Trong những năm qua, ngày càng có nhiều người lên tiếng gặp trở ngại khi ra vào cửa khẩu của Việt Nam, như không được xuất cảnh hay nhập cảnh dù họ có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
Facebooker Vũ Sỹ Hoàng (người thứ 5 từ trái sang) bị cấm xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất ngày 26/12/2017. Courtesy : Facebook Hoang Sy Vu
Náo nức sau chuyến bay dài vượt Thái Bình Dương để gặp lại bố mẹ, người thân, bạn bè trong thời tiết mùa thu Hà Nội nồng nàn mùi hoa sữa, ông Dominic Phạm, một người Mỹ gốc Việt không thể hình dung bị 3 nhân viên an ninh đứng chờ với hình ảnh để nhận diện ông trước khi ông đến quầy làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không Nội Bài.
Ông Dominic Phạm kể lại trong lần về Việt Nam hồi tháng 10 năm 2017, ông đã bị nhân viên an ninh của sân bay đưa vào một phòng riêng và làm việc với công an trong khoảng hơn một giờ đồng hồ. Ông Dominic Phạm bị tra vấn với nhiều câu hỏi liên quan đến sinh hoạt cộng đồng của ông ở Mỹ, như việc ông tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở miền Nam Cali hay chia sẻ ý kiến trên Facebook về tình hình chính trị-kinh tế-xã hội Việt Nam, cũng như ông đã gặp ai và làm gì trong những chuyến vào Việt Nam trước đó.
Trả lời các câu hỏi của công an, ông Dominic Phạm khẳng định những sinh hoạt của ông ở Mỹ là hợp pháp theo luật định của Hoa Kỳ, còn các chuyến đi Việt Nam trước đó của ông như thế nào thì công an biết rất rõ rồi nên ông không cần thiết phải khai báo nữa.
Mặc dù đã được cấp thị thực vào Việt Nam trong chuyến đi này, tuy nhiên công an nói với ông Dominic Phạm rằng họ không cho ông nhập cảnh. Ông Dominic Phạm lặp lại lời của viên công an :
"Bây giờ chúng tôi nói thẳng với anh rõ ràng như vầy : hôm nay chúng tôi không cho anh nhập cảnh vì anh sẽ làm mất an ninh quốc gia của Nhà nước. Khi nào anh về lại Mỹ, anh đừng viết bài vỡ nói về Nhà nước này, anh đừng xuống đường nữa vì chúng tôi thấy tất cả các cuộc xuống đường ở Bolsa anh đều tham dự, thì chúng tôi sẽ cứu xét cho anh để anh được nhập cảnh lần sau".
Sau đó, ông Dominic Phạm được nhân viên an ninh của sân bay đưa lên máy bay để trở về Mỹ.
Đài RFA ghi nhận trường hợp của ông Dominic Phạm không phải là duy nhất, mà trong vài năm trở lại đây, ngày càng đông những người Việt sinh sống ở khắp nơi trên thế giới cho biết họ không được nhập cảnh dù đã có đủ giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu của Nhà nước Việt Nam. Hầu như nguyên nhân không được vào Việt Nam của họ đều giống nhau là lên tiếng trên mạng xã hội về các vấn đề liên quan Việt Nam. Có những trường hợp công an tại các cửa khẩu của Việt Nam yêu cầu những người gốc Việt bị cấm nhập cảnh không được công khai thông tin này và từ bỏ những việc làm như đã yêu cầu ông Dominic Phạm thì phía Việt Nam sẽ cứu xét cho nhập cảnh trong tương lai.
Trong khi đó, không ít những công dân Việt Nam gặp trở ngại khi họ làm thủ tục xuất cảnh đi nước ngoài. Đa số những người gặp phải trường hợp này là những nhà bất đồng chính kiến, các facebooker và blogger cổ võ cho tự do dân chủ tại Việt Nam.
Trường hợp mới nhất mà chúng tôi được biết là Facebooker Vũ Sỹ Hoàng, vào hạ tuần tháng 12 năm 2017, bị tịch thu hộ chiếu và không được xuất cảnh khi anh làm thủ tục lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Anh Vũ Sỹ Hoàng sau đó đã gửi đơn tường trình đến Cục quản lý xuất nhập cảnh thành phố Hồ Chí Minh, về vụ việc anh bị tạm hoãn xuất cảnh và tạm giữ hộ chiếu. Trong đơn tường trình, Facebooker Vũ Sỹ Hoàng yêu cầu cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân vì sao anh bị cấm xuất cảnh và trong thời hạn bao lâu, cũng như phải trả lại hộ chiếu cho anh vì việc thu giữ đó là không thỏa đáng.
Cục quản lý xuất nhập cảnh nhắn tin qua điện thoại báo với Facebooker Vũ Sỹ Hoàng đến làm việc vào sáng ngày 19 tháng Giêng. Tại buổi làm việc, anh Vũ Sỹ Hoàng bị yêu cầu phải khai báo những sinh hoạt của anh trong các tổ chức xã hội dân sự độc lập ; bao gồm Hội Nhà báo Độc lập, Mạng lưới Blogger Việt Nam và tổ chức NO-U Sài Gòn. Bên cạnh đó, anh Vũ Sỹ Hoàng còn được yêu cầu phải cung cấp giấy tờ trong quá trình xin visa định cư ở Mỹ xem có hợp lệ hay không và phải cam kết với Chính quyền Việt Nam không được tham gia các hội nhóm chống đối Nhà nước Việt Nam khi ra nước ngoài định cư. Buổi làm việc đến chiều cùng ngày, nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết và còn kéo dài không biết đến bao lâu. Blogger Vũ Sỹ Hoàng cho RFA biết :
"Tôi quyết định là không làm việc với họ nữa. Tại vì không còn gì để nói. Những điều họ đòi hỏi rất vô lý và tôi không thể đáp ứng được. Tôi lo lắng là họ sẽ gây khó dễ. Với những hoạt động trước đây của mình thì họ xem rất nguy hiểm và họ liệt vào ‘vấn đề an ninh quốc gia’. Thật ra thì chẳng có gì vi phạm pháp luật hết. Cho nên, họ thích thì họ chặn quyền tự do đi lại của tôi một cách vô lý. Họ tịch thu hộ chiếu của tôi, không cho tôi đoàn tụ với gia đình, xâm phạm quyền tự do đi lại của tôi".
Không những vậy, Facebooker Vũ Sỹ Hoàng vào ngày 25 tháng Giêng còn cho biết cơ quan an ninh bắt đầu sách nhiễu thân nhân trong gia đình của anh, qua việc mời người dì lên phường làm việc.
Nhà hoạt động dân chủ Uyên Vũ, một người từng rơi vào trường hợp giống như Facebooker Vũ Sỹ Hoàng, chia sẻ ông và gia đình bị Chính quyền Việt Nam gây khó dễ suốt hai năm kể từ khi Chính phủ Hoa Kỳ cấp giấy di dân, thì mới được xuất cảnh sang Mỹ. Ông Uyên Vũ cho biết tình trạng những người hoạt động dân chủ nhân quyền, các blogger và facebooker tại Việt Nam thường xuyên bị gây khó dễ và bị sách nhiễu trong việc đi lại không những ra vào Việt Nam mà cả trong cuộc sống thường nhật của họ. Tuy nhiên, ông Uyên Vũ nhấn mạnh những nhà bất đồng chính kiến nào đi định cư nước ngoài thì sớm muộn cũng được Chính quyền Việt Nam cho đi, với lập luận :
"Tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam không muốn giữ nhiều người bất đồng chính kiến ở trong nước làm gì. Tại vì càng có đông những người bất đồng chính kiến thì họ càng phải đối phó, càng phải bỏ nhiều công sức ra để canh giữ, chận đứng những cái họ gọi là ‘âm mưu’ hoặc gọi là ‘diễn biến hòa bình’. Chính vì vậy, tôi nghĩ là trường hợp của Blogger Vũ Sỹ Hoàng rồi họ cũng sẽ trả lại hộ chiếu để anh ta có thể đi định cư nước ngoài. Vấn đề là anh Hoàng sẽ phải vất vả nhiều vì các thủ tục hành chính, vì những sự đòi hỏi hoặc làm phiền sách nhiễu của họ".
Trước tình trạng Chính quyền Việt Nam gây áp lực bằng nhiều hình thức đối với những nhà hoạt động ở trong nước, các tổ chức nhân quyền thế giới cáo buộc Hà Nội đang bước lùi trong vấn đề nhân quyền. Mới đây, tổ chức Freedom House, trụ sở tại Hoa Kỳ, vào trung tuần tháng Giêng công bố phúc trình thường niên cho thấy Việt Nam không có tự do trong nhiều khía cạnh, kể cả hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Việt Nam được xếp hạng 6/7, trong đó hạng 7 là những quốc gia mất tự do nhất.
Về phía những người gốc Việt không được Chính quyền Việt Nam cho nhập cảnh, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận đa số nói rằng Hà Nội tự gây bất lợi cho chính họ trong lãnh vực du lịch lẫn uy tín trên trường quốc tế. Nhiều người trong số này còn quả quyết họ sẽ không bao giờ thực hiện theo những yêu cầu vô lý của nhà cầm quyền Việt Nam để nhận được cái gọi là "cứu xét cho nhập cảnh", bởi vì quyền tự do tư trưởng, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do đi lại đã được quy định trong Công ước quốc tế.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 29/01/2018