Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bao giờ Việt Nam nhất thể hóa chức Chủ tịch nước với Tổng bí thư ? (RFA, 12/06/2017)

Tạp chí Tia Sáng thuộc Bộ Khoa Học Công Nghệ hôm 11 tháng 6 có bài viết của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói về mô hình Tổng thống lưỡng tính mà theo ông thực chất là việc nhập hai chức Chủ Tịch nước và Tổng bí thư làm một như các nước cộng sản khác đã làm. Ý tưởng này tuy không mới ở Việt Nam nhưng dường như vẫn còn quá nhiều cản trở trên con đường tiến tới nhất thể hóa.

VIETNAM-POLITICS-CONGRESS

Ban lãnh đạo mới được bầu hôm 28/1/2016 tại đại hội đảng 12, từ trái qua : Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, TBT Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân AFP photo

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, đại hội đảng không bầu ra người đứng đầu đảng để dẫn dắt cuộc bầu cử vào quốc hội mà bầu ra người đứng đầu đảng để ứng cử vào chức danh tổng thống mà ở Việt Nam hiện nay vẫn gọi là Chủ tịch nước. Theo ông, tổng thống lưỡng tính do toàn dân bầu và độc lập với quốc hội, không chịu trách nhiệm trước quốc hội. Vì vậy ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng kêu gọi việc sửa đổi hiến pháp để tăng thêm quyền lực hành pháp cho Tổng thống.

Phe muốn thay đổi chưa đủ mạnh

Trong khi tên gọi tổng thống lưỡng tính nghe còn lạ với nhiều người, ý tưởng về việc nhập hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư đã từng được chính ông Nguyễn Sĩ Dũng và những đảng viên đảng cộng sản khác đưa ra nhiều lần nhưng đã không thể thực hiện được. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận xét :

"Có lẽ đến 15 năm vừa qua có vài lần nội bộ đảng cộng sản Việt Nam có đặt ra việc nhất thể hóa, người ta cũng bàn. Từ khóa 10 đến giờ mỗi lần bàn thì lại đến quyết định là không bàn nữa, để sau. Trước đại hội 10 thì có bàn một lần công khai, nhưng kết quả là thôi, và ra nghị quyết là còn lâu lâu nữa không bàn lại. Đến đại hội 11 thì bản thân ông Sỹ Dũng và một số người khác mạnh hơn ông ấy trong đảng đã đặt lại vấn đề bàn. Hồi đó có một loạt bài, có bài ông Nguyễn Sỹ Dũng viết và các tổ chức quốc tế dịch lại để truyền tay nhau. Đây là ý kiến rất là tích cực và nó nêu lên được một thực tế là nhất thể hóa có lợi hơn là tách riêng ra như bây giờ nhưng cuối cùng là không thực hiện được".

nhat2

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong dịp tiếp xúc cử tri ngày 8/3/2016. Courtesy na.gov.vn

Việc nhất thể hóa hai chức danh này đã được thực hiện ở các nước cộng sản khác trên thế giới mà gần với Việt Nam nhất là Lào và Trung Quốc. Cái lợi của việc hợp nhất hai chức danh này, theo các chuyên gia nghiên cứu về chính trị là làm tăng tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Việt Nam cũng đã bắt đầu thực hiện việc hợp nhất các chức danh giữa đảng và chính quyền ở cấp địa phương từ vài năm nay. Mới đây, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư cũng nói đến việc Việt Nam xem xét việc hợp nhất chức danh Chủ tịch và Bí thư tỉnh. Tuy nhiên việc tiến tới hợp nhất chức danh Bí thư đảng và Chủ tịch nước thì vẫn còn chưa được tính đến chính thức. Nói về nguyên nhân của sự chậm trễ này, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết dù Việt Nam có ý chí chính trị nhưng chưa đủ mạnh để thực hiện ý muốn này.

"Y chí chính trị là đúng rồi, muốn nó được thể hiện thực tế thì cơ sở ủng hộ phải nhiều, phải chiếm số đông. Mình nói chưa đủ mạnh vì người ta chưa đủ đông, chưa đủ đông trong ban chấp hành trung ương, chưa đủ đông trong các cấp lãnh đạo của đảng ở cấp địa phương".

