Giáo dục Việt Nam có thể phát triển nhờ lãnh đạo dự và phát biểu tại nhiều hội nghị quốc tế ?
RFA, 23/09/2022
Ngày 19/9/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục tại New York, Mỹ. Hội nghị do Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres chủ trì. Hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại Hoa Kỳ. Photo : baochinhphu.vn
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình bày tham luận với chủ đề "Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới : Học tập để chung sống bền vững". Bộ trưởng thông tin, trong hơn hai năm qua sự nghiệp giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến giáo dục nhờ ý chí, nỗ lực của học sinh, thầy cô và nhà trường.
Đây không phải lần đầu Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế về giáo dục. Từ năm 2012, Việt Nam đã cử Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Trần Quang Quý tham dự Hội nghị quốc tế về giáo dục với chủ đề "Thay đổi giáo dục để phù hợp với thế giới đang chuyển mình" diễn ra tại thủ đô London, Anh quốc.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, dù Việt Nam có tham gia bao nhiêu hội nghị quốc tế về giáo dục đi chăng nữa cũng không cải thiện được nền giáo dục nước nhà, nếu không thay đổi chính sách giáo dục hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từng có nhiều năm giảng dạy tại Việt Nam nêu quan điểm của ông với RFA sáng 22 tháng 9 :
"Chuyện tham dự hội nghị giáo dục ở nước ngoài hay tại Việt Nam có ảnh hưởng rất ít, thậm chí không nghĩa lý gì đến chính sách giáo dục, triết lý giáo dục mà Việt Nam đã chấp nhận từ mấy chục năm nay.
Sau bốn mươi mấy năm hòa bình thì tình hình ngày càng trầm trọng chứ không thay đổi gì cả. Ông nào lên cũng muốn cải tổ. Gần nhất là ông Nguyễn Kim Sơn thì tôi thấy nói chuyện tương đối thật nhất. Nhưng khi nói tới cải tổ những việc cụ thể thì không có gì làm cho tôi thấy phấn khởi cả.
Những ông ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đi qua bên Mỹ để cập nhật chương trình giáo dục và cách tổ chức đại học của Mỹ để học hỏi, nhưng khi về tới Hà Nội thì đâu lại vào đó. Ổng lo bảo vệ cái ghế của ổng chứ đâu có dám đưa ra những ý kiến thay đổi gì. Thay đổi phải từ cấp cao Bộ Chính trị. Nhưng những người này lại thường thiển cận trong suy nghĩ nên không để ý đến sự thay đổi. Cho nên phần đông những người trong khuôn khổ của chế độ thì dậm chân tại chỗ.
Chỉ cần lấy chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, lấy những giáo trình đã áp dụng tại miền Nam từ năm 1954 đến 1975 để thực hiện là đã đi đúng hướng. Như thế là cải tổ rồi".
Nhà giáo Đinh Kim Phúc không tin có một cuộc cải cách giáo dục tại Việt Nam :
"Nói đến giáo dục Việt Nam trong hơn 40 năm qua, kể từ khi đất nước thống nhất thì phải thừa nhận một cách khách quan, là thế hệ trẻ hiện nay nhiều người rất giỏi vì được sinh ra và lớn lên trong điều kiện toàn cầu hóa. Nhưng xét trên tổng thể giáo dục Việt Nam thì vẫn lẹt đẹt. Nói theo cố Giáo sư Hoàng Tụy thì giáo dục Việt Nam không phải lạc hậu mà là lạc hướng. Mục tiêu đào tạo và chương trình đào tạo đã bị lạc hướng, xơ cứng dẫn đến sự thụt lùi của giáo dục Việt Nam.
Ở khu vực Đông Nam Á có tổ chức Hội đồng Bộ trưởng cũng có nhiều chương trình huấn luyện để nâng cao chất lượng giáo dục các nước. Nhưng Việt Nam vẫn không theo kịp.
Nếu Việt Nam muốn sánh vai với các nước Đông Nam Á thì phải xác định lại mục tiêu đào tạo. Nhưng muốn xác định lại mục tiêu đào tạo thì nó lại gắn liền với mục đích chính trị ; với kết quả của lý tưởng cộng sản xây dựng chủ nghĩa xã hội… Tất cả nó chi phối mục tiêu của giáo dục. Do đó theo tôi, rất khó để tiến hành một cuộc cải cách giáo dục, thậm chí không thể thực hiện một cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam".
