Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu đã là tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì đừng giả vờ tự trọng, mà hãy tự trọng thật sự

Biết nơi chốn ấy gió tanh mưa máu, hà cớ vì sao, là người chân chính, hơn nữa là một tu sĩ, ta còn ngồi xuống cùng mâm, nhỡ dính máu thì sao, hay quyết dây máu ăn phần ? Mấy ngàn năm trước, một vị vua đã từ bỏ công danh, Ngài chọn đi tu, cứu nhân độ thế, chỉ có một mình Ngài, chứ không thấy sách vở nói đến việc Ngài phải đàn đúm mới thành chánh quả, kia mà !

phatgiao1

Cận cảnh bức tranh sơn mài "Đạo pháp và dân tộc", hình Hồ Chí Minh được xếp ngang hàng với chân dung Đức Phật gây tranh cãi

Những ngày qua, cộng đồng tăng ni quốc doanh (tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam), cũng như nhiều cây bút (hay) viết về Phật giáo, không tiếc lời chỉ trích (kể cả hằn học) bài trả lời phỏng vấn của ông Tiến sĩ do nhà báo Hoài Thanh thực hiện, đăng trên tờ Zing. Bên cạnh đó, nhiều kênh đấu tố ông Tiến sĩ được lập ra, kêu gọi chính quyền phải xử lý nghiêm ông ta, có cả việc yêu cầu cơ quan nơi ông Tiến sĩ công tác kỷ luật ông. Cụ thể mời đọc điển hình bài Thích Trung Hữu : Hoàn tục cầm theo 300 tỷ, từ khi nào thầy tu trở thành một nghề ‘hái ra tiền’ ? (1)

phatgiao2

Tôi lặng lẽ quan sát trung dung, vô cùng thận trọng, để đi đến quyết định, là phải viết về câu chuyện này, hầu mong có cái nhìn đa chiều góp phần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng. Mà nếu được như vậy, cũng có nghĩa là bảo vệ Phật pháp ở Việt Nam, đang từng ngày sa vào ma đạo, dưới sự thao túng của tổ chức được đảng dựng lên năm 1981, với danh xưng, mà mới nghe qua, tưởng chừng "Phật pháp vô biên" : Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bối cảnh ra đời của "Công ty cổ phần Phật giáo Việt Nam", hay gọi "Tập đoàn Phật giáo Quốc doanh Việt Nam" này, quý vị có thể tham khảo thêm trên xa lộ thông tin internet, vì khuôn khổ bài viết tôi không thể sơ lược được.

Tôi chọn viết về điều này, đích xác là chọn bảo vệ cho những điều mà ông Tiến sĩ Dũng chỉ trích, phê phán thẳng mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tu sĩ nói chung trực thuộc Giáo hội này. Bởi vì lí do tiên quyết đầu tiên, ngày hôm nay, những điều ông Tiến sĩ Dũng chỉ trích là hoàn toàn đúng với thực trạng Phật giáo Quốc doanh, nhưng chúng ta quay lưng với ông ta, thì ngày sau, còn ai dám lên tiếng bảo vệ cái đúng, nói chung, cũng như phê phán những điều sai quấy mà không ít tu sĩ Phật giáo, có chức sắc từ tỉnh đến Trung ương đang lấp liếm bằng màu vàng của tà áo cà sa trân quý, cũng như giáo lý truyền thống Phật giáo ! Tất nhiên, những điều ông Tiến sĩ chỉ trích, có đúng hay sai, cá nhân tôi thiển cận, xin được đưa ra một vài luận chứng tiếp sau, hầu mong quý vị minh mẫn tỏ tường. Và, cá nhân cũng vô cùng cảm kích, lắng nghe ý kiến của tất cả, tuy nhiên, trước khi có phản biện, thì xin vui lòng trả lời minh định cho những câu hỏi, mà tôi đưa ra, trong bài viết này.

