Khi giải trình về các vấn đề trong dự án luật Phòng chống ma túy sửa đổi tại Quốc hội sáng ngày 13/11/2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an không ngại quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy nếu luật cho phép vì đây là một biện pháp ngăn ngừa tội phạm.
Hai học viên cai nghiện ma túy tại một trung tâm cai nghiện ở Hải Phòng. AFP
Bộ Công an đòi quản lý trung tâm cai nghiện có hợp lý không, khi lâu nay đã có nhiều lo ngại người cai nghiện bị coi như tù nhân, lao động khổ sai ? Trong khi chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có lần phát biểu cho rằng, cần xã hội hóa trong công tác cai nghiện.
Một người giấu tên vì lý do an ninh, có kinh nghiệm 15 năm làm việc về phòng chống ma túy tại Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 13 tháng 11 năm 2020 qua email liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình :
"Cần phân biệt rõ ràng giữa hành vi buôn bán và sử dụng ma túy. Nếu xem hai loại hành vi này như một và giao Bộ Công an làm hết, từ bắt buôn bán đến cai nghiện thì nguy cơ phải đổi luật xem cả hành vi sử dụng ma túy cũng là tội phạm.
Việc này rất nguy hiểm, vì sẽ tạo ra một xã hội khắc nghiệt và đi ngược lại các cam kết về quyền con người, mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế. Tuy nhiên, đề xuất này của bô Công an cho thấy là việc cai nghiện ma túy ở Việt Nam đang có vấn đề lớn. Tôi nghĩ họ đã thất bại với tình hình kiểm soát hiện nay".
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đưa ra đề xuất vừa nêu với dẫn chứng về việc học viên cai nghiện đập phá, trốn trại ra ngoài gây náo động. Đơn cử vào tháng 11 năm 2016, hàng trăm học viên ở trung tâm cai nghiện Đồng Nai sau khi đập phá trại đã tràn ra ngoài tìm cách thoát thân. Theo cơ quan chức năng, hầu hết những học viên này đều thuộc diện bị tòa quyết định cai nghiện bắt buộc.
Hay trước đó, hàng trăm con nghiện tại trung tâm cai nghiện xã Xuân Phú, tỉnh Đồng Nai, cũng lợi dụng lúc tối trời và mưa gió đã phá cửa trốn ra ngoài, tụ tập gây náo loạn trên Quốc Lộ 1, khiến người dân hoảng sợ.
Người có kinh nghiệm 15 năm làm việc về phòng chống ma túy tại Việt Nam, nhận định thêm :
"Theo quan sát, tôi thấy các trại cai nghiện tư nhân hiện nay đang vận hành kiểu thương mại : chỉ biết đến tiền chứ không chú ý đến con người như trước kia. Còn các trại do nhà nước quản lý thì họ không có người chuyên môn làm việc mà chỉ làm đúng trách nhiệm thôi. Khi làm như vậy thì họ xem những người sử dụng ma túy như tù nhân. Bởi thế, hằng năm đều có chuyện anh em đào thoát khỏi trại. Vì vậy, hiện nay ở Việt Nam, theo tôi quan sát thì rất khó để thay đổi việc này. Vì thế mới có việc Bộ Công an lên tiếng trước Quốc hội như vậy".
Thực tế theo nhiều chuyên gia, các trung tâm cai nghiện đang cư xử với học viên như người tù, đặc biệt các trung tâm nhà nước vẫn coi việc quản lý cai nghiện như tù nhân. Do đó người cai nghiện phản kháng như một người mất tự do.
Tại sao chính phủ không có một phương pháp cai nghiện nào hiệu quả, nhân văn hay cai nghiện theo một phương pháp tốt, mà chỉ áp dụng giống như một trại tập trung hay một nhà tù ? Nếu chuyển Bộ công an quản lý thì có lẽ càng giống một nhà tù hơn ?
Học viên cai nghiện ở Vũng tàu trốn trại bị bắt trở lại, tháng 11/2016. AFP
Một Mục sư ở Trung tâm cai nghiện Nissi tại Cần Guộc – Long An, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 13/11/2020, cho biết về cơ sở cai nghiện của mình cũng như cho biết ý kiến về việc quản lý các cơ sở cai nghiện :
"Thật ra Trung tâm cai nghiện của Đạo Cơ Đốc này thì theo luật của Chính phủ Việt Nam thì chưa được cho phép để hoạt động chính thức. Trung tâm này cũng như các trung tâm khác trên cả nước chỉ hoạt động như hội nhóm. Nếu trung tâm cai nghiện của nhà nước thì sẽ trực thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hay Bộ Y Tế quản lý. Còn nếu giao Bộ Công an thì mình cũng chưa biết Bộ Công an sẽ quản lý như thế nào ? Còn bây giờ thì đã có quy trình cấp phép và thành lập theo luật, thì tôi nghĩ Bộ nào cũng vậy thôi, Bộ Công An thì có lẽ sẽ chặt chẽ hơn về nghiệp vụ, chứ quy trình cai nghiện thì đã có hết rồi".
