Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Báo Vietnamnet ra ngày 23/5/2023 có bài [1] "Thói đố kỵ, hẹp hòi sẽ níu chân nhau đến hùng cường, thịnh vượng" của tác giả Nguyễn Huy Viện với mục tiêu kêu gọi : "...hình thành tình cảm trân quý, trọng dụng người tài và người giàu có chân chính…" để nước Việt Nam trở nên hùng cường, văn minh. Cùng trong đề tài lớn trên trang Vietnamnet mang tên "Diễn đàn - Vì Việt Nam hùng cường" còn có bài phỏng vấn "Đại biểu Lê Thanh Vân : Ai dám làm vì lợi ích chung, họ phải được bảo vệ" [2].

doky00

Một thoáng ngậm ngùi cho nền giáo dục Nhân bản & Khai phóng...

Cả hai bài báo xoay quanh đề tài, làm sao để phẩm giá người Việt Nam trở nên thanh bạch - hào sảng - cao thượng - can đảm. Cách tiếp cận vấn đề của cả hai bài báo không sai nhưng hời hợt, bởi đó chỉ là cái ngọn chứ không phải gốc rễ vấn đề. Tất cả phải được khởi nguyên từ Giáo dục. Không ai lại đi "uốn tre" (người lớn).

Trong nền giáo dục dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thế hệ chúng tôi, lúc bấy giờ được dạy phải nỗ lực tối đa trong việc học. Thầy cô luôn gợi mở sở trường của học trò. Điều đó có nghĩa, một học trò giỏi môn học này, không có nghĩa giỏi tất cả các môn khác. Khi thấy bạn mình đạt điểm giỏi trong môn học nào đó, mình phải cố gắng giỏi hơn với một chút ganh (tỵ) đua (chen). Thầy cô dạy, nếu không có ganh đua, mãi mãi không bao giờ tiến bộ. Nhưng, sau một thời gian dài miệt mài, mình vẫn không vượt được bạn thì phải công nhận SỰ THẬT "nó" giỏi hơn mình và theo "nó" mà học. Thế mới có câu "học thầy không tày học bạn" là vậy.

Tính hào sảng, công tâm và khảng khái được thấm đẫm trong thế hệ chúng tôi. Có thể gọi là tính cao thượng cũng được. Thế hệ chúng tôi trước 1975, học trò chúng tôi không có tánh "rình mò" để hại bạn. Bởi tánh "rình mò" sẽ biến con người trở nên hèn đớn và tiểu nhơn. Tánh "rình mò" chỉ có sau 1975 - với đặc trưng "diệt từ trong trứng" - do sự nhồi sọ gần nửa thế kỷ qua - tồn tại ngay cả trong tư tưởng những người được gọi "là thầy - là cô".

Thầy cô rất công bằng. Ví dụ, đứa giỏi về toán, ắt phải công nhận nó giỏi toán. Đứa giỏi về văn, tức phải công nhận nó giỏi văn. Không có sự ưu ái mù quáng theo cảm tính. Cũng không có kiểu "biếu quà lễ tết" như sau này. Do đó, thầy cô không bao giờ chịu sự chi phối bởi vật chất mà ngày nay phụ huynh gọi là "đền đáp công lao thầy cô" (!) Mỉa mai thay !

Ngẫm ra, chính cái lễ mễ như 20/11 góp tay rất lớn "đẩy" "đạo đức" làm nghề của thầy cô "lao dốc xuống vực sâu" ! Nhiều người lại ngỡ 20/11 là dịp vinh danh thầy cô ! Quan niệm "tôn sư trọng đạo" trở nên méo mó thảm hại ! Thảy đều là đạo đức giả ! Ngập tràn hiện nay !

