Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 khai mạc hôm 31/10/2021 tại Glasgow, Anh Quốc với 200 phái đoàn của các quốc gia trên khắp thế giới. Mục tiêu mà nước chủ nhà Anh Quốc đưa ra và cũng là mục tiêu chung của thế giới là giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 50% vào năm 2030 (so với năm 2005) và bằng 0 (net zero) vào năm 2050.
20 nước thuộc G20 phát thải đến 80% lượng khí carbon trên toàn cầu. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm tới 28%. Việc lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nga (hai nước phát thải khí carbon lớn thứ hai và thứ ba thế giới) không có mặt tại COP26 gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế vì nếu không có sự hợp tác của hai quốc gia này thì kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính có thể sẽ thất bại.
Mục tiêu của cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần này là giữ cho mức tăng nhiệt độ từ nay đến cuối thế kỷ là không quá 1,5 độ C. Mức tăng này sẽ là 2,7-3,5 độ C trong trường hợp thế giới không làm gì. Hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia đăng tải trên tạp chí BioScience hồi tháng 12/2019 cảnh báo rằng nhân loại sẽ phải đối mặt với nỗi thống khổ không kể xiết vì biến đổi khí hậu.
Liên Hợp Quốc định nghĩa biến đổi khí hậu là "sự thay đổi của khí hậu, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp do tác động của hoạt động con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu và ngoài ra là những biến thiên tự nhiên của khí hậu được quan sát trên một chu kỳ thời gian dài". Trong định nghĩa này "thay đổi khí hậu" đồng nghĩa với sự ấm lên toàn cầu.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính như khí CO2, CH4, metal... do đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu khí. Các yếu tố này chiếm đến 70% lượng khí phát thải trên thế giới.
Có lẽ với đa số người Việt thì việc biến đổi khí hậu còn rất xa và không phải việc của mình. Điều đó không đúng. Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Phòng, chống thiên tai thì thiên tai năm 2020 đã gây thiệt hại về người (357 người chết, mất tích) và thiệt hại về kinh tế ước tính 37.400 tỷ đồng (trong đó đợt mưa lũ ở miền Trung là 32.900 tỷ đồng). Thiệt hại về người của năm 2020 bằng cả hai năm 2018 và 2019 cộng lại (năm 2018 có 224 người chết, mất tích và năm 2019 có 133 người chết, mất tích) (1).
Lũ lụt kinh hoàng tại miền Trung Việt Nam năm 2020
Năm 2021 loài người đã chứng kiến các vụ thiên tai cực đoan và khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Quá nhiều dẫn chứng từ các vụ cháy rừng không thể kiểm soát đến việc thời tiết trở nên nắng nóng hoặc mưa nhiều một cách bất thường. Mỹ, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp bị cháy rừng nhiều ngày và gây thiệt hại nghiêm trọng. Vào tháng 8, đợt nắng nóng kỷ lục ở Hy Lạp dẫn tới gần 100 đám cháy rừng trên khắp đất nước khiến gần 100.000 ha rừng và đất nông nghiệp bị thiêu rụi trong vòng chưa đầy 2 tuần. Trước đó, Canada và Tây Bắc nước Mỹ hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp kéo dài trong nhiều ngày.
Tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hồi tháng 7 hứng chịu đợt lũ lụt "nghìn năm có một". Ở thành phố Trịnh Châu, lượng mưa 617,1 mm trút xuống trong 3 ngày gần bằng lượng mưa trung bình cả năm của thành phố. Ước tính, 292 người chết và 47 người mất tích trong trận lụt lịch sử này. Nước lũ làm ngập nhiều hầm đường bộ và hệ thống tàu điện ngầm, khiến nhiều người chết đuối.
Hình ảnh nước lũ trút xuống các hệ thống tàu ngầm điện không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc mà còn được ghi nhận ở thủ đô London của Anh trong trận lụt hồi tháng 7 và ở New York khi cơn bão nhiệt đới Elsa tấn công thành phố này. Cũng trong tháng 7, lượng mưa dữ dội trong thời gian ngắn gây ra trận lụt lịch sử ở Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Đây được đánh giá là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tại các nước này trong nhiều thập kỷ qua. Tại Đức, số người chết trong trận lũ lụt lịch sử lên tới gần 200 người.
Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến hàng tỷ con châu chấu sinh sôi, tràn sang Đông Phi trong tháng 1/2020, đe dọa gây khủng hoảng lương thực tại các nước Ethiopia, Somalia và Kenya. Tại các quốc gia khác ở lục địa đen, các trận mưa xối xả khiến hàng chục nghìn người ở Somalia phải đi sơ tán trong khi các thị trấn ở Nam Sudan chìm trong nước lũ. Ở Kenya, Ethiopia và Tanzania, lũ quét và lở đất cướp đi sinh mạng của hàng chục người.
Một vài thiên tai tiêu biểu trên thế giới do biến đổi khí hậu trong tuần lễ từ 18 đến 24/07/2021 - Nguồn Natural Disasters/Climate change, 25/07/2021
Các nghiên cứu mới đây cho thấy nhiệt độ không khí Bắc Cực đã tăng lên với tốc độ gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Sóng nhiệt và nhiệt độ mùa hè cao đang đẩy nhanh quá trình tan chảy của băng vĩnh cửu. Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có thể giải phóng các thành phần nguy hiểm như hóa chất độc hại và vật liệu phóng xạ được tích tụ từ thời Chiến tranh Lạnh, cũng như các vi sinh vật như virus mắc kẹt trong băng một thời gian dài.
Nếu hiện tượng biến đổi khí hậu không được kiểm soát, mực nước biển có thể dâng cao đến 2m vào cuối thế kỷ. Khi đó hàng chục thành phố lớn trên thế giới sẽ chìm xuống biển như Mumbai, Surat (Ấn Độ) ; Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) ; Miami, Philadelphia, Houston, New Orleans (Hoa Kỳ) ; Alexandria (Ai Cập) ; Tokyo, Kitakyushu (Nhật Bản) ; Bangkok (Thái Lan) ; Jakarta (Indonesia) ; Manila (Philippines) ; Dhaka (Bangladesh) ; Lagos (Tây Phi) ; Venice (Ý) ; London (Anh) ; Rotterdam (Hà Lan) ; Maldives...
Theo một nghiên cứu, vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể chìm xuống biển. Hơn 20 triệu người Việt Nam, gần 1/4 dân số, sẽ sống trong vùng bị ngập. Phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, theo đó sẽ biến mất.
Miền Nam Việt Nam có thể chìm xuống biển vào năm 2050.
Trong lịch sử từng đã có ít nhất 6 thành phố chìm xuống biển với nhiều nguyên nhân khác nhau như Dwarka (Ấn Độ), Port Royal (Jamaica) ; Kim tự tháp Yonaguni Jima (Nhật Bản) ; Thành phố Sư Tử (Trung Quốc) ; Pavlopetri (Hy Lạp) và sau cùng là Epecuen (Argentina), thành phố này mới bị nhấn chìm vào cuối những năm 1980. Chúng ta cũng không quên một thành phố huyền thoại đã đi vào thế giới điện ảnh đó là Atlantis. Theo triết gia Plato, quốc đảo này tồn tại khoảng 9.000 năm trước thời của ông và đã biến mất một cách bí ẩn.
Trong hội nghị khí hậu COP25, các nước phát triển đã cam kết chi mỗi năm 100 tỉ USD để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính nhưng có lẽ số tiền này là không đủ và không tạo dựng được niềm tin cho các nước đang phát triển. Thái độ bất nhất của Mỹ, nước phát thải khí nhà kính cao nhất thế giới cũng khiến các nước lo lắng. Cụ thể, bất chấp nỗ lực vận động của cộng đồng quốc tế, quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn nghị định thư Kyoto 1997 do tổng thống Bill Clinton ký kết. Năm 2017, tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đảo ngược hàng loạt quy định bảo vệ môi trường của người tiền nhiệm. Joe Biden đã lên tiếng xin lỗi thế giới về việc đó nhưng không có gì đảm bảo nước Mỹ sẽ không xuất hiện một Donald Trump khác trong tương lai.
