Tháng Hai năm 1956, ba năm sau khi Stalin mất, tham luận của Bí thư Nikita Khrushchev trong ngày cuối cùng Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thứ 20 là một quả bom bất ngờ, làm sững sờ những đảng viên và một quốc gia cộng sản. Trong bản tham luận mật có tựa "Tệ sùng bái cá nhân và những hệ lụy của nó", Khrushchev nêu đích danh Stalin cùng tệ sùng bái cá nhân, biến lãnh đạo thành những nhân vật siêu phàm và siêu nhiên như thần thánh là điều không chấp nhận được.
"Tệ sùng bái cá nhân và những hệ lụy của nó", Khrushchev nêu đích danh Stalin cùng tệ sùng bái cá nhân, biến lãnh đạo thành những nhân vật siêu phàm và siêu nhiên như thần thánh là điều không chấp nhận được.
Khác với sự ngưỡng mộ, yêu thích giới ca sĩ, thể thao hay những nhân vật đặc biệt, các doanh gia thành đạt, khái niệm và cụm từ "sùng bái cá nhân" (cult of personality) nghiêng về hiện tượng sùng bái lãnh tụ trong ý nghĩa chính trị được nhắc lại nhiều hơn trong xã hội hiện đại từ sau tham luận này của Khrushchev, cho dù nó đã từng hiện hữu trước kia.
Bịnh sùng bái lãnh tụ phổ biến trong các quốc gia độc tài và cộng sản khi một chiến dịch tuyên truyền và báo chí nằm trong tay nhà cầm quyền để tô vẽ, thần thánh hóa các nhân vật được tôn thờ. Nó xa lạ với các quốc gia phương Tây và càng xa lạ hơn ngay tại Mỹ, khi các lãnh tụ và chính khách chẳng được người dân mấy gì ưu ái và truyền thông không phải công cụ để chính phủ sử dụng cho mục đích tuyên truyền. Nơi công cộng không hề có ảnh lãnh tụ, ngoại trừ những bảng quảng cáo chính trị.
Mặt khác, với nhiệm kỳ có thời hạn cùng bản hiến pháp giới hạn vai trò và quyền lực của một tổng thống Hoa Kỳ, người dân Mỹ chưa bao giờ xem tổng thống là vị cứu tinh trọn đời của nước Mỹ. Bởi được đánh giá là tài ba hay thất bại, các nhiệm kỳ và chính sách tổng thống cũng mang tính giai đoạn, có thể hoàn toàn bị đảo ngược ở đời kế nhiệm như những gì người ta đã thấy.
Hiện tượng sùng bái và cuồng mê Donald Trump ra đời cũng qua những điều kể trên.
Kể từ khi Donald Trump nắm quyền trong bốn năm qua thì điều này đã hoàn toàn thay đổi trong văn hóa Mỹ. Nó không phải là một chọn lựa cá nhân ngẫu nhiên mà có ảnh hưởng từ tính chất và chiến lược nguy hiểm của sự tôn vinh sùng bái cá nhân. Các nghiên cứu về tệ nạn này đã chỉ ra rằng khi một cá nhân hay thể chế sử dụng kỹ thuật cùng phương tiện truyền thông đại chúng, các chiến dịch tuyên truyền, sự dối trá, tinh thần yêu nước... để tạo ra hình ảnh lý tưởng, anh hùng, thần tượng hóa lãnh tụ thì có thể tạo ra sự sùng bái số đông.
Hiện tượng sùng bái và cuồng mê Donald Trump ra đời cũng qua những điều kể trên. Nhưng điều này dường như là sự trùng hợp vì nó đánh đúng vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ cùng tinh thần thượng đẳng và bài ngoại của một nhóm Mỹ trắng đang cảm thấy mất mát quyền lực trước xã hội Hoa Kỳ ngày càng đa chủng tộc và đa văn hóa, hơn là nhờ vào chính con người của Trump.
