Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam : Nắm cơ hội, sửa điểm yếu để thu hút doanh nghiệp rời Trung Quốc

Eric Mottet, RFI, 24/08/2020

Việt Nam được cho là một địa điểm lý tưởng đối với các doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau khi cả thế giới chứng kiến cảnh chờ được phân phối thiết bị y tế, hay nẫng tay trên khẩu trang của nhau ngay trên đường băng ở Trung Quốc trong đợt dịch Covid-19, và tiếp theo là chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" như ban ơn của Bắc Kinh.

nam1

Nhà máy Vsmart sản xuất máy trợ thở, thuộc tập đoàn Vingroup, ngoại ô Hà Nội, Việt Nam. Ảnh minh họa chụp ngày 03/08/2020.  Reuters - Kham

Hàng loạt quốc gia khuyến khích doanh nghiệp của họ chuyển hoạt động về nước hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đầu tháng 08/2020, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất máy tính và điện thoại di động cuối cùng ở Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Tương tự, hai tập đoàn tin học Đài Loan Pegatron và Inventec dự kiến mở nhiều nhà máy, Google tính sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, Microsoft sản xuất máy tính xách tay, Apple cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, 15 trên 30 doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ chi phí để ra khỏi Trung Quốc, đã chọn chuyển sang Việt Nam, tập trung chủ yếu vào sản xuất dụng cụ y tế…

Việt Nam có thể khai thác được lợi thế gì và phải cải thiện những điểm nào để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn, cũng như thu hút thêm đầu tư trực tiếp của nước ngoài ? RFI tiếng Việt phỏng vấn giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.

-------------------

nam2

Giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.  © RFI tiếng Việt / Eric Mottet

RFI :Dịch Covid-19 vừa cho thấy thế giới phụ thuộc quá lớn vào "công xưởng" Trung Quốc. Điều này dường như thúc đẩy nhiều doanh nghiệp quốc tế chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Xin giáo sư cho biết, so với Trung Quốc và các nước trong ASEAN, Việt Nam có tiềm năng gì ?

Eric Mottet : Việc nhiều nhà máy Châu Á, kể cả Trung Quốc, chuyển sang Việt Nam không phải là hiện tượng mới. Ngay đầu những năm 2010, nhiều nhà máy của Hàn Quốc và Đài Loan và một số nhà máy của Trung Quốc đã chuyển cơ sở đến Việt Nam. Nhưng hiện tượng này tăng tốc từ năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu và ngày càng gia tăng từ năm 2020 trong đợt dịch Covid-19. Chúng ta thấy các chuỗi sản xuất đang được tổ chức lại tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện tại, sau Singapore, Việt Nam là nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều nhất ở Đông Nam Á, cao hơn các nước Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan. Vốn đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và giờ đến lượt các công ty Mỹ vì các doanh nghiệp này bắt đầu rời Trung Quốc và chuyển đến Việt Nam.

Vậy Việt Nam có những lợi thế và tiềm năng gì để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ? Chúng ta đều biết những yếu tố thuận lợi đầu tiên như lực lượng lao động trẻ và đông đảo, giá nhân công trung bình thấp hơn 2 đến 3 lần so với Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn có nền kinh tế phát triển mạnh và là một trong những nước có tăng trưởng cao nhất trong vùng. Theo thẩm định, bất chấp đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam tăng 2-3%. Đây là một tỉ lệ đáng kể vì có rất ít nước trên thế giới có thể đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Việt Nam cũng là nước có thị trường nội địa với tiềm năng lớn. Chính vì thế, tất cả các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đều hy vọng chinh phục được thị trường có 100 triệu dân, hiện vẫn chưa phát triển nhiều.

Một yếu tố khác, rất quan trọng, đó là Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại, xóa bỏ thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại với nhiều nước, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký năm 2018, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) với Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 08/2020. Ngoài ra còn phải kể đến sự hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhiều thỏa thuận với Nhật Bản hoặc với Hàn Quốc đang được đàm phán.

