Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đồng tiền lẻ đang phát huy sức mạnh bé mọn của nó, nhưng phát huy kiểu này thì chả ai mong muốn, kể cả nhà chức việc, nhà đầu tư lẫn giới tài xế, chủ xe. Người ta ai cũng chỉ mong có sự hợp lý trong mọi sự, nếu phải trả phí thì trả đúng đồng tiền bát gạo.

bacle1

Trạm thu phí BOT Cai Lậy bị người dân phản đối vì cho rằng đặt không đúng chỗ, lạm thu kiểu trấn lột - Ảnh : X.Q

Nói không quá, đồng tiền mệnh giá nhỏ (so với giá trị của vật chất), còn gọi là bạc lẻ, hoặc tiền lẻ, đang gây sự chú ý nhiều nhất trong đời sống xã hội. Nó thu hút dư luận còn hơn cả diễn biến vụ tòa xử Công ty VN Pharma buôn thuốc ung thư giả, hoặc đại án OceanBank với hàng loạt quan chức sừng sỏ, lãnh đạo cộm cán phải ra vành móng ngựa. Nó thời sự bởi liên quan đến các dự án BOT giao thông, đến những trạm thu phí, đến giới tài xế, đến những biện pháp của nhà chức việc (giao thông, công an) nhằm giải quyết tình trạng "trả phí bằng tiền lẻ" sao cho hợp lý hợp tình… đang nóng bỏng hiện nay.

Thông thường, tiền lẻ bị người đời "rẻ rúng" bởi cái mệnh giá nhỏ bé của nó. Thực ra nó chả có tội gì. Ai cũng biết vậy. Trong đồng tiền của mỗi quốc gia, bất cứ nước nào, luôn tồn tại đồng thời xen kẽ tiền lớn tiền nhỏ, mệnh giá lớn mệnh giá nhỏ, để phù hợp với sự thanh toán ở những mức độ khác nhau. Hắt hủi, rẻ rúng những đồng bạc giá trị nhỏ là thiếu sự tôn trọng đồng tiền. Tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt, từ công sức của người lao động, dù lớn hay nhỏ đều quý, đều có giá trị như nhau.

Nhưng đồng tiền, cũng như con người vậy, số phận ba chìm bảy nổi. Khi chót vót đỉnh cao, lúc bùn nhơ tận đáy. Khi thì được khen nức nở, được nâng niu chiều chuộng, cất giữ cẩn trọng két này tủ nọ, xem như thước đo trong đời sống, trong sự thành đạt của con người, lúc thì bị hắt hủi, lên án, bị coi là nguyên nhân của mọi tội ác, thậm chí bị nguyền rủa bằng câu kinh điển lan truyền bấy lâu nay "đồng tiền là con đĩ của nhân loại", nghe phát khiếp. Cứ như vậy, đồng tiền kẻ ghét người yêu, nó vẫn tồn tại không thể thiếu trong đời sống, nhất là trong các quan hệ làm ăn, mua bán, sinh hoạt cộng đồng. Ngay những kẻ chán tiền, ghét tiền nhất, giá có mơ ước được quay trở lại thời giao dịch mua bán bằng cách trao đổi khi chưa có đồng tiền, kiểu một con dê đổi mấy thùng thóc, họ cũng không bao giờ thỏa nguyện cái ý nghĩ trong sáng và điên rồ ấy được. Đơn giản là bây giờ người ta không thể sống thiếu tiền.

Tiền lẻ có đôi ba đận được sùng bái như ông hoàng. Nhớ nhất là những dạo sau 2 cuộc đổi tiền năm 1978 và 1985, tiền lẻ quý hiếm hơn vàng. Muốn đi hớt cái tóc, sửa chiếc xe đạp, mua ổ bánh mì, ăn sáng, uống ly cà phê… mà trong túi không có vài đồng bạc lẻ là đành chịu. Bà nội trợ định mua bó rau muống hoặc mấy nhánh hành, nếu đưa tờ 100 đồng tiền mới ra sẽ nhận được cái xua tay từ chối thẳng thừng. "Chê" tiền là điều có thật. Người mua không mua được hàng, người bán cũng không bán được hàng, chỉ bởi không có tiền lẻ. Thời đó, tấm thẻ thương binh rất có giá trị khi chủ thẻ sử dụng dịch vụ nào đó, chẳng hạn đi lại, mua sắm bởi sẽ được ưu tiên. Vậy mà có lúc tiền lẻ ngoi lên chiếm vị trí ưu tiên số 1, hơn cả thẻ thương binh. Người ta truyền nhau câu "tiền lẻ, thẻ thương binh" để nói rằng có tiền lẻ là… có tất. Chỉ có điều, thời vàng son của tiền lẻ vụt qua rất nhanh bởi đồng tiền mới bị mất giá tốc độ phi mã. Chỉ hơn tháng sau đó, tiền lẻ lại quay về số phận hẩm hiu, như ông lão đánh cá trở về với cái máng lợn. Vụt lóe lên và tắt, tiền lẻ vang bóng một thời… bao cấp.

