Trung Quốc tăng cường kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển (RFI, 02/01/2017)
Nhật báo South China Morning Post hôm 31/12/2017 cho hay, Trung Quốc đã cho triển khai một dự án kiểm soát đại dương bằng mạng lưới theo dõi ngầm dưới biển. Đây là dự án được Viện Hải Dương Học Nam Hải ấp ủ và phát triển trong nhiều năm, dưới sự giám sát của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. Reuters/Stringer
Hồi tháng 11/2017, Viện Hải Dương Học Nam Hải ra thông báo cho biết, sau nhiều năm thiết kế, lắp đặt và thử nghiệm, hệ thống theo dõi ngầm dưới biển hoạt động tốt và được bàn giao cho hải quân Trung Quốc.
Đây là một phần trong kế hoạch bành trướng quân sự chưa từng có mà Bắc Kinh kỳ vọng có thể trở thành đối trọng với Hoa Kỳ trên lĩnh vực hàng hải quốc tế, theo nhật báo Hồng Kông.
Hệ thống giám sát này đã đi vào hoạt động thu thập thông tin môi trường dưới biển, không chỉ cho phép đo lường, mà còn có thể dự đoán nhiệt độ và độ mặn nước biển ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và ở mọi độ sâu. Những thông tin này cho phép hải quân Trung Quốc có thể phát hiện tàu mục tiêu chính xác hơn, đồng thời tăng cường khả năng tuần tra biển và định vị.
Ông Du Vĩnh Cường (Yu Yongqiang), chuyên gia tại Viện Vật lý khí quyển trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc (CAS), thành viên của nhóm chuyên gia tư vấn cho dự án, nhấn mạnh, việc thu thập thông tin về vận tốc và hướng truyền đi của sóng âm bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của nước biển.
Nếu việc thu nhận dữ liệu thất bại, khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài việc cải thiện khả năng nhận diện mục tiêu, hệ thống giám sát này còn gúp cho tàu ngầm di chuyển an toàn hơn trong vùng biển phức tạp.
Theo bản mô tả tóm tắt kỹ thuật đăng tải trên trang web của Viện Hải Dương Học Nam Hải, hệ thống này được xây dựng dựa trên một mạng lưới các trang thiết bị đa dạng, như phao, tàu trên mặt biển, vệ tinh, thiết bị lặn dưới nước... Tất cả đều nhằm thu thập dữ liệu trong vùng Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Đô Dương. Các thông tin này sau đó sẽ được truyền về 3 trung tâm xử lý và phân tích thông tin tình báo được đặt tại quần đảo Hoàng Sa, tỉnh Quảng Đông và vùng Nam Á.
Tuy nhiên, ông Du cũng nói thêm, dù Biển Đông vốn được xem như "ao nhà" của Trung Quốc, nhưng với kinh nghiệm nhiều thập kỷ nghiên cứu vùng biển này, các tàu ngầm của Mỹ vẫn chiếm ưu thế, với khả năng thích nghi với nhiệt độ và độ mặn nước biển tốt hơn tàu ngầm Trung Quốc.
Chuyên gia này nhận định, kế hoạch phát triển một mạng lưới giám sát dưới biển có quy mô toàn cầu của Bắc Kinh cho thấy tiến bộ rõ ràng của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự dưới biển, song mặt khác, dự án này cũng bị cản trở bởi các hệ thống tương tự do Mỹ vận hành trên khắp thế giới.
Công nghệ cao thực sự góp phần giúp Bắc Kinh bảo vệ được lợi ích quốc gia trên biển cũng như trong lòng đại dương, dọc theo con đường tơ lụa trên biển, bắt đầu từ bán đảo Triều Tiên trải dài tới tận bờ biển Đông Phi.
Hệ thống kiểm soát đại dương này của chính quyền Bắc Kinh góp phần hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa", đồng thời củng cố về mặt quân sự cho kế hoạch "Nhất Đới Nhất Lộ" - tham vọng bành trướng ảnh hưởng kinh tế tới hơn 60 quốc gia trên toàn cầu.