Có thể nói Việt Nam có nền kinh tế rất mở. Theo tôi, Việt Nam có thể tận dụng được cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và có tiềm năng phát triển rất lớn ở Đông Nam Á.

RFI :Dịch Covid-19 đã đẩy cơ hội đến với Việt Nam nhanh hơn nhưng cũng có phần đột ngột. Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để nắm bắt thời cơ này chưa ? Hà Nội phải đáp ứng những thách thức về cơ sở hạ tầng, chính trị, quy định về điều kiện lao động nào ?

Eric Mottet : Điều mà cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 cho thấy rõ, đó là các nước phương Tây phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Vì thế, chúng ta thấy hiện nay Hoa Kỳ và Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp của họ rời Trung Quốc sang những nước khác, trong đó có Việt Nam. Hà Nội có rất nhiều cơ hội lớn và chính phủ hiểu rõ điều này.

Theo tôi, cơ hội mà Việt Nam có thể và sẽ nắm lấy, đó là trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất dụng cụ bảo hộ cá nhân, như khẩu trang, găng tay và các kiểu dụng cụ bảo hộ y tế. Việt Nam đã không lầm về điểm này : Chính phủ vừa mới thông báo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe, tầm nhìn đến năm 2030. Dĩ nhiên mục đích là tăng xuất khẩu, nhưng cũng nhằm cải thiện nhu cầu ở trong nước.

Việt Nam có một mục tiêu rất rõ, được hình thành từ khi xảy ra dịch Covid-19, đó là biến sản xuất dụng cụ y tế thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế Việt Nam ; hai lĩnh vực khác là ô tô và điện tử với hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung, LG… sản xuất tại Việt Nam. Và Việt Nam có tham vọng trở thành một nhà sản xuất lớn, một giải pháp thay thế cho tất cả những gì liên quan đến dụng cụ y tế.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm nhỏ mà Việt Nam còn phải hoàn thiện. Cần nhắc lại là có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất dụng cụ y tế ở Việt Nam nhưng đó là những doanh nghiệp nhỏ, bị phân tán và điều này đặt ra vấn đề về khâu kiểm soát chất lượng vì dụng cụ y tế phải chịu rất nhiều quy định nghiêm ngặt, rất khó được cấp giấy chứng nhận, đặc biệt là nếu muốn xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Đây là điểm đầu tiên cần phải lưu ý. Có nghĩa là phải có dây chuyền sản xuất đạt chất lượng cao hoặc phải cải thiện chất lượng để có thể xuất khẩu được loại mặt hàng đặc biệt này.

Tiếp theo, một số vấn đề vẫn tồn tại ở Việt Nam, đó là thiếu hạ tầng giao thông, thiếu công trình cảng biển để chuyên chở hàng ra khắp thế giới. Ví dụ, hiện tại giá vận chuyển một container từ Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh sang một nước nào đó trên thế giới cao gấp 2 đến 3 lần so với giá xuất một container tương tự từ Trung Quốc.

Ngoài ra còn phải nhắc đến vấn đề về năng lượng. Nếu họ muốn xây dựng các nhà máy sản xuất dụng cụ y tế quy mô lớn thì phải giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng vẫn xảy ra ở Việt Nam và phải có được một chính sách năng lượng thực sự mà hiện vẫn còn thiếu.

Cuối cùng, chúng ta biết một số vấn đề khác ở Việt Nam, như tình trạng thiếu minh bạch, tham nhũng, hệ thống ngân hàng thiếu vững chắc… Đúng là Việt Nam hiện có một cơ hội rất lớn để thay thế Trung Quốc ở một số lĩnh vực kinh tế nhưng cũng còn nhiều vấn đề và trở ngại mà nước này phải vượt qua.

