Trên báo chí nhà nước Việt Nam dưới sự lèo lái của Tuyên giáo đảng, gần đây liên tục có những bài viết kêu gào về việc "các thế lực thù địch" tăng cường đánh phá Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua số lượng ủy viên Ban Chấp hành khóa XVII - Ảnh VOV, 24/10/2020
Vẫn như thường thấy, mỗi khi có một chỉ thị từ tuyên giáo, thì gần như đồng loạt báo chí vốn hoạt động theo kiểu bầy rắn dưới cây gậy điều khiển của người thổi kèn gánh xiếc. Bầy đàn báo chí Việt Nam đồng loạt đăng những bài viết ngô nghê, vô hồn và sáo ngữ đến mức người đọc có cảm giác kẻ viết và người đăng phải thuộc dạng chai lỳ và thiếu liêm sỉ lắm mới có thể có những bài viết như vậy ra đời.
Những bài viết nhằm kết tội những cơ quan ngôn luận quốc tế có chú ý đến tình hình Việt Nam, những nhà báo độc lập, chân chính, những "nhà báo nhân dân" qua mạng xã hội… đã nêu rõ ràng chi tiết về hiện tình đất nước và tình hình chính trị hỗn loạn tại Việt Nam hiện nay.
Trên trang mạng của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) có bài viết : "Ngăn chặn thông tin xấu độc trước thềm Đại hội Đảng XIII". Bài báo này phỏng vấn một người mang danh Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý và quản trị an ninh phi truyền thống Đại học quốc gia Hà Nội.
Đại tá Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn là Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý và quản trị an ninh phi truyền thống Đại học quốc gia Hà Nội
Bài báo có đoạn : "Lĩnh vực mà những kẻ cơ hội và thế lực thù địch ưa thích xuyên tạc, bóp méo trước thềm Đại hội XIII đó là : tung tin giả mạo, thất thiệt về công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng. Trên các trang tin hải ngoại như BBC, VOA Tiếng Việt, Đài Châu Á Tự do RFA, mạng xã hội Facebook, các cây bút tự xưng là nhà báo, blogger tung ra rất nhiều bài viết sắp đặt đồng chí lãnh đạo A, đồng chí lãnh đạo B vào vị trí tứ trụ ; đồng chí lãnh đạo C, D vào Bộ Chính trị".
Điều ai cũng hiểu, chỉ có những người cố tình không chịu hiểu là chẳng có sự thật nào giấu được tất cả mọi người mọi lúc và mọi nơi. Cái gọi là Đại hội đảng cũng vậy.
Đặc biệt, điều mà đảng càng cố giấu diếm, càng bí mật thì ngược lại, mạng xã hội và các hãng truyền thông nước ngoài phơi bày không mấy khó khăn. Vấn đề mà đảng gọi là "nhân sự" của đảng vốn là một đề tài mà đảng không bao giờ muốn người khác biết, chẳng muốn ai đụng đến khi đảng bàn bạc, chiến đấu với nhau, giành giữ từng chiếc ghế quyền lực, từng cá nhân phe nhóm…
Những cuộc đấu đá đó nhiều khi âm thầm và khốc liệt, nhiều khi sự giấu diếm là bất khả kháng và đã thể hiện ra ngoài một cách trắng trợn… và sự trả giá của những bên thua cuộc là mất chức, là tù đày, là thậm chí mất mạng.
Điều đó là chuyện cho đến bây giờ chẳng ai lạ trong thể chế cộng sản độc tài vốn đã khốc liệt và man rợ từ xưa đến nay.
Lịch sử những cuộc "đại hội đảng" đã ghi lại những cái chết tức tưởi đầy uẩn khuất của nhiều người. Chẳng hạn, những tướng quân đội như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn trước đây. Họ là những Tổng tham mưu trưởng của Quân đội, những người có khả năng lên chức Bộ trưởng Quốc phòng, đã thi nhau chết bí hiểm trước thềm đại hội đảng, để rồi sau đó Lê Đức Anh lên Bộ trưởng Quốc phòng và để lại câu chuyện cấm nổ súng vào quân giặc để hiến Gạc Ma cho Trung Quốc vào 14/3/1988 mà lịch sử Việt Nam sẽ lưu danh ngàn thu.
Người ta cũng đặt những câu hỏi về những cái chết "được báo trước" của Nguyễn Bá Thanh hoặc Trần Đại Quang vì "virus lạ".
Người ta cũng không quên những câu chuyện xâu xé, đấu đá lẫn nhau, hạ bệ, làm nhục đối thủ một cách "có một không hai" chỉ xảy ra dưới các triều đại cộng sản. Để rồi sau đó, trong dân gian có câu thơ :
Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngày nay, đại tướng canh quần chị em.
