Xã luận
Bốn mươi ba năm đã qua kể từ ngày 30/4/1975. Đã có vô số bài và sách về biến cố lịch sử diễn ra ngày hôm đó nhưng chúng ta vẫn chưa có được một cái nhìn chung để cùng rút ra những bài học cần thiết cho tương lai.
Trí thức Việt Nam hoặc không quan tâm tới đất nước, hoặc không có bản lĩnh chính trị để quan tâm một cách đúng đắn - Ảnh minh họa Giáo sư Phạm Biểu Tâm nói chuyện với sinh viên Y khoa trong một giảng đường trong những năm 1970s - Life
Sự độc hại của chủ nghĩa cộng sản cũng như sự ngu muội của các lãnh tụ cộng sản đã quá rõ ràng và đã làm đất nước ta tan nát về cả vật chất lẫn tinh thần. Chúng ta là một trong những dân tộc nghèo khổ và tụt hậu bi đát nhất, với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ bằng 1/7 mức trung bình thế giới và vẫn còn bị từ chối những quyền con người cơ bản nhất. Đã thế còn bị mất đất, mất biển, mất đảo, mất cả một phần chủ quyền, sau một cuộc nội chiến làm sáu triệu người thiệt mạng. Thành tích của Đảng cộng sản thật kinh khủng.
Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao những con người tồi tệ như vậy và tôn sùng một chủ nghĩa tồi tệ như vậy đã có thể cướp được chính quyền và vẫn còn duy trì được ách độc tài toàn trị ? Kẻ thắng càng tồi dở bao nhiêu thì kẻ thất bại càng hổ nhục bấy nhiêu.
Đừng trách Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Chúng ta đã nghe lặp đi lặp lại nhiều lần rằng Việt Nam Cộng Hòa đã thua vì Hoa Kỳ tháo chạy và không những thế còn cố tình bóp nghẹt miền Nam cho chết sớm hơn. Sự trách móc này chỉ chứng tỏ chúng ta chưa hiểu thảm kịch của chính mình. Hoa Kỳ chưa bao giờ kiên nhẫn như họ đã kiên nhẫn tại Việt Nam. Đã dựa vào Mỹ thì phải biết Mỹ không kiên nhẫn và phải có chiến lược để hoặc giành thắng lợi nhanh chóng hoặc cho họ lý do đế tiếp tục hỗ trợ. Các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kế tiếp nhau, trái lại, đã làm tất cả để gây chán nản cho cả chính quyền lẫn dư luận Mỹ. Và một khi đã quyết định bỏ cuộc thì dĩ nhiên Mỹ muốn và làm những gì có thể làm để cuộc chiến tuyệt vọng kết thúc thật nhanh. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về những người đã lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, và trí thức Việt Nam nói chung.
Chúng ta đã thiếu những cấp lãnh đạo có bản lĩnh chính trị vì chúng ta không có những trí thức chính trị. Đó là lý do khiến Đảng cộng sản đã thắng ngày 30/4/1975 và cũng là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục. Không phải là vì dân tộc Việt Nam hèn kém. Các dân tộc không khác nhau bao nhiêu, sự khác biệt là ở giới trí thức của mỗi dân tộc. Trí thức Việt Nam hoặc không quan tâm tới đất nước, hoặc không có bản lĩnh chính trị để quan tâm một cách đúng đắn. Đó là thảm kịch của dân tộc ta. Đó là bài học lớn nhất khi chúng ta nghĩ đến ngày 30/4.
Đảng cộng sản đã thắng ngày 30/4/1975 vì họ có logic của họ trong khi các chính quyền quốc gia – Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa - không có. Đảng cộng sản là một lực lượng khủng bố theo đuổi một lý tưởng đạo tặc coi cướp chính quyền là một cứu cánh có thể biện minh cho mọi phương tiện và họ đã hành động đúng như thế, trong khi các chính quyền quốc gia tuy tự xưng là theo lý tưởng tự do dân chủ nhưng lại không thích dân chủ ; họ hành xử theo một logic phản dân chủ và vì thế không khai thác được sức mạnh của dân chủ.
Đặc tính chung của những người kế tiếp nhau cầm quyền phe quốc gia là họ không có một huấn luyện chính trị nào, chưa nói là huấn luyện dân chủ, do đó họ không biết phải đấu tranh chính trị như thế nào. Tệ hơn nữa họ không ý thức được điều này.
