Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đại học phía Bắc dùng ảnh cờ Tàu, phía Nam dùng ảnh lính Mỹ : đâu là ý Đảng, đâu là lòng dân ?

Phạm Hưng, Thoibao.de, 26/12/2022

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao việc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ sở Từ Sơn, Bắc Ninh, sử dụng áp phích in cờ Trung Quốc để cổ động cho ngày 22/12, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Áp phích này bị sinh viên của trường chụp hình tung lên mạng và lập tức làm dậy sóng.

cotau1

Pano của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dùng cờ Tàu

Ở chiều ngược lại, trang Trung tâm Đông Lào – IPC phát hiện ra, trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc – Lâm Đồng đã dùng hình ảnh lính Mỹ minh họa cho banner chào mừng ngày 22/12 trên fanpage của trường.

cotau2

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc – Lâm Đồng đã dùng hình ảnh lính Mỹ minh họa cho banner chào mừng ngày 22/12 trên fanpage của trường

Cả hai trường hợp này đều bị phát hiện, Ban Giám hiệu Nhà trường phủ nhận vai trò liên quan và đổ lỗi cho người thực hiện. Sai lầm của phía Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội do Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh thực hiện. Hai cá nhân để xảy ra sai sót này là Phó Chủ nhiệm khoa Giáo dục Quốc phòng An ninh Trịnh Mạnh Hùng và nhân viên Phòng Quản trị B Ngô Văn Công. Phía trường Đại học Tôn Đức Thắng là do sinh viên tự ý làm.

Một số người thắc mắc rằng, tại sao trong trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại có một khoa chẳng liên quan gì đến kinh doanh, như khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Khoa này là khoa mang đậm chất chính trị và là nơi truyền đạt những giá trị của Đảng cộng sản. Việc dùng cờ Trung Quốc để làm nền cho pano cổ động đã thể hiện rõ ý của Đảng như thế nào.

Hình ảnh lính Mỹ trên banner chào mừng ngày 22/12 được đăng trên fanpage của trường Đại học Tôn Đức Thắng là do sinh viên tự làm. Như vậy việc dùng lá cờ Trung Quốc cho thấy phần nào ý Đảng và việc dùng hình ảnh lính Mỹ cho thấy phần nào suy nghĩ của giới sinh viên hiện nay.

Theo Tàu hay thân Mỹ là sự tranh cãi không có hồi kết. Bởi những người yêu Đảng, yêu Bác, thường là những người thân Tàu, chấp nhận những giá trị mà phương Bắc áp đặt. Nhóm dư luận viên mà Đảng cộng sản lập ra để vào các trang Facebook phê phán chế độ chọc phá, đều là thành phần yêu Đảng yêu Bác điển hình. Thành phần này có tư tưởng bị "nhiễm độc" bởi bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Đảng.

Ngày nay là thời đại 4.0, là thời kỳ thế giới phẳng, mọi thông tin đều có thể tiếp cận dễ dàng. Vì vậy, không ít học sinh sinh viên đã "vượt rào", tìm đọc những thông tin mà chính quyền ngăn chặn. Chính quyền cộng sản luôn xưng với Trung Quốc là anh em và luôn dạy học sinh rằng, Mỹ là đế quốc "cướp nước ta". Tuy nhiên, thực tế Mỹ không hề chiếm của Việt Nam một tấc đất nào, nhưng Việt Nam thì lại mất quá nhiều đất và biển về tay "người anh em phương Bắc".

Vụ dùng cờ Trung Quốc in pano cổ động và dùng hình ảnh lính Mỹ làm banner kỷ niệm cho ngày 22/12 đều được đa số đánh giá là, không phải vô tình. Bởi đây là vấn đề lớn, và những người thực hiện các pano và banner kia, không thể không ý thức về những hình ảnh vô cùng nhạy cảm này.

Hình ảnh lính Mỹ được sử dụng trong các sự kiện của chính quyền cộng sản thì chưa từng thấy trước đây. Nhưng hình ảnh cờ Trung Quốc được sử dụng rất nhiều lần, suốt từ năm 2011 cho đến nay. Cho nên, khó có ai nghĩ rằng, sự cố của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là sơ ý.

Đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam là rất rõ ràng. Họ dùng thể chế kinh tế lai tạp mà chính quyền này gọi là "Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa" để làm ăn với Mỹ kiếm đô la. Đô la Mỹ đang là cứu cánh rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Còn đường lối chính trị thì kiên định theo mô hình Trung Quốc.

Việt Nam tồn tại được ngàn năm khi nằm kế bên ông Trung Quốc Đại Hán, là do ý thức kháng Tàu đã ăn sâu vào tiềm thức dân tộc này. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, dân tộc Việt Nam đang bị Đảng cộng sản cai trị và họ quyết tâm bẻ lái, buộc dân Việt phải theo Tàu. Tuy nhiên, việc bẻ lái này không hề dễ dàng và luôn gặp phải sự chống đối, khi ngấm ngầm, lúc bùng phát mãnh liệt.

