Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính vừa giao Bộ Giao thông- Vận tải nghiên cứu cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải. Thủ tướng lưu ý Bộ lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, địa phương để chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế ; ngân sách Nhà nước chỉ đóng vai trò là vốn mồi, có tính chất hỗ trợ.
Công nhân mở rộng đường mới ở Hà Nội ngày 18 tháng 1 năm 2021. Reuters
Ngành giao thông vận tải trong nước được coi là ngành kinh tế quan trọng, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế đất nước phát triển. Thủ tướng yêu cầu mau chóng xây dựng các quy hoạch tầm quốc gia ngắn hạn và dài hạn trong lĩnh vực giao thông - vận tải, bảo đảm gắn kết, đồng bộ, hiệu quả trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.
Một số chuyên gia cho rằng, việc thu phí sử dụng đường bộ do Nhà nước đầu tư dễ vấp phải phản ứng từ người dân, bởi hiện nay, tất cả các loại xe lưu hành đều phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nêu quan điểm của ông với RFA :
"Vấn đề này thì Bộ Tài chính cũng đã đề xuất ý kiến từ lâu rồi. Không phải tất cả các tuyến đường mà nhà nước đầu tư thì đều thu phí, mà chỉ có những tuyến đường cao tốc quan trọng thì Nhà nước mới thu.
Hiện nay cũng có hai nguồn ý kiến khác nhau mà vấn đề là tiền thuế của dân thì đã đóng rồi, bây giờ thu phí nữa thì phí chồng phí, thuế chồng thuế. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai, ngoài khoản thuế mà người dân đóng để xây lên con đường ấy thì hiện nay đã có những loại phí đã thu của dân như phí đường bộ và rất nhiều loại phí nữa, do đó theo quan điểm của tôi là không nên thu thêm khoản phí nào nữa".
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, Bộ Tài chính cần xem lại việc sử dụng ngân sách, cắt giảm tối đa những nguồn chi bất hợp lý, lãng phí không chỉ trong giao thông mà trong tất cả mọi lĩnh vực.
Phí đường bộ, hay còn gọi là phí bảo trì đường bộ là loại phí mà chủ các phương tiện giao thông lưu thông trên đường bộ phải nộp để sử dụng cho mục đích bảo trì đường bộ. Phí đường bộ được thu theo năm, mức phí do Nhà nước quy định. Việc nâng cấp đường bộ là để phục vụ các phương tiện đã đóng phí lưu thông.
Công nhân sửa cầu Thăng Long ở Hà Nội hôm 27/8/2020. AFP
Anh Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải ở thành phố Thủ Đức cho rằng, dù ngân sách Nhà nước có cạn kiệt cũng không thể tính chuyện thu phí trên các tuyến đường Nhà nước đầu tư, vì đây là hình thức móc túi của dân. Ông nói thêm :
"Nếu trưng cầu dân ý vụ này thì tôi phản đối hai chân hai tay luôn. Không thể chấp nhận được. Tiền thuế của dân, tiền ngân sách quốc gia là dùng để chi vào các vấn đề an sinh, dân sinh phục vụ cho người dân, trong đó có giao thông.
Bây giờ lấy những khoản thuế thu được thuê người, thuê doanh nghiệp làm đường rồi lại tiếp tục thu phí, hóa ra dân làm giàu cho những doanh nghiệp được nhà nước chỉ định à ? Tôi không hiểu nổi. Họ xem tiền của dân như vỏ hến, như lá mít vậy".
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay số thu từ phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ. Hàng năm, ngân sách Nhà nước phải cấp bổ sung từ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng cho việc bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần phải nghiên cứu các cơ chế để tăng nguồn thu.
Phía Nhà nước cho rằng cần thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải. Phía người dân cho rằng việc này là vô lý vì dân đã đóng thuế rồi, Nhà nước sử dụng tiền thuế đó để xây dựng đường xá, không thể thu tiền lần nữa.