Cho dù Donald Trump đánh đồng lòng trung thành và sự ủng hộ mình là sự trung thành và yêu nước, điều tương tự ở các thể chế độc tài và được người cuồng Trump tin theo nhưng Trump là một hình tượng thô nhám, chưa được gọt rửa trong văn minh và văn hóa Mỹ. Khả năng và tính cách dung tục, gian manh và ích kỷ không che đậy lại thu hút được đông đảo người ủng hộ bởi nó cho họ có được một đồng minh, lãnh tụ đúng như con người và suy nghĩ của họ.
Phải ghi nhận đây là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử và văn hóa Mỹ, bởi như đã nói trên, người Mỹ chưa từng bị những cuộc tẩy não cưỡng ép hay tự nguyện để sùng bái cá nhân quá độ như tại các quốc gia cộng sản. Tuy nhiên những lý do nhóm Mỹ trắng ủng hộ là điều dễ hiểu và được từng được phân tích nhiều, chỉ có sự ủng hộ Trump trong cộng đồng Việt từ trong nước ra đến hải ngoại là điều khó giải thích hơn. Bởi người Việt tại Mỹ cũng là người di dân, là đối tượng bị kỳ thị và chưa bao giờ thuộc về nhóm da trắng thượng đẳng, ngoại trừ mang cùng chủ nghĩa vị kỷ và sự hung hăng giống họ. Còn với người Việt trong nước, chính Trump cũng có thể không biết đến hay không quan tâm tuồng lên đồng "ăn mày chính trị" này vì nó hoàn toàn vô giá trị.
Trên thực tế, nhiều người gốc Việt tại Mỹ mê Trump sống quần tụ trong cộng đồng và bị trở ngại ngôn ngữ, xa lạ với văn hóa Mỹ thì có lẽ phần lớn chỉ loáng thoáng nghe tên hay biết sơ sài về Donald Trump trước kia. Nhiều người tự thú nhận chưa từng thực hiện bổn phận công dân của mình. Nhưng bốn năm qua, trong khi quả có một số người Việt nhẹ dạ, vô tình bị dẫn dắt bởi những nguồn tin bịa đặt, còn thì lắm kẻ bỗng nhiên trở nên cuồng tín, "bảo hoàng hơn vua", không thua kém những kẻ quá khích trong cộng đồng bản xứ. Họ giành chính nghĩa và tinh thần yêu nước về mình. Nhưng có phải vậy ?
Khi phủ nhận một nước Mỹ với nhiều đời tổng thống tiền nhiệm, khi phủ nhận hiến pháp và cơ cấu pháp luật, nền tảng dân chủ, phủ nhận các hệ thống cùng sự vận hành công quyền của nước Mỹ thì rốt cuộc lại, họ chỉ tôn sùng và cuồng mê mỗi Donald Trump, cho dù ngụy biện bằng bất cứ lý do gì đưa ra. Hay không quá lời là họ đã phản bội lại chính nước Mỹ, nơi đã từng cưu mang và giúp gia đình họ tạo dựng sự ổn định hay thành công trên xứ người trong vài chục năm qua. Đến hôm nay, không ít người cuồng Trump gốc Việt vẫn còn bám víu thuyết QAnon không tưởng, khi tin Donald Trump sẽ trở thành tổng thống vào ngày 4 tháng Ba tới.
Đại hội chính trị những người bảo thủ CPAC tại Florida vào cuối tuần này vốn quy tụ những nhân vật bảo thủ quan trọng của đảng Cộng hòa trước kia, thì lần này được xem là nơi tập trung những kẻ trung thành với Donald Trump. Họ tìm kiếm cách đưa Trump hay gia đình ông ta quay lại chính trường Hoa Kỳ để làm một cuộc thanh trừng, trả thù trong tương lai. Cơ hội và tính khả thi là câu chuyện khác nhưng nó cho thấy việc sùng bái Trump vẫn còn mạnh mẽ, không dễ dàng biến mất.