Bài báo đặt câu hỏi về những thông tin nói đến đại hội đảng, đến vấn đề nhân sự, đấu đá trong nội bộ đảng rằng : "Vì sao chúng vẫn xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội của nước ta thời điểm này ?
Câu hỏi này không khó trả lời. Khi mà những thông tin ngày càng nhiều về mật độ, điều đó có nghĩa là ngày nay, khi mà mọi thông tin được lan truyền dễ dàng bởi các tiến bộ của khoa học kỹ thuật thế giới, xuất phát từ "Chủ nghĩa tư bản giãy chết" đến với mọi người dân Việt Nam, thì sự thật càng ngày càng được sáng tỏ. Và qua đó, cái gọi là "niềm tin" vào đảng, vào chế độ đã đến lúc tụt xuống điểm số 0 thì những tiếng nói cất lên ngày càng nhiều trong xã hội.
Ông đại tá Đỗ Cảnh Thìn này cho rằng : "Các đối tượng thường dùng rất nhiều thủ đoạn vu khống, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo sự thật, thổi phồng sự kiện, bình luận ác ý và cài đặt ý đồ, những thông tin rất xấu, lập lờ làm cho người tiếp cận thông tin không biết đâu là sự thật, hoang mang dao động, thậm chí mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo của Đảng và đường lối, chính sách của Đảng và bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam cũng như là bản chất tốt đẹp chế độ xã hội chủ nghĩa".
Thật ra, chính ông ta, qua những lời nói của mình đã bộc lộ rõ ràng sự dốt nát và ngu muội, cuồng tín hoặc ngộ độc thông tin đến mức mà cho đến nay vẫn còn có thể nói ra được rằng người dân "hoang mang dao động, thậm chí mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo của Đảng và đường lối, chính sách của Đảng và bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam cũng như là bản chất tốt đẹp chế độ xã hội chủ nghĩa"
Thưa ông, người dân chẳng đến mức như ông nghĩ, họ chẳng dốt nát đến mức có mắt không biết nhìn, có miệng không dám nói như ngày xưa. Cái gọi là "bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa" mà chỉ mình ông tin hoặc giả vờ tin nói trên, chỉ là cái bánh vẽ mà người dân Việt Nam đã chán ngấy từ bao nhiêu đời nay. Là món ôi thiu độc địa mà cả thế giới đã vứt vào sọt rác lịch sử. Với trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ mà không nhận thức được điều đó, phải chăng cái danh hiệu và cái bằng ông có được, cũng có nguồn gốc từ những nơi như "Đại học Đông Đô" - nơi vừa qua đã bán hơn nửa ngàn chiếc bằng giả để lấy tiền ?
Hoặc ông phải nói, vì ông sợ nồi cơm nhà ông có thể vơi đi nếu ông im lặng ?
Cũng trên bài trả lời phỏng vấn, ông Đỗ Cảnh Thìn nói rằng : "chúng gây chia rẽ và hoài nghi trong nội bộ, điều mà chúng ta vẫn khẳng định chính là các đối tượng dựng nên một hình ảnh, một tổ chức Đảng của chúng ta là một mớ hỗn độn, là những cá nhân tiêu cực, những người không đủ phẩm chất, năng lực và những nhóm lợi ích, chứ không phải là một tổ chức cách mạng tiên phong, có bản lĩnh, trí tuệ, có tầm nhìn, có trách nhiệm, có đạo đức có văn minh để lãnh đạo quốc gia dân tộc tiến lên văn minh hiện đại".
Thưa ông, điều chẳng ai hoài nghi về tổ chức đảng mà xưa nay tự xưng là đoàn kết, là tinh hoa của dân tộc, là đạo đức, là văn minh, là vì nhân dân… ngày nay đã lộ nguyên hình nó là cái gì trong con mắt người dân Việt Nam.
Ở đó, không chỉ có "một con sâu làm rầu nồi canh" mà Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, cấp hàm, chức vụ hơn hẳn ông đã khẳng định rằng trong đó là "một bầy sâu". Và bầy sâu đó đã "ăn của dân không từ một thứ gì" như lời Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước.
Thế nhưng, Nguyễn Thị Doan vẫn nói lấy được rằng "nền dân chủ ở Việt Nam gấp vạn lần dân chủ tư sản", hoặc như ông nói rằng "lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước, thể chế chính trị luôn được củng cố và nâng cao" thì quả là điều hết sức đáng ngại cho tư duy và thế giới quan của người cộng sản.
Họ đã thể hiện đầy đủ sự hoang tưởng, cuồng tín đến mức cố chấp và loại bỏ khả năng tiếp nhận thông tin, nhìn nhận thực tế cuộc sống.
