Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hy vọng người ta đến chùa với tấm lòng thanh tịnh chứ không phải với tâm thế của người sẵn sàng cướp lộc.

Vov.vn ngày 30/1/2017 cho biết : "Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước đốt hơn 40.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng".

Riêng tại thủ đô Hà Nội, báo VnExpress.net ngày 25/8/2015 viết : "Có đến 50 ngàn tấn vàng mã được người dân thủ đô đốt mỗi năm, tương đương với 400 tỷ đồng" [1].

Con số mà báo chí nêu lên tuy có chút khập khiễng song nó cho thấy một sự lãng phí ghê gớm trong một đất nước mà không ít người, không ít địa phương ngày Tết vẫn cần gạo cứu đói.

Bốn, năm vạn tấn vàng mã, tức là bốn, năm vạn tấn giấy, tre nứa bị đốt, tro, bụi, khói bay vào môi trường và hậu quả là chính con cháu chúng ta gánh chịu.

Tiền đốt vàng mã là tiền dân, không phải tiền nhà nước, phải chăng vì thế chính quyền không thấy xót ?

Không bắn pháo hoa xuân Đinh Dậu, Hà Nội tiết kiệm được 10 tỷ đồng, con số ấy được báo chí, ti vi hết lời khen ngợi, nếu so với 400 tỷ vàng mã thì 10 tỷ chỉ là "muỗi".

Giống như đứa trẻ cướp bánh mì tí nữa bị tù còn "đứa lớn" bỏ túi hàng tỷ tiền ngân sách thì không ai nhắc đến.

Nói về vàng mã, ngoài những thứ như nón, quần, áo, tiền vàng… được làm bằng giấy "sạch", các loại khác chủ yếu làm bằng giấy đã qua sử dụng (in một mặt).

Đem những thứ đã qua sử dụng mà lại chưa chắc đã sạch dâng cho tiền nhân có phải là hợp đạo lý, có phải là tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với đấng sinh thành ? 

Đốt vàng mã là tín ngưỡng dân gian, không phải là giáo điều nhà Phật.

Hơn nửa thế kỷ trước, Hòa thượng Tố Liên, một bậc danh tăng đã viết thế này :

"Nếu không tìm thấy tục đốt vàng mã do Phật giáo hay Nho giao truyền dạy, một lần nữa bần tăng thiết tha yêu cầu các ngài bỏ tục vàng mã đi, lại sẽ khuyến hóa mọi người bỏ tục đốt vàng mã đi, vì tục đốt vàng mã là do Vương Dũ và Vương Luân đầu độc dân Trung Quốc làm cho dân Việt Nam chúng ta cũng bị hại lây" [2].

lehoi1

Hàng ngàn người tranh cướp lộc ở lễ khai hội chùa Hương 2017. (Ảnh cắt từ clip của Vtc14)

Trong một video clip trên kênh Vtc14HD, một vị sư ở chùa Hương đứng trên cao ném lộc xuống cho người hành hương tranh cướp.

Đốt vàng mã và cướp lộc đầu năm chỉ là hai trong rất nhiều hiện tượng năm nào cũng xảy ra và năm nào cũng gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Sự phản cảm không chỉ đến từ những người tranh nhau cướp "lộc" mà còn đến từ chính người phát lộc.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng và lãnh đạo Phật giáo chùa Hương không phải là "nên" mà là "phải" rút kinh nghiệm, phải chấm dứt hành động "phát lộc" theo kiểu bề trên bố thí đó.

Vì sao hành động tranh cướp (lộc) xấu xí đó vẫn cứ tiếp diễn ở đa số lễ hội, từ đền Trần đến chùa Hương, từ hội làng đến hội tầm cỡ quốc gia ?

Liệu con cháu ở nhà nhìn thấy cảnh người mẹ, người cô của mình xông đến trước mặt nhà sư, miệng mở hết cỡ kêu gào có cảm thấy tự hào ?

Liệu có phải một bộ phận người Việt hôm nay cho rằng những thứ tranh cướp (hoặc chặt chém) với chính đồng bào của mình mới là thứ quý, mới mang lại cho họ "phúc, lộc, thọ" ?

