Cuộc gặp Vladimir Putin và Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải - OCS 2022 tuần trước, đã làm lu mờ một trật tự mới tại Trung Á với tâm điểm là Bắc Kinh. Vì chiến tranh Ukraine, kinh tế Nga lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, trong lúc nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ lo tìm điểm tựa để được bảo đảm "toàn vẹn lãnh thổ".
Ngoại trưởng Uzbekistan và các lãnh đạo tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Samarkand, Uzbekistan, 16/09/2022. AP
Đây là cơ hội để Bắc Kinh lấn sang sân chơi của Nga, dùng lá bài đầu tư và kinh tế để lôi kéo các nước Trung Á về phía mình ?
Uzbekistan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cuối tuần qua, đã ký một loạt hợp đồng đầu tư, nhân là bên tổ chức thượng đỉnh OCS tại Samarkand : 16 tỷ đô la với Trung Quốc và khoảng 5 tỷ với Nga. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy ảnh hưởng của Moskva, ít ra là về kinh tế và thương mại, bị thu hẹp lại ngay trong vùng vốn là "sân nhà" của Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay.
Putin trong thế yếu
Ngoài báo chí Nga, các phương tiện truyền thông quốc tế gần như im lặng về thông báo của tổng thống Vladimir Putin tại Uzbekistan cấp viện trợ phân bón cho các nước kém phát triển.
Về phía chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không sang Luân Đôn dự tang lễ nữ hoàng Anh, không sang New York phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc mà đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Kazakhstan, quốc gia có trọng lượng nhất tại Trung Á, và sau đó là để dự thượng đỉnh OCS tại Samarkand, Uzbekistan.
Cũng tại Samarkand Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải vừa chính thức kết nạp thêm một thành viên mới là Iran, một quốc gia thù nghịch với Washington và tương tự như Moskva, Tehran cũng đang ngạt thở vì lệnh cấm vận của Châu Âu và Hoa Kỳ.
Kết thúc hai ngày họp tại Uzbekistan, giới quan sát đồng loạt đưa ra hai nhận định. Thứ nhất là ông Putin đã bắt tay ông Tập khi đang trong thế yếu trên mọi mặt. Về kinh tế, Nga bị phương Tây trừng phạt, đã trông đợi nhiều vào Trung Quốc. Về quân sự : Ukraine không đầu hàng và chiến dịch quân sự thần tốc như điện Kremlin mong đợi đã kéo dài hơn nửa năm mà chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Tệ hơn nữa, Kiev đang mở chiến dịch phản công, giải phóng nhiều thành phố Ukraine. Giới quân sự nói đến một bước ngoặt trong chiến tranh của Ukraine và thậm chí là một "thất bại" đau đớn cho quân đội Nga. Về ngoại giao, chiến dịch đặc biệt của ông Putin tại Ukraine đang khiến nhiều đối tác của Moskva trong khu vực Trung Á lo ngại với câu hỏi sau Ukraine, đến lượt quốc gia nào trong khối Liên Xô cũ sẽ là nạn nhân của điện Kremlin ?
Nhận xét thứ nhì mà các nhà phân tích phương Tây đồng loạt đưa ra, đó là trọng tâm của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, mà 4 sáng lập viên từng thuộc khối Liên Xô - vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của Moskva, đang nghiêng thêm nữa về phía Trung Quốc. Đồng thời Nga đã không lôi kéo được thêm các đồng minh trong khối ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" như từ ngữ mà điện Kremlin sử dụng để biện minh cho cuộc xâm chiếm Ukraine. Ngay cả tình bạn "vững như bàn thạch" hay "vô bờ bến" giữa hai lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình cũng đã không được như Moskva mong đợi Trên đài truyền hình Pháp France 5, giáo sư địa chính trị trường Sciences Po, Paris Frédéric Encel giải thích :
Frédéric Encel : "Trung Quốc mua dầu hỏa của Nga, nhưng với giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường và một lần nữa giữa hai quốc gia này hoàn toàn không là đồng minh của lẫn nhau. Hai chữ đồng minh ở đây, hiểu theo đúng nghĩa của khoa địa chính trị. Ông Putin cố tình chứng minh rằng Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải là một khối với một mục đích chung là chống lại phương Tây. (...) nhưng trong khối này, Nga yếu thế hơn Trung Quốc : GDP của Trung Quốc lớn gấp 10 so với Nga. Cũng đừng quên rằng, một số thành viên OCS từ lâu nay đã mở kênh đối thoại với Hoa Kỳ. Ấn Độ chẳng hạn đã ký với Mỹ một thỏa thuận về hạt nhân quân sự năm 2005. Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải không là một khối đồng lòng vì nước Nga".
OCS không là công cụ trong tay Nga
Trên đài truyền hình Pháp - Đức Arte, chuyên gia kinh tế, Françoise Nicolas, giám đốc đặc trách về Châu Á Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI thì nhấn mạnh đến những tính toán thận trọng của Trung Quốc trong việc "giúp đỡ" Nga :
Françoise Nicolas : "Có khác biệt lớn giữa lời nói và việc làm : Về mặt chính thức Trung Quốc giữ thế trung lập nhưng thực ra thì Bắc Kinh lại ủng hộ Nga trên phương diện chính trị qua tuyên bố của các lãnh đạo Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc đã không đi xa hơn những tuyên bố này, có nghĩa là sử dụng lại những ngôn từ của điện Kremlin để biện minh cho việc Nga đem quân xâm chiếm Ukraine, nhưng tránh yểm trợ Nga về mặt quân sự hay lộ liễu giúp đỡ tài chính. Ngoài việc mua dầu khí của Nga, Trung Quốc không giúp đỡ gì nhiều cho Moskva cả. Bắc Kinh không dại gì để bị lãnh đòn trừng phạt phương Tây ban hành".