Một thí dụ khó tưởng tượng là tất cả các chính quyền Quốc Gia Việt Nam cũng như Việt Nam Cộng Hòa đều không có một cơ quan nào nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và kỹ thuật đấu tranh của các đảng cộng sản để biết phải đương đầu như thế nào. Một thí dụ cũng kinh khủng không kém là dù sự sống còn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn tùy thuộc vào Hoa Kỳ nhưng cũng không có một cơ quan nào để nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ và tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 – mà đang lẽ đã phải là một hành động tự sát của chính quyền cộng sản Hà Nội nhưng do sự tồi dở của chính quyền Sài Gòn đã biến thành một thắng lợi chính trị quyết định cho họ - Hoa Kỳ gần như đã dứt khoát quyết định rút lui khỏi Việt Nam. Muốn đảo ngược tình thế để được họ tiếp tục yểm trợ phải cần một cố gắng vận động và thuyết phục cực kỳ xuất sắc. Nhưng ông Thiệu đã làm gì ? Ông tổ chức bầu cử độc diễn và sau đó mua chuộc để biến đa số dân biểu thành gia nô một cách lộ liễu làm dư luận Hoa Kỳ vừa ngao ngán vừa phẫn nộ. Thật khó tưởng tượng.
Chính trị đòi hỏi những đức tính không có trong những môn khác : sự lương thiện, sự dũng cảm và lòng yêu nước.
Chúng ta thường mỉa mai các lãnh tụ cộng sản là vô học. Điều này đúng nhưng về kiến thức chính trị họ hơn hẳn những người lãnh đạo phe quốc gia. Họ có huấn luyện về đấu tranh chính trị, dù là chính trị đạo tặc. Trong khi đó phe quốc gia chỉ có một niềm tin nhảm nhí nhưng chắc nịch là không cần học tập về chính trị, hễ cứ tốt nghiệp đại học, dù là bác sĩ, nha sĩ hay kỹ sư v.v., hay có lon tướng là đương nhiên có thể là một cấp lãnh đạo chính trị. Điều này sai một cách lỗ mãng, chính trị vừa là một môn với những vấn đề phức tạp riêng của nó lại vừa là tổng hợp của nhiều môn khác, hơn thế nữa lại còn đòi hỏi được ứng dụng vào thực tế xã hội, nghĩa là đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về bối cảnh quốc gia và quốc tế, những vấn đề đang đặt ra hay sắp đặt ra, những thử thách cũng như những hy vọng. Nó khó khăn hơn hẳn mọi môn khác, không những thế nó còn đòi hỏi những đức tính không có trong những môn khác : sự lương thiện, sự dũng cảm và lòng yêu nước. Cho nên một người dù rất thông minh và có bằng cấp đại học rất cao mà không học hỏi rất công phu về chính trị thì cũng vẫn là vô học về mặt chính trị. Chính sự vô học này của các chính quyền quốc gia đã khiến thắng lợi của Đảng cộng sản là điều khó tránh khỏi dù nó chẳng hay ho gì. Cũng chính vì chúng ta thiếu văn hóa chính trị mà chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục tồn tại dù đã thất bại thê thảm trên tất cả mọi phương diện, trong tất cả mọi địa hạt và theo tất cả mọi tiêu chuẩn.
Thảm kịch của dân tộc buộc chúng ta từ nay phải có một thái độ nghiêm chỉnh, nghĩa là phải ý thức rằng nếu không có một trình độ lý luận cao và nhiều năm miệt mài tìm hiểu về khoa học chính trị cũng như về thế giới và đất nước Việt Nam thì phải rất khiêm tốn vì những gì mình nghĩ có mọi triển vọng là sai. Rất tiếc là chúng ta vẫn chưa có sự thận trọng này và cuộc thảo luận chính trị vẫn còn xô bồ, nhốn nháo. Di sản Khổng Giáo trong đó chính trị được coi như một trò chơi giành giật công danh vẫn còn rất nặng. Thế hệ trẻ ngày nay tuy ý thức chính trị đã đổi mới nhiều so với thế hệ cha anh vẫn còn mang khá nặng tâm lý nhân sĩ và vẫn chưa ý thức được một cách rõ rệt rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Hay nếu có thấy được sự cần thiết của tổ chức thì loay hoay thành lập tổ chức để làm lãnh tụ dù chẳng có kinh nghiệm và kiến thức chính trị nào. Một số đông vẫn còn cho rằng kiến thức chính trị chỉ là kinh nghiệm hành động. Đó là lý do chính khiến chúng ta vẫn chưa có được một lực lượng chính trị có tầm vóc, điều kiện bắt buộc để giành thắng lợi cho dân chủ.