Hỏi thế vì ngày Tết, ăn bát bún hoặc phở ở Hà Nội, có người bị "chém" với giá 100.000 đồng, nghe đồn tại Hà Nam còn có giá tới 200.000 đồng, giá trông giữ xe máy lên tới 20.000 đồng một xe.

Thói xấu ấy có phải là bản chất vốn có của một bộ phận dân cư hay nó sinh ra trong một xã hội mà nền tảng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng ? 

Trong một xã hội mà "một bộ phận không nhỏ" quan chức xem vơ vét công quỹ là lẽ sống, đến mức có vị tướng đã phải thốt lên :

"Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng ?".

Khi quan tham ở đâu cũng gặp mà đòi hỏi dân không tham thì thật là khó, vậy nên trước khi trách dân, có nên trách người nêu gương xấu cho dân học tập ?

Bên cạnh việc tranh cướp, chặt chém, cứ mỗi dịp Tết đến lại rộ lên chuyện "vác rá đi xin".

Năm 2016, Nghệ An thu ngân sách hơn 10.300 tỉ đồng, thế nhưng tỉnh này vẫn xin trung ương trợ cấp 1.700 tấn gạo - trị giá khoảng hơn 20 tỷ - số tiền này là quá nhỏ so với nguồn thu hằng năm của tỉnh nhưng "của chùa" tội gì mà không xin ?

So với chuyện tranh cướp lộc chùa, chuyện một số địa phương đến hẹn lại… đi xin cũng là một mảng tối trong bức tranh toàn cảnh mùa xuân.

Chắc chắn sẽ có những người tham gia cướp lộc cảm thấy xấu hổ, cảm thấy đã tự hạ thấp phẩm giá chính mình song những người năm nào cũng "xin gạo cho dân" có cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương ?

Có ai cho rằng phấn đấu không phải đi xin chính là một nét văn hóa mà con người văn minh cần phải hướng tới ?

Ngày xuân người Việt thường chúc nhau điều tốt lành, cũng có người chúc nhau gặp nhiều may mắn.

Hy vọng sẽ không xuất hiện trên mặt báo những hình ảnh xấu xí trong các lễ hội đầu xuân, hy vọng người ta đến chùa với tấm lòng thanh tịnh chứ không phải với tâm thế của người sẵn sàng cướp lộc

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 04/02/2017

Tài liệu tham khảo : 

[1] http://hanoimoi.com.vn/Media/Doi-song/794392/ha-noi-dot-400-ty-dong-vang-ma-moi-nam

[2] http://phatgiao.org.vn/van-hoa/201401/Nguyen-nhan-tuc-dot-vang-ma-13113/

***********************

Vụ nhà sư tung lộc ở chùa Hương : Văn hóa Phật giáo không phải để mua vui (Infonet, 04/02/2017)

Đoạn clip của một nhà sư tung lộc trong ngày khai hội Chùa Hương diễn ra hôm qua (2/2) khiến dư luận xã hội bức xúc. Hành động này cũng khiến các nhà sư khác không khỏi chạnh lòng.

lehoi2

Thượng tọa Thích Nhật Từ 

Văn hóa Phật giáo là văn hóa từ bi

Trao đổi với phóng viên Infonet, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trưởng ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc cướp lộc ở chùa Hương hay ở bất cứ lễ hội văn hóa nào thì chẳng những không thể mang lại may mắn mà ngược lại có thể dẫn đến sứt đầu mẻ trán, đánh đập, chà đạp thậm chí dẫm đạp nhau mà chết người như các lễ hội hành hương ở nước ngoài.

"Tôi cho rằng đã đến lúc nhân dân VN và những nơi tổ chức lễ hội phải có ý thức cộng đồng về việc xếp hàng như một văn hóa.

Việc phát lộc đầu năm ở các chùa như một truyền thống nhiều thế kỷ rồi, nhưng ở nhiều nơi làm bài bản - tất cả quần chúng phật tử phải hoan hỷ xếp hàng, ai xếp hàng trước nhận trước ai xếp hàng sau nhận sau. Để làm được công việc đó, nơi tổ chức phát lộc phải có bộ phận tổ chức tạo ra những đường tránh, ví dụ một làn 10 hàng đi lên, 10 hàng đi xuống để phát và nhận … có những cách thông thoáng làm sao vừa đảm bảo sự trang nghiêm của nhà chùa vừa đảm bảo an toàn cho người tiếp nhận lộc.