Rất khó tiến hành một cuộc cải cách giáo dục, thậm chí không thể thực hiện một cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam
Triết lý giáo dục là điều được nhiều người nói đến nhằm cải tổ nền giáo dục Việt Nam. Triết lý giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa là Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng. Tại phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11 năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên triết lý giáo dục của Việt Nam là "triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế". Ông Đam kêu gọi đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến cho Luật Giáo dục sửa đổi.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng làm trong ngành giáo dục ở miền Bắc hơn 30 năm, đưa ra nguyên nhân vì sao Việt Nam lại không đưa ra triết lý giáo dục chính thức :
"Quốc hội hay ngành giáo dục không muốn một triết lý giáo dục nào ngoài những nguyên lý giáo dục cộng sản đề ra. Người ta ngại không bắt chước giáo dục chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không muốn giống thế giới và cũng không nghe một nhà khoa học nào mà cứ coi như nguyên lý giáo dục của Đảng, nghị quyết của Đảng là sáng suốt nhất, là chân lý rồi".
Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục tại New York vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam mong muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giảng dạy tiếng Anh ; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học lớn mở văn phòng đại diện tại Việt Nam ; khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ tăng cường hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.
Nói về giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng cho rằng phải làm sao để quyền lực học thuật phải là linh hồn quyền tự chủ của đại học. Đây là một phát biểu được cho là ‘đột phá’ của một vị bộ trưởng giáo dục từ trước đến nay.
Giảng viên Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông về phát biểu của ông Sơn :
"Theo tôi, khoa học kỹ thuật, Toán, Lý, Hóa…thì được. Nhưng các ngành khoa học xã hội thì có dám cho sinh viên và giảng viên được tự do học thuật hay không ?
Chúng tôi có được bàn tất cả các vấn đề bằng các nguồn tham khảo trên thế giới để lý giải một vấn đề của lịch sử, của văn học, của khoa học-xã hội của đất nước hay không ? Rõ ràng là không được !
Như vậy, muốn học thuật là linh hồn của các trường, muốn có tự do sáng tạo thì con người phải thực sự được giải phóng về mặt tư tưởng. Phải được tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do tư duy để tự mình tiếp cận đến chân lý nhằm khắc phục những yếu kém để vươn lên với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chỉ có một chuyện rất nhỏ là học sinh lớp Một mới sáu tuổi mà phải có 23 cuốn sách giáo khoa. Đó là nền giáo dục gì tôi không định nghĩa nổi !"
Tự do học thuật không chỉ là một quyền cơ bản cần được ghi nhận và bảo vệ bằng hiến pháp, mà còn là điều kiện cần thiết trong cải cách giáo dục. Tự do học thuật tạo ra những con người tự do, chính là mục tiêu của một nền giáo dục khai phóng.
Nguồn : RFA, 23/09/2022
**************************
Số phận mỏ sắt Thạch Khê vẫn còn treo !
RFA, 23/09/2022
Hội thảo "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh : Tiếp tục hay dừng khai thác" vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo khoa học này được Hội Kinh tế môi trường Việt Nam tổ chức vào ngày 23/9/2022 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, chủ đầu tư, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và đại diện chính phủ.
Khu vực Dự án Mỏ sắt Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh. Courtesy PanNature
Ngay sau khi tham dự buổi Hội thảo ngày 23/9, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, trao đổi với RFA vào tối cùng ngày :
"Hội thảo hôm nay có nhiều báo cáo phát biểu khác nhau từ các bên liên quan, các nhà khoa học, các nhà quản lý Đây là một hội thảo mà tôi cho rằng rất là hay, ý kiến đa dạng, dẫn liệu nhiều. Buổi hội thảo làm việc tương đối khẩn trương, tuy nhiên chưa kết thúc và chưa có câu trả lời cho nhà nước rằng nên tiếp tục cho khai thác hay đóng cửa mỏ sắt. Thật ra vấn đề mỏ sắt Thạch Khê quá ư là phức tạp, vì vậy cho đến nay chưa ai có thể dám đưa một lời khẳng định nên tiếp tục hay đóng cửa mỏ".
Tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), là một trong các cổ đông của dự án Mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh cho biết, hiện chủ đầu tư dự án là TKV đã chi gần 2.000 tỷ đồng cho dự án này, nếu dừng đầu tư thì số tiền đã đầu tư ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù ?
Theo ông Mạnh, đến nay dự án đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của cấp thẩm quyền ; đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản nên không có cơ sở pháp lý để dừng dự án.
Trong khi một số nhà khoa học và đại diện tỉnh Hà Tĩnh nêu các vấn đề quan ngại như : Công nghệ, kỹ thuật khai thác ; phương thức vận chuyển quặng ; thị trường tiêu thụ ; năng lực tài chính ; hiệu quả kinh tế, rủi ro về xã hội ; an toàn trong khai thác, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống dân sinh…
Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam - Giáo sư Tiến sĩ Đặng Trung Thuận nói với RFA quan điểm của ông về việc này :
"Quan niệm của tôi từ trước đến giờ không thay đổi, có nghĩa là muốn tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay dừng hẳn thì tùy thuộc vào điều kiện khai thác. Vì khai thác có thể gặp rất nhiều rủi ro, nếu những rủi ro đấy mà xảy ra trong thực tế thì tác hại rất lớn, không chỉ trong phạm vi mỏ mà có thể cả một vùng rộng lớn ven biển của tỉnh Hà Tĩnh, kể cả ngoài biển cũng như là trên đất liền".
