Hàng chục ngàn người dùng truyền thông xã hội Việt Nam đang đổ xô lập tài khoản ở một nền tảng tự do ngôn luận để tránh kiểm duyệt của chính phủ theo luật An ninh mạng mới, nhiều người hoạt động nói với AFP.
Facebook có thể đang tuân thủ các quy định mới của luật An ninh mạng - Ảnh minh họa.
Luật An ninh mạng hà khắc đòi hỏi các công ty Internet phải lọc nội dung quan trọng và bàn giao dữ liệu người dùng nếu chính phủ Việt Nam yêu cầu.
Luật này, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm tới, vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà hoạt động, những người nói rằng đó là một biện pháp kiểm duyệt ở một nước không có báo chí độc lập và Facebook là một nền tảng xã hội quan trọng cho các blogger.
Facebook, một nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu thế giới, có 53 triệu người dùng ở Việt Nam trong tổng dân số 93 triệu người ở nước này.
Nhiều nhà hoạt động đang chuyển sang Minds, một nền tảng nguồn mở có trụ sở tại Hoa Kỳ, vì sợ Facebook có thể tuân thủ các quy định mới của luật An ninh mạng.
"Chúng tôi muốn giữ tiếng nói độc lập của mình và chúng tôi cũng muốn nói với Facebook rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự kiểm duyệt nào", Trần Vi, biên tập viên của trang tin The Vietnamese, một trang thông tin bị chặn tại Việt Nam, nói với AFP từ Đài Loan .
Một số nhà hoạt động cho biết họ chuyển đến Minds sau khi nhiều nội dung của họ bị xóa và lạm dụng từ nhóm người dùng Facebook ủng hộ chính phủ.
Tài khoản Facebook của hai biên tập viên đã tạm thời bị chặn và trang Facebook của The Vietnamese không còn có thể sử dụng công cụ "bài viết tức thì" để đăng tin tức.
Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động được biết đến nhiều hơn với biệt danh Anh Chí trên mạng, cho biết anh đã chuyển sang Minds như một giải pháp thay thế an toàn, mặc dù anh sẽ tiếp tục sử dụng Facebook và Twitter.
"Đó là một nền tảng ẩn danh và bí mật", anh nói về Minds.
Cư dân mạng Việt Nam đã chuyển sang Minds như một giải pháp thay thế an toàn
Trước đây anh đã phải khai báo nhiều thông tin cá nhân cho Facebook để xác minh danh tính của mình và bây giờ lo ngại rằng thông tin đó có thể được sử dụng chống lại anh.
Luật hà khắc
Khoảng 100.000 tài khoản mới đăng ký từ Việt Nam trong vòng chưa đầy một tuần, nhiều người đăng tải về chính trị và các vấn đề hiện tại, người sáng lập Minds và giám đốc điều hành Bill Ottman nói với AFP.
"Luật An ninh mạng mới này đang khiến nhiều người phải lo lắng với lý do chính đáng", ông nói từ Connecticut.
"Thật đáng sợ khi nghĩ rằng bạn không chỉ bị kiểm duyệt mà những cuộc trò chuyện riêng tư có thể bị trao cho một chính phủ mà bạn không biết họ sẽ sử dụng điều đó để làm gì".
Sự gia tăng người dùng mới từ Việt Nam hiện chiếm gần 10% tổng số người dùng của Minds khoảng 1,1 triệu người.
Người dùng không bắt buộc phải đăng ký với dữ liệu cá nhân và tất cả các cuộc trò chuyện được mã hóa.
Chính phủ Việt Nam năm ngoái đã công bố một đội quân an ninh không gian mạng với nhiệm vụ giám sát tài liệu trực tuyến.
Để bảo vệ luật An ninh mạng, Việt Nam đã nói luật này nhằm mục đích bảo vệ chế độ và tránh một "cuộc cách mạng màu".
Facebook nói với AFP rằng công ty này đang nghiên cứu luật An ninh mạng của Việt Nam và nói rằng họ xem xét các yêu cầu của chính phủ trong việc xóa thông tin phù hợp với Tiêu chuẩn Cộng đồng của mình - và phản đối khi có thể.
Google từ chối bình luận về luật mới khi được AFP hỏi, nhưng báo cáo minh bạch mới nhất của họ cho thấy đã nhận được 67 yêu cầu riêng biệt từ chính phủ Việt Nam để loại bỏ hơn 6.500 bài viết kể từ năm 2009, phần lớn kể từ đầu năm ngoái.
Hầu hết các bài đó đã bị gỡ xuống, mặc dù Google không cung cấp dữ liệu chính xác về việc công ty này tuân thủ yêu cầu xóa nội dung.
Ottman nói rằng các nước như Việt Nam đang chiến đấu trong một trận chiến thất bại với mục tiêu cố gắng kiểm soát biểu đạt trực tuyến.
"Việc này giống như việc đốt sách, chỉ mang lại nhiều sự chú ý hơn đến những vấn đề đó và làm cho người dùng tức giận hơn vì bị kiểm duyệt", ông nói.
Nguyên tác : Vietnam activists flock to ‘safe’ social media after cyber crackdown, AFP, 05/07/2018
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 09/07/2018