Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bao nhiêu tiền một lạng Đinh La Thăng ?

Lưu Văn Minh, RFA, 02/04/2023

Hơn 923 triệu, tức gần một tỷ đồng. Đây là tính tất tật mọi thứ có trên cơ thể của ông Đinh La Thăng, từ sợi tóc cho đến móng chân.

dlt1

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng hầu tòa ở Hà Nội hôm 19/3/2018 - AFP

600 tỷ đồng không biết đào đâu ra bồi thường cho ngân sách

Số tiền này tính trung bình trên khoản 600 tỷ đồng (tham nhũng, ăn hối lộ, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước...) phải chấp hành án của ông Đinh La Thăng. Nhưng, "đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra" - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói trước Quốc hội.

Đến Chánh tòa tối cao còn chưa nghĩ ra cách nào để thu hồi tiền phạm pháp cho nhà nước thì ông Thăng chỉ còn cách-như truyện Tàu-đem thân đền đáp.

Cứ cho là ông Thăng nặng khoảng 65 kg kể cả da xương tóc móng, thì 600 tỷ chia cho 65 kg ra được con số như trên. Gấp đôi giá vàng bốn số chín chứ đâu ít.

Kể ra như thế cũng rất chói chang. Giá trị của ông Thăng có lẽ đem so được với Đường Tăng Tam Tạng, mỗi miếng thịt trên cơ thể đều vô giá.

Còn phiên bản nữ của Tam Tạng chính là bà Hứa Thị Phấn. Trong vụ Ngân hàng Trust Bank, bà Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỷ đồng. Xong bà chết.

Theo bộ luật hình sự của người dân và truyền qua ngàn đời, con nợ có chết cũng không được đương nhiên xóa nợ. Tất cả tài sản của họ để lại phải được cấn trừ để trả nợ, hoặc để bồi thường thiệt hại mà khi còn sống họ đã gây ra cho người khác. Hoặc cha mẹ, con cái phải gánh trả thay. Các cá nhân, tổ chức thi hành pháp luật dân soạn hiểu rất rõ nguyên tắc này. Số nợ phải thu hồi, vì vậy, ở mức đáng thèm thuồng so với khi thi hành luật của chính quyền.

Luật Hình sự của chính quyền Việt Nam cũng có tinh thần cơ bản như vậy, nhưng việc thực thi nó bị trói tay bởi rất nhiều thứ.

Ông Nguyễn Hòa Bình nói trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng đã phối hợp tốt nên thu hồi được 40% tổng số tài sản tham nhũng, rất đáng mừng, cao hơn những năm trước. Thôi khỏi tìm tổng số tài sản tham nhũng phải bị thu hồi-con số này nhỏ hơn thực tế nhiều vì chỉ có các vụ án đã được xét xử mới đưa ra được số thiệt hại, nhưng còn gấp bội vụ hình sự về kinh tế và tham nhũng chưa bị lộ, hoặc được điều tra và xét xử. Song cứ nhìn vào hai Tam Tạng thì cũng kết luận được ngay là 600 tỷ của Tam Tạng ông xem như mất trắng, và 10.000 tỷ của Tam Tạng bà… cũng rứa !

Ai đọc bài Khẩn cô nhi túng ?

Cái cũng rứa này là một khiếm khuyết trong pháp luật Việt Nam. Mặc dù thực tế ai cũng hiểu chỉ tham nhũng mới có thể khiến các quan sống xa hoa trong biệt thự, đi xe hàng hiệu và mua nhà cho con cái đi học ở nước ngoài dễ như mua cân thịt, nhưng chứng minh điều đó trong chiếc vòng kim cô hạn hẹp của pháp luật Việt Nam lại là không dễ.

Vẫn theo ông Bình, hiện tại pháp luật Việt Nam chỉ được thu hồi tài sản tham nhũng khi Công an, Viện kiểm sát và Tòa án chứng minh được nguồn gốc tài sản là từ tham nhũng. Cũng có nghĩa là các tài sản khác của người tham nhũng nếu họ không chứng minh được nguồn gốc, nhưng cơ quan pháp luật cũng không chứng minh được nó từ tham nhũng mà ra thì cũng không được tịch thu.