Trước tiên, phải xác tín bối cảnh không gian, thời gian, đối tượng chủ thể bị ông Tiến sĩ Dũng phê phán, chỉ trích. Đó là thực trạng của tu sĩ Phật giáo Quốc doanh ở Việt Nam, nói chung. Đó là Giáo hội Phật giáo Quốc doanh Việt Nam. Thời gian là từ sau năm 1981 đến nay, thời điểm Giáo hội Phật giáo Quốc doanh ra đời, như đã nói ở trên. Đồng thời, cần phải minh định những điều ông Tiến sĩ chỉ trích không nhắm vào giáo lý Phật giáo truyền thừa mấy nghìn năm qua. Bởi, đọc những bài viết kêu gọi trừng trị nghiêm ông Tiến sĩ vì những gì ông nói, tôi nhận thấy rằng, hầu hết, người ta cố tình nhập nhoạng, tròng tréo giữa hai phạm trù này, hòng đạt được dã tâm kết tội ông Tiến sĩ phỉ báng giáo lý Phật giáo truyền thừa. 

Bên cạnh đó, bằng ngòi bút tâm ma nhưng nhân danh bảo vệ Phật pháp, rồi từ đó, dùng câu chữ văn chương, nguy biện lung lạc người nghe, người đọc để kết tội ông Tiến sĩ. Mà đúng ra, đừng nói là tu sĩ, chỉ cần một người bình thường, một lương dân thôi, khi chúng ta bị chỉ trích, điều đầu tiên phải lắng lòng, bình tâm nhìn nhận thấu xét nhiều lần, soi rọi bản thể, là những điều mình bị phê phán đó, là mình sai hoàn toàn (hoặc có phần sai trong đó) hay người ta cố tình vu vạ cho mình. Tôi tin rằng, bất kì ai có lòng tự trọng, có liêm sỉ đều sẽ như thế. Đằng này, đọc qua không ít bài viết chỉ trích hay kêu gọi trừng trị nghiêm ông Tiến sĩ, đều cho tôi (và tôi chủ quan nghĩ rằng quý vị cũng thế) cảm giác, tuy là một tu sĩ Phật giáo, nhưng họ nhảy cẫng lên như đỉa phải vôi, nhảy cẫng lên, vung trôn đá đít, xói xỉa, ăn thua đủ với ông Tiến sĩ Dũng vậy. Xin cho hỏi, Phật Thích Ca nào dạy môn đồ của ông sân si hơn cả người thường như thế không ? Xin hãy trả lời tôi đi.

Hẳn nhiên, tôi đoán chừng, bản chất lấp liếm, hầu mong che đậy sự mục ruỗng của không ít những tâm hồn mượn đạo tạo nghiệp (chứ tôi không nói tạo đời), sẽ lại hét toáng lên, dù có là thánh nhân, nhưng trước sự việc ông Tiến sĩ lăng mạ, phỉ báng Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo Quốc doanh Việt Nam, phỉ báng Phật giáo, thì cũng không thể ngồi im, huống hồ chúng tôi là tu sĩ (hoặc Phật tử, hoặc "những ngòi bút bảo vệ Phật pháp").

Xin thưa ! Hãy im đi đừng to tiếng lớn giọng nhân danh những điều cao quý mà nội hàm ẩn chứa sự bịp bợm thế nhân. Trong lễ hội Phật đản mà Việt Nam đăng cai tổ chức mới đây, đừng nói là phỉ báng Tăng, Ni khi có màn trình diễn múa thật ấn tượng của những nữ nhân múa được mặc đồ xuyên thấu, mà bất kì tu sĩ Phật giáo nào, còn liêm sỉ sẽ phải đỏ mặt, dù đã quay lưng lại không dám nhìn. Cho tôi hỏi, có bao nhiêu Tăng, Ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự trọng lên tiếng phản đối điều này, hay lại vỗ tay rần rật như những đại biểu quốc hội ngủ gật mà nhân dân ta thán bấy lâu ? 

Thôi hãy cho rằng với tấm lòng vị tha, cho nên dù bị phỉ báng trắng trợn như thế, nhưng Tăng, Ni đều bỏ qua. Tạm chấp nhận với suy luận này, cho dù nó mâu thuẫn tuyệt đối với sự sân hận trong trường hợp ăn thua đủ, đối với ông Tiến sĩ Dũng. Thế nhưng, cũng trong lễ hội Phật đản này, bức tranh "Đạo pháp và dân tộc" họa vẽ ông Hồ Chí Minh chẫm ghệ, ngông cuồng ngồi ngang hàng với Ngài Đức Phật Thích Ca. Đây là một sự phỉ báng Đức Phật Thích Ca, phỉ báng Đức Tin, phỉ báng Phật giáo có chủ đích. Cho tôi hỏi, là một tu sĩ Phật giáo, phải biết bảo vệ sự tôn nghiêm hình tượng Đức Phật, bảo vệ Tam bảo, nhưng đứng trước sự báng bổ như thế, có bao nhiêu tu sĩ Phật giáo lên tiếng ? Xin trả lời tôi đi. Đừng hỏi vì sao, trong phần chỉ trích của ông Tiến sĩ Dũng, có đề cập đến chuyện Phật pháp lung lay. Bởi sự im lặng của quý vị trước sự báng bổ này, thì tên gọi Phật giáo Việt Nam, e rằng thiếu sót, mà cần phải gọi đúng bản chất là Phật - Hồ giáo Việt Nam. Như vậy, Phật giáo ở Việt Nam không lung lay là gì ?

