Cần có luật về hoạt động của đảng chính trị
Hoài Nguyễn, VNTB, 08/11/2020
Có thể nhận định như vậy, vì tại Điều 4.3 của Hiến pháp 2013, nói rằng, "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" – tuy nhiên "pháp luật" nào chế tài các hoạt động của "Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam", thì đến nay vẫn chưa có.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động ngoài vòng pháp luật ? Việc có một bộ luật quy định về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam do đó là rất cần thiết
Trong chiều hướng đề xuất tương tự về xây dựng luật cho hoạt động của Đảng, ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, như sau :
"Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, đặc biệt là những người đứng đầu, cụ thể là 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Bộ tiêu chí đó phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương, chứ không phải đưa ra một tiêu chí chung cho toàn bộ các tỉnh, thành phố…
Trước hết, đó phải là tiêu chí khởi xướng chính sách. Người đứng đầu là người dẫn dắt đoàn tàu, bộ máy địa phương. Vì vậy, anh phải khởi xướng chính sách bằng ý tưởng, bằng nhìn nhận xu hướng phát triển, tận dụng tốt lợi thế của địa phương mình, chứ không phải dựa vào bộ máy, rồi sau này xảy ra sự cố gì lại đổ lỗi cho bộ máy. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc khởi xướng chủ trương, chính sách, thậm chí khởi xướng cả giải pháp thực hiện.
Tiêu chí thứ hai là trọng dụng nhân tài. Các nước phát triển coi đây là nguyên tắc hàng đầu. Người lãnh đạo không biết trọng dụng nhân tài, có nghĩa là anh không phát huy được một nguồn tài nguyên đặc biệt, mà cha ông ta vẫn gọi là "nguyên khí quốc gia".
Thứ ba, người đứng đầu địa phương phải quy tụ được sự đoàn kết, tạo được năng lượng cho tập thể. Tiêu chí cuối cùng chính là thành quả, sự thay da đổi thịt của địa phương.
Việc đánh giá có thể thực hiện trong 6 tháng, hay 1 năm, 3 năm, 5 năm. Còn nếu không có tiêu chí rõ ràng, ai cũng tốt cả thì sẽ không tạo ra cú hích đột phá nào cả".
Ý kiến của ông Lê Thanh Vân cho thấy đây là yêu cầu của quy trách nhiệm khá rõ ràng về vai trò đứng đầu quyền lực Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Đinh La Thăng là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, và sau đó ông đã chịu nhiều bản án hình sự khác nhau về các sai phạm trước đó. Điều này cho thấy trách nhiệm của người ký quyết định ‘phân công’ ông Đinh La Thăng vào vị trí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Diễn biến tương tự đang xảy ra ở rất nhiều địa phương khi Bộ Chính trị tiếp tục ‘phân công’ người về phụ trách các tỉnh ủy, thành ủy,… bất chấp các nhân sự cần một thời gian dài – ngắn nhất định để tập làm quen với tình hình thực tế địa phương. Điều đó tương tự như trong chuyện ‘công an khu vực’.
Nhiệm kỳ của một công an cấp phường được phân công phụ trách khu phố nào đó, là 4 năm. Thời gian 4 năm này, thường thì phải mất năm đầu tiên gọi là ‘quen địa bàn’. Năm thứ hai, gọi là ‘nắm vững tình hình trật tự nóc gia’. Bước sang năm thứ ba, coi như ổn định mọi chuyện cho yêu cầu nghiệp vụ. Năm thứ tư là làm các hồ sơ bàn giao cho người mới.
Lý giải về trình tự trên, phía cơ quan quản lý nói rằng với giới hạn thời gian ‘cầm quyền’ đó sẽ hạn chế được sự cát cứ quyền lực.
