Triệu Tử Long, VNTB, 24/08/2021
Trung tá Nguyễn Hữu Quế, trợ lý kỹ thuật phòng kỹ thuật Lữ đoàn 26 là người phụ trách ở ‘căn cứ’ toán quân nhân này tại Ban chỉ huy quân sự phường Võ Thị Sáu.
Tại Ban chỉ huy quân sự thành phố Thủ Đức có quân số gồm 932 chiến sĩ Học viện Quân y, Trung đoàn 4, Trung đoàn 5 (Sư đoàn Bộ binh 5), Trung đoàn Gia Định, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 31 và đơn vị Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an).
Ở quận 4 có 117 quân nhân thuộc Trung đoàn 88, sư 302 thuộc Quân khu 7 và một số quân nhân thuộc Học viện Quân Y – Bộ quốc phòng điều phối tình hình trật tự trong địa bàn, các khu dân cư kể từ ngày 23/8.
Theo Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị có hơn 30.000 cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia chống dịch trên mọi mặt trận, thời gian qua có nhiều cán bộ chiến sĩ mắc Covid-19 nhưng ngay khi khỏi bệnh đã quay trở lại tuyến đầu làm nhiệm vụ.
Đại diện ‘Team Ngọc Minh’ – nhóm đang thực hiện việc chích ngừa ở quận Bình Tân, nói rằng nếu như Thủ tướng đã lệnh tầm soát ‘chọc mũi’ đến từng người trong ‘tờ hộ khẩu’, vậy thì vì sao không cùng lúc ‘2 trong 1’ của hễ ai ‘âm tính’ là lập tức nhóm chích ngừa sẽ chích vắc xin ngừa Covid luôn cho người ấy. Một công đôi, ba chuyện.
"Test xong rồi có chích ngừa hay không ? Thôi ta tập trung chích ngừa cho phủ hết trong 2 tuần nữa để còn bung ra mà sống chứ. Chích ngừa quyết liệt phải là mục tiêu quan trọng. Dân kiệt quệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phá sản. Trì trệ tiêm vắc xin là có tội với dân, với xã hội" – bác sĩ Cao Xuân Minh, ý kiến.
Liên quan việc hãy chích ngừa thay cho chăm chăm chọc ngoáy mũi, bác sĩ Cao Xuân Minh kể câu chuyện đầy ẩn ý trước ngày ‘quân đội nhập thành’ :
"Hồi nhỏ, tôi là một tay bắt cá sông rất thiện nghệ. Mùa nước cạn, những ao hồ tù còn đọng nước, cá tích tụ về rất nhiều. Bọn trẻ chúng tôi tát cho cạn để bắt cá. Nhiều ao hồ hơi lớn, quá sức của chúng tôi, bọn trẻ con chúng tôi quậy cho sình đục ngầu một thời gian… bọn cá nó chịu ngộp không thấu nó nhào vô bờ nằm ở mép nước, chúng tôi mò bắt… nhiều con chịu không thấu ngóc đầu lên mặt nước thở lóp ngóp.
Ngày hôm sau, nước ao sẽ lắng lớp bùn, nước trong bên trên… xác cá chết ngộp nằm trắng hếu trên nền bùn. Cả hồ không còn sự sống.
Quậy đục để bắt cá cũng là một giải pháp".
Cựu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Phạm Đức Hải đưa ra nhận định trên cương vị là Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh, rằng do có kế hoạch xét nghiệm toàn bộ người dân thành phố, nên dự báo số F0 sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Cụ thể về kế hoạch "Thành phố Hồ Chí Minh đến từng nhà tiêm vắc xin Covid-19 từ 23/8" ra sao thì ở cuộc họp báo hôm chiều ngày 23/8, không thấy Người phát ngôn Phạm Đức Hải nhắc đến.
"Công điện của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên toàn quốc" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký vào chiều 23/8 cũng không xác định việc tiêm vắc xin Covid-19 ra sao trong thời gian tới.
Công điện này ở phần II.5, tiếp tục đưa ra mệnh lệnh : "Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vaccine ; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất ; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin".
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 24/08/2021
********************
Chống dịch : Thủ tướng lại lên đồng !
Trân Văn, VOA, 23/08/2021
Hôm nay – 23 tháng 8 – ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh thực thi phong tỏa nghiêm ngặt theo phương châm mọi người phải ở yên một chỗ. Để thực thicách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường, hệ thống công quyền đã điều động thêm công an, sử dụng cả quân đội.
Ông Phạm Minh Chính.
Trong bối cảnh như hiện nay, yêu cầu vừa kể có lẽ là giải pháp duy nhất để ngăn ngừa lây nhiễm, giảm bớt thiệt hại nhân mạng nhưng nhìn lại những diễn biến trong vài ngày cuối tuần vừa qua, có thể thấy yêu cầu vừa kể sẽ tạo ra một đợt lây nhiễm mới trên diện rộng và rất khó tránh khỏi tổn thất nặng nề hơn về nhân mạng
***
Quyết định điều động, sử dụng quân đội, bổ sung thêm công an để bảo đảm thực hiện thành công yêu cầu cách ly nghiêm ngặt được ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam đề ra hôm 19 tháng 8, tại cuộc họp giữa chính phủ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam tuyên bố chắc nịch :312 phường xã ở Thành phố Hồ Chí Minh là 312 "pháo đài". Quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân Ông Phan Văn Giang - Bộ trưởng quốc phòng tuyên bố :Quân đội đã sẵn sàng tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới tận tay người dân(1)...
Ngay sau đó, lần đầu tiên kể từ 31/5/2021 – ngày chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực thi biện pháp phong tỏa toàn thành phố này, dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh đổ ra đường để mua thực phẩm, dược phẩm và những loại hàng hóa thiết yếu khác trước ngày chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập 312 "pháo đài" ở Thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của Thủ tướng (2).
