Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ong và nhân dân 

Mikhail Zoschenko - Trần Quốc Việt dịch 

Một người lính Hồng Quân đến thăm nông trường tập thể nào đó. Anh mang lọ mật ong hoa làm quà cho bà con.

bucmansat1

Mọi người thích mật ong này đến nỗi nông trường quyết định tự nuôi ong lấy.

Nhưng trong vùng chẳng ai nuôi ong, vì thế các nông dân tập thể phải bắt đầu làm tất cả mọi thứ từ đầu - từ việc làm tổ ong đến đưa ong từ rừng vào các căn hộ mới của họ.

Khi họ thấy tất cả chuyện này mất quá nhiều thời gian công sức họ đâm ra chán nản. "Công việc này chẳng biết bao giờ mới xong", họ nói. "Mà dù đến lúc chúng ta làm xong mọi việc rồi thì mùa đông lại đến, và đến năm sau chúng ta may ra mới thấy mật ong. Nhưng chúng ta cần mật ong ngay bây giờ".

Nhưng có một nông dân tháo vát, Ivan Panfilich nào đó, một người già bảy mươi hai tuổi. Vào thời trai trẻ ông từng nuôi ong.

Nghe vậy ông nói, "Nếu năm này chúng ta muốn uống trà với mật ong, thì chúng ta phải đi đến tận nơi người ta nuôi ong để mua những con ong chúng ta mơ ước".

Các nông dân nói, "Nông trường ta rất giàu có. Tiền bạc chẳng thành vấn đề. Chúng ta hãy mua ong đang độ sung sức nhất, ong đã ở sẵn trong tổ rồi ấy. Vì nếu chúng ta đi đưa ong rừng về biết đâu chúng ta gặp phải loại ong chẳng ra gì. Biết đâu chúng bắt đầu tạo ra loại mật quá tệ như mật ong cây chanh. Nhưng chúng ta muốn mật ong hoa".

Thế là họ trao tiền cho Ivan Panfilich và phái ông đi đến thành phố Tambov.

Ông đến Tambov, và người ở đấy bảo ông, "Ông may mắn đến đây thật đúng lúc. Chúng tôi vừa tái định cư ba làng lên vùng Viễn Đông nên còn một trại nuôi ong dư phải bỏ lại. Chúng tôi coi như cho không ông trại này vậy. Nhưng vấn đề là chúng tôi không biết làm sao ông vận chuyển những con ong này ? Như người ta nói mua hàng này chẳng khác gì mua vịt trời vì chúng có cánh. Hở chút là chúng bay tứ tán. Chúng tôi chỉ sợ khi về đến nơi thì ông chẳng còn gì trên tay ngoại trừ các tổ ong và trứng".

Panfilich đáp, "Cách gì tôi cũng phải mang chúng về cho được. Tôi biết ong mà. Đã gắn bó với ong suốt cả đời mình".

Ông đưa mười sáu tổ ong ra nhà ga trên hai chiếc xe thồ. Ở nhà ga ông khó nhọc lắm mới kiếm được một toa trần. Ông đặt các tổ ong trên toa rồi lấy vải dầu che chúng lại.

Một lát sau tàu hàng bắt đầu chạy và toa của chúng ta chuyển bánh theo.

Panfilich đứng trang nghiêm trên toa và nói với ong : "Các bạn bé nhỏ ơi, mọi sự đều tốt cả", ông nói. "Chúng ta sẽ đi đến nơi bình an ! Các bạn hãy chịu khó ở trong bóng tối một thời gian ngắn rồi khi chúng ta đến nơi tôi sẽ thả các bạn ra với hoa. Và tôi nghĩ ở đấy các bạn sẽ tìm thấy thứ các bạn muốn. Nhưng dù các bạn làm gì chăng nữa xin cũng đừng giận tôi đã đưa bạn đi trong bóng tối như thế này. Tôi cố ý che kín các bạn lại bằng vải dầu để không ai khờ dại đến mức bay ra ngoài lúc tàu đang chạy. Biết đâu chuyện gì đó xảy ra và bạn không thể nào trở lại tàu".

Tàu chạy một ngày. Rồi thêm một ngày nữa.

Đến ngày thứ ba Panfilich chợt hơi lo lắng. Tàu chạy chậm. Ga nào cũng dừng lại. Mà dừng đến hàng giờ đồng hồ. Ông chẳng biết khi nào tàu mới đến nơi.