Theo Mục sư này cai nghiện nếu đưa vô mô hình quản lý diện rộng thì bắt buộc phải có những quy chế, còn mô hình cai nghiện ở Hội Thánh thì là nhỏ lẻ, thiên về công tác tư tưởng nhiều hơn. Ông cho rằng, nếu như trong cơ sở của nhà nước mà họ có thể đưa những tư vấn tâm linh tâm lý vào thì sẽ hiệu quả tốt hơn, dạy kinh thánh kết hợp với các phương thức khoa học thì sẽ hiệu quả hơn.
Mục sư Nam Quốc Trung, quản lý Trung Tâm Giải Cứu Aquila Center, một trung tâm cai nghiện ma túy thuộc Hội Thánh Tin Lành, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình hôm 13/11/2020 :
"Chúng tôi cũng có đề xuất về dự thảo luật phòng chống ma túy, và chúng tôi đã gởi lên Văn phòng các vấn đề Văn hóa Xã hội của Quốc hội, cũng như Ủy ban Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Chúng tôi cũng có gởi bản dự thảo đề xuất sửa đổi luật về Phòng chống ma túy lên các ủy ban đó. Thật ra, công tác cai nghiện của Hội thánh Tin lành tương đối tốt và hiệu quả, chúng tôi mong muốn các cơ quan chính phủ ủng hộ xã hội hóa công tác cai nghiện, cho các tổ chức tôn giáo có thể tham gia và chung tay vào công tác cai nghiện".
Dù chưa được hồi đáp từ phía các cơ quan Quốc hội cũng như chính quyền, nhưng Mục sư Nam Quốc Trung cũng hy vọng đề xuất của Hội thánh sẽ được lắng nghe :
"Thật ra chúng tôi cũng mới gởi đợt vừa rồi, vẫn đang trong khoảng thời gian đang được xem xét. Chúng tôi tin chắc sẽ có phản hồi từ các cơ quan đó".
Để giúp giảm bớt hiện trạng hiện nay của các cơ sở cai nghiện nhà nước, Mục sư Nam Quốc Trung cũng cho biết, trong đề xuất về dự thảo luật phòng chống ma túy gởi các cơ quan Quốc hội, có đề nghị các cơ sở cai nghiện và các tổ chức tôn giáo có thể tham gia đóng góp dịch vụ vào các trung tâm cai nghiện của nhà nước. Ông nói tiếp :
"Như chúng tôi đã từng làm từ năm 2013 đến 2017. Chúng tôi đã vào các trung tâm cai nghiện của nhà nước để truyền đạt các kinh nghiệm từ bỏ ma túy. Trong khoảng thời gian 3 năm đó, rất nhiều cuộc đời, nhiều con người đã được thay đổi, và hiệu quả là không thể phủ nhận khi chúng tôi được đánh giá là 55,1% tỷ lệ thành công. 55,1% là tỷ lệ không tưởng đối với một xã hội nào, bất cứ quốc gia nào, đây là tỷ lệ thành công lớn".
Mục sư Nam Quốc Trung hy vọng sẽ tham gia đóng góp dịch vụ vào các trung tâm cai nghiện của nhà nước như trước đây, để được chung tay cai nghiện với xã hội theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ về xã hội hóa cai nghiện.
Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch, người nghiện ma túy ở Việt Nam bị giam giữ trong những trung tâm lao động cưỡng bách của nhà nước, không được điều trị đúng cách mà còn bị lạm dụng rất nhiều. Người nghiện có thể bị đánh và bị bắt lao động ngoài ý muốn để sản xuất hạt điều, giày dép, quần áo hoặc những sản phẩm khác không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn để bán ra nước ngoài.
Human Rights Watch cho rằng, Việt Nam nên dẹp bỏ những hành vi lạm dụng này, bởi thay vì giúp người nghiện chữa dứt cơn ghiền thì lại để cho họ bị hành hạ bị ngược đãi và bị buộc lao động cho những kẻ kiếm lợi trên những người nghiện như vậy.
Vào ngày 13/11 vừa qua, các đại biểu quốc hội Việt Nam vẫn còn băn khoăn nên coi những người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm.
Ngô Ngọc Trai
Nguồn : BBC, 14/11/2020