Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

hientuong1

Không thuyết pháp, không rao giảng, không nói đạo lý, nhưng chỉ bằng cách lặng lẽ sống đời đức hạnh, hành giả đã làm hiện nguyên hình những hư dối trong một xã hội rộng lớn.

1

Bên dưới các bài viết thể hiện lòng tôn trọng của tôi đối với một vị tu sĩ, có một số bình luận nhận định về người tu hành, như "Không lao động đóng góp cho xã hội, cả đời cũng chưa từng làm việc gì tốt... Đạo đức xã hội bị lệch lạc cũng từ đây mà ra", hay "Lao động tạo ra của cải để giúp người khác thì tốt hơn là lối khổ hạnh vô ích", v.v. Vậy rốt cuộc tu hành có ích gì cho cá nhân và xã hội ?

Câu trả lời có lẽ không khó nếu xem xét những khía cạnh lớn nhỏ khác nhau, nhưng để nói một cách căn bản thì lại không dễ. Trong bộ phim Ấn Độ "Cuộc đời Đức Phật", Phật nói với các học trò của mình rằng: "Con đường của ta không phải đưa các ông trốn tránh cuộc đời này. [Mà bởi vì] Ta tin rằng con người có thể thay đổi khi tiếp xúc với việc thiện hoặc việc ác của người khác. Niềm hy vọng [về việc đưa đến sự thay đổi] này dành cho những tâm hồn cao thượng".

Nghĩa là gì ? Bởi tin rằng đức hạnh của một cá nhân sẽ ảnh hưởng một cách to lớn tới người khác, cho nên thay đổi xã hội hay cải hóa đạo đức của dân chúng có một cách rất căn bản : Là xã hội ấy cần phải có những bậc mô phạm làm mẫu mực cho mọi người khởi lòng hướng thiện, hướng thượng và tự tu sửa bản thân họ. Đó là con đường của giáo hóa. Và vì thế, những người đi tu phải là những "tâm hồn cao thượng", mang lý tưởng lớn lao phụng sự xã hội, không những tự mình mang đến hạnh phúc cho bản thân mà còn phải gánh vác trách nhiệm "chấn hưng văn hóa" bằng chính cái đời sống đầy phẩm hạnh của mình. Đó cũng chính là lý do tại sao khi gặp hình ảnh một bậc tu hành chân chính thì rất nhiều người lập tức bị cảm hóa, không ai xui khiến nhưng họ luôn muốn quỳ xuống đảnh lễ.

Con người vốn có sẵn tính thiện trong mình, nhưng vì những lý do nào đó, nó bị ô nhiễm và che mờ, và một trong những cách mau chóng nhất, hiệu quả nhất để thắp sáng trở lại thiện căn ấy chính là tấm gương đức hạnh chói sáng của một con người.

Người ta sẽ bảo, nhưng đó là "niềm tin lạc hậu" ở 2.600 năm trước. Không, rất gần chúng ta thôi, nhà bác học "vĩ đại nhất thế kỷ XX" A. Einstein đã viết trong tác phẩm "Thế giới như tôi thấy" : "Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng. Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không ?". Phát biểu này đồng với những lời Đức Phật đã nói ở trên.

Tôi không phủ nhận ý nghĩa của tiền bạc, khoa học, công nghệ..., nhưng tôi cũng cho rằng không gì có thể thay thế được sức mạnh của phẩm hạnh cá nhân. Khốn nỗi là ở chỗ, "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động". Nó không nằm ở chỗ nói suông, càng không nằm ở những nơi ba hoa khoác lác. Đức hạnh chỉ được định nghĩa trên "hành" chứ không phải "ngôn", mà ngôn thì dễ, chứ hành thì khó lắm, trong muôn vàn, chưa hẳn đã có một.

Sống như nói, đó mới là đạo đức chân thật. Và chỉ khi đó nó mới có sức mạnh. Miệng hô "buông bỏ" nhưng tay vơ vét, sống xa hoa, tham lam tiền bạc, quyền lực, thì đó chỉ là đạo đức giả.