Liên quan việc thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, báo Nhà nước dẫn lời ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội rằng, Nhà nước đầu tư đường cao tốc mới, chất lượng, tốc độ cao thì cũng phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, thu phí tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải đảm bảo công bằng vì nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, nhưng tuyến này thu phí, tuyến khác lại không. Công tác tổ chức thu cũng cần đảm bảo minh bạch, mức thu hợp lý.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính Việt Nam, nhận định việc này :
"Tôi cho rằng đây là việc cần thiết phải làm. Thứ nhất là việc đầu tư ở Việt Nam nó hơi khác với các quốc gia khác. Thời gian qua, rất các doanh nghiệp tư nhân đầu tư các dự án theo kiểu ‘tay không bắt giặc’. Có nghĩa là họ chỉ có đâu đó khoảng 10% trên tổng vốn. Họ dùng vốn đó để thực hiện đấu thầu các dự án BOT và họ đi vay ngân hàng để đầu tư. Vì thế, nhiều người đặt câu hỏi là tại sao lại để tư nhân vay rồi Nhà nước đứng ra bảo đảm cho khoản vay và bảo đảm cho vốn họ làm mà Nhà nước không tự đứng ra vay vốn và làm ?
Nếu Nhà nước đứng ra vay vốn thì Nhà nước cũng chịu các chi phí, thế thì để Chính phủ làm cho nó xong".
Theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, người dân cũng có cái lý của họ nhưng xét về phương diện Nhà nước thì rõ ràng nên để Nhà nước đầu tư. Để tư nhân làm vừa đẻ ra tham nhũng, vừa xuất hiện nhiều vấn đề khác trong quá trình xây dựng khiến chi phí xây dựng một con đường đội giá lên rất cao.
Việc thu phí các tuyến đường cao tốc lâu nay là vấn đề gây nhiều xung đột giữa các chủ đầu tư và những người sử dụng dịch vụ vì những bất hợp lý.
Vì đại dịch Covid-19, đầu năm 2021, cử tri tỉnh Bình Định gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị các nhà đầu tư có phương án giảm giá vé qua trạm thu phí BOT để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Đáp lại, Bộ Giao thông -Vận tải cho biết Bộ không đồng ý giảm giá vé BOT vì nhà đầu tư rất khó khăn, đồng thời kêu gọi các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp BOT.
Bộ này còn gửi văn bản tới Quốc hội với nội dung, các trạm BOT bị người dân phản đối hay giảm doanh thu thì Bộ sẽ dừng thu phí, xóa trạm và báo cáo Thủ tướng bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thanh toán cho các nhà đầu tư.
Diễm Thi
Nguồn : RFA tiếng Việt, 14/06/2021
Có lẽ tất cả người Việt, từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ, bất kể học vấn, nghề nghiệp, nên cùng nhau… sám hối vì học chưa tới nơi, hiểu chưa tới chốn những nguyên lý có tính thời thế đang chi phối tiếng mẹ đẻ !
Từ nay, người dân qua trạm không phải trả phí, chỉ trả giá ? Hình : Người dân và tài xế phản đối Trạm thu phí BOT Biên Cương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngày 22/2/2018 (TTXVN)
Tiếng Việt – ngôn ngữ mà họ nghe "từ lúc nằm nôi", đã, đang cũng như sẽ dùng cho tới hết phần đời còn lại của mình, giờ rõ ràng là rất khó và rõ ràng số người… chuyên tâm học – hành Việt ngữ quá… ít !
***
Đầu tuần này, khi các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đồng loạt thay bảng, đổi tên thành trạm thu… giá, dư luận rồi công luận ở Việt Nam sôi sùng sục.
Không chỉ những người bình dân hoang mang về ngữ nghĩa, giới được xem là có học, là tinh hoa của xã hội Việt Nam, đọc nhiều – hiểu rộng cũng công khai thừa nhận họ không đủ khả năng lĩnh hội, lý giải rạch ròi về "thu giá".