Cái vòng kim cô là ở chỗ đấy. Với trình độ tham nhũng ổn định và năm sau cao hơn năm trước thì các thủ đoạn tẩu tán tài sản hiện đã đến độ siêu đẳng. Những "bài" tẩu tán kiểu chồng cho vợ hay cho con cháu đứng tên tài sản nhằm xóa dấu vết và trách nhiệm đã lạc hậu lắm rồi. Truy vết số tiền hối lộ cũng không dễ dàng nữa : từ khi có đồng tiền điện tử, các kiểu coin kiếc thì việc nhét một phong bì nặng trịch vào đáy cái hộp quà rồi lễ mễ vác đến nhà các anh đã là nhà quê lắm rồi. Không ai làm cái việc thô thiển và dễ bị soi như thế nữa. Giờ, chỉ cần có một tài khoản trên mạng, mà ôi nó lại ẩn danh hoàn toàn hay thế chứ - thì việc rửa tiền đã dễ như ăn gỏi gà rồi.

Thực tế, tham nhũng gần như là điều kiện bắt buộc để (phần lớn) các cá nhân tồn tại trong cơ quan Nhà nước, bất chấp ý chí của họ. Hệ lụy của nó là người tham nhũng dám đánh đổi giữa hậu quả nếu bị phát hiện và lợi ích thu được. Khi bị bắt, những con cá vừa vừa chỉ cần lưu ý dán kỹ cái miệng thì ở ngoài các anh sẽ tìm cách để chạy tội, chạy tù, chạy bồi thường. Xem như hy sinh đời bố củng cố đời con, nhưng ngày ra tù vẫn còn một cục tiền to mà cả đời lương thiện không kiếm nổi.

Vậy nên ở tâm điểm của lực hút và lực đẩy, nhiều người tặc lưỡi một cách khá... tự nguyện. Vì nghĩ cho cùng, danh dự cũng không mài ra mà ăn được, trong khi nếu phản bội các anh, phản bội đường dây thì còn nguy hiểm hơn ở tù nhiều. Vả lại, các anh to thế nhưng vẫn trùm đạo đức giả, mồm ăn hối lộ như cá tra đói nhưng miệng vẫn thao thao rao giảng đạo đức và sự trong sạch lành mạnh của Đảng viên được thì cỡ cá tép như mình ăn nhằm gì. Tù vài năm ra dẫn gia đình sang nước ngoài định cư là xong, ở đó chẳng ai biết ta, tha hồ đóng vai doanh nhân đầu tư chém gió nói phét.

Chỉ có người dân và xã hội Việt Nam là tổn thương, những vết thương mang độc không thể lành : tiền bị mất đi do tham nhũng phải được bù lại bằng cách nào đó để đảm bảo việc vận hành của Nhà nước, trả lương cho đội ngũ công chức và… tiếp tục lấp đầy cái mỏ để những đời quan chức sau còn có cái mà tiếp bước trên con đường tham nhũng. Thuế má sẽ tăng lên với nhiều dạng, bằng nhiều cách. Người dân và doanh nghiệp xem việc phải hối lộ là lẽ đương nhiên, là mặc định, là một phần của cuộc sống. Thậm chí nếu một anh, một "dây" đang ăn đều đặn ngon lành bỗng dưng từ bi bất ngờ thì lại là điềm gở, vì họ không ăn nữa tức là cũng sẽ không làm nữa. Một xã hội vận hành theo những cách quái đản nhưng lại rất nhịp nhàng trong cái lý của nó : mỗi người đều tìm cách lấy tiền của người khác, mày ăn của tao thì tao ăn lại của con mày. Và vòng xoắn ốc này cứ tăng lên mãi.

Một xã hội ung thư, một nền kinh tế ung thư như thế hút cạn mọi nguồn thu, triệt tiêu mọi nỗ lực và cạnh tranh lành mạnh. Vật giá tăng vọt trong khi tỷ giá đồng tiền yếu hẳn. Song mọi thứ cứ tiệm tiến dần đều, giống như nồi nước đun nhỏ lửa khiến cả trăm triệu con ếch trong đó vẫn điềm nhiên xem là chuyện thường.

Không có ai dám đọc bài Khẩn cô nhi túng để tháo vòng kim cô.

Pháp luật Việt Nam có hai thời kỳ : Thời tiền cụ Tổng và thời cụ Tổng

Ông Bình cho hay, trên thế giới xem tham nhũng là tội đặc thù, nên ngoài việc các cơ quan pháp luật phải chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng thì còn có cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can. Ví dụ, nếu nghi can có tài sản mà không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu.

Trong lịch sử Việt Nam, bộ luật Hồng Đức dựa trên nguyên tắc chung là người tham nhũng phải bồi thường gấp đôi số tài sản tham nhũng để sung công hoặc trả lại cho người dân. Luật Gia Long của triều Nguyễn cũng áp dụng nguyên tắc này. Ví dụ điều 138 : quan ty ăn hối lộ để làm trái pháp luật thì tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi, nộp vào kho. Điều 560 : Lãng phí của công thì phải bồi thường gấp đôi.