Tuy nhiên vấn đề chính ở đây là dù thế nào đi nữa thì vẫn là chuyện thiếu động lực cạnh tranh, vì lòng vòng sao đi nữa thì cũng trong cùng một đảng chính trị. Áp lực cạnh tranh cho phát triển mang đến lợi ích ra sao, có lẽ chỉ cần nhìn hiện tình cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ là rõ.
Dẫu Việt Nam kiên trì đơn đảng chính trị, thì với tuyên bố đeo đuổi việc xây dựng nhà nước pháp quyền, cho thấy cần thiết lắm rồi việc có một bộ luật quy định về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 08/11/2020
***********************
Đuổi việc cán bộ che giấu tài sản là cách diệt trừ tham nhũng !
Thu Thủy, Thoibao.de, 06/11/2020
Hôm 30/10 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam ký ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020.
Kèm theo Nghị định là mẫu bản kê khai và hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ.
Ảnh bên trái là đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc cùng cả gia đình mua quốc tịch đảo Síp mà riêng phần của ông ta đã chi ra 60 tỷ đồng cho cuốn hộ chiếu này. Tuy nhiên Trưởng ban tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh ông Phan Nguyễn Như Khuê (ảnh bên phải) lại nói : "Bây giờ cứ xoay quanh việc truy tìm làm sao cho bằng được tiền của ông Phạm Phú Quốc ở đâu ra, có tài sản hay tiền gửi euro để mua quốc tịch là không nên"
Những người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị, tại doanh nghiệp nhà nước phải công khai bản kê khai tài sản này.
Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nhận xét :
"Trong luật cán bộ công chức cũng có chuyện kê khai tài sản. Trong việc chống tham nhũng cũng có nói chuyện kê khai tài sản, thậm chí là không kê khai trung thực còn bị đánh thuế, bị tịch thu tài sản…
Nhưng ở Việt Nam nó rất khó, bởi vì cứ làm căng như thế thì ai sẽ xử ai ? Người ta cứ nói vui là một ông cán bộ sau 75 trong chiến khu ra chỉ có một cái ba lô mang trên lưng. Bây giờ tới mấy cái nhà mang trên lưng. Ai xử ai bây giờ !
Nếu làm mạnh mẽ, rộng rãi và làm được thì công khai tài sản ra cho dân biết. Còn mức trong phạm vi hẹp thì công khai trong nội bộ Đảng. Mà trong nội bộ Đảng phải có tranh cử, ứng cử, bầu cử thì mọi chuyện mới được phơi bày. Chỉ nhìn vào khẩu hiệu, chữ nghĩa thì nó vô cùng hay. Nhưng thiếu cơ chế, thiếu thể chế thích hợp nên việc thực hiện không đi về đâu cả".
Theo ông Trần Quốc Thuận, việc cho dân bầu cử, ứng cử tự do là chuyện mà ông gọi là "trong mơ". Bây giờ chỉ cần làm bước cơ bản là bầu cử, ứng cử tự do trong nội bộ Đảng. Bởi khi chưa ai có chức có quyền mà tranh cử với nhau thì tự nhiên người ta sẽ nói toạc ra hết, công khai hết mọi chuyện.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết thì cho rằng, chủ trương về việc kê khai tài sản thì cũng là bình thường nếu như việc kê khai đó để làm rõ tính minh bạch, tính xác thực của tài sản họ có. Vấn đề ở đây là kê khai thì bước tiếp theo sẽ là gì. Ông bày tỏ quan điểm của mình :
"Cái việc kê khai đó Nhà nước tiến hành bằng luật gì. Nó có phù hợp với quy định, tập quán chung của xã hội hay không ? Có phù hợp với cái quy định nhà nước định ra cho những người có quyền làm ăn, thu nhập chính đáng hay không ? Còn thu nhập không chính đáng thì lại là chuyện khác.
