trước chỉ canh những ngày tưởng niệm Hoàng Sa- Trường Sa và khi có kêu gọi biểu tình. Giờ thì canh dù chỉ lý do vu vơ nào đó".
Bà Sương Quỳnh cho biết, bản tuyên bố và danh sách ký tên này là để nói rằng họ "sẽ có những phản ứng để tự vệ".
"Vì càng ngày người dân càng thức tỉnh và cùng xuống đường đông hơn. Do đó họ kiểm soát những người hay đi biểu tình vì họ cho đó là những 'ngòi nổ'. Nhưng thực tế những cuộc biểu tình sau này là do ý thức người dân mà họ tự đi chứ không cần bất cứ 'ngòi nổ' nào".
Và dự kiến để nhiều người ký tên vào danh sách trước khi gửi cho các tổ chức nhân quyền và các nước cũng như Liên Hiệp Quốc.
Những người chặn nhà là ai ?
Bà Sương Quỳnh cho biết, một số lần bà ra khỏi nhà để đi tưởng niệm thì bị những người đàn ông tự xưng là "an ninh" giữ lại.
Nhà báo Sương Quỳnh
"Họ yêu cầu và đủn tôi vô nhà lại dù giọng vẫn ngọt ngào van xin : 'Chị ở nhà giùm em. Em chỉ làm theo lệnh trên'.
"Một lần tôi vọt xe đi được một đoạn thì cậu an ninh to đùng chặn xe tôi lại yêu cầu tôi vô đồn công an phường hoặc phải về nhà, sau đó cậu ta còn gọi 2-3 cậu khác ra ngăn cản tôi đi. Cuối cùng tôi phải quay về…"
Thời gian đầu những người đến nhà mặc sắc phục thì bị bà quay phim đăng Facebook, về sau tất cả những người đàn ông đều mặc thường phục.
"Chẳng bao giờ họ xuất trình giấy tờ gì. Tôi hỏi 'Mặc vậy tôi biết cậu là ai ?' Mấy cậu trơ trẽn trả lời : 'Chị thừa biết em là ai rồi hỏi làm gì ?'"
Nhiều người dân địa phương vẫn nhận ra những cán bộ công an phường, công an quận mà họ hay gặp, đứng quanh nhà báo Sương Quỳnh.
Bà cho biết quanh nhà bà nhiều là 4-5 người canh. Vào những lúc cao điểm khi có tưởng niệm ở Sài Gòn hay biểu tình thì có tới 20 người canh mọi ngả đường.
Quyền tự do đi lại được minh định trong Hiến pháp nước CHxã hội chủ nghĩa Việt Nam ; Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 ; Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và các Công ước Quốc Tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết và cam kết thực hiện, tuyên bố chung viết.
*******************
Về việc canh, chặn người hoạt động và đấu tranh ở Việt Nam
Nguyễn Vũ Bình, RFA, 27/05/2019
Những người hoạt động môi trường, hoạt động từ thiện và hoạt động nhân quyền cũng như người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam ngoài việc phải đối diện với việc bắt bớ, giam cầm, tù đày và đánh đập còn phải chịu một hình thức đàn áp rất thô thiển, đó là việc họ bị canh, chặn tại nhà của mình khi nhà cầm quyền thấy có bất cứ sự việc, hay dấu hiệu nào mà họ cho rằng cần ngăn cản và cấm đoán.
11111111111111111
Việc ngăn cản bằng hình thức canh, chặn ở nhà người hoạt động, đấu tranh đã có từ rất lâu rồi. Nhưng thời gian gần đây, tần suất canh, chặn của nhà cầm quyền diễn ra liên tục, dày đặc và hoàn toàn không có dấu hiệu nào được thay đổi hoặc cải thiện. Ngoài việc tần suất canh, chặn nhà người đấu tranh ngày một gia tăng, còn có lý do việc canh, chặn này chưa được các tổ chức nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự và người đấu tranh quan tâm đúng mức. Nên cần có sự lên tiếng cho sự việc vi phạm quyền con người rất thô thiển nhưng nghiêm trọng này.
Vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn mở cửa nhà mình ra, và thấy 3-5 người trong đó có một cảnh sát khu vực và mấy người an ninh, dân phòng đã đứng, ngồi sẵn quanh nhà, gần cửa nhà bạn. Đối với một số ít người, những người có thể đi khỏi nhà và vài ba nhân viên an ninh đi theo cận kề, luôn không quên hỏi cô, chú, anh, chị đi đâu đấy ? Tuyệt đại đa số là chỉ đi được chợ gần nhà trong những sinh hoạt tối thiểu. Có những lần bạn biết lý do an ninh canh, chặn cửa nhà bạn, nhưng có những ngày bạn chịu, không thể biết đó là ngày gì và có việc gì ? Bạn nhắn tin hỏi những bạn bè cũng hay bị canh, chặn như bạn, nhưng họ cũng không hiểu đang có chuyện gì xảy ra, và cũng không hiểu tại sao bị canh, chặn như bạn… khổ sở nhất là những người có công việc thường xuyên, như dạy học hoặc đi giao hàng, bán hàng, đưa đón con nhưng không đi được, ngồi lên xe nổ máy đi thì ba bốn thanh niên xúm vào giữ lại. Đã có nhiều video clip quay lại cảnh xô đẩy, cãi vã giữa người bị canh chặn và lực lượng an ninh.
Phần lớn những người bị canh, chặn là những người hoạt động năm ba năm trở lại đây. Có thể họ hoạt động nhiều năm hơn nhưng mới bị canh, chặn chỉ vài ba năm trở lại. Nhưng ở Việt Nam, có những người bị canh, chặn rất lâu năm, hơn 30 năm gần 40 năm như bác sỹ Nguyễn Đan Quế, linh mục Nguyễn Văn Lý, linh mục Phan Văn Lợi… Người viết bài này cũng vinh dự được canh, chặn từ năm 2007 đến nay, bắt đầu từ những cuộc tuần hành đòi công lý của giáo dân
1. Mục đích của nhà cầm quyền khi thực hiện việc canh, chặn người đấu tranh
Có hai loại hình canh, chặn của nhà cầm quyền đối với người đấu tranh. Canh, chặn cá nhân riêng biệt và canh, chặn phần lớn người hoạt động, đấu tranh liên quan đến một sự việc cụ thể.
Đối với việc canh, chặn cá nhân riêng biệt, mục đích là cô lập, ngăn chặn và giám sát cá nhân thực hiện việc giao lưu, kết nối và các hoạt động của họ. Trường hợp này, cá nhân có thể bị canh, chặn dài ngày, thường diễn ra gắt gao, căng thẳng. Có thể có những ví dụ sau. Khi ở tù, tôi đã được linh mục Nguyễn Văn Lý kể về chuyện nhà cầm quyền quản thúc ông Nguyễn Hộ, là lão thành cách mạng nhưng sau đã phản tỉnh. Ông là lãnh đạo Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ. Câu chuyện kỳ quặc đến mức tôi không bao giờ quên. Linh mục Nguyễn Văn Lý kể, gia đình ông Nguyễn Hộ ở trong một căn biệt thự, khi ông phản kháng lại chế độ cộng sản, nhà cầm quyền đã bố trí một tiểu đội công an, vào sinh sống, sinh hoạt trong trong ngôi nhà biệt thự của ông hai năm. Sau đó, họ rút ra xây dựng một chòi canh gác ngay tại cổng nhà Ông…
Trường hợp thứ hai là cá nhân người viết bài này. Ngày 21/7/2002, sau khi gửi Bản Điều trần về tình trạng Nhân quyền Việt Nam tới quốc hội Hoa Kỳ, tôi đã bị bắt và bị đưa về thẩm vấn tại Sở công an Hà Nội. Sau đó, tôi đã bị cưỡng ép làm việc liên tục hai tuần, sáng đi tối về. Sau hai tuần làm việc, tôi bị canh nhà cho tới tận khi bị bắt khởi tố chính thức, đó là từ đầu tháng 8 đến ngày 25/9/2002. Như vậy, thời gian làm việc và bị canh giữ là hơn 2 tháng. Gần đây có trường hợp nữ nhà báo Phạm Đoan Trang cũng cũng liên tục bị canh, chặn tại nhà nhiều ngày và nhiều đợt. Còn rất nhiều trường hợp canh, chặn riêng biệt không thể đếm xuể. Như vậy, mục đích của nhà cầm quyền trong trường hợp canh, chặn cá nhân cụ thể, riêng biệt là rõ ràng : ngăn chặn, vô hiệu hóa và giám sát cá nhân trong một giai đoạn nhất định.
Trường hợp canh, chặn phần lớn người hoạt động và đấu tranh có mục đích khác với canh, chặn cá nhân riêng biệt. Đó chủ yếu là việc ngăn chặn và vô hiệu hóa các hoạt động có tính chất kết hợp của những người đấu tranh. Có thể có những mục đích cụ thể sau đây.
