Thấy ông Phùng Xuân Nhạ giải thích "linh tinh" trên báo chí về vụ nhiều học sinh đậu điểm tối đa (30/30) vẫn bị loại, thấy là công cuộc "đi trước đón đầu công nghiệp 4.0" của Việt Nam đã hoàn toàn thất bại.
Mà đó là chuyện tương lai xa.
Điểm chuẩn vào các trường công an, quân đội năm 2017 cao kỷ lục
Chuyện "gần" là ông Nhạ không thể trả lời các câu hỏi vì sao học sinh đạt điểm tối đa mà vẫn bị loại ? Vì sao ngành công an thì thu hút học sinh như ruồi bu dĩa mật ong. Còn ngành sư phạm thì chưa bao giờ mà "rẻ hơn bèo" như vậy ?
Ông Nhạ không trả lời, nhưng ai cũng biết đó là hệ quả của chế độ "điểm cộng".
Ông Nhạ giải thích "chế độ điểm cộng" như sau : "đó là chủ trương tốt và đầy nhân văn, không chỉ ở nước ta mà nước khác cũng áp dụng".
Ông Nhạ hoặc là nói dối, hoặc là bóp méo vấn đề.
Trên thế giới (văn minh) chẳng có nước nào áp dụng chế độ "điểm cộng" như Việt Nam hết cả.
Trong xã hội, đâu cũng vậy, luôn có một số (rất nhỏ) học sinh bị tàn phế, do bẩm sinh hay do tai nạn, khiến cho hệ thần kinh các em phát triển không như bình thường. Để thiết lập sự "công bằng về cơ hội", người ta nâng đỡ các em này, bằng cách cho đề thi dễ hơn, hay được "vớt điểm" trong các kỳ thi. Tức là, thí dụ được 10/20 điểm mới đủ tiêu chuẩn đậu. Thì các em này chỉ cần 8/20 điểm là đậu.
Một số trường đại học khác (như bên Mỹ) có "chế độ điểm cộng" cho các em có thành tích xuất sắc như về thể thao v.v...
Hôm trước tôi có viết bài ngắn nói là "chế độ lý lịch" của Việt Nam chưa bao giờ chấm dứt.
Tôi có giải thích rằng, vì thời gian 4 thế hệ (đào tạo) đã qua, phiếu "sơ yếu lý lịch" đã không còn hữu dụng để "loại bỏ" những thành phần "ngụy dân" cũ. Dựa vào "lý lịch" người ta không thể phân biệt được cha, mẹ, nội, ngoại… của học sinh có thuộc về thành phần "mầm mống chống đối" hay không. Tôi cũng nói đồng bằng sông Cửu long là "vùng trũng giáo dục" là do hệ quả của chế độ "lý lịch".
Vì vậy chế độ lý lịch được thay thế bằng chế độ "điểm cộng".
Thành phần được "điểm cộng" là thành phần ưu tiên, "những hạt giống đỏ" của chế độ.
Do chế độ "điểm cộng" mà các em học sinh được điểm tối đa (30/30) bị loại ra các trường đại học.
Số học sinh được "điểm cộng" trúng tuyển vào các trường đại học lên đến trên 90% số học sinh được tuyển.
Có người lên tiếng đề nghị các học sinh được điểm tối đa (mà bị loại) nên "đi kiện" để đòi việc "công bằng về cơ hội" được thiết lập.
Điều này khả thi. Vấn đề là kiện ai ?
Theo tôi, cốt lõi là cần tìm hiểu "chế độ điểm cộng" có là một nghị quyết của nhà nước, hay là một "chỉ thị miệng" ?
Nếu "chế độ điểm cộng" là một "chính sách của nhà nước", với những tiêu chí rõ rệt, thì không thể đi kiện "nhà nước" được.
Các em có thể làm đơn tập thể khiếu nại về "kết quả tuyển chọn". Muc đích đưa ra ánh sáng các học sinh được điểm cộng có đúng tiêu chuẩn mà nhà nước đã định hay không ?
Tôi dám chắc là 90% điểm cộng (của các em trúng tuyển) không đúng tiêu chuẩn của nhà nước.
Ông Trọng đang hô hào "lò đang nóng", thì rõ ràng đây là dịp để diệt trừ tham nhũng trong bộ phận giáo dục.
Về vụ "đi trước đón đầu", dầu là tương lai xa nhưng cũng nên nói một lời.
Ông Nhạ nói rằng "trong điều kiện thế giới thay đổi nhanh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ thì xu hướng ngành học càng thay đổi nhanh chóng".
Điều này không ai phản bác. Các nước tiên tiến ở đâu cũng vậy. Người ta phỏng đoán có tới 7 (trên 10) các ngành nghề tương lai chưa xác định được.
Vấn đề là Việt Nam ngành công an "đắt khách" như chưa bao giờ.
Hỏi ông Nhạ : Không lẽ ngành công an là "đầu tàu" dẫn dắt Việt Nam "đi vào công nghiệp 4.0" ?
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 11/08/2017