Tôi không phải là một người theo "chủ nghĩa đạo đức" – hiểu như là một lối cai trị xã hội bằng thuyết giáo đạo đức, nhưng tôi tin rằng phẩm hạnh viên mãn của một con người sẽ luôn là nguồn ánh sáng dữ dội rọi vào tâm hồn một cộng đồng, khiến họ xúc động, bừng tỉnh. Tiếc thay, kẻ nói đạo lý thì nhiều vô kể, nhưng người sống đức hạnh thì ngày càng hiếm hoi. Trong mọi sự phá sản thì phá sản về đạo đức mới là mất mát lớn nhất.

2

Câu hỏi này [đi tu để làm gì ?] cần tiếp tục được trả lời ở một cự ly gần hơn. Người ta thấy, hiện nay nhà sư hay chùa chiền làm đủ thứ chuyện, như nuôi trẻ con, nuôi người già, làm từ thiện, bốc thuốc, v.v. Những chuyện này đều tốt cả, nhưng hỏi rằng đó có phải là mục đích rốt ráo của tu hành hay không ? Không. Nuôi dưỡng người cô quả thì giống các cô nhi viện hay trại tế bần, làm từ thiện thì từ cá nhân đến các tập đoàn lớn đều có, chữa bệnh thì bệnh viện hay nơi này nơi khác cũng làm. Ăn chay thì chả cứ phải tu, nhiều người Âu Mỹ bây giờ cũng ăn chay vì lý do sức khỏe ; phóng sinh thì các tổ chức bảo vệ động vật trên khắp thế giới còn làm tốt hơn nhiều.

Vậy đi tu là để sống cho tốt và thanh thản tâm hồn ? Cái này ở nhà cũng làm được. Vả lại ở đâu mà chả phải lo sống cho tử tế ; còn thanh thản thì do cái suy nghĩ của mình. Đấy là nói vậy, chứ người không làm việc xấu ác thì tâm hồn tự thanh thản, đâu cần phải cạo tóc đi tu. Còn suốt ngày "hiến kế" để lùa tiền cúng dường của bá tánh thì có cạo đầu ở chùa tâm vẫn bất an.

Phật nói "Nước trong bốn biển chỉ có một vị, là vị mặn ; pháp của ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát". Mục đích tối cao của Phật giáo là giải thoát. Giải thoát khỏi cái gì ? Cái khổ.

Phật giáo nhìn nhận bản chất của đời sống là khổ đau. Nghèo hay giàu, khỏe hay bệnh, nam hay nữ, sang hay hèn, trẻ hay già... tất cả đều khổ. Và cái khổ cuối cùng là chết. Chết không phải là hết, chết là để bắt đầu một hành trình khổ mới. Đi tu là để thoát khỏi tất cả những nỗi khổ này, mà mấu chốt là ở chỗ đoạn dứt sinh tử luân hồi.

Tất cả những việc đã kể trên chỉ là trợ duyên, là phụ họa, muốn đạt được mục đích thì phải Giới - Định - Tuệ. Không giới thì chẳng thể định, không định thì tuệ mờ tối, tuệ đã mờ tối thì không cách chi chứng được thật tướng của tồn tại. Vì thế, dù có từ thiện, phóng sanh, ăn chay... vạn kiếp cũng chỉ là kẻ sống trong ảo ảnh do cái thức điên đảo của mình dựng lên, và cứ thế trôi lăn mà không cách gì tự nhận biết được.

Đọc lịch sử từ thời Đức Phật còn tại thế, chúng ta thấy ông cùng học trò không hề làm tất cả những việc kể trên, cùng lắm là "tùy duyên", tiện tay thì làm, xong là thôi và liền trở lại con đường của giới - định - tuệ. Các nước theo truyền thống nguyên thủy bây giờ cũng vậy, chùa chiền không phải là nơi để đến ngắm cảnh, du lịch hay trại tế bần. Người tu sĩ có một công việc lớn lao phải làm, đó là dồn toàn bộ cuộc đời và sinh mạng mình vào con đường khai mở trí tuệ để đạt đến giải thoát. Và vì thế, nhiều người đã trở thành mô phạm cho thế gian về đức hạnh và sức mạnh tinh thần.