Tui nghe nói ở một số cơ quan lớn như ở Bộ chính trị hay một số những cơ quan cao cấp khác thì có quy định cán bộ phải kê khai tài sản hết. Tui nghe chứ tui không thấy văn bản. Và người ta cũng có thi hành, có kê khai. Vấn đề là kê khai rồi để đó chứ không có ai thẩm tra, xem xét coi kê khai đúng hay không".
Việc kê khai tài sản, quan chức được nói đến nhiều mấy năm gần đây khi nhiều dinh cơ đồ sộ của các quan chức bị phơi bày trên mặt báo. Chẳng hạn như biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý, hay biệt phủ của ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La. Cuối năm 2014, hai quần thể biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân, Đà Nẵng bị phát hiện. Chủ nhân là ông Phan Như Thạch – một Thiếu tướng công an vừa về hưu và đại gia vàng tên Ngô Văn Quang.
Biệt phủ Yên bái của gia đình ông Phạm Sỹ Quý Giám đốc sở Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, có khuôn viên rộng hơn 13.000 m2, có hồ nước, cây cầu, thảm cỏ, sân chơi thể thao…
Cuối năm 2019, Chánh thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy đã trình UBND thành phố Hà Nội kế hoạch thanh tra năm 2020, và kế hoạch này đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Đức Chung phê duyệt. Kế hoạch này có thêm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc kê khai tài sản của các đối tượng thuộc diện kê khai tài sản theo quy định và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
Ông Hoàng Văn Trường (66 tuổi) – nguyên Bí thư Thành phố Nha Trang bị dao đâm đứt tĩnh mạch cổ, gây chấn động, nhưng cư dân mạng lại xầm xì nhiều chủ yếu vì căn biệt phủ quá lộng lẫy xa hoa, dù chỉ nhìn từ phía ngoài cũng đánh giá được giá trị của căn biệt phủ này không dưới vài trăm tỷ
Nghị định 130/2020/NĐ-CP được ban hành nêu rõ mức kỷ luật dành cho những người kê khai sai quy định hoặc tẩu tán tài sản.
Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Ông Lê Văn Triết nhận xét về hình thức kỷ luật trong Nghị định mới ban hành :
"Tôi nghĩ nếu kê khai mà tài sản bị tẩu tán hay che giấu không khai sự thật thì sẽ phạm với quy định, nghị định về kê khai tài sản. Nếu kê khai thì phải kê khai rõ ràng, không tẩu tán. Có tẩu tán là tài sản không minh bạch rồi. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai, nếu kê khai không đúng sự thật, có 10 mà chỉ khai 1, thì người ta có quyền xem xét để xử lý. Phải như vậy nó mới công bằng trong xã hội, mới nghiêm minh trong việc kê khai tài sản, mới minh bạch trong việc sở hữu tài sản".
Nếu kê khai không đúng sự thật, có 10 mà chỉ khai 1, thì người ta có quyền xem xét để xử lý. Phải như vậy nó mới công bằng trong xã hội, mới nghiêm minh trong việc kê khai tài sản, mới minh bạch trong việc sở hữu tài sản – ông Lê Văn Triết nói.
Theo nhận định của những người quan tâm, muốn kỷ luật người kê khai không trung thực thì trước hết phải chứng minh người này khai không đúng. Đó là điều rất khó trong thể chế Việt Nam hiện nay.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng, rất khó kỷ luật người vi phạm bởi theo thể chế ở Việt Nam hiện nay, những người lãnh đạo được chỉ định chứ không qua bầu cử. Họ có quyền sinh sát trong tay. Khó ai có thể yêu cầu họ phải kê khai tài sản của họ một cách trung thực.
Tuy vậy, để cho công bằng thì họ vẫn có những hình thức kỷ luật theo kiểu "đem vài con dê ra tế thần".
