Miến Điện : Chiếc áo dân sự không thay đổi được bản chất độc tài quân sự
Nhật báo Le Monde hôm nay 04/08/2021 dành quan tâm chính đến Miến Điện qua bài xã luận : "Miến Điện : Những món đồ trang sức dân sự của một tập đoàn quân sự bất lực", với ghi nhận, nửa năm sau cuộc đảo chính quân sự, quốc gia Đông Nam Á này đang bị cô lập về chính trị, lún sâu trong khủng hoảng toàn diện từ chính trị, kinh tế đến y tế.
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta (Indonesia) ngày 24/04/2021 trong bộ quần áo dân sự. AP - Muchlis Jr
Đúng nửa năm sau khi tiến hành đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân sự, hôm Chủ nhật 01/08, trong bộ trang phục dân sự, không phải bộ đồng phục quân nhân, tướng Min Aung Hlaing lên truyền hình đọc diễn văn, tự tuyên bố là "thủ tướng" của một "chính phủ lâm thời". Tờ báo nhận xét, ông tướng độc tài Miến Điện này "đã viện đến cách thức cũ xưa của các chế độ quân sự không có tính chính đáng, cố trang điểm cho mình thành một lãnh đạo dân sự.
Cái vỏ bề ngoài của bộ y phục dân sự đó không đánh lừa được ai. Đó vẫn là chế độ quân sự, và vị thủ tướng đó trước tiên vẫn là một chỉ huy quân đội. Hứa hẹn từ nay đến tháng 8/2023 tổ chức bầu cử càng không đánh lừa được ai. Tướng Min Aung Hlaing lùi lại thời hạn bầu cử thêm hai năm chứ không phải 6 tháng như hứa hẹn khi làm đảo chính. Cuộc bầu cử đó có diễn ra thì cũng khó có thể có được tính chính đáng.
Le Monde nhận định, tính chính đáng đó là vấn đề của tương Min ở cả trong và ngoài nước. Bên trong đất nước Miến Điện, ông đã làm tăng mức độ thù hận quân đội lên cao chưa từng có trong quá khứ, dù đất nước này từ khi được độc lập 1948 đến nay, hầu hết thời gian sống dưới chế độ quân sự.
Ở bên ngoài, chế độ của tướng Min Aung Hlaing bị lên án, cô lập nhất là từ các nước phương Tây. Trung Quốc, vì lý do kinh tế và chiến lược thì cũng đành chấp nhận quan hệ với chế độ quân sự hiện nay dù vẫn luôn nghi kỵ lẫn nhau. Chỉ có Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn cho Miến Điện là thừa nhận chế độ quân sự hiện nay, qua việc cử bộ trưởng quốc phòng đến Naypyidaw hồi tháng Ba vừa qua. Trong khi đó, theo Le Monde, ASEAN - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - vẫn tỏ ra bất lực với thành viên của hiệp hội.
Xã luận của Le Monde kết luận : "Đất nước Miến Điện lún sâu trong khủng hoảng kinh tế, y tế. 250 nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi các cuộc giao tranh bùng lên trở lại giữa các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số và quân đội chính phủ từ nhiều tháng nay. Dịch Covid hoành hành dữ dội với tỷ lệ lây nhiễm tăng theo cấp số nhân. Min Aung Hlaing không thể giấu được sự bất lực trong quản lý tình hình đất nước đang mỗi ngày thêm tồi tệ. Nhà lãnh đạo độc tài khoác áo dân sự nhưng đó là một ông vua cởi truồng."
Afghanistan : Bắc Kinh bắt tay với Taliban, lo xa vấn đề Duy Ngô Nhĩ
Liên quan đến vấn đề địa chính trị trong khu vực Châu Á, trên mục "dư luận" của nhật báo Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý mang tiêu đề : "Afghanistan : tính thực dụng lạnh lùng của người Trung Quốc".
Bài viết đề cập đến cuộc gặp vừa rất đặc biệt hôm 28/07 tại Thiên Tân, giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, nhân vật số 2 của Taliban, phong trào nổi dậy ở Afghanistan. Theo tác giả bài báo thì Trung Quốc vẫn luôn rêu rao duy trì đường lối ngoại giao không can thiệp nội bộ nước khác, và nhất là họ không ưa gì khi phải tiếp chính thức đại diện cho một lực lượng nổi dậy.
Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay ở Afghanistan, sau khi quân Mỹ rút đi, phe Taliban đang thắng thế, và Afghanistan là quốc gia Hồi giáo có đường biên giới chung dài 76 km với Trung Quốc và nhất là Bắc Kinh cũng đang gặp phải vấn đề với sắc dân thiểu số theo Hồi giáo, Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, thì cuộc gặp này đáng để chú ý.
Bắc Kinh và Taliban đối lập nhau hoàn toàn như lửa với nước, nhưng cả hai đều cảm thấy có lợi ích để hợp tác cho nên đã quyết định dàn xếp với nhau sớm trước khi mà phe Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Theo tác giả bài viết, Trung Quốc lo xa một khi Taliban lên nắm quyền, có thể một phần đất Afghanistan giáp với Tân Cương sẽ trở thành căn cứ địa kháng chiến cho người Duy Ngô Nhĩ chống lại Bắc Kinh. Bài viết lưu ý, trước khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ yêu cầu Taliban hứa không để Afghanistan là nơi lưu dung bất kỳ lực lượng Hồi giáo cực đoan quốc tế nào có thể gây hại đến lợi ích của Mỹ. Giờ đây Bắc Kinh cũng muốn có được cam kết như vậy đối với người Duy Ngô Nhĩ chủ trương độc lập.
Để thuyết phục Taliban, Bắc Kinh một mặt trông cậy vào sự ủng hộ của Pakistan, mặt khác họ lại dùng chiêu bài kinh tế, hứa hẹn đầu tư, tiền bạc. Trong khi đó Taliban cũng rất cần tiền một khi giành được chính quyền ở Afghanistan. Về lâu dài, Trung Quốc cũng muốn Afghanistan trở thành đối tác trong chiến lược phát triển mạng lưới "con đường tơ lụa" của họ.
Tác giả bài viết nhấn mạnh : "Trở thành một cường quốc chính có ảnh hưởng ở Afghanistan, không phải chiến đấu tại đó, không can dự vào chính quyền, đó chính là tham vọng được Bắc Kinh che giấu". Với tính toán thực dụng như vậy, người ta đã có thể đoán được ai sẽ thắng trong cuộc cờ lớn ở Afghanistan.
Người dân Cuba chật vật với cuộc sống hàng ngày
Trở lại với nhật báo Le Monde, nhìn qua Châu Mỹ Latinh, tờ báo có bài phóng sự dài với tựa đề "Cuộc sống hàng ngày cơ cực của người Cuba" để nói lên nỗi khổ của người dân hòn đảo, đang từng ngày vất vả tìm kiếm nhu yếu phẩm cho cuộc sống.
Thông tín viên của Le Monde tại Cuba ghi nhận : Ở sân bay quốc tế José-Marti của thủ đô La Havana vào những ngày tháng 7 vừa qua, người ta có thể bắt gặp những hành khách đến từ Madrid hay Toronto với chiếc xe đẩy chất hàng đống vali khổ lớn. Đó là những người Cuba đi thăm thân trở về. Trong những chiếc vali đó là những hàng hóa từ dầu gội đầu, sữa bột, bánh, thực phẩm, giầy dép và thuốc men… đủ thứ nhu yếu phẩm cho cuộc sống hàng ngày mà ở Cuba họ không thể tìm được. Sau cuộc biểu tình tự phát của người dân phản đối chính phủ để xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm hôm 11/7, chính quyền đã cho phép người dân được nhập khẩu nhu yếu phẩm không giới hạn và miễn thuế. Mục đích là để giảm nhẹ tình trạng khan hiếm hàng hóa hiện nay và để xoa dịu nỗi bất bình của người dân.
