Cả một thời gian dài-những năm tháng trong chiến tranh ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cả nước trong thời kỳ bao cấp, người Việt đa số là nghèo khổ, đói ăn thiếu mặc. Đến khi mở cửa về kinh tế, chỉ vài thập niên sau đời sống của đại đa số người Việt đỡ hơn hẳn, tầng lớp trung lưu xuất hiện và cả số người giàu, thậm chí rất giàu cũng xuất hiện.
Tiền, nhiều tiền - Ảnh minh họa: Tiền Việt Nam - AFP
Người giàu ở Việt Nam họ là ai?
Trong các quốc gia có một nền kinh tế phát triển ổn định, minh bạch đi kèm với một thể chế chính trị dân chủ, pháp trị, tam quyền phân lập, người giàu thường là những người thật sự có tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh, vì họ phải nỗ lực vươn lên, cạnh tranh một cách sòng phẳng với những người khác. Họ không chỉ làm giàu trong những lĩnh vực chỉ nhằm kiếm tiền như kinh doanh sòng bạc, nhà hàng, siêu thị, bất động sản… Họ còn đầu tư vào những lĩnh vực khó thu lời nhưng giúp ích cho con người như y tế, giáo dục, sinh học…, hoặc mới mẻ, như công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại… nhằm tạo ra những sản phẩm mới, góp phần thay đổi cuộc sống của con người và đưa xã hội tiến lên. Ví dụ như Microsoft, Facebook, Apple, Google…
Người ta thường nói, một người giàu trong một xã hội dân chủ, văn minh, pháp trị sẽ giúp cho hàng ngàn, hàng vạn người khác có công ăn việc làm và giúp cho cả quốc gia, thậm chí cả thế giới.
Còn ở Việt Nam ? Trong một môi trường kinh doanh nhập nhèm sáng tối, với một thể chế chính trị độc tài là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng, nạn làm ăn theo kiểu con ông cháu cha, vây cánh bè phái… không lạ khi phần lớn người giàu ở Việt Nam là đám quan chức, tư bản "đỏ" có những mối quan hệ tốt với bộ máy cầm quyền và con cháu họ. Chỉ một số ít thực sự là do nỗ lực tự thân và tài năng.
Họ làm giàu bằng cách nào ? Quan chức làm giàu từ chính cái vị trí, cái ghế của mình. Một cái gật đầu, một chữ ký thông qua một dự án, chính sách nào đó đổi lại là bao nhiêu tiền, vàng. Làm giàu bằng kinh doanh-nhiều nhất là đất đai, bất động sản, kế đến là đầu tư vào những lĩnh vực dễ ăn như nhà hàng, khách sạn, siêu thị... Cũng có những người đầu tư vào ngư nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, hay mở nhà máy này nọ. Nhưng số người đầu tư vào những lĩnh vực khó thu lợi hơn như y tế, giáo dục, hay những lĩnh vực tiên phong rất hiếm. Không chỉ vì khả năng sinh lợi mà còn vì những yêu cầu về kiến thức, đầu óc, tài năng.
Như trên vừa nói, một người giàu ở nước ngoài thì mở ra công ăn việc làm cho bao nhiêu người, còn ở Việt Nam, một người giàu lên nhờ kinh doanh đất đai, bất động sản, khu du lịch nghỉ dưỡng… là kéo theo bao nhiêu người bị mất đất, mất nhà, người chặt cây khai thác gỗ thì khiến cho rừng bị mất, nạn lũ lụt thêm hoành hành… Chưa kể, nhiều người làm ăn nhưng không chú ý đến đạo đức kinh doanh, ví dụ như không quan tâm đến môi trường, ngược lại còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, tàn phá thiên nhiên, hoặc không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng v.v… ; hoặc cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng đồng tiền tìm cách bóp chết những "đối thủ" khác như vụ tập đoàn Masan từng dùng tiền mua truyền thông "bẩn" giết chết ngành sản xuất nước tương truyền thống của Việt Nam, sau đó lại 2 lần toan giết chết ngành làm nước mắm truyền thống, may mà dư luận lên tiếng nên nước mắm truyền thống vẫn còn sống sót !
Không phải người Việt không có tài năng, cũng không phải người Việt không có khát vọng tạo ra những sản phẩm uy tín và giữ được đạo đức trong kinh doanh. Nào phải đâu xa, trước đây nền kinh tế miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã từng có rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt được người tiêu dùng tin cậy, chiếm lĩnh cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, nước ngọt xá xị Con Cọp, dầu cù là Mac Phsu, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, bột Bích Chi, xe hơi La Dalat…
Thành công đó sở dĩ có được là do các nhà sản xuất tư nhân thời đó đã đặt tiêu chí chất lượng, uy tín sản phẩm lên trên hết, cộng với lòng tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Thời bây giờ, tìm được những người kinh doanh biết nghĩ xa và giữ được những tiêu chí trên rất hiếm.
Người giàu ở Việt Nam dùng tiền để làm gì ?