Bên cạnh đó, Trung Quốc dù là quốc gia phát thải carbon lớn của thế giới nhưng không những chưa đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, mà Trung Quốc hiện đang tiếp tục xây dựng các nhà máy mới tại hơn 60 địa điểm trên khắp đất nước và xuất khẩu các nhà máy nhiệt điện than sang các nước hàng xóm trong đó có Việt Nam. Mặc dù đã có 87 nhà máy điện than nhưng dự án nhà máy điện than II gây tranh cãi ở Vũng Áng, cũng sẽ chính thức được khởi công vào tháng 12/2021. Sản lượng điện từ các nhà máy điện than hiện đáp ứng 50% nhu cầu điện tại Việt Nam. Hiện chỉ có khoảng 12% điện ở Việt Nam được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió.
Anh quốc và các nước phát triển đang đề ra nhiều kế hoạch để giảm khí thải nhà kính như cấm bán xe hơi chạy bằng xăng hay dầu trước năm 2030, tăng công suất điện gió, tăng sử dụng năng lượng hạt nhân, đầu tư vào năng lượng hydrogen có carbon thấp, tăng diện tích trồng cây xanh và cuối cùng là lắp đặt hệ thống bơm khí nóng để sưởi ấm vào mùa đông...
Mục tiêu và mong muốn là như vậy nhưng có thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Chủ nghĩa dân túy đang là mối đe dọa lớn nhất đối với các dự án chống biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cùng với đại diện của 110 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Brazil đã ký vào cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 0 vào năm 2050 và tiếp tục thực hiện các bước để loại bỏ dần điện than và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Việt Nam cũng như Trung Quốc và Nga, luôn nhanh nhẹn ký vào các cam kết quốc tế nhưng sau đó có thực hiện hay không thì không có gì đảm bảo. Chính quyền Việt Nam không có ưu tư bảo vệ môi trường và cũng giống Trung Quốc, họ luôn tìm cách để tăng trưởng kinh tế bất chấp những thiệt hại gây ra cho môi trường.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức chính trị đầu tiên tại Việt Nam quan tâm đến vấn đề về bảo vệ môi trường cho người Việt Nam. Ngay từ dự án chính trị đầu tiên cách đây 30 năm chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp thiết của vấn đề này. Theo chúng tôi thì hiểm họa môi trường là một trong ba hiểm họa mà Việt Nam đang phải đối mặt sau hiểm họa về tham nhũng và sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Xin trích vài đoạn trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :
"Từ vài thập niên qua, chúng ta liên tục chứng kiến một thảm kịch cực kỳ nghiêm trọng trong lịch sử nước ta: đó là sự hủy hoại nhanh chóng ngay chính nền tảng của đất nước. Cây rừng bị chặt phá, bờ biển, sông ngòi và các mạch nước bị ô nhiễm nặng, đất nước trở thành cằn cỗi, hạn hán tiếp theo lũ lụt. Nước không còn uống được, không khí không còn thở được. Chưa kể rác rưởi hôi thối chồng chất, cống rãnh ứ đọng. Người thành phố ra đường phải đeo khẩu trang bịt mặt và trở thành xa lạ với nhau. Ô nhiễm đã đạt tới mức độ tàn phá sức khỏe gây thảm kịch cho mọi người nhất là người nghèo, nghĩa là đa số nhân dân. Nó cũng gây tốn kém lớn về y tế, làm giảm năng suất lao động và có khả năng khiến du khách xa lánh nước ta, thế giới tẩy chay thực phẩm của ta. Đây là một tai họa kinh khủng phải chặn đứng ngay. Với một mật độ dân số một nghìn người trên một kilômét vuông đất sống được và còn lại để cư trú chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là đặt môi trường lành sạch làm ưu tiên quốc gia số một. Đất nước trước hết là đất và nước, nếu đất nước cằn cỗi và ô nhiễm đến độ không còn sinh sống được nữa thì chúng ta cũng chẳng còn gì để nói với nhau" (2).