Đi tu là để thoát khổ, vì thế, tất nhiên nếu anh không thấy khổ thì chẳng việc gì phải đi tu, cứ ở đời mà sống cho sướng. Oái oăm ở chỗ không phải ai cũng biết thế nào là sướng là khổ thật sự. Để thấy Khổ (và Không, Vô thường, Vô ngã) lại cần phải có trí tuệ.

Phần này không phải phản đối việc làm từ thiện, làm được thì tốt thôi, tôi chỉ nói cái cốt lõi của tu hành dưới nhãn quan Phật giáo để không lẫn lộn nó với các tổ chức từ thiện. Đấy là chưa kể những thứ méo mó như mượn hình tướng Phật giáo và việc từ thiện để gom tiền thiên hạ.

3

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Không thuyết pháp, không rao giảng, không nói đạo lý, nhưng chỉ bằng cách lặng lẽ sống đời đức hạnh, hành giả đã làm hiện nguyên hình những hư dối trong một xã hội rộng lớn. Và tạo một nguồn cảm hứng đẹp đẽ cho sự hướng thiện của con người trong xã hội ấy.

Đạo đức có một sức mạnh lớn lao như thế đó, nó mau chóng giúp người ta nhận ra thật giả, tốt xấu, khiến lòng người xúc động, biết hướng thiện và hướng thượng trong âm thầm mà mãnh liệt. Đó là sức mạnh kỳ diệu của những nhân cách lớn mà không tiền bạc nào làm tốt hơn và làm được một cách đơn giản đến thế.

Thái Hạo

Nguồn : Trí thức nông dân, 14/05/2024

Published in Diễn đàn

Sư Minh Tuệ, một người 6 năm qua lặng lẽ thực hành lối tu khổ hạnh (Hạnh đầu đà) --ngày ăn một bữa, áo mặc là những mảnh vải rách vá lại với nhau, đêm ngủ ngồi ở gốc cây, nghĩa địa, ngày đi lang thang từ nơi này sang nơi khác khất thực mà ăn, không nhận vật dụng, không nhận tiền cúng dường-- bỗng nhiên vì có người quay phim, chụp hình đưa lên mạng xã hội mà thành "hiện tượng", thành ra "nổi tiếng" bất đắc dĩ. Điều đáng nói là "cơn sốt" của xã hội Việt Nam về sư Minh Tuệ cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

minhtue1

"Hiện tượng" sư Minh Tuệ đã vô tình bộc lộ rất nhiều vấn đề trong tâm lý con người, hiện trạng xã hội cũng như hiện tình Phật giáo Việt Nam.

Đã có rất nhiều ý kiến, bài viết khác nhau về sư Minh Tuệ trong suốt thời gian qua, với đủ mọi lời khen chê, mọi cung bậc sắc thái cảm xúc, nhưng có một điều rõ ràng là "hiện tượng" sư Minh Tuệ đã vô tình bộc lộ rất nhiều vấn đề trong tâm lý con người, hiện trạng xã hội cũng như hiện tình Phật giáo Việt Nam.

Chuyện bình thường ở nhiều nước khác, lại trở thành bất thường ở Việt Nam

Chuyện các nhà sư tu khổ hạnh lặng lẽ đi khất thực từ nơi này sang nơi khác không phải là chuyện lạ ở một số quốc gia có tỷ lệ người theo đạo Phật đông đảo, thậm chí ngay ở miền Nam Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, dân chúng cũng đã từng bắt gặp hình ảnh các nhà sư đi khất thực như vậy.

Nhưng như nhiều người cũng đã phân tích, tại sao bây giờ chuyện sư Minh Tuệ lại thành một hiện tượng? Thứ nhất, vì lâu nay hầu như hiếm có ai tu như vậy. Thứ hai, người dân được dịp so sánh với các ông "sư quốc doanh" trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Thích Chân Quang, Thích Nhật Từ, Thích Trúc Thái Minh… và rất nhiều ông sư khác. Các chức sắc Phật giáo này ở trong những ngôi chùa được xây nguy nga đẹp đẽ bằng tiền cúng dường, hưởng thụ một cuộc sống đầy đủ, thậm chí đi xe hơi, xài điện thoại, đồng hồ đắt tiền, mặt mũi béo tốt, từ hành vi cử chỉ, lời nói cho đến lối sống còn đầy đủ sự tham lam sân si trần tục… Chẳng hạn như Thích Nhật Từ đi kiện một ông cụ già 90 tuổi chỉ vì một câu nói "ngu như bò", Thích Trúc Thái Minh lừa phật tử qua việc trưng bày cái gọi là "xá lợi tóc" ở chùa Ba Vàng, hoặc kêu gọi cúng sao giải hạn, hay Thích Chân Quang với những lời giảng xàm xí về kiếp trước, về nhân quả, khuyên phật tử phải cúng dường càng nhiều càng tốt, đe dọa không cúng thì sẽ không được phước báu…

