Gần đây, cái trò may rủi nhờ bốc thăm đã không chỉ tồn tại trong các Công ty Xổ sổ kiến thiết hoặc vài trò "Vui chơi có thưởng’ vẫn thỉnh thoảng thấy bên vỉa hè Hà Nội, chốn công viên hoặc vài anh "tôm cua, bầu cá" trên các bến xe.
Những trò may rủi đó đã được sử dụng trong các hoạt động công quyền và dần dần trở thành "mốt" và được coi như một sáng kiến và thậm chí còn được đề nghị nhân rộng trong đời sống xã hội.
Những chuyện tưởng như đùa
Không nói đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, thành phố này đã xứng đáng là tiên phong, dẫn đầu cả nước bằng việc đưa những trò may rủi vào hoạt động công quyền.
Phụ huynh nhận được phiếu "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường". Ảnh : Duy Anh.
Rút thăm nhập trường
Mấy hôm nay, hàng loạt báo chí đã đề cập đến vụ việc học sinh không có trường để học, và cha mẹ đã phải đến để bốc thăm" mà hy vọng con mình được vào học trường Mầm Non.
Hai trang thông tin tại Việt Nam được coi là lớn nhất, quan trọng nhất đưa tin như sau :
Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan báo chí được coi là "Chính thống" của Việt Nam ngày 27/08/2022 đưa tin : "Hôm nay, Ủy ban Nhân dân phường Hoàng Liệt đã tổ chức buổi bốc thăm đầu tiên cho hàng trăm phụ huynh có con ba tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xét tuyển vào trường năm học 2022-2023. Ngày mai, phường sẽ tổ chức bốc thăm cho học sinh mầm non bốn tuổi đăng ký mới vào trường.
Theo cô hiệu trưởng, năm học này, trường có 459 chỉ tiêu cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi nhưng đã nhận được số hồ sơ đăng ký gần gấp đôi với 939 hồ sơ nê không thể đáp ứng".
Trang mạng Đảng cộng sản Việt Nam, thì thông tin được ghi như sau : "Hàng trăm phụ huynh ở Hà Nội đi bốc thăm tranh suất học mầm non". Bài viết cho biết : "Theo thông tin được biết, để có tiêu chuẩn vào trường mầm non, các phụ huynh đã được phát phiếu mời dự bốc thăm. Phụ huynh khi đến bốc thăm phải mang theo giấy mời, chứng minh thư nhân dân.
Phụ huynh sẽ lấy phiếu hai vòng. Phiếu vòng một là phiếu in số thứ tự từ 1 cho đến hết số học sinh và có đóng dấu treo của Trường Mầm non Hoàng Liệt.
Phiếu vòng hai có hai loại phiếu, có đóng dấu treo của nhà trường. Phiếu trúng tuyển với dòng chữ : "Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường" và phiếu không trúng tuyển ghi : "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường".
Cả hai tờ báo đều đưa tin sự việc một cách ráo hoảnh, vô cảm và coi như đó là chuyện bình thường, như là chuyện tốt đẹp trong xã hội mà không đưa ra bất cứ một phương án, ý kiến nào với sự kiện này.
Điều đó có nghĩa là : Việc được vào học ở trường mầm non của các bé, phụ thuộc vào sự may rủi của việc bốc thăm. Với những đứa bé gặp trường hợp "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường" thì có nghĩa là bé không được vào trường, không được đi học.
Các vụ, đơn vị tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên
Rút thăm xác minh kê khai tài sản
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo đó, Hà Nội sẽ bốc thăm chọn người để kiểm tra tính trung thực của cán bộ trong kê khai tài sản cá nhân. Quy định tỉ lệ người được xác minh tại mỗi đơn vị tối thiểu là 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Và như vậy, trò chơi xổ số lại tiếp tục được sử dụng trong việc thực hiện công vụ của thanh tra.
Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội, đã cho biết rằng : "Kế hoạch cũng nhằm xác minh tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh tài sản, thu nhập ; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm ; xác minh thực tế tài sản, thu nhập của người được xác minh ; khi cần thiết kiểm tra, xác minh các nội dung khác có liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập". – Nghĩa là đến nay, hầu hết các bản khai thu nhập, kê khai tài sản cá nhân của cán bộ, đảng viên đều được đặt trong diện nghi ngờ tính trung thực và cần kiểm tra. Có điều là diện kiểm tra lớn quá, nhiều quá nên không thể làm hết và đành phó mặc cho trò máy rủi mà thôi.