Xin kết luận một cách thật vắn tắt : chúng ta đã quá vô lễ với kiến thức chính trị và đất nước, và đã bị trừng phạt vì sự vô lễ này. Hãy biết tôn trọng chính trị và chúng ta sẽ thắng vì bạo quyền này đã kiệt quệ lắm rồi.
Nguyễn Gia Kiểng
(30/4/2018)
Bộ lao động vừa trình lên đề án với nội dung đưa hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020.
Một giảng viên nhận giấy chứng nhận Phó giáo sư trong một buổi lễ được tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội vào ngày 04 tháng 2 năm 2015. AFP photo
Rất nhiều ý kiến, tranh luận về vấn đề này. Có người cho rằng đề án này làm cho Việt Nam tiếp tục chảy máu chất xám. Có người lại nhận định rằng thất nghiệp là do qui trình giáo dục trong nước không đáp ứng được nhu cầu thực tế của phát triển kinh tế xã hội.
Bằng cấp không đi cùng chất lượng
Theo lời ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội trả lời truyền thông trong nước, con số hơn 200 ngàn cử nhân mới ra trường và thạc sĩ thất nghiệp được đề cập là của năm 2016. Bên cạnh đó, một thống kê khác do báo Vnexpress đưa ra, vào tháng 9 năm 2016, cả nước có hơn 200 ngàn người thất nghiệp thuộc nhóm trình độ đại học. Thống kê này còn cho biết thêm đây chính là nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất.
Nhận định về tình trạng những người tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm trong nước, ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc công ty phần mềm Quang Trung đưa ra ý kiến của ông trên vai trò của một nhà tuyển dụng lao động :
Phần lớn các công ty họ tuyển chọn thì họ không đặt ra tiêu chuẩn là cử nhân thạc sĩ, hay các bằng cấp. Quan trọng nhất là họ có khả năng và kỹ năng làm việc, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Như thế, có thể thấy bốn năm đại học và thêm hai năm để có tấm bằng tiến sĩ thì hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ đã vượt qua được cửa ải đầu tiên của các công ty tuyển dụng, đó là bằng cấp. Thế nhưng theo phân tích của ông Chu Tiến Dũng, có thể hiểu, số người này chưa tìm được việc làm vì chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do các công ty trong nước đưa ra. Đó là kỹ năng và khả năng. Ngoại trừ điều kiện tuyển dụng có những yêu cầu cụ thể khác như ông Chu Tiến Dũng nói là "mỗi công ty có tiêu chuẩn khác nhau".
Khuynh hướng tư nhân những năm gần đây phát triển rất mạnh, một năm tăng trưởng khoảng 30%. Cho nên nhu cầu về làm việc ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện làm việc trong các công ty phần mềm thì mỗi một công ty có các tiêu chuẩn cho công việc khác nhau. Tại công ty phần mềm Quang Trung thì có các đòi hỏi cao hơn những nơi khác.
Tuy nhiên có những bạn học ra thì đáp ứng được những nhu cầu đó, nhưng có những bạn thì chưa đáp ứng được yêu cầu như vậy.
Hệ thống giáo dục bất cập
Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nghe Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói chuyện hôm 13/1/2017. AFP photo
Một trong những nguyên nhân dẫn đến người có bằng cấp cử nhân tiến sĩ nhưng vẫn "Chưa đáp ứng được yêu cầu", theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa, đó là vấn đề "muôn thưở mấy chục năm : hệ thống giáo dục không phù hợp với phát triển kinh tế hiện tại".
Chúng tôi biết rất rõ hệ thống các trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học Việt Nam không làm được nhiệm vụ đào tạo con người về mặt chuyên môn tốt nhất. Những lý thuyết dạy trong trường học không có ý nghĩa thực tiễn, trình độc thực hành của sinh viên học sinh rất kém.
Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm, rất nhiều các môn học vô bổ được đưa vào chương trình học đại học, đào tạo tiến sĩ như triết học Marx_Lê, lịch sử Đảng, chủ nghĩa Cộng sản khoa học...
Bên cạnh đó là qui trình tuyển dụng sinh viên đại học khá dễ dàng.
