Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tham nhũng còn do đất đai thuộc sở hữu toàn dân !

Trúc Giang, VNTB, 22/04/2018

Đó là ý kiến được ghi nhận trong một hội luận cà phê của một số luật sư tại Sài Gòn, nhân vụ việc một doanh nghiệp thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã bán đất với giá rẻ cho công ty tư nhân.

dat1

Khu đất công hơn 32 ha ở xã Phước Kiển (Nhà Bè) được Cty Tân Thuận bán cho Cty Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 1 triệu đồng/m2.

(Do hiện nay đang có tình trạng một số luật sư tham gia bào chữa miễn phí các vụ dân oan liên quan đất đai, đang được cơ quan an ninh ‘chăm sóc’ khá kỹ, nên bài viết này xin được tránh nêu tên cụ thể bất kỳ luật sư nào).

Có lẽ rút ra bài học từ sai lầm của chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc, ở bản Hiến pháp 1959 chính quyền miền Bắc đã quy định hai hình thức sở hữu đất đai, là sở hữu toàn dân và sở hữu tư nhân. Ở một khía cạnh nào đó, mô hình đã đem lại sức sống mới và lòng tin của dân vào chính sách quốc gia.

Vì sao nghi vấn lợi ích nhóm của Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa X, XI Lê Thanh Hải ?

Ghi nhận từ hồ sơ các vụ thưa kiện của người dân liên quan đến vấn đề đất đai suốt mấy mươi năm qua cho thấy ngày càng bộc lộ nhiều phức tạp, bởi nó liên quan đến câu chuyện "chính danh". Về mặt pháp lý, đất đai phải có chính danh, tức là phải có người chủ thực sự. Thế nhưng, từ sau tháng 4/1975 đến nay, đất đai đã chưa được chính danh, và Luật Đất đai nhiều được sửa đổi nhiều lần vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Đơn cử, nhiều nước trên thế giới họ quy định rõ ràng, đất đai nào là của nhà nước, đất đai nào là của người dân nên luật của họ ổn định, tức là họ chính danh. Còn tại Việt Nam, nhà nước đại diện chủ sở hữu về đất đai, nhưng không ít công chức đã lạm dụng quyền lực để thao túng đất đai, nên mới xảy ra khiếu kiện, tố cáo hàng loạt. Những ‘củi tươi’ như các quan chức Đà Nẵng vừa bị khởi tố liên quan tham nhũng đất đai là một ví dụ.

Hay vụ xảy ra tại công ty Tân Thuận 100% vốn của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi bán rẻ ‘đất Nhà nước’ cho công ty Quốc Cường Gia Lai, với nghi vấn trách nhiệm trực tiếp/ liên đới của Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang, là dẫn chứng thời sự khác.

Một luật sư cho rằng chính chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là người đại diện, đang tạo ra một kẽ hở vô cùng thuận lợi cho nhiều bộ phận cán bộ công quyền, bởi quyền chuyển mục đích sử dụng đất lại nằm trong tay chính quyền địa phương.

Tháng 1-1997, khi chia tách thêm 5 quận mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, một khu vực đất nông nghiệp như Thủ Thiêm vốn có giá trị bằng tiền trên thị trường không đáng là bao, đã được những cán bộ ‘đi tắt đón đầu’ gom mua, vì họ biết rõ chuyện quy hoạch đô thị nơi này trong thời gian sắp tới sẽ biến đây là đất vàng. Như vậy, chỉ cần một chữ ký duyệt quy hoạch thôi thì giá trị của đất đai tăng lên hàng trăm, hàng ngàn lần, và toàn bộ khoản chênh lệch đó lọt hết vào túi những phe nhóm lợi ích. Cựu Chủ tịch, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải được nghi vấn là một trong phe nhóm lợi ích lũng đoạn và thao túng mạnh nhất thị trường đất đai ấy.

"Cơ chế chỉ có chủ tịch tỉnh, thành phố mới có quyền cấp phép dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là cơ chế đặc quyền đặc lợi. Đây là cơ chế tạo ra tham nhũng chứ không phải là đẩy lùi tham nhũng", một luật sư ‘tố’ thẳng cựu Chủ tịch Lê Thanh Hải như vậy. Vẫn theo vị luật sư này, nếu quy định sở hữu toàn dân thì cũng gần như là để khối tài sản có giá trị như đất vô chủ. Không những thế, nói về bản chất sự việc, chỉ có người chủ mới có quyền quyết định giá cả đất đai, song với việc định ra sở hữu toàn dân thì ai sẽ là người quyết định giá đất, bởi dù là sở hữu toàn dân nhưng dân lại không được quyết định giá đất.

Một phi lý nữa, về bản chất, bất động sản không thể tách rời nhà và đất được. Thế nhưng, hiện nay quyền sở hữu đất đai lại thuộc về nhà nước, trong khi quyền sở hữu nhà lại thuộc cá nhân. Chính sự không thống nhất này đã dẫn tới nhiều chính sách trong đất đai, bất động sản không được thuận buồm xuôi gió vì mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân và tập thể.

Dễ bị chụp mũ chính trị

Chia sẻ với người viết, nhiều luật sư nói rằng họ đang bị đe dọa chụp chiếc mũ chính trị là kích động dân chúng trong thưa gửi ở những vụ án liên quan đất đai.

Phía chụp mũ cũng có cái lý của họ, bởi thực tế là cho tới hiện nay, vẫn tồn tại hai cách tiếp cận với vấn đề sở hữu khác nhau, thậm chí chồng chéo và lẫn lộn. Đó là tiếp cận chính trị và tiếp cận pháp lý liên quan đến đất đai nói riêng và các vấn đề sở hữu khác nói chung.

Nhấn mạnh cách "tiếp cận chính trị", người ta luôn luôn tìm cách phân định và phân biệt giữa chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa (với nền tảng là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể), và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa (mà nòng cốt là sở hữu tư nhân). Trong khi đó, cách tiếp cận pháp lý đòi hỏi phải xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của các chủ sở hữu, và các đối tượng liên quan trong các giao dịch liên quan đến sở hữu theo "hình thức sở hữu", vốn đa dạng, phong phú và đậm màu sắc thực tiễn hơn "chế độ sở hữu".

"Khi Hiến pháp ghi rằng "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" thì cần coi đó là tuyên ngôn chính trị về sở hữu hơn là một chế định pháp lý. Đất đai nói chung, tương tự như không khí và ánh sáng là các yếu tố thuộc về môi trường sống tự nhiên, nên không thể là "tài sản" thuộc phạm trù sở hữu của luật dân sự được. Thay vào đó, các "mảnh đất" hay "thửa đất" cụ thể mới là đối tượng của sở hữu theo pháp luật. Luật về đất đai của các nước, do đó, chính là luật về địa chính.

Khi tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân trên cơ sở Luật Đất đai, Nhà nước đã tước đoạt về mặt pháp lý một cách đơn giản và dễ dàng toàn bộ sở hữu tư nhân về đất đai ở Việt Nam. Tuy nhiên, bởi "đất đai" và "thửa đất" hay "mảnh đất" thuộc hai phạm trù khác nhau, do đó, trên thực tế, quá trình quốc hữu hoá các "mảnh đất" và "thửa đất" cụ thể đã không xảy ra sau đó. Hay nói một cách khác, Nhà nước vẫn phải thừa nhận một thực tế khách quan là ai ở đâu trên mảnh đất nào thì vẫn ở đó. Có nghĩa rằng về mặt pháp lý, Nhà nước chỉ can thiệp vào hai khía cạnh của quyền sở hữu đất đai, đó là kiểm soát quyền sử dụng và quyền định đoạt, chứ không tước đoạt hay giành lấy các quyền này.

Người dân là chủ sử dụng đất muốn thay đổi mục đích sử dụng hay chuyển đổi, chuyển nhượng chủ quyền đối với các mảnh đất, thửa đất của mình thì phải xin phép và được sự đồng ý của Nhà nước. Như vậy, động cơ của hành động "quốc hữu hoá" nói trên không phải nằm ở vấn đề quyền sở hữu, mà ở chủ trương của Nhà nước nhằm kế hoạch hoá tập trung một cách triệt để các quan hệ liên quan đến sở hữu đất đất đai". Nhiều luật sư cùng chung nhìn nhận như vậy tại buổi hội luận.

Từ phân tích như trên có thể thấy rằng những quan chức nhân danh Nhà nước ở đây như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang… dễ dàng thao túng toàn bộ số tài sản đất đai được gọi là "sở hữu toàn dân" này. Nói một cách khác, nhân danh vai trò "đại diện chủ sở hữu toàn dân", các cơ quan chính quyền nắm giữ toàn quyền và độc quyền trong việc lập và sửa đổi quy hoạch.

Quá trình lạm dụng sẽ bắt đầu một cách "bài bản" khi có các nhóm lợi ích tư nhân từ phía các doanh nghiệp tham gia, thậm chí chi phối, dẫn đến hậu quả là quy hoạch không còn phục vụ các mục đích "quốc kế dân sinh" mà chỉ nhằm hỗ trợ các nhóm lợi ích tư nhân tìm kiếm lợi nhuận thông qua các dự án kinh tế cụ thể.

Sẽ không lò nào có thể đốt hết củi tham nhũng từ đất đai, nếu như vẫn tiếp tục giữ hình thức đất đai là sở hữu toàn dân !

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 20/04/2018

******************

Chủ doanh nghiệp ‘hé lộ chuyện Thành ủy Sài Gòn mua bán đất’

T.K., Người Việt, 21/04/2018

Vụ Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Sài Gòn) bán khu đất gần 33 hécta tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá chỉ 1,29 triệu đồng (hơn 56 USD)/mét vuông hồi Tháng Sáu, 2017, vẫn đang gây bàn tán trên mạng xã hội.

dat2

Khu đất dự án Phước Kiển-Nhà Bè được bán cho Quốc Cường Gia Lai nhưng không báo cáo Thành ủy Sài Gòn theo quy định. (Hình : Zing)

Theo báo Tuổi Trẻ, thông báo do Văn phòng Thành ủy Sài Gòn phát đi, cho biết "việc ký chuyển nhượng này đã không được báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy theo quy chế quản lý tài sản của Thành ủy".

Có suy đoán vụ bán đất Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai được công bố nhằm đưa ông Tất Thành Cang, ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn, ra kỷ luật vì ông bị cáo buộc chịu trách nhiệm chính về việc "gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng (hơn 87,9 triệu USD) trong vụ này.

Truyền thông trong nước xác nhận ông Cang phải "nhập viện" trong lúc các chi tiết về phi vụ được hé mở trên mặt báo.

Khi vụ bán đất Phước Kiển vẫn đang nóng, báo VietnamNet dẫn phát ngôn của Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân được cho là ám chỉ ông Cang : "Chỉ tòa án mới có quyền tuyên một người có tội hay không, nên để kết luận một cán bộ tham nhũng là rất khó. Trong thực tế kiểm tra, nếu phát hiện biểu hiện tham nhũng ở mức độ vi phạm có trách nhiệm người đứng đầu, thì bố trí sắp xếp lại công việc. Điều này có nghĩa là không đợi đến lúc ra tòa, mà khi có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức là sắp xếp, bố trí lại cán bộ ngay".

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG) được báo Zing dẫn lời : "Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ và mua đất Phước Kiển với giá thị trường. Chúng tôi không được ưu ái gì cả và đây không phải là đất công. Hai bên đều là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và có pháp nhân rõ ràng. Khi tôi mua cũng được Hội đồng quản trị đồng ý cho mua, bên Tân Thuận cũng thế, Thành ủy Sài Gòn đồng ý. Tuy nhiên, nếu Thành ủy Sài Gòn muốn thu hồi, chúng tôi sẽ giao lại đất và bên bán phải có thỏa thuận đền bù hợp lý".

dat3

Bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Quốc Cường Gia Lai. (Hình : Zing)

"Tôi khẳng định Quốc Cường Gia Lai sẽ giải quyết chuyện này trên phương diện thiện chí, hai bên tìm ra những thỏa thuận hợp lý và căn cứ trên hợp đồng. Nếu Thành ủy thu hồi khu đất, chúng tôi cũng sẵn sàng giao lại chứ không hề có ý định đưa mọi việc ra tòa vì mọi việc đều căn cứ trên hợp đồng", bà Loan được tờ báo trích lời.

Báo Zing còn dẫn ý kiến của Luật Sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật Sư Sài Gòn, nói trong vụ này, nếu Quốc Cường Gia Lai "làm căng" thì ngân sách thành phố Sài Gòn "có thể sẽ bị mất hàng trăm tỷ đồng để bồi thường về việc chấm dứt hợp đồng giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai đối với khu đất Phước Kiển.

Nhà báo tự do Nguyễn An Dân ở Sài Gòn bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Vụ lùm sùm này làm lộ ra thêm chuyện thú vị là đảng cộng sản Việt Nam đi mua bán đất. Về nguyên tắc quản lý nhà nước thì chính quyền chỉ làm những gì mà người dân không làm hay chưa làm được hoặc là vấn đề an ninh quốc gia. Mua bán đất thì nhân dân ai làm không được, thế mà đảng cũng thò tay kiếm chác".

"Ông vừa làm chính sách, làm luật rồi ông đi cạnh tranh mua bán đất với nhân dân thì ai mà chịu nổi ông ? Đảng nên tập trung vào đường lối chính sách quốc gia hơn là đi mua bán đất tranh ăn với nhân dân. Nếu đảng em cộng sản Việt Nam có nhu cầu mua bán đất, nên ra Hoàng Sa-Trường Sa giành lại đất với đảng anh Cộng Sản Trung Quốc, sau đó đưa đất đó vào sản xuất kinh doanh thì cũng tốt", Facebooker này viết. 

T.K.

Nguồn : VNTB, 20/04/2018

******************

30 tháng 4 và câu chuyện về đất

Nhóm phóng viên, RFA, 21/04/2018

Xáo động về đất đai

Sở dĩ khi nhắc đến ngày 30 tháng 4, ngày mà với người Việt Nam Cộng Hòa ở phía Nam vĩ tuyến 17 là ngày quốc hận, quốc tang thì với người Cộng sản Bắc Việt, đây là ngày chiến thắng, ngày mỹ mãn nhưng với nhân dân Việt Nam, ngày 30 tháng 4 lại là cột mốc lịch sử đóng vai trò xuất phát điểm cho những xáo động về đất đai mãi đến ngày nay. Và càng ngày, sự xáo động về đất đai, về quyền làm chủ trên mảnh đất của người dân đang ngày càng trở nên báo động.

3041

Đất đai của những người đi kinh tế mới ngày càng thu hẹp - RFA

Nói về mức độ an tâm của người dân về nhà ở, đất ở dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ : 

"Hồi đó là mọi thứ đều giấy tờ rõ ràng, không ai lo sợ về chỗ ở của mình hết vì mình có nhà có cửa là nó thuộc quyền sở hữu của mình rồi, về cảm giác hoang mang thì không có đâu tại vì mọi thứ đều có luật pháp hết, đâu có dễ mà như bây giờ. Nếu ai có gia đình, tài sản dù lớn dù nhỏ gì đều hợp pháp đều có giấy tờ, đều có luật pháp hết. Đơn giản ví dụ như ngày xưa nhà bán nhà này đi nhà khác, tức là bán nhà này rồi đi ở nhà khác, đổi chỗ ở là không bị lo âu là nhà kia có hợp pháp, hợp lệ hay không, có bị treo hay không, không có chuyện đó".

Nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ thêm rằng thời đó, ông vẫn còn là một thiếu niên, dường như ông không để ý gì đến chuyện đất đai hay nhà cửa. Nhưng rõ ràng cảm giác an tâm và ổn định từ gia đình có tác động không nhỏ đến tâm hồn ông. Thời đó, ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh người ta bị cưỡng chế nhà cửa hay đất đai như bây giờ.

Và với một thi sĩ, một nghệ sĩ, việc chứng kiến đồng loại bị cưỡng chế, bị đẩy ra đường là một vết thương khó tả. Trừ khi anh ngoảnh mặt làm ngơ hoặc đồng lõa với việc người khác bị hất ra đường như một hiển nhiên trong phép toán tư lợi của anh thì việc ấy bình thường, còn một khi anh còn nghĩ đến con người, anh còn biết rung động thì chắc chắn việc đồng loại bị hất ra đường hay việc lãnh thổ quốc gia bị ngoại bang cắt xén, giày xéo không thể làm anh ăn ngon, ngủ yên được.

Có thể nói rằng vấn đề đất đai hiện nay là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Bởi quyền sở hữu đất đai từng có trước 30 tháng 4 năm 1975 đã bị hô biến thành quyền sử dụng đất lâu dài. Mà quyền sử dụng chỉ là một trong các thuộc tính của quyền sở hữu gồm : chiếm dụng, sử dụng và định đoạt. Một khi không có quyền sỡ hữu thì hai thuộc tính còn lại cũng mất, đây là kẽ hở pháp luật lớn nhất để những tay quan chức địa phương có thể lợi dụng làm càn.

Bởi người dân chỉ có quyền sử dụng lâu dài nhưng bị lấy mất quyền chiếm dụng và định đoạt. Nên mỗi khi có tập đoàn kinh tế hay công ty nào đó muốn chiếm dụng một diện tích đất nào đó mà người dân đã thụ đắc lâu năm, họ chỉ cần làm việc với chính quyền địa phương có tham nhũng để lên dự án có tính xã hội hóa, sau đó mượn tay chính quyền địa phương đó để chiếm dụng trên danh nghĩa thu hồi đền bù. Và người dân cũng không có quyền định đoạt nên giá trị đền bù do chính quyền địa phương định đoạt, áp giá rẻ rúng. Điều này kéo theo hệ lụy oan sai về đất triền miên.

Đòi lại công bằng

Ông Phan Xuân Lương, người đã nỗ lực đấu tranh đòi công bằng về đất đai lâu năm, hiện sống ở Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc, chia sẻ : 

"Thì theo tôi thấy tình hình sử dụng đất đai của Việt Nam mình không ổn định được. Mỗi người dân chỉ có giấy quyền sử dụng đất thôi mặc dù là tùy đất có ghi sử dụng lâu dài nhưng mà điều luật họ ràng buộc lúc nhà nước cần sử dụng đất để làm gì đó theo luật thì người dân phải hiến đất đó cho nhà nước sử dụng. Tất nhiên là sự đền bù một mức độ nào đó nó không được sự thỏa mãn. Quyền sử dụng đất đai thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 là quyền sở hữu cá nhân, quyền định đoạt mảnh đất của mình. Như Mỹ chẳng hạn, ví dụ như có công trình nào đó thì người ta đền cho chủ sở hữu mảnh đất đó gấp 4 lần nhưng nếu họ không chịu thì có thể kiện ra tòa nhưng ở Việt Nam thì khi nhà nước đưa ra rồi làm sao đó 80% người ủng hộ thì 20% còn lại buộc phải theo".

Ông Lương chia sẻ thêm, hầu hết những oan sai về đất đai ở Tây Nguyên Việt Nam đều có dính đến chương trình kinh tế mới sau 30 tháng 4 năm 1975. Nghĩa là thời đó, những gia đình có nhà cửa ổn định, kinh tế tương đối vững ở đồng bằng đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước đi kinh tế mới, khai thác đất hoang ở Tây Nguyên để trồng trọt, tạo ra lương thực.

Các gia đình muốn có được lương thực thì phải phát hoang, tạo ra những nương rẫy rộng lớn trên vùng đất Tây Nguyên để trồng trọt, thu hoạch. Việc khai hoang, trồng trọt và thu hoạch được sự đồng viên, hỗ trợ từ nhà nước và tất cả quĩ đất khai hoang được mặc định là của các ông chủ, bà chủ "kinh tế mới". Nhưng đùng một cái, chính sách Khoán 10, rồi chính sách thu hồi đất diễn ra liên tục, quĩ đất khai hoang của người dân teo tóp lại còn chưa được 10% so với trước. Bên cạnh đó, có hàng trăm nỗi hoang mang về đất đai đang ngày càng hiện rõ.

Nói về vấn đề các tập đoàn, công ty toa rập với chính quyền địa phương để lấy đất của dân, ông Lương chia sẻ : 

"Bây giờ thực tế là cho dù người dân nộp thuế quyền sử dụng đất đai rất cao nhưng không có quyền định đoạt mảnh đất của mình. Thực tế tôi thấy nhiều cái còn rất bất cập, như tôi và nhiều gia đình ở đây từ khi vào đây theo chương trình kinh tế mới của nhà nước thì họ phát dọn lên nhưng bây giờ theo một hình thức nào đó mà bây giờ người ta đang mất dần quyền sử dụng đất, thì càng ngày càng có nhiều người mang đơn thư, biểu ngữ…".

Được và mất

Có thể nói rằng sau cột mốc 30 tháng 4 năm 1975, người Việt Nam bước vào một trang sử mới, trong đó, có những điểm được như người miền Nam có thể bắt xe đò, mua vé máy bay, chạy xe gắn máy hoặc mua vé tàu lửa đi thẳng ra Hà Nội, Lào Cai mà không cần qua một cửa an ninh của chế độ khác, không gặp khó khăn nào. Nhưng, cũng từ sau cột mốc lịch sử này, vấn đề đất đai bị qui vào sở hữu toàn dân đã gây khó khăn không nhỏ cho nhân dân và bên cạnh đó là sự mọc ra ngày càng nhiều các nhóm giới chức địa phương lợi dụng kẽ hở của luật pháp.

Có một điều lấy làm lạ là đất đai qui vào sở hữu toàn dân dựa trên cơ sở kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã. Và nền kinh tế đó đã chấm dứt trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam từ năm 1986 của thế kỉ trước, thay vào đó là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái lõi của kinh tế thị trường lại nằm ở quyền tư hữu và quyền định đoạt cá nhân.

Nhưng ở đây, một nền kinh tế thị trường mà ở đó, quyền lớn nhất trong vấn đề tư hữu là quyền sở hữu đất vẫn còn là điểm mờ và câu chuyện về đất đai vẫn là câu chuyện của thời kinh tế tập trung bao cấp, hợp tác xã. Có thể nói rằng với đà này, Việt Nam khó mà ổn định về kinh tế, chính trị cũng như xã hội. Bởi vấn đề quản lý nhà nước, tự thân nó đã có mâu thuẩn nội tại và hàm chứa những cái ổ gian lận ở cấp quản lý địa phương.

Nghĩa là sau gần 50 năm hai miền Nam-Bắc thống nhất, sự hoang mang trên đất nước hình chữ S này vẫn không hề dừng mà nó chuyển hóa từ hoang mang chiến tranh sang hoang mang chỗ ở.

Nhóm phóng viên

Nguồn : RFA, 20/04/2018

******************

'Hỏa tốc' với dự án sân golf, resort 3.800 ha trùm cả ra đảo Lý Sơn !

Trần Tuấn, Tiền Phong, 21/04/2018

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Ngọc Căng vừa "yêu cầu cả hệ thống chính trị quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp…, để đảm bảo các điều kiện tiến hành khởi công dự án vào ngày 19/5/2018 theo đúng mục tiêu, tiến độ đã thống nhất giữa lãnh đạo tỉnh và Chủ tịch Tập đoàn FLC".

dat4

Phối cảnh Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu -Lý Sơn

Ngày 18/4/2018, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra Thông báo đóng dấu "hỏa tốc" số 144/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng về phương án quy hoạch giai đoạn 1 Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn. 

Theo đó, tại cuộc họp diễn ra ngày 17/4/2018 giữa đầy đủ các sở, ban ngành của tỉnh với lãnh đạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Chủ tịch Trần Ngọc Căng đồng ý với đề xuất ranh giới và phương án quy hoạch giai đoạn 1 của Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn do Tập đoàn FLC đề xuất, với tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 1 là 1.243 ha. Và yêu cầu FLC chỉnh sửa, hoàn thiện phương án quy hoạch trước khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.

Trong khi phương án quy hoạch chưa hoàn chỉnh, mọi quyết định còn chưa có, thì Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất ứng trước 500 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, GPMB cho dự án. 

Đặc biệt hơn nữa, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu dời vị trí đồn Biên phòng Bình Hải (đóng tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) đến nơi khác để… lấy đất cho dự án của FLC ! Trong khi chỉ mới trước đó hơn 2 tháng, cụ thể vào ngày 29/1/2018, cũng chính Chủ tịch Trần Ngọc Căng đã ký Quyết định (số 184/QĐ-UBND) phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình xây dựng mới Đồn Biên phòng Bình Hải chính tại vị trí hiện tại. Dự toán giá trị xây dựng công trình Đồn Biên phòng Bình Hải gần 20 tỷ đồng lấy từ ngân sách.

Điều gì đã khiến có sự thay đổi nhanh chóng đến vậy ? Một dự án thu hồi hàng mấy ngàn héc ta đất và biển, ảnh hưởng tới hàng vạn dân cư của hai huyện Bình Sơn và Lý Sơn, cũng như công tác đảm bảo an ninh quốc gia tuyến biển - đảo trọng yếu này, không lẽ chỉ "ra đời" và được quyết định chóng vánh chỉ trong vòng 2 tháng ? !

Một nghịch lý nữa từ Thông báo trên, đó là trong khi cùng lúc yêu cầu bố trí các khu tái định cư phù hợp cho dân cư ngư nghiệp, thì chính Chủ tịch Trần Ngọc Căng lại chỉ đạo : "trung bình 8km bố trí một tuyến đường ra biển". Với những "tuyến đường ra biển" kiếu ấy, khách nào bó tay hàng ngàn ngư dân vùng biển nổi tiếng cả nước này ? ! Trong khi đây chính là cửa ngõ để cho những ngư dân quả cảm tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa bám biển, giữ ngư trường bất chấp bị phía Trung Quốc bắt bớ, đập phá thu giữ tàu thuyền, ngư lưới cụ, thậm chí cướp đi sinh mạng...

Thế nhưng, khi mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu sự quyết tâm của "cả hệ thống chính trị" để đảm báo cho dự án trên khởi công vào ngày 19/5, tức là chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa.

dat5

Yên bình Bình Châu - ảnh Trần Tuấn

dat6

Tàu cá của ngư dân Bình Châu vừa cập bến - ảnh Trần Tuấn

Sự "hỏa tốc" đối với dự án này còn thể hiện, đó là cũng trong ngày 17/4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản (số 2077/UBND-CNXD), yêu cầu các ban ngành nghiên cứu theo hướng cho phép FLC triển khai tiếp giai đoạn 2 Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn. 

dat7

Gành Cả Bình Châu - Bình Sơn Ảnh Trần Tuấn

dat8

Gành Cả Bình Châu nằm trong Đề án Công viên địa chất thế giới đang chờ UNESCO công nhận, nay sẽ thuộc về dự án của FLC - ảnh Trần Tuấn

Được biết, giai đoạn 1 Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn chiếm tổng diện tích 1.243ha, bao gồm các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé huyện Lý Sơn). Dự án gồm các hạng mục sân golf, khách sạn, hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng... Tổng diện tích dự án lên tới 3.890 ha, trong đó có 20 ha của Lý Sơn (đảo lớn) và An Bình (đảo Bé).

dat9

Lý Sơn tuyệt đẹp - ảnh Trần Tuấn

Trong khi từ tháng 8/2017, Đề án xây dựng khu vực Lý Sơn - Bình Châu thành Công viên địa chất toàn cầu (giai đoạn 2017 - 2024) đã được tỉnh Quảng Ngãi hợp tác với Viện Khoa học địa chất Việt Nam thực hiện với kinh phí 50 tỷ đồng, chuẩn bị trình UNESCO công nhận.

Trần Tuấn

Nguồn : Tiền Phong, 21/04/2018

Published in Diễn đàn