Ở nhà ga Polya, Panfilich bước xuống tàu và đi tìm người xếp ga. "Thưa ông, ông cho tôi biết chúng tôi dừng ở ga ông lâu không ?"

"Nói thật với ông, tôi cũng không biết". Xếp ga đáp, "Ông chắc có thể ở đây đến chiều".

"Nếu chúng tôi ở đây đến chiều", Panfilich nói, "thì tôi sẽ mở tấm vải dầu ra cho ong của tôi bay vào những cánh đồng của ông ở đây. Nếu không chúng sẽ mệt lả vì chuyến đi này. Cả ba ngày trời này chúng phải ở dưới vải dầu. Chúng đói lắm rồi. Chúng chẳng ăn uống gì, và chúng chẳng thể cho ong con ăn".

"Ông muốn làm gì mặc ông ! Tại sao tôi quan tâm đến những hành khách có cánh của ông ! Không có chúng tôi cũng đã quá bận rồi. Tôi còn phải lo lắng cho bọn ong con của ông nữa hay sao. Thật là ngu ngốc quá đáng… !"

Panfilich quay trở lại sân ga và tháo vải dầu ra.

Thời tiết hôm ấy rất đẹp. Bầu trời trong xanh. Nắng tháng Bảy dễ chịu. Chung quanh là những cánh đồng. Đang độ mùa hoa. Một lùm cây dẻ đang ra hoa.

Panfilich tháo vải dầu ra khỏi toa thì ngay lập tức vô vàn con ong bay túa vào trời xanh.

Ong bay tròn, nhìn quanh, rồi tiến thẳng về các cánh đồng và những khu rừng.

Hành khách xúm lại quanh toa, và Panfilich đứng trên toa để giảng giải cho họ biết sự ích lợi của ong. Nhưng trong lúc ông nói, xếp ga bước ra khỏi nhà ga và ra hiệu cho người lái tàu khởi hành.

Panfilich nói hổn hển "Trời ơi !" lúc ông nhìn thấy những dấu hiệu này. Hốt hoảng vô cùng, ông khẩn cầu với xếp ga, "Thưa ông, xin ông đừng cho tàu chạy ngay, tất cả ong của tôi đều ở ngoài kia !".

Xếp ga đáp, "Thì ông cứ tuýt còi kêu chúng mau trở lại ! Tôi không thể nào bắt tàu chờ lâu hơn ba phút".

Panfilich nói, "Tôi van ông ! Chỉ cần ông để tàu chờ đến mặt trời lặn thôi. Lúc mặt trời lặn ong sẽ trở về tổ. Hay ít ra ông cũng tháo toa xe tôi ra. Chứ tôi không thể nào đi nếu không có ong. Ở đây tôi chỉ còn lại một ngàn con ; còn mười lăm ngàn con đang ở ngoài đồng. Mong ông cố gắng thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của tôi ! Hãy đừng tàn nhẫn trước bi kịch này !".

Xếp ga đáp, "Tôi không trông coi trại nghỉ mát cho ong nhé ! Tôi trông coi đường sắt ! Ong đã bay đi ! Tuyệt ! Rồi tàu kế tiếp đến họ sẽ bảo tôi ruồi đã bay đi ! Hay lũ rận đã nhảy ra khỏi toa giường ngủ ! Chẳng lẽ vì thế tôi phải giữ tàu lại hay sao ? Ông đừng chọc tôi cười !". Nói xong ông lại ra hiệu cho người lái tàu.

Rồi tàu bắt đầu chạy.

Panfilich, mặt trắng bệch, đứng trên toa, hai tay vung ra đầy thất vọng, nhìn mọi phía, tức giận đến run người.

Nhưng tàu vẫn chạy.

Một số ong cũng đã lên được lúc tàu chạy. Nhưng đa số ong vẫn còn ở lại trên các cánh đồng và các lùm cây phía sau.

Chẳng mấy chốc tàu khuất bóng.

Xếp ga trở lại nhà ga và bắt đầu chăm chú làm việc. Ông đang viết gì đấy vào sổ và uống trà với chanh. Bất ngờ ông nghe tiếng ồn ào huyên náo trên sân ga.

Ông mở cửa sổ để xem chuyện gì xảy ra và ông thấy hành khách chờ tàu ở đấy la thất thanh, chạy lảo đảo tán loạn khắp mọi nơi. Xếp ga hỏi, "Chuyện gì vậy ?"