Ai cũng biết Covid-19 đang nội sinh, rời khỏi nhà, nhập vào các đám đông trên đường phố, trong siêu thị, là chấp nhận phơi nhiễm, nguy hiểm cho cả bản thân, gia đình lẫn cộng đồng nhưng dường như thiên hạ không còn lựa chọn nào khác ! Không phải tự nhiên mà chỉ đạo của Thủ tướng làm thiên hạ kinh sợ hơn cả sợ dịch !
***
Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát tại Việt Nam đến nay, Thủ tướng Việt Nam từng lên đồng rất nhiều lần. Lần này cũng vậy
Sau cuộc họp giữa chính phủ và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An như đã kể, hôm sau - ngày 20/8/2021, tại cuộc họp giữa Tổ Công tác đặc biệt của chính phủ ở phía Nam với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Minh Lương, Thứ trưởng quốc phòng còn tái khẳng định :Các Đội công tác đặc biệt của quân đội sẽ vừa tuyên truyền, giám sát người dân thực hiện giãn cách, vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, thuốc điều trị đến từng nhà dân(3)
Tuy nhiên ngay hôm sau, Phát ngôn viên của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đính chính :Không phải quân đội mà Tổ công tác đặc biệt của các địa phương sẽ phát tận tay ‘gói hỗ trợ’ cho dân ! Đáng lưu ý, hệ thống công quyền sẽ không phát lương thực, thực phẩm cho từng nhà như Thủ tướng tuyên bố. Ngoài các ‘gói hỗ trợ’ cho những trường hợp khó khăn, các Tổ công tác đặc biệt sẽ không cho gì cả mà chỉ đi chợ thay người dân, chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân. Khu vực nào thiếu hàng hóa thì sẽ điều xe lưu động tới bán (4) !
Cần lưu ý thêm là đến giờ này, Thủ tướng Việt Nam vẫn tiếp tục lặp lại yêu cầu mà thực tế đã chứng minh là nguyên nhân khiến số ca bị lây nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh gia tăng, hệ thống y tế quá tải, nhân viên y tế kiệt sức :Thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan(5)... Trong vòng hai tuần nếu làm không xong, Bộ trưởng Y tế phải chịu trách nhiệm (6)
Nếu đọc kỹ và đối chiếu các chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam trong vài ngày vừa qua, chắc chắn thiên hạ sẽ hoang mang. Đã nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồngthì tại sao lại còn điều trị F0 ngay tại xã phường ? Khi Thành phố Hồ Chí Minh đang đối diện với khủng hoảng y tế, thiếu trầm trọng cả nhân lực lẫn trang bị, thiết bị y tế, chính phủ phải liên tục điều động nhân viên y tế, sinh viên trường y từ nhiều địa phương khác lẫn quân y đến hỗ trợ, lấy đâu ra nhân sự để lấy mẫu, xét nghiệm xác định F0 ?
Ở Hà Nội, Thủ tướng ở thể lên đồng nhưng thực trạng dịch dã tại Thành phố Hồ Chí Minh buộc các viên chức hữu trách ở thành phố này phải tỉnh táo hơn. Hôm 21 tháng 8, một Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông báo với báo giới, thành phố này chỉ cố gắng xét nghiệm theo một kế hoạch đã ban hành hôm 15 tháng 8 : Kế hoạch 2716 – xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, không xét nghiệm toàn thành phố (7).
***
Hậu quả của đại dịch tại Việt Nam càng lúc càng trầm trọng không đơn thuần vì Covid-19. Khi Thủ tướng – nhân vật đứng đầu hệ thống hành pháp, đồng thời còn là một trong những nhân vật lãnh đạo hệ thống chính trị – vừa bất tri, vừa bất trí tới mức khó có thể hình dung như thế, chuyện các hệ thống vào cuộc sẽ chỉ gia tăng mức độ trầm trọng, hậu quả của thảm nạn sẽ càng ngày càng khó lường.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/08/2021
Chú thích :
(1) https://vnexpress.net/quan-doi-chu-tri-lo-luong-thuc-cho-tp-hcm-4343622.html
(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tp-hcm-hop-bao-thong-tin-ve-tinh-hinh-dich-covid-19-767906.html
*****************
Xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố : Cần thiết hay lại thêm sai lầm ?
Diễm Thi, RFA, 23/08/2021
Hôm 22 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi công điện đến lãnh đạo bốn tỉnh thành gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Một nhân viên y tế dán tên người được xét nghiệm vào ống xét nghiệm. Ảnh chụp tại Hà Nội, tháng 1 năm 2021. Reuters
Công điện nêu rõ, thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng được Thủ tướng nhấn mạnh là yếu tố then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám quốc tế EXSON ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không ai đi xét nghiệm cả thành phố gần 10 triệu dân để đi tìm người nhiễm, ngoại trừ người ta cần phải tiêu thụ lượng kit, test nào đó, phục vụ lợi ích cho các tập đoàn dược. Ông phân tích với RFA vào tối 23 tháng 8 :
"Không phải chỉ tốn kém chi phí mà tốn kém chi phí một cách vô ích. Nếu người ta xét nghiệm để tìm bệnh hoặc biết tỷ lệ bệnh của thành phố thì có thể làm xét nghiệm ngẫu nhiên, chọn lựa những nhóm đại diện, với số cỡ mẫu đủ độ tin cậy, chỉ bằng 1% thôi. Đây là phương pháp cả thế giới người ta làm, là một trong các phương pháp cơ bản của dịch tễ, y học dự phòng.
Không ai đem hết dân của một thành phố ra mà xét nghiệm cả. Giả dụ hôm nay xét nghiệm 10 người thì có ba người dương tính, bảy người âm tính. Ngày mai trong bảy người ậm tính có thể có thêm một người dương tính, mốt thêm một người nữa thì chuyện xét nghiệm nó trở thành vô nghĩa".
