Cách đối phó với đại dịch Covid-19 của Trump làm cho thanh danh nước Mỹ trên thế giới xuống mức thấp nhất
Simon Tisdall
Những chuyên gia về bang giao quốc tế cảnh báo rằng thất bại về chính sách có thể gây ra thiệt hại lâu dài khi tổng thống xúc phạm đến các đồng minh và làm suy yếu những khối liên minh.
Tổng thống Donald Trump trả lời một câu hỏi về bệnh viện và nhân viên y tế tuyến đầu báo cáo tình trạng thiếu khẩu trang và xét nghiệm coronavirus. Ảnh : Yuri Gripas / Reuters
Cách đối phó của Donald Trump đối với đại dịch coronavirus, từng bị ông coi là một tin bịa đặt, đang bị chỉ trích một cách dữ dội ở trong nước, không thỏa đáng tới mức vô trách nhiệm.
Tuy nhiên, nhờ khá nhiều vào Trump mà thế giới biết đến một thảm họa thứ hai cũng đang diễn ra : thanh danh của Hoa Kỳ như một quốc gia lãnh đạo thế giới và đối tác viên an toàn, đáng tin cậy, đủ khả năng, đang tàn lụi.
Đây là hai thất bại của Trump. Về mặt ngoại giao, nước Mỹ đang được cấp cứu bằng máy trợ sống.
Ông Stephen Walt, Giáo sư về bang giao quốc tế tại Harvard University, nhận xét : "Phản ứng tự tôn, bừa bãi, làm ngơ của chính quyền Trump đối với đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho công chúng Hoa Kỳ phải trả giá hàng ngàn tỉ Mỹ kim và hàng ngàn người chết đáng nhẽ có thể tránh được". Ông nói tiếp : "Nhưng đó không phải là thiệt hại duy nhất mà Hoa Kỳ phải chịu đựng. Thay vì làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, sự thất bại lớn lao về chính sách sẽ làm ô uế thanh danh của một nước từng biết cách làm việc có hiệu quả".
Giáo sư Walt cảnh báo sự thay đổi bất lợi này có thể vĩnh viễn. Kể từ khi lên nắm quyền vào 2017, Trump đã xúc phạm đến những người bạn của Hoa Kỳ, làm suy yếu những khối đồng minh đa phương và chọn phương pháp đối đầu thay vì hợp tác. Trừng phạt, cấm vận, tẩy chay nhắm vào Trung Quốc, Iran và Châu Âu gây chia rẽ trên thế giới.
Trong phần lớn các trường hợp, những nhà lãnh đạo ngoại quốc thường bị bêu xấu hay bị chỉ trích như Angela Merkel của Đức, đã lắng nghe một cách lịch sự, chịu đựng để bảo tồn quan hệ rộng lớn hơn.
Angela Merkel và Donald Trump tại một cuộc họp báo chung trong Phòng phía Đông của Nhà Trắng vào tháng 3 năm 2017. Ảnh : Jonathan Ernst / Reuters
Nhưng sự thiếu khả năng và thiếu lương thiện trong việc đương đầu với đại dịch, đã làm cho những quan sát viên ngoại quốc cũng như công chúng Hoa Kỳ nghẹt thở vì kinh ngạc, chứng tỏ sự việc đi quá xa.
Hành vi thất thường, được khoan nhượng trong quá khứ, bây giờ được xem là rõ ràng nguy hiểm. Ít nhất đối với nhiều người ở Châu Âu, lâu nay giản dị là Trump không có thể được tin cậy. Bây giờ ông ta được xem như một mối đe dọa. Không phải chỉ là khả năng lãnh đạo thất bại. Mà còn về những hành động công khai thù nghịch, thiếu thận trọng.
Phản ứng giận giữ ở Đức đã xẩy ra sau khi 200.000 khẩu trang dự trù chuyên chở về Berlin đã bị mất tích một cách bí mật tại Thái Lan và được biết là bị chuyển hướng đi Hoa Kỳ. Đây là một câu chuyện liên hệ cần nêu lên. Không có bằng chứng cụ thể nào Trump đã chấp nhận vụ ăn cướp này. Nhưng đây là một điều mà ông ta có thể làm – hay người ta tin như vậy.
Ông Andreas Geisel, một chính trị gia hàng đầu ở Berlin, nói : "Chúng tôi xem đây là một hành động ăn cướp hiện đại. Đây không phải là cách đối xử với những cộng tác viên xuyên Đại Tây Dương. Ngay cả trong những khi có cuộc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta cũng không nên dùng những phương kế của thời Miền Tây hoang dã".
Đáng kể là Merkel không dành cho Trump một nghi ngờ nào.