Xin đừng tự làm nhục thêm nữa, nếu lại vặn vẹo tôi rằng, hãy phân tích bức tranh ấy đã phỉ báng Đức Phật Thích Ca ra làm sao ! Tôi phải nhắc lại, đừng vặn vẹo điều này, vì như thế chỉ càng tự làm nhục người hỏi mà thôi. Đến đây, tiếp tục xin hãy trả lời giúp tôi, là tu sĩ, là tín đồ Phật giáo, phải bảo vệ Tam Bảo, thế nhưng biết bao ngôi chùa bị triệt hạ, Đức Phật (tượng) chẳng chốn dung thân, đồng đạo khổ nạn, mà hầu hết (tôi không muốn dùng từ tất cả) có vị nào tương trợ, lên tiếng phản đối không ? Đã đành không lên tiếng tương thân tương ái, một đạo lý làm Người cơ bản, đằng này, lại còn tranh tối, tranh sáng đấu tố, triệt hạ đồng đạo bằng cách này hay cách khác. 

Cụ thể, như tịnh thất Bồng Lai vừa gặp nạn, thì các vị ở đâu, hay là những tu sĩ có chức sắc sẽ thừa nước đục, nhấn luôn xuống bùn. Hay như 2 ngôi cổ tự có niên đại hơn 200 năm ở Huế, đặc biệt, trong đó có một ngôi cổ tự là ngôi chùa đầu tiên của hệ phái Thiền Lâm Tế xây dựng, đang yên đang lành, sau một đêm, bị tháo dỡ tan tành, khiến cả Đức Phật cũng ngỡ ngàng, bàng hoàng đau buốt. Sự triệt phá này, là cả một dự mưu của một nhóm người khoác áo tu sĩ, thế các vị là tu sĩ không nằm trong nhóm người ấy, hà cớ vì sao im lặng ? Im lặng trong ngữ cảnh này, là liên đới tiếp tay. Trong khi đó, những nơi buôn bán tâm linh như Tam Chúc, Bái Đính, thì tu sĩ chức sắc ở Trung ương Giáo hội, lại trơ trẽn nhận bừa là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ? Điều này, càng tố cáo, theo cách nói của ông Tiến sĩ Dũng, đi tu như một cái nghề !

Giáo lý xuyên suốt của Phật giáo truyền thừa là cứu khổ cứu nạn chúng sanh. Nhưng giờ đây, các vị chỉ chăm chăm vào việc xây những chùa to vật vã, một bước lên xe hơi, hai bước lên phi cơ, đến mức có nhiều ngôi chùa, buổi tối đi ngang, sự trang trí lòe loẹt, tôi cứ ngỡ đấy là một quán bar, chưa lên nhạc. Phật nào dạy những điều như thế không ? Các vị nếu không thể đau trước với nỗi đau chúng sanh, vui sau niềm vui bá tánh, thì ít ra, cũng làm được cái việc, san sẻ bổng lộc thiên hạ cho cuộc đời có nhiều hơn những nụ cười. Có đâu, bá tánh đi xe bộ, cụ già đi xe đạp, đến cúng dường cho Tam Bảo. Hầu hết, đại diện cho Tam Bảo sẽ đi xe hơi, ngủ phòng lạnh, và tay nải thiếu gì thiếu, chứ không thiếu tiền. Tôi nhấn mạnh từ hầu hết. Có câu ngạn ngữ, đại khái, chỉ có con công mới chăm chút bộ lông của mình, mà quay lưng với nỗi đau đồng loại. Đấy là nói về con công. Tất nhiên, các vị là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chứ đâu phải con công. 