Một chuyên gia y tế ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho bản thân và gia đình, nói với RFA vào sáng 23 tháng 8 về chủ trương xét nghiệm toàn thành phố tìm F0 của Thủ tướng Việt Nam :
"Thứ nhất là tốn kém. Giả sử người ta dương tính thì sao ? Nếu cách ly, cô lập thì hiện nay đã cách ly, đã cô lập và cấm ra đường rồi. Nghĩa là người lành mang trùng bệnh thì vẫn ở nhà, bệnh nặng thì vô bệnh viện, nặng nữa thì thở máy.
Thứ hai, về mặt đạo đức. Không loại trừ trường hợp vu cho người ta dương tính để bắt người ta cách ly. Bắt những người đối kháng trong xã hội, các đối thủ chính trị vào khu cách ly rồi tìm cách triệt tiêu họ. Đó mới là cái đáng nói. Cộng sản có thể làm mọi chuyện nhưng rất kín võ, không ai biết. Chết do Covid làm gì có giám định pháp y. Chỉ cho vào bao rồi đem thiêu, thậm chí gia đình không được biết.
Thêm vào đó, việc xét nghiệm bắt buộc toàn thành phố như hiện nay là một hình thức vi phạm nhân quyền. Trước đây họ đưa giấy yêu cầu mình đến điểm xét nghiệm. Bây giờ họ cho nhân viên y tế đi xe máy đến tận nhà xét nghiệm. Kết quả cho biết sau. Họ đọc sao mình biết vậy, chưa kể về mặt kỹ thuật có dương tính giả nữa".
Người dân chờ xét nghiệm Covid-19 dọc theo một con phố ở Hà Nội vào ngày 18 tháng 8 năm 2021. AFP
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn, phải ‘chống dịch như chống giặc’ bằng cách lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch bệnh để kêu gọi, vận động, giải thích, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở đó, cách ly người với người, nhà với nhà, xã/phường với xã/phường, người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch.
Cách chống dịch của Việt Nam bị coi là phiên bản của Vũ Hán, Trung Quốc, từ việc xét nghiệm đến việc cách ly.
Khi biến thể Delta bắt đầu xuất hiện ở Vũ Hán vào đầu tháng 8 vừa qua, giới chức thành phố này cho biết sẽ xét nghiệm toàn bộ dân trong thành phố và áp lệnh phong tỏa. Để bảo vệ thủ đô, tất cả các tuyến đường hàng không, xe buýt và các tuyến đi lại từ Bắc Kinh đến các vùng có dịch bị cắt. Tất cả khách du lịch cũng đã bị cấm vào thủ đô và giới chức chỉ cho phép những du khách "thiết yếu" có kết quả xét nghiệm âm tính được vào.
Đến ngày 8 tháng 8, Phó bí thư thành uỷ Vũ Hán tuyên bố đã hoàn thành việc xét nghiệm cho hơn 11 triệu cư dân tại 2.800 điểm lấy mẫu trên toàn thành phố. Một đội quân gồm 28.000 nhân viên y tế đã được huy động để thực hiện xét nghiệm.
Hôm 15 tháng 8, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch 2716 về việc triển khai công tác xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9. Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, muốn kiểm soát được dịch bệnh thì phải biết được F0. Muốn biết được F0 phải xét nghiệm. Muốn xét nghiệm phải thực hiện chiến
Ngay khi văn bản 2716 được ban hành, Bác sĩ Võ Xuân Sơn không tin văn bản ấy là thật. Ông không tin những người tư vấn, những người ra quyết định lại có thể quyết định xét nghiệm toàn thành phố như vậy. Ông nhắn gửi vài điều đến giới lãnh đạo thành phố qua Facebook cá nhân, RFA đã xin trích đăng lại :
"Thưa các vị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh,
Thưa các vị đức cao trọng vọng trong cái ban tư vấn cho Thành phố Hồ Chí Minh,
Tôi không tin là các vị lại không hiểu điều mà người ta, các nhà khoa học, nói ra rả suốt. Nếu văn bản này là thật, thì khả năng cao là có những người đang ngồi ở vị trí tư vấn hay lãnh đạo của thành phố này nhắm tới một mục đích nào đó, không phải mục đích chống dịch.
Liệu có ai đó muốn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị chìm vào dịch bệnh mãi hay không ? Liệu có ai đó muốn Thành phố Hồ Chí Minh cứ bị phong tỏa mãi hay không ? Liệu có ai đó muốn người dân thành phố này phải kiệt quệ, phải quì xuống van xin họ miếng ăn để sống sót hay không ? Liệu có ai đó muốn thành phố này phải bất ổn, đến mức người dân phải vùng lên, giống như năm 1945, phá kho thóc, và từ đó, lật đổ chính quyền ?
Hay đơn giản, chỉ vì lợi lộc từ những đồng tiền thuế của dân bỏ ra cho xét nghiệm, mà họ bất chấp tất cả ?"
Hôm 22 tháng 8, trước giờ siết chặt giãn cách, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đổ ra nhiều tuyến đường mua nhu yếu phẩm, thuốc uống khiến một số tuyến đường lưu thông đông như ngày thường. Dư luận cho rằng, cách chống dịch của lãnh đạo thành phố quá yếu kém, ‘xì lỗ nào bịt lỗ đó’ chứ không có một phương án khoa học cụ thể nào.
Theo trang thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 23 tháng 8, cả nước có gần 8.700 người tử vong vì Covid-19, Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 7.000 ca.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 23/08/2021
*******************
Nguyễn Dân Ngôn, RFA, 23/08/2021
Thành phố Hồ Chí Minh đã thực sự "bung", "toang" trước Covid-19 như cách ông Chủ tịch Hà Nội từng nói.
- Reuters
Ngay cả Bộ Y tế vốn có lịch sử công bố các con số nhiễm và tử vong rất xa với sự thật, cũng đã phải thay đổi trong các bản tin gần đây khi thêm cụm từ "Được ghi nhận trong hệ thống" vào sau các con số.
