Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ truất quốc tịch Việt Nam của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, theo tôi, là vấn đề phức tạp về luật.

pmh1

Giáo sư Phạm Minh Hoàng

Một người như ông Hoàng, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, cha mẹ là người Việt. Ông Hoàng hiển nhiên có "quyền quốc tịch Việt" vì vừa có quyền "liên hệ máu mủ - droit du sang", vừa có quyền (đến từ việc) "sinh ra trên đất nước này" - "droit du sol".

Cha mẹ, ông bà, tổ tiên của tôi sinh ra trên mảnh đất nay gọi là Việt Nam. Tổ tiên của tôi là những thành tố cấu tạo thành "quốc gia Việt Nam". Quốc gia này được cộng đồng quốc tế nhìn nhận hôm nay.

Hiển nhiên tổ tiên, ông bà tôi "là người Việt Nam" đồng thời với nước Việt Nam được thành hình.

Là người thừa kế chính thống, hiển nhiên đất nước này của tôi và tôi là "người Việt Nam".

"Quốc tịch Việt Nam" chỉ là một "thủ tục hành chánh", được "nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đặt ra sau này để gắn vào mỗi cá nhân thuộc gia đình, giòng tộc của tôi.

Luật do con người đặt ra sau, thì làm sao luật có thể "hồi tố" để truất quyền "trời cho", của "định mạng" bản thân tôi ?

Cho dầu nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tước bỏ cái mà họ đã gắn vào bản thân tôi, "quốc tịch Việt Nam", nhưng họ không thể bỏ "người Việt Nam" ra khỏi tôi.

Việt Nam là "bản chất thuộc về tôi" và tôi là một "thành tố bất khả phân" của Việt Nam.

Luật Quốc tịch Việt Nam qui định một người có thể "bị tước quốc tịch", theo điều 31. Chủ tịch nước là người có thẩm quyền ký nghị định tước quốc tịch.

Nhưng trường hợp tước quốc tịch của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, nhà nước Việt Nam vi phạm trầm trọng các nguyên tắc cơ bản của "nhân quyền".

Xét lại gia cảnh của Giáo sư Phạm Minh Hoàng, việc ký giấy quyết định tước quốc tịch ông chủ tịch nước Trần Đại Quang lại là một hành vi "tội ác".

Tôi, một người Việt Nam, cực lực phản đối quyết định vô nhân của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với Giáo sư Phạm Minh Hoàng.

Xét hoàn cảnh gia đình Giáo sư Phạm Minh Hoàng, tôi cực lực lên án chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhúng tay vào "tội ác".

Tôi trân trọng kêu gọi giới giáo chức, những cựu du học sinh Việt Nam, giới trí thức, "Việt kiều", luật sư... cùng đứng về phía Giáo sư Phạm Minh Hoàng, cương quyết chống lại quyết định "truất quốc tịch Việt Nam" phi lý của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. nhantuan.truong, 03/06/2017

**********************

Giáo sư Phạm Minh Hoàng từ bỏ quốc tịch Pháp để chống lại sự đàn áp của cộng sản...

Nguồn : Quan Làm Báo TV, 03/06/2017

****************

Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam

Blog Tễu, 03/06/2017

Tễu Blog : Đúng là dã man thật ! Quyết định tước Quốc tịch này vừa phạm pháp, vừa vô nhân đạo, vừa là cái tát vào hữu nghị Việt - Pháp. Chỉ có những chế độ độc tài, dã man và cầm thú mới làm như thế này !

pmh2

Giáo sư Phạm Minh Hoàng và vợ, bà Lê Thị Kiều Oanh

TÂM THƯ

Kính gởi cộng đồng Facebook,

cùng các bạn bè, thân hữu xa gần,

Ngày 1/6/2017 vừa qua, Tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn đã mời tôi lên để thông báo một tin "rất xấu" : nhà nước Việt Nam ngày 17/5 đã ký quyết định hủy bỏ quốc tịch Việt Nam của tôi, và điều này đưa đến việc trục xuất tôi về Pháp (tôi có song tịch Pháp-Việt).