"Ong đã chích ba hành khách ở đây", họ đáp, "Và bây giờ chúng đang tấn công tất cả mọi người. Ong bay đen kín cả bầu trời !"

Rồi xếp ga thấy cả một đám mây ong lớn đen đặc đang bay vòng vòng quanh ga. Tất nhiên, chúng đang tìm lại toa trần của chúng. Nhưng toa chẳng ở đấy. Nó đã không còn nữa. Cho nên ong tấn công người và bất luận những gì khác cản đường.

Xếp ga vừa rời cửa sổ để đi ra sân ga thì một bầy ong điên cuồng bay ào vào qua cửa sổ. Ông chụp cái khăn lớn và bắt đầu vẫy khăn quanh mình để đuổi ong ra khỏi phòng.

Nhưng rõ ràng làm như thế là tự giết mình.

Hai con ong chích vào cổ ông, con thứ ba chích vào tai, còn con thứ tư chích vào trán.

Xếp ga quấn khăn quanh người và nằm trên ghế sofa và bắt đầu thốt ra những tiếng rên rỉ đáng thương. Lát sau viên trợ lý của ông chạy vào và nói, "Ngoài ông ra ong còn chích nhiều người khác. Nhân viên điện tín bị chích vào má, và bây giờ không chịu làm việc".

Nằm trên ghế, xếp ga than, "Đau quá đi ! Chúng ta làm gì đây ?"

Vào lúc này một nhân viên khác chạy vào và nói, "Nhân viên bán vé, tức vợ ông, Klavdia Ivanova, vừa mới bị chích vào mũi. Bây giờ mặt mày trông rất khó coi".

Xếp ga rên rỉ càng to hơn rồi nói, "Chúng ta phải đưa cái toa trần có lão nuôi ong khùng điên ấy trở lại đây ngay lập tức". Ông đứng bật dậy khỏi ghế và chụp lấy điện thoại. Và từ nhà ga kế tiếp họ trả lời : "Được rồi. Chúng tôi sẽ tháo toa ấy ra ngay. Chỉ có điều chúng tôi không có đầu máy để kéo nó về lại chỗ ông".

Xếp ga hét lên, "Chúng tôi sẽ đưa đầu máy đến ! Hãy tháo cái toa ấy ra ngay ! Ong đã chích vợ tôi ! Ga tôi Polya giờ vắng tanh ! Tất cả các hành khách đều trốn hết trong nhà kho ! Ở đây chỉ có ong bay vòng vòng trên trời thôi ! Còn tôi cương quyết không bước chân ra ngoài - mặc kệ cho tàu tông nhau !"

Chẳng bao lâu toa được đưa về đến nơi. Mọi người thở phào khi họ thấy Panfilich đứng trên toa.

Panfilich ra lệnh họ đặt toa chính xác ở chỗ cũ trước đây, và ong khi thấy toa trần liền lập tức bay đến. Nhưng có quá nhiều ong, và chúng vội vã đổ xô trở về chỗ mình đến nỗi gây ra cảnh chen lấn nhau khủng khiếp. Tiếng ong kêu vo vo vang trời khiến chó giật mình cất tiếng tru và bồ câu bay tán loạn vào bầu trời.

Panfilich đứng trên toa nói, "Từ từ, các bạn nhỏ ơi, đừng chen lấn nhau như thế. Thời gian còn nhiều mà ! Nhớ chỗ ai người nấy ngồi nhé !". Mười phút sau yên lặng như tờ. Sau khi tin chắc mọi sự đều sắp xếp đâu vào đó, Panfilich bước xuống toa. Những người ở nhà ga bắt đầu vỗ tay. Panfilich như diễn viên cúi đầu cảm ơn họ rồi nói : "Mọi người hãy lật cổ áo xuống ! Không cần phải che mặt ! Và cũng đừng run sợ, giờ chẳng ai sợ bị chích nữa !".

Nói xong, ông đi gặp xếp ga. Xếp ga, quấn khăn quanh mình, vẫn còn nằm trên ghế thở hổn hển và rên rỉ. Khi Panfilich bước vào ông càng rên to hơn.

Panfilich nói, "Thưa ông, tôi rất lấy làm tiếc ong của tôi đã chích ông. Nhưng lỗi chính là do ông. Ông không thể quá thờ ơ trước mọi sự, dù nhỏ hay lớn. Những con ong không thể nào chịu đựng sự thờ ơ ấy. Ong chích người mà chẳng nghĩ tới nghĩ lui gì hết".