Được ghi nhận trong hệ thống tức người nhiễm thì được đưa vào bệnh viện, người chết cũng là chết trong bệnh viện, được xác định nguyên nhân do Covid-19.
Nhưng, các bác sĩ đang trực tiếp điều trị đều cho biết con số nhiễm và tử vong không kịp ghi nhận trong hệ thống, hoặc không được ghi nhận trong hệ thống như nhiễm và tự điều trị tại nhà, tử vong tại nhà, thậm chí con số tử vong thực tế trong các bệnh viện cũng đều cách rất xa con số "trong hệ thống".
Nguyên nhân của việc này một phần do hệ thống y tế tại hai điểm sôi là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã quá tải mọi mặt. Số người bệnh không được đưa vào bệnh viện là không thống kê được.
Nó giống với cao điểm dịch ở Mỹ, Ấn các nước đã trải qua kinh nghiệm "toang" trước Việt Nam. Trong bối cảnh y tế quá tải, mọi con số chỉ là hình thức. Chỉ có thể chờ đến hết dịch rồi cẩn thận thống kê lại theo cách thức điều tra dân số. Thậm chí có như thế thì chúng ta cũng có thể vĩnh viễn không bao giờ biết chính xác số người đã tử vong vì Covid, vì không có các con số cập nhật kịp thời dân cư trong mọi thời điểm.
Lâu nay, các bác sĩ, những người làm dịch vụ trong bệnh viện, tại các cơ sở mai táng được lưu ý không đăng các hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội. Ví dụ hình ảnh người bệnh nằm la liệt trong sân bệnh viện dưới trời mưa, nhiều người phải chui mình vào chiếc túi nilon để không bị ướt.
Nhưng bất chấp, vẫn có một số người không chịu nổi việc bị dán băng keo. Hoặc những nhóm thiện nguyện, họ đăng thẳng thừng. Nhờ thế dư luận mới nhìn thấy cảnh hàng chục chiếc quan tài xếp lớp quanh một khu nhà quàn gần bệnh viện. Cảnh xác người nằm trong những góc nhà nhỏ hẹp, tối tăm, mất vệ sinh nghiêm trọng tại những khu hẻm hóc ngoắt ngoéo ở quận 1, quận 4, quận 8, Tân Bình, Tân Phú.
Ngày 13/8, tức sau khi cách ly xã hội đã hai tháng rưỡi, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện hai ổ dịch mới. Một tại đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1. Chỗ này còn gọi là khu Chợ Gà, Chợ Gạo. Một tại đường Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5.
Chợ Gà, Chợ Gạo-cái tên đủ nói lên đây là khu dân cư mật độ cực cao, nói sầm uất tức là quá nhẹ. Trên diện tích 0,23 km2 của phường Cầu Ông Lãnh có gần 18.000 người sinh sống, mật độ đạt hơn 77.000 người/km2, cao gấp gần bốn lần nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới là Ma Cao ( 22.000 người/km2).
Cùng với các phường Cô Giang, Cô Bắc, Bùi Viện đất ở đây phải so với giá kim cương, chứ vàng thì không nhằm nhò.
Nằm ở trái tim thành phố, là một trong những trung tâm buôn bán hàng rau củ quả và hàng tươi sống, cuộc sống của hầu hết người dân khu này diễn ra ở ngoài đường. Họ buôn bán gần như 24/24, ăn uống quán sá, ngủ ngay trên sạp. Giải trí cũng hầu như ngoài trời. Nhà chỉ là nơi để đồ đạc và tắm rửa. Ngay cả con nít và người già cũng chẳng ở trong nhà, họ ra ngồi ngoài hẻm cả ngày đề hóng gió và tán phét.
Giá đất kim cương nên hầu hết nhà nhỏ vô cùng. Nhỏ nhưng có võ, chỉ cần ngồi xệp xuống bất cứ cái góc nào cũng ra tiền, nên người dân không thể bỏ nó đi được. Địa thế và bạn hàng, hai yếu tố trời cho trong kinh doanh, ở đây giàu sẵn, xài hoài không hết. Đi chỗ khác thì sống bằng gì ? Học đại học, mòn mông năm năm trời, ra đi làm một tháng lương chưa bằng một ngày doanh số của một sạp rau nhỏ.
Người ở đây, gọi là chen chúc.
Thế rồi đại dịch.
Không thể ra đường để ăn, để ngủ hay chạy nhảy, ngồi chơi nữa. Tự dưng tất cả mọi người đều phải rút vào trong nhà, sinh hoạt 24/24. Cái nhà hồi trước thấy bình thường, giờ hít thở cũng chật. Ngủ thì phải nằm sát cạnh nhau trên sàn.
Những khu dân cư này tận dụng mọi không gian để lấn chiếm, từ lầu một trở đi, tay nhà có thể thò tay qua cửa nhà bên kia. Nên quanh năm suốt tháng, ánh nắng hầu như không bao giờ chiếu xuống nổi dưới hẻm. Trong nhà ngay giữa trưa cũng phải bật đèn.
Thậm chí có những khu trong Cô Bắc, Cô Giang, nước lau nhà, giặt giũ nhiều lúc cũng đổ trực tiếp ra đường, dưới chân luôn ướt nhớp.
Điều kiện thông thoáng, và vệ sinh các khu này rất kém, trong khi mật độ dân cư cực cao.
Tương tự, ngay ở trung tâm thành phố, các khu trọ cho người lao động nghèo như bán vé số, bán hàng rong, khu công nhân, khu lao động tự do lấn chiếm những mảnh đất tạm thời bỏ hoang, dựng nhà tạm bằng tôn và ván gỗ dán cũng cùng một hoàn cảnh
Do vậy khi bùng dịch, đó chính là những nơi dễ lây lan nhất và một khi đã lây thì lây theo hộ gia đình, lây theo từng hẻm một.