Vì vậy, theo Giáo sư Tiến sĩ Đặng Trung Thuận, cần phải xem xét thật kỹ để tìm ra những giải pháp có thể tránh né các rủi ro. Ông Thuận nêu ví dụ :
"Ví dụ rủi ro về các hang động ngầm Caster, bởi vì mỏ này nằm trong kết cấu địa chất là nơi tiếp xúc giữa một loại đá granite Magma và một đá cacbonat thì bao giờ nó cũng có những hang hốc Caster ngầm, mà đã là hang hốc Caster thì bao giờ cũng tích nước. Khi khai thác động vào những hang hốc Caster như thế thì có thể xảy ra một sự cố gọi là bục nước, có thể gây ra chết người, hỏng thiết bị. Ở Quảng Ninh cũng đã từng có những mỏ bị bục nước, giống như mình chích một mũi kim vào là nước đổ ào ra làm chết thợ mỏ ở Quảng Ninh. Đó là điều quan ngại, nếu như không khoan thăm dò điều tra tính toán kỹ các hang hốc Caster, thì hiện tượng tích nước cục bộ trong các hang hốc Caster sẽ trở thành hiểm họa".
Hội thảo "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh : Tiếp tục hay dừng khai thác" diễn ra tại Hà Nội ngày 23/9/2022. Courtesy Bộ Công Thương.
Mỏ sắt Thạch Khê nằm cách thành phố Hà Tĩnh 18 km về hướng Đông Bắc, cách bờ biển 1,6 km và cách cảng Vũng Áng 66 km. Đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng nửa tỷ tấn và trữ lượng của mỏ sắt Thạch Khê chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt nam.
Dự án Mỏ sắt Thạch Khê vào năm 2017 đã bị dừng khai thác. Tuy nhiên, vào ngày 11/6/2022 Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam TKV đã có đề xuất với Chính phủ về việc tái khởi động dự án này.
Trước đó, vào ngày 17/6/2022, Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature đã có kiến nghị đóng cửa Mỏ sắt Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh. Bản Kiến nghị chỉ ra hàng loạt rủi ro của Mỏ sắt Thạch Khê như ổn định bờ mỏ, chống ngập, rủi ro gặp hang động ngầm, nguy cơ gây thảm họa môi trường do đổ thải ra biển, rủi ro thị trường tiêu thụ quặng sắt, nhiễm mặn vùng ven biển và nguy cơ hoang mạc hóa vùng cồn cát ven biển…
Giáo sư Tiến sĩ Đặng Trung Thuận giải thích thêm :
"Rủi ro là gì ? Đó là những tai họa, thẩm chí thảm họa mà chúng ta, tất cả các chuyên gia không thể nói trước được. Nó xảy ra ở dạng rất là bất ngờ không thể biết trước, không ai có thể nói chắc được. Khi nó xảy ra thì tác hại của nó rất lớn, có khi không phải là tai họa bình thường mà có thể là hiểm họa đối với con người và môi trường. Cho nên trường hợp của mỏ sắt Thạch Khê, một mỏ nằm rất gần bờ biển. một mỏ mà trong cấu tạo địa chất có đá vôi, khu vực đấy cũng là khu vực bờ biển của Hà Tĩnh hứng chịu rất nhiều thiên tai, các cơn bão lớn mà cường độ có thể lên đến cấp 10, cấp 11 và sóng biển có thể dâng cao bốn năm mét".
Theo Giáo sư Tiến sĩ Đặng Trung Thuận, việc đổ chất thải của mỏ sắt Thạch Khê trên bờ hay ra biển cũng sẽ gặp nhiều rủi ro an toàn môi trường. Cho nên ông Thuận cho rằng những rủi ro như thế cần được dự tính trước để tìm cách tránh né nhằm giảm tối thiểu thiệt hại, chứ không thể chống lại được những rủi ro đó.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến 2002, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này cho rằng :
"Mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt có nồng độ quặng cao và có hàm lượng lớn. Nhưng mà mỏ sắt lại nằm sát cạnh biển, vì vậy cho nên việc khai thác mỏ này sẽ đòi hỏi có những biện pháp ngăn chặn được biển xâm lấn. Khai thác trong điều kiện mỏ sắt ở vùng có nước biển là một vấn đề kỹ thuật, mà từ lâu Việt Nam có đưa ra để bàn cãi, thảo luận và cũng có đưa ra nhiều phương án".
