Vào ngày 15 tháng 2 năm 2017 tại lớp 10A3 - Trường Trung học phổ thông Tầm Vu, đã xảy ra vụ đánh nhau giữa một thầy giáo dạy toán và một em nữ sinh trong lớp học. Hình ảnh được học sinh dùng điện thoại quay video clip và tung lên mạng sau đó khiến dư luận cả nước thật sự shock khi bạo lực đã tràn vào học đường chứ không riêng trên hè phố giữa các học sinh phổ thông như trước đây.
Thầy trò lớp Một trong ngày khai giảng tại một trường tiểu học ở Hà Nội hôm 5/9/2014. AFP photo
Mặc Lâm phỏng vấn thầy Đỗ Việt Khoa, từng có kinh nghệm về các video clip khi tổ chức cho các em học sinh quay cảnh gian lận trong cuộc thi tốt nghiệp tại Đồi Ngô, Bắc Giang vào năm 2012. Trước tiên thầy Khoa nhận xét trường hợp thầy trò đánh nhau này :
Chúng tôi đã xem trên video vụ này rồi. Thật đau lòng, cái kênh quan hệ tình thầy trò mất cả giá trị truyền thống của nó. Thầy đánh trò như đánh giặc, trò đánh lại thầy như đánh kẻ thù. Thầy trò bằng vai phải lứa đánh lộn với nhau như vậy. Tất cả là sự xuống cấp đạo đức xã hội đạo đức học đường nói chung nó có nguyên nhân rất sâu xa từ các yếu tố khác.
Đó là yếu tố cơ chế, yếu tố thể chế, yếu tố bộ máy và bây giờ nó làm cho xã hội trở thành tàn bạo, hoặc dối trá, đối phó hoặc thành tích ảo và đấy là những điều nguy hiểm cho đất nước. Nó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm bại hoại thanh danh của người Việt và làm cho người Việt khắp 5 Châu ở trường quốc tế trở nên xấu xí. Những thầy cô giáo có lương tâm, các đơn vị truyền thông báo chí nên vào cuộc đấu tranh phê phán những biểu hiện đó một cách quyết liệt.
Đạo đức xã hội xuống cấp
Mặc Lâm : Nhiều nhà văn hóa xã hội học cho rằng hành động bạo lực học đường là hệ quả cộng hưởng giữa học đường, gia đình và ngay cả chính quyền nữa. Thầy là người quan sát và từng có nhiều phản biện về vấn đề này, thầy nghĩ sao khi mái trường đã trở thành chợ búa hay thậm chí có thể xem là võ đài ?
Đỗ Việt Khoa : Vâng như tôi vừa nói đó là sự xuống cấp đạo đức của xã hội nói chung khi người lớn hành xử công khai mà không phải trả giá. Người lớn làm những việc bạo lực, vô lối mà không bị xử lý làm cho trẻ em bắt chước. Ra đường công an đánh phóng viên (Công an Đông Anh Hà Nội đánh phóng viên trên cầu Nhật Tân), đánh rõ ràng như thế, đá đấm vào mặt như thế, video rõ như thế mà ông Phó giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc trả lời chỉ là động tác giơ chân cản, rồi "tay gạt má" thì tôi cho là đại thảm họa về nhân cách của nhà cầm quyền.
Họ đã làm một tấm gương tầy liếp xấu xí cho các thế hệ trẻ bắt chước. Trong nhà trường cư xử giữa thầy với trò không còn đúng nghĩa thầy trò mà nhiều khi đó là cách cư xử sòng phẳng tiền bạc. Rất nhiều trường bây giờ đặt nặng vấn đề tận thu tiền học sinh, bịp bợm các em để thu tiền.
Thầy trò đánh nhau trong lớp. Screen shot.