Vậy thì bóc, tách F0 mang đi đâu ?
Cho đến hôm nay, chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế cho Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là kiên quyết xét nghiệm đại trà để phát hiện F0, nhằm phát hiện nguồn lây, cô lập họ khỏi địa bàn.
Nhưng với thực tế các ổ dịch cục bộ như kể trên, với thực thế toàn bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã là vùng dịch cực lớn, trong đó những điểm "xanh" chỉ lác đác như vài chấm nhỏ, tức nguồn lây đã lan rộng khắp nơi, vậy truy tìm nguồn lây còn có ý nghĩa thực tiễn gì ?
Nguyễn Dân Ngôn
Nguồn : RFA, 23/08/2021
***********************
Gió Bấc, RFA, 21/08/2021
Sau hơn hai tháng phong thành chống dịch như chống giặc với mục tiêu kép ngăn chặn dịch lây lan bằng cách tìm diệt F0 và ổn định phát triển kinh tế bằng ba tại chỗ, Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam nói chung đã không đạt mục đích mong muốn mà có thể nói là vỡ trận. Dịch đã lan ra cả nước, chỉ còn mỗi tỉnh Cao Bằng chưa bị nhiễm. Số ca nhiễm mỗi ngày lên đến trên dưới 10.000.
Photo : RFA
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh con số đã vượt qua ba lần kịch bản dự liệu trên 100.000. Điều đáng ngại là con số tử vong theo thông tin chính thức của Bộ Y Tế là trên 6.000 nhưng con số thật khó thể thống kê nhưng có lẽ lớn hơn nhiều qua những biểu hiện thực tế là các lò thiêu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đều đã quá tải, và Thành Đội Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh Đội Đồng Nai đều có văn bản xin xây dựng thêm lò thiêu mới. Thành phố Hồ Chí Minh không đủ quan tài gỗ, chùa Vĩnh Nghiêm phải sáng chế quan tài carton. Túi nhựa chứa tử thi cũng cạn kiệt, một tổ chức thiện nguyện từ Hà Nội đã hỗ trợ cấp tốc 1,5 tấn túi này (1).
Điều mà nhiều bác sĩ, chuyên gia dịch tễ dộc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gào cảnh báo từ đầu mùa dịch là đừng đếm F0, hãy quan tâm bảo toàn, đầu tư cho ngành y để điều trị bệnh nhân nặng, giảm nhẹ tử vong đã thành sự thật. Dù Thành phố Hồ Chí Minh có tiếp thu trở bộ, xây dựng 5 tầng điều trị, cho F0 không triệu chứng cách ly tại nhà nhưng đã quá trễ. Các bệnh viện đều quá tải, thiếu máy thở, thiếu oxy việc bệnh nhân đi bốn năm bệnh viện nhưng không nhập viện càng phổ biến.
Vắc-xin, công cụ chống dịch khả dĩ hữu hiệu sau hơn năm triệu liều được Bộ Y tế cấp phát từ nguồn viện trợ đã hoàn toàn cạn kiệt. Hơn hai triệu liều vắc-xin Trung Quốc dành cho người già và có bệnh nền nhưng chỉ được một số ít người có hoàn cảnh quá cùng kiệt chấp nhận tiêm.
Ngày 20/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An triển khai một chiến dịch mạnh tay, triệt để hơn nữa, huy động Công an, Quân đội vào cuộc, hướng đến mục tiêu đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch.
Vẫn kiên trì truy quét, bóc tách F0 bằng xét nghiệm nhanh để đánh giá, phân loại 312 xã phường tại Thành phố Hồ Chí Minh theo mức nguy cơ "xanh, đỏ, vàng" để giữ vững, mở rộng các xã phường "vùng xanh", cô lập, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng vàng".
Ông Phạm Minh Chính đã chỉ đạo từ ngày 23/8 Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam các biện pháp mạnh mẽ sau đây :
Thứ nhất, thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Bộ Công an, Bộ quốc phòng phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân các cấp tham gia.
Thứ hai, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.. Quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Thứ ba là bảo đảm về y tế. Tăng cường năng lực y tế cho cấp xã phường về oxy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng, bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường. Như vậy, có ba tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 : tại xã phường, tại quận huyện và Thành phố, trong đó tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng. Tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng.
Thứ tư, tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.
Thứ năm, về an sinh xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang
Thứ sáu, tổ chức xét nghiệm "thần tốc" theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất
Tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc (2).
Thượng tướng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, cho biết lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên vừa làm công tác tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly, vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân. Trong cùng ngày đã có 1.000 cán bộ, chiến sĩ từ phía Bắc đã lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh (3).
Đây quả là kế hoạch thật tuyệt vời, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với dân. Người dân chỉ việc ở tại nhà, sẽ không cần đi chợ, đã có bộ đội đảm trách cung cấp từ lương thực thực phẩm hỗ trợ cả dịch vụ y tế. Tuy nhiên người dân đã phản ứng với thông tin này như thế nào ?
Nhà báo chuyên mảng thị trường Nguyễn Thị Mỹ Xuân đã có bài viết trên Facebook với những hình ảnh trực quan chỉ vài giờ sau khi báo thông tin về chủ trương tốt đẹp kia, và còn đến hai ngày nữa mới đến hạn được bộ đội đi chợ thay dân các kệ siêu thị ở Gò Vấp đã cháy sạch hàng.
"Siêu thị trưa ngày 20/8 !
Đang ăn trưa, nghe tin trên tivi, chạy vội vào siêu thị là 12 giờ, xếp hàng đến 12 giờ 40", qua nhiều khâu khai báo y tế, trình giấy mới được vào trong.