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng, chỉ một vài con sâu làm rầu rau trong nồi canh. Đừng ngụy biện như thế, tôi sẽ chứng minh cho quý vị thấy, sâu nhiều hay rau nhiều, và tôi sẽ chọn những con sâu lớn cho luận chứng tăng phần trọng lượng. Trước hết, quý vị hãy thật lòng cho biết, có hay không những người vừa là tu sĩ có chức sắc cao trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa là đảng viên đảng cộng sản ? Là đảng viên đảng cộng sản thì không thể là tín đồ của bất kì tôn giáo nào, chứ đừng nói là tu sĩ, và ngược lại. Chẳng nhẽ, điều giản đơn này, các vị lại chẳng thể tỏ tường. 

Không cần kể lại cách trơ trẽn của vị chức sắc nhận bừa Tam Chúc, Bái Đính là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôi sẽ dẫn chứng 2 trường hợp, là Hòa thượng, là trụ trì của 2 ngôi chùa lớn nhất, nhì tại Sài Gòn, đó là Việt Nam Quốc Tự, và Hoằng Pháp Tự. "Đức cao vọng trọng" mới thăng danh Hòa thượng, mới được làm trụ trì chùa lớn như thế, nhưng lại hết sức hàm hồ, lộng ngữ, phạm phải những điều cấm trong Giáo lý Phật giáo truyền thừa. Mùa Giáng sinh của tôn giáo Thiên Chúa giáo, năm 2017, trụ trì chùa Hoằng Pháp, trong buổi giảng của ông, tại chùa, ông đã lên tiếng đả kích tôn giáo bạn, khi ông cho rằng, tại sao Phật tử lại vui chơi, ăn uống, tiệc tùng trong ngày Lễ giáng sinh. Tệ hơn nữa, để chứng minh ông trong sạch, ông cho biết, một Phật tử ở hải ngoại gởi quà nhân dịp lễ này, ông cho quà vào sọt rác. Điều ông nói, trước bao nhiêu tín đồ hôm ấy, khiến nhiều người bất mãn ra về dù buổi giảng chưa kết thúc. 

Chuyện tương tự này, ông Hòa thượng Thích Nhật Từ cũng từng. Rồi hồi tháng 6 năm ngoái, khi nhân dân cả nước (bao gồm tín đồ Phật giáo) đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Thế nhưng, với trình độ kiến thức của một học vị Tiến sĩ, ông Hòa thượng trụ trì Việt Nam Quốc Tự, đã công khai ý kiến, ông chỉ trích hành động xuống đường của nhân dân, của tín đồ Phật giáo là hoàn toàn sai trái, khi ông trả lời phỏng vấn tờ SGGP. Thậm tệ hơn, ông ta còn nhân danh những tín đồ Phật giáo khác, hàm hồ cho rằng, có rất nhiều Phật tử phản đối người dân biểu tình. Tuy nhiên, ông không thể trả lời được câu hỏi nhiều Phật tử là bao nhiêu, và những ai ? 

Nhìn sang vấn đề tội phạm học, thì thử hỏi những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tu sĩ trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hầu như có đủ. Đâm chém có, trộm cắp có, lừa đảo có, nhất là vụ xin tí khí, không cho hiếp dâm luôn, nhan nhản ra. Sao các vị không thấy xấu hổ, chỉ cần nhìn sang tôn giáo bạn, Thiên Chúa Giáo, họ có bê bối kinh hoàng như cái Giáo hội Phật giáo Quốc doanh Việt Nam của các vị không ? Chắc chắn là không ! Vậy nguyên nhân từ đâu, có rất nhiều yếu tố, nhưng quan thiết là bên tôn giáo bạn không có chuyện sau một đêm thức dậy thành Linh mục, thành Thầy, Sơ trong các nhà Dòng. Nhưng Phật giáo vấn đề sau một đêm thức dậy, chỉ cần cạo trọc đầu, là "sư", không phải hiếm gặp, nếu không muốn nói là nhiều. Như vậy, lời của ông Tiến sĩ Dũng đâu phải hoàn toàn sai.