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện nay các phương án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ thuyết phục. Vì vậy, ông Doanh cho rằng có lẽ phải tạm hoãn, để đến khi nào có một phương án đủ an toàn, thì lúc bây giờ lại có thể khai thác mỏ sắt có hàm lượng rất cao, rất tốt này.
Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Trung Thuận cho rằng, nếu loại bỏ những rủi ro và quyết định tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì sản lượng khai thác hàng năm rất lớn, trong khi tại Việt Nam chưa có chỗ nào chuẩn bị nhà máy để làm giàu quặng từ mỏ sắt này. Vì theo ông Thuận, những nhà máy có quy mô như Formosa thì từ đầu đã tuyên bố không sử dụng quặng của Mỏ sắt Thạch Khê, vì Formosa đã có những mỏ sắt của Brazil và Úc rất chất lượng và phù hợp dây chuyền của Formosa. Trong khi quặng Thạch Khê có nhiều kẽm, không phù hợp dây chuyền của Formosa. Còn Tập đoàn Hòa Phát trước kia có đề nghị tham gia Mỏ Thạch Khê, nhưng bây giờ lại quyết định không tham gia vì đã mua một mỏ sắt của Úc.
Nếu tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải chịu nhiều rủi ro, mà lại khó tiêu thụ, thì liệu có nên tiếp tục khai thác ?
Nguồn : RFA, 23/09/2022
***********************
Cảnh báo sụt lún mới và mức độ hiệu quả của biện pháp do chính phủ đề ra !
RFA, 21/09/5022
Thêm một báo cáo của các nhà khoa học cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các thành phố ở Đông Nam Á đang lún xuống so với mực nước biển nhanh nhất thế giới.
Ảnh minh họa : Miền nam Việt Nam có thể bị ngập trong nước biển vào năm 2050. Courtesy Climate Central
Báo cáo vừa nói là nghiên cứu phối hợp của Viện quan sát Trái Đất Singapore, Đại học New Mexico, Viện Kỹ thuật Zurich và Phóng thí nghiệm phản lực NASA thực hiện.
Theo The Straits Times, ảnh vệ tinh 48 thành phố ven biển toàn cầu giai đoạn 2014-2020 trong báo cáo cho thấy tốc độ sụt lún trung bình là 16,2 mm mỗi năm. Một số thành phố thậm chí lún xuống tới 43 mm mỗi năm. Trong khi đó, nước biển dâng với tốc độ 3,7 mm mỗi năm.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang lún xuống với tốc độ 16,2 mm mỗi năm, gấp khoảng 4 lần so với Jakarta của Indonesia ở mức 4,4 mm/năm.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, một nhà nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này cho biết :
"Các nghiên cứu này được thực hiện cho toàn cầu và ý nghĩa của nó nằm chủ yếu ở phần cảnh báo cho thế giới tình hình có thể xấu, tức là số triệu người sống ở những nơi thấp hơn mực nước biển sẽ rất nhiều hơn so với khi tính cao trình bằng phương pháp SRTM (Shuttle Radar Topography Mission) nếu thế giới không cùng nhau nhanh chóng cắt giảm phát thải".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thiện, muốn đánh giá tác động và tìm cách thích ứng tại từng quốc gia thì phải tính tới tình hình cụ thể và không nên hốt hoảng.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng sụt lún tại Việt Nam được các tổ chức quốc tế cảnh báo, vào ngày 29/10/2019 Tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Hoa Kỳ mang tên Climate Central đã công bố nghiên cứu mới được The New York Times đăng tải cho thấy, số người chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 so với các dự báo trước đó, đe dọa xóa sổ gần như toàn bộ một số thành phố ven biển lớn trên thế giới.
Theo báo cáo này, phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế quốc gia, cũng sẽ biến mất. Dự báo của Climate Central không tính đến phần đất bị mất do xói mòn bờ biển hay sự gia tăng dân số trong tương lai.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 21/9 cho biết :
"Bây giờ vấn đề sụt lún vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù có những chính sách hạn chế như không cho khai thác nước ngầm ở nhiều nơi và giãn mật độ xây dựng ở những khu vực đúng sục nhiều. Nhưng vấn đề là sụt lún vẫn tiếp tục xảy ra, không phải mình ra lệnh ngưng là lún nó ngưng lại, vì đây là quá trình lâu dài, ảnh hưởng lâu dài. Thành ra các nơi chỉ có thể tiếp tục theo dõi cảnh báo chứ không có cách nào khác".