Theo Le Monde, bình thường chế độ La Havana tỏ ra dè dặt trong việc đón nhận viện trợ nhân đạo, lần này họ đích thân đề nghị và nhiều nước đã đáp ứng lời kêu gọi cứu trợ. Nga đã gửi đến Cuba hai chuyến máy bay chở 88 tấn hàng chủ yếu là bột mỳ và thực phẩm đóng hộp. Tiếp đó Mexico hôm 27 và 28/07 cũng đã gửi hai tàu biển chở đầy lương thực, thuốc men và các bình oxy và cả nhiên liệu đến giúp Cuba. Rồi Trung Quốc, Bolivia cũng đã chuyển nhiều tấn hàng viên trợ nhân đạo từ gạo, dầu ăn, mỳ đến đường sữa để phát không cho các gia đình Cuba.
Trong khi đó từ hàng tháng nay, trong các góc phố của thủ đô Cuba, dưới cái nóng oi bức, hàng người vô tận vẫn chờ hàng giờ trước đủ loại cửa hàng để hy vọng mua được thực phẩm, cà phê, hay xà phòng giặt.
Giờ đây lệnh cấm vận của Mỹ không đủ thuyết phục để chính quyền biện minh cho tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm khiến người dân phẫn nộ. Nguyên nhân là do cách quản lý của chính phủ quan liêu, vận tải xuống cấp, mô hình kinh tế lạc hậu không kích thích sản xuất. Nhiều sản phẩm thu hoạch ở địa phương không phân phối được về thành phố.
Chính quyền Cuba một mặt đổ lỗi cho cấm vận Mỹ, đồng thời kêu gọi cải cách về nông nghiệp, đất đai nhưng vẫn loay hoay chỉ sợ đi chệch đường lối xã hội chủ nghĩa. Đến giờ Nhà nước vẫn sở hữu 80% diện tích đất nông nghiệp. Lương thực thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng chủ yếu nhập khẩu. Giờ đây với đại dịch, nguồn thu từ du lịch không còn nữa, Cuba không còn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa nữa. Theo Le Monde, đó mới là nguyên nhân chính của tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm ở Cuba.
Nhật Bản : Chính phủ bất lực với làn sóng dịch Covid
Chuyển qua với chủ đề thời sự liên quan đến địch Covid -19. Nhật báo Le Monde ghi nhận, đến giữa kỳ Thế Vận Hội Tokyo, chính phủ Nhật đã quá sức vì làn sóng lây nhiễm mới.
Theo bài báo, trong vòng một tuần qua, tại thủ đô Nhật Bản, số lượng nhiễm Covid đã bùng nổ, tăng 217%, trong khi đó số ca nhiễm mới hàng ngày của cả nước đã vượt qua con số 10 ngàn người. Tình trạng khẩn cấp y tế tiếp tục được mở rộng ra thêm nhiều vùng trong nước Nhật. Chính phủ Nhật đã cho thấy mình bị quá tải với tình hình dịch bệnh, các thông tin về tình hình dịch của chính phủ không còn thuyết phục được dân chúng.
Theo thủ tướng Suga, "Thế Vận Hội không có tác động gì đến tình trạng lây nhiễm bùng phát". Nhưng nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra. Hàng nghìn cảnh sát, người tình nguyện đến từ khắp nơi trong nước để phục vụ sự kiện, đa số họ không tiêm phòng Covid-19, nhưng lại phải di chuyển tự do khắp thủ đô và rồi họ sẽ phải trở về nhà mình sau sự kiện. Họ có thể là những đối tượng mang và phát tán virus.
Sau khai mạc Thế Vận Hội, dần dần thủ đô Tokyo đang lấy lại không khí ngày hội, theo ghi nhận của Le Monde, các khu phố sầm uất đang trở lại nhịp sống trước đây, quán hàng được mở đến sau 20 giờ.
Theo tác giả bài báo : Kỳ Thế vận hội này đã lộ rõ hố ngăn cách lớn giữa người dân Nhật và một chính phủ bị trói buộc bởi sứ mệnh Olympic, chống đỡ khó khăn với trận đại dịch mà có vẻ như họ đang mất kiểm soát. Chính phủ cũng bất lực với việc người dân không tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch.
Hỏa hoạn phá hỏng mùa du lịch ở Nam Âu
Một số nước như Hy Lạp, Ý, hay Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng mùa hè này vực dậy ngành du lịch, bị đại dịch Covid-19 đánh quỵ từ hai năm qua. Nhưng trời không chiều lòng người.
Theo Les Echos, các vụ cháy rừng đang đe dọa ngành du lịch ở Nam Âu. Ở các nước nằm ven bờ Địa Trung Hải như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý, trong tháng 7 đã thống kê được 1600 vụ cháy rừng. Riêng trong 48 giờ qua đã có 116 vụ.
Nguyên nhân chính là do khu vực này đang trải qua một mùa nắng nóng chưa từng có trong lịch sử, có nơi như thủ đô Athens, nhiệt độ lên tới trên 44°C hay tại Thổ Nhĩ Kỳ có vùng nhiệt độ trong ngày tới 49°C. Hàng chục nghìn hecta rừng bị đốt cháy, phần lớn các vụ hỏa hoạn đều không thể kiểm soát nổi. Sau một năm 2020 tai họa vì đại dịch, đây lại là một đòn đánh mạnh vào ngành du lịch các nước đang mong chờ được đón các du khách nghỉ hè trở lại để phục hồi.
Anh Vũ
Minh Anh, RFI, 22/06/2021
Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh Quốc, ngày 21/06/2021, ban hành thêm một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện do cuộc đảo chính lật đổ chế độ dân sự. Cùng ngày, Nga và Miến Điện cam kết thắt chặt hợp tác quân sự giữa hai nước.
Trụ sở của Ủy Ban Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ. AFP – Aris Oikonomou
Theo AFP, Liên Hiệp Châu Âu thông báo cấm nhập cảnh khu vực Liên Âu và phong tỏa tài sản đối với 8 quan chức Miến Điện, bao gồm các bộ trưởng và thứ trưởng, chưởng lý. Trong thông cáo, Bruxelles giải thích những nhân vật này có "trách nhiệm làm suy yếu nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền ở trong nước".
Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu còn đưa vào danh sách trừng phạt bốn thực thể được cho là có liên quan đến quân đội. Đó là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác đá quý, gỗ, nhằm hạn chế "khả năng thu lợi nhuận của tập đoàn quân sự từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên". Tuy nhiên, thông cáo cũng nêu rõ những biện pháp này cũng được thiết lập và áp dụng sao cho không gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến người dân.
Về phần mình, Vương Quốc Anh, sau nhiều loạt trừng phạt đã được ban hành, lần này nhắm đến cả một tập thể là Hội Đồng Hành Chính Quốc Gia – SAC – đóng vai trò như Hội Đồng Nhà Nước, do quân đội lập ra sau đảo chính. Luân Đôn cho rằng cơ quan này "tiếp tục làm xói mòn nền dân chủ và trấn áp thô bạo dân thường".
Nga và Miến Điện tăng cường hợp tác
Trái với thái độ của phương Tây, chính quyền Moskva, hôm qua, 21/06/2021, đã bày tỏ lập trường ủng hộ chính quyền quân sự Miến Điện khi đón tiếp lãnh đạo tập đoàn quân sự tướng Min Aung Hlaing. Trong cuộc gặp này, Nga và Miến Điện cùng cam kết tăng cường hợp tác, nhất là trong lĩnh vực quân sự.
Từ Moskva, thông tín viên Daniel Vallot tường thuật :
"Chi tiết và thời gian của chuyến thăm đã không được tiết lộ, và mọi người chỉ biết là Bộ Quốc phòng Nga đã mời tướng Min Aung Hlaing tham dự Hội Nghị An Ninh Quốc Tế Moskva diễn ra trong tuần này và đương nhiên, ông sẽ có cuộc gặp bộ trưởng quốc phòng Nga, Serguei Choigou.
Chuyến đi có nhiều khả năng và gần như chắc chắn là liên quan đến các hợp đồng mua bán vũ khí mà Nga có thể ký kết với tập đoàn quân sự Miến Điện. Nga là một đối tác lâu đời của Miến Điện trên bình diện hợp tác quân sự và Nga. Hiện tại, Nga là quốc gia cung cấp vũ khí thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.
