Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2019) với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" diễn ra ngày 8 tháng 8. Bộ trưởng cho rằng, đây là cuộc cách mạng vĩ đại khi lần đầu tiên toàn bộ kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Khi đó sẽ xuất hiện kinh tế và xã hội số bên cạnh thực tại.
Hãy thức dậy và chạy" đến thế giới số…vào năm 2025- Ảnh minh họa. AFP
Người đứng đầu ngành Thông tin và truyền thông còn khẳng định, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng đây là sự thay đổi mang tính toàn diện đến từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và mọi lĩnh vực, có khối lượng công việc khổng lồ, sự dịch chuyển mang tính lịch sử ngàn năm có một.
"Cơ hội đang đến. Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này ? Đó là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Là các doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) Việt Nam. Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chúng ta sẽ tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số" (trích từ vov.vn đăng vào ngày 8/8/2019).
Ông Nguyễn Tử Quảng, giám đốc trung tâm an ninh mạng BKAV thuộc đại học Bách khoa Hà Nội và cũng là một trong những doanh nghiệp liên minh Chuyển đổi công nghệ số Việt Nam có nhận định rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội của tất cả các nước và đặc biệt đây là một cơ hội tốt đối với những nước đang phát triển như Việt Nam.
"Thì đây là cơ hội cũng xuất phát điểm với các nước khác trên thế giới, như các cuộc cách mạng công nghiệp khác trước đây của Việt Nam thì chưa hề tham gia một cuộc cách mạng nào cả, chưa có cơ hội tham gia vào. Lần này, Bộ trưởng nêu lên vấn đề và điều kiện tốt nhất là tạo đầu ra cho các doanh nghiệp tức là các doanh nghiệp công nghệ có khách hàng thì mới có điều kiện phát triển công ty của họ. Bộ có định hướng là thúc đẩy chính sách để cho các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp nhà nước họ phải chuyển đổi số ứng dụng công nghệ và là đầu ra cho các doanh nghiệp khác".
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý Thành phố Hồ Chí Minh HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử- Tin học EEI cho rằng, đây là một ý tưởng hay và táo bạo nhưng thực tế nó còn rất nhiều khó khăn.
"Tại một doanh nghiệp ở Việt Nam theo nghị định của Chính phủ vào 11/03/2018 thì doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ phải có dưới 50 lao động và vốn dưới 50 tỷ, cứ cho khoảng 30 lao động và 30 tỷ, mà nếu như vậy phải có 1 triệu 500 người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà phải có chuyên môn tốt trong lĩnh vực Flatform thì lấy đâu ra ?. Thứ hai vốn cứ 50.000 doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp 30 tỷ thì lên thêm 1 triệu 500 tỷ khoảng 60 tỷ USD thì lấy đâu ra ?".
Ông Hoàng Ngọc Diêu chuyên gia công nghệ thông tin từ Sydney, Úc cho rằng đây là điều mơ hồ. - Ảnh minh họa. AFP
Đồng quan điểm này, ông Hoàng Ngọc Diêu chuyên gia công nghệ thông tin từ Sydney, Úc cho rằng đây là điều mơ hồ. Ông giải thích :
"Quan trọng là chính sách và chiến lược cụ thể như thế nào, không có một chính sách gì rõ ràng đưa ra con số doanh nghiệp như vậy để làm điều gì. Nói về mặt chuyên môn tôi thấy nó không chuyên môn tí nào cả, thứ nhất phải đưa ra được nhu cầu thực sự hiện giờ là gì, thứ hai phải đưa ra được chiến lược là gì thì mới đưa ra được kế hoạch cụ thể để phục vụ chiến lược đó ngắn hạn và dài hạn như thế nào, khi chứng minh được điều đó thì con số doanh nghiệp như vậy mới phục vụ được tầm cỡ như vậy".