Bối rối vì sự ra đời và đột nhiên trở thành phổ dụng của "thu giá", nhiều triệu người xúm vào chỉ trích, trong số này có facebooker Trần Đăng Tuấn. Ông Tuấn nhận định, việc đổi "thu phí" thành "thu giá" là "sự ngu độn của ngôn ngữ", đồng thời nhấn mạnh, đó không phải là ngu độn tự nhiên mà là loại ngu độn thoát thai từ "trí trá", một "ý đồ xảo quyệt" nhằm lách qua các qui định hiện hành về phí để hợp pháp hóa chuyện bắt chẹt dân chúng. Chuyển từ "thu phí" qua "thu giá" là nhằm tước vũ khí pháp lý trong tay dân chúng khi họ muốn sử dụng vũ khí pháp lý ấy để chống lại sự phi lý, áp đặt. Ông Tuấn lên án sự chuyển đổi "thu phí" thành "thu giá" thể hiện thái độ lì lợm một cách trắng trợn…
Tính đến cuối tuần này, có ít nhất 15.000 người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ bày tỏ sự đồng tình với ông Tuấn, chưa kể phân tích – nhận định của ông Tuấn đã được khoảng 5.000 người chia sẻ.
Chẳng riêng mạng xã hội, dẫu được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, sáng suốt của Đảng, làm gì cũng phải nhìn trước, ngó sau xem có khác với chủ trương, có ngược hướng với đường lối hay không nhưng báo giới cũng nhập cuộc. VOV – Đài Phát thanh Quốc gia của Việt Nam phỏng vấn nhiều người từ thường dân tới các chuyên gia là tuyệt chiêu mà Bộ Giao thông – Vân tải tạo ra để bảo vệ tận thu. Theo đường hướng đó, Thanh Niên giới thiệu phân tích, cảnh báo của một số chuyên gia khác rằng, "thu giá" chính là mở đường để giao công sản cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT khai thác sai nguyên tắc. Người Lao Động thu thập ý kiến hàng loạt độc giả, bày tỏ sự bất bình vì "thu giá" che đậy, hợp thức hóa tham vọng "thu phí bằng mọi giá". Một số cơ quan truyền thông khác nhưVnExpress, VietNamNet, Tuổi Trẻ… tìm tới các chuyên gia về Việt ngữ, những nguyên lý cơ bản của Việt ngữ để chứng minh "thu giá" là quái thai ngôn ngữ, một biểu hiện quái gở, nguy hiểm trong tư duy…
***
Đứng trước sự cuồng nộ của dư luận và công luận, thậm chí bị không ít người gán cho, gọi bằng biệt danh "Thả cá trê" – một lối miệt thị ông Thể, ví ông như… cá tra, ông Nguyễn Văn Thể có thêm dịp để chứng tỏ bản lĩnh của một thành viên chính phủ đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giao thông – Vận tải.
Ở hành lanh trụ sở Quốc hội, thông qua báo giới, ông Thể nhẩn nha giải… ngố cho cả trăm triệu người đang chờ nghe ông rằng, đại loại, theo luật thì phải đệ trình, gỉai trình, chờ ý kiến cuối cùng của các cơ quan dân cử nên không thể linh hoạt được. Thu giá thì ngược lại, chỉ phụ thuộc vào kết quả thương thảo giữa đại diện hệ thống công quyền với chủ đầu tư.
Có một điều đáng ngậm ngùi là dân chúng Việt Nam, từ giới bình dân đến các chuyên gia đủ mọi lĩnh vực quá… ngố ! Bất bình với ông Thể, cậy vào Quốc hội. Không ít người, kể cả báo giới méc với Quốc hội – cơ quan đại diện cho mình là ông Thể lạm quyền, qua mặt Quốc hội. Cực chẳng đã, các viên chức cao cấp của Quốc hội đành phải lên tiếng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, cảnh cáo toàn dân đừng có chẻ chữ, tìm nghĩa, "thu phí" hay "thu giá" chỉ là sự khác biệt về cách gọi, phải nhìn vào bản chất của vấn đề, phải tôn trọng thực tiễn, tôn trọng cam kết của chính phủ với nhà đầu tư, phải theo luật cho đến khi Quốc hội chấp nhận xem xét, cải sửa luật.