Khi tôi đặt bút xuống viết những dòng này, tôi có cảm tưởng như còn đang say rượu. Vợ và con tôi nghe tin này khóc ngất. Anh tôi (thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tật nguyền gần 100%) cũng bàng hoàng. Hoàn cảnh gia đình không cho phép vợ tôi đi cùng, vì còn phải chăm sóc mẹ già cũng như lo cho ông anh tật nguyền, điều này có nghĩa gia đình chúng tôi sẽ phải ly tán.

Tháng 11/1973… nhưng tôi còn nhớ như ngày hôm qua, tôi cất bước sang Paris du học. Khi máy bay đang lượn trên bầu trời Sài Gòn, tôi nhìn qua cửa sổ và tự nhủ sẽ trở về để xây dựng quê hương đang điêu tàn vì chiến tranh. Hai năm sau, mọi suy tính của tôi sụp đổ và tôi bắt buộc phải bước vào một cuộc đời mới, nơi một phương trời mới với những suy nghĩ mới, tuy nhiên trong lòng tôi vẫn canh cánh hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Sau một thời gian sinh sống và làm việc, tư tưởng trở về Việt Nam lại nhem nhúm trở lại và tôi đã cắp sách đến trường để trang bị cho mình những kiến thức ích lợi cho công việc ở Việt Nam. Trở về nước năm 2000, tôi trầy trật mới tìm được một công việc thích hợp trong Đại học Bách khoa Sài Gòn với đồng lương ít ỏi. Trong suốt 10 năm giảng dạy, tôi vẫn tự nhủ mình không phải là một người thầy giỏi, tôi chỉ được mỗi cái chăm chỉ và tận tâm. Tôi tự hài lòng với bản thân vì đã đem hết sinh lực và tâm trí của mình để truyền đạt kiến thức đến cho giới trẻ. Khi tôi bị bắt vào năm 2010 vì đã lên tiếng về tình hình đất nước, tôi đang dạy cùng lúc 5 môn toán khác nhau và đó là lúc khả năng và óc sáng tạo của tôi đang ở mức sung mãn vượt bực.

Nhờ sự can thiệp của chính phủ Pháp và sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền cũng như sự đấu tranh của nhiều người trong, ngoài nước, án của tôi tương đối nhẹ, chỉ 17 tháng tù giam và 3 năm quản chế. Có điều sau đó thì hoài bão đi dạy của tôi cũng sụp đổ. Thỉnh thoảng tôi tính mở lớp Pháp văn nhưng họ vẫn rầy rà đủ thứ. Thậm chí vào năm 2016, khi cùng các bạn trẻ chia sẻ và trao đổi các kiến thức về quyền con người, về pháp luật Việt Nam, về kỹ năng sống cũng bị công an giải tán một cách thô bạo, máy móc bị tịch thu. Cho đến ngày hôm nay những khiếu kiện của tôi vẫn bay vào hư vô.

Cho dù khó khăn và đe dọa đủ điều, tôi vẫn cố gắng duy trì những phản ứng và những đóng góp của mình về các vấn đề của đất nước. Những bài viết của tôi mang tính phê bình nhưng bao giờ cũng chừng mực, ôn hòa và không thể kết luận là nguy hại đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, dưới mắt nhà cầm quyền cộng sản, chừng ấy là chưa đủ. Qua các kênh thông tin, tôi biết tôi vẫn là một cái gì đó tiềm tàng đe dọa đến họ, và mặc dù đã duy trì phản ứng của mình một cách rất chừng mực và thận trọng, họ cũng không yên lòng, để sau cùng đi đến quyết định tước quốc tịch của tôi.

Việc tước quốc tịch đồng nghĩa với việc trục xuất, nghĩa là tôi không có quyền sống và chết trên quê hương của mình.