Nếu những điều này được đưa vào pháp luật Việt Nam hiện tại thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều khả năng không lẹt đẹt như bây giờ.

Nhưng tham nhũng ở Việt Nam là một sinh thể gắn liền với thể chế, nên diệt trừ nó là điều không thể.

Mấy năm nay, xã hội Việt Nam chứng kiến một sự khai sinh kỳ lạ. Luật pháp và hiệu lực của chính quyền dường như được chia làm hai : Thời trước cụ Tổng và Từ khi có cụ Tổng.

Từ khi cụ Tổng nắm quyền, đã có gần 3.000 tổ chức đảng, gần 168.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có gần 7.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng ; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị ; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương ; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ năm 2021 đến nay đã 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có tám Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Con số này chưa bao gồm những kết quả chưa từng có trong lịch sử chính trường Việt Nam, khi một chủ tịch nước đương nhiệm và rất mạnh cùng hai phó thủ tướng phải "tự nguyện" rời chức, với những lý do không được nói rõ nhưng ai cũng (đồn) là vì dính líu, bao che tham nhũng.

Chiếc lò cụ Tổng vừa cháy thì nguồn củi cung cấp dường như không bao giờ cạn.Có những ngành gần như tất cả lãnh đạo cấp tỉnh đều đã hội ngộ trong tù, như các Trung tâm kiểm soát bệnh tật khắp cả nước. Hay lĩnh vực đăng kiểm-mới vừa hết ba tháng đầu năm 2023 đã có hơn 500 bị can bị khởi tố trong 64 vụ án, liên quan tiêu cực đăng kiểm tại 32 địa phương.

Chiến dịch Đốt lò, hay Quét nhà của cụ Tổng quả nhiên đã tống đi không ít rác rưởi lưu cữu, lau bụi một số cửa sổ. Không khí trong ngôi nhà Việt Nam quả nhiên giảm tù hãm, giảm chất độc.

Nhưng đó có phải là bằng chứng cho sự mạnh mẽ của pháp luật hay không ?

Tôi cho rằng Không. Đó là một nỗ lực tuy vô cùng dũng cảm và đáng trân trọng, nhưng bên trong nó là vẫn là tuyệt vọng.

Ông Đinh La Thăng không phải một sớm một chiều gây ra thiệt hại 600 tỷ đồng. Bà Hứa Thị Phấn không chỉ một ngày lừa được 10.000 tỷ. Vinashin, Vinalines không bỗng dưng trở thành những con tàu đắm. Các trung tâm kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện lớn, nguyên chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải... đã thông đồng, cấu kết, hình thành các băng nhóm, những đường dây chặt chẽ từ hàng chục năm. Ngân sách nhà nước đã thành bầu vú mẹ từ trước khi dân gian nhái câu thơ của Đỗ Trung Quân từ lâu lắm :

"Bên A là chùm khế ngọt

Cho ta trèo hái mỗi ngày".

Lúc đó, pháp luật đang ở đâu ? Các tổ chức kiểm soát và phòng chống tham nhũng đang làm gì ?

Nhiều năm nay, pháp luật về chống tham nhũng không thay đổi nhiều lắm so với trước kia. Vậy nguyên nhân gì khiến chỉ khi "cụ Tổng" nắm chắc và bắt đầu vung lên chiếc gậy quyền lực thì những đại thụ chống... trả đất nước mới hiện nguyên hình là yêu quái củi tươi củi khô để nối gót vào lò ? Đó có phải là tình trạng tê liệt của chính quyền, các cơ quan pháp luật trong chống tham nhũng (thời trước Cụ Tổng) hay không ?

Vài năm nay, nhân dân khắp nơi ca vang tên cụ Tổng. Nhưng hiệu lực của cả nền pháp luật và chính quyền lại phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân duy nhất như mọi thứ đang cho thấy như thế, thì vô cùng đáng lo ngại.

Vì tuy cá nhân đó tạo nên tạo nên hiệu lực mạnh mẽ của nền pháp luật, nhưng bản chất nền pháp luật đâu có mạnh lên ; nó chỉ là kết quả của mệnh lệnh từ một người đang nắm giữ vị trí tối cao. Do vậy nó nhất thời, không bền vững. Khi cá nhân ấy thay đổi ý chí chủ quan, hoặc đơn giản khi ốm yếu, khi thể chất không phục tùng ý chí, hoặc khi quyền lực này chuyển sang tay một vị tối cao khác, nhiều khả năng sự mạnh mẽ và triệt để của nền pháp luật sẽ thay đổi theo hướng đi xuống.