Cuối năm 2019, hai cán bộ ở tỉnh Khánh Hòa đã bị kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Người thứ nhất là ông Đinh Sỹ Hiệp – Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban dân vận Thành ủy Cam Ranh. Ông Hiệp bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do ông không kê khai nợ tiền sử dụng đất 67,6 triệu đồng vào năm 2014 và mảnh đất tại thị trấn Cam Đức vào các năm 2016, 2017. Ông cũng không kê khai khoản nợ 600 triệu đồng vào các năm 2016, 2017.
Người thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nam – Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
Ông Nam không kê khai tài sản là chiếc xe hơi mà ông nhận ủy quyền từ một Việt kiều Mỹ, ông còn chiếm giữ 48 triệu đồng tiền thanh lý 2 hợp đồng thuê mặt bằng tại đảo Điệp Sơn của 2 cá nhân… Ông Nam đã bị Tỉnh ủy Khánh Hòa kỷ luật với hình thức cách chức.
"Tụi lãnh đạo từ trên xuống dưới, từ cấp cao đến cấp thấp nó tham nhũng trắng trợn đến mức độ công khai mà đứa nào dám làm được gì nó ?" - một bạn đọc bình luận.
"Nguyên cả hệ thống cộng sản Việt Nam không có thằng nào mà ko ăn, ko tham nhũng, ko hối lộ. Bề ngoài đưa ra chính sách, nghị định chống tham nhũng cũng chỉ là hình thức mị dân. Sống trên cái đất nước hình chữ S này thì mới hiểu bản chất của tụi nó (cộng sản Việt Nam) là thế nào. Đâu phải tụi nó không biết cách chống tham nhũng mà gợi ý điều này, chúng nó chống tham nhũng thì chúng nó ăn cái gì ? Chúng nó chống tham nhũng thì sao con em chúng nó có tiền đi du học, mua nhà nước ngoài, tiền đâu ở biệt phủ, tiền đâu có tấm vé định cư nước ngoài.
Đuổi việc là một cách bao che cho các Tội Phạm đảng viên cộng sản, và chính thức công nhân đưong sự có tài sản do Tham nhũng là hợp pháp. Như vậy các đảng viên cộng sản lại rất vui mừng, càng ăn trộm tàn bạo tài sản của đất nước, sau đó bị đuổi, chúng lại hiên ngang ôm tiền triệu Đô la ra nước ngoài sanh sống" - một bạn đọc khác nêu quan điểm.
Từ việc làm từ thiện ở miền Trung, dân mạng đưa ra so sánh, hình bên trái là bộ xương bọc da của dân nghèo Quảng trị với hình bên phải là căn biệt thự dát vàng của nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh
Không siết cán bộ kê khai tài sản thì không thể chống tham nhũng !
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình :
"Có cơ chế gì mà chống tham nhũng, mà đã thực hiện được đâu mà hết tham nhũng được.
Nhiều lắm, tràn lan, tham nhũng đàng hoàng trên đường phố, công an đón người ta kêu có tội rồi phạt, tiền đưa vào túi chứ có đưa vào ngân sách đâu ? Còn chuyện tham nhũng bên trong thì đủ thứ tham nhũng, tham nhũng đất đai… Chưa có giải pháp, chưa có chế tài nào để trị tham nhũng đến nơi đến chốn".
Chính Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hôm 14 tháng 9 năm 2020, khi gởi báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ, cũng cho biết trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án… nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%…
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù việc thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn… Trong khi đó các bị cáo này, không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập quyền dân, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận định :
"Bất cứ một lãnh đạo của bất cứ bộ ngành nào, bất cứ địa phương nào, không chứng minh được tài sản lớn, nhà cao cửa rộng, biệt phủ thênh thang.v.v… thì người ta có quyền nghi vấn và kiểm tra. Nếu không chứng minh được thì tức là tài sản bất minh… khi đó nhà nước phải tịch thu. Nhưng bây giờ luật bày của Việt Nam đưa ra Quốc hội nhưng không quyết được, có nghĩa là họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh. Và rút cuộc tiền tham nhũng vẫn nằm trong túi vợ con, bà con thân thuộc của những người phạm tội, họ chuyển ra nước ngoài, đánh mất tài sản của dân của nước".