Ông Tuấn cho biết thêm nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước :
"Có những đề tài nghiên cứu và sau đó kiến nghị chính phủ là một trong những giải pháp là giảm bớt khai thác nước ngầm, vì đó là nguyên nhân gây sụt lún nhiều nhất. Và sau đó là vấn đề thiếu hụt phù sa cũng là vấn đề nan giải không thể nào giải quyết được trong điều kiện bây giờ. Thứ hai là do tập trung xây dựng quá nhiều trên vùng đất yếu. Vừa rồi trong các quy hoạch cũng có những vấn đề này".
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, dù có giảm ngay tình trạng khai thác nước ngầm thì quá trình sụt lún vẫn tiếp tục, chứ không thể nào dừng lại được liền. Theo ông Tuấn, chỉ có cách là dời mật độ xây dựng đi ra những nơi xa thì sẽ giảm tác động.
Ảnh minh họa chụp tại tỉnh An Giang trước đây. AFP PHOTO.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2007 – Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định với RFA hôm 21/9 :
"Ở Việt Nam, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí xuống tới miền Tây, tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã thể hiện hiện tượng lún khá mạnh. Nguyên nhân do khai thác nước ngầm không đúng quy tắc, đồng thời chuyện xây dựng cũng gây ra lún. Tất cả là do nhà nước không quản lý một cách chặt chẽ, chính vì vậy tạo ra hiện tượng sụt lún khá mạnh. Riêng thành phố Hồ Chí Minh không được khảo sát kỹ mà đã bắt đầu quá trình xây dựng như đã diễn ra, nên chắc chắn chuyện sụt lún sẽ xảy ra, đó là chuyện đương nhiên".
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, thật sự là có giải pháp để hạn chế việc sụt lún, nhưng không dễ thực hiện tại Việt Nam :
"Chỉ có điều nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là theo sáng kiến người dân. Ví dụ khi họ thấy nuôi tôm có thể mang lại lợi ích, thì các hộ gia đình đua nhau tìm chỗ đào các kiểu vuông tôm để nuôi tôm và khi nuôi tôm thì khai thác nước ngầm cực kỳ lớn. Tương tự thì cũng có hộ đào ao nuôi cá, hoặc chuyển từ nông nghiệp sang nuôi trồng thuỷ sản, đúng là hiệu quả kinh tế cao, nhưng tác động môi trường cũng khá lớn. Nếu chưa xây dựng thì sụt lún không ai nhìn thấy, mặc dù đất bị sụt lún nhưng không thất nhiều. Trong quá trình đô thị hóa sẽ thấy tác động cực kỳ lớn sau này".
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún một cm mỗi năm, trong khi mực nước biển dâng là 3-5mm/năm. Trong đó, có một số địa phương tốc độ sụt lún trung bình lên tới 5,7cm/năm.
Liên quan vấn đề sụt lún tương tự xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hữu Thiện nói :
"Ở Đồng bằng sông Cửu Long, gần đây đã có nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan khá chi tiết, tái khẳng định lại cao trình của Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 0.82cm, điều mà chúng ta đã biết từ lâu. Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan dự báo đến cuối thế kỷ 2100 (80 năm nữa) với mức nước biển dâng trung bình 40cm thì 25% Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dưới mực nước biển. Cộng thêm tốc độ sụt lún trung bình hiện nay 1.1cm/năm nhiều diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dưới mực nước biển".
Giải pháp cấp bách hiện nay là gì và Chính phủ Việt Nam nên vào cuộc ra sao để đối phó với tình trạng trên ? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nêu ý kiến :
"Chính phủ có ra nghị định 167 phân làm năm vùng hạn chế khai thác, giao cho từng tỉnh để thực hiện. Nhưng khi triển khai ở từng tỉnh thì có lắm vấn đề, tôi thấy 167 là nỗ lực ban đầu tốt, nhưng chắc cần phải sửa đổi. Vì thứ nhất là dữ liệu không có để cho các tỉnh nghiên cứu chi tiết sụt lún liên quan nước ngầm tại địa phương, chỉ có cấp đồng bằng, không đủ để lên bản đồ. Chuyện thứ hai là giá nước ngầm rất rẻ so với giá nước mặt, vì giá nước mặt quá ô nhiễm nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên xử lý rất tốn kém. Nên xài nước ngầm tiện lợi hơn, nhưng có hai mặt, nếu địa phương nào siết không cho sử dụng nước ngầm thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi".
