Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam cần ra luật "giám sát, ràng buộc trách nhiệm hình sự" liên quan công tác nhân sự

"Quốc hội Việt Nam hiện nay đang bị một số người phê phán là Đảng cộng sản cầm quyền ‘chỉ tay’ một cách rất ‘lộ liễu’ và ‘nực cười’ trong công tác nhân sự của bộ máy Đảng, Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, Đảng lãnh đạo sắp xếp, Quốc hội thực thi mà như người dân nói là ‘Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Mặt trận vỗ tay...’ để rồi ‘nhân dân trắng tay’".

Từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo hôm 24/5/2023, nói với Đài Á Châu Tự Do, trong dịp Quốc hội Việt Nam đang nhóm họp phiên họp thứ năm, Quốc hội khóa 15 kéo dài vài tuần lễ tại Hà Nội.

luat1

Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 22/5/2023 - AFP

Võ Thị Hảo : Để nói cho đúng và đủ phải nói rằng những người tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào công tác gọi là nhân sự đó, từ quy hoạch tới bổ nhiệm, tuyển dụng tới quản lý, mà Quốc hội Việt Nam, (như ví dụ gần đây nhất hôm thứ hai vừa rồi, ngày 22/5/2023 đã bổ nhiệm hai quan chức vào các ghế Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Chủ nhiệm Ủy ban về Tài chính, ngân sách Quốc hội ngay sau Hội nghị 7 giữa kỳ của Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13), cũng có dự phần, thì nếu để xảy ra việc đông đảo đến thế việc quan chức trong bộ máy Nhà nước, Chính quyền, Quốc hội và cả trong ban lãnh đạo Đảng nữa, (vì Đảng là đảng cầm quyền mà lại là độc đảng ở Việt Nam), mà bị phát hiện là tham nhũng, nhũng lạm, lạm quyền, làm trái, vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội nghiêm trọng, thì tất cả những người tham gia công tác nhân sự đó phải chịu trách nhiệm đúng với hành vi và vị trí ảnh hưởng của mình.

Công tác nhân sự là quan trọng, chủ chốt trong bổ nhiệm quan chức mà để kém chất lượng, sai tiêu chí, thiếu minh bạch, ảnh hưởng chí mạng tới lợi ích quốc gia và quốc dân như thế, thì đó không phải là trò Quốc hội ‘nghị gật nực cười nữa’, mà đó là tội, thậm chí tội ác nếu điều tra cho thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, như tôi có dịp sẽ đề cập thêm.

Nhưng trước hết, tôi xin khẳng định luôn là ở đây không chỉ chịu trách nhiệm chính trị thông thường, mà là chịu trách nhiệm hình sự liên đới với những ai, quan chức nào trong các cơ quan, tổ chức, cơ cấu chức năng có dính đến, có tham dự trực tiếp, gián tiếp tới việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng các quan chức mà bị pháp luật kết luận là tham nhũng, làm trái, vi phạm pháp luật thực sự....

Và những cơ quan tôi muốn đề cập đó, không chỉ ở riêng Quốc hội, với những chức danh mà Quốc hội đã bổ nhiệm, mà còn với các cơ quan khác của nhà nước, chính quyền, ban ngành, ngạch bậc trong khắp cả nước, kể cả cơ quan của Đảng, vì Đảng không đứng ngoài mà lâu nay trực tiếp sắp xếp và ‘ra lệnh’, ‘chỉ đạo’, dù họ nói là chỉ ‘giới thiệu’ để chẳng hạn Quốc hội lựa chọn và bầu.

Vì sao chịu trách nhiệm chính trị là chưa đủ ?