RFI : Đợt Covid-19 thứ hai ở Việt Nam lan rộng hơn và gây chết người hơn so với đợt thứ nhất. Liệu đây có phải là một trở ngại trong khi Việt Nam được coi là một điểm đến đáng tin cậy sau khi khống chế thành công đợt dịch đầu ?

Eric Mottet : Có điều thú vị là cả thế giới theo dõi cách xử lý dịch của Việt Nam và nhận thấy rằng chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ để phòng ngừa Covid-19 vì đất nước đã có kinh nghiệm xử lý dịch SARS năm 2003. Chúng ta cũng thấy là chính phủ đã phản ứng rất nhanh chóng : ngay từ tháng Hai, ngừng tất cả các chuyến bay với Trung Quốc, đóng cửa trường học, đóng cửa biên giới với Trung Quốc và các nước láng giềng, triển khai hệ thống truy vết mọi tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, áp dụng cách ly nghiêm ngặt. Nhờ đó, đợt dịch thứ nhất đã được xử lý rất tốt.

Nhưng đợt dịch thứ nhất cũng đặt ra một vấn đề : Chính phủ Việt Nam đã phản ứng quá nhanh, kể cả việc gần như đóng cửa hoàn toàn đất nước và điều này gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, Việt Nam hướng đến tăng trưởng khoảng 7% cho năm 2020 và hiện giờ kỳ vọng vào khoảng 2-3% nếu mọi chuyện ổn thỏa.

Nếu xảy ra đợt dịch thứ hai, tôi cho rằng chính phủ sẽ phản ứng bớt kịch liệt hơn, bớt nghiêm ngặt hơn và sẽ áp dụng biện pháp đóng cửa có chủ đích, cũng như làm mọi cách để duy trì hoạt động kinh tế. Tôi nghĩ là Việt Nam sẽ không lặp lại những sai lầm như trong đợt dịch thứ nhất, có nghĩa là sẽ áp dụng phong tỏa và giãn cách xã hội, vẫn nghiêm ngặt nhưng cục bộ, mà không tác động đến cả nước. Theo tôi, về mặt kinh tế, Việt Nam sẽ vượt qua nếu xảy ra một đợt dịch nghiêm trọng thứ hai ở trong nước.

RFI : Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại với Mỹ từ nhiều năm nay. Liệu việc các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam có thể sẽ là một nguồn để Washington gây sức ép thương mại với Hà Nội ?

Eric Mottet : Chúng ta thấy là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ rất là lớn. Việt Nam là nguồn thâm hụt thương mại lớn thứ hai của Mỹ ở Châu Á và thứ 6 trên thế giới. Nếu cộng dồn, tổng thâm hụt tương đương khoảng 350 tỉ đô la, một khoản rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2019, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã là 56 tỉ đô la.

Cả Hà Nội lẫn Washington đều quan ngại. Đúng là có thể nói thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có thể gây rủi ro về chính trị cho Hà Nội. Điểm này được bộ Ngân Khố Hoa Kỳ xác nhận. Cứ 6 tháng một lần, cơ quan này lại làm báo cáo tổng kết và theo dõi những nước mà Mỹ bị thâm hụt thương mại. Bộ Ngân Khố Mỹ cũng giám sát xem những nước đó có thao túng tỉ giá hối đoái và tiền tệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Và gần đây, Việt Nam đã bị nêu trong bản báo cáo của bộ Ngân Khố Hoa Kỳ.

Vì thế, một số người cho rằng sau Trung Quốc, có thể Việt Nam sẽ bị chính quyền Trump nhắm đến, ví dụ như lập hàng rào thuế quan, hoặc trừng phạt thuế… May mắn là hiện chưa có gì xảy ra mà ngược lại, nếu nhìn vào những tuyên bố, hay đúng hơn là những tin nhắn trên Twitter, của tổng thống Donald Trump, thì tạm thời Việt Nam chưa bị nhắm đến : thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam chưa phải là một vấn đề. Ngược lại, Việt Nam được coi là một nước cần quan tâm trong cuộc chiến chống Trung Quốc. Tại vì tổng thống Trump vẫn cho rằng việc rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc rời Trung Quốc sang Việt Nam là một điểm tốt, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.