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, tham nhũng ở Việt Nam là một điều ai cũng thấy, nhưng đảng công sản sẽ vẫn không giải quyết được vấn nạn này, nếu vẫn giữ cung cách đảng lãnh đạo như hiện nay, mà không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có phản biện xã hội… Và ai công kích phê phán thì coi là chống đối nhà nước, bỏ tù… nên cũng không thể dựa vào dân để đẩy lùi tệ nạn này.
Ông tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền khi nghỉ hưu cũng có một biệt phủ nguy nga tráng lệ mà ông nói phải "làm thối móng tay" mới có.
Vì sao không công khai tài sản cán bộ ?
Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Nhà hoạt động Trần Bang nói :
"Bởi vì do không được minh bạch, thể chế độc đảng cái gì cũng bí mật, sức khỏe cán bộ cũng bí mật, tài sản cán bộ cũng bí mật, quá trình công tác cũng bí mật, dân chẳng biết để soi.
Vì vậy người ta trượt dài trong bí mật ấy, chỉ khi nào trong đảng đấu đá đưa ra thì dân mới biết người đó có tội".
Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Có nhiều ý kiến nghi ngờ cho rằng, vì chỉ có quan chức là đảng viên đảng cộng sản mới tham nhũng, do đó nếu công khai sẽ làm cho người dân mất tin tưởng. Tuy nhiên, càng không công khai, lại càng chứng tỏ không minh bạch. Điều này làm dư luận nêu câu hỏi, liệu chính quyền có thật lòng muốn chống tham nhũng, khi không quyết liệt trong việc bắt cán bộ kê khai tài sản ?
Căn biệt phủ xây bằng 80m3 gỗ quý của ông Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng trị, được khai báo là xây bằng tiền tiết kiệm hàng chục năm
Tiến sĩ Nguyễn Quang A khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, giải thích :
"Có quy định kê khai tài sản nhưng họ chỉ giữ với nhau hoặc có thể trong nội bộ lúc họ đánh nhau có thể lôi ra. Nhưng nếu thông tin minh bạch đã làm quan chức nhà nước có thể không cần phải công khai ở mức đăng trên báo, nhưng phải để cho bất kể một công dân nào có quyền tiếp cận thông tin ấy và nó phải có quy định rõ ràng là sử dụng thông tin ấy thế nào ?"
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho rằng, bản chất của cán bộ Đảng Cộng sản là khó giữ liêm khiết, vì cơ chế độc quyền, độc đảng, độc trị… Cơ chế ấy theo ông dễ tạo ra những kẻ tham nhũng, những kẻ hối lộ. Chẳng qua là họ nằm ở phe cánh nào và đã lộ ra hay chưa mà thôi.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước sẽ lủng đoạn. Bởi vì theo ông, không có đảng đối lập để kiểm tra, kiểm soát được họ. Cho nên tình trạng tham nhũng gần như là quy luật và không thể nào giải quyết được.
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 06/11/2020
************************
Đề nghị xây dựng tiêu chí đánh giá bí thư : "Mâu thuẫn quyền lực ?"
RFA, 05/11/2020
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, hôm 5/11/2020 khi phát biểu trước Quốc hội đề xuất ‘Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, đặc biệt những người đứng đầu, cụ thể là 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy’.