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, do nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long quá thâm canh, nên sử dụng nước ngầm quá nhiều. Một khó khăn nữa của nghị định 167 theo ông Thiện là các tầng nước ngầm sâu liên tỉnh chứ không ở riêng một tỉnh, nên phân theo từng tỉnh để hạn chế thì chưa thực sự hiệu quả. Do đó cần phải có quy hoạch tổng thể cho nước ngầm. Ông Thiện cho biết thêm những hạn chế của nghị định 167 :
"Chính phủ lập bản đồ nước ngầm theo chiều ngang, mà có tới bảy tầng nước ngầm nhưng không phân vùng theo chiều đứng. Như vậy sẽ có tầng nước ngầm vẫn bị lạm dụng như thường, thiếu liên kết vùng, thiếu điều phối vùng, thiếu cơ chế chế tài để xử phạt nếu vi phạm nghị định 167. Bộ thì giao xuống tỉnh công việc để làm theo 167, nhưng không cấp kinh phí, tỉnh thì thiếu năng lực, thiếu kinh phí nên rất khó khăn khi thực hiện 167".
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, việc sử dụng nước ngầm như vậy nếu không có cách hạn chế thì khu vực đồng bằng sẽ chìm nhanh hơn mực nước biển dâng. Điều này rất nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại của đồng bằng. Chính phủ cần cải thiện Nghị định 167, cải cách nông nghiệp, quay lại sử dụng nước sông ngòi như cách đây mấy chục năm. Đối với vùng ven biển thì cần có những biện pháp, công nghệ hiện đại như bốc hơi nước nano, lọc nước biển và xử dụng ao mương, phương pháp truyền thống để tích trữ nước cho mùa khô...
Nguồn : RFA, 21/09/2022
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục bị sụt lún, mà nguyên nhân chủ yếu là nạn khai thác nước ngầm quá mức, tiêu biểu là trường hợp của thành phố Cần Thơ, nơi mà tình trạng đường phố ngập nước ngày càng nặng nề.
Tình trạng sạt lở bờ sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp. Trong ảnh: Sạt lở ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ năm 2019
Sau nhiều thập niên xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, góp phần- nếu không nói là đóng vai trò nòng cốt - trong sản xuất nông nghiệp để Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì trên thế giới. Cũng trong khoảng thời gian này, Cần Thơ đã thực hiện được vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thương mại, sản xuất - chế biến, dịch vụ, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ.
thành phố Cần Thơ đã tổ chức hội thảo, nghiên cứu kế hoạch xây dựng để trở thành một đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long, với một trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, Cần Thơ là một đô thị của Đồng bằng sông Cửu Long, một trong 3 Châu thổ trên thế giới bị tác động trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu.
Như vậy, thử hỏi có thể nào xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long với những hình ảnh của hơn phân nửa diện tích thành phố bị ngập nước ? Đó chính là mối ưu tư rất lớn của tiến sĩ Huỳnh Long Vân, nhóm nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trong bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sydney ngày 27/04/2021.
RFI : Thưa tiến sĩ Huỳnh Long Vân, trước hết xin ông cho biết là tình trạng sụt lún của thành phố Cần Thơ nói riêng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung là do những nguyên nhân gì ?
Huỳnh Long Vân : Thành phố Cần Thơ bị ngập nước do hai nguyên nhân :
Sụt lún gây ra bởi khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát. Nền đất bị sụt lún, tương tác với thủy triều, nước lũ sông Mêkông, và hệ thống đê bao khép kín ở các vùng nông thôn phụ cận khiến thành phố Cần Thơ bị ngập úng.
Công trình thoát nước vốn đã kém chất lượng, lại xuống cấp, thiếu hoành chỉnh, được dùng để tháo rút nước thải lẫn nước mưa. Bên cạnh đó phát triển đô thị thiếu kiểm soát, cho phép xây nhà ở những vùng đất ngập nước, đô thị bị bê tông hóa làm giảm đi mức độ thấm rút nước mưa, do đó khi mực nước sông dâng lên bởi triều cường kết hợp với mưa lớn, thì đường phố bị ngập.
RFI : Như vậy, thưa ông, tình trạng sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu từ khi nào ?
Huỳnh Long Vân : Hơn 10 năm trước đây, người dân Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nguồn nước mặt (nước sông) và nước mưa là chính cho mọi sinh hoạt, nước ngầm chỉ dùng trong mùa khô. Nhưng hiện nay nước mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ô nhiễm trầm trọng, nên mỗi ngày khoảng 2 triệu mét khối (m3) nước ngầm, hay nhiều hơn, được bơm hút để dùng trong sinh hoạt, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, gây ra những hậu quả trầm trọng : sạt lở bờ biển, bờ sông và nhiều nơi ngập sâu với tần suất và cường độ ngày càng tăng.