Khi được hỏi vì sao chỉ chịu trách nhiệm chính trị, nếu có thể có việc như thế, là chưa đủ, mà phải là chịu trách nhiệm ‘hình sự’, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo nói :

Võ Thị HảoCó người nói là chúng ta (quan chức) làm sai thì xin lỗi dân, còn dân làm sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, rồi cũng từng có người là Thủ tướng tự nhận có sai sót, nhưng chỉ chịu trách nhiệm ‘chính trị’ chung chung, rồi gần đây lại có người nói là nếu ai (quan chức) làm sai mà đền bù, khắc phục, thì được khoan hồng, giảm tội, tha thứ, ai tự thấy mình không đủ uy tín, thì tự rút sẽ giữ được thể diện v.v., thì tôi xin nói khái quát lại rằng đó là hoàn toàn không đúng và bất công, là vô lối là tùy tiện, những cách xử lý với trách nhiệm như thế chính là… vô trách nhiệm, vô lối, thậm chí là phạm pháp vì dung túng, bao che cho tội phạm.

Và trở lại với vấn đề để nhiều quan chức làm sai, làm bậy, ăn cắp công quỹ, tham nhũng, hà hiếp dân, làm trái luật, có các hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội v.v. mà tới mức đã phải xử lý kỷ luật, tức là họ chịu trách nhiệm, thì những người giới thiệu, tiến cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng chức, giám sát những quan chức ấy, cũng phải chịu trách nhiệm, và như vậy, họ phải bị xử theo quy định của Luật Hình sự, chứ không chỉ là luật dân sự, hay luật tổ chức cán bộ.

Bởi vì nhiều trường hợp theo quan sát và phát hiện của dư luận là có dấu hiệu của đút lót, chạy chức, mua ghế, vậy mà người ta bảo là làm theo ‘quy trình’, làm đúng quy trình. Quy trình chỉ là một cái ‘xác’ thôi, hồn của nó là việc phải đảm bảo tuyển dụng, bổ nhiệm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng có giám sát độc lập của các cơ quan từ lập pháp, tư pháp, hành pháp, tới các báo chí, các tổ chức dân sự độc lập, quần chúng, nhân dân và có cơ chế luật pháp để việc giám sát liên tục được hữu hiệu, thì đó mới đảm bảo cơ bản chất lượng của nhân sự. Đằng này, thực chất ở Việt Nam là rất nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng, trắng trợn các chuẩn mực về tuyển dụng...

Còn chịu ‘trách nhiệm chính trị’ như thời Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói trên Quốc hội nước này ngày nào, theo tôi là nói suông. Trong khi chịu trách nhiệm về công tác nhân sự thời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thông qua chiến dịch "đốt lò" xuyên suốt mấy nhiệm kỳ của ông ta, bị dư luận nhiều lần cho rằng là chịu trách nhiệm với những ai chỉ ở "phe mà không được bảo kê", không thuộc "phe của những người đốt lò". Cũng với ‘công tác nhân sự’ thời ông Trọng đã diễn ra thực trạng là Ban chấp hành Trung ương Đảng, các Ủy ban kiểm tra trung ương, địa phương ở các tỉnh thành, rồi Ban Tổ chức cán bộ Trung ương, Ban Tổ chức chính phủ v.v., đã sàng lọc, điều tra bao nhiêu, có ý kiến bao nhiêu trường hợp "đúng quy trình", đúng tiêu chí chất lượng mà để cho ít nhất hàng chục quan chức hàng trung ương quản lý, hàng trăm quan chức trung cao khác phạm tội nặng tới mức bị kỷ luật, khiển trách, phê bình, nhiều người phải ra tòa, đi tù, bị khai trừ đảng, bị cách chức, bị hồi tố nhiệm kỳ quá khứ này nọ, thì quan chức được tuyển dụng chịu trách nhiệm, nhưng các quan chức và bộ máy tuyển dụng, kiểm tra giám sát họ thì không sao, thì đó là điều khó hiểu, không thể chấp nhận được.