Một cảnh sát mang súng đứng gác cạnh bức chân dung cố Chủ tịch Hồ Chí Minh bên ngoài nơi diễn ra đại hội đảng ở Hà Nội. AFP
Vì sao vấn đề đánh giá các bí thư, chịu sự quản lý và phân bổ của cơ quan trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, thường chỉ được nêu lên tại các kỳ đại hội đảng, lại được một Đại biểu quốc hội nêu lên ở nghị trường Quốc hội ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 5/11/2020, liên quan vấn đề này, nhận định :
"Những người thuộc về đảng chính trị thì phải để cho đảng chính trị làm, đó là công việc của đảng cộng sản Việt Nam, sao Quốc hội lại đá lấn sân sang đảng ? Hay là ổng dùng diễn đàn Quốc hội để góp ý cho Đảng cộng sản Việt Nam ? Tôi nghĩ lẽ ra ổng phải tham dự vào đại hội đảng, rồi phát biểu như thế thì đúng hơn, chứ còn trên diễn đàn Quốc hội mà ổng nói như thế là hoàn toàn lạc sân".
Theo Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, bộ tiêu chí đánh giá các bí thư phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương, chứ không thể đưa ra một tiêu chí chung cho toàn bộ các tỉnh, thành phố. Do đó theo ông, cần phân loại các nhóm địa phương có cùng đặc điểm để xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhóm cụ thể.
Từ Sài Gòn hôm 5/11/2020, nhà hoạt động Trần Bang cho Đài Á Châu Tự Do biết, ông nghi ngờ có sự mâu thuẫn quyền lực trong đề xuất này :
"Đại biểu quốc hội mà phát biểu tiêu chí của đảng làm lộ ra điều, chứng tỏ ông bí thư có quyền lực thật trong tỉnh thành mà ổng làm bí thư. Cho nên ông Đại biểu quốc hội đó vô tình nói ra, vì ổng bị chịu sự chi phối... thậm chí một Đại biểu quốc hội có thề là chủ tịch hay phó chủ tịch tỉnh, về nguyên tắc là người đứng đầu tỉnh, nhưng vẫn bị bí thư chi phối".
Theo Nhà hoạt động Trần Bang, thật ra không có một luật nào quy định bí thư là người đứng đầu tỉnh, nhưng trong thực tế ông bí thư có quyền loại bỏ những người có quyền lực cao nhất ở địa phương, từ ông chủ tịch tỉnh hay chủ tịch Hội đồng nhân dân là hai chức danh, mà chính quyền mang ra trình làng là to nhất ở địa phương. Ông nói tiếp :
"Nhưng thực tế ông chủ tịch ký gì đều phải qua ông bí thư, như vậy ông bí thư là người có quyền lực thật trong bóng tối, mà không được pháp luật quy định. Ông bí thư chỉ đạo chủ tịch ký sai, thì không có quy định chế tài, cho nên ông bí thư đứng trên pháp luật là như thế. Do đó ông Đại biểu quốc hội nói như thế là muốn vén bức màng bí mật, để làm cho rõ ra... Cái đó trong thực tế ai cũng rõ, nhưng trong luật không hề có câu chữ nào rằng ông bí thư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chính quyền tỉnh. Điều này cho thấy quyền lực trong bóng tối của đảng cộng sản, bị bóc trần tại diễn đàn Quốc hội".
Chính trị Việt Nam đi theo nguyên mẫu nhà nước xã hội chủ nghĩa, độc đảng. Mặc dù Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam đã ghi rất rõ : ‘Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng’. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng.
Vào ngày 20 tháng 8 năm 2020, chính quyền Việt Nam ban hành Nghị định 90 thay thế hai nghị định 56 và 88, với những thay đổi được nói giúp cải thiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Một trong những thay đổi được nhiều quan tâm nhất là việc công khai, minh bạch đánh giá cán bộ và công nhân viên chức. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có quy định nào trong việc đánh giá các bí thư, người chịu sự quản lý của đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói tiếp :
"Tôi nghĩ Đảng không nêu công khai nhưng chắc chắn họ có các tiêu chuẩn để họ đánh giá các bí thư đấy. Trong ban tổ chức trung ương đảng, họ có quyền điều động những người đấy và tôi tin là nó có tiêu chuẩn của nó chứ không phải họ thích làm thế nào thì làm. Còn chuyện đánh giá như thế nào thì mình không biết nội bộ đảng họ làm thế nào, bởi vì Đảng này họ nắm quyền. Mà nếu họ đưa công khai các tiêu chí đánh giá cho người dân biết thì cũng là tốt".