Sư Minh Tuệ xuất hiện cho chúng ta thấy điều gì trong tâm lý đám đông, hiện trạng xã hội, hiện tình Phật giáo Việt Nam ?

Việc người dân kéo đàn kéo lũ đi theo sư Minh Tuệ, quay phim, chụp ảnh, sắp hàng đảnh lễ, quét rác, rải hoa trên đường đón sư Minh Tuệ và các huynh đệ đi qua, một mặt cho thấy người dân khao khát có những bậc chân tu, khao khát được nhìn thấy Phật giáo trở lại con đường giản di đúng với bản chất tự ngàn xưa ; nhưng mặt khác việc nhiều người tôn sùng, quỳ lạy, khóc lóc, đọc thơ, sờ vào người, đòi đổi nồi cơm điện, giành nhau cái bìa carton sư lót chai nước, xâm phạm sự riêng tư --sư Minh Tuệ đi vào nhà vệ sinh cũng chĩa máy quay… cho thấy sự mê muội, thói mê tín, quan niệm lệch lạc, hiểu sai về đạo Phật của một số người. Cũng giống như việc đi chùa nhét tiền vào tay tượng Phật, cúng bái để cầu mong làm ăn phát tài mua may bán đắt, nhiều người dường như có quan niệm cúng dường chỉ để xin phước báu? Bên cạnh đó là sự trục lợi của một số người làm YouTube, Tiktok.

Dư luận cũng nói nhiều đến thái độ ghen tị, sân si của một số nhà sư quốc doanh, một số "đệ tử" của các vị này hay những "nhà báo" bênh vực cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ những bài viết, tấn công trực diện vào sư Minh Tuệ đăng trên trang Phật Giáo Đời Sống, như bài "Nghĩ gì về tăng đoàn của Minh Tuệ" của tác giả Lý Diện Bích chẳng hạn, vu khống, chụp mũ sư Minh Tuệ, lời văn bộc lộ rõ sư ganh ghét, tức tối về việc tu tập của sư Minh Tuệ (cả 3 bài viết này hiện đã lẳng lặng bị gỡ bỏ) ; rồi những cái sai trong văn bản của Hội đồng trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hạ thấp thầy Minh Tuệ, tuyên bố sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ/nhà tu, đưa tên tuổi, nhân thân của sư Minh Tuệ ra ; hay việc sư sư Thích Chân Quang làm video mắng thầy Thích Minh Tuệ là thằng, là ba trợn…

Giữa những người mang tiếng là tu hành mà không hề bớt sân hận đó thì một nhà sư có những lời giảng sâu sắc, chân thành, đúng đắn về hiện tượng sư Minh Tuệ là Hòa thượng Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo ở Bà Rịa - Vũng Tàu, lại bị tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương của Hòa thượng khiển trách, bắt phạt quỳ sám hối, khiến vị Hòa thượng này phải xin rút lui khỏi mọi nhiệm vụ của giáo hội, "xin khép mình trong im lặng".

Điều tích cực là sự lên tiếng của rất nhiều facebooker, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, nhân sĩ trí thức, phật tử trên mạng xã hội đã có những tác dụng : Những bài viết tấn công sư Minh Tuệ bị buộc phải gỡ bỏ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải "mời" nhà sư Thích Chân Quang lên làm việc về những phát ngôn của mỉnh, và ngày 20/5 vừa qua trện báo điện tử của tỉnh Hải Dương đã có một bài viết rất đàng hoàng : "Sự thật phơi bày qua hiện tượng Thích Minh Tuệ".