Bây giờ hỏi là vì sao như thế lại không phải chịu trách nhiệm hình sự ? Theo tôi phải áp dụng luật hình sự, và nếu chưa đủ, chưa hiệu quả, thì đây là chỗ phải tăng cường các điều luật, thậm chí soạn luật riêng, mới, để tập trung vào đó mà giám sát và buộc trách nhiệm liên đới với những ai, quan chức nào làm việc trong các bộ máy làm công tác nhân sự và giám sát nhân sự đó của Đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước, chính quyền trung ương, địa phương... để buộc họ phải tôn trọng luật pháp, chấm dứt làm sai, làm bậy, chạy chức quyền, chặt đứt đường dây thao túng cả hệ thống đã gây ra bao sai phạm, mà cuối cùng người dân và quốc gia phải gánh hậu quả.

Nhân sự là then chốt, nhân sự mà bị thao túng, đen tối, sai phạm thì mọi sự, mọi việc đều hỏng, đất nước bị triệt tiêu sự phát triển, trong khi các nước khác làm tốt sẽ phát triển, sẽ thăng hoa và tăng tính cạnh tranh, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mà nếu "lỡ tàu" một chặng, thì sẽ khó mà bắt kịp về sau.

Và tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà nhiều người khác ở Việt Nam, có thể đưa ra lời thách thức với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam về việc ban hành thêm các điều luật hoặc các đạo luật trong lĩnh vực giám sát và ràng buộc trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong mọi khâu trong công tác gọi là nhân sự này. Vấn đề không chỉ ra luật, mà quan trọng là phải thực hiện Luật và ai không thực hiện Luật đó thì đương nhiên phạm tội Hình sự. Đảng cộng sản và Nhà nước, Quốc hội Việt Nam, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cánh "đốt lò" của ông, những người chủ trương, đứng sau chiến dịch gọi là ‘chống tham nhũng’ của ông có dám tìm "củi" rồi đưa "củi" trong toàn bộ bộ máy làm nhân sự lâu này của họ "vào lò không" ? Nếu làm được, hãy làm ngay đi, điều tra đi, và để Nhà nước truy tố đi, nhân dân tham gia vào từ đầu giám sát đi và đảng đừng có làm thay vai trò chính quyền, nhà nước và tư pháp, liệu có dám làm như thế không ?

Và như thế, Đảng cộng sản và Nhà nước, Quốc hội Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức của dân và những nhà giám sát trên thế giới về việc họ có dám làm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng mọi khâu về nhân sự, trong đó có nhân sự cao cấp của Đảng, nhà nước, Quốc hội, chính quyền trung ương, địa phương của họ hay không. Họ có dám đặt toàn bộ khâu tổ chức nhân sự dưới sự giám sát thực sự liên tục và từ đầu của các tổ chức dân sự, các tổ chức độc lập của nhân dân, những đại biểu độc lập của nhân dân chứ không phải giả hiệu ?

Tuyên truyền hay thực chất thế nào ?

Khi được hỏi bà nghĩ sao về việc truyền thông Nhà nước chính thống của Việt Nam cũng từng trích phát biểu của giới ngoại giao quốc tế, nước ngoài, kể cả một bộ phần truyền thông quốc tế, hải ngoại, có những đánh giá được cho là "tích cực" về các nỗ lực trong chỉnh đảng nội bộ, chấn chính nhân sự trong bộ máy đảng và nhà nước ở Việt Nam như những nỗ lực của Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền trong các nhiệm kỳ gần đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền tại Việt Nam, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo nói :

Võ Thị Hảo : Theo tôi, truyền thông nước ngoài cũng thường xuyên theo dõi động tĩnh của Việt Nam nhưng họ hoàn toàn không có điều kiện để nắm được thật giả, bản chất thực tế đằng sau những thông tin được tuyên giáo Việt Nam chỉ đạo : Việt Nam thực sự xếp gần chót bảng xếp hạng tự do ngôn luận trên thế giới ! Bởi vậy, một số tờ báo cũng chỉ đưa tin theo kiểu ngoại giao thôi, chưa đúng là tin đạt chất lượng báo chí thực sự. Họ luôn trích dẫn nguồn tin từ báo trong nước để họ tránh trách nhiệm.

