Đến lúc này, khi mà số lượng ngày tuyệt thực của anh Trần Huỳnh Duy Thức đã vượt qua mốc 30 ngày và cuộc tuyệt thực này vẫn còn tiếp tục trong trong một bầu không khí hết sức đáng ngại bởi gần như không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy số đông người dân kịp tỉnh thức sau 30 ngày này và nhà cầm quyền đang cổ tình đẩy cuộc tuyệt thực của anh Thức đến điểm cuối của nó là cái chết. Điều này cho thấy hai vấn đề : Cuộc chiến giữa cộng sản và Dân Chủ đang ở hồi kịch tính nhất và ; Dường như ván bài của người cộng sản đã chính thức lật ngửa trước lịch sử.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức - Ảnh minh họa
Vì sao cộng sản họ muốn anh Thức chết ? Anh Thức chết có lợi và có hại gì cho họ ?
Ở câu hỏi này, phải lần ngược vấn đề về ván bài lật ngửa của người cộng sản lúc này. Họ không sợ anh Thức chết làm ảnh hưởng đến uy tín của họ trên chính trường quốc tế. Bởi cho đến giờ phút này, thứ mà họ có được trên chính trường quốc tế không phải là uy tín của chế độ mà là một ván bài mà món hàng họ cược trước thế giới tiến bộ không phải là năng lực chính phủ hay uy tín đảng cầm quyền, mà là hơn 100 triệu dân Việt. Họ không cần uy tín bởi họ không có nó ngay từ đầu và càng về sau, họ càng trở nên lèm nhèm, bầy hầy, thì chuyện tìm uy tín trước quốc tế là chuyện không có.
Và những gì lâu nay Đảng cộng sản đang nỗ lực làm là vừa đấm vừa xoa đối với nhân dân. Đấm bằng mọi thủ đoạn, bằng mọi hình thức bưng bít thông tin, bằng đòn tra và bằng cả cái chết uất ức của nhiều người nơi trại tạm giam, nơi góc khuất của công lý, nơi quyền lực đỏ và xã hội đen bắt tay nhau. Bên cạnh những đòn gây bất an tâm lý trên diện rộng trong nhân dân, họ lại dùng cộng hưởng với chính sách cưỡng bức thuế, cưỡng bức đất đai, cưỡng bức tài sản, cưỡng bức tự do và dân chủ bằng mọi giá… Điều này khiến cho người dân, kể cả giàu và nghèo, kể cả trí thức và nông điền đều cảm thấy mệt mỏi trước hàng loạt những chính sách áp đặt từ phía nhà cầm quyền. Và sự mệt mỏi khi sống trên đất nước hình chữ S này luôn hiện hữu, luôn có thật và luôn khiến người ta quay quắt, lẩn quẩn trong cái vòng lẩn quẩn của nó.
Một khi không kịp ngừng suy nghĩ để đối phó với thủ đoạn nhà cầm quyền thì e rằng mọi suy nghĩ khác cho dù mang màu sắc cứu cánh vẫn không thể tồn tại một cách bền bĩ hay thường trực nơi người dân. Nếp suy nghĩ thường trực nó khác hẳn với hướng đến cứu cánh. Nghĩa là cái ăn, cái mặc, chỗ ở và sự bình an tâm hồn hay sự yên tâm về giáo dục, y tế cũng như bảo đảm tài sản không bị cướp đi bởi hệ thống cầm quyền trong một ngày nào đó khiến cho người ta khó lòng mà chọn đối đầu với nhà cầm quyền. Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân không dám đấu tranh và càng vô nghĩa hơn khi nói rằng người dân mất khả năng phản kháng. Vấn đề là mô hình phản kháng nào, mô hình đấu tranh nào khả thế trong lúc này ?!
Đến đây, có thể thấy rằng sự im lặng như bầy cừu của số đông người dân Việt Nam trước sự kiện tuyệt thực có nguy cơ dẫn đến cái chết của Trần Huỳnh Duy Thức chỉ dừng ở tính biểu tượng trong một phần lý tưởng và ước mơ của người Việt Nam nhưng nó không đủ động cơ để thúc đẩy hàng triệu con người cùng khổ đứng dậy để cùng đấu tranh. Vì sao ?
