Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chức năng ‘livestream’ của Facebook ngày càng trở nên phổ biến với nhiều người sử dụng ở Việt Nam.

live0

Logo Facebook. AFP photo

Công cụ mới rất mạnh mẽ

Theo chuyên gia công nghệ máy tính Hoàng Ngọc Diêu đang sống ở Úc thì chức năng ‘livestream’ của Facebook là một bước tiến vượt bực, từ chỉ có chuyển thông tin bằng chữ, hình ảnh chết, nay người sử dụng có thể chuyển hình ảnh sống động và ngay lập tức. Theo ông chuyện này sẽ thách thức vô cùng lớn đối với sự kiểm soát thông tin từ trước đến nay của đảng cộng sản :

"Nó tạo một sức ép ghê gớm lên hệ thống truyền thông chính thống của nhà cầm quyền. Nó trở thành một đối trọng khủng khiếp đối với hệ thống truyền thông chính mạch của đảng và nước cộng sản Việt Nam. Bới vì từ trước đến giờ nhà nước Việt Nam hay sử dụng những thông tin mập mờ, thiếu trung thực, thiếu khả tín, thì bây giờ live stream trên facebook nó lột trần những thông tin thiếu minh bạch, mờ ám, thiếu khả tín từ nguồn của thông tin chính mạch của đảng và nhà nước Việt Nam".

Trong nhiều cuộc biểu tình gần đây của ngư dân miền Trung chống Formosa, những người có quan tâm đến thời cuộc đều theo dõi được những diễn biến đó một cách trực tiếp trước khi báo chí nhà nước có khi đến vài ngày, và không kèm theo sự bình luận như của báo chí nhà nước.

Ông Nguyễn Lân Thắng, một người hoạt động xã hội và cũng thường xuyên đưa tin tức về nhiều diễn biến xã hội cho rằng chức năng live stream là vô cùng hữu dụng cho ông :

"Một phương tiện vô cùng, vô cùng tuyệt hảo đối với những người đấu tranh, những người muốn nói lên sự thật, đấu tranh cho một sự công bằng, muốn đất nước thực sự thay đổi. Phương tiện này đem lại cho chúng tôi một khả năng chuyển tin hết sức là nhanh chóng. Tất cả những sự kiện xảy ra trong đời sống. Nó là một bước tiến vượt bực".

Tuy nhiên ông Thắng cũng lo ngại là nhiều nhóm cũng sử dụng phương tiện mới như ông để đưa ra những thông tin mập mờ.

Một nhà báo trong nước là Phan Lợi từng làm trưởng văn phòng tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, nói về tính năng live stream, đưa tin trực tiếp và sống động của Facebook :

"Dấu hiệu trực tiếp có trên màn hình tạo nên một cảm giác tin cậy, theo thời gian thực. Bản thân chúng tôi cũng thực hiện chức năng này trong những cuộc hội đàm về thời sự, thì sự phản ứng là khá đông và tích cực. Bởi vì xu hướng bây giờ là người ta thích cảm nhận một không gian thực, con người thực và diễn ra thực".

Bên cạnh đó ông cũng thấy công cụ live stream này cũng bị lạm dụng bới nhiều công ty thương mại khi lập lại các chuwong trình đã làm của họ nhiều lần, đánh lừa người xem.

Song song với các nhóm bất đồng chính kiến, hoặc các nhóm hoạt động xã hội, truyền thông nhà nước cũng sử dụng những trang Facebook, chức năng live stream của nó. Nhà báo Phan Lợi cho biết :

"Về mặt thực dụng các tờ báo đều sử dụng kênh facebook để lan tỏa thông tin của mình, vì có một thực tế là bây giờ người đọc người ta không vào trang chủ của tờ báo để đọc nữa, mà nói theo ngôn ngữ bây giờ là đi theo lối của ông già Noel tụt từ trên ống khói xuống. Người ta xem trên youtube, share với bạn bè, trong nhóm. Thế cho nên nó bắt buộc về mặt thực dụng là các báo phải nhúng cái ứng dụng của Facebook vào các bài báo của mình".

Bản thân ông Lợi cho biết là ông không xem tin từ các trang báo nữa mà tìm qua Facebook.