Sau cuộc đảo chính lật đổ bà Aung San Suu Kyi, Moskva hy vọng gia tăng sự hiện diện tại Miến Điện và để rồi qua đó là tại Đông Nam Á. Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện không hề thấy bất tiện, bởi vì cách hành xử tử tế này của Nga không những cho phép quân đội Miến Điện thoát khỏi sự cô lập của cộng đồng quốc tế mà còn tránh được việc chỉ có mỗi đồng minh là Trung Quốc – một trong số những cường quốc hiếm hoi cùng với Nga đã không lên án cuộc đảo chính".
Minh Anh
***********************
Trọng Thành, RFI, 21/06/2021
Hai ngày sau khi Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi "cấm vận vũ khí" Miến Điện và yêu cầu chính quyền quân sự chấm dứt đàn áp phong trào đòi dân chủ, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện hôm 20/06/2021, công du Nga, nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu của Naypyidaw.
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing đến Moskva tìm hậu thuẫn của Nga. Ảnh tư liệu chụp hôm 03/02/2021. - AFP/Archivos
Truyền thông nhà nước Miến Điện cho biết lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing đến Nga để dự Hội nghị về An ninh quốc tế Moskva. Hội nghị do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức, diễn ra từ ngày 22 đến 24/06/2021. Chuyến đi được tổ chức long trọng : đại sứ Nga tại Miến Điện ra tận sân bay chào trước khi tướng Min Aung Hlaing lên đường. Theo đài truyền hình Nhật NHK, lãnh đạo tập đoàn quân sự có kế hoạch gặp một số lãnh đạo cao cấp của quân đội Nga và của chính phủ Nga, thăm một trường đại học và một nhà máy. Truyền thông Nhật Bản ghi nhận nguồn cung cấp vũ khí chính của tập đoàn quân sự Miến Điện là Nga và Trung Quốc.
Áp lực quốc tế đối với tập đoàn quân sự Miến Điện gia tăng, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự, tuy nhiên giới tướng lĩnh Miến Điện không có dấu hiệu nhân nhượng. Nga cùng Trung Quốc – với tư cách là thành viên thường trực có quyền phủ quyết - đã nhiều lần ngăn chặn các dự thảo nghị quyết tại Hội Đồng Bảo An lên án đảo chính tại Miến Điện. Quan hệ giữa Nga và giới tướng lãnh Miến Điện tiếp tục được siết chặt trước và sau đảo chính.
Trong một bài viết ít ngày trước chuyến công du Nga của tướng Min Aung Hlaing, Nikkei Asia hôm 17/06 cho biết, chỉ vài ngày trước cuộc đảo chính 01/02, tư lệnh quân đội Miến Điện đã tiếp bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoygu. Hai bên ký kết một thỏa thuận mua vũ khí mới, trong đó có các hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1 và các máy bay do thám không người lái Orlan-10 E, lần đầu tiên được Moskva bán ra nước ngoài.
Miến Điện hiện là khách hàng mua vũ khí thứ hai của Nga tại Đông Nam Á (với 1,5 tỉ đô la trong hai thập niên 1999 – 2018), sau Việt Nam. Vũ khí mua từ Nga chủ yếu là phi cơ chiến đấu. Chuyến đi lần này của tướng Min Aung Hlaing là chuyến công du thứ bảy sang Nga, theo báo Nhật Nikkei Asia. Trả lời truyền thông Nga hồi tháng 6/2020, tướng Min Aung Hlaing đã để ngỏ khả năng tham gia chính trị, sau bầu cử Quốc hội Miến Điện.
Vẫn về tình hình Miến Điện, hôm 18/06, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, kêu gọi Hội Đồng Bảo An "khẩn cấp có biện pháp với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Miến Điện, kể từ đảo chính". Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện báo động về tình trạng bạo lực đã khiến khoảng 10.000 người Miến Điện chạy sang Ấn Độ và Thái Lan, trong lúc các đụng độ trên toàn quốc khiến hàng trăm nghìn thường dân phải sơ tán.
Trọng Thành
*********************
Trọng Thành, RFI, 20/06/2021
Thảm cảnh của người tị nạn Rohingya Miến Điện theo đạo Hồi, đặc biệt trẻ em sắc tộc thiểu số này, là nỗi ám ảnh lớn của giới bảo vệ nhân quyền quốc tế. Hôm nay 20/06/2021 là Ngày Tị nạn Thế giới. Hiệp hội Save the Children báo động tình trạng 700.000 em nhỏ người Rohingya đang bị tước đoạt mọi quyền căn bản.
Một em nhỏ người Rohingya sau khi trại tị nạn bị đốt cháy tại New Delhi, ngày 14/06/2021. Reuters – Danish Siddiqui
Trả lời RFI, ông Bhanu Bhatnagar, một thành viên trong ban lãnh đạo hiệp hội Save the Children khẩn thiết báo động :
"Bất kể các em đang sống ở đâu hay tị nạn ở nước nào, tại vùng Nam Á hay đặc biệt tại Đông Nam Á, trẻ em người Rohingya đều phải đối mặt với những kỳ thị trầm trọng, với nguy cơ bị loại trừ, bị từ chối những quyền căn bản nhất. Điều này phải thay đổi ! Nếu không, chúng ta sẽ mất cả một thế hệ trẻ người Rohingya.
Chúng tôi rất lo ngại, bởi người ta từ chối các quyền căn bản nhất với tất cả 700.000 trẻ em Rohingya, quyền được bảo đảm an ninh, quyền được học hành, hay quyền có quốc tịch. Các em có nguy cơ trở thành nạn nhân của các băng đảng buôn lậu. Có những em bị cưỡng bức lao động từ rất sớm, các em gái nhiều khi phải lấy chồng trước khi đến tuổi trưởng thành.
Ví dụ như chúng tôi đã hỏi chuyện một em Rohingya đang sống tại Malaysia. Cậu bé này thậm chí không dám rời khỏi trại tị nạn, vì sợ bị cảnh sát Malaysia bắt giam. Như vậy, hoàn toàn không có việc các em có cơ hội được đi học. Trẻ em người Rohingya sợ phải đi ra ngoài. Các em phải sống trong nỗi sợ thường trực, nỗi sợ gặp hiểm nguy bất cứ lúc nào".
Malaysia : Thái độ kỳ thị người Rohingya được chính quyền khuyến khích
Trẻ em người Rohingya và người tị nạn Rohingya nói chung đang có mặt chủ yếu tại bốn quốc gia Châu Á, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Malaysia là nơi lánh nạn của hơn 100.000 người Rohingya, trốn chạy các đàn áp của tập đoàn quân sự Miến Điện. Chính quyền Malaysia cho phép dân Rohingya tạm cư, nhưng không cấp cho họ quy chế tị nạn.
Về nguyên tắc, người Rohingya lánh nạn tại Malaysia không bị bắt bớ, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều hiệp hội bảo vệ nhân quyền liên tục đưa ra các cảnh báo về các hành động chống người nhập cư nói chung, và chống người Rohingya nói riêng gia tăng. Trả lời RFI, bà Katrina Maliamauv, giám đốc điều hành của tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, báo động :
"Chỉ mới đây thôi, đã có việc một số cơ quan nhập cư đưa lên mạng các áp phích chống người Rohingya, và tuần này, bộ trưởng bộ Nội Vụ đã chia sẻ một số hình ảnh cho thấy nhiều người Malaysia được cám ơn vì đã báo với chính quyền về nơi ở của một số người nhập cư. Việc này dường như ngầm đưa ra một thông điệp chung là, chúng tôi bảo vệ các vị, bảo vệ người Malaysia, khi tấn công vào các đối tượng này".
Bà Hui Ying Tham, đứng đầu tổ chức phi chính phủ Asylum Acces Malaysia, cho RFI biết thêm : "Hiện tại có 1.998 người Rohingya tại trung tâm quản lý nhập cư. Chính quyền nói rằng họ không thể hồi hương những người này về Miến Điện, do tập đoàn quân sự, cũng không thể đưa họ ra khỏi nơi giam giữ, như vậy họ sẽ còn phải ở đây vô thời hạn. Người Rohingya đã là một trong các sắc tộc thiểu số bị truy bức tàn khốc nhất thế giới, đến Malaysia này họ lại tiếp tục phải hứng chịu những lời lẽ thù hận, và các hành động khiến họ phải khiếp đảm, thêm một lần nữa".