Xếp ga rên càng to hơn, nhưng Panfilich tiếp tục nói, "Ong tuyệt đối không thể nào chịu đựng được thói quan liêu cửa quyền hay vô cảm trước số phận của chúng. Có lẽ ông đã đối xử với ong như cách ông đối xử với nhân dân cho nên ông thấy hậu quả ông phải nhận lấy".

Panfilich liếc nhìn ra ngoài cửa sổ rồi nói tiếp, "Mặt trời đã lặn. Những người bạn đường của tôi cũng đã ở đâu vào đấy rồi. Thôi tôi xin chào từ biệt ông ! Chúng tôi lên đường !"

Xếp ga gật đầu một cách yếu ớt như thể muốn nói, "Đi nhanh cho rồi !". Rồi ông ta nói thì thầm nhỏ nhẹ, "Ông phải chắc chắn đã bắt hết ong chưa ? Nhớ nhìn cho thật kỹ để đừng để sót bất kỳ một con nào ở đây !"

Panfilich nói, "Cho dù còn sót lại hai hay ba con thì chúng cũng có lợi cho ông thôi. Tiếng vo vo của chúng sẽ nhắc ông nhớ chuyện đã xảy ra". Nói xong lời này, ông bước ra khỏi phòng.

Vào chiều hôm sau Panfilich tuyệt vời của chúng ta cùng với ong đến nơi. Những nông dân tập thể chơi nhạc đón mừng ông trở về.

(1941)

Mikhail Zoshchenko

Nguyên tác : "Bees and People", bản dịch tiếng Anh của Clarence Brown, trích từ "The Portable Twentieth-Century Russian Reader", nhà xuất bản Penguin Books, 1985, trang 217-222.

Trần Quốc Việt dịch

Mikhail Zoshchenko (1895-1958) là nhà văn châm biếm người Nga nổi tiếng. Vì những truyện ngắn châm biếm chỉ trích kín đáo chế độ Xô Viết, ông bị chính Stalin nêu tên trong một cuộc họp với giới lãnh đạo văn nghệ. Từ đấy ông bị lên án là "chống Xô viết" và bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn Liên Xô cùng một lúc với nhà thơ Anna Akhmatova vào năm 1946. Ông ngừng viết và qua đời trong cảnh đói khổ.

*****************

Một thế giới, hai nền văn minh

Ryszard Kapuscinsk, News Perspectives Quarterly, 28/06/2008

Warsaw - Trong các xã hội lịch sử, tất cả mọi sự đều được quyết định trong quá khứ. Tất cả nghị lực, tình cảm, say mê của họ đều hướng về quá khứ, đều dành cho việc thảo luận lịch sử, cho ý nghĩa lịch sử. Họ sống trong vương quốc của huyền thoại và nòi giống lập quốc. Họ không thể nói về tương lai vì ở họ tương lai không gợi lên niềm say mê như lịch sử. Họ là dân tộc hoàn toàn lịch sử, sinh ra và sống trong lịch sử của những đấu tranh, phân chia và xung đột lớn. Họ giống như người cựu binh già. Tất cả những điều ông ta muốn nói toàn là về những trải nghiệm thử thách lớn lao chất chứa bao tình cảm sâu đậm khiến ông không bao giờ có thể quên được.

bucmansat02

Tất cả những xã hội lịch sử đều sống với gánh nặng làm lu mờ tâm hồn, trí tưởng tượng của họ. Họ phải sống đắm mình trong lịch sử ; nhờ lịch sử họ thể hiện mình. Nếu họ mất lịch sử, họ mất bản sắc của họ. Lúc đó họ sẽ không chỉ vô danh. Họ sẽ không còn tồn tại. Quên lịch sử là quên chính mình- một sự bất khả về sinh học và tâm lý. Lịch sử là vấn đề sinh tồn.

Tuy nhiên, để tạo ra giá trị mới, xã hội cần phải có tâm hồn trong sáng để cho phép xã hội sẽ tập trung vào làm điều gì đấy nhắm vào tương lai. Đây là bi kịch các xã hội lịch sử đang mắc phải.