Không chỉ các cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam sử dụng chức năng live stream, chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu live stream các cuộc họp báo của mình. Ông Phan Lợi đồng ý rằng cách làm này tạo sự minh bạch cao hơn :

"Về mặt lý thuyết thì có sự minh bạch cao hơn trong các cuộc họp báo, đối với người xem hơn là xem các báo tường thuật lại vì khi xem nó tường thuật lại thì những câu nói hớ, hay là những nội dung không có lợi thì sẽ bị lượt đi, thế nhưng trong các cuộc live stream thì nó sẽ thể hiện lên đầy đủ".

Thách thức của cả nhà nước lẫn xã hội dân sự

live2

Mark Zuckerberg, Chủ tịch điều hành facebook cho biết sẽ loại bỏ những clip bạo lực đăng tải trên facebook. AFP photo

Đứng trước sự phổ biến ngày càng rộng của live stream, theo ông Nguyễn Lân Thắng, nhà nước Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để cấm đoán như các thiết bị phá sóng sẽ được đưa đến nơi có xảy ra sự kiện để không cho những nhà báo tự do phát sóng live stream những gì đang diễn ra.

Một phương cách khác nữa là theo ông Thắng, một đội ngũ đông đảo nhân viên của cơ quan an ninh sẽ thường xuyên theo dõi Facebook để tìm cách ngăn chặn những dòng thông tin live stream.

Đánh giá về công cụ mới trong hoạt động minh bạch thông tin và dân chủ hóa, ông Thắng nói :

"Cái này nó thành công hay thất bại, việc họ làm thế nào để ngăn chận, hay là làm thế nào để những người hoạt động tận dụng phương tiện này để chiến đấu thì tôi không dám võ đoán, không dám đoán trước tương lai, nhưng trên thực tế rõ ràng là đây là một phương tiện hết sức hiệu quả và mạnh mẽ mà bên phía nhà nước họ phải cực kỳ cảnh giác và hết sức vất vả chống lại cái phương tiện này trong tay người đấu tranh".

Theo ông Phan Lợi, thì rất khó để nhà nước kiểm soát được việc sử dụng live stream vì các thiết bị kỹ thuật đã trở nên rẻ và dễ sử dụng, và hiện nay con số người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã lên đến 40 triệu tài khoản. Theo ông thì trong tương lai nhà nước cũng sẽ phải tham gia vào cuộc đua thông tin bằng live stream :

"Khi những nhóm không phải chính phủ đưa tin lên thì về phía chính phủ họ cũng đưa tin lên, cạnh tranh và tranh giành bạn đọc. Cái điều này theo tôi thì đây là điều tích cực, vì người xem là người được lợi nhiều nhất, họ sẽ có nhiều nguồn thông tin mang tính đa chiều để chọn lọc".

Vào cuối tháng tư năm 2017, Bộ thông tin và truyền thông Việt Nam có buổi làm việc với Facebook và yêu cầu công ty này gỡ bỏ những nội dung theo họ là xấu.

Trong buổi làm việc đó Facebook đưa ra lời hứa là những nội dung xấu sẽ được gỡ bỏ. Ông Phan Lợi đánh giá về buổi làm việc đó :

"Họ (các công ty lớn) có chính sách cộng đồng, chẳng cần chính phủ yêu cầu thì tự họ cũng xử lý những clip có tính bạo lực, tin giả, xâm phạm và hình ảnh hay thông tin riêng tư, hay là kích động tôn giáo,… tóm lại là những giá trị mang tính phổ quát toàn cầu, mà không công ty hay tổ chức nào khuyến khích cả. Thì tôi cho là chuyện gặp gỡ và hứa hẹn ấy là chuyện hết sức bình thường".

Đầu tháng năm 2017, Facebook tuyên bố thuê mướn thêm nhân viên để loại bỏ những nội dung có tính cách bạo lực đăng tải trên trang mạng xã hội này.

Theo ông Phan Lợi, vấn đề còn lại là tiêu chuẩn như thế nào là xấu có thể sẽ rất khác nhau giữa các nhà cung cấp như Facebook, Youtube, so với chính phủ Việt Nam, và ông nói tiếp rằng số lượng gỡ bỏ không thấm gì so với số lượng mới phát tán trên mạng, và ông nghĩ rằng những người làm cố vấn về truyền thông cho chính phủ Việt nam cũng phải hiểu điều đó.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 05/05/2017

Additional Info

  • Author Kính Hòa
Published in Diễn đàn