Nhìn chung nếu minh bạch trong việc đánh giá cán bộ viên chức hay nhân sự đảng, sẽ có động lực cho họ thay đổi. Cho dù cũng sẽ có những người vì đánh giá mà bị công khai thì có thể sẽ không hài lòng. Nhưng nếu làm được việc đánh giá có hệ thống, công khai đối với những công chức hay cán bộ thì có lẽ xã hội sẽ ngày càng phát triển hơn.
Tuy nhiên, theo Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả Đài Á Châu Tự Do hôm 5/11/2020 cho biết việc đánh giá đã có từ lâu, nhưng không hiệu quả :
"Từ ủy viên Bộ chính trị đến Ủy viên Trung ương, đến các đảng viên... theo quy định đều có đánh giá xếp loại. Nhưng lâu nay việc đánh giá này chỉ là định tính, chứ chưa có bộ tiêu chí để mang tính định lượng, cho nên nhiều khi đánh giá xếp loại chưa được chuẩn xác. Cho nên nếu có Bộ tiêu chí này thì từ cán bộ cao nhất đến thấp nhất sẽ được đánh giá khách quan hơn".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng, việc đề xuất tiêu chí đánh giá chẳng có gì khác trước. Theo ông, tất cả những tiêu chuẩn ấy chỉ là vớ vẩn, vì nêu ra nhưng không thể đo đạt để đánh giá. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đúng ra là các vị lãnh đạo phải ra tranh cử, để cho đại hội xem xét bầu chọn. Chứ đưa ra hàng chục tiêu chuẩn mà không có gì để đánh giá, thì tất cả những tiêu chuẩn ấy chỉ có tính cách lòe bịp và chẳng có tác dụng gì.
Nguồn : RFA, 05/11/2020
*********************
Cần có bộ tiêu chí đánh giá năng lực 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy
Lê Thanh Vân, Tiến Phong, 05/11/2020
"Trung ương cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, đặc biệt là những người đứng đầu, cụ thể là 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Bộ tiêu chí đó phải được xây dựng phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương, chứ không phải đưa ra một tiêu chí chung cho toàn bộ các tỉnh, thành phố...
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Ảnh : Quốc hội
...Trước hết, đó phải là tiêu chí khởi xướng chính sách. Người đứng đầu là người dẫn dắt đoàn tàu, bộ máy địa phương. Vì vậy, anh phải khởi xướng chính sách bằng ý tưởng, bằng nhìn nhận xu hướng phát triển, tận dụng tốt lợi thế của địa phương mình, chứ không phải dựa vào bộ máy, rồi sau này xảy ra sự cố gì lại đổ lỗi cho bộ máy. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc khởi xướng chủ trương, chính sách, thậm chí khởi xướng cả giải pháp thực hiện.
Tiêu chí thứ hai là trọng dụng nhân tài. Các nước phát triển coi đây là nguyên tắc hàng đầu. Người lãnh đạo không biết trọng dụng nhân tài, có nghĩa là anh không phát huy được một nguồn tài nguyên đặc biệt, mà cha ông ta vẫn gọi là "nguyên khí quốc gia".
Thứ ba, người đứng đầu địa phương phải quy tụ được sự đoàn kết, tạo được năng lượng cho tập thể.
Tiêu chí cuối cùng chính là thành quả, sự thay da đổi thịt của địa phương.
Việc đánh giá có thể thực hiện trong 6 tháng, hay 1 năm, 3 năm, 5 năm. Còn nếu không có tiêu chí rõ ràng, ai cũng tốt cả thì sẽ không tạo ra cú hích đột phá nào cả".
(Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đề xuất trên Báo Tiền Phong ngày 5/11)