Nhã nhặn hơn, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, thừa nhận hai chữ "thu giá" lạ lẫm, người Việt chưa từng dùng, dễ gây hiểu lầm, để tránh ngộ nhận thì cần rạch ròi hơn, ví dụ tại các trạm thu phí BOT nên có bảng ghi rõ "Trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp". Dù gì cũng là "Trưởng Ban Dân nguyện", không tiện khẳng định thẳng thừng, "thu giá" là đúng, dân chúng phản đối là sai, bà Hải chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng rằng : "Khi sử dụng dịch vụ thì phải trả giá liên quan tới mức độ sử dụng dịch vụ đó, phải tuân theo nguyên tắc thị trường" !
Dường như dân chúng Việt Nam không chỉ ngố… quá mà còn ngố… lâu ! Đến giờ này, họ vẫn chưa hiểu : Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là… một. Sông có thể… cạn, núi có thể… mòn. Song chân lý ấy không bao giờ… thay đổi ! Đâu phải tự nhiên mà mới đây, Đảng cộng sản Việt Nam công khai cấm bàn về tam quyền phân lập ! Quốc hội và những đại biểu đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân còn chưa… hoài thai thì làm sao có thể có mặt trên đời !
***
"Thu giá" ra đời và lập tức trở thành phổ dụng làm cho hàng trăm triệu người Việt thêm một lần tán thán về tiếng mẹ đẻ của mình.
Giống như nhiều facebooker, Võ Đắc Danh than về chuyện không có sự việc nào được gọi đúng tên, chẳng hạn "kẹt xe" giờ được thay bằng "ùn chứ không tắc", "cướp đất" thì được biểu đạt bằng cụm từ "giải phóng mặt bằng", "câu kết thành băng đảng để tham nhũng" thi vị hóa thành "lợi ích nhóm"... Bạn bè của Danh như Trương Quang cũng bối rối khi "cướp chính quyền" chuyển thành "giành chính quyền". Bùi Minh Kết phát giác "đi hoài không tới, tìm hoài không thấy" nay gọi là "thời kỳ quá độ". Trung Quan Do tin rằng "đường vào ngõ cụt" giờ đồng nghĩa với "chủ nghĩa xã hội". Nguyễn Thông bảo "tay sai" đã thế chỗ cho từ hai từ "Quốc hội". Theo Chu Le, về ngữ nghĩa, "ngu chết mẹ" chính là "đỉnh cao trí tuệ…
Thử tra cứu lai lịch của Danh và bạn bè qua facebook thì dường như họ thuộc nhóm… nhiều chữ. Dư chữ mà vẫn mơ hồ về tiếng mẹ đẻ như thế thì rõ ràng tiếng Việt càng ngày càng… khó. Thiệt là… tội nghiệp !
"Thu giá" cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, giữ sự trong sáng về tư duy, chân phương trong diễn đạt bằng tiếng Việt giờ đã… lạc hậu. Sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ trong phạm vi chủ trương, đường lối mà còn bao gồm cả vận dụng ngôn ngữ thành ra toàn dân "học nữa, học mãi", học… hoài từ đời ông bà, cha mẹ đến thế hệ con cháu mà vẫn không… thông ! Ai dám chê, dám cho như thế là không… tài tình ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/05/2018
Theo dõi những vấn đề xung quanh việc thu tiền của dự án BOT đường tránh Cai Lậy, Tiền Giang mấy hôm nay qua nhiều diễn biến sôi động, người ta thấy được nhiều điều.
Dân phản đối thu phí Cầu Bến Thủy sáng 03/12/2016 - Ảnh minh họa
Ở đó, người dân thấy sự bất cập của chính phủ mà đại diện là Bộ Giao thông vận tải đã có những hành động mờ ám, trong việc để các nhà thầu tư nhân xây dựng các dự án BOT nhằm mục đích cướp tiền dân có bảo kê một cách bất chính.
Ở đó, người ta thấy các dự án BOT là những miếng mồi béo bở mà rất nhiều nhà đầu tư đã thi nhau lao vào kiếm ăn, chia chác...