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người chất vấn : đi tu như vậy thì làm lợi gì cho xã hội ? Ai cũng đi tu thì ai lao động, làm ra lúa gao, dệt vải, giữ gìn trật tự an ninh con đường sư đi. Đây gọi là lo bò trắng răng. Xã hội mỗi người một việc. Xã hội Việt Nam 100 triệu dân, có mấy người đi tu khổ hạnh được như thầy Minh Tuệ ? Nếu lên tiếng sao không lên tiếng về những nhà sư, chùa cao cửa rộng giảng bậy bạ làm mê muội dân chúng, hay hiện tượng du lịch tâm linh, kinh doanh chùa… nhằm móc túi người dân và làm cho Phật giáo càng băng hoại thêm.

Giữa tất cả những sự ồn ào, bất nháo cho thấy sự mê muội, thiếu ý thức của nhiều người do phải sống quá lâu trong một xã hội độc tài, lệch chuẩn, một điều an ủi khác nữa như đã nói là đám đông vẫn luôn khao khát điều tốt đẹp, khao khát những con người tử tế. Khi một người tử tế, một trí thức đúng nghĩa, một vị chân tu xuất hiện người ta nhân ra ngay. Khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ qua đời, nhiều người trong đó có những trí thức miền Bắc lần đầu mới nghe đến tên Ngài, mới tìm đọc những gì Ngài viết rồi ngưỡng mộ, chia sẻ, lan tỏa…

Những người như Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát, hòa thượng Thích Quảng Độ và bao nhiêu bậc chân tu, thiền sư, học giả ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 với trí tuệ cao vời, đã miệt mài làm công việc giảng dạy, viết sách, dịch kinh… đóng góp vào văn hóa, giáo dục ; cũng như đã làm gương cho đám đông qua chính bản thân các vị với một đời sống giản dị, đại bi đại trí đại dũng của mình.

Trong khi đó sư Minh Tuệ là người thực hành con đường tu tập của đức Phật thời xa xưa, không thuyết giảng, nhưng hình ảnh buông xả, từ bỏ tất cả của sư Minh Tuệ sẽ có những tác động. Khi nhìn thấy một người có thể từ bỏ, buông bỏ tất cả như vậy người ta sẽ tự đặt câu hỏi tại sao chúng ta không có thể buông bỏ một chút xíu gì đó trong tâm tính, trong ham muốn, cắt giảm bớt các nhu cầu, bớt phàn nàn sân si ghen tị v.v… để cuộc sống nhẹ nhàng hơn ?

Tuy nhiên, cái gỉ thái quá thì cũng có hại. Kể cả sự khen ngợi, ngưỡng mộ, sùng bái khi quá mức sẽ không chỉ làm phiền đến việc tu tập, sự bình an của sư Minh Tuệ và những người đi cùng, mà sẽ tạo cớ cho nhà cầm quyền ra tay.

Lại có những người cho rằng sự xuất hiện của sư Minh Tuệ thời gian qua tuy làm hại cho Phật giáo Việt Nam là lột mặt nạ những kẻ giả tu và phơi bày sự suy thoái, biến tướng của Phật giáo Việt Nam, nhưng lại vô hình trung làm lợi cho nhà nước cộng sản. Giữa lúc "thượng tầng chính trị" của đảng cộng sản đang bị khủng hoảng trầm trọng với những cuộc thay người, "đảo chính mềm" diễn ra liên tục, thì việc dân chúng chú ý đến sư Minh Tuệ, bàn bạc suốt ngày về sư Minh Tuệ cũng làm giảm bớt sự chú ý vào nội tình bất ổn này ? Nhưng chỉ cần sau khi bàn cờ ngã ngũ, mọi cái ghế đã được chia xong mà mối quan tâm cũng như ảnh hưởng của sư Minh Tuệ vẫn không giảm đi, thì nhà cầm quyền có thể sẽ ra tay "dẹp sạch" bằng bất cứ lý do vớ vẩn gì đó. Trong một chế độ độc tài mọi thứ từ hữu hình đến vô hình đều phải nằm "trong hệ thống", đều phải chịu sự kiểm soát của đảng, bất cứ cái gì khác đi, dù là một cách tu khác, cũng không được phép.