Lo sợ kiểm soát quyền lực

Theo bài viết của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thì với mô hình tổng thống lưỡng tính, ngoài tổng thống nắm quyền hành pháp, Thủ tướng cũng nắm quyền hành pháp. Tuy nhiên trong mô hình này, quyền lực về quốc phòng, an ninh, ngoại giao và những lĩnh vực chính sách kinh tế lớn thường thuộc về Tổng thống. Việc điều hành kinh tế hằng ngày thường thuộc về Thủ tướng. Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, điều này cũng có thể làm cho quyền lực của Tổng thống lên cao gây lo ngại về sự kiểm soát quyền lực của đảng với vị trí này.

"Ví Chủ tịch kiêm Tổng bí thư đúng là họ có quyền lực cao hơn rất nhiều. Ví dụ như ở Trung Quốc hiện nay của ông Tập Cận Bình thì đã tập trung quyền lực cao hơn thời ông Giang Trạch Dân, cao hơn thời ông Hồ Cẩm Đào và rõ ràng là mức độ kiểm soát của đảng cộng sản, mức độ giám sát của đảng với ông Tập Cận Bình có lẽ bị giảm đi. Cái đó mình cảm thấy có vấn đề bên Trung Quốc".

Ngay chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau hội nghị trung ương lần thứ nhất đại hội 12 có nói với cử tri rằng việc nhập hai chức danh vào nhau một người làm một lúc hai chức ấy có nhiều quyền quá và không ai giám sát nổi.

Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp điều quan trọng để Việt Nam có thể tiến tới nhất thể hóa hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước là phải vượt qua nỗi sợ không thể kiểm soát được quyền lực.

Theo ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nguyên tắc của đảng cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm. Nếu thực hiện được nguyên tắc này, Việt Nam sẽ có cơ hội và điều kiện để tiến hành nhất thể hóa. Tuy nhiên đến bao giờ Việt Nam có thể làm được thì không ai có thể đoán trước được.

*********************

Việt Nam : Dân sẽ bầu tổng thống đồng thời là lãnh đạo Đảng ? (BBC, 12/06/2017)

Lần đầu tiên ý tưởng gộp hai vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền và nguyên thủ quốc gia vào làm một được đề nghị công khai tại Việt Nam, kể cả trong khuôn khổ thể chế độc đảng.

nhat3

Tổng thống Pháp François Hollande bắt tay Chủ tịch Việt Nam, Trần Đại Quang tại Hà Nội tháng 9/2016

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa có bài trên trang Tia Sáng đề nghị giải pháp "nhất thể hóa" để lập ra chức Tổng thống, người cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong bài "Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính" (11/06), ông đề cập đến các nguyên tắc chung về hai thể chế mà quốc tế gọi là tổng thống chế và mô hình đại nghị.

Tuy nhiên, khi nói đến Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Dũng đã đi thẳng vào vấn đề như sau :

"Ở nước ta, với mô hình một đảng cầm quyền, Tổng thống có thể trao đổi thống nhất ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội trước khi giới thiệu ứng cử viên giữ chức danh Thủ tướng".

"Khác với Tổng thống, Thủ tướng trong mô hình tổng thống lưỡng tính sẽ phải tương tác thường xuyên với Quốc hội, giải trình chính sách với Quốc hội và bị Quốc hội giám sát".

Ông cũng đề cập tới nhu cầu phải sửa đổi Hiến pháp như "một nhu cầu bắt buộc" một khi cơ cấu chính trị này được lựa chọn.

Các chi tiết về thủ tục ra sao một khi Việt Nam đi theo một trong hai mô hình này có lẽ là chuyện của tương lai, nhưng đây là lần đầu tiên, vấn đề "nhất thể hóa" với các chức danh cụ thể được đăng tải ở Việt Nam.

'Tổng thống' hay 'Chủ tịch' ?

Chẳng hạn, ông Nguyễn Sĩ Dũng không gọi người đứng đầu Đảng là Tổng bí thư như hiện nay mà bỏ ngỏ chức danh này, và chỉ gọi là "lãnh đạo Đảng".

Về chức danh người đứng đầu Nhà nước, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề xuất gọi là Tổng thống.

Điều đáng chú ý là trong các văn bản tiếng Anh, Việt Nam đã công nhận chức danh Tổng thống (president) chứ không gọi là "chairman" (chủ tịch).

Trung Quốc cũng đã bỏ khái niệm "chairman" từ lâu và chỉ còn dùng để nói đến cố Chủ tịch Mao Trạch Đông (Chairman Mao).