Ở đó, người ta thấy sự tù mù về thông tin, cách làm dự án và những khuất tất đằng sau biểu hiện rõ lợi ích của cá nhân, phe nhóm đã lũng đoạn cả nhà nước ra sao.
Nhất là, ở đó, qua các phát biểu của quan chức nhà nước Việt Nam, đặc biệt quan chức ngành Giao thông Vận tải người ta thấy được tư duy của quan chức Việt Nam đối với người dân là gì ?
Đó là cách nghĩ : Cứ bóp nặn, cứ làm những điều mình thích và đưa lại lợi ích như mình muốn. Còn dân ư ? Còn chịu được, nghĩa là ta đúng.
BOT và bao mánh lới cướp xương máu người dân
Ngày 20/07/2017 Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, hàng loạt dự án nghìn tỷ đã được "điểm danh" với những sai phạm nghiêm trọng.
Những sai phạm được chỉ ra là : Lựa chọn nhà đầu tư, hẳn nhiên ở đây chẳng ai không hiểu nhà đầu tư như thế nào để được bên quản lý tiền nhà nước ưu ái. Để ưu ái, việc công bố thông tin và cách lựa chọn nhà dầu tư có nhiều mập mờ. Đồng thời, để ưu ái các nhà đầu tư, những chỉ số về năng lực, về tính pháp lý... của nhà đầu tư được ưu ái đều được bỏ qua.
Và cái ưu ái này chắc chắn một điều là tiền nhà nước, tức là tiền thuế của dân ra đi. Bởi họ không quản lý và đầu tư bằng tiền của họ, mà là cua nhà nước - của chung - của chùa - của dân.
Tiếp theo, đó là việc thiết kế, lập dự toán và thi công, giám sát thi công cũng như quyết toán giá trị đầu tư, xác định khả năng thu hoàn vốn... tất cả đều trong một quy trình tít mù vòng quanh. Để rồi cuối cùng thì bao sự khuất tất xảy ra như đội giá, đánh giá không đúng, lãng phí và phải điều chỉnh...
Nhưng có điều này thì chắc chắn. Đó là tất cả những sai phạm, thiếu sót trên đều dẫn đến kết quả là người dân cứ móc tiền nộp thuế là chịu thiệt.
Chỉ riêng thanh tra mấy dự án BOT tại Hà Nội, con số sai phạm đã là hàng nghìn tỷ đồng.
Điều đó giải thích vì sao các nhà đầu tư thích BOT, nhiều tập đoàn tư nhân đã kết hợp các quan chức để lập những dự án BOT nhan nhản mà như báo chí phản ánh thì ở miền Bắc, BOT bao vây Hà Nội.
Trên bình diện cả nước, có lẽ béo bở nhất là dự án BOT giao thông.
Các dự án BOT giao thông như một ma hồn trận đẩy người dân đến chỗ hết lựa chọn. Oái oăm nhất là việc đầu tư một nơi, thu tiền một chỗ. Oái oăm hơn nữa, là những chỗ đặt sai trạm thu tiền, lại là những chỗ gom nhiều nạn nhân nhất hoặc chặn tất cả những đường khác có thể đi, nhằm buộc người dân đi vào đường BOT như vụ Cầu Việt Trì.
Cuối cùng thì... không cho chúng nó thoát.
Dù trên thực tế người dân không sử dụng, thì BOT vẫn thu tiền người dân. Điều này rõ nhất là trạm BOT cầu Bến Thủy 1 nhằm thu cho đường tránh Thành phố Vinh và mới đây là trạm thu phí Cai Lậy.
Hẳn nhiên là phải kể đến hàng chục dự án như vậy, chẳng hạn trạm thu phí Cầu Rác, Kỳ Anh để thu phí đường tránh Thành phố Hà Tĩnh cách đó có... 30 km.
Dù không hề đi, không hề sử dụng đường BOT, người tham gia giao thông vẫn cứ phải móc hầu bao hàng ngày. Mà con số đâu có ít, mới đây, một tờ báo đã nêu câu chuyện "Viện phí 2,2 triệu nhưng hết 2,8 triệu BOT phí" đấy thôi.