Phạm Hưng (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 26/12/2022

******************************

Nguy to ! Chào mừng ngày thành lập Quân đội bằng cờ Tàu. Tấm gương ông Tổng được thắp lửa ?

Lưu Ly, Thoibao.de, 23/12/2022

Lá cờ có một ngôi sao lớn ở trung tâm và 4 ngôi sao nhỏ xung quanh là cờ của nhà nước cộng sản Trung Quốc. Ngôi sao lớn là đại diện cho dân tộc Hán, 4 ngôi sao nhỏ là đại diện cho các dân tộc nhỏ bị dân tộc Hán khuất phục. Ngay trong lá cờ, Đảng cộng sản Trung Quốc đã xem dân tộc Hán của họ là vua, thì điều đó có nghĩa là, họ xem nhẹ những gì không phải là Hán.

cotau3

Ngôi sao lớn là đại diện cho dân tộc Hán, 4 ngôi sao nhỏ là đại diện cho các dân tộc nhỏ bị dân tộc Hán khuất phục.

Việc kết thân với một chính quyền có tư tưởng đế quốc như Đảng cộng sản Trung Quốc là một mối nguy cho dân tộc. Thác Bản Giốc đã mất, Hoàng Sa và một phần Trường Sa cũng mất. Việt Nam đã mất rất nhiều thứ khác nữa từ khi Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc kết nghĩa anh em, mà không bao giờ gọi nhau là đồng minh hay đối tác. Kết anh em là bất bình đẳng, Trung Quốc luôn xem họ ở thế anh cả. Vì thế, năm 1979, họ đã xua hơn nửa triệu quân qua biên giới phía Bắc, tàn sát thường dân Việt Nam, hòng cướp nước ta.

Từ Hội nghị Thành Đô năm 1990, Đảng cộng sản Việt Nam cầu xin được bang giao trở lại với Đảng cộng sản Trung Quốc, và từ đó, đất nước chịu thêm những mất mát nữa. Hiệp định Biên giới năm 1999 được hai đảng ký kết trên đầu dân tộc, làm cho đường biên giới phải vẽ lại. Thác Bản Giốc đã mất từ đấy. Thêm nữa, vào năm 2000, Hiệp định Phân chia Vịnh Bắc Bộ đã làm cho lãnh hải Việt Nam thu hẹp. Đó là những bước lùi.

cotau4

Cờ Trung Quốc vào sách giáo khoa

Ngày 21/12/2011, ông Tập Cận Bình khi đó là Phó Chủ tịch nước đến thăm Việt Nam. Lúc đó, ai cũng biết, ông Tập sẽ là Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước thay cho ông Hồ Cẩm Đào vào Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Ở lần thăm viếng đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho đón tiếp ông Tập Cận Bình với những lá cờ có đến 6 ngôi sao. Ai cũng biết quốc kỳ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ có 5 ngôi sao. Ngôi sao nhỏ được thêm vào đó, được ngầm hiểu là tượng trưng cho dân tộc Việt. Đây không phải là chuyện đùa.

Sau lần đó, trên VTV và các chương trình khác cũng có xuất hiện cờ 6 sao. Ngoài ra, trong giáo trình sách tập đánh vần cho trẻ em mầm non cũng có in cờ Trung Quốc. Nói chung, rất nhiều lần lặp đi lặp lại điều này thì không thể gọi là "nhầm" được.

Ngày 20/12, mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh tấm pano của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, phông nền bên trên ghi tên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, bên dưới là Khoa Giáo dục, Quốc phòng và An ninh chào mừng 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022) ; 33 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2022) ; 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (12/1972 – 12/2022). Thế nhưng, ngay góc trên bên trái của phông nền lại in nền là quốc kỳ Trung Quốc.

cotau3

Chào đón ngày thành lập Quân đội bằng cờ Trung Quốc

Trước bão dư luận, đại diện trường nói với báo giới trong nước, nơi treo pano trên là cơ sở 2 trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nằm ở TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Qua xác minh ban đầu đã xác định được, một người ở Khoa Giáo dục, Quốc phòng và An ninh, và một người ở Phòng Quản trị đã in tấm pano này. Sự việc được sinh viên chụp lại đưa lên mạng xã hội. Được biết, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với hai cán bộ trên.

Việc đem con tốt ra thí là chuyện phải làm. Việc lén lút dùng lá cờ 6 sao, việc đưa cờ Trung Quốc vào các hoạt động của chính quyền, và thậm chí sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò đầy nhan nhản. Không thể có chuyện nhầm lẫn khi mà sự việc cứ lặp đi lặp lại từ năm này đến năm khác được.

Chính sách ngoại giao của Đảng cộng sản là gì làm sao giấu được dân ? Việt Nam mất mát gì với "bạn vàng" của Đảng thì làm sao giấu được dân. Cho nên, khó có ai tin đấy là "nhầm lẫn".

Lưu Ly (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 23/12/2022

Additional Info

  • Author Phạm Hưng, Lưu Ly
Published in Diễn đàn