Mỹ, ngược lại, là một quốc gia may mắn. Mỹ không có vấn đề với lịch sử. Tinh thần Mỹ là mở rộng vào tương lai. Là xã hội trẻ, Mỹ có thể đầy sáng tạo khi không có gánh nặng lịch sử đè nó xuống, giữ chặt chân nó, trói chặt tay nó lại.

Nguy cơ đối với Mỹ, và nguy cơ đối với cả thế giới, là rằng sự phát triển của Mỹ rất năng động và sáng tạo đến mức Mỹ sẽ là một thế giới hoàn toàn khác trên cùng hành tinh này. Mỗi ngày, Mỹ đang tạo ra càng lúc càng nhiều những yếu tố của nền văn minh hoàn toàn mới, càng ngày càng tách xa nền văn minh của thế giới còn lại. Khoảng cách này không chỉ là vấn đề của cải và kỹ thuật, mà còn là vấn đề tinh thần.

Địa vị cùng sự ngự trị của nước Mỹ năng động và sự tê liệt của các xã hội lịch sử - đây là vấn đề lớn cho tương lai của nhân loại. Khác với viễn cảnh tất cả chúng ta đều tưởng cách đây 20 năm, thế giới hiện không hội tụ, mà tản mác ra như những thiên hà.

Khi tôi lần đầu tiên đến Châu Phi cách đây 30 năm, tôi có thể bắt gặp nền nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và y học cũng hơi hiện đại. Ít nhiều cũng tương tự như Châu Âu sau khi bị chiến tranh tàn phá.

Ngày nay, ngay cả những gì còn sót lại từ chủ nghĩa thực dân ở Châu Phi cũng hư hỏng dần đi. Chẳng có cái gì mới được xây dựng nên. Trong khi ấy, Mỹ đang tiến vào không gian mạng.

Sau Thế chiến thứ Hai, tại các nước Thế giới thứ Ba đã có sự giác ngộ ý thức lớn lao. Đặc biệt đối với Châu Phi và Châu Á, chiến tranh đã chứng minh rằng các mẫu quốc, như Anh hay Pháp, có thể bị đánh bại. Các trung tâm quyền lực trên thế giới cũng chuyển từ Đức, Nhật và từ các đế quốc Pháp và Anh sang Hoa Kỳ và Liên Xô – những nước vốn không phải là các cường quốc thực dân truyền thống. Những biến chuyển này đã thuyết phục những người trẻ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc tại các nước Thế giới thứ Ba rằng họ có thể giành được độc lập.

Cuộc đấu tranh giành độc lập có ba giai đoạn. Đầu tiên là các phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt tại các nước Châu Á rộng lớn nhất. Ấn Độ đạt được độc lập năm 1947 và Trung Quốc năm 1949. Thời kỳ này chấm dứt bằng Hội nghị Bandung năm 1955, tại đây triết học chính trị đầu tiên của Thế giới thứ Ba, tức phi liên kết, đã ra đời. Triết học này được các nhân vật đầy màu sắc của thập niên 1950 cổ vũ – Nehru của Ấn Độ, Nasser của Ai Cập, Sukarno của Indonesia.

Đặc trưng cho giai đoạn thứ hai, trong thập niên 1960, là niềm lạc quan mãnh liệt. Chính trong thời kỳ này, phong trào giải phóng thuộc địa lan nhanh nhờ lấy triết học phi liên kết làm kim chỉ nam. Năm 1964, 14 nước Châu Phi giành được độc lập.

Đến giai đoạn thứ ba, khởi đầu vào thập niên 1970, niềm lạc quan mãnh liệt ấy vốn đi cùng với sự khai sinh của các quốc gia bắt đầu tiêu tan. Niềm tin rằng độc lập dân tộc tất nhiên có nghĩa là độc lập kinh tế và độc lập văn hóa đã chứng tỏ là một khái niệm ảo tưởng và hoàn toàn không thực tế.

Giai đoạn thứ tư được khai màn bởi cuộc cách mạng Iran năm 1979, ra đời như là phản ứng đối với những nỗ lực phát triển đầy lạc quan. Bản chất kỹ thuật của các giá trị hiện đại và các kế hoạch công nghiệp trong thời kỳ đầy lạc quan ấy đã bỏ qua khía cạnh cực kỳ quan trọng của các xã hội lịch sử, tức các giá trị truyền thống về đạo đức và tôn giáo. Các xã hội lịch sử truyền thống không chấp nhận lối sống mới này vì họ cảm thấy lối sống ấy đe dọa đến phần cơ bản nhất trong bản sắc của họ.