Đảng, Nhà nước, chính quyền cộng sản Việt Nam đã có cả rừng luật, quy định dưới luật để ngăn chặn những thông tin không đúng ý họ. Họ đã bắt hàng loạt các nhà phản biện, các lãnh đạo tổ chức xã hội dân sự mà có hơi hướng độc lập nếu lên tiếng, họ đưa ra những quy định luật pháp bảo vệ chặt chẽ ‘bí mật’ công tác nhân sự đó, nếu ai đòi giám sát, có thể bị dễ dàng bị quy là vi phạm vào các quy định ‘bảo mật’, ‘tuyệt mật’ của chính quyền, của đảng, và có thể bị đi tù, bắt bớ, đưa vào sổ đen. Ngay như lấy phiếu tín nhiệm, họ cũng không công bố công khai, và họ để mọi người, trong đó có người dân khắp nơi bị ‘mù’ thông tin. Khi họ không công khai thông tin nhân sự, chất lượng nhân sự, kể cả những vấn đề đạo đức, pháp luật bị vi phạm của nhân sự cao cấp ấy trong bộ máy cấp cao của họ, và để dân và các giới phải vất vả đương đầu với tin giả, tin rởm, thì đó là họ thiếu trách nhiệm, chưa kể có nhiều cạm bẫy giăng ra, và nhiều người có thể bị bắt, bị ra tòa, đi tù vì mắc vào tin giả và vi phạm vào những điều mà họ gọi là "bí mật quốc gia", rồi "lạm dụng các quyền tự do, dân chủ" này nọ. Ngoài ra, những chuyện như quan chức vi phạm luật hình sự, như thường dân có thể bị truy tố, bị đưa ra tòa, bị xử lý theo pháp luật bình thường, mà nếu là Đảng viên, thì phải đợi có ý kiến và kết luận xử lý của mặt Đảng đã, thì cái đó theo tôi là sự lạm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam trên pháp luật.

Đảng không thể có đặc quyền đó đứng trên nhà nước, làm chuyện bất bình đẳng, bất công như thế. Đảng là nội bộ của anh, còn nếu đảng viên đó là công dân của nhà nước này, thì khi có hành vi hội đủ yếu tố có thể truy tố vì vi phạm pháp luật, là cứ theo luật mà xử lý ngay, không thể vì đảng mà phải kiêng dè. Cái đó là kiến thức tối thiểu về pháp luật và nhà nước pháp quyền, Đảng có bao nhiêu Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ hãy giải thích ngay cho lãnh đạo biết như thế là vi hiến, vi phạm pháp luật, và Quốc hội nếu muốn tránh tiếng phần nào là Quốc hội ‘nghị gật’ của Đảng, trước khi có Quốc hội do dân bầu thực sự diễn ra trong tương lai, thì cũng hãy tìm cách lên tiếng, đừng "mũ ni che tai", lòng vòng, dân họ nhìn và biết hết các vị đấy, họ không ngờ nghệch và dễ bị dẫn dắt, mất chú ý, mất tập trung đâu.

Chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào ?

Cuối cùng, khi được hỏi là Việt Nam cũng đã có Bộ luật Hình sự rồi, nếu nói về chịu trách nhiệm cụ thể như được đề cập thì cụ thể là chịu trách nhiệm như thế nào, nhà văn Võ Thị Hảo nói :

Võ Thị Hảo : Câu hỏi này cũng nên dành cho những người có am hiểu về lập pháp, về làm luật, kỹ thuật làm luật, nhưng về tinh thần chung, tôi cho rằng nếu thiếu hiệu lực luật pháp, thì phải tăng lại hiệu lực, ai không thực hiện nghĩa là phạm tội.

Nếu thiếu luật, thì phải bổ sung, rồi phải có hướng dẫn cụ thể, có chế tài cụ thể, miễn sao nếu ai làm trái pháp luật trong việc giới thiệu, tiến cử, đề cử, tuyển dụng, điều động, quản lý, sử dụng, đãi ngộ, thăng chức v.v. của các quan chức, mà bị phát hiện là có bằng chứng tin cậy, thì phải ra tòa, chịu trách nhiệm hình sự, và cũng như mọi trường hợp khác, khi bị kết luận có trách nhiệm mà đủ cấu thành tội phạm, thì phải liên đới trách nhiệm, phải bị xử tù, xử phạt tiền và mọi chế tài khác công bằng và khách quan.