Tôi còn nhớ, khi tiếp xúc với Tổng lãnh sự Pháp vào năm 2010-2011 khi còn ở trong tù, tôi có minh định rằng tôi chọn ở tù hơn bị trục xuất. Ngài Tổng lãnh sự lúc ấy đã ghi nhận và nhắc đi nhắc lại nguyện vọng của tôi và hứa sẽ giúp tôi toại nguyện.

Ngày hôm nay tình hình có vẻ đã thay đổi. Việc bỏ tù một công dân Pháp có lẽ sẽ phức tạp cho cả hai chính phủ và cuối cùng họ đã chọn một giải pháp đỡ phiền phức nhất nhưng cũng vô nhân đạo nhất, vì hơn ai hết, họ biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi đơn chiếc như thế nào.

Ngày xưa, khi bị tù, tôi nghĩ đó sẽ là những chuỗi ngày đau khổ nhất của một con người, nhưng bây giờ tôi thấy còn một thứ kinh khủng hơn, đó là không được sống trên quê hương của mình.

Ngay trong lúc này, tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào về vụ tước quốc tịch, nên chỉ biết gởi đến bà con thân thương những dòng tâm sự này và mong được sự cảm thông và hậu thuẫn của mọi người bằng cách chia sẻ rộng rãi bức Tâm Thư này đến cho bạn bè. Gia đình chúng tôi cũng đã liên hệ với luật sư để tìm hiểu thêm và tôi được biết hành vi tước quốc tịch tôi là sai pháp luật Việt Nam (xin xem tài liệu dưới đây).

Cuối thư, tôi xin chép lại đây một câu nói của một người đấu tranh đã bị trục xuất : "Người ta có thể đưa tôi ra khỏi Việt Nam, nhưng không ai có thể đưa Việt Nam ra khỏi tôi".

pmh3

Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng

Nguồn : Blog Tễu, 03/06/2017

********************

Công an thả Giáo sư Phạm Minh Hoàng (RFA, 20/03/2016)

pmh6

Ông Phạm Minh Hoàng bị dẫn giải sau phiên sơ thẩm ngày 10 tháng 8, 2011. Source dantri.com

Công an thành phố Hồ Chí Minh đã thả Giáo sư Phạm Minh Hoàng, sau hơn nửa ngày cầm giữ ông.  Bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ Giáo sư Phạm Minh Hoàng xác nhận tin này với Đài Á Châu Tự Do tối Chủ nhật 20/03/2016.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị lực lượng công an ập vào bắt giữ trong một quán cà phê tại Sài Gòn trưa ngày 20/3 khi ông đang có một lớp học trong quán về kỹ năng mềm cho các em học sinh.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng là người có hai quốc tịch Việt Nam và Pháp.

Trước đây ông đã từng bị bắt giam vào tháng 8/2010 khi ông đang giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn, với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".. Đến tháng Giêng năm 2012 ông được trả tự do.

Sau ngày được trả tự do, Giáo sư Phạm Minh Hoàng từ chối lời đề nghị được đưa sang Pháp sinh sống. Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn.

Trong bản cáo trạng mà tòa án Việt Nam dành cho ông có nói ông là thành viên của đảng Việt Tân, một tổ chức bị chính quyền Việt Nam cho là phản động. Sau khi ông bị bắt, đảng Việt Tân cũng chính thức xác nhận ông là thành viên của đảng này.

Vợ ông là bà Lê Thị Kiều Oanh có nói với đài RFA sau khi ông bị bắt hồi năm 2010 rằng bà tôn trọng ý kiến của chồng, và nói thêm là nên tôn trọng những ý kiến khác biệt của các đảng phái khác nhau để xây dựng đất nước.

Theo như tin chứng tôi vừa nhận được, bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ Giáo Sư Phạm Minh Hoàng cho biết, Giáo sư đã được trả tự do vào giữa đêm chủ nhật nhưng sang thứ hai cơ quan công an sẽ tiếp tục làm việc với Giáo sư.