'Nên bầu trực tiếp Tổng thống Việt Nam'

nhat4

Ông Tập Cận Bình một mình diễn màn đá bóng : Trung Quốc đã 'nhất thể hóa' chức lãnh đạo Đảng CS và Chủ tịch nước từ nhiều nhiệm kỳ trước

Thêm nữa, lần đầu tiên ông Nguyễn Sĩ Dũng gợi ý nên cho tổ chức bầu tổng thống trực tiếp ở Việt Nam.

Trong phần đầu bài, ông nêu ra cách tổ chức chung của chế độ tổng thống :

"Tổng thống trong mô hình tổng thống lưỡng tính do toàn dân bầu ra nên độc lập với Quốc hội và không chịu trách nhiệm trước Quốc hội".

Còn về nhân vật thứ ba, ông đề nghị "Trong mô hình này, ngoài Tổng thống, còn có một yếu nhân khác cũng nắm quyền hành pháp là Thủ tướng".

'Nhất thể hóa' để tránh chồng chéo ?

Hiện chưa rõ các đề nghị của ông Nguyễn Sĩ Dũng được hưởng ứng ra sao tại Việt Nam sau khi bài ý kiến của ông được đăng trên diễn đàn của một báo nhỏ là trang Tia Sáng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều được nói đến những năm qua là vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam có một bộ máy riêng, bao trùm lên bên hành pháp.

Đảng này nhận vai trò "lãnh đạo" mà không phải một cơ quan lập pháp.

Ngoài việc bộ máy Đảng và chính quyền "chồng chéo", người ta cũng nói về con số nhân sự tốn kém mà tất cả đều do ngân sách nuôi.

Nhu cầu 'nhất thể hóa' trong phạm vi một đảng cộng sản nắm quyền ở Việt Nam đã được tiếp cận công khai dù người ta không dùng các khái niệm như trong bài trên của ông Nguyễn Sỹ Dũng.

Hồi tháng 3/2017 đã có hội thảo do Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 của Đảng Cộng sản tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo đề cương đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Các báo Việt Nam tường thuật về sự kiện này đã chạy tựa là "Khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan Đảng".

Các nước có cấu trúc thể chế ra sao ?

Ở nhiều nước trên thế giới, lãnh đạo (leader) của đảng cầm quyền không nhất thiết phải là chủ tịch (chairman) của đảng đó.

Đây là các trường hợp "chairman" của đảng Bảo thủ Anh và đảng Cộng hòa ở Mỹ.

Chủ tịch chỉ là người điều hành công việc riêng của đảng này nhưng lãnh đạo đảng hoặc làm Thủ tướng (Anh), hoặc Tổng thống (Hoa Kỳ).

Còn tại Trung Quốc chủ tịch Đảng Cộng sản cũng là Chủ tịch nước, và hiện nay người nắm hai chức vụ này là ông Tập Cận Bình.

nhat5

Ông Patrick McLoughlin 'vui sướng rời Downing Street' sau khi được bà Theresa May phong cho chức Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh hồi tháng 7/2016

Trên thực tế, ở Nhật Bản và Anh Quốc, thủ tướng vừa điều hành chính phủ, vừa là người nắm chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước.

Đó là vì truyền thống của họ giữ lại hoàng gia với hoàng đế (Nhật Bản) hay nữ hoàng (Anh Quốc) là nguyên thủ quốc gia nhưng chỉ có quyền lực tượng trưng, để thủ tướng có thực quyền.

Ở Anh, chính thủ tướng đương quyền lại là người bổ nhiệm chức chủ tịch Đảng.

Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh, ông Patrick McLoughlin được bà Theresa May phong cho chức này hồi tháng 7/2016.

Thủ tướng có quyền rất to cũng là trường hợp của một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Brunei và Malaysia.

Còn tại Pháp, Ba Lan, Đức và nhiều nước Châu Âu khác, thủ tướng chỉ là người đứng đầu nội các và điều hành chính phủ, dưới quyền của tổng thống.

Tương tự như thế, ông Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị để Thủ tướng Việt Nam là người đứng đầu nội các và điều hành công việc hàng ngày của chính phủ.

