Trong thời gian gần đây, thông tin về các tù nhân lương tâm tuyệt thực ngày càng nhiều và thời gian tuyệt thực ngày càng dài. Trước tiên là anh Trần Huỳnh Duy Thức, người đã rất nhiều lần tuyệt thực. Sau đó là anh Đặng Đình Bách, người đấu tranh cho môi trường. Gần đây nhất là Lê Trọng Hùng, bước vào ngày tuyệt thực thứ 31-32, nếu anh tiếp tục tuyệt thực từ ngày gặp gia đình (ngày 23/9) đang là ngày tuyệt thực thứ 21. Anh Lê Trọng Hùng có mục tiêu tuyệt thực là yêu cầu tòa án mở lại phiên phúc thẩm vụ án của anh, do khi tòa xét xử không có luật sư và người nhà cũng không được thông báo. Anh cũng yêu cầu cán bộ Trại giam số 6 tôn trọng quyền lợi chính đáng của tù nhân, và đề nghị đại biểu Quốc hội vào gặp vì bản thân đang đề nghị thành lập Tòa Bảo Hiến.
Ông Lê Trọng Hùng trước khi bị bắt.
Đã có rất nhiều người tuyệt thực trong tù vì những mục tiêu khác nhau. Điển hình cho việc đấu tranh này, tuyệt thực mạnh mẽ, dài ngày phải kể tới Linh mục Nguyễn Văn Lý, chị Bùi Thị Minh Hằng, anh Vũ Văn Hùng (còn gọi là Vũ Hùng, nick facebook là Tụ Tinh Thần)… người có số lần tuyệt thực nhiều nhất chắc chắn là anh Trần Huỳnh Duy Thức. Chúng ta khâm phục tinh thần đấu tranh của những người dám dùng tính mạng, sức khỏe của bản thân để đấu tranh cho những mục tiêu của mình, trong điều kiện giam cầm khắc nghiệt hiện nay.
Cá nhân người viết cũng đã một lần sử dụng phương thức đấu tranh tuyệt thực, từ ngày 5/5/2004 đến ngày 18/5/2004 ở trại tạm giam Hà Nội, còn gọi là Hỏa Lò và trại giam Ba Sao. Khi đó là ngày xét xử Phúc thẩm, với số ngày tuyệt thực chỉ là 14 ngày, sụt giảm 14 kg (từ 69 kg giảm xuống còn 55 kg). Vậy nên cũng xin được bàn luận một chút về phương thức đấu tranh này.
Trước hết, tuyệt thực là phương thức đấu tranh đặc biệt. Tại sao lại nói, tuyệt thực là phương thức đấu tranh đặc biệt ? Bởi vì khi chúng ta tuyệt thực, chúng ta không hề biết cơ thể của chúng ta có đặc điểm đặc biệt nào, có bị những bệnh gì mà khi tuyệt thực có thể ảnh hưởng tới tính mạng hay không ? Có những người đường huyết thấp, hoặc bị một bệnh nào đó luôn cần Calo (ca-lo-ri), cần năng lượng mà khi tuyệt thực mới biết thì rất nguy hiểm tới tính mạng. Khi tuyệt thực, cũng không đơn giản chỉ nhịn ăn là xong. Chúng ta còn phải theo dõi phản ứng của nhà tù, của an ninh, của bạn tù… chúng ta còn nghĩ về gia đình, phản ứng của gia đình, nếu trại tù cho gặp gia đình, chúng ta còn phải động viên gia đình, v.v. Tức là một loạt vấn đề kéo theo việc tuyệt thực. Và sau khi tuyệt thực, phải có chế độ ăn phù hợp nếu không muốn bị ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe. Việc tuyệt thực ít nhiều đều để lại hậu quả cho sức khỏe của chúng ta. Cá nhân người viết, sau khi tuyệt thực bị ngộ độc thức ăn dẫn tới bệnh đường ruột kéo dài tới tận ngày nay chưa dứt hẳn. Như vậy, tuyệt thực chắc chắn là một phương thức đấu tranh đặc biệt, có khả năng gây nguy hiểm tới tính mạng (mặc dù rất nhỏ) và chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài.
Bởi vì tuyệt thực là phương thức đấu tranh đặc biệt, nên theo suy nghĩ của cá nhân tôi, chỉ nên sử dụng trong những trường hợp đặc biệt. Đối với tù nhân lương tâm, đấu tranh để được trả tự do là trường hợp đặc biệt thứ nhất. Nhiều người đã dùng phương thức tuyệt thực để yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho mình, trong đó có cá nhân người viết bài. Tuy nhiên, đến nay chưa ai thành công trong việc tuyệt thực mà được tự do. Vấn đề tuyệt thực để được trả tự do cần có sự phối hợp và nỗ lực cao nhất của những người bên ngoài thì mới may ra có hi vọng để thành công. Nhà nước cộng sản coi thường tính mạng con người, tù nhân, mà sĩ diện rất cao nên việc này vô cùng khó khăn. Ngoài nỗ lực của những người bên ngoài, người tù tuyệt thực cần xác định, phải đánh đổi cả tính mạng mình cho sự tự do của mình. Trường hợp đặc biệt thứ hai, đó là trại tù đang tiến hành một việc gì đó đối với bản thân mà có thể nguy hiểm tới tính mạng của mình. Trong trường hợp này, việc tuyệt thực là cần thiết khi đã thực hiện các biện pháp khác mà không có hiệu quả.
Một lý do nữa mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý để cân nhắc việc tuyệt thực. Chúng ta vào trong tù, sức khỏe thể xác và tình thần đều bị ảnh hưởng, kém hơn so với bên ngoài. Nhiều người ra khỏi nhà tù rất yếu, tiều tụy. Việc đấu tranh của chúng ta chủ yếu và cơ bản là ở bên ngoài nhà tù. Chính vì vậy, việc giữ gìn sức khỏe trong nhà tù cần được đặc biệt lưu tâm. Chúng ta cần tránh những việc có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thực hiện việc giữ gìn sức khỏe trong điều kiện giam giữ khắc nghiệt của nhà tù.
Hà Nội, ngày 06/10/2023
Nguyễn Vũ Bình
Nguồn : RFA, 06/10/2023