Phong trào bài Lenin, Stalin không phải dễ dàng, nó kéo dài qua nhiều thập niên tại Liên Xô hay nước Nga sau này. Hiện tượng Donald Trump chắc chắn sẽ còn là một đề tài phân tích sâu hơn cho những nhà lịch sử và xã hội học trong tương lai. Và nó càng cần thiết hơn với người Việt Nam nói riêng bởi đây là một điều đáng xấu hổ và cản trở bước tiến thế hệ tiếp nối trong lịch sử cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ.
Nhã Duy
(27/02/2021)
Sự kiện đáng chú ý trong thời gian gần đây là cái chết đầy tranh cãi, mờ ám của vị thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An, người được cộng đồng ca ngợi là "tử tế nhất bộ", "hiền tài, tinh hoa cuả dân tộc",...Lời khen không chỉ đến từ những người bình thường, mà còn đến từ vị giáo sư từng đoạt giải “Nobel toán học”, giáo sư Ngô Bảo Châu. Tang lễ của vị thứ trưởng thu hút hàng ngàn người tham dự, trong đó có cả người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Các bài viết về sự kiện này trên BBC: "Hàng ngàn người tham dự tang lễ Lê Hải An", "Cộng đồng mạng yêu cầu điều tra cái chết của thứ trưởng bộ giáo dục" luôn đứng có số người đọc đứng đầu danh sách. Vậy chúng ta lý giải hiện tượng này như thế nào?
"Cộng đồng mạng yêu cầu điều tra cái chết của thứ trưởng bộ giáo dục" luôn đứng có số người đọc đứng đầu danh sách. Vậy chúng ta lý giải hiện tượng này như thế nào?
Chúng ta dù đang quằn quại trong kiếp nô lệ, hàng ngày đối diện với hàng trăm thứ bất bình, oan ức, thiệt thòi, nhưng vẫn không nhận ra được nguyên nhân cốt lõi của thảm kịch. Đó một phần là do não trạng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tà giáo Khổng Mạnh, và phiên bản cải tiến của nó mang tên chủ nghĩa cộng sản. Nó khiến chúng ta rơi vào ma trận sùng bái lãnh tụ, tung hô chúc vụ.
Tôi dám quả quyết rằng trước đây rất ít người biết đến vị thứ trưởng Lê Hải An, nhưng khi cái chết của ông ta diễn ra đột ngột, kèm theo đó là sự mờ ám trong kết quả điều tra của cơ quan chức năng và một rừng thuyết âm mưu được dựng lên để ly kỳ hóa câu chuyện, khiến cho dư luận được cơ hội tranh luận sôi nổi, hào hứng. Hàng loạt “công đức” của vị thứ trưởng này được khai quật và tung hô như một vị thánh tử đạo, làm chúng ta quên mất một điều bất di bất dịch trong nội bộ đảng cộng sản: mọi quyết định kỷ luật, chống tiêu cực đều chỉ là lớp vải nhung bọc kín con dao mang tên đấu đá, hạ bệ, thanh trừng phe nhóm.
Chúng ta cũng nên cảnh giác một điều: chức vụ trong bộ máy cộng sản càng cao, thì thành tích "tội lỗi" càng chót vót, hiếm có vị quan chức nào còn giữ được sự lương thiện khi lên đến hàng ngũ thứ trưởng. Nếu chúng ta gắn mác "tinh hoa của dân tộc" cho vị này thì e rằng Lê Hải An bị oan ức, vì ông ta đã nguyện phục vụ cho chế độ cộng sản một cách tâm huyết, dù chế độ cộng sản đã bị khinh bỉ và lên án như một tội ác chống nhân loại. Nếu cho rằng Lê Hải An đúng thì ông ta phải là "tinh hoa của nhân loại" chứ không chỉ là của Việt Nam, còn nếu không phải như vậy, thì ông ta đơn giản chỉ như những đảng viên cộng sản "cúi đầu tiến thân" khác.