Ngoài ra, trong nền giáo dục dưới chế độ độc đảng toàn trị, học trò được dạy tính đố kỵ, mặc dù không nói thẳng, nhưng hãy nhìn hiện trạng cũng thấy rõ. Ví dụ dễ thấy, khái niệm "vừa hồng vừa chuyên" trở nên tai hại khôn lường. Bởi khái niệm đó biến học trò trở thành "lãnh tụ". Khi bản thân tự coi là "lãnh tụ", cùng với "fans hâm mộ" lủ khủ bao quanh, rồi "tâng bốc tới nóc" sẽ làm "lãnh tụ" càng cao ngạo...

Bỗng một hôm, "lãnh tụ" phát hiện có "đứa bạn" "tự nhiên" nổi trội quá, thế là "lãnh tụ" sợ mất vị trí, nên vội vàng "kết bè kéo cánh" quyết làm sao triệt hạ "thằng bạn" đó, bằng mọi giá, kể cả những trò "đấu tố", "vu khống" và tất cả các cách hạ đẳng nhất. Việc "kéo bầy" thật dễ dàng, bởi "hàng lô hàng lốc" kẻ nịnh bợ vây quanh bấy lâu. "Thằng bạn" xấu số đó trở nên cô đơn, không chỉ trước bạn bè mà còn ngay cả trước những người gọi "là thầy, là cô". Cho nên, "thằng bạn" đó chỉ có nước... hoặc là "chết dưới tay lãnh tụ" hoặc phải trở thành "tay sai". Đời sống hèn hạ buộc phải lên ngôi bởi "ai mà không sợ chết" (?!). Nhân cách làm người từ đó cũng tiêu vong !

Tính ganh đua chết đi và tính đố kỵ lên ngôi là như vậy ! Kéo theo, tính sáng tạo - vốn được sinh ra từ tự do tư tưởng - vốn là tính chất quan trọng bậc nhất đối với con người - cũng lịm tắt, cùng với xã hội thụt lùi là như thế !

Từ học đường, học trò bước ra xã hội với hình ảnh "lãnh tụ" hợp cùng sự huyễn hoặc "tài năng của mình" đã định hình từ lâu, từ đó, hễ một chút gì trái ý là "lãnh tụ" không tài nào chịu nổi !

Thời nào cũng có bạo lực học đường. Tuy nhiên, thời chúng tôi - những đứa học trò dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa - không hề có chuyện "đánh hội đồng" - cảnh tượng gây bàng hoàng - khiếp sợ như nhan nhản hiện nay !

Thế hệ học trò chúng tôi không hề được dạy "học và làm theo tấm gương…" của bất kỳ ai, dù đó là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ! Thế hệ học trò chúng tôi không hề được dạy "con ngoan - trò giỏi" nhưng chúng tôi, tuyệt đại đa số đều HIẾU THẢO - HIẾU HỌC. Thế hệ học trò chúng tôi được làm quen với Triết Học ngay từ lớp Mười Một (Tú Tài bán phần), không cần phải "leo lên đỉnh hay tụt xuống dốc" Opympia với những câu hỏi lịch sử - chính trị rập khuôn, vốn mang tính nhồi sọ. Thế hệ học trò chúng tôi, hầu hết không hề được du học nhưng có thể sử dụng tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) bình thường trong giao tiếp. Và nhiều "điều cao cả - cao sang" như thế hệ trẻ hiện nay, đang được "dạy và học" mà thế hệ học trò chúng tôi thấy lạ lẫm và kinh sợ vô cùng...

Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Giáo dục và đào tạo – Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh - Đội Hà Nội Thành phố Hồ Chí Minh, cùng vô số các hội đoàn tồn tại dày đặc, từ trong nhà trường đến từng khu phố - Tất cả chưa bao giờ bóp trán suy tư, để tìm cho ra hậu quả "tại sao kinh khủng như vậy ? !".

Một thoáng ngậm ngùi cho nền giáo dục Nhân bản & Khai phóng...

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 23/05/2023

[1] https://vietnamnet.vn/thoi-do-ky-hep-hoi-se-niu-chan-nhau-den-hung-cuong...

[2] https://vietnamnet.vn/dai-bieu-le-thanh-van-ai-dam-lam-vi-loi-ich-chung-...

Published in Diễn đàn