Lưu Văn Minh

Nguồn : RFA, 02/04/2023

****************************

Cách nào thu hồi 11.000 tỷ đồng thi hành án khi bà Hứa Thị Phấn chết ?

Hải Duyên, VnExpress, 17/02/2023

Cục Thi hành án dân sự cho biết sẽ thông báo cho người thừa kế của bà Hứa Thị Phấn về nghĩa vụ thi hành án 11.000 tỷ đồng còn lại, nếu di sản không đủ thì bên được thi hành phải chịu thiệt.

dlt2

Đại gia Hứa Thị Phấn lần đầu xuất hiện tại tòa năm 2015, trong phiên xử ông Phạm Công Danh.

Cựu cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) Hứa Thị Phấn, 76 tuổi, vừa qua đời tại Bệnh viện Tân Hưng, quận 7. Nhiều năm nay sức khỏe yếu, bà được hoãn thi hành bản án 30 năm tù về các sai phạm tại TrustBank, liên quan 2 đại án ngân hàng.

Ngoài trách nhiệm hình sự, bà Phấn còn bị tòa buộc bồi thường hơn 16.000 tỷ đồng (hiện đã tăng lên hơn 18.000 tỷ đồng do bị tính lãi). Đến cuối năm ngoái, cơ quan thi hành án mới thu hồi được khoảng 7.000 tỷ.

Theo một lãnh đạo Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh (có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án), cơ quan này sẽ thực hiện các thủ tục để đình chỉ thi hành án hình sự đối với bà Phấn. Về trách nhiệm dân sự, căn cứ khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự, thì quyền và nghĩa vụ thi hành án sẽ chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại được quy định tại Điều 615, Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, di sản bà Phấn để lại sẽ được ưu tiên thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại trong vụ án.

Thực tế, những tài sản đã kê biên của bà Phấn không đủ để thực hiện nghĩa vụ thi hành án 11.000 tỷ đồng còn lại. Các tài sản này gồm: dự án Bệnh viện đa khoa Phú Mỹ trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh; một số bất động sản tại TP Thủ Đức (trước đây là quận 2) và một số tài khoản chứng khoán. "Vì vậy, sau khi đã phát mãi hết những tài sản này mà không còn tài sản nào khác thì bên được thi hành án phải chịu thiệt", lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự cho biết.

Về các bước để tiếp tục thi hành án đối với bà Phấn, bộ phận thi hành án sẽ làm việc với địa phương, lấy giấy chứng tử; đồng thời chấp hành viên cũng sẽ xác minh việc bà Phấn có để lại di chúc hay không.

Tiếp đó, tổ thi hành án sẽ thông báo cho những người thừa kế của bà Phấn biết về việc di sản của bà đang được kê biên. Nếu họ muốn nhận các di sản thừa kế thì phải thực hiện nghĩa vụ thay thế.

Hồi năm ngoái, Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quá trình thi hành án các tài sản của bà Phấn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về pháp lý. Trong đó, đối với dự án Bệnh viện Phú Mỹ, tòa tuyên phải phát mãi. Tuy nhiên, dự án này chỉ có trên giấy, chưa hoàn thiện về thủ tục pháp lý, chủ đầu tư mới đền bù được 80% diện tích đất nên việc phát mãi cũng chỉ thực hiện được dưới hình thức bán đất trong dự án thay vì phát mãi dự án theo quyết định của tòa.

Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc với các ban ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi hành án tài sản này của bà Phấn.

Từ năm 2018 đến 2020, bà Phấn nhiều lần bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử trong nhiều vụ án liên quan đến sai phạm trong thời gian điều hành Trustbank.

Tại đại án Phạm Công Danh, bà Phấn bị xác định lợi dụng việc sở hữu lượng lớn cổ phần (gần 85%) Trustbank để thao túng mọi hoạt động nhà băng, chỉ đạo các thành viên Hội đồng quản trị, nhân viên là người dưới quyền hoặc trong gia đình thực hiện nhiều hành vi sai phạm chiếm đoạt và gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà băng.

Trong tất cả giai đoạn của đại án trên, bà Phấn bị cáo buộc chiếm đoạt tổng cộng 12.000 tỷ đồng của Trustbank. Cuối tháng 5/2018, xét xử giai đoạn một, bà Phấn bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn). Tổng số tiền bà Phấn bị buộc bồi thường là hơn 16.000 tỷ đồng.

Hải Duyên

Nguồn : VnExpress, 17/02/2023

Additional Info

  • Author Lưu Văn Minh, Hải Duyên
Published in Diễn đàn