Nhân đây, tôi xin nói luôn là cũng cần phải tăng cả giám sát nữa, trên là nói về chế tài về ràng buộc trách nhiệm, còn giám sát rất quan trọng, giám sát của các chủ thể xã hội, trong đó có giám sát độc lập của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, các cá nhân, tổ chức độc lập là đại diện do dân cử, sẽ giúp ngăn chặn ngay từ đầu các tệ nạn mà không chỉ là chạy chức, chạy quyền, chạy ghế, chạy tội, mà còn giám sát, ngăn chặn được từ lúc phát sinh những việc như chính trị bè phái, bè đảng, lôi kéo đồng hương, chính trị thân hữu, ông, bố, con cùng làm quan một tỉnh, huyện, xã, hoặc đưa người cùng quê, vùng, tỉnh, huyện, xã ra cơ quan trung ương, hay ngành khác, để cầm quyền, chấp chính, hay là kéo thành bè lũ, thành các nhóm lợi ích, nhóm quyền lực, nhóm lũng đoạn quyền lực, dẫn đến tham nhũng kinh tài, lũng đoạn quyền lực trong mọi nơi, mọi chỗ trong bộ máy của đảng cầm quyền và nhà nước, nhất là ở Trung ương, hay là trong các chiến dịch chỉnh đảng, chỉnh huấn, chỉnh nhân sự nội bộ như một số giới quan sát và nhân dân đã và đang thấy lâu nay, cái đó phải chấm dứt.

Tôi lấy ví dụ, những vụ việc mà dân và giới quan sát thấy là chướng tai, gai mắt lâu nay vẫn đang diễn ra trước mắt chúng ta đấy, chỉ một diễn biến gần đây trong việc Quốc hội Việt Nam tại phiên họp thứ năm, khóa 15 này tại Hà Nội vừa bổ nhiệm nhân sự vào một Bộ liên quan đến tài nguyên, môi trường đấy, người ta đang đặt dấu hỏi về việc với người mới tới làm Bộ trưởng, và người đang làm Phó Thủ tướng và kiêm nhiệm chức đó mấy tháng nay, dân đang đặt dấu hỏi rằng liệu có những quan chức mà nhờ chính trị thân hữu ở địa phương, rồi chính trị phe nhóm lên trung ương, mà thăng tiến cực kỳ nhanh, siêu tốc hay không, như ở Đà Nẵng với ít nhất hai gia đình quan chức lớn, như ở một gia đình gốc Kiên Giang nào đó mà ai cũng biết, không cần nói ra, để mà thăng tiến với tốc độ kinh khiếp, thậm chí không còn chờ 4-5 năm trên một ghế nữa, mà có trường hợp có thể chỉ còn từ 2,5 hay trên dưới 3 năm cho một chức vụ từ địa phương, lên trung ương.

Thời phong kiến ở Việt Nam, người ta đã có luật cấm người ở địa phương làm quan to ở địa phương, kể cả việc kéo cả nhà ra làm quan từ địa phương, lên kinh đô, hay địa phương khác, cũng bị cả luật pháp và đạo đức xã hội giám sát, trừng phạt. Còn vị cựu Bộ trưởng nào đó mà mới buông chức kiêm đó để yên vị ở trên ghế ban lãnh đạo của Nội các chính phủ kia, thì còn đầy câu hỏi đấy, nào là vấn đề trách nhiệm với thủy điện, những quả bom nước kinh hoàng, vấn đề Formosa ngày nào, rồi còn bao nhiêu vấn đề khác mà có lẽ phải xem xét trách nhiệm, năng lực thế nào về mặt quản lý tài nguyên, môi trường, trong đó có cả quản lý đất đai này nọ nữa đấy ?!