Mỗi ngày chúng ta có hàng trăm cái chết vì ung thư, tai nạn giao thông, trong trại tạm giam hay trong nhà tù cộng sản...nhưng chưa bao giờ cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ như cái chết của vị quan chức Lê Hải An. Điều khác biệt duy nhất có lẽ vì ông ta là một quan chức cộng sản? Nếu chỉ thế thì quả thật chúng ta mang nặng não trạng xem thường mạng sống của quần chúng, dân đen...
Một dẫn chứng sống động trong thời gian gần đây là hàng trăm cái chết, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa trong cuộc chiến biên giới Syria do Thổ Nhì Kỳ gây ra, nhưng người Việt vẫn bàng quan, không mảy may thương xót, ngược lại còn ca tụng một trong những thủ phạm gián tiếp gây ra cuộc chiến, Donald Trump, một cách hứng chí, phấn khích. Chúng ta không trân trọng mạng sống của con người, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam, thì chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Đó không phải là luật nhân quả, mà là chúng ta đang tự tay “sát hại” chính bản thân mình. Chừng nào chúng ta còn xem cái chết của bất kỳ người nào, không phân biệt người Việt hay người nước ngoài, dân đen hay quan chức...như là "chuyện thường ở huyện" thì chúng ta vẫn chưa xứng đáng có được sự trân quí, đảm bảo về tính mạng.
Chúng ta cũng chưa làm tốt công tác thuyết phục, trấn an, cảm hóa người cộng sản. Có lẽ những sai lầm, tội ác của nhà cầm quyền Việt Nam gây ra quá lớn, quá đau đớn, nên chúng ta đã loại trừ họ ra khỏi tương lai mơ ước của dân tộc. Nhưng đó chắc chắn là một việc làm không chỉ bất khả thi, mà còn là một sai lầm phải trả giá đắt. Người cộng sản chỉ là hiện thân nổi trội của một thứ văn hoá bệnh hoạn đã gây tai ương cho dân tộc suốt chiều dài lịch sử, chúng ta cũng đóng góp tích cực trong việc duy trì cái vòng kim cô này. Người cộng sản, suy cho cùng cũng chỉ là một người “anh em” ngỗ nghịch, lầm lỗi, lạc đường, nên chúng ta cần hòa giải để thật sự có một mái nhà yên. Để thực hiện được ước mơ này, chúng ta cần kiên trì và chứng minh cho quan chức cộng sản tin vào chân lý:
"Mọi đảng viên cộng sản và viên chức nhà nước hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị, trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở và gian trá. Họ sẽ có niềm tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi người, kể cả chính họ". (Trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).
Khi người cộng sản xác tín vào con đường trở về với dân tộc không thù hận, bạo lực, chắc chắn chúng ta sẽ nhanh chóng thành công với cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước đầu tiên trong lịch sử. Và mọi người sẽ không phải bận tâm, ngộ nhận vì những "cái chết sùng bái lãnh tụ, tung hô chức vụ".
Việt Nghĩa (25/10/2019)
Trước và sau ngày Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội trao thêm chức Chủ tịch nước Việt Nam trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 23/10/2018, một làn sóng sùng bái lãnh tụ đã lan tràn trên báo đài nhà nước, nhưng không phải của dân, do dân và vì dân mà từ cửa miệng những công thần của chế độ.
Ông Trọng được 476 trên tổng số 477, hay 99,79% Đại biểu Quốc hội tín nhiệm, nhưng ông vẫn bị 1 phiếu chống, hay bằng 0,29% tổng số đại biểu có mặt. Vì là cuộc bỏ phiếu bấm nút kín nên danh tính người không thuận sẽ bí mật cho đến khi chính người này công khai.