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và không gian sống cho gần 100 triệu người Việt Nam.
"Điều quan trọng nhất cũng là điều có thể làm ngay vì không đòi hỏi những chi phí lớn. Đó là cải thiện môi trường, cảnh quan và các nơi công cộng. Do văn hóa truyền thống chúng ta chưa ý thức được tầm quan trọng của môi trường dù vấn đề đã rất nghiêm trọng và đã ảnh hưởng trực tiếp lên mọi người. Sự thiển cận đã khiến các cấp lãnh đạo nối tiếp nhau không ý thức được rằng phát triển, kể cả phát triển kinh tế, chỉ có thể bền vững nếu môi trường được bảo vệ. Các nhà máy ô nhiễm gây thiệt hại trong lâu dài cho xã hội nhiều lần lớn hơn lợi tức ngắn hạn mà chúng tạo ra. Tham nhũng là nguyên nhân chính cho phép phá hoại môi trường; sự vắng mặt của xã hội dân sự là một nguyên nhân khác. Thực trạng kinh ngạc là cho tới nay nước ta vẫn chưa có một hiệp hội bảo vệ môi trường nào dù môi trường đã bị tàn phá tới mức độ nguy kịch và vẫn còn tiếp tục bị tàn phá, trong khi tại các nước văn minh giầu mạnh bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu của vô số hiệp hội, có cả những chính đảng lấy môi trường làm ưu tư cao nhất. Đối với thế giới ngày nay môi trường đã trở thành một vấn đề chính trị nền tảng.
Chúng ta không thể dung túng những nhà máy không có xử lý khói và chất thải nhân danh lợi ích kinh tế. Chúng ta cũng phải nghiêm cấm việc chặt phá rừng và lấp, lấn ao hồ. Các tiện nghi vệ sinh công cộng phải đầy đủ. Hệ thống thoát nước phải hoàn chỉnh. Xây dựng phải có quy hoạch, mỗi khu vực chỉ được xây dựng theo một vài kiểu nhà với một số mầu sắc. Phải tăng cường các phương tiện chuyên chở công cộng, đánh thuế môi trường trên ôtô và xe máy, khuyến khích sử dụng xe đạp; cấm xe có động cơ xăng dầu tại trung tâm các thành phố và những khu đông người; trừng phạt nghiêm khắc những công ty xây dựng cầu đường thi công gian trá. Chúng ta sẽ bãi bỏ dự án Bô-xít Tây Nguyên, đình chỉ các dự án điện hạt nhân, ngay cả những dự án đang thi công, loại bỏ điện hạt nhân cho tới khi các kỹ thuật xử lý phế liệu thỏa đáng đã tìm được và nước ta đã có đầy đủ khả năng để bảo đảm an toàn tuyệt đối của các lò phản ứng. Những biện pháp đó tuy có thể làm giảm lợi nhuận nhất thời của một số công ty nhưng sau cùng vẫn có lợi ích kinh tế lớn vì bảo vệ và khuyến khích đầu tư trong nhiều ngành khác, nhất là ngành du lịch, và điều quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe và cuộc sống yên vui. Ô nhiễm là một vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người bởi vì nước sạch, không khí trong lành, không gian yên lặng là những quyền con người cơ bản nhất" (3).
Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đất nước Việt Nam trong hơn 70 năm qua và thực tế chứng minh họ đã hoàn toàn thất bại trong mọi lĩnh vực. Họ không thể làm được bất cứ điều gì tốt đẹp cho đất nước kể cả khi họ muốn và có thiện chí. Đại dịch Covid-19 tàn phá Việt Nam suốt 4 tháng qua chưa kịp lắng xuống thì chính quyền đã tăng giá xăng, giá ga và sắp tới sẽ đặt 87 trạm thu phí xe ô tô vào Hà Nội. Sau Hà Nội sẽ là Sài Gòn và các tỉnh thành khác. Sau ô tô sẽ là xe máy. Sau xe máy sẽ là phát hành trái phiếu để "huy động" vàng và đôla trong dân chúng...Vòng quay cứ tiếp tục mãi như thế cho đến lúc người dân kiệt quệ và đất nước hoàn toàn gục ngã.