Đúng lý ra, chỉ với đạo làm Người thôi, khi chúng ta bị người đời chỉ trích, thì nếu không làm được cái việc cảm ơn họ, thì chí ít cũng nên lẳng lặng soi rọi lại chính mình. Người ta có thương, mới chỉ trích cho dù có hơi nặng lời (riêng sự chỉ trích của ông Tiến sĩ Dũng là còn nhẹ), chứ không, họ mặc kệ, xem chúng ta như hồn ma bóng quế, còn sống mà chết tự lâu rồi. Cho nên, thôi đừng giả vờ tự trọng nữa trước những lời chỉ trích, mà hãy là những tu sĩ, những tín đồ Phật giáo có tự trọng thật sự, để nhìn thẳng cho những lời nói thật, từ sự thật tồn tại bao năm qua. 

Điều cuối cùng, cũng cần phải nói ra, để không ngụy biện nhau thêm nữa, bởi tôi đã từng nghe không ít người có quan điểm, nếu đường lối của Giáo hội Phật giáo Quốc doanh có lạc vào ma đạo, dưới sự thao túng của tu sĩ chức sắc ở thượng tầng, còn cá nhân tu sĩ cụ thể nào đó là tu thật, một lòng hướng về Phật pháp. Nghe qua, tưởng chừng đúng lắm ! Muốn biết đúng sai, xin trả lời câu hỏi cuối này : Biết nơi chốn ấy gió tanh mưa máu, hà cớ vì sao, là người chân chính, hơn nữa là một tu sĩ, ta còn ngồi xuống cùng mâm, nhỡ dính máu thì sao, hay quyết dây máu ăn phần ? Mấy ngàn năm trước, một vị vua đã từ bỏ công danh, Ngài chọn đi tu, cứu nhân độ thế, chỉ có một mình Ngài, chứ không thấy sách vở nói đến việc Ngài phải đàn đúm mới thành chánh quả, kia mà !

Đàm Ngọc Tuyên

Nguồn : VNTB, 06/11/2019

**********************

(1) 'Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được'

Nghĩ về bài viết : đi tu mà có 300 tỷ là trái luật Phật giáo, không biện luận được

Thích Trung Hữu, thuvienhoasen, 13/10/2019

Trong bài viết 'Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được' của nhà báo Hoài Thanh phỏng vấntiến sĩtôn giáo học Dương Ngọc Dũng. Tôi xin có một vài ý kiến như sau :

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng nói, "Tuy nhiên, theo Tứ Phần luậtTăng ni không được giữ tiền, vàng, đá quý... và không được tham gia kinh doanh, buôn bán. Luật rất nghiêm túc về chuyện này".

Luật quy địnhtăng ni không được giữ tiền, điều này đúng, nhưng ông nói "Luật rất nghiêm túc về chuyện này" thì ông biết một mà không biết hai.  Giới không được giữ tiền là giới thứ 10 trong 10 giới Sa diTuy nhiên, khi đức Phậtchế giới cũng có nói rằng tùy theoquốc độ và thời gian mà những giới nhỏ nhặt có thể lượt bỏ cho phù hợp. Thời Phật còn tại thếchư tăng sống bằng cách khấc thực nên không cần giữ tiền là đúng, nhưng ngày nay không có tiền thì làm sao đi chợ, trả tiền điện, tiền nước… Cho nên giới này thuộc giới nhỏ nhặt có thể uyển chuyển cho phù hợp với thời đại, chứ không phải "Luật rất nghiêm túc về chuyện này" như ông Dũng nói.

Tiến sĩ Dũng nói : "Nhìn sang Trung Quốc, các chùa ở đây có sổ sách ghi chép đàng hoàng. Chùa có hẳn một vị phụ trách về chuyện chi tiêu, mua tương, mua dầu, đậu phụ, nhang, đèn, cúng kiếng... đều ghi rõ và trình báo cho phương trượng (sư trụ trì). Tổ chức trong chùa ở Trung Quốc rất quy củhệ thống quản lý chùa rất chặt chẽ. Ở Việt Nam có lẽ lỏng lẻo về chuyện này... Hệ thống chùa bên Trung Quốc rất tỉ mỉ, có bộ thanh quy (quy tắc sống ở trong chùa) quy địnhcụ thể ngày nào phải mua gì, cúng gì, cúng bao nhiêu, thắp bao nhiêu hương, người nào phụ trách cái gì, chức vụ ra sao... Quy tắc đó có từ xa xưa rồi chứ không phải đến bây giờ mới có. Hệ thống của họ rất quy củ chứ không phải như ở Việt Nam, hầu hết khá xuề xòa". Xin hỏi ông đã nghiên cứu về Phật giáo Trung Quốc tường tận chưa, hay ông có nhiều thời gian để sinh sống trong các chùa ở Trung Quốc chưa mà biết rõ như vậy ? Nếu "Tổ chức trong chùa ở Trung Quốc rất quy củhệ thốngquản lý chùa rất chặt chẽ" tốt như ông nói thì ắt hẳn Phật giáo Trung Quốc rất là hưng thịnh và phát triển lắm. Nhưng ông có biết rằng Phật giáo Trung Quốc hiện nay chỉ là cái xác không hồn, chí ít là so với Phật giáo Việt Nam ta thì kém xa rất nhiều. Những gì mà Phật giáo Việt Nam làm, cả trong ngàn năm quá khứ cũng như hiện nay, không phải chỉ có Phật giáo Trung Quốc mà ngay cả Phật giáo trên thế giới cũng phải cúi đầu cung kính. Bộ ông không thấy điều này sao mà đi so sánhPhật giáo Trung Quốc với Phật giáo Việt Nam như vậy ?