Điều này có thể nằm trong tầm tay được nhưng rất tiếc chúng ta chưa nghiêm túc trong việc tổ chức phát lộc chẳng hạn như ở Chùa Hương mới xảy ra hay cướp ấn ở đền Trần Nam Định rất phản cảm"- Thượng tọa Thích Nhật Từ nói.

Nói về hành vi tung lộc của nhà sư tại Chùa Hương, thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định, "không đúng với văn hóa phật giáo". Bởi, theo văn hóa phật giáo, lộc được trao tặng với thái độ trân trọng chứ không phải quăng đi.

Hình ảnh một người thầy quăng lộc, biểu cảm gương mặt vui mừng khi thấy người ta tranh giành, dẫm đạp lên nhau như vậy đi ngược lại thái độ nghiêm túc, trang nghiêm của văn hóa trao tặng của Phật giáo.

"Văn hóa Phật giáo là văn hóa từ bi chứ không phải mua vui. Trong từ bi là làm cho người ta thông cảm một cách sâu sắc với nỗi khổ niềm đau với người được trao tặng, còn nếu phát lộc là thông cảm với nguyện vọng chân thành của người đón nhận lộc, ở đó người thầy phải gửi đến với thái độ chân thành.

Người trao tặng cho người tiếp nhận niềm vui cái đó như sự may mắn. Người tiếp nhận cũng cảm thấy hân hoan vì đến chùa đầu năm nhận được lộc …Theo tôi đã đến lúc các nhà chùa khi tổ chức dù là lễ hội hay sinh hoạt văn hóa thông thường ở chùa mình cần tạo ý thức đó là văn hóa xếp hàng như là một văn hóa ứng xử" - Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.

Cần thay đổi ý thức

Đồng tình với quan điểm trên, Thương tọa Thích Thành Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội) cũng cho rằng, chuyện tranh cướp lộc phụ thuộc nhiều yếu tố.

"Việc phát lộc tồn tại nhiều năm và tranh cướp lộc nhìn thì thấy không hay nhưng đã tồn tại hàng trăm năm nay rồi. Nói như thế thì hơi võ đoán nhưng ở mình hay có chuyện tranh cướp lộc và một số cho rằng phải tranh cướp thế mới vui, phải tranh cướp thế mới có lễ để xin lộc. Việc tranh cướp lộc này tồn tại ở nhiều nơi, nhiều vùng không chỉ riêng ở Chùa Hương"- Thượng tọa Thích Thành Huân nói.

Quan điểm cá nhân của Thượng tọa Thích Thành Huân cho rằng "cho lộc và nhận lộc là cả vấn đề mà mình cần phải tổ chức thực hiện ra sao có ý nghĩa để người nhận trân trọng lộc ấy. Do đó, những lễ đông như vậy thì phải tính toán trước để cho người ta nhận lễ ở một nơi nào đó … giãn khoảng cách ra tránh hiện tượng tranh cướp".

"Nơi phát lộc, người nhận lộc cần có ý thức và mình thay đổi thói quen nhận lộc và cho lộc thể hiện nếp sống văn hóa đẹp. Bởi, cho và nhận lộc thể hiện trân trọng vật phẩm mình cho và mình nhận nên cần thành kính trang nghiêm. Nếu nhìn vào chiều sâu, việc tranh cướp lộc chẳng hay. Nếu tạo hình thức để chơi vui thì cũng được nhưng vui tranh cướp nó khác chuyện thực sự muốn tranh cướp để được phần lộc đó, phần quà đó mà tranh với người khác xảy ra chuyện xô đẩy nhau thậm chí ngã, tử vong thì hoàn toàn không hay"- thượng tọa Thích Thành Huân lưu ý.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo thượng tọa Thích Thành Huân là do ý thức của người dân chưa cao. Do đó, trước khi diễn ra lễ hội Ban tổ chức phải lường trước, tính đến giải pháp ban phát lộc một cách tốt nhất.

"Chúng tôi thường phân ra nhiều người phát… làm sao không trở thành tranh cướp, xô bồ, huyên náo trong nơi thực hiện nghi lễ nhất là chỗ tôn nghiêm càng không nên.