Việt Hoàng
(3/11/2021)
(1) Kỷ Nguyên, "Nguy cơ về một “thảm họa kép” vào mùa mưa bão", Thông Luận, 06/09/2021
(2) Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 3 : Việt Nam trước một khúc quanh lịch sử trọng đại
(3) op.cit., Chương 5 : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam
Xã luận
Mỹ trở thành một nhà nước côn đồ ?
Một câu hỏi được đặt ra là quyết định của Donald Trump, một quyết định có thể coi là một tội ác đối với tương lai nhân loại, sẽ có ảnh hưởng nào đối với cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường ? Câu trả lời là không có gì đáng kể.
Trái đất sẽ tăng lên 2°C hay 1,5°C vào năm 2100 ?
Donald Trump một lần nữa đã gây ngạc nhiên và phẫn nộ cho mọi dân tộc văn minh và mọi người quan tâm tới tương lai thế giới với quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Thỏa Ước Paris về khí hậu.
Dĩ nhiên có nhiều tranh luận về môi trường và khí hậu vì đó là vấn đề lớn, có lẽ là vấn đề lớn nhất của thế giới hiện nay. Người ta tranh luận xem nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên 2° hay 1,5% vào năm 2100 nhưng không ai phủ nhận là nhiệt độ đang tăng lên kéo theo những hậu quả nghiêm trọng. Người ta tranh luận xem trách nhiệm của con người quan trọng tới mức độ nào trong sự thay đổi khí hậu này nhưng không ai phủ nhận rằng các hoạt hoạt động kỹ nghệ đã có vai trò quyết định. Cũng không ai phủ nhận rằng khối lượng khí CO2 do các nhà máy nhả ra hiện nay đã đạt tới mức độ báo động 56 nghìn tỷ mét khối mỗi năm và sẽ đạt tới 70 nghìn tỷ mét khối vào năm 2100 nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Hội nghị thế giới về khí hậu COP21 tại Paris cuối năm 2015 đã là một cột mốc lớn đánh dấu sự trưởng thành của ý thức của loài người rằng sự sống trên mặt đất bị đang bị đe dọa và như thế mọi tiến bộ và thành công đều có thể trở thành vô nghĩa. Đó cũng là ý thức rằng tất cả mọi dân tộc đều bị ràng buộc với nhau trong trách nhiệm chung là bảo vệ sự sống trên trái đất, một trái đất mà những con người hôm nay chỉ mượn tạm của các thế hệ mai sau. Chính ý thức này đã khiến 195 nước tham dự hội nghị COP21 đi đến quyết định chung là Thỏa Ước Paris theo đó các quốc gia cam kết sẽ làm mọi cố gắng cần thiết để khối lượng CO2 xả thải vào năm 2025 sẽ giảm 26% so với mức độ năm 2005. Để giúp các nước nghèo trong cố gắng đó, bắt đầu từ năm 2020 các nước giầu sẽ đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm, nghĩa là 0,15% tổng sản lượng thế giới, trong một quỹ khí hậu do Liên Hiệp Quốc quản lý. Đó là một cố gắng vừa rất khiêm tốn vừa rất cần thiết.
Để chống lại Thỏa Ước Paris Donald Trump đã sử dụng những luận điệu mỵ dân một cách lố bịch.
Ông nói rằng các biện pháp giảm khối lượng CO2 sẽ khiến Hoa Kỳ mất 2,7 triệu công ăn việc làm. Lập luận này, do các nhóm áp lực dân túy đưa ra, đã bị các chuyên gia và các công ty lớn của chính nước Mỹ, kể cả các công ty dầu khí, cực lực bác bỏ.