Đã có khoảng 12 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong khuôn khổ của siêu dự án này được triển khai, từ làm đường cao tốc tới xây dựng các trạm năng lượng và khai mỏ. Tuy nhiên, "Nhất Đới Nhất Lộ" cũng đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều của các quốc gia trong khu vực có tranh chấp về chủ quyền trên biển với Trung Quốc.
Duy Anh
********************
Bắc Kinh lại cho báo chí đe dọa Úc vì "xen vào" hồ sơ Biển Đông (RFI, 01/01/2017)
Trong số báo cuối năm đề ngày 31/12/2017, nhật báo Trung Quốc Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) tiếp tục gây sức ép đối với Úc, đe dọa rằng việc "xen vào" vấn đề Biển Đông sẽ chỉ làm cho tình thế chiến lược của Canberra thêm khó khăn.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (T) tiếp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), Canberra, ngày 07/02/2017© Reuters
Tờ báo Trung Quốc nổi tiếng với những luận điệu hung hăng này, đã đăng bài viết của một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Hải Quân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Theo nhà nghiên cứu này, trước đây, dưới thời hai thủ tướng Kevin Rudd và Julia Gillard, nước Úc đã có một lập trường tốt khi giữ thái độ "trung lập và cân bằng" trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Trung Quốc kể trên ghi nhận là trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Mỹ cho thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, Úc đã thay đổi chính sách một cách đáng kể, với hệ quả là vừa đe dọa lợi ích quốc gia của Trung Quốc, vừa gây tổn hại cho lợi ích lâu dài của Úc, làm sâu đậm thêm những mâu thuẫn căn bản về mặt chiến lược của Canberra.
Và như thông lệ, Hoàn Cầu Thời Báo đã lớn tiếng hù dọa rằng "Trung Quốc sẽ không cho phép Úc muốn làm gì thì làm… và những hành động khiêu khích ở Biển Đông (của Canberra) có thể buộc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp đối phó mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Úc.
Giọng điệu đe dọa của Hoàn Cầu Thời Báo không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng điểm đáng chú ý là tờ báo trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã gợi lên khả năng Bắc Kinh trả đũa Canberra về kinh tế.
Trên nhật báo Úc The Sydney Morning Herald vào hôm nay, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học Viện Quốc Phòng Úc, nhận định rằng bài báo thể hiện luận điệu chống Úc ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc nhắm vào dư luận Úc, đặc biệt là nhằm tranh thủ các đối tượng chủ trương nương theo thay vì chống lại đà vươn lên của Bắc Kinh.
Đối với giáo sư Thayer, quan điểm trong bài báo cho rằng Trung Quốc nên trừng phạt Úc về mặt kinh tế vì lập trường Biển Đông của Canberra là một tín hiệu "đặc biệt đáng lo ngại".
Theo chuyên gia Thayer, giọng điệu của "chuyên gia" được Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài, hoàn toàn phù hợp với đường lối nhất quán của tờ báo này, đang đả kích và đe dọa Úc, một phần là vì chính quyền Canberra đã chỉ trích Bắc Kinh xen vào chính trường nội bộ nước Úc.
Theo giáo sư Thayer, Hoàn Cầu Thời Báo "đóng vai trò một con chó dữ được dùng để đe dọa bất cứ quốc gia nào có quan điểm trái ngược với đường hướng tuyên truyền hiện tại của Trung Quốc".
Trọng Nghĩa
********************
Trung Quốc ấn định mức tiền mặt được rút ở nước ngoài (RFI, 31/12/2017)
Trong nỗ lực chống nạn rửa tiền, trốn thuế và tài trợ khủng bố, Trung Quốc ra hạn định số tiền mặt được phép rút ở nước ngoài.
Từ 01/01/2018, người Trung Quốc bị hạn chế rút tiền mặt ở nước ngoài Reuters/Kim Kyung-Hoon/Files
Theo AFP, quy định mới này có hiệu lực ngay từ ngày thứ Hai, 01/01/2018. Mỗi một chủ thẻ tín dụng chỉ được phép rút không quá 100000 nhân dân tệ/ năm (tương đương 12800 euro) ở nước ngoài. Và mỗi ngày không được phép rút hơn 10000 tệ (1280 euro).