Trọng Thành
**********************
RFI tiếng Việt, 19/06/2021
Hôm 18/06/2021, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết cấm vận vũ khí đối với Miến Điện. Theo nghị quyết này, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc được kêu gọi "ngăn chận việc vận chuyển vũ khí" tới Miến Điện.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York. AFP – Loey Felipe
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :
"Một lần nữa, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tạm thời bù đắp những thiếu sót, rất thường xuyên trong những tháng gần đây, của Hội đồng Bảo an. 119 quốc gia đã lên án cuộc đảo chính ở Miến Điện, và kêu gọi hạn chế cung cấp vũ khí cho nước này.
Nghị quyết cũng ủng hộ kế hoạch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN khuyến nghị bổ nhiệm một phái viên, cũng như chấm dứt bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa. Cuối cùng, nghị quyết kêu gọi không cản trở những hoạt động cứu trợ nhân đạo và chuyến thăm của phái viên Liên Hiệp Quốc.
Đây là nghị quyết lên án mạnh mẽ nhất về hình hình Miến Điện kể từ xảy ra cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, cũng như cuộc đàn áp khiến ít nhất 860 thường dân thiệt mạng. Đại sứ Miến Điện, tuy đã rời bỏ chính quyền, nhưng vẫn giữ chức tại New York, cho nên ông đã thay mặt Miến Điện bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.
Tuy nhiên, giống như tất cả các nghị quyết mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra, văn bản này không mang tính ràng buộc pháp lý. Trước đó, vào sáng thứ năm, 17/06/2021, Hội đồng Bảo an đã được thông báo ngắn gọn về nghị quyết, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về một tuyên bố chung : Trung Quốc, một đồng minh của Miến Điện, vẫn cản trở mọi khả năng đưa ra tuyên bố chung này".
Nguồn : RFI tiếng Việt, 19/06/2021
Miến Điện, cuộc cách mạng máu
Cánh Cò, RFA, 16/03/2021
Bất cứ cuộc cách mạng chính trị nào cũng đổ máu, nhưng cuộc chiến chống độc tài quân phiệt của Miến Điện có lẽ máu đổ nhiều hơn nơi khác khi cả thế giới gần như bất lực đứng nhìn quân đội, cảnh sát, lực lượng an ninh chìm nổi thẳng tay tàn sát người biểu tình bằng mọi phương tiện chiến tranh. Tính cho tới nay sau hơn một tháng rưỡi đảo chánh, quân đội Miến Điện đã hạ sát 70 người, trong đó nhiều nhất là giới trẻ.
Cả thế giới gần như bất lực đứng nhìn quân đội, cảnh sát, lực lượng an ninh chìm nổi thẳng tay tàn sát người biểu tình bằng mọi phương tiện chiến tranh.
Nếu cuộc cách mạng dù ở Hongkong làm thế giới ngưỡng mộ thì cuộc cách mạng "ba ngón tay" tại Miến làm cho loài người rúng động vì độ tàn bạo của kẻ nắm trong tay vũ khí. Họ bắn thẳng vào người biểu tình bất kể người đó là ai, nam hay nữ, già hay trẻ cứ biểu tình là bắn. Dĩ nhiên những viên đạn rời khỏi nòng súng ấy được cho phép và người cầm súng không bị bất cứ ràng buộc nào của pháp luật. Tất cả sự tàn bạo hiện nay chỉ là một góc khuất vừa bày ra cho nhân loại thấy tính chất vô luân của tập đoàn quân sự Miến, nơi mà quyền lực đồng nghĩa với quyền lợi của một nhóm người nắm trọn quyền bính của quốc gia đã và đang đẩy người dân Miến vào ngõ cụt của một nền dân chủ èo uột vì sinh non và chết yểu vì họng súng.
Tập đoàn quân sự Miến đã vì những mỏ ngọc, những quyền lợi từ tài nguyên quốc gia lẫn nguồn lợi kếch sù từ sức tiêu dùng của người dân, đã thẳng tay đạp đổ một chính thể được người dân bầu lên và đang nổ lực xây dựng một đất nước Miến bị tàn phá. Được tập đoàn cộng sản Trung Quốc đứng phía sau tiếp tay, tập đoàn quân phiệt Miến không còn biết sợ hãi bất cứ thế lực nào từ bên ngoài nhằm cản trở sự manh động của họ.
Đối với Mỹ, một vài biện pháp chế tài, cấm vận đối với vài cá nhân không nói lên được chính sách mạnh mẽ của nước Mỹ đối với sự tàn khốc mà chính quyền Miến mang tới cho dân tộc của họ. EU cũng không hơn gì khi chống lại hành vi giết người chỉ bằng những tuyên bố suông và những từ ngữ kết án như một khúc quân hành.
ASEAN như thường lệ, không can thiệp vào nội bộ của nhau, một slogan luôn được mang treo trong bất cứ cuộc họp nào trong nhóm.
Nga, Tàu một giuộc đã đành, Việt Nam cũng chai mặt khi thỏa hiệp với họ cùng với Ấn lên tiếng không đồng tình với LHQ trong tuyên bố chung về những gì Miến Điện đang vi phạm có thể dẫn đến một phiên tòa hình sự quốc tế xét xử tội ác chống nhân loại của tập đoàn quân phiệt Miến.
Phản ứng này của Việt Nam là dể hiểu vì mối tương quan giữa hai chế độ không khó nhận ra.
Nếu quân phiệt Miến quyết giữ ghế vì quyền lợi và thế lực thì tập đoàn Ba Đình cũng không khác mấy với chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Nếu Miến cướp chính quyền từ lá phiếu của người dân thì Đảng cộng sản đã làm việc tương tự từ hơn 70 năm trước rồi. Nếu Miến dựa vào Trung Quốc nhằm chống lại cả thế giới cho ý đồ thôn tính đất nước thì Hà Nội không những vỗ tay hoan nghênh mà còn cảm thấy mình không đơn độc.
Còn một lý do rất lớn khác đó là tập đoàn Viettel đã bỏ hết tương lai của nó vào đất Miến nên không tài nào rút lui được nữa.
Cũng như hơn 30 công ty Trung Quốc đang bị người dân Miến tấn công vì đã trợ giúp chính quyền quân phiệt, Việt Nam không thể khác nếu cứ mạnh miệng ủng hộ và làm ngơ nỗi đau của người dân Miến. Viettel và những công ty đối tác Việt Nam sẽ phá sản trên đất nước này và có thể đi đến sụp đổ bởi người dân Miến không phải là HongKong hay Việt Nam.
Họ quen thuộc với hy sinh từ những năm 1988 với hàng ngàn sinh viên bị giết và ngồi tù. Cơn địa chấn ấy sẽ lập lại với lớp người trẻ như Kyal Sin, được biết đến với cái tên Angel, đã mặc một chiếc áo phông có dòng chữ "Everything will be OK - Mọi việc sẽ tốt' khi cô ngã xuống. Đã có hơn 70 người như Kyal Sin và không ai biết sẽ còn bao nhiêu người nữa. Lớp trẻ của Miến hiểu rõ chỉ có họ là có thể tranh đấu cho đất nước của mình, mọi hy vọng vào nước ngoài đều bị dập tắt, vậy mà họ vẫn tiếp tục con đường đầy máu phía trước.
Tối hôm nay, 16 tháng 3, thành phố Rangon chứng kiến hàng chục ngàn chiếc điện thoại sáng lên trong đêm tối. Mỗi chiếc điện thoại là một con người, một ý chí. Họ kết hợp với nhau như thách thức mũi súng của bọn ác ôn. Thách thức ấy không hề mòn mõi và thế giới dù muốn hay không cũng phải tự nhìn lại chính mình.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 16/03/2021 (canhco's blog)
Thu Hằng, RFI, 17/03/2021
Tăng đoàn Maha Nayaka Miến Điện (Tăng đoàn được Nhà nước công nhận - Mahana) phá vỡ im lặng và lên tiếng kêu gọi tập đoàn quân sự chấm dứt bạo lực nhắm vào người biểu tình. Theo nhiều cơ quan truyền thông Miến Điện ngày 17/03/2021, hội Phật giáo lớn nhất cũng lên án "một thiểu số có vũ trang" tra tấn và sát hại những người dân vô tội từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02.