Ở một số quốc gia tự do, dân chủ, văn minh, phát triển, khi con người giàu lên họ thường nghĩ cách đền đáp, trả nợ lại cho xã hội vì nhớ lại thuở ban đầu mình đã đi lên từ những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên, người nghèo của chính quyền, hoặc từ sự hào phóng của những người tốt khác. Nên nhiều tỷ phú thay vì để lại toàn bộ gia tài cho con, đã để dành rất nhiều tiền cho những hoạt động từ thiện, hoặc đầu tư vào giáo dục, y tế… Ví dụ vợ chồng Bill Gates ông chủ Microsolf, Steve Jobs, ông chủ của iphone Apple và vô số người khác.
Còn ở Việt Nam, khi giàu lên, họ thường lo cho bản thân, gia đình, con cái mà ít khi nghĩ đến việc trả nợ lại cho xã hội và đầu tư cho các thế hệ tương lai. Âu đó cũng là hệ quả từ cái hệ thống chính trị xã hội khiến con người phải chăm chăm lo cho mình, vì có ai lo cho mình đâu, nhà nước có chính sách gì hỗ trợ, giúp đỡ người dân đâu. Ai cũng giành giựt, thủ thân cho mình, vậy tại sao họ phải nghĩ cho người khác?
Xã hội Việt Nam bây giờ có quá nhiều bất công, phi lý, quá nhiều rủi ro, bấp bênh, thiên tai thì ít mà nhân họa thì nhiều, nhưng con người lại không thể tin cậy vào luật pháp, chính quyền, cũng không biết bấu víu vào đâu ngoài những thế lực siêu hình, điều đó lý giải tại sao người Việt Nam ngày càng trở nên mê tín dị đoan, siêng đi chùa, đền cúng bái. Không chỉ người nghèo đi chùa để cầu mong may mắn, thoát khỏi cảnh nghèo. Người giàu, có chức vị cao lại càng bất an.
Nên một trong những điều mà rất nhiều người giàu ở Việt Nam chăm làm đó là đi chùa cúng bái, cúng dường. Không phải vô cớ mà chùa chiền ở Việt Nam ngày càng giàu, ngày càng hoành tráng, nhiều sư thầy sống sung túc, no đủ chẳng có chút gì phù hợp với cuộc sống giản dị, đạm bạc của bậc tu hành. Tiền do Phật tử, người đi chùa cúng dường chứ ở đâu ra. Rồi nhiều ngôi chùa lại tìm đủ cách trục lợi từ sự mê tín dị đoạn của người đi chùa, với những hoạt động chẳng khác nào "buôn thần bán Phật", mà vụ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội hay mức độ lớn hơn, là vụ "thỉnh vong", cúng "oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh chỉ là những "trường hợp bị lộ" mà thôi.
Rồi thì đầu tư cho con cái đi học ở nước ngoài, vì không tin tưởng vào hệ thống giáo dục trong nước, hay như người ta thường nói đùa, đi "tỵ nạn giáo dục". Con cháu các quan chức cộng sản bây giờ đều đi học ở các nước tư bản có nền giáo dục tiên tiến. Ví dụ như ở Mỹ, số lượng du học sinh Việt Nam đứng trong top 15 quốc gia có số lượng du học sinh tại Mỹ cao nhất năm 2016-2017, 2017-2018 (theo Ceoworld Magazine : "Top 15 Countries Of Origin For International Students In The United States In 2016-17", theo trang Statista "Number of international students studying in the United States in 2017/18, by country of origin"). Tin từ trang web của U.S. Embassy&Consulate in Vietnam, số lượng du học sinh tại Việt Nam liên tục tăng trong 17 năm "Vietnamese Students in the United States Increase for 17th Straight Year"...
Rồi thì tìm đường ra đi cho chính mình và gia đình theo nhiều cách, với những người giàu thì phổ biến nhất là bỏ tiền đầu tư kinh doanh ở một quốc gia phát triển nào đó nhằm kiếm cái thẻ xanh. Ngay từ trong đám quan chức cộng sản từ trên xuống dưới, không hiếm người có sẵn nhà cửa, cơ ngơi hoặc ngay cả quốc tịch của nước khác, chỉ chờ lúc "hạ cánh an toàn" là…lên đường, hưởng tuổi già ở một quốc gia đáng sống nào đó.
Cho nên số người giàu tăng lên mà đất nước vẫn nghèo, thậm chí nạn chảy máu lao động, chảy máu chất xám, tài năng ngày càng nhiều hơn.
Không ai trách người dân tìm một môi trường sống tốt hơn cho mình và con cái, nhưng điều chua chát là chính các quan chức cộng sản, những người đang ra sức giữ cho cái chế độ thối nát do cha ông họ tạo ra này tồn tại càng lâu càng tốt, để tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ nhân dân và vơ vét tài sản của đất nước, song chính họ cũng lại tìm cách chuồn, để lại sau lưng một đống Rác về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và một đống Nợ cho các thế hệ tương lai.
Cứ nhìn vào tầng lớp người giàu hoặc vừa giàu vừa có quyền lực trong một xã hội, họ là ai, họ làm giàu bằng con đường nào, cách họ sử dụng đồng tiền ra sao, người ta có thể thấy được đất nước đó liệu có thể trở thành một cường quốc giàu mạnh hay không.
Song Chi
Nguồn : RFA, 01/04/2019