Nói tóm lại, tạm thời đây chưa phải là mối bận tâm cho chính phủ Việt Nam nhưng có lẽ không để thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lên thành 400, 500 hay 600 tỉ đô la vì điều đó sẽ gây rắc rối cho chính quyền Việt Nam.

RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 24/08/2020

**********************

Việt Nam trên tiến trình tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Võ Hàn Lam, VNTB, 24/08/2020

Tiến trình này cụ thể ra sao thì đến nay vẫn chưa ai rõ ; thậm chí người ta còn hoài nghi việc ‘thoát Trung’ rất có thể chỉ là chiêu thức tuyên truyền, vì hai quốc gia có một điểm chung là đồng minh cộng sản.

nam3

Ấn Độ, Nhật Bản, Australia lập chuỗi cung ứng đối phó với Trung Quốc. Ảnh minh họa : Reuters

Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang hướng tới một nỗ lực ba bên mới nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc dự phòng trường hợp có một thảm họa khác như Covid-19 xảy ra trong tương lai. Chương trình này có tên là Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng (Supply Chain Resilience Initiative - SCRI).

‘Thoát Trung’ từ đại dịch Covid-19

"Việc chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lao đao mỗi khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó". Mẫu câu này rất quen thuộc và hầu như mùa nào, năm nào trên báo chí Việt Nam người ta cũng bắt gặp rất nhiều bài viết có câu từ như thế, và người ta lại yêu cầu cần mạnh mẽ ‘thoát Trung’ hơn nữa.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia nhận diện rõ nguy cơ khi các chuỗi cung ứng của họ quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam càng thấm đòn, khi hàng loạt doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất vì thiếu nguyên liệu và tắc đầu ra.

Trong quan hệ thương mại, về mặt sản xuất, có sự khác biệt rõ giữa hai nước : trong khi chi phí trung gian của Việt Nam có 8% đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1% đầu vào là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này nói lên mức độ quan trọng tương đối của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với nền sản xuất của Việt Nam, lớn hơn hẳn so với chiều ngược lại. Đây là sự phụ thuộc rất đáng chú ý.

Khi bàn chuyện về phương thức giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, người dân có quyền hoài nghi về những giá trị đích thực từ các hiệp định thương mại gọi là "FTA thế hệ mới" mà Việt Nam đã ký kết (*). Hoài nghi vì người ta vẫn thấy rằng quanh đi, quẩn lại thì nền kinh tế của Việt Nam vẫn chịu chi phối của Trung Quốc ; thậm chí là chi phối luôn cả các quyết sách về điều hành quốc gia.

Sở dĩ có hoài nghi cho chuyện ‘thân Trung’ hơn là ‘thoát Trung’, vì cho đến nay người ta chưa thấy được vấn đề cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam ra sao trước những yêu cầu của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Cải cách thể chế vẫn là từng bước dọ dẫm ?

Trước tiên, thể chế có thể được hiểu là những yếu tố tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác ; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ…

Cải cách thể chế kinh tế là một khái niệm chính trị học liên quan đến sự vận hành của nhà nước đối với mọi nền kinh tế sản xuất hàng hóa.

Một vấn đề mà lâu nay được nêu ra song vẫn chưa có bước tiến triển nào rõ rệt, đó là định vị lại vai trò của ba trụ cột trong một thể chế kinh tế thị trường hiện đại là : Thị trường, Nhà nước và Xã hội ; trong đó : (1) Thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực ; (2) Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết nhằm khắc phục những bất cập của thị trường, thực hiện chức năng kiến tạo phát triển và chiến lược tăng trưởng bao trùm ; (3) Xã hội đóng vai trò phản biện và giám sát.