Tăng đoàn Maha Nayaka dự kiến ra bản công bố cuối cùng vào ngày 18/03 sau khi tham vấn với bộ Tôn Giáo, theo một nhà sư tham gia cuộc họp của Mahana cung cấp cho trang thông tin Myanmar Now.
Reuters chưa liên lạc được với Tăng đoàn Maha Nayaka để đề nghị bình luận. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh, lập trường mới này có thể đánh dấu sự rạn nứt đáng kể giữa chính quyền và Tăng đoàn Mahana, tổ chức Phật giáo vốn vẫn hợp tác chặt chẽ với chính phủ.
Trên thực địa, cảnh sát vẫn tiếp tục trấn áp dữ dội người biểu tình. Theo trang The Irrawaddy, đã có 193 người thiệt mạng tính đến ngày 16/03, trong số nạn nhân những ngày gần đây có một thiếu nữ 16 tuổi bị cảnh sát bắn chết hôm 15/03 ngay trong nhà ở làng Chaunggyi, ở vùng Mandalay.
Tình hình vẫn căng thẳng tại một khu công nghiệp ở ngoại ô Rangoon, nơi cảnh sát được huy động để trấn áp người biểu tình. Theo AFP, khói vẫn bốc lên mù mịt vào ngày 17/03. Trong đêm trước đó, cảnh sát đã đốt nhiều khu dân cư, theo một cơ quan truyền thông địa phương. Người dân không dám ra đường vì cảnh sát nổ súng, bắt giam nhiều người. Trên cả nước vẫn có nhiều cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi, theo hình ảnh được đăng trên mạng xã hội, dù Internet di động bị cắt hoàn toàn.
Tập đoàn quân sự tiếp tục nhắm vào thành viên của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi. Ngày 16/03, quân đội đã ra lệnh bắt "Bác sĩ Sa Sa" vì tội "phản bội". Ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên bên cạnh Liên Hiệp Quốc của Ủy ban Đại Diện Quốc hội (CRPH), gồm nhiều thành viên của đảng LND, được coi là "Quốc hội ngầm" điều phối và khuyến khích biểu tình.
Trong khi Liên Hiệp Châu Âu sẽ ban hành những biện pháp trừng phạt những người liên quan đến vụ đảo chính vào thứ Hai 22/03, theo ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi quân đội Miến Điện chấm dứt tàn sát và trả tự do cho những người biểu tình bị giam giữ.
Bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tóm tắt tình hình vi phạm nhân quyền tại Miến Điện trong buổi họp báo ngày 16/03 tại Geneva :
"Trong vòng một tuần, số nạn nhân đã tăng nhiều tại Miến Điện. Lực lượng an ninh đã sử dụng các phương tiện ngày càng gây sát thương nhiều hơn để chống người biểu tình ôn hòa, họ tiếp tục bắt bớ và giam giữ tùy tiện trên khắp cả nước.
Nhiều báo cáo rất đáng lo ngại cho thấy hình phạt tra tấn trong tù. Hàng trăm người bị giam giữ bất hợp pháp hiện vẫn bặt vô âm tín, và sẽ bị coi là "mất tích cưỡng chế" nếu không được chính quyền quân sự thừa nhận.
Các vụ bắt giam vẫn tiếp diễn ở Miến Điện, hơn 2.048 người bị bắt giam tùy tiện. Ít nhất 37 nhà báo cũng bị bắt, trong đó có 19 người bị giam giữ tùy tiện. Có ít nhất 5 người đã chết ở trong tù trong những tuần qua và ít nhất hai thi thể nạn nhân có dấu hiệu bạo lực được cho là liên quan đến tra tấn.
Chúng tôi vô cùng lo lắng khi thấy việc trấn áp gia tăng và một lần nữa chúng tôi kêu gọi tập đoàn quân sự ngừng giết người và giam cầm những người biểu tình".
Thu Hằng
********************
Trọng Thành, RFI, 16/03/2021
Trong cuộc họp báo hôm 15/03/2021, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tố cáo chính quyền Miến Điện đàn áp "đẫm máu" người biểu tình chống đảo chính trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, với tổng cộng 56 người bị giết hại.
Ông Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, lên án chính quyền quân sự giết hại "38 người" trong ngày Chủ Nhật 14/03 và "18 người" trong ngày thứ Bảy 13/03. Ông Dujarric cho biết thêm là, đã có tổng cộng "ít nhất 138 người biểu tình ôn hòa, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, bị sát hại" kể từ ngày 01/02/2021, tức ngày quân đội đảo chính lật đổ chính phủ dân sự.
Về người chết do đàn áp, Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Miến Điện (AAPP) đưa ra con số cao hơn, với ít nhất hơn 180 người chết kể từ đầu đảo chính. Theo APPP, riêng trong ngày Chủ Nhật 14/03, đã có 74 thường dân thiệt mạng, và thêm ít nhất 20 người biểu tình bị sát hại ngày hôm qua, thứ Hai 15/03. Phía chính quyền Miến Điện cho biết có một cảnh sát thiệt mạng.
Dự kiến hôm nay, sẽ có nhiều cuộc tuần hành đưa tang những người biểu tình bị lực lượng an ninh sát hại trên khắp cả nước, đặc biệt ở Rangoon. AFP cũng cho hay rất nhiều cư dân thành phố Rangoon, hôm nay, đã rời khỏi khu phố đang diễn ra các đụng độ dữ dội trong những ngày qua.
Đợt đàn áp ba ngày liên tiếp vừa qua của tập đoàn quân sự Miến Điện diễn ra chỉ ít ngày sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố chung hôm 10/03/2021, "mạnh mẽ" lên án những hành vi bạo lực nhắm vào những người biểu tình.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, 16/03, đang trong chuyến công du Nhật Bản, lên án quân đội Miến Điện "đàn áp tàn bạo những người biểu tình ôn hòa". Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tố cáo lực lượng an ninh Miến Điện gia tăng đàn áp thường dân, khiến hàng chục người thiệt mạng trên khắp cả nước.
Trong lúc Hoa Kỳ lên án bạo lực gia tăng nhắm vào thường dân, chính quyền Trung Quốc cho biết "rất lo ngại" cho các công dân Trung Quốc đang ở tại Miến Điện, và đặc biệt là sau khi khoảng 30 nhà máy của chủ đầu tư Trung Quốc, đặc biệt trong ngành dệt may, bị đốt phá hôm Chủ nhật. Hôm qua, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Quân (Zhao Lijian) kêu gọi chính quyền Miến Điện "đưa các thủ phạm ra tòa".
Các cuộc tấn công nhà máy Trung Quốc ngày Chủ Nhật vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình cảm chống Trung Quốc gia tăng tại Miến Điện, nhiều người Miến Điện phản đối Bắc Kinh có thái độ quá nương nhẹ với giới tướng lĩnh Miến Điện, không lên án đảo chính quân sự. Hiện tại, chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công nhắm vào các nhà máy Trung Quốc. Theo một số tin tức lan truyền trong dân chúng, trong các vụ đốt phá nói trên có bàn tay quân đội.
Trả lời RFI, một người Pháp có mặt tại chỗ cho biết : "Hôm nay, chúng tôi được biết có hai nhà máy dệt may của chủ Trung Quốc đã bị đốt cháy, tại khu công nghiệp Hlaing Thar Yar, nơi cư trú của nhiều dân nghèo. Chúng tôi đã có bằng chứng với các hình ảnh, và qua các nhân chứng tại chỗ, về việc quân đội đã cố tình đốt các nhà máy này, chứ không phải người biểu tình. Họ cố tình làm như vậy để làm mất uy tín người biểu tình. Để có lý do sát hại họ, để đàn áp. Cùng lúc đó, mục tiêu về dài hạn của quân đội là để làm gia tăng giá trị của các khu công nghiệp do quân đội sở hữu. Chứng tỏ đấy là những nơi an toàn hơn, để có thể bán cho các nhà đầu tư Trung Quốc, với giá cao hơn nhiều".