Những kết quả nghiên cứu và khảo sát của Bộ Tài nguyên và môi trường cho thấy, trong khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu chỉ khoảng 3mm/năm, thì mức độ sụt lún của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây ra bởi khai thác nước ngầm là 10-13mm/năm và tốc độ sụt lún riêng của thành phố Cần Thơ trong khoảng thời gian 2005-2017 là 43,5mm/năm. Huyện Cờ Đỏ, hai khu công nghiệp Trà Nóc và Thốt Nốt là những địa điểm bơm hút nước ngầm nhiều nhất ở thành phố Cần Thơ.
RFI : Tình trạng sụt lún này gây ra những tác động gì đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đến đời sống của người dân Cần Thơ ?
Huỳnh Long Vân : Ngoài việc gây ra ngập nước, sụt lún còn ảnh hưởng đến các công trình xây cất, nhà ở của người dân và rất dễ được nhận ra, như nứt tường, cơ sở nghiêng ngả, đường phố phải tráng thêm nhiều lớp nhựa để nâng cao, khiến cho nhà cửa dọc theo hai bên đường thấp hơn mặt lộ và bị ngập nước lúc triều cường đạt đỉnh.
Theo những tính toán của Ngân Hàng Thế Giới, tình trạng ngập nước theo mùa của phân nửa thành phố Cần Thơ trong nhiều ngày, gây thiệt hại khoảng 11% (650 đôla/gia đình/năm) mức thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình. Nếu các hoạt động khai thác nước ngầm tiếp tục theo kịch bản kinh doanh như hiện nay, thì đến năm 2100, phần lớn thành phố Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mặt biển.
RFI : Các chính quyền địa phương cho đến nay đã thi hành những biện pháp nào để kiểm soát khai thác nước ngầm và hạn chế sụt lún như vậy ?
Huỳnh Long Vân : Trước những hậu quả nghiêm trọng của khai thác nước ngậm thiếu kiểm soát, chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018/ND-CP quy định việc khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 167, Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Cần Thơ đang thực hiện các kế hoạch kiểm soát và khoanh vùng để hạn chế khai thác nước ngầm.
Cụ thể, họ quy định khai thác nước ngầm từ 10m3-3.000m3/ngày phải được Ủy ban nhân dân thành phố cấp phép, trên 3.000m3/ngày, như ở khu công nghiệp Trà Nóc và Thốt Nốt, cần được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp phép (Phải chăng đây là một động thái nhằm chối bỏ một phần trách nhiệm của thành phố Cần Thơ trong việc kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm ?). Đồng thời, họ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố thu tiền cấp phép khai thác nước ngầm.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ chọn 4 nơi làm thí điểm chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt và bố trí các trạm quan trắc theo dõi diễn biến nguồn nước ngầm.
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ còn tăng cường hợp tác quốc tế, như tham gia dự án "Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", do nhóm nghiên cứu của Ðại sứ quán Hà Lan tài trợ và hợp tác với Ðại Học Cần Thơ thực hiện. Dự án bắt đầu từ tháng 1/2020 kéo dài 15 tháng và chọn Cần Thơ và Kiên Giang, Bến Tre và Sóc Trăng là 4 địa điểm nghiên cứu điển hình của dự án. Dựa trên các kinh nghiệm và bài học rút ra từ 4 địa phương này, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng các giải pháp quản lý và lộ trình cho quản lý khai thác nước ngầm và sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long và riêng cho thành phố Cần Thơ.
RFI : Nhưng theo ông, những giải pháp mà thành phố này đang thi hành liệu có thể mang lại hiệu quả mong muốn ? Liệu chúng ta có thể cấm tuyệt đối việc khai thác nước ngầm ở Cần Thơ để ngăn chận tình trạng sụt lún ?
Huỳnh Long Vân : Trong khi Đồng bằng sông Cửu Long chưa có được hệ thống cung cấp đầy đủ nhu cầu nước sạch, thì việc ngăn cấm tuyệt đối khai thác nước ngầm là điều không khả thi. Qua những kinh nghiệm và nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về những tác động tiêu cực của khai thác nước ngầm như P. Minderhoud, G. Erkens, L. Erban, thì giảm khai thác nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long 50% so với hiện nay cũng không chận đứng được, mà chỉ làm giảm mức độ sụt lún. Vì thế, chúng ta không nên quá lạc quan về những giải pháp mà thành phố Cần Thơ đang áp dụng và vội tin rằng sẽ quản trị được sụt lún và Cần Thơ sẽ không còn bị ngập nước.
Ngoài ra, cũng không nên quá trông đợi vào dự án nghiên cứu của nhóm Hà Lan như một chiếc đũa thần, mà phải đề ra một giải pháp căn cơ để ứng phó với những thách thức gây ra bởi khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát.
RFI : Theo ông thì trong khi chờ đợi có một hệ thống cung cấp đủ nước sạch toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền của thành phố Cần Thơ nói riêng và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải thi hành ngay những giải pháp nào để tình trạng sụt lún không tiếp diễn ?