******************

Công an bắt giữ Giáo sư Phạm Minh Hoàng, Đại Học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (RFA, 15/08/2010)

Tin từ Việt Nam cho biết cách đây 2 ngày ông Phạm Minh Hoàng, Giảng viên Đại Học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, vừa bị công an bắt giữ, để điều tra về các mối liên hệ bạn hữu của ông khi còn ở nước ngoài.

pmh4

Giáo sư Phạm Minh Hoàng (hàng đầu, giữa) và các sinh viên của Đại Học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi tiệc Tất niên ngày 28/01/2010. Hình do gia đình cung cấp.

Giảng viên Phạm Minh Hoàng cũng bị công an điểu tra về việc tổ chức các lớp học miễn phí về kỹ năng mềm cho sinh viên trong thời gian gần đây.

Ông Phạm Minh Hoàng từng du học bên Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về Việt Nam dạy học với ước mơ góp phần đào tạo một thế hệ ý thức được bổn phận và trách nhiệm để tích cực xây dựng một đất nước tiến bộ hơn về mọi mặt.

Gần đây, ông được nhiều người biết đến sau khi ký tên và kêu gọi bạn bè cùng ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu nhà nước ngưng cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam tổ chức ở Sài Gòn hồi cuối tháng Chín năm ngoái.

Ngay sau khi nghe được tin ông bị bắt, Ban Việt Ngữ - Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với vợ ông là bà Lê Thị Kiều Oanh đã hỏi thêm chi tiết. Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa bà Kiều Oanh và biên tập viên Khoa Diễm của Đài RFA.

Lý do bị bắt ?

Khoa Diễm : Dạ. Xin thưa, đây có phải là bà Kiều Oanh, vợ của Giảng viên Phạm Minh Hoàng không ạ ?

Lê Thị Kiều Oanh : Dạ. Dạ đúng ạ. Tôi là vợ của Giảng viên Phạm Minh Hoàng ạ.

Khoa Diễm : Dạ. Thưa bà, trước hết xin bà tóm tắt sơ chuyện gì đã xảy ra cho chồng bà là ông Phạm Minh Hoàng ạ ?

Lê Thị Kiều Oanh : Tôi cũng không biết lý do từ đâu nữa, nhưng vào ngày 11 tây tháng 8 thì có những người công an tới mời tôi và chồng tôi đi lên làm việc. Chồng tôi thì làm việc một nơi, còn tôi thì được làm việc một nơi khác.

Tôi cũng không biết từ đâu mà họ nói là có một người khai ra là chồng tôi và tôi là đảng viên của Đảng Việt Tân, nhưng thực sự thì tôi không phải là như vậy, và tôi biết chồng tôi cũng không phải là như vậy.

Sau mấy ngày họ cứ mời lên mời xuống chúng tôi để hỏi cung, mà thực sự là họ chưa đưa ra được bằng chứng gì để buộc tội chúng tôi hết, và tôi không biết tại sao. Tới tối ngày 13 thì họ tới đọc lệnh khám xét nhà tôi và đọc lệnh bắt khẩn cấp chồng tôi đi và việc đó rất là đau lòng.

Khoa Diễm : Dạ. Vậy thì từ khi mà họ bắt ông Hoàng đi đến giờ thì bà đã có cơ hội nào gặp lại chồng bà chưa ạ ?

Lê Thị Kiều Oanh : Dạ, người ta nói là đang ở trong cuộc điều tra nên không có cho gặp.

Khoa Diễm : Vậy tình trạng sức khỏe hiện nay của ông nhà ra sao ?

Lê Thị Kiều Oanh : Tôi hoàn toàn không biết gì hết, chị ạ. Tôi rất lo cho chồng tôi (khóc…). Tôi không biết chồng tôi bây giờ như thế nào nữa.

Khoa Diễm : Vậy ít nhứt bà có biết được là hiện tại ông Hoàng đang bị nhốt ở đâu không ?