Trọng Thành
Các quốc gia trên bị cáo buộc yêu cầu Liên hợp quốc phải loại bỏ ngôn từ lên án cuộc đảo chính ở Myanmar, hủy bỏ một văn bản do Anh soạn thảo, bị các nhà hoạt động nhân quyền gọi là "kẻ ác" ngay cả khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu chính quyền Myanmar kiềm chế.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã chỉ trích Nga, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ bị chỉ trích vì bị cáo buộc phản đối hành động của Liên hợp quốc đối với Myanmar.
Ông Robertson đã tweet rằng "người dân Myanmar nên biết rằng khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không hành động gì đối với cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar – thì những kẻ thủ ác ngăn chặn bất kỳ hành động nào là đây : Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam".
Một bản dự thảo ban đầu của tuyên bố hôm thứ Tư đã lên án "cuộc đảo chính quân sự" và cho biết hội đồng đã sẵn sàng "xem xét các biện pháp xa hơn có thể có", thường được coi là quy chế trừng phạt. Nhưng các nhà ngoại giao cho biết Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đều đề xuất sửa đổi và loại bỏ những từ ngữ đó đi.
Đại sứ quán Ấn Độ tại Myanmar bác bỏ cáo buộc này, nơi gọi những lời như như vậy là "sai lệch và thiên vị" và cho biết "quan điểm của Ấn Độ về vấn đề này đều đã được biết đến và đã được trình bày rõ ràng",đại sứ quán Ấn Độ viết trên Twitter.
Một nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên hợp quốc về Myanmar và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York đã kêu gọi Hội đồng Bảo an áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và nhắm vào các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quân đội.
Tuy nhiên, một quan chức Myanmar cao cấp nói với đặc phái viên của LHQ về Myanmar rằng Myanmar này đã quen với các lệnh trừng phạt quốc tế và quân đội có thể tồn tại với các lệnh trửng phạt như trước đây.
Hôm thứ Năm 11/03/2021, Chuẩn tướng Zaw MinTun cáo buộc bà Suu Kyi đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp trị giá 600.000 USD và vàng khi còn cầm quyền, đồng thời nói thêm rằng thông tin đã được xác minh và các cuộc điều tra đang được tiến hành. Ông cũng cáo buộc tổng thống Myint và một số bộ trưởng nội các tham nhũng.
Hơn 60 người đã thiệt mạng và khoảng 1.800 người bị giam giữ trong các cuộc đàn áp biểu tình hàng ngày chống lại cuộc đảo chính. Hàng chục nhà báo đã bị bắt.
© STR / AP Người biểu tình chống đảo chính xả bình chữa cháy để chống lại tác động của hơi cay do cảnh sát bắn trong cuộc biểu tình ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 8/3.
Tự kiểm duyệt
Báo Việt Nam gọi thẳng Nga và Trung Quốc là những nguyên nhân khiến Liên Hợp Quốc khó trừng phạt quân đội Myanmar và sử dụng cụm từ "chính biến" thay cho "đảo chính".
Nga được cho là người bạn trung thành của Trung Quốc luôn ủng hộ Myanmar trong những lúc khó khăn, đặc biệt trong 4 năm qua".
Theo các nhà ngoại giao, thống tướng Min Aung Hlaing hiện nay đang hoài nghi về Trung Quốc, và muốn tăng cường quan hệ với Nga để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Bởi theo ông "Chỉ Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới đặt ra mối đe dọa cho sự sống còn của Myanmar".
Trung Quốc vẫn luôn cho rằng họ sẽ không đi ngược lại chính sách không can thiệp nên sẽ không lên tiếng cũng như e ngại những tổn thất về lợi ích kinh tế và chiến lược hiện có ở Myanmar một khi mối quan hệ với Myanmar trở nên xấu đi.
Tin Việt Nam là một trong 4 quốc gia khiến tuyên bố về Myanmar không đạt được đồng thuận không xuất hiện trên báo chí chính thống cũng như không có giải thích nguyên do vì sao Việt Nam lại cương quyết phản đối việc trừng phạt quân đội Myanmar.
Báo Thanh Niên tường thuật " Hội đồng Bảo an không lên án cuộc chính biến trên là cuộc đảo chính hay đe dọa có thêm hành động do có sự phản đối của Trung Quốc và Nga. Hai quốc gia này lâu nay xem cuộc chính biến là chuyện nội bộ của Myanmar".
Chỉ mới trong tháng 6/2020 đây thôi, báo chính phủ Việt Nam đã tự hào tuyên bố sau 2 năm chính thức kinh doanh, Mytel – thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Myanmar đã vượt mốc 10 triệu thuê bao và gấp 2,5 lần nhà mạng đứng thứ 4 tại Myanmar.
Myanmar là thị trường quốc tế thứ 10 của Viettel và cũng là thị trường có quy mô dân số lớn nhất, được đầu tư lớn nhất. Chỉ trong quý 1 năm 2020, Mytel đã có lãi 25 triệu USD – "sớm hơn thời điểm có lợi nhuận dự kiến 2 năm".
Theo một báo cáo điều tra được công bố ngày 20/12/2020 của tổ chức Justice For Myanmar – Công lý cho Myanmar, cáo buộc tập đoàn Viettel cùng đối tác Myanmar thúc đẩy tham nhũng nhà nước và hỗ trợ và tiếp tay cho tội phạm quốc tế của quân đội đồng thời kêu gọi tẩy chay nhà mạng Mytel.
Việt Nam hôm 11/03/2021 đã kêu gọi "các bên liên quan hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết bất đồng ; mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình, ổn định ở khu vực".
Ngọc Diệp
Nguồn : VNTB, 12/03/2021
************************
Niharika Mandhana & Feliz Solomon, VNTB, 12/03/2021
Sithu Shein, 17 tuổi, đã lao lên tuyến đầu và đã bị bắn chết.
Ngày 10 tháng 3 năm 2021
Khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra khắp Myanmar để phản đối cuộc đảo chính quân sự hồi tháng trước, Sithu Shein, 17 tuổi, đã lao lên tuyến đầu. Cậu học sinh trung học này thường dành thời gian rảnh rỗi để chơi game, đã tập hợp bạn bè, hàng xóm và kêu gọi công nhân tại một nhà máy may mặc gần đó tham gia cái mà cậu gọi là đấu tranh cho dân chủ.
Một tuần trước, lực lượng an ninh đã nổ súng tại một cuộc biểu tình ở khu phố nơi cậu sống ở Yangon, thành phố lớn nhất của nước này, và cậu đã bị bắn. Một viên đạn găm vào ngực, một viên đạn khác găm vào hông. Cậu chết vài giờ sau đó trong một phòng cấp cứu hỗn loạn ở bệnh viện.
Những người Myanmar trẻ tuổi – trưởng thành trong thời kỳ tương đối cởi mở và chuyển đổi dân chủ ở một đất nước đã từng là một nhà nước độc tài ở trong tình trạng bị lập với thế giới bên ngoài trong nhiều thập niên – đang đi đầu trong phong trào khôi phục chính phủ dân cử. Cuộc đấu tranh của họ, sau các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hồng Kông, Thái Lan, Belarus và Nga, diễn ra vào thời điểm mà cả chế độ chuyên quyền và sự phản kháng đối với nó đều gia tăng, khiến thanh niên hàng loạt thường xuống đường chống lại các chế độ sẵn sàng bắt giữ, đe dọa và thậm chí giết người nắm giữ quyền lực.
Thế hệ ngày nay ở Myanmar đã hiểu được cảm giác sống trong một xã hội tự do là như thế nào. Kiểm duyệt của nhà nước đã được dỡ bỏ vào năm 2012, và lần đầu tiên hàng triệu thanh niên kết nối với thế giới thông qua Internet. Họ nhìn thấy sự hứa hẹn của đầu tư nước ngoài và nhiều người mong muốn có việc làm trong các lĩnh vực như công nghệ và du lịch. Quá trình chuyển đổi vẫn còn dở dang, nhưng sau nửa thế kỷ cai trị của quân đội, nó đã mở ra cánh cửa cho một thay đổi quan trọng.
"Bất chấp các chính phủ của thập niên trước không dân chủ, hành động của một thế hệ mới đã được biết đến một mức độ tự do chính trị đáng kể, một thế hệ tự tin hơn mong đợi mãnh liệt rằng cuộc sống của họ sẽ là một bước nhảy vọt so với thế hệ cha ông", tác giả và nhà sử học Thant Myint-U, người viết nhiều sách, trong đó có cuốn "Lịch Sử Tiềm Ẩn của Burma", tên cũ của Myanmar cho biết.