Đây là một việc bất thường vì vào ngày 03/10/2018, ông Trọng đã được Ban Chấp hành trung ương đảng họp kỳ 8 đồng ý 100% suy cử ông vào ghế Chủ tịch nước, thay ông Trần Đại Quang đã từ trần ngày 21/09/2018.
Ban chấp hành trung ương đảng, khóa XII gồm 178 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Trong diễn văn nhận chức, ông Trọng kêu gọi các cấp "phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao", đồng thời hứa "sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ".
Ông Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo khi tỏ ra khiêm tốn trước ống kính truyền hình trực tiếp :
"Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình".
Vì sao ?
Ông Trọng giải thích vì 3 lý do :
"Một là tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay ; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được ; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Hai là hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ba là trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp ; điều đó cũng không có gì lạ".
Quả đúng như ông dự đoán. Nhiệm kỳ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước sẽ kết thúc cùng năm 2021, khoảng tháng Giêng, theo nhiệm kỳ 5 năm kể từ năm 2016. Như vậy là ông chỉ còn 2 năm rưỡi nữa thôi, ngoại trừ ông lại theo gương lãnh đạo Tập Cận Bình của nước láng giềng "vừa là đồng chí vừa là anh em" Trung Quốc, người đã đạo diễn thành công Quốc hội bỏ phiếu hồi tháng 03/2018 không hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước để họ Tập có thể ngồi lại cho đến khi chết hay không muốn tiếp tục nữa.
Nhưng nếu ông Trọng muốn ngồi lại ở tuổi 77 vào năm 2021 thì ông cũng phải vận động để thay Điều lệ đảng, vì đảng không cho phép ông được giữ chức Tổng bí thư quá 2 nhiệm kỳ. Vì vậy việc ông dấn thân gánh thêm chức Chủ tịch nước cũng là do ông quyết định cả. Nhân dân không được ai cho phép can dự vào việc tầy đình này. Có chăng là do Bộ Chính trị gồm 17 người, do ông đứng đầu, đã ngồi lại trao đổi với nhau rồi đưa ra Hội nghị Trung ương 8 biểu quyết cho có thêm sức mạnh đồng thuận gọi hoa mỹ là theo "ý đảng".
Kế đến là bước "hợp lòng dân" cho vẻ dân chủ thì có Quốc hội, cũng là của đảng, bỏ phiếu đề cử cho đúng quy định của Hiến pháp.
Mọi chuyện giản dị chỉ có thế, vì Việt Nam chỉ có một Đảng cộng sản duy nhất cầm quyền nên các màn trình diễn cho dù có ngoạn mục cách mấy thì cũng chỉ một mình một chợ, hay tự biên tự diễn mà thôi.
Nhưng nếu nói việc ông Trọng đắc cử Chủ tịch nước là "hợp lòng dân", hay là "lựa chọn của lịch sử" thì có chủ quan quá trớn không ?
Bởi lẽ lấy thước nào hay bằng chứng nào mà dám nói là "hợp lòng dân", hay lịch sử nào đã chọn ông Trọng ngồi vào chiếc ghế của ông Hồ Chí Minh từ năm 1951 đến 1969 ?
Lòng dân ở đâu ?
Trước hết, nhân dân không hề được hỏi ý kiến, dù trực tiếp hay gián tiếp bằng bất cứ phương pháp nào trong việc ông Nguyễn Phú Trọng giữ luôn chức Chủ tịch nước.
Nhưng báo đài nhà nước lại cứ thi đua viết, nói sa sả ngày đêm rằng :
"Việc đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội nhất trí bầu giữ chức Chủ tịch nước là thể hiện đáp ứng nguyện vọng, lòng tin của toàn Đảng, toàn dân ta" (CAND, 24/10/2018).