Một đơn cử để dễ hình dung : Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Về cơ sở pháp lý để ký kết hiệp định, theo Điều 1.1 của Hiệp định này, việc thành lập khu vực thương mại tự do phù hợp với Điều XXIV GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) và Điều V GATS (General Agreement on Trade in Services). Theo các quy định này, các cam kết trong EVFTA sẽ không được tạo thêm rào cản thương mại đối với các thành viên khác của WTO đồng thời phải dỡ bỏ gần như toàn bộ rào cản đối với thương mại nội khối.

Ngoài ra, lời nói đầu của EVFTA còn viện dẫn thêm các cơ sở pháp lý khác bao gồm Hiệp định khung về đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) năm 2012 ; Hiến chương Liên Hợp quốc 1945 ; Tuyên ngôn nhân quyền thế giới 1948 ; Hiệp định thành lập WTO và các hiệp định, thoả thuận song phương, khu vực và các hiệp định đa phương khác mà các bên là thành viên. Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1998, mặc dù được viện dẫn trong Chương 13 của Hiệp định này, nhưng không được nhắc đến trong Lời nói đầu như một cơ sở pháp lý cho toàn Hiệp định.

Các nội dung liên quan đến lao động nói chung và quyền tự do lập hội nói riêng được quy định tại Chương 13 EVFTA về Thương mại và Phát triển bền vững. Các quy định tại chương này nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc tăng cường cải thiện các khía cạnh liên quan đến thương mại và đầu tư của các vấn đề môi trường và lao động.

Vì sao lại tiếp tục chờ đợi đến năm 2023 ?

EVFTA dẫn chiếu đến các quy định của Tuyên bố ILO về nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998 (ILO Declaration on Fundamental Principles and Rights at Work).

Tuyên bố ILO xác định bốn nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động gồm quyền tự do lập hội và quyền thương lượng lao động tập thể, quyền tự do không bị cưỡng bức hay bắt buộc lao động, xoá bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em, và quyền không bị phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Bốn quyền và nguyên tắc cơ bản này được thể hiện trong bốn cặp công ước của ILO gồm Công ước 87 và 98 về tự do lập hội và thương lượng lao động tập thể ; Công ước 29 và 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc, công ước 138 và 182 về xoá bỏ lao động trẻ em, Công ước 100 và 111 về xoá bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. EVFTA dẫn chiếu lại cả bốn nguyên tắc này.

Về quyền tự do lập hội, Điều 13.4 khoản 2 EVFTA quy định :

"2. Mỗi bên khẳng định các cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ trong ILO và Tuyên bố ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động […], sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc liên quan đến quyền cơ bản trong lao động, cụ thể là :

(a) quyền tự do hội họp và ghi nhận một cách có hiệu quả quyền thương lượng tập thể […]".

Như vậy, nếu Việt Nam mạnh mẽ trong ‘thoát Trung’ hơn nữa, thì có lẽ luật về quyền lập hội đã được rốt ráo thảo luận để sớm đi đến ban hành ; đặc biệt là đã sớm sửa lộ trình phê chuẩn Công ước 87 ngay trong năm 2020, hoặc muộn lắm cũng là trong năm 2021, ngay nhiệm kỳ mới của Quốc hội Việt Nam. Trong khi đó thì trên trang web của Bộ Lao động, thương binh và xã hội vẫn tiếp tục ghi rằng phải đến năm 2023, Quốc hội Việt Nam mới phê chuẩn Công ước 87.

Bánh ít chưa đi, thì bánh quy chưa lại – đó là luật chơi chung của các FTA thế hệ mới.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 24/08/2020

Chú thích :

(*) Hiệp định thương mại tự do (FTA – Free Trade Agreement) được hiểu là các hiệp định hợp tác kinh tế được ký giữa hai hay nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản với phần lớn hoạt động thương mại, đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên với nhau.

Additional Info

  • Author Eric Mottet, Võ Hàn Lam
Published in Diễn đàn