Cuối cùng, trở lại vấn để đề cập ở trên, tôi là người sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Dù sinh ở Nghệ An hay ở đâu cũng vậy, chúng ta cần chống lại sự bè phái, "cánh hẩu", được che giấu dưới mỹ từ "tình đồng hương". Mọi thứ tình cảm đều không được phép bị lạm dụng để trở thành các công cụ, lề lối, cách thức, phương tiện, lực lượng để làm chính trị thân hữu, chính trị phe phái, phe đảng, phe cánh mà lũng đoạn, nhũng lạm không chỉ kinh tài mà còn quyền lực và chính trị, gây hại cho quốc kế, dân sinh, cho quốc gia và quốc dân, Tổ quốc, cái đó là không được và không thể chấp nhận, và không chỉ có nói suông, mà phải có luật để chế tài, bỏ tù, phạt tiền, để ngăn cấm, ngăn chặn…", nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm cá nhân từ Cộng hòa liên bang Đức, trong dịp Quốc hội Việt Nam đang họp phiên toàn thể ở kỳ họp thứ năm, khóa 15 mà diễn ra trong vài tuần lễ, bắt đầu từ ngày thứ Hai, 22/5/2023.

Trong quý một năm nay, tờ Quân Đội Nhân Dân online khi đưa tin về Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Đảng cộng sản ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì hôm 12/01/2023 tại Hà Nội, trong lúc nhìn lại tình hình của toàn năm trước tại Việt Nam, cho biết :

"Trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước) ; cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí ; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) ; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút".

Trước đó, một bài báo trên Tiền phong Online vào cuối quý III năm ngoái, cho hay cách đây gần một năm, riêng trong sáu tháng đầu năm 2022 đã có 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật với các mức từ khiển trách đến khai trừ Đảng.

"Bốn ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII bị kỷ luật trong sáu tháng. Tại phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nêu rõ trong sáu tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó có bốn ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII bị kỷ luật gồm các ông Nguyễn Thanh Long - cựu bộ trưởng Bộ Y tế và Chu Ngọc Anh - cựu chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, bị khai trừ Đảng. Ông Nguyễn Thành Phong - phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và ông Huỳnh Tấn Việt - bí thư Đảng ủy khối các cơ quan trung ương, nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - bị kỷ luật cảnh cáo... Từ đầu nhiệm kỳ… đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng gồm : năm ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII gồm các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh, Trần Văn Nam - cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - bị kỷ luật khai trừ Đảng. Các ông Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt bị kỷ luật cảnh cáo. Năm nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật gồm ông Tất Thành Cang - cựu phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - đã bị khai trừ Đảng ; ông Vũ Huy Hoàng - cựu bộ trưởng Bộ Công thương - bị khai trừ Đảng ; bà Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên bộ trưởng Bộ Y tế - bị kỷ luật cảnh cáo. Ông Huỳnh Văn Tí – nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận – bị kỷ luật khiển trách ; ông Nguyễn Mạnh Hùng – nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận – bị kỷ luật cảnh cáo".

Còn gần đây hơn, tại Hội nghị Trung ương 7, giữa kỳ của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, Ngày 15/5/2023, theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, theo báo Tuổi trẻ Online, Ban chấp hành trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh – cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai… Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng ông Doãn Văn Hưởng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai và nhiều cán bộ khác.

Cũng tại sự kiện này, Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam đã biểu quyết, thống nhất để ông Nguyễn Phú Cường - ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội – thôi giữ chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII. Trước đó, vẫn theo Tuổi trẻ Online, tại kỳ họp thứ 23 (tháng 11/2022), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận dấu hiệu vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai. Kết luận nêu rõ trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai và nhiều lãnh đạo địa phương thời kỳ đó, trong đó có ông Nguyễn Phú Cường, ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 24/05/2023

Additional Info

  • Author Võ Thị Hảo, Quốc Phương
Published in Diễn đàn