Trọng bệnh : Cuộc chạy đua máu lửa tăng tốc
Thường Sơn, VNTB, 17/04/2019
Có một thực tế mà nhiều người phải thừa nhận : dù đã vào hàng U80 nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn làm nên một sự kỳ lạ khi tập trung hầu hết những quyền bính quan trọng vào tay ông ta, đồng thời trở thành trung tâm của ‘đoàn kết trong đảng’.
Ai sẽ thay thế ‘cụ’ ? Cuộc chạy đua máu lửa bắt đầu…
Khác với nhiệm kỳ khóa 11 của Đảng cộng sản Việt Nam với nhiều màn đấu đá xung đột và thể chế ‘đa trung tâm quyền lực’, trong đó chỉ riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thời đó đã được xem là trung tâm quyền lực lớn nhất, khóa 12 tiếp diễn với thế Trọng cao vượt hẳn so với các đồng sự khác. Thậm chí cả cựu bộ trưởng công an Trần Đại Quang cũng phải ‘xếp càng’ trước Nguyễn Phú Trọng, dù Quang khi đó đã làm đến chức chủ tịch nước.
Nhưng cú đổ bệnh đột ngột của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ vào ngày 14/04/2019 - trùng với ngày sinh nhật của Trọng - có thể được xem là một bước ngoặt lớn về thế tương quan quyền lực trong chính trường Việt Nam. Rất có thể, thế độc tôn quyền lực của Trọng sẽ dần suy giảm.
Giờ đây, ai cũng nhìn thấy ‘sinh lão bệnh tử’ sẽ chẳng chừa ai, cho dù có là ‘hoàng đế’ chăng nữa. Bất cứ một chính trị gia nào một khi bị cơn đột quỵ quật ngã thì quyền lực sẽ tự nhiên biến mất. Thay vào đó là hình ảnh quyền lực bị phân ly, hoặc tản quyền, hoặc một cái tên mỹ miều nào đó nhưng thực chất phải là chia quyền cho những kẻ khác.
Khi đó, ai sẽ thay thế ‘cụ’ ?
Cuộc chạy đua máu lửa bắt đầu, cả bề nổi lẫn bề chìm…
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây xuất hiện những đồn đoán về ‘Huệ sửa số liệu’ hay vụ chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh mà bị xem là có liên quan đến phạm vi hoạt động của Phạm Minh Chính và vài ủy viên bộ chính trị khác. Trong khi đó, quan chức được xem là đàn em thân tín của Nguyễn Xuân Phúc là Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch Đà Nẵng và từng có thời được coi là bất khả xâm phạm dù bí thư Đà Nẵng khi đó là Nguyễn Xuân Anh phải rớt đài thảm thiết - cũng đang được đồn đoán là sẽ ‘vào lò’…
Nếu đến một lúc nào đó Nguyễn Phú Trọng không chỉ có ý định mà còn buộc phải tự nguyện nhường lại cái ghế tổng bí thư cho người khác, hai ứng cử viên hàng đầu đã hoặc được sắp sẵn, hoặc cố ngoi lên vị trí sắp sẵn đó : Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là hai tính cách khác nhau một trời một vực : trong khi Thủ tướng Phúc thậm chí còn được dân gian đặt cho biệt danh là ‘Phúc nổ’ với đủ thứ giai thoại về ‘đầu tàu kinh tế’ và ‘tăng trưởng GDP’ tại các địa phương mà ở đó ông ta lộ rõ chiến dịch vận động để vị thế của mình được ‘nâng lên một tầm cao mới’, Trần Quốc Vượng lại chỉ nói quá ít so với Phúc. Và trong khi Nguyễn Xuân Phúc được xem là ‘một thế lực đang lên’ với ‘mạnh vì gạo bạo vì tiền’, thì Trần Quốc Vượng lại ‘nghèo’ và kín đáo hơn nhiều, tuy không phải không có dư luận về ‘sân sau’ của nhân vật này.
Hoặc Vượng - một quan chức bên đảng không có nhiều điều kiện tiếp xúc và vận động ở các tỉnh thành như Phúc, đã tìm ra một chiến thuật khôn ngoan ẩn mình trong im lặng. Chính thái độ được xem là ‘khiêm tốn’ và ‘không đam mê quyền lực’ ấy của Trần Quốc Vượng có thể đã chiếm được tình cảm của Nguyễn Phú Trọng, để Vượng được chính thức vào ngôi ‘thái tử’.