Chế độ độc tài toàn trị khiến mọi thứ đều lệch lạc, lệch chuẩn

Nhìn vào xã hội Việt Nam hiên tại dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo, chúng ta có thể nhận thấy một sự sai lạc, lệch hướng, lệch chuẩn trong mọi lĩnh vực, xuất phát từ sự sai lầm của mô hình thể chế chính trị và hướng đi của đất nước. Đó là sự lệch chuẩn từ những giá trị trong cuộc sống, tiêu chuẩn đánh giá con người, lối sống--chạy theo vật chất, chạy theo những cái bề ngoài… cho tới văn hóa, đạo đức, tôn giáo… Bởi vì tất cả đều bị chính trị hóa. Phật giáo Việt Nam thì vừa bị chính trị hóa, vừa bị thương mại hóa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lâu nay đã trở thành một tổ chức "thần quyền", dựa vào nhà cầm quyền, ứng xử độc tài chẳng khác gì chính nhà nước này khi tự cho mình cái quyền xác nhận ai không phải là tu sĩ/nhà sư, ai tu khác đi thì không được công nhận, ai lên tiếng nói điều phải thì bị phạt, bị quỳ sám hối, ai tu tại gia thì bị triệt cho vào tù... ; còn những "ma tăng" suốt ngày rao giảng nhảm nhí, bậy bạ, hù dọa người dân để họ phải cúng dường cho mình có tiền sống phủ phê, có tiền hàng tỷ trong tài khoản, có sổ đỏ đất đai v.v… thì lại không hề gì.

Và hiện tình đó của Phật giáo Việt Nam sẽ không thể thay đổi khi nào còn chế độ độc tài, còn chưa có tự do tôn giáo. Phải có tự do tôn giáo thì các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng mới có thể phát triển lành mạnh, đúng hướng, mới có nhiều vị chân tu, trí thức, thiền sư xuất hiện tự do hoằng dương chánh pháp, in ấn sách vở, mở trường đại học, tổ chức những cuộc tranh luận sâu về triết học, về Phật giáo… Từ đó mới lại có thể có "thế hệ vàng" những nhà sư, thiền sư, trí thức có kiến thức uyên thâm, đạo hạnh cao vời như miền Nam trước đây và mới có thể nâng cao dân trí, giúp cho người dân có được sự hiểu biết đúng đắn về Phật giáo để không sa vào mê tín, dị đoan. Và những tổ chức tôn giáo độc lập, những nhóm tu tại gia như Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ, hay người tu khổ hạnh như sư Minh Tuệ có thể được tự do tu hành miễn không làm hại gì ai.

Song Chi

Nguồn : RFA, 30/05/2024

Published in Diễn đàn
vendredi, 17 mai 2024 22:16

Ai cho phép mày sống tử tế ?

"Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện ?". Đây là câu nói của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

ai1

Thị Nở - Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Theo như chúng ta được học, Nam Cao hay một số tác giả khác trong thời "phong kiến, thực dân" viết truyện tố cáo chế độ, để cho chúng ta thấy được bước đường cùng của người dân vào thời đó. (Bước đường cùng cũng là tên một tác phẩm của Nguyễn Công Hoan với nhân vật chính - Anh Pha).

Trước Cách Mạng Tháng 8, nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, nghèo đói có tính phổ quát trong toàn xã hội. Nghèo đói chủ yếu là do lạc hậu, không có khoa học kỹ thuật nên làm ra không đủ ăn. Do vậy, những gia cảnh như anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo là có thể có thực. Một nước Việt Nam nhỏ bé như vậy mà nhiều lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh. Điều đó cũng chứng tỏ chúng ta cũng phải có thực lực nào đó, xã hội phải có kỷ cương. Quan ra quan và dân ra dân. Những hiện tượng quan tham, hà hiếp nhân dân thì bất cứ ở xã hội nào cũng có. Vấn đề nó là mức độ. Nếu đó là một hiện tượng tràn lan thì xã hội đó không thể mạnh, không thể tự đứng vững chứ đừng nói đến đánh ngoại xâm.

thay2

Khổ một nỗi tôn giáo chính thống của ta là Đạo Phật cũng bị các quan dùng làm làm phương tiện để kiếm tiền nốt, nên nó lại còn xuống cấp hơn các lĩnh vực khác.