Huỳnh Long Vân : Ngoài việc kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm, giới hữu trách ở Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long trước hết cần giải thích để thay đổi nhận thức của người sử dụng nước ngầm, theo hướng nước ngầm là "tài nguyên chiến lược", nên không thể sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất hằng ngày, mà cần phải tồn trữ để sử dụng trong những trường hợp hạn hán như năm 2016, hay hạn hán trong tương lai ở Đồng bằng sông Cửu Long gây ra bởi biến đổi khí hậu
Ngoài ra, cần cung cấp cho người sử dụng nước ngầm những thông tin về những tác hại khác gây ra bởi khai thác nước ngầm quá mức, ngoài sụt lún nền đất :
Bơm hút quá mức nước ngầm khiến cho nguốn nước ngầm bị nhiễm mặn, nền đất bị mặn lây, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước, chất dinh dưỡng và năng suất của cây trồng và gián tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân
Thói quen bơm hút nước, hết ở tầng nông (tầng trấm tích Holocene) rồi xuống đến tầng sâu (tầng trầm tích Pleistocene) về lâu về dài sẽ làm nguồn nước ngầm bị nhiễm Arsenic rò rỉ từ tầng nông. Nước ngầm nhiễm Arsenic có hại cho sức khỏe con người và vật nuôi.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi xây dựng được môt hệ thống cung cấp đầy đủ nước sạch cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chính quyền địa phương cần phải tiết kiệm nguồn nước, ví dụ như bằng cách xây dựng phương án dự trữ nước mưa (triển khai từ những kinh nghiệm của Bến Tre đào các ao mương trữ nước ngọt để dùng trong mùa khô).
Cần tiết kiệm nước trong tưới trồng (trồng rau cải, hoa màu trong nhà kính nơi độ ẩm được kiểm soát và duy trì ; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt v.v.).
Cần nghiên cứu kỹ thuật bổ cập nhân tạo nước ngầm, như trước đây ở Hoa Kỳ từng có 6 dự án : (Water Factory 21, Orange County, California ; Montebello Forebay, California ; Phoenix, Arizona ; El Paso, Texas ; Long Island, New York ; Orlando, Florida). Đặc biệt là dự án Dan của Do Thái, đã được sử dụng trong suốt 20 năm qua và không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm
Cũng cần nghiên cứu những kỹ thuật tái tạo nguồn nước đã được dùng qua để sau đó dùng tưới trồng cây kiểng, sân cỏ, trong công nghệ giặt ủi, vệ sinh hay trong những dịch vụ công nghệ không liên quan đến sức khỏe của con người (như CRC Technologies của Hoa Kỳ, những kỹ thuật hiện được dùng ở Australia và Nambia v.v.).
Chấm dứt hẳn tình trạng sụt lún ở Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể đạt được khi Đồng bằng sông Cửu Long có được hệ thống cung cấp đầy đủ nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Vì thế giới hữu trách trung ương và địa phương cần phối hợp tiến hành càng sớm càng tốt kế hoạch cấp nước sạch cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch này cần được xây dựng dựa vào nguồn nước mặt lấy từ sông Tiền và sông Hậu và chỉ cho phép sử dụng nước ngầm tại những vùng xa không có nguồn nước mặt. Đặc biệt, ở vùng ven biển nên ứng dụng công nghệ Nano và RO để xây dựng những nhà máy biến chế nước mặn thành nước ngọt.
Nếu vì lý do nào đó mà kế hoạch cung cấp nước sạch không thể thực hiện được, và để thành phố Cần Thơ và các đô thị khác ở Đồng bằng sông Cửu Long khỏi bị ngập nước theo mùa, thì có lẽ cần phải nghĩ đến giải pháp từ bỏ hẳn trồng lúa vụ 3, tháo gỡ các đê bao ở vùng nông thôn và ngược lại xây dựng các bờ kè, con đê, để bao bọc khép kín các khu dân cư đông đúc.
Kiểm soát-hạn chế khai thác nước ngầm, tiết kiệm lượng nước sử dụng và xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng là những việc làm và kế hoạch cần được triển khai khẩn trương và đồng bộ trong tiến trình thoạt tiên làm giảm dần sụt lún trước khi hoàn toàn chận đứng.
Là người dân sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, cá nhân tôi thành tâm mong mõi thành phố Cần Thơ được phát triển bền vững, sớm trở thành một đô thị văn minh, nơi đây một số sinh hoạt và dịch vụ thiết yếu cho đời sống con người không còn bị gián đoạn, giao thông không tắc nghẽn và người dân không phải bì bõm trong biển nước để lo cho miếng cơm manh áo trong những ngày mà phân nữa diện tích của thành phố bị ngập nước.