Chưa kể những nhân vật khác nuôi tham vọng ngầm như Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tịch quốc hội, Tô Lâm - bộ trưởng công an…
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 17/04/2019
*******************
Nguyễn Phú Trọng đã tỉnh và ăn cháo
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 16/04/2019
Nghe tin ông Nguyễn Phú Trọng đột nhiên vào bệnh viện, các công dân mạng bàn tán xôn xao. Chắc hẳn ông bệnh nặng. Nếu chỉ cảm cúm xoàng thì ông có thể được chữa trị ngay tại Kiên Giang, đâu cần khiêng về Bệnh Viện Chợ Rẫy trên Sài Gòn ?
Hôm thứ Ba, 16 tháng Tư, thông tin mới nhất được đăng tải trên trang Thời Báo (thoibao.de) ở Đức cho biết Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được đưa về Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Hà Nội. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Hay là người chung quanh ông lo lắng, không tin ông có thể chữa bệnh an toàn ở một nơi coi là "đất địch ?" Những tin tức đầu tiên vụ ông nhập viện do một nguồn tin "phe địch" đưa ra chắc hẳn có "ý đồ !". Như vậy lại càng không nên để ông ở lại thêm một ngày. Không những phải lo an ninh mà còn lo bộ máy tuyên truyền của "phe địch" nhân cơ hội đục nước béo cò !
Trong thời gian ông nằm bệnh viện, các báo, đài của đảng cộng sản vẫn không dám loan tin về bệnh tình của người nắm quyền cao nhất đảng và chức vụ cao nhất nước. Dân Việt Nam vẫn tưởng ông chủ tịch nước đang ăn tôm bảy món, sau khi đi thăm nhà máy đóng gói tôm cùng ông bí thư tỉnh ủy.
Khi có tin ông Nguyễn Phú Trọng "đã tỉnh và ăn cháo" người ta lại càng hoang mang. Đã tỉnh tức là trước đó đã hôn mê ! Vì sao lại hôn mê ? Hôn mê mất bao lâu ? Nếu ông hôn mê quá 24 giờ thì trong thời gian đó ai nắm quyền quyết định thay ông, trong hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư đảng cộng sản ? Nếu có "gian thần" âm mưu lũng đoạn guồng máy đảng và nhà nước thì có ai biết hay không ?
Những người đọc sử nước Tàu phải nhớ đến những ngày cuối cùng của Tề Hoàn Công. Ông vua nước Tề vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên đã đóng vai bá chủ chư hầu 40 năm, đã được Khổng Tử khen là người có công bảo vệ văn hóa Trung Hoa qua chính sách "tôn vương nhương di", suy tôn nhà Chu và dẹp trừ các giống dân ngoài quan ải muốn xâm chiếm nước Tàu. Vậy mà khi Hoàn Công lâm bệnh thì cả dân chúng lẫn quần thần không ai biết. Hai gian thần Dịch Nha và Thụ Điêu giữ ông vua trong phòng bí mật, không cho ai ra vào. Đói cũng không có gì ăn. Khi ông chết thì năm đứa con trai đánh nhau để giành quyền. Xác để hôi thối suốt 67 ngày.
Mỗi lần một ông vua chết trong bí mật, lại diễn ra cảnh tương tự. Năm thế kỷ sau, cái chết của Tần Thủy Hoàng cũng được giữ kín. Xác ông hoàng đế được chở trong xe, chung quanh là xe cá tôm ếch nhái, để át mùi xác chết, trong lúc xe di chuyển về kinh đô Hàm Dương. Trong thời gian đó, gian thần Triệu Cao và Lý Tư đã bày mưu giết con trưởng, lập con thứ, dần dần nước Tần bị diệt.
Khi Stalin chết, bọn đàn em cũng lo giết Beria, trùm mật vụ đang ôm mộng thừa kế ngai vàng, trước khi đưa Malenkov lên kế vị. Đến lượt Hồ Chí Minh thì được đổi ngày chết, di chúc cũng bị sửa.
Chế độ độc tài mới có những cái chết bí ẩn. Vì các bạo chúa thường được một đám nịnh thần phò giá chung quanh. Bọn ăn bám này biết lợi dụng vòng đai bí mật mà bạo chúa dựng lên chung quanh mình để âm mưu thủ lợi.
Khác hẳn trong các xã hội tự do dân chủ. Các ông tổng thống hay bà thủ tướng ở những nước tự do đang khỏe mạnh hay không, ai cũng biết. Mỗi năm họ trình làng kết quả khám sức khỏe. Họ lâm bệnh hoặc nhắm mắt lìa đời, tin tức được công bố ngay. Hơn nữa, trong chế độ dân chủ, việc thừa kế quyền hành đều có tiêu chuẩn, được xác định rõ ràng. Khi Tổng Thống Reagan bị ám sát hụt nằm hôn mê trong bệnh viện, người Mỹ biết ngay ai là người đang điều khiển việc nước : Theo thứ tự, phó tổng thống, chủ tịch Hạ Viện, trưởng khối đa số Thượng Viện ; và nếu những người này đều không làm được thì sẽ tới bộ trưởng ngoại giao, vân vân.