Còn ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban tổ chức trung ương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Đảng thì đã hoan hỷ nói với VietTimes :
"Tôi không ngạc nhiên, bởi đó là "ý Đảng, lòng Dân"…
Còn ý Đảng ? Ngày 22/10/2018 Trung ương, với 100% ủy viên Trung ương, đại diện cho toàn Đảng, thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu vào vị trí Chủ tịch nước. Có thể nói Trung ương chưa bao giờ thống nhất cao như thế.
Còn lòng dân thì chúng ta thấy rồi : uy tín của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngày càng cao trong nhân dân. Nhân dân tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư. Công cuộc phòng chống tham nhũng còn hết sức cam go, nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả to lớn làm cho người dân ngày càng tin vào Đảng".
Báo Dân Trí cũng phù họa theo rằng :
"Hai nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm sức cho cuộc chiến chống nạn tham nhũng. Đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước trong thời điểm lịch sử, Tổng bí thư quyết tâm tạo chuyển biến mới, quyết liệt hơn trên mặt trận này" (Dân Trí, 23/10/018).
Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh Quảng Bình nhanh nhẩu nói với báo Đảng cộng sản Việt Nam :
"Thời gian qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc Quốc hội bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước là vấn đề mà cử tri và các đại biểu rất quan tâm và mong mỏi".
Đến phiên Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Ông Đinh Trường Sơn còn hồ hởi hơn khi cho rằng :
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao về uy tín, sự trong sạch, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân". (Nhân Dân, 23/10/018)
Tạp chí Xây dựng Đảng, thì viết trong số đề ngày 7/10/2018 :
"Việc Ban chấp hành trung ương Đảng đề cử Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là quyết định được đồng thuận cao trong Đảng và xã hội. Vì sao vậy ?
Bởi đây là sự thể hiện cụ thể việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tổng bí thư thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu Ban chấp hành trung ương Đảng, đồng thời thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu Nhà nước. Tổng bí thư là người lãnh đạo quá trình đề ra các nghị quyết của Đảng và đồng thời trực tiếp lãnh đạo quá trình tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết đó. Từ khâu ban hành đến tổ chức thực hiện do một người đảm nhận sẽ nhanh hơn, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết với tổ chức thực hiện, nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả trong quản lý đất nước, phục vụ nhân dân của Nhà nước".
Như thế thì có phải đã tập trung quyền lực vào một người không, dù ông Trọng không muốn coi ông là người "kiêm nhiệm", hay là "nhất thể hóa" như nhiều chuyên gia Hiến pháp đã gọi quyêt định của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đến phiên ông Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cũng muốn lấy điểm trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 24/10/2018, khi nói rằng :
"Tôi cũng như những cán bộ lão thành khác và nhân dân luôn tin tưởng tuyệt đối ở đồng chí. Chúng tôi tin tưởng đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo nên nhiều kỳ tích mới, đưa đất nước bước vào những trang sử sáng ngời trong kỷ nguyên mới".
Nhưng ai đã cho phép ông Thước dám cả gan vơ đũa cả nằm như thế ? Ông có nên nói thêm cho thiên hạ biết đã có bao nhiêu "cán bộ lão thành" và "nhân dân" đã đồng ý cho ông nói thay họ, hay ông đã nổi hứng muốn được bổng lộc gì chăng ?
Lịch sử nào ? Ai viết ?
Bên cạnh những chữ nghĩa đã bị các công thần đảng và nhà nước tự ý nhét vào mồm dân, tác giả Ngô Đức Hành của báo Pháp Luật online, trong bài viết ngày 22/10/2018 đã gán ghép lịch sử vào trường hợp ông Trọng :
"Việc Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với mỗi người Việt Nam. Từ ngày năm 11/02/1951 đến ngày 19/02/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất năm 1969. Sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị trung ương 8 khóa XII vừa diễn ra đầu tháng 10/2018. Đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai. Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn".
Nhưng có thật người ký tên Ngô Đức Hành không phải là nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Cộng sản, hay có chuyện copy bài của nhau trong vụ này ?