- Ngăn cản, ngăn chặn và vô hiệu hóa những hoạt động phản kháng trực tiếp của những người hoạt động và đấu tranh. Đó chính là việc canh nhà người đấu tranh trong những cuộc xuống đường, biểu tình, tưởng niệm… đó là hoạt động thường xuyên của nhà cầm quyền trong vòng mấy năm trở lại đây. Các cuộc biểu tình muốn có số lượng người đông đảo tham gia, đều phải có những việc như kêu gọi, công bố thời gian và địa điểm… khi an ninh nắm được thời gian, địa điểm tổ chức biểu tình, nhà cầm quyền đã triển khai ngay việc canh chặn người hoạt động, đấu tranh để vô hiệu hóa các cuộc biểu tình vừa được phát động. Gần đây, ngoài việc canh, chặn tại nhà người biểu tình, những người hoạt động, công an còn triển khai người tại các điểm nóng biểu tình để bắt nốt những người chưa bị chặn, hoặc thoát ra khỏi sự canh, chặn. Chính vì vậy mà thời gian gần đây, hầu như không có cuộc biểu tình, xuống đường, hoặc tưởng niệm nào của giới đấu tranh được thực hiện.
- Ngăn chặn những hoạt động giao lưu, kết nối, hội họp của những người hoạt động và đấu tranh. Không chỉ biểu tình những người tranh đấu mới bị canh, chặn mà cả những hoạt động giao lưu, hội họp, kết nối những người đấu tranh cũng bị canh, chặn. Đó là các buổi giao lưu của một nhóm, kỷ niệm thành lập các tổ chức xã hội dân sự (ví dụ : FC No_U ; Hội anh em dân chủ ; Hội Nhà báo độc lập…) ; đó là những cuộc đón những người tù nhân lương tâm mãn hạn tù trở về. Ví dụ gần đây nhất là ngày 05/5/2019, anh Nguyễn Hữu Vinh (còn gọi là anh Ba Sàm) mãn hạn tù trở về. Những người hoạt động và tranh đấu ở Hà Nội đã bị canh, chặn 2 ngày và 1 đêm ; thậm chí, việc bắt người và đàn áp người đấu tranh, dân oan có khi được lên kế hoạch và những người ở gần, trong khu vực dự tính đàn áp hoặc có liên đới những người sắp bị đàn áp cũng đều bị canh, chặn. Gần đây nhất, những người đấu tranh ở Hà Nội bị canh, chặn do việc nhà cầm quyền quyết định đàn áp, đánh đập và bắt giữ gần 20 người lái xe phản đối việc thu phí vô lý ở trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài. Việc này mãi về sau những người bị canh, chặn mới hiểu ra được.
- Ngăn chặn những nhà hoạt động, đấu tranh gặp gỡ các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các cơ quan nhân quyền quốc tế, các phái đoàn nghị sĩ quốc hội, các phái đoàn ngoại giao các quốc gia quan tâm tới nhân quyền Việt Nam. Trong việc này, ngay cả thân nhân những tù nhân lương tâm, những người không thuộc giới đấu tranh cũng bị ngăn chặn, canh nhà hoặc chặn trên đường đi…
Ngoài những mục đích cụ thể nêu trên, ngăn chặn và vô hiệu hóa hoạt động tập thể của giới đấu tranh, nhà cầm quyền cũng gây sự ức chế, khó khăn cho những người hoạt động. Rất nhiều người đã không được đi tới nơi làm việc hàng ngày của mình, nhiều người không đi làm ăn, kinh doanh được vì bị ngăn, chặn ở nhà. Có cô giáo dạy đại học không thể đến lớp để giảng cho sinh viên, đã nhiều lần quay video clip trực tiếp việc ngăn chặn này. Có người kinh doanh, đưa đón con đi học cũng không được ra khỏi nhà liên tục quay video clip trong những ngày bị canh, chặn…
2.Nhìn nhận, đánh giá về việc canh, chặn nhà người hoạt động và đấu tranh
Trước hết và trên hết, đây là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam trên một diện rộng và quy mô lớn. Hàng trăm người bị vi phạm quyền tự do đi lại, đó là quyền tự do cơ bản của con người. Nhà cầm quyền hành xử vô pháp luật, tái diễn nhiều lần mà chúng ta chưa có cách gì để hạn chế và ngăn chặn việc này. Đây là góc độ pháp lý việc làm ngang trái của nhà cầm quyền.