Trong các xã hội dân chủ tự do, người lãnh đạo không phải lo lắng có bọn "nịnh thần" hay "gian thần" âm mưu tiếm quyền sau lưng mình. Không lo những chương trình, kế hoạch, khát vọng, lý tưởng của mình sẽ bị xóa bỏ hay lật ngược lại, khi mình hôn mê trong bệnh viện rồi mất khả năng làm việc.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang làm một chiến dịch bài trừ tham nhũng. Nếu ông mệnh hệ nào thì không biết những người lên thay ông còn tiếp tục hay không ? Hay là họ vẫn tiếp tục, đánh mạnh hơn, nhưng đổi mục tiêu ! Thay vì bắt các tham quan phe nghịch, họ lại tấn công các tay chân của Nguyễn Phú Trọng ?
Người lãnh đạo làm cách nào để chính sách của mình vẫn tiếp tục như mình vạch ra dù mình chết đi hoặc nằm hàng năm trên giường bệnh ? Như chiến dịch đánh tham nhũng chẳng hạn.
Phải thiết lập thể chế dân chủ. Trước hết, việc chuyển giao quyền hành chỉ diễn ra đúng trình tự và minh bạch, công khai trong chế độ dân chủ. Quan trọng hơn nữa, chỉ trong chế độ dân chủ tự do và thượng tôn pháp luật thì mới có thể bài trừ tham nhũng. Dưới chế độ độc tài toàn trị thì diệt thằng tham nhũng này sẽ chỉ tạo cơ hội cho thằng tham nhũng khác ngoi lên.
Trên các mạng xã hội mấy bữa nay có nhiều người tỏ ý mừng khi thấy ông Trọng gần đất xa trời. Những người vui mừng đó, nếu không thuộc các phe đang muốn thay thế ông Trọng, thì hơi ngây thơ. Ngây thơ và nông nổi, bởi vì nếu chế độ độc tài toàn trị còn ngự trên đất nước ta thì không có Nguyễn Phú Trọng này sẽ có Nguyễn Phú Trọng khác ! Hoăc có thứ người tệ hơn Nguyễn Phú Trọng nữa !
Cho nên nếu có người đang cầu nguyện cho ông Nguyễn Phú Trọng phục hồi sức khỏe và sống lâu thì cũng không lạ.
Trước đây 24 thế kỷ, có bạo chúa Dionysius ở Syracuse, một thành thị Hy Lạp nổi tiếng. Nhiều người dân chỉ cầu cho ông ta chết sớm. Nhưng có một bà già mỗi ngày tới đền thờ cầu nguyện cho ông sống lâu. Ngạc nhiên, Dionysius đòi người đó vào hỏi tại sao !
Người phụ nữ kể khi còn là một thiếu nữ bà đã phải sống dưới một bạo chúa vô cùng tàn ác. Khi nghe tin hắn chết, bà hết sức mừng rỡ. Nhưng tên kế nghiệp còn tham tàn hơn người tiền nhiệm. Bà lại cầu nguyện thần linh cho hắn sớm qua đời. Lời cầu linh ứng, đến lúc bà ở tuổi trung niên thì tên bạo chúa thứ nhì cũng chết. Nhưng tên bạo chúa thứ ba còn tệ hơn hai tên trước ! Vì vậy, bây giờ đến tuổi già, bà chỉ cầu nguyện cho Dionysius mạnh khỏe và sống lâu.
Dionysius không biết xét xử bà này cách nào, cho nên tha không giết.
Trong các xã hội tự do dân chủ người dân không cần cầu nguyện như vậy. Thay vì xin thần thánh cho ông chủ tịch nước sống lâu, người ta sẽ dùng lá phiếu để thay đổi.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã tỉnh và đã ăn cháo được. Thật đáng mừng cho gia đình ông. Nhưng nếu ông Nguyễn Phú Trọng nhân dịp này mà tỉnh ngộ thì càng tốt hơn. Tỉnh ngộ thấy rằng kế hoạch bài trừ tham nhũng của ông sẽ đổ xuống sông xuống biển hết, nếu ông qua đời. Cả cuộc đời ông, với bao nhiêu hoài bão, cũng vứt đi hết ! Muốn nước Việt Nam thực sự tiến bộ, chỉ có một cách, là xóa bỏ guồng máy độc tài toàn trị, thiết lập chế độ dân chủ tự do.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 16/04/2019
********************
Ông Nguyễn Phú Trọng đang ở bệnh viện 108 Hà Nội ?