Đại học bây giờ mọc lên như nấm, dẫn đến việc các trường thiếu chỉ tiêu, họ vơ vét tất. Kể cả các trường công lập cũng phải vơ vét sinh viên, dẫn đến các trường dân lập cũng hạ chỉ tiêu. Điều đó dẫn đến chất lượng đại học ở Việt Nam thấp. Chưa kể tâm lý từ xưa đến nay của Việt Nam là vào bao nhiêu cho ra bấy nhiêu.
Không những cử nhân, mà cả bằng cấp tiến sị, thạc sĩ. Giữa năm 2016, Phó Giáo sư Hoàng Văn Cường, Hiệu phó Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với VnExpress :
Nhiều người coi bản luận án là sản phẩm chính của đào tạo tiến sĩ. Trong khi giá trị của quá trình đào tạo không nằm ở bản luận án mà phải ở tri thức và năng lực của người nhận học vị tiến sĩ.
Chia sẻ này của ông Hoàng Văn Cường được nêu ra cùng thời điểm với những thông tin về "lò sản xuất tiến sĩ", một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ.
"Tiến sĩ giấy" là một cách gọi khác do báo chí trong nước dùng để nói về những người mang bằng cấp như thế.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận xét đây cũng chính là một trong những lý do dẫn đến tình trạng cử nhân thạc sĩ không tìm được việc làm :
Toàn những đề án tiến sĩ lạ hoắc, vô lý, không có tác dụng gì trong xã hội cả. Viết như là trẻ con viết.
Họ sẽ làm công việc gì ?
Sinh viên đại học Hà Nội nhận bằng cử nhân trong buổi lễ tốt nghiệp tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội hôm 18/11/2014. AFP photo
Theo đề án xuất khẩu lao động do ông Doãn Mậu Diệp dự tính trình lên Chính phủ lần này tập trung vào "lao động có trình độ kỹ thuật".
Tuy nhiên, nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận định đề án này là "một thất bại".
Đấy là một chuyện bi hài, là một chuyện thất bại về mặt kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam.
Bi hài vì theo ông, họ không thể tìm được việc trên chính đất nước của mình, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì liệu có hy vọng sẽ tìm được việc ở nước ngoài ? Hay đó sẽ là công việc không phù hợp chuyên môn ?
Ngô Minh Uyên, cựu du học sinh Nhật Bản, hiện đang làm công việc phiên dịch và quản lý nhóm thực tập sinh ở đảo Shikoku, Nhật Bản cho biết thực tế về công việc của nhóm người này, được gọi là thực tập sinh kỹ năng, một tên gọi khác Nhật Bản dùng để nói về người xuất khẩu lao động phổ thông.
Nói về đối tượng này, cô cho biết :
Các bạn đó tốt nghiệp đại học ra, rồi có bạn sắp lấy bằng thạc sĩ, những người học rất cao tuy nhiên không có công việc ổn định ở Việt Nam cho nên họ chọn con đường đi tu nghiệp.
Tuy nhiên, theo Ngô Minh Uyên, bên Nhật hiện đang cần IT, cần kỹ thuật rất cao. Tiếng Nhật ít nhất cũng phải là giao tiếp hàng ngày. Và bắt buộc họ phải trải qua những bài kiểm tra gắt gao của công ty tuyển chọn.
Mức lương cao hơn thì dĩ nhiên yêu cầu của họ sẽ cao hơn. Nói thật là những người tốt nghiệp đại học mà không có việc làm ở Việt Nam chưa chắc họ có đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu của người ta.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa cũng không hy vọng về sự nghiệp của số cử nhân thạc sĩ đó ở nước ngoài :
Tôi chắc đa số là làm những việc phổ thông thôi, chứ không phải chuyên môn, hoặc ra nước ngoài người ta phải đào tạo lại.
Chất lượng đầu ra của đại học Việt Nam tạo thành những người có bằng cấp cao nhưng rất khó khăn trong quãng đường kế tiếp là thuyết phục nhà tuyển dụng.
Từ đó, con đường tu nghiệp sinh, hoặc xuất khẩu lao động là con đường những người này phải nghĩ đến. Và hiện nay là đề án mà nhà nước đang tạo ra cho họ.
Không thiếu những ý kiến phản hồi về đề án này vì họ cho rằng chất xám Việt Nam đang tiếp tục tuôn chảy ra nước ngoài một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, sau khi phân tích, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng cần phải xem lại "chất lượng có cao không thì hãy dùng từ là chảy máu chất xám".
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 22/02/2017