Trong lớp thì dạy các em tuyên truyền những thông tin sai sự thật. Tôi xin nói về sách giáo khoa có những thông tin sai sự thật nhất là môn lịch sử. Rồi những hành vi như là chính quyền tước đi của người dân những cái quyền rất là nhỏ như là quyền biểu tình, quyền đi thắp hương tưởng niệm những người liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược. Bọn trẻ đang lớn nó đọc, nó xem hết cả những video trên mạng đầy đủ hết dấu làm sao được ?
Chính lực lượng công an là lực lượng phải ra tay khi học sinh đánh nhau nhưng chúng ta chẳng thấy xử lý ở đâu hết. Bao giờ mà báo chí vào cuộc làm um lên thì nó mới có mặt. Các vụ đánh nhau ngoài đường thì công an thường đến sau cùng sau khi đã đâm chém xong xuối rồi công an mới có mặt. Thông thường không thấy họ là người tích cực đi trước ngăn chặn sự việc đâu.
Đấy là những việc làm gương cho xã hội. Nó làm cho những đứa trẻ đánh mất đi niềm tin vào giáo dục, đạo đức xã hội và cách cư xử. Cho nên có những hành vi méo mó về nhân cách, sự liêm sỉ của người lớn là sự hiếm hoi thì đừng đòi hỏi con trẻ nó có liêm sỉ, nhân ái đấy là thảm họa của người lớn đối với trẻ nhỏ.
Bị kỷ luật vì quay clip ?
Mặc Lâm : Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Hiệu trưởng của trường THPT Tầm Vu đã có quyết định là nhà trường sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật để kiểm điểm trách nhiệm của thầy giáo và học sinh, kể cả 2 học sinh quay clip và tung lên mạng xã hội. Thầy nghĩ sao khi kỷ luật cả hai em quay clip ? Điều này có công bằng cho các em hay không ?
Đỗ Việt Khoa : Cái ông hiệu trưởng này cũng giống như hầu hết các Hiệu trưởng khác, các lãnh đạo khác. Họ sẽ trừng phạt học sinh, trừng phạt những người nào cố công bố thông tin ra cho dư luận biết thì ông này đáng bị trừng phạt.
Tuy nhiên em học sinh nào quay clip này mà chỉ lẳng lặng quay, rồi báo cáo nhà trường và đưa lên Facebook hay đưa lên mạng xã hội thì đáng khen. Nhưng nếu là một em vừa đứng đấy quay video vừa hô hào, cổ vũ với mục đích sỉ nhục, bôi nhọ học sinh khác thì phải bị kỷ luật. Cho nên phải xem lại động cơ của các em là gì rồi mới quyết định chứ không phải triệt hạ tinh thần đấu tranh của các em học sinh, triệt hạ các em công bố video clip. Nều không có những cái video ấy thì các em học sinh kia phải chịu oan ức cả đời và nhà trường tiếp tục trong sáng không tì vết gì.
Vụ Đồi Ngô năm 2012 mà chúng tôi tổ chức, một số học sinh quay cảnh gian lận trong phòng thi thì công an tỉnh Bắc Giang lại gọi học sinh này lên trước mặt phụ huynh học sinh công an đã tát lia lịa vào mặt các em, chửi các em là đồ vô kỷ luật khi các em cùng với thầy Khoa và các bạn công bố các clip ấy trên mạng. Các em đã có hành vi dũng cảm tiếp sức với chúng tôi để đưa mặt trái ấy lên trước xã hội thì các em bị đánh vào đầu.
Hành vi đánh vào đầu các em của công an khi được đưa lên báo chí và dư luận thì các em đều xem và tiêm nhiễm vào đầu các em những cách hành xử tiêu cực thì không dại gì sau này các em sống nhân ái nữa mà phải sống tàn bạo như khi người ta tát vào mặt, chửi các em. Đừng trách ai cả mà phải trách chính lực lượng cầm quyền.
Mặc Lâm : Xin cám ơn thầy Đỗ Việt Khoa.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Nguồn : RFA, 22/02/2017