************************

'Tước quốc tịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam' (BBC, 12/06/2017)

Luật sư của vị giáo sư bị chủ tịch nước ra quyết định tước quốc tịch nói với BBC rằng ông "tự tin về mặt pháp luật" nhưng "không thể nói trước điều gì về kết quả khiếu kiện".

nhat6

Ông Phạm Minh Hoàng nói "sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng"

Trang Công báo của Chính phủ Việt Nam hôm 7/6 công bố quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người trước đó nói với BBC rằng :

"Tôi tự xét thấy những gì mình làm đều mang tính chất ôn hòa, không vi phạm an ninh quốc gia, không lăng mạ ai và không có gì nguy hiểm đến mức phải bị tước quốc tịch".

Tháng 3/2016, giáo sư từng là giảng viên toán học ứng dụng tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bị tạm giữ do tổ chức lớp học về lịch sử các cuộc đấu tranh ở Việt Nam và về Hiến pháp.

Quyết định do Chủ tịch Trần Đại Quang về việc tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng ghi "có hiệu lực từ ngày ký" (17/5/2017).

"Không ký vào văn bản"

Ông Hoàng nói với BBC rằng ông đang xin thôi quốc tịch Pháp "vì chỉ có nguyện vọng sống và chết trên quê hương".

"Tôi sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng".

Hôm 12/6, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người được ông Hoàng nhờ trợ giúp pháp lý trong vụ này, nói : "Có thể nói quyết định tước quốc tịch đối với ông Phạm Minh Hoàng là vi luật".

"Ông Hoàng không thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch vì ông ấy được chính phủ cho phép hồi hương, được cấp giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2007".

"Nếu ông Hoàng có ý định tìm kiếm cơ quan tài phán quốc tế trong vụ này thì đó cũng là lựa chọn tốt".

'Tiền lệ'

"Nhưng hiện tại, ông ấy đang ủy quyền cho văn phòng luật của chúng tôi đại diện khiếu nại quyết định của chủ tịch nước, nếu không được thì sẽ khởi kiện".

nhat7

Quyết định do Chủ tịch Trần Đại Quang ký hôm 17/5/2017 nhưng mới được công bố

"Trong vụ này, nếu cơ quan chức năng xem xét một cách vô tư thì tôi tự tin rằng trường hợp của ông Hoàng sẽ được xem xét lại".

"Tuy vậy, trong bối cảnh việc thực thi pháp luật tại Việt Nam có những giới hạn nhất định nên tôi không thể nói trước điều gì về kết quả khiếu kiện".

Luật sư Mạnh cũng cho biết thêm : "Trường hợp bị tước quốc tịch của ông Hoàng có thể tạo thành tiền lệ cho những người có hoạt động tương tự như ông".

"Theo như tôi biết thì ông Hoàng không vi phạm những hành vi được nêu trong Điều 31".

"Tôi cho rằng qua vụ này, chính quyền cần cẩn trọng hơn khi ra một quyết định mang tính hệ trọng như vậy".

Đề cập về việc ông Phạm Minh Hoàng đang xin thôi quốc tịch Pháp, luật sư nói : "Về phương diện pháp luật thì việc này không cần thiết, do việc tước quốc tịch ông là không đúng".

"Tuy vậy, tôi đánh giá cao và thấy ông là người đáng kính trọng vì mong muốn cống hiến ở quê nhà".

nhat8

Quan hệ Pháp - Việt : Tổng thống François Hollande và Chủ tịch Trần Đại Quang tại Hà Nội tháng 9/2016

Luật sư nói rằng cho việc tước quốc tịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên chưa thể nói trước về việc ông Hoàng có khả năng bị trục xuất khi nào.

Thông cáo của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đóng tại Pháp cho hay họ "vô cùng quan ngại trước Chính phủ muốn trục xuất blogger quốc tịch Pháp-Việt Phạm Minh Hoàng ra khỏi nước ông".

"Chúng tôi yêu cầu giới chức Pháp có biện pháp trợ giúp nhà báo công dân này".

"Biện pháp mới nhất của đảng Cộng sản Việt Nam đối với ông Hoàng nhằm đe dọa và bịt miệng các tiếng nói đối lập".

"Biện pháp trục xuất công dân trong trường hợp này là phi lý và thái quá".

"Và tuy bị chính quyền cáo buộc tội "Tuyên truyền chống nhà nước", cả ông lẫn gia đình của ông không hề nhận được thông tin về quá trình điều tra hoặc xét xử", thông cáo của RSF viết.