C.Lynh, Người Việt, 16/04/2019
Chiếc phi cơ của hãng hàng không Vietnam Airlines khởi hành từ Sài Gòn đi Hà Nội lúc 3 giờ 30 phút chiều (giờ địa phương) hôm thứ Ba, 16 tháng Tư, sẽ không có gì đặc biệt, nếu nó không được cho là chở theo ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn xe đón ông Nguyễn Phú Trọng tại Nội Bài, Hà Nội, sau 5 giờ chiều 16 tháng Tư, 2019. (Hình : Thoibao.de)
Thông tin mới nhất này được đăng tải trên trang Thời Báo (thoibao.de) ở Đức trong bài viết : "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được đưa về bệnh viện 108 Hà Nội".
Bài viết nêu khá chi tiết : "Tháp tùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Hà Nội có các bác sĩ và Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài, đoàn xe hộ tống cùng các xe cứu thương, bác sĩ đã đợi sẵn, đưa thẳng bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng vào nội thành Hà Nội, đi phía trước là nhiều xe cảnh sát dẹp đường, bảo vệ an ninh.
Đúng 18:15 (giờ Việt Nam) xe cứu thương đã đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108".
Camera hành trình cho thấy khung cảnh bị phong tỏa gần sân bay Tân Sơn Nhất. (Hình : Đinh Nhật Uy)
Chi tiết hơn nữa, là theo bài báo này, một ủy viên Trung ương Đảng tiết lộ "Tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng khá căng".
Theo Thời Báo, "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang nằm tại tầng 2, mé bên phải, Khoa A11. Cũng ở tầng này, Đại tướng Lê Đức Anh đang được điều trị tích cực ở căn phòng mé bên trái".
Hình ảnh được kèm theo bài viết cho thấy Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Hà Nội được canh phòng rất nghiêm ngặt.
Thông tin của tờ Thoibao.de trùng khớp với tin cập nhật trên Facebook Lê Nguyễn Hương Trà : "15:30 : chiều 16/4, chuyển về Hà Nội. 18:15 ngày 16/4 : Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Hà Nội".
Trước đó, cũng Facebooker này vào cuối ngày 15 tháng Tư cho hay, ông Nguyễn Phú Trọng "đã tỉnh và ăn cháo".
Nối tiếp những tin đồn lan tỏa trên mạng xã hội ba ngày qua về diễn biến sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, là những hình ảnh được chụp từ camera hành trình vào lúc 15:09:30 giờ địa phương, trên đường Hoàng Văn Thụ ngày 16 tháng Tư. Hình ảnh được đăng tải trên trang Facebook của Facebooker Đinh Nhật Uy :
"Tin nhanh lúc 15h.
Từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra đuờng Nguyễn Chí Thanh – Lý Thuờng Kiệt , qua ngã 4 Bảy Hiền đến bùng binh Lăng Cha Cả. Ngã 3 ngã 4 nào cũng có dày đặc công an đủ sắc phục.
Đoàn xe hộ tống chở anh 2 ghế ra sân bay Tân Sơn Nhất về lại Ba Đình. Có lẽ để gặp mặt bác lần cuối".
Những hình ảnh này cho thấy toàn bộ giao thông ngay góc Lê Văn Sỹ và Hoàng Văn Thụ bị chặn lại, cảnh sát giao thông, cơ động được tập trung để xung quanh một đoàn xe cứu thương đang chạy vào hướng phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất.
Vài tiếng sau, trên Facebook cá nhân, Luật sư Trần Vũ Hải đăng tải một đoạn video cùng với nội dung : "Tôi đang trên đường từ viện 108 về gần cầu Nhật Tân, thấy nhiều tốp công an, bộ đội đứng đường. Không hiểu chuyện gì xảy ra. Lại vừa thấy xe cứu thương, đi khá từ từ, vừa cách đây 1 phút !"
Chỉ vài dòng rất ngắn ngủi nhưng được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều. Lượng truy cập vào video này khoảng 45.000 lượt. Qua những lượt "share" cùng với những "comment" về video này cho thấy cộng đồng mạng đều "ám chỉ" đến nhân vật quyền lực nhất của đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp tục trong những ngày qua, tên của ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nằm trong "top" tìm kiếm trên Google.
Tin tức về sức khỏe của ông Trọng vẫn tiếp tục là điều được quan tâm nhiều nhất trong dư luận người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước, trong lúc gần một ngàn cơ quan truyền thông báo chí do nhà nước kiểm soát vẫn hoàn tim im lặng.
C.Lynh
*******************
Thực hư về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
VOA tiếng Việt, 17/04/2019
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào trước những thông tin cho rằng Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải nhập viện khi đang đi công tác ở tỉnh Kiên Giang, trong khi các trang mạng mang tên hai nhà lãnh đạo cao nhất nước lên tiếng phản bác những thông tin này là "xuyên tạc".