Qua một số tài liệu lịch sử, văn học, qua các lời kể của những người mà tôi đã trực tiếp gặp thì chế độ xã hội thời bấy giờ và trước nữa còn đỡ thối nát hơn chế độ bây giờ rất nhiều.

Thử hỏi có một xã hội nào mà tất cả các quan chức từ cấp cao nhất có thể bị bắt bất cứ lúc nào dưới bất cứ tội danh nào. Chức vụ càng cao thì càng phải bị bắt. Vấn đề chỉ là "ai sẽ vị bắt, bị bắt lúc nào, ai bắt ai ?

Đây rõ ràng đang là một thực tế, đang diễn ra hàng ngày trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ và được đăng đầy trên báo lề phải. Tại sao thì quý vị đều hiểu. Tôi khỏi phải dài dòng. Một khi các quan chỉ còn mỗi mục đích là kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp nhân phẩm, tính mạng của nhân dân thì xã hội đó không thể không xuống cấp và xuống cấp trên mọi lĩnh vực.

Khi mà xã hội mục ruỗng, người lương thiện tìm cách đến với tôn giáo. Khổ một nỗi tôn giáo chính thống của ta là Đạo Phật cũng bị các quan dùng làm làm phương tiện để kiếm tiền nốt, nên nó lại còn xuống cấp hơn các lĩnh vực khác. Đạo Phật, một thứ đạo với biết bao phẩm chất trở thành một tà đạo để bóc lột nhân dân, để tấn công người khác, để các "khầy" làm giầu, hưởng lạc… Tôi không cần nêu thí dụ cho dài bài viết.

thay3

Ở Việt Nam ta, bao nhiêu năm trôi qua, bọn tà đạo (Phật) ngang nhiên hoành hành, thậm chí còn được ca ngợi…

Ở một xã hội lành mạnh, nhà nước sẽ không bao giờ nương tay với các tà đạo khi bị phát hiện. Còn ở Việt Nam ta, bao nhiêu năm trôi qua, bọn tà đạo (Phật) ngang nhiên hoành hành, thậm chí còn được ca ngợi… Không thể có giải thích nào khác là chính chúng nó là quan hoặc bọn làm giầu cho quan.

Đang lúc chúng nó làm ăn phát đạt, thì tự nhiên lại xuất hiện ông sư Minh Tuệ. Ông không làm hại ai, ông tự tu đúng như một phật tử chân chính, ông chọn con đường tu khổ hạnh, hoàn toàn trái ngược với bọn "tu đểu" hưởng lạc, kiếm tiềm. Ông không tự quảng bá cho mình mà chính nhân dân phát hiện ra ông, nâng ông lên bậc thánh, điều mà ông không cần.

Không biết đây có phải là một siêu mưu của ông hay không để cứu đạo Phật ở nước ta bằng cách đối lập với những tay đầu trọc đểu. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, nhưng ông đã đạp bể nồi cơm của chúng và đương nhiên ông đã bị chúng tấn công bằng nhiều cách khác nhau, một cách hèn hạ và ngu xuẩn tiêu biểu qua một quyết định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do "khầy" Thích Thất Thiện ký, không công nhận Thầy Minh Tuệ là tu sĩ Phật giáo, không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam… (đỉnh cao của Tiếu Lâm).

thay4

Thầy Minh Tuệ chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều phản ứng khác của bọn ngụy Phật giáo, kể cả những biện pháp tàn bạo nhất.

Nhiều đồng lõa của các sư đểu cũng lên mạng xã hội chửi bới người dân ngưỡng mộ Thầy Minh Tuệ…
Hàng ngàn người (có nơi 5 ngàn) theo chân Thầy, thể hiện một hiện tượng xã hội trong đêm tối Tắt Đèn (Ngô Tất Tố) có lóe lên một ánh sao nên nhân dân mới hiếu kỳ. Nó cũng thể hiện sự khát khao mong mỏi của người dân muốn thấy được những người như Thầy Minh Tuệ trong xã hội. Đồng thời nó cũng thể hiện cả sự thay đổi về nhận thức của người dân trước "Chính" và "Tà". Chính-Tà nay đã được người dân nhận biết. Đó là một nguy cơ đối với những kẻ thống trị tà giáo. Nó cũng là một hiện tượng "tức nước vỡ bờ" của Tắt Đèn.