Một sự trắng trợn nữa, là những con đường được đầu tư từ tiền nhà nước, nghĩa là tiền của người dân, hàng năm người dân vẫn đóng hàng triệu đồng mỗi đầu xe để bảo dưỡng, duy tu... Giờ bỗng nhiên được một nhóm tư nhân rải thêm lớp mặt, lau dọn sạch sẽ và cắm biển thu tiền BOT. Đó là điều đang xảy ra ở BOT Cai Lậy, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Những đoạn đường khác song song với BOT mà người dân có thể lựa chọn, có nguy cơ không lùa được dân vào chiếc thòng lọng BOT, thì nhà nước cũng đua với tư nhân giở trò nâng cấp và thu phí. Mức phí cũng đua nhau cạnh tranh với BOT cho xứng tầm.
Người dân không còn lựa chọn nào khác là nôn tiền ra.
Những hành động và cách làm đó, không thể dùng từ nào khác ngoài một từ đúng nghĩa : Cướp.
Và người dân bị cướp bóc trắng trợn không chỉ mới đây, mà đã từ rất lâu.
Quan chức của dân !?
Còn nhớ, mới đây thôi, dàn lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ đua nhau giơ tay thề phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước hết sức mình và vì hạnh phúc của nhân dân. Mà những lời thề thốt ấy không chỉ một lần. Chỉ trong vòng mấy tháng, họ đua nhau diễn đến vài lần chuyện đó.
Thế nhưng, họ đã thực hiện lời thế hứa ra sao ?
Dù hàng loạt văn bản quy định nọ kia nhan nhản về khoảng cách, về quy định, về dự án... bao nhiêu báo chí phản ánh và tiếng kêu của người dân vang lên khắp nơi, nhưng hầu như chẳng mấy tác động đến quan chức nhà nước.
Họ bị điếc, bởi họ không cần nghe những thông tin không có lợi cho họ.
Họ bị đui mù, bởi họ không cần nhìn đến thực tế xã hội và đời sống người dân - những người rút máu, mài xương để nuôi họ.
Họ bị câm, bởi những điều họ nói ra không được lòng đồng bọn, những người cũng quan chức như họ
Điều cơ bản, là họ nói ra, họ sẽ bị bật ra khỏi guồng máy và hệ thống tham nhũng hiện nay. Và điều cơ bản hơn, là với trình trạng người khuyết tật như vậy, họ sẽ được vinh thân, phì gia một cách rất "đàng hoàng"rồi dạy dỗ đạo đức cho người khác.
Điều này đã được chứng minh rất sống động là lời của ông nhũng rằng "Tham nhũng là những người có chức, có quyền, chống lại họ có khi chúng tôi chết trước".
Bó tay với một Cục trưởng cục Chống tham nhũng. Không biết thỉnh thoảng ông ta đọc trong những tiêu chuẩn hay những lời tuyên truyền về phẩm chất, tính chiến đấu hy sinh vì lý tưởng, vì giai cấp của các đảng viên như lời ông ta thề thốt khi vào đảng, thì ông ta có bật cười văng cơm ra không ?
Trên lĩnh vực BOT, những phát biểu của quan chức nhà nước, từ Đại biểu Quốc hội cho đến ngành Giao thông vận tải đều cho thấy một tư duy bảo vệ đám cướp của người dân mà cướp cách ngang nhiên, trắng trợn.
Ngày 15/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về chính sách đầu tư giao thông. Tại hội nghị này, khi nói đến BOT Cai Lậy, các đại biểu thi nhau kêu "buồn".
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu kêu la rằng ông "buồn". Người ta cứ tưởng ông ta buồn vì dân của ông ta, những người dân một nắng hai sương vùng Miền Tây của ông đang khốn nạn bởi bọn cướp ngày, ngang nhiên chặn đường đòi tiền những người dân không mua, không bán.
Nhưng không, ông buồn vì ông sợ cho các nhà đầu tư (!) và ông yêu cầu "sớm xử lý vì nếu không thì nó sẽ lan rộng đến nơi khác". Nghĩa là, với ông ta, chuyện cướp là đương nhiên, còn việc người dân phản ứng chống lại cướp là "phải xử lý".