Vì trò mị dân, ngu dân và dùng bạo lực xuyên suốt với nhân dân trong suốt hơn nửa thế kỉ nay của Đảng cộng sản đã phát huy được hiệu quả của nó. Hiện tại, ván bài của Đảng cộng sản đã chính thức lật ra, họ cố tình đẩy anh Thức đến chỗ chết như là một sự răn đe đối với số đông nhân dân. Ở đây, họ sẽ tìm cách lấp liếm sự việc trước quốc tế và họ muốn gửi đến nhân dân một thông điệp rằng "các người có đủ bản lĩnh hay gan lì như Trần Huỳnh Duy Thức không ? Các người có nhìn thấy một ngôi sao dân chủ phải chết như thế nào trong trại giam hay không ?!". Chỉ chừng đó, họ chỉ cần và cần một cách bạo liệt cái giây phút anh Trần Huỳnh Duy Thức trút hơi thở cuối sau một chuỗi ngày dài tuyệt thực mà quốc tế không nói gì, thế giới tiến bộ không thể can thiệp để giữ lấy mạng sống của anh. Và một khi Trần Huỳnh Duy Thức qua đời, ván bài xem như chung cục, Đảng cộng sản một lần nữa thành công với cây gậy bạo lực của họ.
Và không phải ngẫu nhiên mà Đảng cộng sản ngăn cản, cấm nhập cảnh đối với bà Debbie Stothard và ông Minar Pimple, hai gương mặt đại diện của quốc tế dân chủ, nhân quyền. Và càng không phải ngẫu nhiên mà những cán bộ quản giáo trại giam cấm anh Thức và người thân trao đổi tình hình, tin tức, thời sự với nhau để rồi họ dùng đến hành vi tước đoạt quyền thăm nuôi ngay tức khắc và cưỡng bức anh Thức quay trở lại phòng giam cũng như cưỡng bức gia đình anh Thức ra ngoài bằng công an một cách thô bạo. Để rồi anh Thức tuyên bố tiếp tục tuyệt thực mà theo anh là lẽ ra anh quyết định dừng sau khi gặp người thân.
Rõ ràng, đây là một kịch bản có tính toán kỹ lưỡng để đẩy anh Thức đến chỗ chết cũng như thách thức công luận quốc tế bằng cái lý do rất hợp lý là anh Thức tuyệt thực "không xác định được nguyên nhân hay lý do gì". Nói cho cùng, nếu anh Thức qua đời trong lúc này, điều đó có thể đánh thức rất lớn lương tri của người hiểu biết và giới đấu tranh cho dân chủ, độc lập và nhân quyền Việt Nam. Nhưng đó là lương tri được đánh thức của một tập hợp không lớn giữa số đông nhân dân vốn quen với sợ hãi và thỏa hiệp. Cái số đông này càng thêm sợ hãi và thỏa hiệp hơn sau khi anh Thức qua đời.
Cuộc tuyệt thực của anh Thức cũng là một thử thách sự quả cảm của giới đấu tranh Việt Nam có dám đồng hành cùng với anh hay không, và là dấu hỏi đối với quốc tế, đối với các cường quốc vốn có nền dân chủ lâu đời, bền vững. Họ buộc phải kịp thời lên tiếng, thậm chí tác động một cách mạnh mẽ nhất để đòi quyền lợi cho anh Thức, cũng là đòi quyền lợi cho một biểu tượng về thế giới của họ trong đất nước độc tài này. Nếu bây giờ, họ vẫn giữ thái độ như suốt 30 ngày qua, phản ứng có chừng mực, thì điều đó cho thấy dường như thế giới tiến bộ, dân chủ chỉ là cái vỏ bọc cho một cơ chế độc tài kiểu mới trong chiếc áo dân chủ.
Và đương nhiên rất khó để đoán định được rằng có hay không có độc tài trong thế giới dân chủ mà phần lớn chỉ còn là danh nghĩa trên các văn bản khế ước dân tộc chứ không còn là động cơ thôi thúc hành động của các nhà lãnh đạo như hiện nay. Trong một thế giới mà mộng bá chủ vẫn chưa bao giờ ngưng trong lúc bậc thang về văn minh, văn hóa có phần đi lùi so với các thập niên trước.