Lê Thị Kiều Oanh : Dạ, thực sự thì tôi không biết, nhưng lúc mà tôi được mời lên làm việc ở tại Nguyễn Văn Cừ thì tôi đoán là chồng tôi bị giữ ở đó thôi, chứ tôi cũng không biết rõ ạ.

Khoa Diễm : Những người bạn đã cùng chồng bà và ông Hoàng ký vào bản kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hay là chuyện Hoàng Sa - Trường Sa khi ông tham gia buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo ở Việt Nam, thì có giúp cho bà những tin tức hoặc thông tin gì của ông hay không ạ ?

Lê Thị Kiều Oanh : Hiện bây giờ thì tôi không có ạ. Tại vì tôi vốn là một người không có giỏi về internet cho nên trước cái việc của chồng tôi, tôi không biết cách nào. Tôi chỉ biết nhờ người em ruột của chồng tôi giúp tôi làm cái việc này thôi.

Khoa Diễm : Theo bà thì tại sao lại có những lời cáo buộc là vợ chồng bà là đảng viên của Đảng Việt Tân ạ ?

Lê Thị Kiều Oanh : Cho tới bây giờ thì tôi không biết. Tôi chỉ biết là họ bắt một người quen của chúng tôi và cậu ta khai - đó là qua lời của họ - nói là cậu ta khai ra chúng tôi, khai ra chồng tôi.

pmh5

Bà Lê Thị Kiều Oanh và con gái. Photo : RFA

Lo lắng, hoảng loạn

Khoa Diễm : Trước đây ông Hoàng có đi du học ở Pháp và đã ở lại Pháp một thời gian khá lâu, vậy bà có mong muốn là chính phủ Pháp trực tiếp can thiệp vào vấn đềnày hay không ạ ?

Lê Thị Kiều Oanh : Thực sự là tôi muốn được sống yên ổn với chồng con tôi. Tôi đang nghĩ là nếu bây giờ tôi nhờ chính phủ Pháp can thiệp, nếu họ trục xuất chồng tôi thì cuộc sống vợ chồng tôi cũng khó khăn lắm. Thực ra tôi thấy chồng tôi vô tội. Tôi chỉ muốn chồng tôi được về nhà yên ổn với vợ con thôi.

Khoa Diễm : Nhưng nếu như mà ông đã có những tham gia và những ý tưởng bảo vệ đất nước và những ý tưởng này có thể nghịch lại với lại chính phủ Việt Nam, thì liệu ông có thực sự được an toàn và thoải mái khi ông được thả ra và nếu như là ông được thả ra, thưa bà ?

Lê Thị Kiều Oanh : Cho tới bây giờ tôi không biết chi hết. Tôi chỉ mong làm đủ mọi cách để chồng tôi được thả ra là vì tôi khẳng định rằng chồng tôi là người vô tội. Còn cái gì nó chưa tới thì thực sự tôi cũng không dám khẳng định một điều gì hết.

Khoa Diễm : Vậy thì lúc mà đến để làm việc người ta có đưa ra những bằng chứng gì để buộc tội ông về những tội họđã cáo buộc ông không ?

Lê Thị Kiều Oanh : Dạ, tôi vừa mới được cơ quan điều tra cấm tôi không được nói những nội dung điều tra ra với bất cứ một người nào, thành ra tôi không biết là có được phép trả lời cụ thể cái nội dung cuộc điều tra hay không, vì người ta đã bắt tôi ký giấy là không được phép nói cái nội dung điều tra với bất cứ một ai.

Khoa Diễm : Dạ. Vậy những câu hỏi đó có làm bà khó chịu khi mà bà trả lời hoặc là họ ép bức bà trong một hướng nào đó không ? Hay là bà được tự do trả lời những câu hỏi đó ?

Lê Thị Kiều Oanh : Tôi được tự do trả lời.