Dưới góc độ đấu tranh, chúng ta biết rằng, việc canh, chặn nhà những người đấu tranh là một khâu, một công đoạn, một thủ đoạn của nhà cầm quyền nhằm ngăn chặn và vô hiệu hóa hoạt động của giới đấu tranh. Trong một loạt hành động đàn áp giới bất đồng chính kiến như : theo dõi, sách nhiễu, đánh đập, giam giữ, khởi tố, truy tố, bỏ tù… thì việc canh, chặn nhà người đấu tranh là công đoạn cuối cùng, để ngăn chặn và vô hiệu hóa các hoạt động cụ thể. Và điều này được lặp đi lặp lại với cách thức rất thô thiển, trắng trợn nhưng đã vô hiệu hóa khá thành công các hoạt động của giới đấu tranh.
Trong một loạt các biện pháp và thủ đoạn để ngăn chặn những người hoạt động và giới đấu tranh, việc canh, chặn nhà của người đấu tranh nếu nhìn qua, và dưới góc độ cá nhân thì đó là việc đơn giản so với những việc như sách nhiễu, đánh đập và bắt bớ. Nhưng tác hại của việc canh, chặn trong hoạt động chung của phong trào dân chủ lại rất lớn. Chúng ta không thể tổ chức được các cuộc xuống đường, biểu tình ; không giao lưu kết nối thực hiện công việc chung được ; không gặp gỡ được những phải đoàn ngoại giao, các tổ chức nhân quyền trong những dịp quan trọng. Như vậy, dưới góc độ cá nhân bị đàn áp, thì việc bị canh, chặn không phải quá nghiêm trọng nhưng dưới góc độ chung, đấu tranh của phong trào dân chủ, biện pháp canh, chặn nhà người đấu của nhà cầm quyền gậy hại rất lớn cho phong trào, điều này ít người nghĩ tới và lên tiếng.
Xét về tâm lý, đối với những người hoạt động và đấu tranh, việc bị canh, chặn một vài ngày, thậm chí vài ba lần một tháng cũng không so sánh được với việc bị đánh đập, bắt giữ hoặc sách nhiễu khác, nên cũng ít ai đặt vấn đề cho sự việc này trong các lần tố cáo vi phạm nhân quyền của chế độ. Tức là việc lên tiếng cá nhân trong sự việc canh, chặn vi phạm nhân quyền này mọi người nghĩ là việc nhỏ, so với những việc vi phạm khác của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, loại việc này có hai đặc điểm có thể sử dụng tố cáo vi phạm nhân quyền hiệu quả hơn nhiều việc khác. Đó là, bằng chứng vi phạm rất rõ ràng (thông qua những video clip của những người bị canh, chặn và những bức ảnh), và việc vi phạm trên quy mô lớn, hàng trăm người cùng một lúc ở một thành phố lớn.
Đối với các tổ chức nhân quyền quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, đảng phái ở hải ngoại, trong các tố cáo nhà cầm quyền vi phạm nhân quyền có đề cập tới nhưng cũng chỉ là phần phụ thêm của các nội dung khác. Điều này cũng không khó hiểu lắm. Ưu tiên lớn nhất từ trước tới nay của các tổ chức nhân quyền quốc tế và các tổ chức người Việt hải ngoại là việc lên tiếng để cứu giúp những trường hợp bị đàn áp nặng nề như tù đày, giam cầm, đánh đập hoặc sách nhiễu nặng nề. Tuy nhiên, tần suất của những đợt canh, chặn ngày càng dày đặc, và các hoạt động công khai có tính chất kết hợp trong phong trào dân chủ đi xuống rõ rệt trong thời gian gần đây đáng để chúng ta suy nghĩ về một thủ đoạn vô hiệu hóa người đấu tranh của nhà cầm quyền Việt Nam.
Trong khi đang viết bài viết này, tôi rất vui vì vừa có một văn bản lên tiếng phản đối chung của những người bị xâm phạm quyền tự do đi lại. Văn bản được lưu hành trên không gian mạng, cá nhân tôi và nhiều người đã ký để phản đối việc này. Ngoài việc lên tiếng chung của giới đấu tranh phản đối xâm phạm quyền con người, tôi còn rất vui vì qua sự việc này, phong trào dân chủ đã bắt đầu quan tâm và lên tiếng cho những công việc đấu tranh chung của những người đấu tranh, giới bất đồng chính kiến, chứ không chỉ giới hạn trong việc lên tiếng để cứu giúp những người bị đàn áp như trước nữa./.
Hà Nội, ngày 27/5/2019
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 27/05/2019 (nguyenvubinh's blog)