Bất kể ai vi phạm quy định này có nguy cơ bị treo quyền rút tiền mặt ở nước ngoài ngay trong hai năm kể từ thời điểm vi phạm. Quy định này đã từng được áp dụng từ tháng 09/2015 với những đối tượng sở hữu thẻ ngân hàng Union Pay, một dạng thẻ Visa hay MasterCard kiểu Trung Quốc.
Theo Bắc Kinh, biện pháp này nhằm "hạn chế các rủi ro tài chính", nhưng nhất là để ngăn chặn thất thoát dòng vốn ra ngoài lãnh thổ, một nỗi ám ảnh lớn đối với Bắc Kinh.
Việc rút tiền ở nước ngoài từng là một phương thức để người Trung Quốc đưa tiền ra khỏi lãnh thổ và đầu tư vào nhữngdự án có lãi cao. Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc muốn số tiền đó dùng để hỗ trợ nền kinh tế đất nước, hiện có những dấu hiệu hụt hơi.
Minh Anh
Truyền thông nước ngoài bôi bẩn cá tra Việt Nam (RFA, 23/01/2017)
Cá tra nuôi lồng ở Việt Nam. Courtesy of vietnamplus
Những thông tin không chính xác do truyền thông nước ngoài loan tải có thể gây ảnh hưởng xấu đến ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm nay.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại diện là Tổng thư ký Trương Đình Hòe bày tỏ mối lo ngại trên và được mạng Vietnam News loan đi hôm 23 tháng giêng năm 2017.
Cách đây ba tuần, đài truyền hình Cuatro tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha cho trình chiếu một chương trình phóng sự về việc nuôi cá tra ở sông Mê Kong, Việt Nam. Nội dung của phóng sự đó cho thấy hình ảnh những con cá tra được trong lồng bẩn, thức ăn dành cho cá tra không phải thức ăn công nghiệp mà là những con cá chết và cả rác thực phẩm khác.
Nội dung này tiếp tục được truyền đi những ngày sau đó.
Theo ông Hòe, nội dung của phim phóng sự đó không chính xác, không những làm xấu đi hình ảnh nuôi cá tra ở Việt Nam mà còn làm cho giá thị trường xuất khẩu loại cá này suy giảm rõ rệt.
Cũng theo ông Hoè, phía Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã gửi thư đến đài truyền hình Cuatro để khẳng định thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật.
Báo Vietnamnews trích dẫn lời bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một trong những doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cá tra Việt Nam cho biết vài năm gần đây, sản phẩm cá tra ngày càng phổ biến trên thế giới và được đón nhận ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, hình ảnh cá tra của Việt Nam vẫn chưa được đón nhận tốt ở nhiều quốc gia, chủ yếu là về an toàn thực phẩm và kỹ thuật nuôi.
*************
Điều tra đường dây rửa tiền của người Việt ở Sydney (BBC, 23/01/2017)
Cảnh lục soát ở một quán cà phê liên quan vụ điều tra
Cảnh sát bang New South Wales của Úc nói họ truy tố một phụ nữ quốc tịch Việt Nam với cáo buộc chỉ huy đường dây rửa tiền.
Người phụ nữ 40 tuổi bị hải quan Úc chặn tại sân bay quốc tế Sydney sáng ngày 19/1.
Bà bị bắt giữ sau đó và bị truy tố với cáo buộc dẫn dắt hoạt động của một nhóm tội phạm.
Cảnh sát Úc cáo buộc người này dẫn dắt các hoạt động ở Việt Nam và chỉ đạo nhóm ở Sydney nhận tiền mặt, đồng thời chỉ dẫn các cách thức rửa tiền.
Căn nhà của người phụ nữ ở khu Bossley Park, Sydney, và một quán cà phê đã bị lục soát.
Dự kiến người này sẽ ra tòa ngày 6/2.
Thám tử Stuart Sweeney được báo chí dẫn lời nói cuộc điều tra bộc lộ tính chất xuyên quốc gia của các đường dây tội phạm ở bang New South Wales.
Vụ bắt giữ thuộc một phần cuộc điều tra chung của cảnh sát New South Wales và Ủy ban Tình báo Tội phạm Úc (ACIC), nhắm vào các băng nhóm rửa tiền ở Sydney.