Đến khi đó, người ta mới giật mình thấy rằng : À,thì ra, việc các cán bộ, đảng viên có sự trung thực, thật thà đã là chuyện hiếm, dù đó là trước cơ quan công quyền, cơ quan đảng, họ đã giơ tay thề thốt sự trung thành, sự tận tụy hoặc đủ loại lời thề nguyền cam kết khác nhau từ khi bước chân vào nhà nước, vào đảng đến nay.
Và trong số cán bộ hiện nay, cái gọi là lòng tin của cơ quan công quyền vào họ hầu như đã không còn, trong khi nhu cầu kiểm tra thì quá lớn mà không thể đáp ứng được. Do vậy, Hà Nội chơi trò may rủi này.
Hy vọng gì trước những trò may rủi ?
Người ta đặt câu hỏi rằng : Liệu việc Hà Nội tổ chức bốc thăm cho các cháu vào học trường mầm non có là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết tình trạng hiện nay về giáo dục ?
Cái lý do rằng nhà trường chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu giáo dục về cơ sở vật chất, còn lại thì… dân tự lo, có phải là cách để các cơ quan chính quyền được phép vô cảm và coi như chuyện của người khác ?
Vậy cái khẩu hiệu "Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" mà người cộng sản lấy làm mục đích, làm phương tiện để tuyên truyền gần một thế kỷ qua nhằm lôi kéo người dân đi theo đảng, nay đảng vứt đi đâu ?
Và cái nhà nước này vứt đi đâu cái quyền trẻ em được đi học, được giáo dục ghi hẳn hoi trong Điều 16 Luật trẻ em 2016 như sau :
"1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.
2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục ; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh".
Ngay từ 02/09/1945, Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước học sinh cả nước rằng : "từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ…".
Thế mà, gần 80 năm sau lời hứa đó - nghĩa là bằng khoảng thời gian đất nước Việt Nam chịu sự nô lệ của Pháp - thì sự khác hẳn và đặc trưng của "nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" phải chăng là ở chỗ được bốc thăm, để rồi "Rất tiếc" ?
Và số phận của những con người với chiếc vé "Rất tiếc", thì cuộc đời của các em lớn lên với sự "rất tiếc" đến bao giờ và sẽ kết thúc ra sao ?
Thông tin về việc UBND Thành phố Hà Nội quyết định bốc thăm xác định người cần kê khai tài sản cá nhân được đưa ra đã làm dư luận hết sức ngạc nhiên và phản ứng. Rằng thì là tại sao hoạt động của cơ quan công quyền không có kế hoạch, không có tiêu chí, đối tượng cụ thể lại đem ra chơi như chơi xổ số vậy ?
Nếu như những kẻ tham nhũng lớn nhất, lại nằm trong số 90% còn lại và nằm trong diện "Rất tiếc" thì sao ?
Vậy những kẻ dối trá khi kê khai tài sản do tham nhũng, mà không bị thanh tra thì sao ? Vậy những lời hò hét : "Không để lọt tham nhũng, phải quyết liệt, kiên quyết… với tham nhũng" thì vứt đi đâu ?
Chuyện hài muôn thuở
Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên, những chuyện phó mặc cho may rủi trong hoạt động công quyền được áp dụng. Qua đó, số mệnh người dân, sự thành bại của họ cũng được phó mặc cho sự may rủi của số phận mà thôi.
Tuy nhiên, điều ai cũng hiểu rằng đằng sau những sự "May rủi" của những cuộc bốc thăm, thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Ai cũng biết việc bốc thăm, phó mặc cho sự may rủi không phải từ bây giờ mà đã được sử dụng từ rất lâu. Chẳng hạn :
Từ lâu, việc cấp biển số xe máy, xe hơi… được Bộ Công an tuyên bố là tiến hành bốc thăm, quay số ngẫu nhiên. Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ là những biển số đẹp được nhiều người ưa chuộng, có giá hàng chục triệu, thậm chí đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng… đều ngẫu nhiên rơi vào xe quan chức, của các đại gia. Họa hoằn có thường dân nào trúng biển số đẹp, thì được báo chí coi như đó là chuyện lạ ! Và người ta biết đó chỉ là sự sơ suất của bên bộ phận công an cấp biển số mà thôi.