Bởi vì, ngày 07/10/2018, báo điện tử Zing.vn đã phổ biến bài phỏng vấn ông Nhị Lê do hai phóng viên Nguyễn Hưng và Ngọc Tân thực hiện, trong đó có những đoạn y chang như trong bài của Ngô Đức Hành.
Zing viết :
"Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ với Zing.vn về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành trung ương thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.
Theo ông, việc Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với chúng ta, trong lịch sử đã thấy rồi. Từ ngày 11 đến 19/2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất…".
– Theo ông, tại sao vấn đề Tổng bí thư làm Chủ tịch nước đã được đặt ra từ lâu nhưng bây giờ mới thực hiện ?
– Mới đây, ngày 3/10, sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Tôi gọi đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử, sau suýt soát nửa thế kỷ. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành Trung ương giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai.
Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn".
Dù ai đạo văn của ai chăng nữa thì cũng toàn là ngôn ngữ thuộc loại phấn khởi và hồ hởi của thời đại kim tiền ở Việt Nam ngày nay. Việc diễn lại màn kịch một người làm hai việc là chuyện có gì đặc biệt đâu mà phải tô son vẽ phấn cho tốn phí tiền dân ?
Vô số báo đài ở Việt Nam đã ca tụng công lao chống tham nhũng của ông Trọng, nhưng hãy đọc những lời ai oán của Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội- thượng tướng Nguyễn Văn Được đã bày tỏ bức xúc tại phiên thảo luận tổ (tại Quốc hội) sáng 24/10/2018 :
"Nhiều cán bộ cấp bậc thấp hơn tôi mà nhà cửa, rồi biệt thự bề thế. Tiền đâu ra mà lắm thế ?" (Tuổi Trẻ online, 24/10/2018).
Báo Tuổi Trẻ online viết tiếp :
"Tướng Được cho rằng thời gian qua nhiều vụ việc lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ dính líu đến tiêu cực được xử lý nghiêm minh nhưng ông có cảm giác như vẫn chưa "sờ trúng gáy" những đối tượng tham nhũng tầm cỡ.
Rồi việc quản lý cán bộ hiện nay lỏng lẻo, chưa nói đến cán bộ từ tỉnh trở lên mà ngay cả cán bộ xã, cấp phòng cũng xảy ra nhiều trường hợp tham nhũng hàng chục tỉ đồng…Vừa qua chúng ta đã "sờ" nhiều rồi nhưng có vẻ như cái gáy chính của tham nhũng, những đối tượng lấy của dân nhiều thì lại chưa bị sờ trúng. Tôi nói thật có nhiều thằng nó cấp bậc thấp hơn tôi nhiều bậc, nhưng nhà cửa nó thì to bề thế. Tiền lấy đâu ra mà lắm thế ? Nó ăn, xơi của dân rất nhiều".
Như vậy thì cái lò chống tham nhũng của ông tân Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã đủ sức nóng để đốt củi khô chưa, vội chi mơ đến củi tươi như ông từng khoe với dân ?
Nhưng trước mắt, ai cũng muốn chờ xem một người có nhiều quyền lực như ông có thể cứu ngư dân Việt Nam khỏi các cuộc đàn áp, tấn công và đâm chìm tầu dã man của bọn thảo khấu Trung Quốc ở Biển Đông hay không ? Hay ông cũng chỉ là con hổ giấy trước nanh vuốt của Tập Cận Bình, và sẽ chẳng đòi được tấc biển nào ở Hoàng Sa và một phần Trương Sa như từ bấy lâu nay ?
Người ta chỉ sợ rằng, khi được tâng bốc lên tận mây xanh và nghe nịnh hót đầy tai như đã diễn ra trong thời gian qua thì ông sẽ "ngủ quên trên vòng nguyệt quế", như ông đã cảnh giác trong diễn văn nhận chức chiều ngày 23/10/2018.
Phạm Trần
(25/10/2018)