Cái này đòi hỏi nhiều người cùng chung ý thức, phải cải tiến… nếu không lường trước chuyện đó đáng ra rất vui, hay trở thành phản cảm, nhìn sâu hơn nữa thấy văn hóa không lành mạnh. Ở đây còn nhiều vấn đề tồn tại trong nghi lễ và cách ứng xử với nghi lễ của người dân mình nên khi hành lễ cả Ban tổ chức và quần chúng phải có cách chuyển đổi làm sao trang nghiêm.

Ở Chùa Hương có thể Ban tổ chức không lường trước được cũng có thể cứ quen như thế nên trở thành chuyện không hay. Theo tôi nghi lễ phát lộc nên trang trọng, người cho lộc và người tiếp nhận lộc dù là lộc gì đi nữa bên cho và nhận cần thành kính nhất là lộc gắn với nghi lễ thiêng liêng. Để làm sao người nhận được lộc ấy nhận được nhiều chứ không chỉ vật tượng trưng như thế. Tuy rằng mất thời gian hơn nhưng họ cảm thấy có ý nghĩa và chiều sâu hơn sau khi nhận lộc" - Thượng tọa Thích Thành Huân nói.

Đưa ra giải pháp, Thượng tọa Thích Thành Huân cho rằng, Ban tổ chức có thể chia thành nhiều điểm thậm chí khi nhận lộc phải tĩnh lặng. Nếu số lượng ít có thể cho từng người một để làm sao tất cả cùng thấy nhiều niềm vui hơn là việc cầm tung như thế rất phản cảm dù đó là thứ lộc gì.

Nhà sư tung lộc đã bị phạt

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2017 khẳng định, việc tung lộc của sư thầy Thích Đạo Trụ trong ngày khai mạc là sai và đã bị nhắc nhở.

Theo ông Hậu, trong kế hoạch khai hội chùa Hương năm 2017 không hề có chương trình phát lộc cho các phật tử, du khách về dự. Còn thời điểm diễn ra sự việc, các lãnh đạo, đại biểu đang làm lễ ở trong chùa nên không biết bên ngoài đang phát lộc.

"Khi sư thầy Thích Đạo Trụ phát lộc cho các du khách thì lúc đó lễ khai hội đã diễn ra xong. Lộc được phát là biểu tượng Phật bà làm bằng nhựa có dây đeo. Đầu tiên nhà sư phát một cách bình thường, đưa cho từng người, nhưng sau đó đám đông hiếu kỳ, chen lấn xô nhau. Và khi thấy cảnh tượng đó thì nhà sư đã tung lộc ra cho mọi người. Việc phát lộc nếu diễn ra đúng lúc, đúng chỗ, hình thức phát một cách trang trọng thì không có vấn đề gì. Còn việc sư Trụ tung lộc như vậy là sai", ông Hậu nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cũng thông tin thêm, ngay sau khi đoạn clip và những hình ảnh về việc tung lộc được đưa lên, ông đã có văn bản gửi Thượng toạ Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương, Phó Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017.

"Tôi đã đề nghị Thượng tọa Thích Minh Hiền chấn chỉnh lại sư Trụ, cần rút kinh nghiệm và không để xảy ra những việc nằm ngoài chương trình lễ hội, tạo ra những hình ảnh không đẹp. Chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu sự Trụ kiểm điểm, giải trình. Về phía nhà chùa, Trụ trì Thích Minh Hiền đã yêu cầu sư Trụ sám hối, phạt quỳ hương ngay từ đêm 2/2", ông Hậu nêu rõ.

Đồng thời, ông Hậu cũng khẳng định : "Việc phát lộc nếu ở một thời điểm và hoàn cảnh thuận lợi thì không sao nhưng để xảy ra cảnh tranh giành thì phải rút kinh nghiệm. Năm sau, chúng tôi kiên quyết không để tái diễn cảnh tượng trên".

Trong khi đó, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cũng trao đổi với báo giới, đơn vị này đã lập đoàn kiểm tra để xem xét cụ thể về sự việc để có hướng xử lý.

N. Huyền

Additional Info

  • Author Xuân Dương
Published in Diễn đàn