Published in Việt Nam
vendredi, 09 juin 2017 19:23

Vấn đề truất quốc tịch

Trang RFI có đăng bài báo "Blogger Phạm Minh Hoàng có nguy cơ bị trục xuất khỏi Việt Nam". Theo đó RFI dẫn trường hợp công dân Ahmed Sahnouni bị truất quốc tịch Pháp vì tội "khủng bố".

quoctich1

Luật dân sự Pháp truất quyền công dân Pháp - Ảnh minh họa  

Bài báo viết :

"Trước đây vào năm 2015, Tòa Bảo hiến Pháp đã chấp nhận cho tước quốc tịch của Ahmed Sahnouni, một quân thánh chiến song tịch Pháp-Maroc bị kết án vì tội khủng bố. Luật Dân sự Pháp quy định năm trường hợp cụ thể có thể bị tước quốc tịch, chủ yếu là gián điệp, khủng bố và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc này chỉ áp dụng với các công dân mang hai quốc tịch, để tránh tạo ra những người vô tổ quốc, theo tinh thần Công ước New York năm 1961 và Công ước Châu Âu về quốc tịch năm 1997".

Ý kiến của RFI có điều cần làm sáng tỏ.

Luật dân sự Pháp (article 25, code Civil) về "truất quốc tịch - déchéance de la nationalité" không áp dụng cho công dân Pháp chính gốc mà chỉ áp dụng cho các công dân nhập tịch Pháp, trong trường hợp các công dân này nhập tịch không quá 10 năm.

Ahmed Sahnouni sanh tại Maroc năm 1970, nhập tịch Pháp năm 2003 (naturalisé).

Ahmed Sahnouni không phải là người Pháp chính tông (origine). Ông này còn có quốc tịch gốc là Maroc.

Ahmed Sahnouni đã bị tòa kết án năm 2010 về các tội liên quan đến khủng bố. Ahmed Sahnouni bị truất quốc tịch (và trục xuất khỏi nước Pháp).

Trường hợp của Ahmed Sahnouni không thể so sánh với trường hợp Giáo sư Phạm Minh Hoàng. Bởi vì Giáo sư Hoàng là người Việt chính tông. (Nếu Ahmed Sahnouni là người Pháp chính gốc thì ông này không bị truất quốc tịch và dĩ nhiên không bị trục xuất đi đâu hết).

Ahmed Sahnouni có quan hệ với khủng bố. Các cuộc giết chóc dã man ở Charlie Hebdo, Bataclan, Nice… ở Pháp, hay với đây ở Anh, cho ta thấy thế nào là "khủng bố".

Trong khi Giáo sư Hoàng không có dính líu tới "khủng bố".

Nghe nói Giáo sư Hoàng là người của đảng Việt Tân. Theo quan điểm của Việt Nam thì đảng này thuộc thành phần "khủng bố".

Vấn đề là đảng Việt Tân là một đảng của người Việt, sinh hoạt công khai ở Mỹ, Châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Quan điểm của nhà nước cộng sản Việt Nam về "khủng bố" trái ngược với quan điểm của các nước văn minh.

Các báo cáo của các tổ chức quốc tế về nhân quyền, về tôn giáo, về tự do báo chí… ở Việt Nam đã cho thế giới cái nhìn toàn cảnh về chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam.

Một bài viết, một lời nói, một cái "like" biểu lộ ý kiến trên facebook… người phát biểu có thể bị qui kết vào các tội vu vơ "lạm dụng quyền tự do dân chủ…", "tuyên truyền chống nhà nước…", "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…", "đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia"...

Tức là nói một lời nói, viết một bài viết, bày tỏ một tình cảm… người Việt nào cũng có thể bị kết vào tội "khủng bố".

Nếu vậy không phải chỉ có một đảng Việt Tân là "khủng bố" mà tất cả những ai bất đồng chính kiến với đảng cộng sản Việt Nam đều có thể là "khủng bố".

Bài báo trên RFI có thể gây ngộ nhận. Như bài viết trên BBC hôm kia (tôi có ý kiến phản biện). Các bài báo này đều có thể bị đảng cộng sản Việt Nam sử dụng để bào chữa cho các hành vi phi nhân, bạo ngược của mình.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. nhantuan.truong, 08/06/2017

Published in Diễn đàn