Còn người dân, hoặc ngay cả người nhà nước, đã đến lúc họ có nhiều nhận thức hơn, và cất lên tiếng nói của mình.
Chế độ độc tài, toàn trị đã và đang bóp nghẹt tiếng nói của họ bằng mọi cách, bằng mọi biện pháp, từ luật lệ mập mờ cho đến hăm dọa, nhà tù… đã không thể ngăn cản lòng người dân muốn tìm đến chân lý, đến sự thật. Do vậy mà mạng xã hội, các hãng thông tấn nước ngoài không hề bị kiểm duyệt bóp nặn của đảng, là cơ hội để họ bày tỏ chính kiến của mình và nói lên sự thật, nói lên suy nghĩ của cá nhân mà họ có quyền được nói.
Mới đây, tờ Nhân Dân có bài viết nhan đề : "Nhận diện, ngăn chặn hành vi của "nhà báo hai mặt".
Bài báo viết : "Ðáng báo động là gần đây đã xuất hiện tình trạng một số nhà báo vẫn đang công tác tại cơ quan báo chí, hoặc vừa mới nghỉ việc làm báo đã cố tình thể hiện tính "hai mặt" trên mạng xã hội một cách có hệ thống, và bài bản. Số người này, hằng ngày, một mặt vẫn tỏ vẻ thực hiện đúng thiên chức của nhà báo, viết bài đúng sự thật, tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước để đăng trên các ấn phẩm báo chí. Nhưng mặt khác, họ lại sử dụng địa vị nghề nghiệp, danh tiếng mà cơ quan họ làm việc mang lại… thông qua mạng xã hội như Facebook, YouTube để chuyển tải thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí bịa đặt, sai trái nhằm thực hiện mục đích cá nhân, mưu cầu sự nổi tiếng cho dù việc làm này hoàn toàn đi ngược các yêu cầu có tính luật pháp về hoạt động báo chí và đạo đức của người làm báo…
Ðiều đáng lo ngại là dù đã có một số nhà báo đã được nhận diện, cảnh báo, thậm chí đã phải lãnh chịu hậu quả, nhưng tình trạng đáng phê phán và lên án này dường như đang có dấu hiệu ngày càng phát triển".
Có lẽ không cần giải thích, chứng minh hoặc bình luận nhiều. Chỉ cần tờ báo này trả lời câu hỏi : Tại sao, con người vốn ưa thích sự thật, quý mến những con người, tổ chức, thể chế chính trị mà họ thấy tốt, thấy có ích và được lòng dân, lại phải bằng cách nọ, cách kia để phản đối, để "xuyên tạc" để "nói xấu" đảng và nhà nước ?
Xưa nay, cha ông đã nói rằng : "Cây ngay không sợ chết đứng".
Vậy sao đảng phải hoảng hốt rồi ra tay đàn áp, hăm dọa và dùng đủ mọi thủ đoạn với những người dân thấp cổ, bé họng so với hệ thống tuyên truyền khổng lồ của đảng đến vậy nếu như đảng được sự tin yêu của nhân dân ?
Câu trả lời chỉ có thể là : Sự thật, chính sự thật mới có sức mạnh lớn lao và gây sợ hãi, hoảng loạn cho các thế lực bóng tối và ma quỷ.
Vấn đề nhân sự, mà thực chất là những cuộc chia chác ghế bàn, bán mua quyền lực ở Việt Nam vẫn là điều xưa nay hiển nhiên tồn tại. Thị trường quyền lực ở Việt Nam ngày càng công khai, trắng trợn chẳng cần khó nhọc mới có thể kiểm chứng.
Và nếu nói như ông Đỗ Cảnh Thìn rằng "Đại hội đảng công khai, minh bạch" thì đâu có đến mức người dân phải đoán mò, phải mất lòng tin.
Hãy ghé mắt nhìn sang cuộc bầu cử và người dân Mỹ đi bầu ra sao, thì sẽ hiểu được như thế nào thì được gọi là công khai, minh bạch thưa ông.
Điều mà xưa nay ai cũng biết, đó là chỉ những điều khuất tất, bẩn thỉu và bần tiện thì người ta mới giấu diếm, bí mật. Điều đó càng đúng hơn nữa, khi mà đảng luôn luôn có truyền thống tự sướng, tự hào và tự mãn xưa nay với cả ngàn tờ báo, thì chẳng có lý do gì mà những trò gọi là "Đại hội đảng" lại hành xử như những buổi nhóm họp của các hội kín hoặc Mafia.
Chỉ cần quan sát các hiện tượng và hành động của Đảng, chúng ta đã thấy được một điều : Cái gì đang là xấu và độc hiện nay theo đúng nghĩa của ngôn ngữ tiếng Việt.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 28/11/2020 (nguyenhuuvinh's blog)