Có tin được không, một siêu thị gần như lớn nhất quận Gò Vấp và cả thành phố mà thế này đây ?" (4)
Tương tự, cùng trong ngày 20/8, nhà báo Đăng Chánh Trung phải tự bạch đã rơi nước mắt khi lãng phí thời gian dùng giấy đi chợ vượt qua hàng chục chốt chặn, hàng rào kẽm gai, nối đuôi những đoàn người dài dằng dặc trước nhiều siêu thị mà cuối cùng không mua được món gì (5).
Chỉ còn hai ngày nữa thôi là người có tiền được bộ đội đem lương thực, thực phẩm đến tận nhà, người nghèo được Bộ Lao động và hệ thống chính trị đến tặng quà cứu trợ an sinh xã hội, thậm chí còn được đưa đến chỗ ở mới khang trang. Tại sao người dân phải đi vét mua hàng ? Dân trí Sài Gòn kém chăng ? Bị kẻ xấu nào đó kích động chăng ? Chắc là dân không kém trí, cũng chẳng có bọn xấu nào nhanh nhẩu vậy.
Người dân đã có quá nhiều kinh nghiệm đắng về sự khác nhau 180 độ giữa thông tin tốt lành của Chính phủ trên báo trên tivi và thực tế tối đen. Hơn thế nữa ai cũng biết là bộ đội, công an vốn được huấn luyện để đào tạo nhằm phục vụ cho sức mạnh trấn áp đối phương chứ nào phải để làm chuyện chi li nhỏ mọn là chợ búa.
Về quy định cấm hoạt động rất nghiêm nhặt của Chính phủ đồng thời quy định nhiệm vụ cứu trợ cho Bộ Lao động và hệ thống chính trị càng làm cho người ta quan ngại. Gói cứu trợ 62.000 tỉ hơn một năm rồi hay gói 26.000 tỉ năm nay người ta cũng chỉ nghe thấy trên TV, trên báo Nhà nước. Hơn 60 ngày phong tỏa vừa qua, người nghèo được sống lây lất bằng hàng trăm hàng ngàn những nhóm cứu trợ tự phát của người dân, các tổ chức xã hội. Báo Người Đô Thị online đã ghi nhận : hơn 10 tỷ đồng mà Chia Sẻ - Sharing đã vận động (không kể hiện vật), hơn 20 tỷ đồng từ Be Strong Vietnam và rất nhiều trăm tỷ, nhiều nghìn tỷ đồng của biết bao tấm lòng thiện nguyện khác trong cả nước đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19, mới thấy sức mạnh khó lường của xã hội công dân (6).
Liệu các tổ chức này có còn được hoạt đông trong giai đoạn "quân quản" sắp tới ?
Không chỉ cứu trợ cái ăn, trong điều kiện bệnh viện quá tải, nhiều người bệnh phải tự điều trị ở nhà, nguồn oxy là sự sống hết sức cần thiết. Bác sĩ Võ Xuân Sơn, người điều phối chương trình cung cấp rau, thực phẩm OXY CHO SỰ SỐNG, cung cấp oxy từ thiện miễn phí cho người nghèo đã bày tỏ sự lo lắng "Không biết chuyến rau đi tối nay, ngày mai có vô được thành phố hay không, hay phải đổ bỏ. Rồi việc cung cấp oxy cho người bệnh ra sao nữa đây ? Nhân viên và tình nguyện viên có được đi đến nơi để làm việc hay không ?"
Không chỉ lo, ông phải đi đến quyết định chẳng đặng đừng là án binh bất động "Trước mắt, các bạn vui lòng tạm ngưng chuyển tiền vào tài khoản. Chờ đợi vài ngày nữa xem tình hình diễn biến ra sao" (7).
Quân sự hóa và chính trị hóa hoạt động y tế cộng đồng, cứu trợ xã hội chừng như Chính phủ đã sử dụng sai công cụ và tự cắt bỏ nguồn lực xã hội cực kỳ quan trọng hiệu quả để an dân. Sự sai lầm này sẽ là một đòn đánh vào đời sống vật chất và tinh thần của người dân TP sau hai tháng dài sống trong hoang mang sợ hãi thiếu thốn trăm bề.
Đối với chiến lược giản cách triệt để bằng kẽm gai, quân đội, công an, bóc tách F0 khỏi cộng đồng giống như truy quét phản động hoặc tôi phạm xã hội để kiểm soát Covid, liệu có thành công hay không ? đến 15/9 sẽ có câu trả lời. Với kinh nghiệm thực tế người ta còn nhớ trong lĩnh vực kinh tế, chủ thuyết 500 huyện là 500 pháo dài kinh tế đã chết theo sự nghiệp chính trị của Tố Hữu, ứng cử viên đầy triển vọng chức vụ Tổng Bí thư. Sự sàn lọc theo địa bàn từng xã huyện mấy chục năm nay vẫn không truy vết hết tội phạm mãi dâm, trộm cướp vốn có hình hài cụ thể. Liệu 312 pháo đài xã phường có ngăn chặn, quản lý con vi-rút vô hình đang hoành hành trên toàn thế giới ?
Về chuyên môn, một số chuyên gia dịch tễ đã có dự đoán bi quan.
Bác sĩ Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó Giám Đốc Bệnh Viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang giảng dạy nghiên cứu khoa học ở Mỹ có bài viết bàn luận về phương pháp này thông qua thực tế của New Zeland tương tự với Việt Nam dù mức độ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều lần. Ông bày tỏ sự lo ngại bằng thông tin khoa học rất khách quan : "Vào tháng 2-2021 tạp chí khoa học Nature đã làm một thăm dò trên 119 nhà khoa học gồm vi-rút học, miễn dịch học và bệnh nhiễm về khả năng SARS-CoV-2 trở thành vi-rút lưu hành thường xuyên (endemic) thì 89% trả lời "có nhiều khả năng" (very likely/likely) và chỉ 62% cho rằng "ít /rất ít khả năng" virus có thể bị loại trừ ở một vài nơi).