Chỉ biết cầu nguyện cho anh Thức chân cứng đá mềm và chúng tôi vẫn đinh ninh một niềm tin : Thế giới chưa đến nỗi bệ rạc như chúng ta tưởng. Và anh Trần Huỳnh Duy Thức phải được sống, được tự do như một minh chứng về sự tồn tại của Tự Do, Dân Chủ và tiến bộ trên mặt địa cầu này !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 15/09/2018 (VietTuSaiGon's blog)
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, không nhận tội để được đặc xá (RFA, 19/08/2018)
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Thức đang tuyệt thực để phản đối đòi hỏi nhận tội từ phía công an để đổi lại lệnh đặc xá. Anh Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của anh Trần Huỳnh Duy Thức cho đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 19/8.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia đình tại trại giam trước đây. Citizen photo
Anh Tân cho biết anh và vợ anh Thức đã đến trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An để thăm anh Thức vào ngày 18/8. Anh nói :
"Ngày hôm qua tôi và vợ anh Thức là chị Thoa đi lên thăm ảnh và biết được ngày hôm qua ảnh tuyệt thực là ngày thứ 5, hôm nay là ngày thứ 6, và ảnh sẽ tuyệt thực đến ngày 23/8 là 10 ngày… Và ảnh sẽ còn tuyệt thực nữa nếu yêu cầu của anh đối với trại giam không được giải quyết".
Trong một phiên toà diễn ra vào tháng 1/2010, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án tù 16 năm với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Anh Trần Huỳnh Duy Thức từ trước đến nay vẫn một mực khẳng định mình vô tội.
Vào ngày 28/1/2018, sau 8 năm thụ án, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã viết đơn gửi đến Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu Theo Bộ luật hình sự mới 2015. Gia đình của anh Thức cho biết chiếu theo những quy định trong các điều 7, 109 và 63 của Bộ Luật Hình sự mới, anh Thức có đủ điều kiện để Toà án giảm mức hình phạt đã tuyên. Đặc biệt, điều 63 về việc giảm hình phạt đã tuyên nêu rõ không quy định người được giảm hình phạt phải nhận tội.
Luật sư Lê Công Định, người cùng bị bắt và bị xét xử với anh Trần Huỳnh Duy Thức, viết trên facebook cá nhân hôm 18/8 :
"Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi "chuẩn bị phạm tội" liên quan đến cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ. Đó là điều họ không muốn".
Anh Trần Huỳnh Duy Tân cho biết anh Thức kiên quyết ở tù chứ không chịu nhận tội :
"Cho dù anh có ở lại trong tù hết án, dù rục xương vẫn không chấp nhận vì anh không có tội".
Trước đây anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã nhận được những lời đề nghị đi tị nạn ở nước ngoài nhưng anh cũng không chấp nhận và khẳng định "sẽ không lưu vong để đổi lấy tự do".
Trong lần đến thăm này, anh Tân được anh Thức cho biết từ 2 tháng nay, trại giam số 6 có người quản lý mới là Đội trưởng Giáo dục và người này gây nhiều khó khăn cho anh. Những khó khăn mà anh Thức nêu ra bao gồm việc hạn chế viết thư cho gia đình, người thân, hạn chế gửi đơn đến các cơ quan. Anh Thức cũng không được gửi các sáng tác thơ, nhạc ra ngòai, Kiến nghị của anh gửi Chủ tịch nước không được chuyển đi, những khiếu nại gửi cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không được gửi đi và không có thông tin phản hồi.
Luật sư Lê Công Định nhận định :
"Gây áp lực buộc nhận tội lên anh Thức không thành, nhà cầm quyền sử dụng "biện pháp nghiệp vụ" quen thuộc là gây khó khăn cho sinh hoạt của anh trong tù".
Anh Thức cho gia đình biết, sau 10 ngày, nếu trại giam không đáp ứng các yêu cầu của anh thì anh sẽ tiếp tục tuyệt thực.
Tuy nhiên gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức rất lo cho tình hình sức khỏe của anh vì anh đã rất mệt trong lần gặp này. Anh Tân nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Ảnh tuyên bố là 10 ngày nhưng lần này sức khỏe ảnh tệ hại hơn lần trước. Gia đình cũng đang lo lắng về quyết định tuyệt thực. Gia đình cũng mong anh sớm ngưng để bảo đảm sức khỏe và tính mạng của ảnh".