Địa chính trị và kinh tế càng lúc càng gắn liền với nhau, theo tầm nhìn của Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, Bắc Kinh càng lúc càng "khó chịu" về chiến tranh Ukraine, bởi lẽ kinh tế Trung Quốc đang phải trả giá cho tính toán đầy mạo hiểm đó của ông Vladimir Putin.
Valérie Niquet : "Trung Quốc sẽ hài lòng nếu như Nga nhanh chóng giành được thắng lợi tại Ukraine bởi vì điều đó sẽ chứng minh cho thế thượng phong của một mô hình chế độ không như của phương Tây. Kịch bản đó đã không xảy ra, mọi việc không tiến triển như mong đợi. Giờ đây chiến dịch quân sự của Nga là một gánh nặng và gánh nặng đó bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Mọi người nói nhiều đến việc Trung Quốc lợi dụng thời điểm này để mua vào dầu hỏa của Nga, nhưng đừng quên rằng, Nga chỉ chiếm có 10% thị trường năng lượng Trung Quốc, 90% còn lại, Trung Quốc vẫn có các nguồn cung ứng khác. Bên cạnh đó, chiến tranh Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, tác động trực tiếp đến các nhà máy công nghiệp của Trung Quốc. Hơn nữa, chiến tranh Ukraine kiềm hãm thương mại thế giới. Nga bị trừng phạt nên nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã thận trọng chờ xem tình hình tiến triển ra sao và nhất là không muốn vì vẫn giao tiếp với Nga để rồi bị Washington xếp vào sổ đen. Trong tầm nhìn của Trung Quốc, thuần túy về mậu dịch, thị trường quan trọng nhất là Mỹ chứ không phải là Nga".
Nếu như Trung Quốc bực mình vì Nga đã đi sai một nước cờ trên hồ sơ Ukraine để các nước "bạn" của Moskva bị vạ lây, trong chiều ngược lại, ở hậu trường, phía Nga cũng đang thất vọng không kém về ông Tập Cận Bình : Trung Quốc chỉ "bảo đảm những dịch vụ tối thiểu (...)". Một tờ báo Ấn Độ tiết lộ, tại Uzbekistan vừa qua, tổng thống Vladimir Putin khi nói về Trung Quốc đã thốt lên rằng "những người bạn của nước Nga là những nhà đàm phán đáng gờm". Giới doanh nhân thân cận với điện Kremlin cũng đã thất vọng không kém.
Valérie Niquet : "Qua các cuộc họp thường xuyên, câu lạc bộ Valdai quy tụ các doanh nhân, các nhà đầu tư thân cận với tổng thống Putin, đã bắt đầu bực mình thấy rằng Trung Quốc không đầu tư nhiều vào Nga. Kim ngạch mậu dịch có tăng mạnh nhưng đã không được như ông Putin mong đợi. Moskva muốn Bắc Kinh hỗ trợ nhiều hơn nữa, cả về tài chính. Nhưng điều đó hoàn toàn không diễn ra".
Giáo sư Frédéric Encel đã lưu ý Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải không là "một liên minh" quân sự như NATO, các thành viên chính chức và các quan sát viên của câu lạc bộ này "đối thoại với nhau" đặc biệt là trên vấn đề kinh tế, chia sẻ một số quan điểm về ngoại giao nhưng dứt khoán OCS không phải là một "khối".
Đó là chưa kể hầu hết mỗi quốc gia trong số này đều đang có tranh chấp lãnh thổ với những thành viên khác. Tiêu biểu nhất là xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, hay giao tranh giữa Kirghizistan-Tadjikistan đã nổ ra, ngay vào lúc tổng thống hai nước cùng đang tham dự thượng đỉnh Samarkand cùng với các ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin.
Lá chủ bài về địa chính trị và địa kinh tế
Báo Nhật Bản The Diplomat ngày 15/09/2022 nêu lên câu hỏi, "thấy gì từ chuyến công du Trung Á của ông Tập Cận Bình, về quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực này ?". Hai đồng tác giả, Brian Wong và Iskander Akylbayev, trả lời :
Trung Quốc từ lâu nay đã chiếu cố Trung Á, mắt xích không thể thiếu trên con đường "Tây tiến" của kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường. Trung Á là một lá chủ bài cả về địa chính trị lẫn địa kinh tế. Ở vào thời điểm này, Bắc Kinh cần trấn an các đối tác trong khu vực vào lúc đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài không còn được "rộng rãi" như xưa, cùng lúc thì nhiều đối tác đã nhận đầu tư của Trung Quốc, như Sri Lanka chẳng hạn, đang rơi vào bẫy nợ.
Về phía các nước Trung Á, hai tác giả bài viết trên tờ The Diplomat ghi nhận : trước đây các nước trong vùng dựa vào Nga về an ninh, quân sự nhưng trông đợi vào Trung Quốc để phát triển kinh tế.
Chiến tranh Ukraine đã làm lung lay nguyên tắc đó : nhiều nước lo sợ khi ủy thác an ninh của chính mình cho "ông anh cả" Putin.
Riêng ông Tập Cận Bình như đã thấy rõ mối lo ngại đó của các đối tác Trung Á, chẳng vậy mà tại Samarkand lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh đến nguyên tắc "tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ" của các thành viên.
Ngoài những tính toán thuần túy kinh tế, Trung Á còn trông thấy những hợp đồng đầu tư với Trung Quốc như những "lá bùa hộ mạng" trước những tính toán chiến lược và chính trị của Nga.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 20/09/2022