Chẳng hạn, du nhập nhanh chóng kỹ thuật vào Iran lại bị những người Iran coi đó là một sự lăng nhục đối với một dân tộc có văn hóa truyền thống lâu đời. Vì họ không thể học kỹ thuật nên họ cảm thấy xấu hổ. Sự lăng nhục này gây ra phản ứng rất dữ dội. Người dân Iran gần như phá hủy các nhà máy đường do các chuyên gia người Âu xây dựng bởi vì họ cảm thấy rất phẫn nộ. Vì du nhập từ bên ngoài, họ cảm thấy kỹ thuật được cài vào để thống trị họ. Thay đổi diễn ra quá nhanh nên họ không thể nào chấp nhận được thay đổi.

Đông đảo quần chúng Iran đi theo giáo chủ Ayatollah Khomeini nhận thấy rằng những kế hoạch kinh tế hoành tráng của Shah và các cố vấn tây hóa của ông không đủ để đưa họ lên đến cõi trên, hay lên đến thiên đường. Vì thể họ lại càng nhấn mạnh nhiều vào các giá trị cũ hơn. Người dân núp đằng sau các giá trị cũ này để bảo vệ mình. Những truyền thống cũ và tôn giáo cũ là nơi trú ẩn an toàn duy nhất bày sẵn cho họ.

Hôm nay chúng ta thấy phản ứng diễn ra trên khắp thế giới Hồi giáo thể hiện qua các phong trào tôn giáo và cảm tính chỉ mới là sự khởi đầu. Cuộc cách mạng Iran đã mở ra một thời kỳ mới trong các nước Thế giới thứ Ba – thời kỳ giải phóng thuộc địa về văn hoá. Nhưng cuộc phản cách mạng này không thể thành công. Bởi lẽ nó không sáng tạo mà chỉ chống đỡ. Nó vẫn còn định hình bởi những gì nó kháng cự. Tất yếu nó sẽ dẫn đến sự tê liệt. Trong khi ấy, Mỹ đang di chuyển ở tốc độ ánh sáng tương đối.

Không có gì sẽ thay đổi trừ phi các xã hội lịch sử học để sáng tạo, học để tạo ra cuộc cách mạng tinh thần, cách mạng thái độ, cách mạng tổ chức. Nếu họ không hủy diệt lịch sử, thì lịch sử nhất định hủy diệt họ.

Ryszard Kapuscinski

Nguyên tác : "One World, Two Civilizations", News Perspectives Quarterly, 28/06/2008.

Trần Quốc Việt dịch

Ryszard Kapuscinski (1932-2007) là nhà báo Ba Lan nổi tiếng toàn cầu. Trước khi CNN ra đời, ông đã đến tận những nơi heo hút của Thế giới thứ Ba để cảm nghiệm và ghi chép. Từ đấy một loạt tác phẩm nổi tiếng ra đời như Shah of Shahs, Imperium, hay The Soccer War.

***********************

Hai truyện ngụ ngôn

Osama Alomar, Dissent, số mùa Thu 2014

bucmansat3

Osama Alomar là nhà văn và nhà thơ người Syria. Chợ Damascus (Charles Roffey / Flickr)

Vô giá

Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng tôi được đưa đến nơi tôi có thể thấy Tự Do. Nàng được trưng bày trong viện bảo tàng có hàng rào thép gai bao quanh và hàng ngàn người trang bị vũ khí đầy mình canh gác. Nàng trông buồn thảm và suy sụp. Khi tôi hỏi một người lính gác tại sao nàng ở đấy, ông nắm tay tôi lôi đi rồi nói thầm vào tai tôi : "Nàng là vô giá !".

Niềm kiêu hãnh của rác

Khi người chủ nhà nhặt bao rác và mang nó ra ngoài đường để ném vào thùng chứa rác, bao rác rất sợ hãi rằng mình sẽ bị đặt bên cạnh những bạn đường của mình. Nhưng khi ông đặt nó lên trên tất cả những bao rác khác, nó chợt trở nên mê say sự vĩ đại của mình và nhìn chúng với vẻ khinh thường.

Osama Alomar

Nguyên tác : "Six Fables", Tạp chí Dissent số mùa Thu 2014, trang 57 & 58

Trần Quốc Việt dịch

Published in Diễn đàn