Ông Dũng nói : "Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống. Ví dụ, người ta đi làm bác sĩ còn tôi đi tu… Bản thân đi tu nhưng không phải vì có tâm nguyện hướng về Phật, muốn tu tâm dưỡng tánh hay theo đuổichân lý của Phật pháp mà đi tu là để tìm kiếm một cái nghề mưu sinh". Trước hết xin thưa với ông (và cả với nhà báo Hoài Thanh) rằng đi tu không phải là một nghề, mà đi tu là chuyện cả cuộc đời. Dạy học là cái nghề, làm báo là cái nghề… Nghề để kiếm tiền mưu sinh và làm giàu và người ta cũng có thể thay đổi từ nghề này sang nghề khác, nhưng đi tu thì chỉ có một, đó là lý tưởng, là chí hướngxuất trần thượng sĩ, nguyện bỏ cả cuộc đời để phụng sự cho Phật pháp, cho chúng sinh, cho sự giác ngộgiải thoát. Nó khác với cái Nghề rất xa đó ông à! Bản thân tôi là một người tu và tôi chưa bao giờ coi đây là cái nghề của mình cả, mà là cả cuộc đời của mình. Có lẽ ông chưa đi tu nên ông không thể nào hiểu được. Ông là tiến sĩtôn giáo học, nhưng những điều ông biết về tôn giáo chỉ là ở phương diệnkiến thức mà ông đã học được ở sách vỡ mà thôi (Đó là chưa kể kiến thứctôn giáo của ông cũng có nhiều điều đáng bàn, mà tôi sẽ đề cập ở phần sau) chứ ông có sống trong chùa ngày nào đâu mà ông "cảm" được cuộc sống, tâm tình của người tu như thế nào, mà ông cho đó là cái nghề.

phatgiao3

Kế đến ông nói rằng, "Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống". "Có rất nhiều người" là bao nhiêu, thưa ông ? So với cuộc sống thanh tịnhcống hiến cho xã hội của những tăng ni khác thì những người làm sai trái chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy sao gọi là "rất nhiều người". Ông nên nói là "Có một số người, có một số ít" thì đúng hơn. Và tôi cũng muốn nhắc ông chuyện này, khi ông nói có rất nhiều người đi tu như một nghề kiếm sống thì ông cũng nên nhớ đến rằng, còn có rất rất rất nhiều người đi tu khác không phải như thế. Họ là vua, quan, thái tửbác sĩ, kỷ sư, triết gia… đi tu. Điển hình là Vua Trần Nhân Tông ở nước ta đó. Ông quên rồi sao ?

Ông Dương Ngọc Dũng nói : "Người không có công ăn việc làmmồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào chùa. Từ chuyện đáng lẽchết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng. Mới hôm qua người ta gọi mình bằng "thằng", nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng "thầy", có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không ? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài. Dân Việt Nam có truyền thốngtốt đẹp là tôn trọngtăng ni, thấy sư là chắp tay, cúi đầu, bất kể sư gì, tu thiệt hay tu giả". Mới hôm qua người ta gọi mình bằng thằng, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng thầy. Ông nghĩ đi tu và làm thầy đơn giản vậy sao? Thì như ông nói đó, "Dân Việt Nam có truyền thốngtốt đẹp là tôn trọng tăng ni". Chẳng lẽ dân ta suốt mấy ngàn năm nay mù lòa đến nỗi tôn trọng những người mới hôm trước làm thằng mà hôm sao làm thầy vậy sao, thưa ông tiến sĩtôn giáo học ?