Về cơ sở khoa học lẫn thực tế đều cho thấy việc loại trừ vi-rút ra khỏi cộng đồng là rất ít khả năng thành công ngay cả khi có vắc-xin" (8).
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, từng có những dự đoán khá sít sao về diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có nhận xét cụ thể hơn : "Tôi đã từng dự đoán, đỉnh dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cuối tháng 8. Nhưng với sự can thiệp mạnh mẽ, nhất là việc xét nghiệm toàn dân lần này, có thể nó sẽ lui lại ít ngày, một hoặc hai tuần gì đó. Bây giờ, nghe nói sắp có chính sách đưa F0 tập trung lại. Vậy thì có thể, dù đỉnh dịch qua đi nhưng số tử vong thật sẽ vẫn ở mức cao, thậm chí tăng, trong khoảng một tuần hoặc 10 ngày sau đó. Đấy nhà tôi đang nói về đỉnh thật, về những con số thật" (9).
Không khí mở màn của giai đoạn chống dịch quyết liệt sắp tới ở Thành phố Hồ Chí Minh còn nặng nề hơn với quyết định thay ngựa giữa dòng. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh bị mất ghế chỉ ba tháng sau chiến thắng vẻ vang hơn 98% phiếu bầu trong ngày hội non sông.
Chém tướng ngay khi xuất trận, ít vị minh quân nào dám làm vì nếu không cho là điềm gở thì cũng ngại mất nhuệ khí ba quân. Nhưng với những bạo chúa thì có thể đây là nhát kiếm thị uy báo trước cho thời kỳ sắt máu.
Sau kẽm gai, pháo đài, quân sự, công an sẽ còn là gì nữa ? Ôi số phận người dân Việt !
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 21/08/2021
Chú thích :
1. https://www.facebook.com/phuongyen.nguyen.779/posts/2096424463841935
2. https://tuoitre.vn/quan-doi-cong-an-da-san-sang-trien-khai-luc-luong-the...
3. https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-quan-doi-se-dua-luong-thuc-thuc-pham-...
4. https://www.facebook.com/nguyenthi.myxuan.1/posts/10215192508124367
5. https://www.facebook.com/dang.chanhtrung/posts/6466945019985973
7. https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2105109709646144
8. https://www.facebook.com/tran.t.hien.9026/posts/1021570219950777https://w9- ww.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2105456349611480
***********************
Những gói hỗ trợ mới từ chính phủ khi nào giải ngân hết cho dân ?
Giang Nguyễn, RFA, 20/08/2021
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam vào trung tuần tháng 8 thông báo tiến độ giải ngân gói 26 ngàn tỷ đồng trợ cấp cho người bị tác động bởi dịch Covid-19 kỳ này cao gấp ba lần so với gói 62 ngàn tỷ đồng năm ngoái. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều người dân phản ảnh họ chưa nhận được hỗ trợ của chính phủ.
Một nhân viên y tế tại Hà Nội hôm 20/8/2021. Hình minh họa - AFP
Ông Tống Văn Thơm, một người làm nghề thu gom rác hơn 43 năm ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đợt bùng phát thứ Tư của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng đến các anh em thu gom rác thải, vốn thuộc thành phần nghèo khó nhất xã hội.
Ông Thơm cho biết cá nhân ông đã nhiều lần đăng ký xin hỗ trợ từ chính quyền địa phương nhưng việc này khó khăn vô cùng :
"Vấn đề an sinh xã hội thì cũng hai ba lần rồi đi xin nhưng mà không có được giải quyết, vì thời gian không cho phép mình đi nhiều. Rồi vấn đề là mình đi thì phường này chỉ qua phường kia, phường kia chỉ qua chỗ tạm trú nọ. Rồi ông tổ trưởng chỉ lên phường, phường chỉ xuống quận, tùm lum. Thành ra bỏ thời gian đi rồi cuối cùng không được cái gì hết. Thành ra anh em rác hầu như chưa hưởng được cái chế độ hỗ trợ của thành phố".
Trong khi đó, ngày 18 tháng 8, báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin, Thành phố Hồ Chí Minh có hai gói hỗ trợ an sinh xã hội tổng công gần 1.800 tỷ đồng. Gói thứ nhất, 866 tỷ đồng, triển khai từ cuối tháng sáu nay đã giải ngân xong. Gói thứ nhì với kinh phí 900 tỷ đồng được phê duyệt cách đây hai tuần, nhắm vào lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Ông Thơm, trong vai trò là Chủ tịch Nghiệp đoàn Vệ sinh Dân lập phường 5 cho biết theo thông tin ông có được thì 70/80% người thu gom rác thải, tức cả trăm người thuộc Quận 5 đã không nhận được một chế độ trợ cấp gì trong mùa dịch này.
Ngoài các chế độ hỗ trợ riêng, bổ sung của một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, còn có gói an sinh xã hội của Trung Ương. Đầu tháng Bảy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 nêu 12 chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nhân gặp khó khăn do Covid-19 với gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng.
Thế nhưng bà Lê Thị Quỳnh Hạnh, chủ Spa Hạnh Quỳnh Lê tại Sài Gòn, chia sẻ bà và cả con trai có tiệm tóc cũng phải đóng cửa doanh nghiệp. Về quê sống ở Nghệ An, bà lại trải qua thêm một khủng hoảng khi bà bị lây nhiễm Covid-19. Từ chỗ từng là người làm từ thiện giúp người nghèo khác, nay bà chia sẻ chính bà cũng không đủ sống.