Donald Trump cũng nói rằng Thỏa Ước Paris sẽ khiến Trung Quốc trên thực tế trở thành nước độc quyền sử dụng than đá. Càng sai hơn. Dù có hay không có Thỏa Ước Paris thì Trung Quốc cũng bắt buộc phải giảm một cách mạnh mẽ và nhanh chóng các kỹ nghệ ô nhiễm, nhất là than và thép, vì một lý do rất giản dị là đất nước Trung Quốc đã bị hủy hoại ở một mức độ nghiêm trọng, tuổi thọ của người Trung Quốc đang giảm một cách báo động và đang có cả một phong trào bỏ chạy khỏi Trung Quốc của những người giầu có.
Một lập luận khác của Donald Trump là sự đóng góp cho quỹ khí hậu quá tốn kém cho Mỹ. Nhưng mức đóng góp này chỉ được dự trù là 3 tỷ USD mỗi năm, nghĩa là 0,02% GDP, hay 0,5% ngân sách quốc phòng, của Hoa Kỳ.
Tóm lại những lập luận của Donald Trump để rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa Ước Paris hoàn toàn sai, chúng chỉ khiến uy tín vốn đã rất thấp của ông trong dư luận thế giới còn xuống thấp hơn. Lần đầu tiên một quyết định của tổng thống Mỹ bị phản bác không nể nang và ngay tức khắc bởi tất cả các nước, kể cả các đồng minh.
Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là quyết định của ông, một quyết định có thể coi là một tội ác đối với tương lai nhân loại, sẽ có ảnh hưởng nào đối với cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường ? Câu trả lời là không có gì đáng kể. Ngay trước khi Trump tuyên bố quyết định này, 30 trong số 50 bang của Hoa Kỳ đã khẳng định là họ sẽ tuân thủ những quy định của Thỏa Ước Paris và họ hoàn toàn có thẩm quyền về môi trường. Các công ty lớn của Mỹ cũng đã lên tiếng phát biểu cùng một lập trường. Cũng nên hiểu rằng môi trường chủ yếu là một vấn đề của sản xuất và do đó chủ yếu tùy thuộc các công ty trong khi cố gắng chính của tất cả các công ty lớn trên thế giới hiện nay, kể cả các công ty Mỹ, là sản xuất một cách sạch sẽ.
Mặt trận khí hậu và môi trường cũng rất vững. Tất cả các nước Châu Âu dù không cần hội ý với nhau đều đã tức khắc bác bỏ đề nghị thương thuyết lại Thỏa Ước Paris của Trump. Châu Âu là trung tâm của cuộc chiến đấu bảo vệ môi trường và chưa bao giờ Châu Âu đoàn kết như lần này. Còn Trung Quốc và Ấn Độ thì không cần ai bắt buộc cũng không có chọn lựa nào khác là giảm ô nhiễm và giảm khối lượng CO2 thải ra bởi vì đó là sự chọn lựa giữa sống và chết theo nghĩa đen.
Sau cùng, quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa Ước Paris của Donald Trump cũng sẽ chỉ có hiệu lực trong bốn năm nữa, lúc đó có tất cả mọi xác xuất là Donald Trump không còn là tổng thống Mỹ nữa và vị tổng thống mới sẽ chỉ có thể sáng suốt hơn.
Quyết định của Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi : phải chăng, với Donald Trump, Hoa Kỳ đang trở thành một nhà nước côn đồ mới thách thức thế giới ? Có thể đó là điều Trump muốn nhưng ông sẽ khám phá ra rằng tổng thống Mỹ không có nhiều quyền như ông tưởng. Tổng thống Mỹ không có toàn quyền trên chính quyền Mỹ và chính quyền Mỹ cũng không có toàn quyền trên xã hội Mỹ. Và xã hội Mỹ là một xã hội văn minh của một dân tộc lớn, tự do và dũng cảm.
Nguyễn Gia Kiểng
(05/06/2017)