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Ban Nội chính Trung ương hôm 22/1. Việt Nam chưa lên tiếng trước các tin đồn về tình hình sức khỏe của ông Trọng.
Hôm 14/4, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết trên trang cá nhân của cô rằng ông Trọng, mà cô gọi là "Anh Tổng Tịch", nhập viện ở Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang vào trưa cùng ngày.
Trước đó báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin và đăng ảnh về chuyến thăm và làm việc của ông Trọng tại tỉnh Kiên Giang trong hai ngày 13-14/4.
Trích dẫn nguồn tin riêng, trang tin tức Thoibao.de có trụ sở ở Berlin, Đức, viết : "Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn trong tình trạng hôn mê sau khi bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) ở Kiên Giang chiều ngày 14/4".
Thông tin cập nhật vào lúc 7giờ 30 giờ địa phương hôm 14/4 của tờ báo này tường thuật rằng "ông Trọng đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy và bị liệt nửa người bên trái". Một nguồn tin khác từ trong nước nói với Thoibao.de rằng "Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị xuất huyết não".
Trong chuỗi thông tin cập nhật về diễn biến sự việc, trang tin này đăng tải nhiều hình ảnh của đoàn xe cứu thương cùng đoàn xe hộ tống đưa ông Trọng từ bệnh viện Chợ Rẫy, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội.
VOA không thể kiểm chứng độc lập các thông tin của Thoibao.de và trên mạng xã hội.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về những thông tin về sức khỏe của ông Trọng.
Trước các thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc ông Trọng phải nhập viện, nhiều người bày tỏ lo lắng về tình hình sức khỏe của người đứng đầu nhà nước.
Nhà văn Nguyễn Viện viết trên trang Facebook cá nhân rằng "tôi cảm thấy lo hơn vui" khi cho rằng "ông Trọng khó có thể trở lại bình thường và tiếp tục làm việc", bởi theo nhà văn này, "khoảng thống quyền lực" sẽ đi kèm với hai hệ lụy gồm "nội bộ khủng hoảng vì tranh giành chỗ trống" và "khả năng can thiệp của yếu tố nước ngoài sẽ khốc liệt hơn".
Ông Trọng là người lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng, trong đó hàng chục quan chức nhà nước và lãnh đạo các ngành dầu khí, ngân hàng đã bị đưa ra tòa và nhận các bản án nhiều năm tù.
Thông tin "xuyên tạc" ?
Cho đến hôm nay, chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng trước những thông tin này. Truyền thông trong nước cũng không đưa thông tin gì về việc Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trọng bị nhập viện tại Kiên Giang hay ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên hai trang web lấy tên lãnh đạo, nguyenphutrong.org và nguyenxuanphuc.org, trong hai ngày qua đưa ra những bản tin cảnh báo về "thông tin xuyên tạc vấn đề sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng".
Bản tin ra ngày 16/4 trên trang nguyenphutrong.org nói rằng "xuyên tạc sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để câu view, làm công cụ đánh bóng tên tuổi, là điều mà đối tượng Lê Nguyễn Phương Trà thực hiện trong những ngày qua, làm dậy sóng dư luận".
Bản tin trên trang nguyenxuanphuc.org cũng ra ngày 16/4 nói rằng vấn đề sức khỏe của các vị lãnh đạo Việt Nam thường xuyên là "đề tài" để các phần tử xấu lợi dụng, thêu dệt nên những câu chuyện xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.
"Trước đây nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, hay chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… cũng từng bị lan truyền tin tức bịa đặt về tình trạng sức khỏe", bản tin này nhận định và cho rằng "mục đích chung của những hành động như thế không khác gì hướng đến việc bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo, xuyên tạc về nội bộ Đảng, Nhà nước".
Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam thông qua một bộ luật nhằm bảo vệ bí mật nhà nước trong đó quy định các thông tin, bao gồm sức khỏe của các lãnh đạo nhà nước, phải được giữ kín.
Theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ "có nguồn gốc và sự tham gia của cơ quan an ninh Việt Nam, được tài trợ bởi một nhóm lợi ích nào đó trong Đảng".
Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định trong một phần đăng tải trên trang Facebook cá nhân rằng những tin đồn trên mạng, về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh hay ông Trần Đại Quang cho đến rất nhiều sự kiện khác, sau này "tỏ ra đúng và những lời cải chính, biện bạch khi đó của báo chính thống trở thành hết sức lố bịch".