Thầy Minh Tuệ chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều phản ứng khác của bọn ngụy Phật giáo, kể cả những biện pháp tàn bạo nhất.

Điều này chứng tỏ câu nói : "Trong một xã hội khốn nạn, ai cho phép mày sống tử tế ?".

Hoàng Quốc Dũng

(17/05/2024)

*******************************

Hiểu một cách đơn giản về sư Minh Tuệ

Đặng Chương Ngạn, 14/05/2024

Ông đi tu, ông tu theo phương pháp hạnh đầu đà.

Hạnh đầu đà là phép tu khổ hạnh là một hình thức tu bắt cơ thể phải chịu đói khát đau đớn. Hình thức tu này có trước khi Phật giáo ra đời, chính thái tử Tất Đạt Đa trên con đường sáng lập đạo Phật đã từng tu khổ hạnh trong 6 năm đầu.

thay5

Ông đi tu, ông tu theo phương pháp hạnh đầu đà.

Thánh Tăng đệ nhất đầu đà trong giáo đoàn của Phật chính là Ma-ha-ca-diếp (còn gọi là Ca Diếp), ông là người đứng đầu Tăng-già sau khi Tất đạt đa Cồ đàm mất. Phật Thích Ca là người khai sinh và truyền bá đạo Phật, còn người kế thừa di sản của Phật để truyền lại cho đời sau chính là tôn giả Ca Diếp…

Có mười ba phương pháp hạnh đầu đà này đã được Đức Phật cho phép thực hành, gồm :

Hạnh y phấn tảo

Hạnh tam y

Hạnh khất thực

Hạnh khất thực từng nhà

Hạnh nhất tọa thực

Hạnh ăn bằng bát

Hạnh không nhận tàn thực, tức là không dùng thực phẩm dư thừa

Hạnh ở rừng

Hạnh ở gốc cây

Hạnh ở ngoài trời

Hạnh ở nghĩa trang

Hạnh ở chỗ nào cũng được

Hạnh ngồi (không nằm).

Sư Minh Tuệ đang thực hành theo 13 hạnh đầu đà này. Nên y phục của ông được may từ các mảnh vải nhặt được, ăn ngày một bữa, đi chân đất, ngủ ngồi, ngủ trong rừng, ngủ trong nghĩa trang, ngoài trời…

Ông đang đi trên con đường Đức Phật đã đi, Ca Diếp đã đi cách đây 2500 năm…

Chỉ khác, ngày xưa Đức Phật hạnh đầu đà hầu như không ai biết, Phật tu tập trong sự thịnh lặng, đơn độc một mình trên đường đi tìm sự giải thoát bản thân khỏi khổ đau của trần thế… Còn nay do truyền thông, do có nhiều youtuber, titoker, facebooker… nên sư Minh Tuệ đi đến đâu phật tử đều biết và vì vậy gây bão trên mạng xã hội…

Để giúp cho phép tu khổ hạnh của nhà sư, chúng ta không nên :

– Mang đến cho ông các tiện nghi : nệm, mái che mưa… ;

– Thức ăn ngon ;

– Quần áo lành, đẹp ;

– Không nên quét đường dọn sạch sỏi, đá… ông cần bước đi trên chân trần trên nền đất sỏi, đá…

Hãy giữ cho ông sự yên tĩnh…

Với phép tu hạnh đầu đà, sự bức hại, sỉ nhục, bạo lực, đánh, đập… sẽ giúp ông ấy mau đắc đạo.

Nếu có kẻ độc ác, ngu dại nào ra tay giết ông ấy lúc này, sẽ giúp ông ấy trở thành nhà sư tử vì đạo và hiển thánh.

Những điều ông nói, có thể sẽ được lan truyền, và sẽ hóa thành phần bổ sung cho kinh sách mới…

Đặng Chương Ngạn

Nguồn : facebook.com/dangchuongngan 14/05/2024)

Published in Quan điểm
Trang 2 đến 2