Vì sao cần dàn xếp trong bóng tối vụ việc ‘tiếp rượu’ ở tỉnh Đắk Nông ?
Cát tường, VNTB, 20/12/2022
Vụ việc này liên quan quá nhiều đến cá nhân, tổ chức của tỉnh Đắk Nông nên nếu tiếp tục phanh phui và báo chí đăng tải thì đảng cộng sản sẽ càng thêm mất uy tín,"tự ta lật đổ ta thôi" như cảnh báo hồi nào của ông Trần Quốc Vượng.
Bởi khi được suy diễn rộng ra, người ta có thể hoài nghi đang có dấu hiệu tham nhũng ngân sách ở các khóa bồi dưỡng chính trị định kỳ đối với đảng viên các cấp, ngành ở tỉnh Đắk Nông thực ra chỉ là hình thức ; hoặc tệ hại hơn là việc học tập nghị quyết đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chỉ là tấm bình phong cho chia chác ngân sách.
Nếu tiếp tục phanh phui và báo chí đăng tải thì đảng cộng sản sẽ càng thêm mất uy tín,"tự ta lật đổ ta thôi !".
Ghi nhận ban đầu của UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, thì đúng là có sự việc bà Đỗ Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã "thường xuyên chỉ đạo" một số giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc tại các đơn vị như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Tây Nguyên ; Đồn Biên phòng 11, 12 ; Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ ; Chi cục Hải quan cửa khẩu Bu P’Răng ; Công an tỉnh trong và ngoài giờ hành chính, có cả thứ 7 và chủ nhật.
Về quản lý Nhà nước thì các quan chức lãnh đạo ở các đơn vị vừa nêu tên, tất cả đều là đảng viên ; riêng Công an tỉnh thì quan chức lãnh đạo thường cũng kiêm nhiệm là chức sắc của Tỉnh ủy và cả UBND tỉnh.
Tiêu chuẩn chính trị để được "cơ cấu" ghế lãnh đạo còn yêu cầu phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau giồi và học tập theo "tư tưởng Hồ Chí Minh" ; nghĩa là những quan chức/viên chức này hiểu rất rõ những gì được phép làm và không được phép hành xử khi nhân danh pháp nhân nơi mình đang làm việc.
Đơn cử, bà Đỗ Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, bà còn là Bí thư chi bộ đảng của trường. Quản lý cấp trên về mặt đảng của bà Oanh là Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông ; và Huyện ủy Tuy Đức, Đắk Nông. Chắc chắn Đảng ủy Sở và Huyện ủy không thể không biết việc Bí thư chi bộ đảng Đỗ Thị Oanh đã "thường xuyên chỉ đạo" một số giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc, là hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dĩ nhiên là trong chiều ngược lại, các buổi tiệc tại các đơn vị như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Tây Nguyên ; Đồn Biên phòng 11, 12 ; Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ ; Chi cục Hải quan cửa khẩu Bu P’Răng ; Công an tỉnh khi diễn ra trong giờ hành chính, và có sự góp mặt để "tiếp rượu" của các cô giáo mầm non Hoa Lan thực hiện theo yêu cầu "chỉ đạo" của bà hiệu trưởng Đỗ Thị Oanh, thì sai phạm không thể phủ nhận về vi phạm pháp luật về rượu bia.
Cụ thể, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, tại Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia :
"1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
(…)
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập".
Lưu ý, trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, tại Điều 25 cho thấy liên quan đến vụ việc cụ thể nêu ở đầu bài viết này, đó là điều luật gọi là "Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia".
Theo đó,
"1. Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm :
a) Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em ; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình ;
b) Can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia".
Như vậy, nếu không nhanh chóng dàn xếp ổn thỏa vụ việc có dấu hiệu sai phạm mở rộng ở trên, thì sẽ rất đúng như khuyến cáo của ông Trần Quốc Vượng khi còn là Thường trực Ban bí thư : "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi" – trích phát biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020.
Cát Tường
*********************
Học tập Phùng Xuân Nhạ…
Hồng Dân, VNTB, 18/12/2022
UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kết luận 10 nội dung trong đơn tố cáo bà Đỗ Thị Oanh – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan. Bà Đỗ Thị Oanh còn là Bí thư chi bộ của trường Mầm non Hoa Lan.
Bà Đỗ Thị Oanh, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Lan đã ‘điều’ nhiều giáo viên của trường đi ‘làm đào’ tiếp rượu khách VIP.
Theo kết luận, nội dung tố cáo bà Oanh thường xuyên chỉ đạo các giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc tại nhiều đơn vị trong và ngoài giờ hành chính, có cả thứ Bảy và Chủ nhật, là có thật.