Trở lại vụ tài xế và tiền lẻ. Có lẽ "đầu têu", khơi nguồn chuyện phát huy giá trị tiền lẻ là từ mấy bác tài xứ Nghệ hồi cuối năm ngoái 2016. Người xứ Nghệ mang tính tiên phong từ trong máu. Trạm thu phí Bến Thủy trên quốc lộ 1 đã gần như tê liệt trước cả đống tiền lẻ mỗi tài xế nộp vào khi "quá cảnh". Một đồn mười, mười đồn trăm, từ xứ Nghệ lan ra khắp nơi, bất cứ nơi nào có trạm thu phí. Điều dễ nhận thấy nhất là tiền lẻ chỉ được áp dụng ở những trạm BOT đặt không đúng chỗ, lạm thu, thu vô lý, chứ tại những trạm đặt đúng quy định không hề xảy ra tình trạng này. Dư luận cũng như chính quyền không đời nào chấp nhận tài xế xài tiền lẻ gây ùn tắc giao thông ở những trạm thu phí "đàng hoàng, tử tế" như trên các cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, hoặc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Rõ ràng việc trả bằng tiền lẻ là sự phản ứng ôn hòa nhưng dứt khoát của những người không chấp nhận sự thu phí vô lý mà chủ đầu tư đang áp đặt. Đừng nghĩ đó là âm mưu âm miếc gì.

Điều đáng nói, lẽ ra sau hiện tượng tiền lẻ ở trạm thu phí BOT Bến Thủy (Nghệ An), nhà chức việc có liên quan cũng như nhà đầu tư công trình giao thông cần nghiêm túc xem xét lại hiện tượng và bản chất, tìm ra cái đúng cái sai để có biện pháp xử lý chính xác và dứt điểm, thì lại cứ lấn bấn, dây dưa, không rốt ráo, thậm chí xem thường, để rồi cái sảy nảy cái ung. Càng có xu hướng đổ lỗi cho tài xế, cho tiền lẻ, họ càng làm cho tình trạng nói trên thêm phức tạp, lan rộng. Cùng thời điểm này (nửa đầu tháng 9), các trạm thu phí BOT trên nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch đang bị bội thu tiền lẻ, đến mức phải sử dụng tới giải pháp tình thế là xả trạm. Hết BOT Cai Lậy (Tiền Giang), tới BOT Văn Lâm (Hưng Yên), BOT Biên Hòa (Đồng Nai)… đang lúng túng, đang thành điểm nóng. Dù Công an tỉnh Tiền Giang cũng như Công an huyện Văn Lâm đều cho rằng không hề có ý xử lý việc dùng tiền lẻ một cách bất thường như thế, nhưng cách mà Công an huyện Văn Lâm đang áp dụng, "mời" (triệu tập) tài xế lên để "làm rõ động cơ sử dụng tiền lẻ" không phải là cách phù hợp. Chả cần phải tra xét gì đâu, nên hiểu rằng tiền lẻ chỉ là phương tiện được sử dụng để phản đối tình trạng thu phí bất hợp lý đang diễn ra tràn lan ở nhiều BOT trên khắp nước mà thôi.

Đồng tiền lẻ lại đang phát huy sức mạnh bé mọn của nó, nhưng phát huy kiểu này thì chả ai mong muốn, kể cả nhà chức việc, nhà đầu tư lẫn giới tài xế, chủ xe. Người ta ai cũng chỉ mong có sự hợp lý trong mọi sự, nếu phải trả phí thì trả đúng đồng tiền bát gạo.

Muốn chấm dứt cơn bão tiền lẻ có thể lan rộng, việc đầu tiên, và cũng là quan trọng nhất, hợp lý hợp tình nhất, được lòng dân nhất, là hãy trả những trạm BOT thu phí giao thông về đúng chỗ của nó. Nói như TS Nguyễn Sỹ Dũng, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hãy chấm dứt thói trấn lột vô nhân đạo ấy đi.

Xuân Quỳnh

Nguồn : Một Thế Giới, 13/09/2017

Published in Diễn đàn