Nhà báo Hoài Thanh hỏi "Nhiều người tới chùa bỏ ra số tiền rất lớn để cúng dường. Vì sao họ cúng nhiều như vậy, thưa ông ?". Tiến sĩ Dũng trả lời : "Tôi gọi đó là sự đầu tư cho kiếp sống mai sau. Vì có những người họ quá giàu nên muốn đầu tư cho kiếp sống kế tiếp của họ. Các thầy hay giảng cúng dường cho Phật thì "phước báo vô lượng". Do đó, nhiều người nghĩ rằng bỏ số tiền lớn vào cúng cho Phật thì đời sau họ cũng sẽ sung sướng vô cùng. Không có gì bằng việc cúng dường cho chùa vì sẽ tạo ra phước báu nhanh nhất, tốt nhất. Những người lớn tuổi giàu có, cuộc sống ở dương gian cao lắm cũng chỉ còn 20-30 năm là đi về bên kia thế giới, nên họ quan niệm cứ đầu tư đi thăm chùa lớn càng tốt vì chùa lớn mới là chùa linh, chùa đẹp thì Phật mới ở". Ông nói cúng chùa "là sự đầu tư cho kiếp sống mai sau".  Cái này ông Dũng nói đúng. Cúng chùa là cúng dường Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Phật là người giác ngộ, rất xứng đáng để cúng. Pháp là những lời Phật dạy để phân biệt chánh ta, giúp người sống tốt đẹp, cũng rất xứng đáng để cúng. Tăng là người nôi theo đức Phật để tu hành theo hạnh thanh tịnh, thay Phật truyền bá chánh pháp làm lợi lạc chúng sinh, cũng rất xứng đáng để cúng. Luật nhân quả là quy luật của vũ trụ, tạo nhân lành thì hưởng quả tốt. Tam Bảo tốt đẹp như vậy cúng dường sao không có phước được chứ ? Chẳng lẽ cúng dường cho những người có vợ con, ăn nhậu, chơi bời thì có phước hơn sao ? Nếu tôi là một người bình thường muốn đầu tư cho kiếp sau thì tôi cũng sẽ cúng chùa chứ không cúng cho những người không một ngày ăn chay niệm Phật (Còn việc tin có kiếp sau hay không là tùy mỗi người). Nhưng khi ông nói "nên họ quan niệm cứ đầu tư đi thăm chùa lớn càng tốt vì chùa lớn mới là chùa linh, chùa đẹp thì Phật mới ở" là sai rồi. Cái này ông Dũng nói chứ không có thầy cô nào nói chùa lớn mới linh, chùa đẹp Phật mới ở. Tôi cam đoan là không có thầy cô nào nói như vậy cả.

Ông Dũng nói : "Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu. Vụ chùa Ba Vàng hay sư Toàn là những vụ lớn, nổi cộm, báo chí phát hiện đưa lên thông tin… Nhưng những lùm xùm không chỉ xuất hiện mới đây. Thời gian trước, ở ngôi chùa Phật Quang của tiểu bang Philadelphia (Mỹ), có sư cô tên Thích Tuệ Đức, trụ trì là thầy A Mi Giác Nghiên. Trong một buổi sáng nọ, mọi người tới chùa cúng thì không thấy ai trong chùa hết. Hóa ra vị sư cô đã dẫn trụ trì trốn đi đâu mất. Sau một hồi lục soát, người ta phát hiện trong tủ lạnh của chùa có mồi nhậu và bia còn dở dang. Kể điều này để thấy rằng nền tảng đã lung lay từ lâu rồi chứ không phải mới bây giờ, lung lay khi có nhiều bộ phận không phải là chân tu". Ông nói "Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu", nhưng không biết từ lâu là từ khi nào vậy, thưa ông? Những chuyện không hay trong Phật giáo (hay bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội) thời nào cũng có. Nếu không thì làm sao từ xa xưa trong dân gian ta có những câu ca dao châm biếm những người tu không chân chính như :

"Đi tu Phật bắt ăn chay

Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không".