Kể từ khi nhà chức trách bắt đầu sử dụng vũ lực, nam và nữ thanh niên ở tuyến đầu của các cuộc biểu tình đã điều chỉnh chiến thuật và mượn chiến lược từ các trận chiến đường phố ở Hồng Kông, linh hoạt và sử dụng các ứng dụng tin nhắn được mã hóa. Trong khi nhiều người vẫn ủng hộ nỗ lực dân chủ trong nhiều thập niên do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo – nhà lãnh đạo dân sự 75 tuổi bị lật đổ hiện đang bị giam giữ tại gia – những người trẻ bắt đầu coi mình là nhà lãnh đạo của những phong trào đa dạng và phi tập trung hơn trước đang trỗi dậy.
Sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, một người biểu tình tên Aung Hein Cho, 20 tuổi, cho biết lúc đầu anh mất hy vọng. "Tương lai của tôi có vẻ thật ảm đạm và và đầy bất định — tôi không thể để điều đó xảy ra", anh nói.
Các cuộc biểu tình tập trung lớn, đã khởi đầu cho làn sóng phản đối, ngày càng biến thành các cuộc biểu tình nhỏ hơn trong các khu dân cư, khiến chính quyền khó theo dõi và kiểm soát hơn. Nhiều cuộc biểu tình được củng cố bằng những rào chắn tạm bằng ván gỗ, thùng rác và lốp xe ô tô để làm kìm chân nhà chức trách, và những giám sát viên tình nguyện trên đường phố theo dõi hoạt động của cảnh sát hoặc quân đội. Nếu bị phát hiện, đám đông thường sẽ phân tán và di chuyển đến một vị trí an toàn hơn hoặc tập hợp lại khi nguy hiểm đã qua.
Chống lại họ là lực lượng vũ trang Myanmar, lực lượng đã đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình trong quá khứ và trong phần lớn lịch sử hậu độc lập của đất nước này đã tiến hành các cuộc nội chiến đẫm máu ở vùng biên giới.
Trong hai tuần qua, ít nhất 59 người đã chết. Trong số đó : một võ sinh Taekwondo 19 tuổi bị bắn vào đầu khi đang mặc chiếc áo phông có dòng chữ "Mọi thứ sẽ ổn thôi" ; một sinh viên tiếng Hàn sắp mừng sinh nhật thứ 25, có nguyện vọng đến Seoul làm một chuyên viên điện ; và một kỹ sư mạng Internet 23 tuổi bị chảy máu đến chết.
Trong khi những người trẻ tuổi đang đóng vai trò quan trọng, thì sự phản kháng lại bắt nguồn từ tất cả các tầng lớp trong xã hội Myanmar, với sự giúp đỡ của một loạt các tổ chức. Các tổ chức này là lực lượng tổng hợp của sinh viên, liên đoàn lao động, các nhóm xã hội dân sự và các mạng lưới khác có kết nối lâu nay để truyền tải nhanh các kế hoạch, đặc biệt là thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Thêm vào đó là các công chức và nhân viên nhà nước đình công – công nhân điện và đường sắt, nhân viên ngân hàng, bác sĩ và những người khác – đe dọa làm chính phủ đình trệ.
Các livestream trực tiếp về các cuộc tuần hành, tiếng súng và những người bị đánh bằng dùi cui và báng súng tràn ngập Facebook mỗi ngày. Các công dân trẻ dùng truyền thông xã hội và hàng chục nhóm Telegram và Signal được mã hóa để luôn có thông tin cập nhật các trận chiến đường phố ngay khi chúng xảy ra. Một nhóm Telegram, với một quản trị viên ẩn danh, liên tục gửi thông tin về các đợt triển khai quân đội và các vụ chặn đường.
Hein Min Oo là thành viên của đội phòng thủ. Đội một chiếc mũ cứng, mặt nạ phòng độc, kính bảo hộ gọng đỏ và găng tay, công việc của anh là vô hiệu hóa các bình hơi cay. Chàng trai 28 tuổi này cho biết đã nghiên cứu các video trên YouTube từ Hồng Kông và sử dụng mềm ướt và quần áo cũ cho việc này. Những người khác, được trang bị khiên, để làm "chốt chặn", tạo thành một đội hình chống lại đạn cao su và vòi rồng, anh nói.
Cho đến ngày 28 tháng 2, anh Hein Min Oo không phải là một người biểu tình tích cực. Anh ấy đã đóng góp thông qua dịch vụ cho thuê xe hơi mà anh điều hành, đội xe Toyota Alphards cung cấp các chuyến xe miễn phí giúp những người tham gia trở về nhà từ các đại điểm biểu tình. Nhưng cuộc đàn áp giết chết 18 người đã thuyết phục anh cần phải chiến đấu, anh ta nói.
Không giống như cha mình, người làm những công việc lặt vặt, anh Hein Min Oo đã thành lập một doanh nghiệp vào năm 2013 khi Myanmar đang mở cửa và phục vụ rất nhiều khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài. Anh ta nói rằng anh không thể chấp nhận ý tưởng quay trở lại chế độ quân sự, quân đội có thể quấy rối và giam giữ mà không bị trừng phạt. Trong vài ngày gần đây, anh ta phải ẩn náu trong nhà người lạ để trốn tránh cảnh sát.
"Nó giống như một trò chơi ú òa", Thinzar Shunlei Yi, 29 tuổi, một nhà hoạt động nổi tiếng cho biết. Lựu đạn gây choáng đã nổ ở đâu đó khi cô đang nói chuyện từ khu phố Yangon của mình, Sanchaung. "Họ không thể ở mọi nơi mọi lúc. Khi cảnh sát rời đi, mọi người dân trở lại đường phố ngay lập tức".
Cô Thinzar Shunlei Yi là biểu tượng của thế hệ cô. Cô nhớ lại lần đầu tiên cô cảm thấy được khuyến khích thể hiện bản thân — vào năm 2012, khi cô được mời đại diện cho Myanmar tại một diễn đàn thanh niên khu vực ở Campuchia. Cô và những người tham gia khác từ Myanmar lo sợ họ sẽ gặp phải phản ứng dữ dội khi trở về. Nhưng khi máy bay của họ hạ cánh xuống Yangon, "không có gì tồi tệ xảy ra".
"Đó là thời điểm chúng tôi biết mình có thể tiến tới", cô nói.
Cô tiếp tục dẫn chương trình tranh luận dành cho giới trẻ có tên Đối thoại dưới 30 tuổi, được Mizzima, một hãng tin tức trở về Myanmar vào năm 2012 sau nhiều năm hoạt động lưu vong ở Ấn Độ, phát sóng. Hôm thứ Hai, chính quyền quân sự đã thu hồi giấy phép của Mizzima và bốn hãng tin khác, trên thực tê là cấm họ hoạt động.
Cô Thinzar Shunlei Yi đã tham gia vào phong trào chống đảo chính. Cô thường xuyên tham dự các cuộc họp trực tiếp với các nhà hoạt động khác, nơi họ lên kế hoạch truyền bá thông tin về các địa điểm tụ tập, sắp xếp các biện pháp an ninh cho các cuộc biểu tình nhỏ hơn và tổ chức dọn dẹp đường phố sau đó. Mỗi ngày, cô thức dậy và kiểm tra các kênh thông tin của mình trên Signal, Telegram và Viber, sau đó lên Twitter để gửi một vài thông tin cập nhật trước khi lên đường. Cô ấy sẵn sàng vứt bỏ điện thoại của mình chứ không cho cơ quan chức năng thu giữ nó.
"Tất cả chúng tôi đều nhận thức được những gì chúng tôi đang đối phó — chúng tôi có thể bị giết, bị bắt, bị bỏ tù", cô nói. "Nhưng chúng tôi biết và lực lượng an ninh cũng biết rằng họ không thể giết tất cả chúng tôi".