Những người Châu Âu đã bị xúc phạm bởi việc Trump muốn có độc quyền để sản xuất thuốc chủng coronavirus đang phát triển tại Đức. Thí dụ mới nhất về sự ích kỷ quốc gia đã làm tăng sự tức giân toàn thể Liên Hiệp Châu Âu về lệnh Trump cấm du lịch ban hành vào tháng trước mà không tham khảo hay chứng minh khoa học.
Thiệt hại uy tín của Hoa Kỳ không chỉ giới hạn ở Châu Âu. Thông cáo chung của khối G-7 về đại dịch đã không thành công vì Trump kiên quyết đòi hỏi phải gọi đó là "Wuhan virus" – cách thô lỗ của Trump để đổ tất cả lỗi cho Trung Quốc.
Hành động quốc tế cũng bị cản trở tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì sự chống đối của Hoa Kỳ về từ ngữ.
Trump không cần biết đến những lời kêu gọi thành lập lực lượng đặc nhiệm hay liên minh. Ông ta xem ra không chú ý đến thảm họa đang đè xuống hàng triệu người tại những nước đang phát triển.
Ông Christoph Schult đã bình luận trên tờ báo Der Spiegel như sau : "Trump chủ trương chống lại chính sách đa phương đã làm cho ngay cả những phương thức như G-7 cũng không còn hoạt động được nữa. Xem ra coronavirus đang tàn phá những vết tích sau cùng của trật tự thế giới".
Melania Trump hôn thủ tướng Canada Justin Trudeau, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz (Pháp) tháng 8 năm ngoái. Ảnh : Carlos Barría / Reuters
Những buổi tường thuật thu hình siêu thực về Covid-19 đã làm thiệt hại thêm uy tín của lãnh đạo Hoa Kỳ. Trump đều đặn truyền bá những tin tức sai lầm hay không chính xác, dự đoán theo linh cảm, tranh luận với phóng viên và mâu thuẫn với những chuyên viên khoa học và y tế.
Trong khi công khai từ chối giúp đỡ những quốc gia khác, Trump đã kín đáo nhờ những đồng minh Châu Âu và Châu Á trợ cấp – ngay cả những nước như Nam Hàn, mà trước đây ông từng mắng nhiếc. Và ông ta tiếp tục bôi bẩn Tổ chức Y tế Thế giới trong việc tìm kiếm con dê tế thần.
Đối với cả thế giới đang chăm chú theo dõi, Hoa Kỳ thiếu sót một hệ thống y tế công bình và phí tổn phải chăng, đang chứng kiến sự giành giật gay go những thiết bị y tế giữa các tiểu bang, tỉ lệ tử vong khác biệt giữa những sắc dân thiểu số, những luật lệ rối loạn về cách biệt xã hội, không có sự phối hợp trung ương. Đây là những hình ảnh của một nước nghèo, đang phát triển, chứ không phải một nước mạnh và có ảnh hưởng nhiều nhất trên trái đất.
Đây là một chứng cớ mà Hoa Kỳ xem ra đang ở trong một tiến trình dẫn đến sự thất bại - Việc mất địa vị, uy tín, kính trọng có thể chứng tỏ không đảo ngược lại được. Sự sụp đổ nội bộ phơi bầy bởi đại dịch, và sự nhận thức của thế giới về sự ích kỷ và thiếu khả năng của Hoa Kỳ có thể thay đổi mọi thứ. Theo giáo sư Walt, Trump đang chủ tọa "một sự thất bại về cá tính chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ".
Liệu công chúng Hoa Kỳ có nhận thức ra đạo đức cũng như chứng khoán của quốc gia giảm xuống bao nhiêu ? Có thể trong tình trạng cực kỳ căng thẳng hiện nay, điều nay xem ra không quan trọng. Nhưng nó sẽ quan trọng sau này - đối với họ và đối với sự cân bằng quyền lực quốc tế trong tương lai.
Ông Heiko Maas, Ngoại trưởng của Đức, nói rằng ông hi vọng cuộc khủng hoảng sẽ buộc Hoa Kỳ nghiên cứu lại chính sách "nước Mỹ trước hết" xem có thật sự tiến triển hay không. Phản ứng của chính quyền Trump rất chậm chạp. Chấm dứt những mối quan hệ quốc tế phải trả một giá rất đắt.
Sự tức giận lâu dài đối với việc Hoa Kỳ thiếu hành động trong cuộc chiến chống coronavirus của năm 2020 sẽ có thể thay đổi cách thế giới vận chuyển.
Simon Tisdall
Nguyễn Quốc Khải dịch
(12/04/2020)