****************
Anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực (Lê Công Định, 18/08/2018)
Hôm nay gia đình anh Thức đến Trại giam số 6 Nghệ An thăm anh theo thường lệ, thì thấy anh Thức rất mệt và yếu do đã tuyệt thực 5 ngày, kể từ 14/8/2018.
Linh mục Phan Văn Lợi đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức
Trước đó, từ ngày 6/8/2018 anh Thức cũng đã từ chối thức ăn của trại và chỉ ăn mì gói do gia đình gửi vào trước đó. Từ 5 ngày nay, anh Thức chỉ uống nước và nói gia đình mang tất cả thức ăn trong lần thăm gặp này về.
Lý do tuyệt thực là phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc anh Thức nhận tội để được đặc xá. Trong suốt buổi thăm gặp hôm nay, anh Thức luôn lặp lại nhiều lần với vợ và em trai rằng : "Có đặc xá anh cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản anh không có tội. Anh không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá".
Sở dĩ nhà cầm quyền muốn trả tự do cho anh Thức bằng cách đặc xá là vì họ không muốn áp dụng một quy định luật pháp mới có lợi cho mọi tù nhân nhân quyền, đó là Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 về hành vi "chuẩn bị phạm tội" liên quan đến cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo đó mức hình phạt tù chỉ từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu áp dụng điều khoản luật mới có lợi nói trên, nhà cầm quyền buộc phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện những người đã bị bắt giam về tội danh lật đổ chính quyền theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự cũ. Đó là điều họ không muốn.
Đó cũng là lý do vì sao khi luật sư Ngô Ngọc Trai viết nhiều thư phân tích pháp lý dựa trên luật mới để yêu cầu họ trả tự do cho anh Thức, thì nhận được câu trả lời từ các cơ quan tố tụng có liên quan với nội dung tránh né đề cập đến luật mới, và cố tình hướng đến hình thức đặc xá, rồi nhấn mạnh "chưa có cơ sở pháp lý để xét đặc xá" (!)(?).
Cơ sở pháp lý để đặc xá đó chính là bản nhận tội mà anh Thức phải chính tay viết. Gây áp lực buộc nhận tội lên anh Thức không thành, nhà cầm quyền sử dụng "biện pháp nghiệp vụ" quen thuộc là gây khó khăn cho sinh hoạt của anh trong tù.
Từ 2 tháng nay, Trại giam số 6 có tên cai ngục mới là Trần Duy Phong, đội trưởng giáo dục. Tên này tìm mọi cách gây khó khăn cho anh Thức như sau :
1) Tự ý đặt ra quy định mới về thư và đơn từ, theo đó anh Thức chỉ được viết thư cho 1 người trong gia đình, đơn từ gửi cho các cơ quan tố tụng cũng chỉ được gửi đến 1 cơ quan. Mỗi tháng chỉ được gửi 2 thư/đơn.
2) Từ tháng 6/2018 đến nay không cho anh Thức gửi về gia đình các sáng tác nhạc, thơ, văn.
3) Kiến nghị của anh Thức gửi đến Chủ tịch nước không được chuyển đi.
4) Bốn đơn khiếu nại gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng không được chuyển đi và không có bất kỳ thông tin phản hồi nào từ Trại giam.
Cuối buổi gặp gia đình, anh Thức tuyên bố "sẽ tuyệt thực 10 ngày để yêu cầu nhà nước thượng tôn pháp luật và miễn toàn bộ hình phạt còn lại để trả tự do cho tất cả những người chuẩn bị phạm tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Khoản 3, Điều 109 và Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015".
Anh Thức đòi hỏi "thượng tôn pháp luật phải là thương hiệu quốc gia quan trọng nhất của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế".
Anh Thức nói sẽ cố gắng vượt qua thử thách này và xin Ba anh tha lỗi nếu có bất trắc xảy ra, và muốn mọi người hãy vững tâm tiếp tục đấu tranh cho con đường tương lai của Việt Nam.
Anh Thức cũng cho biết đang khiếu nại và nếu đến ngày 23/8/2018 mà Trại giam số 6 không giải quyết thì sẽ tiếp tục tuyệt thực.
Mong mọi người hãy quan tâm đến trường hợp tuyệt thực lần này của anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Nhà cầm quyền hãy tuân thủ luật pháp và trả tự do vô điều kiện cho anh Thức !
Lê Công Định
*****************
Anh Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực