Người người chống Trung Quốc bằng chính máu của mình
Điều gì các viện sử quốc doanh không làm, người lính sẽ tự làm lấy. Đó là ý nghĩ bất chợt của tôi khi đọc đến trang cuối cùng tập bản thảo của một người lính có mặt tại Cao Bằng tháng 2/1979. Hơn 180 trang viết ngồn ngộn tư liệu, đang rất thô mộc. Vì thô mộc như những người lính nên nó quá sống động và vô cùng chân thực.
Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn M123 bộ đội Lạng Sơn chiến đấu dũng cảm tại đồi Không Tên trong 2 ngày 17 và 18/2/1979 (Ảnh tư liệu : TTXVN)
Cuốn sách là những trang hồi ức về Trung đoàn 567, một trung đoàn trong những năm 1977, 1978, chỉ được giao khoét núi mở đường ; cho tới tháng 12/1978, tức là chỉ còn mấy chục ngày trước Chiến tranh, vẫn không được huấn luyện sẵn sàng, không được trang bị đầy đủ vũ khí, không được bổ sung quân số… Một trung đoàn địa phương mà đã phải đối đầu với hai sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo dàn… suốt 12 ngày đêm ở Tà Lùng, Khau Chỉa…
Có những trang viết như những thước phim :
"Một đám rất đông lính Tàu bu quanh cây nhãn ở ngã ba thị trấn. Một sĩ quan của ta bị chúng buộc dây vào chân rồi treo ngược lên cành nhãn. Anh ấy bị tra tấn... Từ xa nhìn qua ống nhòm chỉ thấy anh rũ rượi, quằn quại… Một lúc sau, anh dãy lên vài cái rồi hy sinh. Mấy cậu trinh sát định nã vào đám lính Tàu mấy loạt AK nhưng anh Khắc ngăn lại, tầm bắn hơi xa, vả lại nhiệm vụ chính là đi trinh sát. Anh Khắc mắt đỏ hoe…".
Có những trang viết làm ta lặng người đi :
"Sáng sớm 2/3, bọn Tàu tràn vào đen đặc cả cánh đồng… Hai nữ y tá của đại đội quân y trung đoàn là Đinh Thị Tuyến và Nguyễn Thị Huệ không còn đường rút đành đưa thương binh nặng ở lại hang Keng Riềng (Ngườm Hẩu) ẩn náu, cùng đi có cả mấy người dân tự nguyện giúp bộ đội chăm sóc thương binh. Cả hang chỉ có một khẩu CKC với mấy chục viên đạn… Tuyến và Huệ đã bắn những viên đạn cuối cùng vào đám lính Tàu tấn công lên hang. Bọn Tàu chặn cửa hang, dùng súng phun lửa, B40, B41 bắn vào... Hang Keng Riềng cháy đen khét lẹt, những xác người bị cháy thui co quắp, nứt toác…".
Có những trang viết làm máu trong người ta sùng sục sôi :
"…Ngày 28/2, liên lạc trung đoàn về báo cho đội văn công ở bản Chang về xã Hoàng Hải để rút… Đội có 15 người, 10 nữ, 5 nam, vũ khí chỉ có 1 AK và 1 CKC... Vượt quốc lộ 3, đoạn Lũng Xỏm chừng một cây số thì cả đội đụng ổ phục kích, hơn trăm tên. Anh Kiền và Minh Lý nổ súng chặn giặc và hô anh chị em chạy lên núi. Chỉ có ba người chạy thoát... Bọn Tàu quây bắt được mười người, chúng đâm chết ba chiến sĩ nam ngay, bảy chiến sĩ nữ văn công bị đám lính Tàu lao vào xâu xé hãm hiếp… Bảy xác chị em chiến sĩ văn công, không một mảnh vải, bị chúng xếp thành hàng phơi ngoài cánh đồng mười mấy ngày…".
Và, có những trang viết về người lính khi tiếng súng đã tạm yên vẫn làm ta khóc to lên nức nở :
"Tuần đầu tiên sau chiến tranh có một việc bất ngờ là tiểu đoàn được xem văn công xung kích ngay tại trận địa… Tốp ca nam ba người hát "Làng tôi sau lũy tre mờ xa…". Nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê rớt nước mắt. Suốt hơn một tháng, tin tức chỉ được nghe qua chiếc radio của chính trị viên, thư từ liên lạc bị ách hết, biết chắc mẹ ở nhà rất nóng ruột chờ tin… Tôi nói với một cậu văn công : "Bạn về Thái Nguyên, đánh điện về cho gia đình tôi mấy chữ rằng tôi còn sống kẻo mẹ tôi khóc hết nước mắt". Cậu văn công nghe xong nói nhỏ với anh Trưởng đoàn. Anh Trưởng đoàn đứng lên nói to, các đồng chí hãy cho chúng tôi địa chỉ về đến Thái Nguyên chúng tôi sẽ tìm cách báo tin về nhà sớm nhất. Anh vừa dứt lời, rào rào tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay của lính… Cuối năm đó tôi được về thăm nhà, mẹ tôi đưa tôi xem bức điện báo, gửi từ Thái Nguyên : "Mẹ đừng khóc, con trai của mẹ vẫn còn sống".
Theo tác giả :
"Chiến tranh nghiệt ngã vô cùng, tháng 2/1979, có không ít những kẻ hèn nhát vứt súng chạy dài nhưng cũng rất nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt. Nói không sợ chết là không đúng. Không ai là không sợ, không ai muốn chết. Nhất là khi nhìn trực tiếp chớp lòe đạn pháo bắn tung chiến hào, những xác người văng lên tan nát và những tiếng kêu la đau đớn… Đạn cày xối xả bên mình, dưới chân đồi bọn lính Tàu đông lúc nhúc, thổi kèn, phất cờ, hò hét tả lớ, tả lớ xung phong. Nhưng tại sao người lính không buông súng bỏ chạy…".
Đọc những trang viết của những người lính mới thấy, phần lớn những người thực sự anh hùng hoặc đã chết hoặc đã trở về quê lặng lẽ với những ước mơ vô cùng giản dị. Nhiều người trong số họ đã rất mưu lược khi chỉ huy, đã rất can trường trong chiến tranh… ; nhưng đã trở về với những vết thương, bệnh tật, vất vả mưu sinh và chết trong khó khăn, cô độc.
Đọc những trang viết của lính mới thấy, khi kể lại những ngày xả thân bảo vệ quê hương, không ai trong họ tìm kiếm những tấm huy chương. Họ đã chống quân xâm lược Trung Quốc bằng máu, bằng tính mạng của chính mình. Và nay, dù khao khát hòa bình, họ yêu cầu phải gọi đúng tên cuộc chiến mà họ đã hy sinh xương máu : Cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược.
Huy Đức
Nguồn : fb. Osinhuyduc, 21/04/2020
PS : Vì bản thảo đang ở dạng nguyên liệu, hẳn tác giả sẽ còn mất nhiều thời gian để hoàn chính nó thành một bộ sử liệu quan trọng, tôi xin chưa nói thêm gì về tác giả và tác phẩm.
Nhiều người hẳn đã quen thuộc với hình ảnh cột bia Khánh Khê ở Lạng Sơn dưới đây [ghi nhận sự hi sinh của 650 chiến sĩ thuộc sư đoàn 337 trên biên giới phía Bắc cản bước quân thù năm 1979] cách đây vài năm được báo chí phát hiện là đã bị đục bỏ dòng chữ "quân Trung Quốc xâm lược" - một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị.
Bia Khánh Khê bị đục dòng chữ "quân Trung Quốc xâm lược". Ảnh : Báo Thanh Niên
Và, trong nỗ lực xóa bỏ ký ức tập thể về sự kiện này, người ta đã không chỉ đục bia, mà còn đục cả thơ.
Hôm nay tình cờ thấy người bạn đăng bài thơ 'Gửi em ở cuối sông Hồng' như bên dưới :
Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không ?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.
...
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.
(Dương Soái)
Đây là phiên bản phổ biến của bài thơ hiện nay, được báo chí nhà nước sử dụng mỗi khi nhắc đến, kèm cả dấu 3 chấm (...) ngay trước khổ cuối cùng [1].
Chưa bàn đến chuyện hay dở của phiên bản này, nhưng đọc lên thấy ý hiển ngôn của nó như thể tâm sự của một thanh niên đi nghĩa vụ quân sự làm lính biên phòng phía Bắc nhớ thương về người yêu ở vùng quê nào đó ở hạ lưu sông Hồng. Cả bài chỉ nhớ, thương, và kỷ niệm, chứ hoàn toàn vắng bóng sự ác liệt của chiến tranh. Bởi vậy đọc câu cuối nghe rất gượng gạo, vì sao cô gái thấy dòng sông ngàu lên sắc đỏ lại hiểu được chiến công của chàng trai ? Chiến công gì ở đây, khi mà những đoạn phía trên thấy chàng trai toàn là 'lên chốt', 'xuống sông thả lá', 'gặp rét trên đỉnh đồi cao' ? Nghe như một anh chàng tân binh đang 'nổ' với người yêu vậy.
Ý tứ bài thơ như thế, do đó, vừa rất thường, vừa kém tự nhiên.
Nhưng hóa ra không phải vậy, bài thơ đã bị buộc phải trở nên gượng gạo như thế. Những nhát búa của chế độ kiểm duyệt đã đục đi mất phần lịch sử bi hùng được nhắc đến trong bài thơ. Và, trong khi dấu tích cột bia Khánh Khê bị đục dễ dàng nhận ra bằng mắt thường, thì với bài thơ của Dương Soái ở trên dấu vết ấy chỉ còn lại ba chấm (...).
Uy nghi cột cờ Lũng Pô giữa đất trời biên giới, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ảnh : Tùng Duy
Mời đọc lại phiên bản đầy đủ của bài thơ 'Gửi em ở cuối sông Hồng' dưới đây, hôm nay, 17/2, không chỉ để hiểu vì sao cô gái nhìn sông Hồng ngàu lên sắc đỏ lại có thể hiểu được chiến công của chàng trai (ấy là vì nghìn xác giặc Trung Quốc đã bị hạ gục máu loang ố nơi đầu nguồn), mà còn là để nhớ tới những gì không được phép quên, dẫu bất kỳ ai, quyền cao chức trọng tới đâu, phương cách thô lậu tệ hại thế nào, luôn muốn chúng ta quên.
Gửi em ở cuối sông Hồng
Dương Soái
Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không ?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.
Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông
Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong
Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.
Lào Cai, 1979
Nguyễn Anh Tuấn
RFA, 17/02/20148 (nguyenanhtuan's blog)
---
[1] Xem bài trên báo Thể thao Văn Hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và An ninh Thủ đô trong links bên dưới :
https://thethaovanhoa.vn/bong-da/nha-tho-duong-soai-va-cau-chuyen-gui-em...
http://anninhthudo.vn/…/chien-tranh-bien-gioi-q…/718494.antd