"Lúc ở bệnh viện thì ăn không tốn tiền và miễn phí lúc cách ly nhưng mà về đây hôm 31 tới bây giờ là chị không còn tiền ăn luôn, chị xấu hổ lắm. Nhưng mà chị không dám nói ra bởi vì mình cũng quá nổi tiếng ngoài xã hội mà bây mình như vậy họ cười. Em gái của chị cho chị được hai triệu, thằng em nó cho hai triệu, là bốn triệu chị mua gạo ăn. Nhưng hôm qua chị vẫn bớt ra một số tiền chị mua 300 trứng vịt, với đậu bắp, cà chua tặng mấy người ở nhà trọ trong khu này. Họ đến họ mừng lắm. Nói thiệt chị không có khả năng giúp như trước nhưng mà chị làm như vậy được chị cũng cảm thấy vui mừng rồi. Thật sự là chị về đây là phường cũng không hỏi tới mà cũng không ai cho cái gì hết".
Bảo chí Nhà nước ghi nhận một số bất cập trong việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ, như địa phương chưa thực hiện đồng đều khắp nơi, lại gặp thêm khó khăn trước chỉ thị giãn cách xã hội khiến người lao động không thể đi lại làm hồ sơ.
Thậm chí, có những nơi ‘tự biên tự diễn’ như trường hợp Ủy ban Nhân Dân phường Hải Thành, Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình yêu cầu người dân đóng lệ phí 10.000 đồng để làm đơn đề nghị hỗ trợ từ nhà nước. Sau khi sự việc bị phát hiện, Bí thư Thành ủy Đồng Hới đã có lệnh dừng việc thu tiền không đúng quy định.
Rồi còn nhiều trường hợp các gói hỗ trợ được địa phương chi trả ở mức độ thấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng căng thẳng.
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của tù nhân lương tâm, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, tâm sự rằng sau khi chồng bị bắt hồi tháng 8/2018, cơ sở kinh doanh thủy sản của vợ chồng bị đập, bà chỉ còn có thể làm những việc ‘lắt nhắt’ sống qua ngày. Gần đây thì bà cho biết bà có nhận được một chút gạo :
"Có, hôm qua có nhận được 5 kg gạo hỗ trợ của phường, của ấp. Hai mẹ con một ngày một người ăn một lon. Một ký bốn lon thì được bốn ngày. Một chục ký thì 40 lon thì sống được một tháng, nếu mà nấu ít".
Trên trang Facebook cá nhân, bà Châu đăng hình bao gạo với tút "không ngờ hôm nay tôi đã được tổ trưởng gửi cứu trợ năm ký gạo để nấu cháo hành ăn tránh dịch sau 43 năm đóng thuế".
Dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến người chồng trong tù :
"Ở trong nhà tù tháng rồi chồng có điện về thì chồng nói là ở trong đó giờ bán đồ ăn rất chi là mắc, rau ria thì không có, chỉ có bí đỏ, bí đao với bầu thôi và những loại rau đã thúi rồi. Mua vô ăn cũng không được. Thức ăn cũng không có. Chủ yếu là họ cho gia đình gửi tù nhân một tháng xài một triệu rưỡi nhưng mà giờ mình gửi ba triệu cũng không đủ sống".
Bà chia sẻ về viễn cảnh tương lai của bà :
"Ở dưới chỗ Bình Đại này cái gói hỗ trợ hình như là hoàn toàn chưa một ai nhận được, kể cả những gia đình mà bên chỗ hộ nghèo. Thường thường ở miền quê thì những người hộ nghèo, cận nghèo được nhận trước, nhưng mà thật sự tới bây giờ cũng vẫn chưa nghe được. Ngày hôm qua bản thân Châu đi đòi gói hỗ trợ đó, thì được trưởng ấp trả lời, ‘Chờ tới tháng 12 ! Còn lâu lắm. Tới tháng 12 thế nào cũng suy nghĩ đến gói hỗ trợ đó’. Châu trả lời với trưởng ấp rằng ‘Tôi sẽ cố gắng sống qua mùa dịch này để được nhận tiền hỗ trợ’".
Cô Cao Vĩnh Thịnh, một người phụ nữ tại Hà Nội đã dùng tiền riêng cũng như quyên góp từ bạn bè để cứu trợ những người đặc biệt yếu thế trong mùa dịch, cho biết nguồn tài trợ của các gói cứu trợ, lương thực được chính quyền địa phương phân phối cũng không được rõ ràng, minh bạch :
"Cách đây khoảng hai tuần những hộ được tổ trưởng xác định là hộ nghèo trong xóm thì sẽ được tặng 40 cân gạo. Cứ bảo là của tổ trưởng đưa 40 cân gạo thế nhưng không biết có thật sự đấy là của chính quyền cho hay của mạnh thường quân cho ? Không biết được, không rõ ràng".
Facebooker Phạm Minh Vũ là một người đã quan sát và tìm hiểu nhiều về các gói an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam và so sánh với một số quốc gia khác trên thế giới.
Anh nhận định với Đài Á Châu Tự Do qua Messenger rằng có ba điều đáng chú ý :
"Một là : Các gói hỗ trợ an sinh Việt Nam triển khai sau khi bị chỉ trích quá lớn từ nhân dân, chứ không phải đến từ sự thật tâm lo lắng và chủ động của chính phủ Việt Nam.
Hai là : Sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ quan hợp tác triển khai không đồng bộ, dường như họ cố tình bày ra lắm thủ tục giấy tờ nhiêu khê để cản bước người dân tiếp cận. Ví dụ như năm ngoái nhiều tỉnh thành họ đem cả người đã mất, người trong tù, ghi tên trong danh sách nhận hỗ trợ, còn người cần hỗ trợ thì bị khước từ trắng trợn. Và có chuyện như chính quyền nơi người dân tạm trú bắt người dân về quê để xin giấy xác nhận, trong khi họ lại cấm ra đường.
Và cuối cùng : Gói hỗ trợ tung ra như một cách tượng trưng và sự trấn an tinh thần người dân. Nếu chính phủ quan tâm thật sự thì không có bao chuyện bày ra bi hài như ta thấy ở Việt Nam".
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 20/08/2021