********************
Ông Nguyễn Phú Trọng thuộc diện được bác sĩ 'thăm khám hàng ngày'
BBC tiếng Việt, 16/04/2019
Trong lúc các tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại và một số trang tin mạng xã hội tiếp tục nói rằng TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải "nhập viện ở Kiên Giang, được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, rồi ra Hà Nội ngày 16/04", truyền thông chính thống ở Việt Nam vẫn không khẳng định hoặc bác bỏ những thông tin này.
Ông Nguyễn Phú Trọng được bác sĩ thăm khám sức khoẻ hàng ngày nhưng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, chỉ hưởng tiêu chuẩn 'thăm khám' hàng tuần
Điều chắc chắn là dù sức khoẻ ra sao, ông Trọng đã và đang được giới y tế cao cấp nhất ở Việt Nam chăm sóc ở mức độ cao nhất.
Lý do là các chức danh cao nhất của bộ máy chính trị Việt Nam gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội được bác sĩ tiếp cận thăm khám sức khoẻ hàng ngày, theo một quy định hồi 2018 ở Việt Nam.
Đây là quy định của Ban Bí thư trung ương Đảng cộng sản Việt Nam do ông Trần Quốc Vượng ký ban hành hồi tháng 3/2018, về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo đó, các vị đương chức và cựu Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng cũng được cho vào nhóm hàng đầu.
Nhóm thứ nhì gồm các ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng... được bác sĩ theo dõi sức khỏe thăm khám ít nhất hai lần một tuần hoặc hàng ngày, tuỳ tình trạng sức khỏe của họ.
Nhóm thứ ba, gồm chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch quốc hội, Đại tướng... được bác sĩ theo dõi sức khỏe thăm khám ít nhất một lần một tuần hoặc hàng ngày tùy theo diễn biến sức khỏe.
Dưới nữa, các cán bộ cao cấp có thể "được thăm khám ít nhất hai lần mỗi tháng".
Quy định này cũng xếp hạng sức khoẻ cán bộ từ A đến D, theo các báo Việt Nam.
"Theo quy định của Ban Bí thư, thời gian khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện định kỳ sáu tháng một lần. Trường hợp có bệnh lý thì thực hiện khám, kiểm tra sức khoẻ theo chỉ định của Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khoẻ cán bộ".
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (trái) đã ký ban hành một quy định nội bộ về kiểm tra sức khoẻ định kỳ của các bộ cao cấp, và kết quả sẽ tác động đến chính sách nhân sự của Đảng đối với các cá nhân
Bí mật y tế và bí mật nhà nước
Tuy nhiên, điều được dư luận bàn đến nhiều chính là phần quy định nêu rõ chế độ khám, kiểm tra sức khỏe toàn diện và kết luận phân loại sức khỏe trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Điều này có khả năng gắn liền cơ hội được cử ra tranh các chức vụ cao cấp với bản báo cáo y tế mà Ban Bí thư của Trung ương Đảng nhận được.
Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng sức khoẻ của một cá nhân là bí mật của riêng người đó và người bác sĩ.
Cùng lúc, trong dư luận Việt Nam có ý kiến cho rằng với tinh thần đề cao dân chủ, sức khoẻ của lãnh đạo - những 'người của công chúng - cần phải được công khai.
Nhưng cũng trong năm 2018, Việt Nam thông qua luật coi sức khoẻ lãnh đạo là thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước, và có vẻ như chỉ một ban bảo vệ sức khoẻ của Đảng được quyền lưu giữ.
Hồi tháng 11/2018, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định rằng thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng thuộc diện mật.
Đặc biệt, thông tin về sức khoẻ lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam không nằm trong một mục 'bí mật nhà nước' riêng, mà nằm chung với vi sinh vật và dược liệu quý hiếm trong điều 7, khoản 11 về y tế và dân số.
"11. Thông tin về y tế, dân số :
a) Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ;
b) Chủng, giống vi sinh vật mới phát hiện liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người ; mẫu vật, nguồn gen, vùng nuôi trồng dược liệu quý hiếm ;
c) Quy trình sản xuất dược liệu, thuốc sinh học quý hiếm ;
d) Thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số ;"
Tuy nhiên, Luật Bí mật nhà nước này sẽ chỉ có hiệu lực từ tháng 7/2020, còn hiện nay vấn đề này có thể vẫn được điều chỉnh bởi các quy định cũ.
Hiện theo Bộ Luật hình sự 2015, người "làm lộ bí mật nhà nước" có nguy cơ đối diện với án 15 năm tù.
Tình trạng chung của chính trị Việt Nam, dù có luật trên hay không, thường là bộ máy chỉ tiết lộ các thông tin về sức khoẻ lãnh đạo sau một thời gian.
Chẳng hạn chỉ sau khi chủ tịch nước nhiệm kỳ trước, ông Trần Đại Quang qua đời, giới chức y tế mới nói ông đã từng sang Nhật Bản điều trị.