Bà Đỗ Thị Oanh cũng thừa nhận việc làm này với đoàn thanh tra UBND huyện Tuy Đức, và nói chỉ phân công khi các đơn vị mời nhà trường tham dự.
Làm việc với đoàn kiểm tra huyện Tuy Đức, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, hằng năm công ty ông đều mời bà Oanh đến dự sơ kết, tổng kết hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và năm. Trong đó, năm 2021 mời khoảng 4 – 5 lần ; năm 2022 khoảng 3 lần.
Khi được mời, bà Đỗ Thị Oanh đi uống rượu và rủ giáo viên đi uống rượu để tiếp khách trong giờ hành chính.
Trước mắt, bà Đỗ Thị Oanh xác nhận ngoài các buổi tiệc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên kể trên, còn có chuyện được gọi là "đi uống rượu và phân công các giáo viên đi uống rượu : tại hai đồn biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông, Chi cục hải quan cửa khẩu Bu Brăng, Công an tỉnh Đắk Nông.
Hiện tại, nguồn tin từ đoàn kiểm tra của huyện Tuy Đức cho biết có các nội dung sau đây được chuyển lên cấp trên Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Tuy Đức, đó là hiệu trưởng – Bí thư chi bộ Đảng trường Mầm non Hoa Lan đã gợi ý các giáo viên mầm non dưới quê bà về việc nhận quà tặng bằng vàng 9999 trong ngày sinh nhật ; tham gia học chính trị hè không nghiêm túc và vi phạm quy định của Đảng ; có quan hệ bất chính với một Chủ tịch UBND xã tại địa phương.
Vụ việc trên cho thấy xuất phát từ tiền lệ tương tự nhưng không được xử trí đến nơi đến chốn về mặt chính quyền lẫn quy định của Đảng, đó là vụ giáo viên nữ được yêu cầu ‘tiếp rượu’ trong các sự kiện chính trị ở Hà Tĩnh.
Năm 2016, một số nữ giáo viên đang công tác tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phản ánh UBND thị xã Hồng Lĩnh có một số lần điều động nữ giáo viên có ngoại hình "dễ nhìn" làm lễ tân tại các sự kiện lớn của địa phương.
Gần nhất, vào ngày 12/8/2016, UBND thị xã Hồng Lĩnh ra thông báo điều động 21 giáo viên nữ, các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với nội dung : "Phân công nhiệm vụ các cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ tại Liên hoan Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh".
"Việc này chúng tôi bức xúc lắm vì một số quan khách khi rượu vào đã có các hành động khiếm nhã với chúng tôi", một cô giáo mầm non phản ánh.
Khi báo chí ‘vào cuộc’ theo đơn thư của các cô giáo mầm non này, ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, và ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh đều thừa nhận việc điều động nữ giáo viên làm lễ tân cho các sự kiện lớn.
Tuy vậy, ông Thiềm cho rằng việc một số quan khách khi uống rượu có hành động và lời nói khiếm nhã thì "Phòng cũng không kiểm soát được".
Khi được chất vấn ở Quốc hội, khi ấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời như sau :
"Liên quan đến việc các cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh, đây là vấn đề có thật. Khi nhận được thông tin này, tôi đã có ý kiến, đã trao đổi với đồng chí chủ tịch tỉnh, đồng chí chủ tịch đã kịp thời có công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh phải báo cáo.
Ở đây không chỉ là một trường hợp của thị xã Hồng Lĩnh. Mà trong thực tế có nhiều nơi, cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ thôi nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo. Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ phải rút kinh nghiệm, để xã hội nóng lên về vấn đề này là không được. Trong trường hợp này tôi nhận trách nhiệm, với tư cách là người đầu ngành, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thầy cô.
Chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các địa phương, các sở để có giải pháp, chứ không chờ báo chí vào cuộc mới lên tiếng".
Phát biểu công khai trên của ông Phùng Xuân Nhạ cho thấy một sự thật là cách nghĩ về vụ việc ở đây, "chỉ là vui vẻ thôi", cho thấy rất đáng báo động về một quan chức cấp cao nhất trong ngành giáo dục lại đồng tình việc dùng "nữ giáo viên có ngoại hình dễ nhìn làm lễ tân tại các sự kiện lớn của địa phương" như trò mua vui nhục cảm.
Ông Phùng Xuân Nhạ hiện là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Thay lời kết, người viết cho rằng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần phải lên tiếng, và chịu phần trách nhiệm khi để xảy ra các vụ việc như trên trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Hồng Dân
Đắk Nông : Nữ hiệu trưởng điều giáo viên đi tiếp rượu khách ‘VIP’ hàng năm
Trao giải ‘khống’ cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường để trả nợ quán ăn
Minh Sơn