Ở Việt Nam, từ sau 1945, trẻ em được "Hưởng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam", ở đó, có rất nhiều hiện tượng "Rất tiếc". Còn con cái quan chức cộng sản, đều được đua nhau đến các nước tư bản để "chịu nhận một nền học vấn nô lệ". Điển hình hầu hết con quan chức, từ Ủy viên Bộ Chính trị đến ủy viên Trung ương, đều gửi con sang các nước "tư bản giãy chết" để học hành.
Ví dụ, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, phải bắt đom đóm để học bài. Nhưng mới đây con gái là Vương Hà My, vừa nhận bằng Cử nhân, khoa Kinh tế, trường Oberlin College, ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ với học phí mỗi năm khoảng 60.000 đola.
Ở Việt Nam, quan chức được tổ chức bốc thăm, để xác định sự trong sạch qua việc lựa chọn cán bộ để Thanh tra thành phố tiến hành xác minh tài sản, thu nhập và con số đã kê khai. Thế nhưng, theo lệnh đảng, thì "Kê khai, nhưng không công khai" – nghĩa là những con số, những kết quả thanh tra, kiểm tra, chỉ là để "Xử lý nội bộ" chứ ai lại "vạch áo cho người xem lưng".
Để rồi đảng và nhà nước liên tục đưa ra những thông tin như sau :
Ngày 16/04/2021, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng. Theo báo cáo, trong 12 năm qua, từ năm 2009 đến tháng 6/2020, qua tự kiểm tra nội bộ, chưa phát hiện và xử lý trường hợp tham nhũng nào.
Và mới đây, ngày 23/06/2022 UBND Thành phố Hà Nội vừa có báo cho biết, qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào tại đơn vị có liên quan đến tham nhũng.
Thế nhưng, cả hai Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và đám bộ sậu đều đã vào tù vì… tham nhũng trong thời gian đó.
Số phận dân tộc này chỉ là sự may rủi mà thôi.
Tạm kết
Sự may rủi, được hiểu là sự tùy thuộc vào một sự ngẫu nhiên nào đó không chắc chắn. Trong cuộc sống, có muôn vàn sự việc, lĩnh vực mà con người buộc phải phụ thuộc vào sự may rủi của số phận, của điều kiện cá nhân.
Một xã hội, một đất nước, nếu chỉ phụ thuộc may rủi, không có những nguyên tắc, định hướng nhất định, thì xã hội đó đầy rẫy những sự bấp bênh, hết sức nguy hiểm mà không có nhiều cơ hội để xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Nhưng, điều đó là chuyện bình thường tại Việt Nam.
Bởi đã gần một thế kỷ nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã hô hào cả dân tộc Việt Nam đổ hết máu xương, tài nguyên để "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Thế nhưng đến nay, ngay cả Tổng bí thư đảng vẫn cứ mơ hồ : "Chủ nghĩa xã hội như thế nào, con đường đi ra sao thì dần dần sẽ được sáng tỏ". Còn Nguyễn Phú Trọng thì tuyên bố chắc nịch : Đến cuối thế kỷ này, vẫn đừng hòng thấy mặt ngang mũi dọc cái chủ nghĩa xã hội ra sao.
Nghĩa là vẫn lại đang phó thác vào sự may rủi. Và cả đất nước, cả dân tộc cứ đi, cứ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc. Còn khi đến đó, thì số phận dân tộc này lại là "trong nhờ, đục chịu".
Bởi cũng chỉ là sự may rủi mà thôi.
Có điều, cái may thì chưa hề nhìn thấy, nhưng cái rủi thì đã nhãn tiền. Đó là những "thành quả" hay hậu quả từ sự lãnh đạo của đảng, đưa đất nước đến bờ vực thẳm của suy đồi và tụt hậu, nghèo đói và khánh kiệt như hôm nay.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 30/08/2022