Sức khỏe của ông Trọng có thật sự ‘ổn’ ?
Thường Sơn, VNTB, 15/04/2019
Một cơn bạo bệnh đến với Nguyễn Phú Trọng vào lúc này sẽ khiến xáo trộn toàn bộ chính trường Việt Nam và ảnh hưởng đến cả quan điểm và quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ và cả Liên Hiệp Châu Âu.
Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi mà ông Trọng rất có thể còn đang 'nằm'.
Không bao lâu sau cơn chấn động ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng bị đột ngột cấp cứu hồi sức ở Bệnh viện đa khoa Kiên Giang và liền sau đó được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn vào ngày 14/4/2019, một số trang facebook của những người ‘lề đảng’ và giới dư luận viên đã nhiệt thành lên mạn : ‘Sức khỏe Cụ Tổng vẫn ổn’, thậm chí còn ‘Cụ Tổng đã xuất viện’.
"Sau khi kết thúc buổi làm việc trưa ngày 14/4, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã bị choáng, do thời tiết thay đổi, miền Tây Nam bộ nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng đang vào đợt nắng nóng kỷ lục… Trong đó riêng việc vừa đi thị sát ngoài trời không mũ nón dưới cái nhiệt độ 38 độ rồi lại vào thị sát trong xưởng chế biến tôm với nhiệt độ dưới 15 – 20 độ C… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nay tuổi đã cao, việc nước gánh nặng trên vai nên chuyện bị choáng, ảnh hưởng sức khỏe là chuyện bình thường…" - những trang này viết, đồng thời lên án ‘các thế lực phản động và thù địch’ đã xuyên tạc về "Người lãnh đạo cao cấp kính yêu của Đảng và Nhà nước ta"…
Nhưng làm sao có thể lý giải được việc nếu Nguyễn Phú Trọng chỉ bị choáng thông thường, tại sao Bệnh viện Kiên Giang lại không xử lý được mà phải chuyển về Chợ Rẫy - bệnh viện thuộc loại ‘tuyến trên’ mà chỉ đưa từ tỉnh về đây những trường hợp trầm trọng và nguy hiểm ?
Một khi đã phải chuyển Nguyễn Phú Trọng về Sài Gòn, tại sao không đưa về Bệnh viện Thống Nhất là nơi điều trị cho cán bộ trung cao cấp mà lại phải chuyển về Chợ Rẫy là bệnh viện ‘ngoài’ và thiếu an ninh hơn nhiều ?
Và tại sao không chuyển thẳng Nguyễn Phú Trọng từ Bệnh viện Kiên Giang ra Bệnh viện 108 ở Hà Nội là nơi điều trị cán bộ cao cấp mà lại để ở Chợ Rẫy ?
Cần chú ý, Chợ Rẫy là bệnh viện nổi tiếng về chuyên khoa điều trị chấn thương sọ não và thần kinh, trong khi Thống Nhất bị xem là yếu hơn nhiều, thậm chí còn xuất hiện giai thoại dân gian về ‘mổ khuyến mãi’ (phải mổ đi mổ lại) ở bệnh viện này.
Chính vì thế, việc Nguyễn Phú Trọng được chuyển thẳng từ Kiên Giang về Chợ Rẫy mà không phải Thống Nhất hay Bệnh viện 108 cho thấy bệnh tình của ông Trọng không phải là ‘choáng’, mà rất có thể ông ta đã bị đột quỵ dạng tai biến mạch máu não. Một trong những yêu cầu cao đối với loại bệnh này là cực kỳ hạn chế di chuyển bệnh nhân để tránh tổn thương và làm vỡ mạch máu não.
Kết hợp với những tin tức ngoài lề nhưng rất cụ thể và có thể mang tính tin cậy về khả năng Nguyễn Phú Trọng bị xuất huyết não và đến buổi tối 14/4 vẫn chưa tỉnh, có thể tạm kết luận rằng ông ta đã bị một cơn bạo bệnh thuộc loại nguy hiểm mà sẽ khiến Trọng ‘mất sức chiến đấu’ trong một thời gian không hề ngắn, gây đình trệ nhiều phần việc trong kế hoạch của ông ta, kể cả việc ‘đốt lò’.
Về thực chất, một cơn bạo bệnh đến với Nguyễn Phú Trọng vào lúc này sẽ khiến xáo trộn toàn bộ chính trường Việt Nam và ảnh hưởng đến cả quan điểm và quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ và cả Liên Hiệp Châu Âu.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 15/04/2019
***********************
Nguyễn Phú Trọng nằm Chợ Rẫy : ‘Sống không bằng chết’ hay ‘thù trong giặc ngoài’ ?