Vậy chẳng lẽ vì những chuyện như thế mà gọi là "Nền tảng của đạo Phật đã lung lay từ lâu" ? Nếu nền tảng của đạo Phật đã lung lai từ lâu như ông nói thì sao lâu rồi mà nó vẫn chưa ngã ? Và ông có hiểu chữ "Nền tảng" nghĩa là gì không ? Nó quá cơ bản nên ở đây tôi cũng không cần giải thích mất công. Rồi ông nói "lung lay khi có nhiều bộ phận không phải là chân tu". Cái này tôi đã nói ở trước rồi, giờ xin nhắc lại, rằng không hề có nhiều bộ phận không phải là chân tu, mà là chỉ một số ít. Nếu trong Phật giáo mà có nhiều bộ phận không phải là chân tu hơn những người chân tu thì Phật giáo không thể nào tồn tại được. Nếu thật sự đa số tăng ni là những thành phần xấu xa chỉ biết ăn bám xã hội mà không tu hành, không làm việc, không cống hiến gì thì tự thân Phật giáo sẽ phải chết mà không cần phải "nhờ" đến thế lực nào bên ngoài rắp tâm tiêu diệt.

Ở cuối bài báo có đoạn giới thiệu về vắn tắc về tiến sĩ Dương Ngọc Dũng như sau : "Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007. Năm 2016, ông được chọn là người giới thiệu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông hiện là Trưởng Bộ môn Kinh tế quốc tế, Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh)". Nhắc đến việc Tiến sĩ Dũng hướng dẫn Tổng thống Mỹ Obama thăm chùa Ngọc Hoàng năm 2016 mà, với tư cách là một người Việt Nam, tôi thấy có lỗi với Tổng thống Mỹ hết sức. Trong một bài báo lúc đó [2]. Ông Dương Ngọc Dũng kể "Khi đó Tổng thống Obama hỏi tôi ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói : Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày". Mô Phật, tôi không biết ông Dũng lấy ở trường đại học nào ra cái ý nghĩa "Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần". Đừng nói tiến sĩ tôn giáo học làm gì, ngay cả chú tiểu ở chùa cũng biết rằng ba cây nhang là tượng trưng cho Giới, Định, Huệ. Người tu dùng Giới, Định, và Huệ để dâng lên cúng dường mười phương chư Phật. Và xin thưa là không hề có chuyện "Phải giữ lửa liên tục như là nguồn sống" và do đó cũng không hề đốt nhang cả ngày mà là khi nào tụng kinh mới đốt.

Có lẽ đối với tiễn sĩ Dương Ngọc Dũng thì tôi chỉ là hàng hậu sinh. Tôi viết bài này không phải để "bút chiến" mà chỉ để đính chính những hiểu lầm mà thôi. Và tôi cũng muốn nói với mọi người rằng, nếu chuyện gì mình chưa thật sự "hiểu và cảm" thì mình có thể từ chối trả lời, chứ nói mà không đúng thì vừa tội cho người khác mà cũng vừa làm mất giá trị của mình. Sợ nhất là những người không có làm gì để giúp ích cho nhân sinh mà chỉ thích phê bình, bình luận nọ kia cho sướng cái miệng. Cụ Nguyễn Du nói "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài". Trong xã hội xô bồ này, người có tâm xây dựng cho xã hội tốt đẹp, cho mọi người biết yêu thương nhau, hỏi được mấy ai ? Nhưng tôi thích cái kết luận của Tiến sĩ Dũng : "Một con người lành mạnh thì mình hoàn toàn được quyền có niềm hoài nghi lành mạnh. Có bằng chứng như sư Toàn thì phê bình họ sai giới Luật Phật, còn nếu chưa có bằng chứng thì tôi nghĩ chúng ta cứ tạm thời gác để đó. Đừng tuyệt đối hóa vai trò của nhà sư, cũng không nên bôi bác họ khi chưa có bằng chứng. Từ chuyện sư Thích Thanh Toàn mà về sau nhìn ai cũng giống sư Toàn thì đó là thành kiến".

Thích Trung Hữu

Nguồn : thuvienhoasen, 13/10/2019

[1] https://news.zing.vn/di-tu-ma-co-300-ty-la-trai-luat-phat-giao-khong-bien-luan-duoc-post1000413.html

Theo hối xuất ngày 13/10/2019 : 300 tỷ đồng Việt Nam đổi được 12.932.433,00 USD (gần 13 triệu USD)

[2] https://news.zing.vn/nguoi-huong-dan-ong-obama-o-chua-ngoc-hoang-ke-gi-post652496.html

Published in Diễn đàn