Nghe những lời này, người dân Miền Tây chắc hiểu rằng ông ta đã bứng hết họ hàng hang hốc mồ mả cha ông nhà ông ta ra Hà Nội và chắc chẳng bao giờ trở lại miền An Giang.
Hèn chi nhà đầu tư BOT Cai Lậy không thèm giải thích việc hút máu dân, mà ngược lại gửi cho nhà nước danh sách các lái xe trả tiền lẻ để yêu cầu"trừng trị".
Ông Đỗ Bá Tỵ, một ông quân đội sang làm Phó Chủ tịch Quốc hội cũng kêu "buồn" như các đại biểu khác.
Nhưng, buồn xong rồi thì sao ? Chẳng ai nói được điều gì hơn có lợi cho dân.
Dân còn chịu được, thì quan cứ bóp
Có lẽ phát biểu lan truyền và nhận được sự phản ứng dữ dội nhất là của các quan chức ngành Giao thông vận tải, một ngành tiêu nhiều tiền bậc nhất của đất nước, của người dân.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật phát biểu như sau : "Chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm... Hàng ngàn xe đi qua, họ tuân thủ, tại sao chỉ có một số ít tài xế phản ứng ?".
À, thì ra vậy.
Có điều Hiến pháp và Pháp luật ấy ở đâu, ai phải sống và làm theo nó còn ai được miễn thì ông không nói. Có cái hiến pháp và pháp luật nào cho phép chặn đường móc tiền người khác khi không bán, không mua ? Cứ người dân không phản ứng thì ông cứ bóp ? Nếu phản ứng thì ông cho là phá hoại và đưa danh sách cho công an ?
Với Nguyễn Nhật, nếu ai chú ý chắc hẳn chẳng ai không nhớ về một nhân vật mà cứ đến làm ở đâu bị kỷ luật đấy, và cứ mỗi khi bị kỷ luật xong lại leo lên cao hơn.
Hẳn ông Nhật còn nhớ tên ông được ghi bảng đen trong vụ Formosa ? Ông đã góp công tạo nên thảm họa cho quê hương, để rồi sau đó chạy ra Cục trưởng Cục Hàng Hải và lại tiếp tục bị Bộ Giao thông vận tải kỷ luật. Rồi sau đó lên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Người ta còn đồn với nhau rằng chỉ cần ít lần bị kỷ luật nữa thì chúng ta có Chủ tịch nước Nguyễn Nhật.
Cái "sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước" của ông là vậy sao ông Nhật ? Nếu không phải là đảng viên CS, là quan chức thân thế, thì liệu Nguyễn Nhật có được ưu ái hơn thằng bé cướp hai cái bánh mỳ rồi đi tù không ? Thật đúng là chuyện cha ông nói "gái đĩ già mồm".
Tại cuộc họp nói trên, ông Trương Quang Nghĩa, bộ trưởng Giao thông vận tải nói rằng : "Những người dân, doanh nghiệp, hội vận tải địa phương không kêu mà chỉ có doanh nghiệp ở địa phương khác". Nghĩa là, phải hiểu rằng người dân không kêu, tức là còn bóp được, và cứ thế mà bóp.
Ừ, ông nói cũng phải thôi. Vấn đề là ở người dân thôi, chèo thuyền hay lật thuyền đều là người dân. Nếu người dân không biết giành lấy cái quyền của mình, kể cả cái quyền được rên, thì hẳn nhiên cứ vậy mà chấp nhận.
Bị hiếp mà không kêu, không chống cự, nghĩa là đã đồng tình với tên cưỡng bức.
Bị cướp mà không kêu, dù với bất cứ lý do gì nghĩa là đã đồng ý để nó cướp.
Và cả hệ thống quan chức đang hành xử trên tư duy như vậy, để đưa đất nước "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" và "vì hạnh phúc của nhân dân".
Và những câu chuyện hài xuyên thế kỷ chẳng biết bao giờ chấm dứt.
Hà Nội, Ngày 16/8/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 15/08/2017 (nguyenhuuvinh's blog)