Trúc Giang, VNTB, 15/04/2019
Từ chiều Chủ nhật 14/4, cộng đồng mạng xã hội đã rộ lên tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện vì xuất huyết não tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tính đến nửa đêm về sáng của ngày 15/4, theo quan sát của nhóm phóng viên trang Việt Nam Thời Báo, trước cổng số 1 và cổng cấp cứu trên đường Nguyễn Chí Thanh, Sài Gòn của bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đông đúc các lực lượng sắc phục.
Chuyên cơ chở ông Nguyễn Phú Trọng từ Kiên Giang về Sài Gòn cấp cứu. Ảnh : Facebook
Cổng bên hông bệnh viện Chợ Rẫy, trên đường Thuận Kiều, toàn bộ cánh ‘xe ôm’ thường thấy, đã bị ‘giải tỏa’ sạch. Tất cả những hình ảnh đó cho thấy dường như bên trong bệnh viện Chợ Rẫy đang có chuyện gì đó…
Nhiều đồn đoán rằng có lẽ lần này ông Tổng bí thư chịu ‘họa sát thân’ ngáng đường cho giấc mộng công hầu, là từ ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư, tác giả của Quy định 121-QĐ/TW, "về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý". Theo đó, nhân sự trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý và giới thiệu ứng cử vào các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải thực hiện chế độ khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện và kết luận phân loại sức khoẻ.
Đối với cán bộ chủ chốt như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, bác sĩ tiếp cận thăm khám sức khoẻ hàng ngày.
Bình luận về Quy định 121-QĐ/TW, nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng, từng cho rằng :
"Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương – một ban đảng vốn có vai trò khá mờ nhạt, nay bất thần nổi lên vị trí cực kỳ xung yếu, thậm chí còn có vai trò "sống còn" đối với việc xem xét quan chức nào có đủ sức khỏe để tiếp tục "cống hiến cho đảng và dân tộc", còn quan chức nào không đủ sức khỏe thì sẽ bị cho về nhà làm việc khác, chẳng hạn như ‘người tử tế’ (...) Bản Quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ cấp cao lại có thể phát sinh một tác dụng phụ : khi chỉ đạo ban hành quy định này, Tổng bí thư Trọng đã quá tự tin, tự tin đến mức ông có thể không mấy quan tâm đến những phản ứng có thể phát sinh hoặc nổ ra trước những quy định mang dấu ấn đặc thù của ông Trọng và chỉ được làm bởi một nhóm nhỏ quan chức. Không thể lường trước được là tác dụng phụ trên có thể diễn biến thế nào, hay mức độ nguy hiểm của nó ra sao…".
[Calitoday, 2/3/2018].
Từ trong nhà tù, chắc chắn ông Nguyễn Bắc Son, người bị ‘cho thôi chức" Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, lúc nhận tin Tổng bí thư phải cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong lúc đang công cán tận Kiên Giang, ông Son sẽ nhớ lại hôm họp báo Chính phủ vào chiều ngày 31/07/2015 ông đã trả lời báo chí rằng, "uy tín, sức khỏe, hình ảnh của các vị lãnh đạo là tài sản của quốc gia nên phải cung cấp thông tin kịp thời khi cần thiết" (1).
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều hôm 31/07/2015, ông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định rất hùng hồn : "Không có trong vùng cấm gì cả. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người của công chúng. Khi có sự việc gì thì nên chủ động cung cấp thông tin, không giấu mà phải cung cấp".
Vậy thì tại sao "Đảng và Nhà nước" không chủ động tin tức về sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở chuyến công cán tại tỉnh Kiên Giang ngày 13 và 14/04/2019 ?
Chiều 13/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm một số doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Liên quan câu chuyện sức khỏe, lúc phát biểu trước Quốc hội sau lễ tuyên thệ nhận chức Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ lo lắng sau khi lẫy hai câu Kiều :
‘Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay’.
Ông nói (trích) : "Trình độ, năng lực, sự hạn chế của tôi là rất rõ, hiểu biết là không đáp ứng được yêu cầu… Cho nên thật tình là rất lo. Trong khi đó thì tuổi tác đã lớn, như Bác Hồ đã nói là khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp, điều đó không có gì lạ. Tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn tinh thần ấy" (2).
Trong trường hợp sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng không kham nổi những chức vụ của "Đảng và Nhà nước", thì quả sẽ là bi kịch ‘sống không bằng chết’, khi trên giường bệnh, ông luôn phải chất chồng lo sợ cảnh ‘thù trong giặc ngoài’ đang xâu xé đảng cộng sản mà ông cả đời tôn thờ.
Quả là người tính không bằng trời tính !
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 15/04/2019