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng để đẩy nhanh chuyển đổi số, Việt Nam cần tạo ra các nền tảng số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người sử dụng phải lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường này. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp (ICT) lấy một nền tảng số để xây dựng, đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Ông cũng khẳng định với 5 nền tảng : Thể chế, Hạ tầng, An Ninh mạng, Platform và Đào tạo" thì Việt Nam sẽ có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Nhận định về điều này, chuyên gia công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu nói :
"Làm sao mà đi nhanh và đi đầu được, ví dụ những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin trong khu vực như Ấn Độ có Bangalore (trung tâm công nghệ thông tin của Ấn Độ) thì mất đến 20 – 30 năm để tới được điểm như bây giờ, nên bây giờ Việt Nam muốn đi nhanh đi đầu thì đi bằng cái gì bây giờ, ví dụ như cần đào tạo những người ưu tú về vấn đề công nghệ nếu đào tạo hết tốc lực 1 cá nhân thì cũng mất tối thiểu từ 2-3 năm và trong thời gian đó kinh phí ở đâu để đào tạo, môi trường ở đâu để đào tạo, rồi đào tạo ra những bạn đó đâu phải là những người có kinh nghiệm đâu, phải ra làm việc 5-7 năm thì mới bắt đầu có tiếp xúc tiếp cận thực tế với công nghệ thì mới có kinh nghiệm, chứ giờ muốn đi nhanh đi đầu mà mình toàn lè tè bắt chước thiên hạ thì lấy gì đi đầu".
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc chia sẻ nhận định của ông về 5 yếu tố nền tảng được Bộ trưởng nhấn mạnh rằng :
"Năm cái cơ sở mà cái thứ nhất (Thể chế) là không bao giờ thay đổi cả thì làm sao làm cách mạng được, thứ hai cơ sở hạ tầng ví dụ 60% lao động Việt Nam làm nông nghiệp, con bò đi trước cái cày theo sau thì chuyển đổi số thế nào, lao động dệt may chiếm xuất khẩu hơn 20 tỷ USD, Việt Nam hay phô trương là xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam nhiều nhất thế giới…thì đó là lao động thủ công thì chuyển đổi số thế nào. 5 điều mà 2 điều không làm được còn an ninh mạng chỉ là hỗ trợ thôi, có 10.000 chiến sĩ tác chiến không gian mạng thì đó là tốt nhưng mà giống như bộ đội và công an có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc còn chuyện này là chuyện làm về kinh tế nên nếu như (an ninh mạng) làm tốt thì sẽ bảo vệ tốt thôi chứ không có đụng vào làm kinh tế".
Tiến sĩ cho biết về Platform (nền tảng) thì bắt buộc phải có cơ sở vật chất, hạ tầng với nền tảng hiện nay của Việt Nam khó có thể áp dụng được công nghệ số, do đó để thực hiện mục tiêu của Bộ trưởng Hùng là điều không dễ dàng.
Còn đối với ông Nguyễn Tử Quảng, ông khẳng định : "Nó không phụ thuộc vào nguồn nhân lực có sẵn hay không, trình độ công nghệ đạt đến đâu mà đó là vấn đề của cả xã hội chứ không đơn giản chỉ là về công nghệ. Ông cũng thừa nhận rằng các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam biết rất rõ việc thực hiện mục tiêu này không hề dễ, vì còn phụ thuộc vào các cơ chế, hành chính, luật pháp Việt Nam, tuy nhiên vì đây là quyết tâm của Chính phủ nên ông cũng hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có cách đưa mục tiêu hành hiện thực.
Nói thì rất dễ nhưng biến việc "nói" thành hiện thực không dễ chút nào. Ai cũng biết, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nói "Phải có việc thách thức, tạo ra giá trị thì nhân tài thế giới mới về Việt Nam" và "Người Việt khác người nước ngoài ở chỗ, để tự họ làm thì tốt hơn bảo họ phải làm…" Ắt là Bộ trưởng đã quá hiểu về sự vận hành và cơ chế trong nước nên việc ông đưa ra con số phát triển 50.000 doanh nghiệp IT e là còn khá khiêm tốn ?
RFA, 08/08/2019