Khoa Diễm : Những người hỏi cung bà có đánh đập hoặc là có những cử chỉ thô bạo xúc phạm đến bà khi họ hỏi bà những câu hỏi này hay không ?

Lê Thị Kiều Oanh : Họ không có đánh đập, không có hung dữ đối với tôi, nhưng duy nhứt chỉ có những ngày đầu họ hỏi cung tôi là ngày 11, ngày 12 và ngày 13 thì họ rất là lịch sự. Nhưng tôi không hiểu tại sao tới ngày 14 thì tôi được mời vào lúc 8 giờ rưỡi và tôi tới rất là đúng giờ, và tôi chờ tới hơn 9 giờ thì mới bắt đầu cuộc điều tra, và kéo dài cho tới chiều mà họ không có mời tôi một ly nước nào cũng như không hỏi xem tôi có đói không vào cái giờ cơm trưa, thì tôi lấy làm lạ như vậy thôi. Chứ còn hai ngày trước thì rõ ràng tôi thấy họ rất là lịch sự, nghĩa là vẫn mời tôi uống nước, vẫn mời tôi ăn vào giờ cơm.

Khoa Diễm : Dạ. Vậy thì trong lần làm việc cuối cùng đó họ đã giữ bà lại bao nhiêu lâu ?

Lê Thị Kiều Oanh : Dạ. Từ hơn 9 giờ sáng cho tới 2 giờ chiều ạ.

Khoa Diễm : Hai giờ chiều ! Vậy thì lúc đó bé Trâm Anh được ai săn sóc khi mà cả ông và bà đều được mời đi làm việc ?

Lê Thị Kiều Oanh : Dạ, bữa đó tôi phải gởi qua cho ông bà nội của nó ạ. Ông bà nội của nó thì lớn tuổi lắm rồi. Cả hai đều gần 90 tuổi.

Khoa Diễm : Dạ. Tình trạng hiện tại của hai mẹ con bà hiện nay ra sao ?

Lê Thị Kiều Oanh : Chắc chắn là rất khó khăn rồi, tại vì nhà tôi thì cũng đang trong giai đoạn sửa chữa. Tôi đang sửa chữa mà bây giờ thiếu vắng một người đàn ông trong khi tinh thần tôi thực sự đang hoảng loạn, rồi con tôi đã vào giai đoạn nhập học, cho nên bao nhiêu việc, phải nói là tôi rối, rất là rối.

Khoa Diễm : Tôi có một câu hỏi cuối cùng xin được hỏi bà là bà có lời nhắn nào hoặc là tâm tình nào bà muốn gởi đến quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do khi mà họ nghe về câu chuyện của chồng bà và của bà không ạ ?

Lê Thị Kiều Oanh : Dạ. Tôi mong là bất cứ một ai quan tâm tới những người Việt Nam yêu nước như chồng tôi, tại vì rõ ràng chồng tôi lúc hồi 17 tuổi bước lên máy bay đi du học, chồng tôi đã từng tâm sự với tôi là "Anh ngồi trên máy bay anh nhìn qua khung cửa của máy bay, anh nhìn xuống đất nước Việt Nam, anh quyết định rằng là một ngày nào đó anh sẽ trở về để phục vụ quê hương của mình".

Nhưng bây giờ chị nghĩ xem, chồng tôi về đây bỏ tất cả cuộc sống đầy đủ hạnh phúc ở trời Tây để về đây với cái mong muốn là phụng sự đất nước mình, mà bây giờ không biết tại sao chồng tôi lại bị lâm vào cái chuyện như thế này (khóc).

Tôi chỉ mong rằng những ai cảm thấy xót xa cho chuyện của chồng tôi xin hãy lên tiếng, xin hãy làm cái gì đó để giúp cho chồng trong việc đó thôi ạ.

Khoa Diễm : Dạ. Tôi cảm ơn chị rất nhiều ạ.

Khoa Diễm, phóng viên RFA

Published in Diễn đàn