Các nhà chức trách đã vây bắt hàng trăm người biểu tình, chính trị gia và nhà hoạt động trên các đường phố và trong các cuộc đột kích hàng đêm vào nhà của họ. Một chính trị gia bị bắt đêm thứ Bảy được xác nhận là đã chết trong bệnh viện quân đội vào sáng hôm sau, đảng của ông cho biết. Vào Chủ nhật, người dân Yangon nghe thấy nhiều tiếng súng và tiếng nổ của lựu đạn gây choáng sau khi màn đêm buông xuống.
Trong khi người ta có thể nhìn thấy một số nhà đấu tranh dân chủ, những người khác ở đằng sau hậu trường, bao gồm cả những người đã tham gia các phong trào trước đó vào năm 1988 và 2007. Từ một nơi ẩn náu mà anh ta đã gọi về nhà kể từ sau cuộc đảo chính không lâu, một nhà hoạt động cung cấp cho những người biểu tình thực phẩm và khiên làm bằng sắt mạ kẽm. Anh ta cũng sắp xếp nơi ẩn náu cho những người trốn cảnh sát và những người khác giống như anh ta, những người đang bị chính quyền truy lùng.
Trợ giúp từ Internet
Một nhà hoạt động có kinh nghiệm khác cho biết các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra khác với trước đây ở một khía cạnh chính : "Lần này, quân đội đang đưa chúng ta tới bóng tối từ ánh sáng mà chúng ta đã thấy trong những năm gần đây".
Ông Aung Hein Cho đồng ý. Ông nói, sự xuất hiện của Internet giúp bạn có thể tìm hiểu về các sự kiện trên thế giới. Bây giờ có nhiều sách hơn ; một trong những cuốn sách yêu thích của ông ấy là bản in lậu bằng tiếng Miến Điện của cuốn "The End of History and the Last Man" (Tạm dịch là Điểm Kết của Lịch Sử và Con Người Cuối Cùng) của Francis Fukuyama. Gia đình anh đã từng đọc tờ báo nhà nước New Light of Myanmar, nhưng sau năm 2012, các tờ báo độc lập đã xuất hiện trên các sạp báo ở Myanmar.
Những ngày này, người ta thường thấy người thanh niên 20 tuổi này đang thu mình sau một tấm chắn tự chế được làm từ các thùng nước cũ. Ba lô của anh ấy và bạn bè chứa đầy pháo, chai Coca-Cola để rửa hơi cay khỏi mắt và đôi khi, một vài quả bom xăng, mặc dù anh ấy nói rằng bản thân anh chưa sử dụng chúng.
Ngày 3 tháng 3 là lần đầu tiên anh phải chạy trốn khi lực lượng an ninh cầm súng rượt theo những người biểu tình. "Họ dùng vũ lực và cố giết chúng tôi, tôi sẽ không bao giờ quên điều đó", anh nói.
Những người khác không thoát. Sithu Shein, 17 tuổi, trong thời niên thiếu của cậu việc có điện thoại di động và internet không còn là điều mới lạ. Trước đó, thẻ SIM — chip kết nối điện thoại với mạng di động — có thể trị giá hàng nghìn đô la ở quốc gia bị cô lập này.
Cậu ấy chơi trò chơi điện tử "DOTA-2" và "Mobile Legends" tại các tiệm game. Cha cậu cho biết con trai ông không quan tâm đến công ty xây dựng của gia đình và thay vào đó nghĩ rằng cậu có thể cân nhắc theo ngành du lịch, một trong những ngành hứa hẹn nhất của Myanmar kể từ khi chế độ quân đội chấm dứt.
Cuộc đảo chính đã làm cậu và bạn bè của giật mình. Những người cao tuổi ở quê nhà đã chia sẻ những câu chuyện về việc tịch thu đất đai, bị bắt giữ và các cơ hội kinh tế, giáo dục và đi lại khó khăn trong thời kỳ quân đội cai trị. Sau khi tiếp quản, họ đã tận mắt chứng kiến hàng trăm người bị giam giữ và mạng internet bị cắt hàng đêm. Họ biết quân đội sẽ "làm bất cứ điều gì họ muốn với bất kỳ ai vào bất cứ khi nào họ có cơ hội", một người bạn của Sithu Shein cho biết.
Sithu Shein gia nhập sâu vào phong trào. Vào ngày diễn ra cuộc đảo chính, cậu đã đăng trên Facebook một hình họa nhà lãnh đạo dân sự, bà Suu Kyi, bị chính phủ lật đổ, trên có dòng chữ "Hãy trả bà lại cho chúng tôi". Bà Suu Kyi đã bị giam giữ tại nhà riêng trong một cuộc đột kích trước khi trời sáng và không ai biết gì thêm kể từ đó, ngoại trừ các phiên điều trần kín qua video về các cáo buộc chống lại bà.
Sithu Shein nhanh chóng đảm nhận vai trò lãnh đạo vận động những người trẻ khác. Cậu dễ dàng kết bạn, giao lưu với các nhà hoạt động mà cậu gặp trên đường phố và tham gia các nhóm ở các khu vực lân cận khác. Họ trao đổi số điện thoại, gặp nhau tại nhà của nhau và lập kế hoạch cho các cuộc tập hợp trong tương lai.
Một trong những người bạn mới của anh cho biết Sithu Shein đã trả tiền mua vật liệu để làm một tá lá chắn bảo vệ. Vào sáng ngày 3 tháng 3, Sithu Shein đến nhà để thuyết phục anh tham gia một cuộc biểu tình ở một khu phố xa hơn về phía nam, anh nói. Lin Tun Ko từ chối, vẫn đang hồi phục sau chấn thương mắt cá chân khi bị những kẻ tấn công không rõ danh tính phục kích vào ban đêm và cảnh báo anh tránh xa các cuộc biểu tình.
Anh Lin Tun Ko nói : "Tôi thực sự cảm thấy rất buồn và tiếc vì đã không thể đi cùng anh ấy tham gia các cuộc biểu tình vào ngày hôm đó.
Cảnh sát đã phá vỡ cuộc biểu tình bằng lựu đạn gây choáng và hơi cay. Một chiếc xe ủi đất đã húc đổ chướng ngại vật tạm của người biểu tình. Anh Sithu Shein, cùng với một người bạn khác, chạy vội vào ngôi nhà gần nhất. Khi cảnh sát rời đi, họ tập hợp lại.
Trở về nhà vào buổi chiều hôm đó, hai người gặp phải một chốt chặn đường và quyết định đi bộ. Một đám đông đã tụ tập gần một cây cầu vượt ở khu vực có tên là Bắc Okkalapa và họ tham gia cuộc biểu tình. Người bạn, Tin Moe Naing, cho biết cảnh sát đã ném hơi cay, nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó.
Một số người biểu tình đối đầu với cảnh sát và cả hai nhìn quân tiếp viện đến : những người lính trên xe quân sự. Sau đó, cuộc bắn súng bắt đầu. Nhiều người bị trúng đạn và gục xuống đất. Một số lao về phía trước để giúp đỡ những người bị thương và bị bắn hạ.
Hai người bạn đã bị chia cắt trong trận hỗn chiến. Anh Tin Moe Naing đã gọi điện liên tục vào điện thoại của Sithu Shein nhưng không có ai trả lời. Anh đã nhờ những người bạn khác thử nhưng vẫn không được. Khi cuộc tìm kiếm không có kết quả, anh ta đến nhà của Sithu Shein với hy vọng bạn của mình đã trốn thoát. Xung quanh anh ta, những người đàn ông đang chảy máu đang được kéo lên xe ô tô và được đưa đến bệnh viện.
Sau đó, anh biết rằng Sithu Shein ở trong số đó. Cậu đã bị bắn vào ngực và hông. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để cố gắng lấy những viên đạn ra, nhưng do bị mất máu và dòng người bị thương đã tràn vào phòng cấp cứu, cha của cậu cho biết. Thân trên quấn đầy băng, chàng trai trút hơi thở cuối cùng sau nửa đêm.
Hàng ngàn người đã tham dự lễ tang. Biểu tượng của sự phản kháng có ở khắp mọi nơi : lời chào bằng ba ngón tay thường thấy của các nhà hoạt động trong khu vực, lá cờ đỏ của đảng ủng hộ dân chủ và thơ phản đối. Ông Tin Moe Naing nói : "Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ và tự do cho đến hơi thở cuối cùng.
Niharika Mandhana & Feliz Solomon
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 12/03/2021