Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại cuộc họp lần thứ 10 về tổng kết điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết việc thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, còn gọi là Đề án 47, còn một số tồn tại và hạn chế. Đa số các dự án triển khai không đúng với tiến độ, chỉ có 6/43 dự án hoàn thành đúng thời gian cho phép. Đến nay có 19 dự án (trong tổng số 44) đã hoàn thành và đã được nghiệm thu.

quanly1

Trẻ em địa phương bán đồ lưu niệm san hô khô cho khách du lịch tại một địa điểm thuộc tỉnh Phú Yên hôm 1/8/2016. AFP photo

So với thực trạng môi trường biển Việt Nam vốn đang được các nhà khoa học lên tiếng nhiều lần kể từ sau tai hoạ ô nhiễm vùng biển 4 tỉnh miền Trung, thì đề án 47 có tầm nhìn đến năm 2020 có khả thi hay không ?

Công nghệ yếu !

Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, từ Sài Gòn cho chúng tôi biết thực chất "dự án môi trường biển là một chuyện rất khó khăn và không hề đơn giản".

"Vì các công cụ của Việt Nam mình vẫn còn yếu kém. Đó là các công cụ phục vụ cho mục đích quy hoạch, khảo sát, đánh giá rất yếu. Các số liệu mình có cũng rất đơn giản. Tàu mình không có. Một nhà khoa học muốn đi nghiên cứu biển cũng không có tàu, phải thuê của dân. Một vài tàu nhỏ chỉ đi được vài chục cây số rồi quay vô thôi, làm sao mà có được tính hiện đại như những nước khác ?".

Chính vì vậy ông nói rằng nếu có những con số đưa ra trong khảo sát để quy hoạch dự án cũng chưa thể tạo ra độ tin cậy.

Trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường tại cuộc họp lần thứ 10 Ban chỉ đạo nhà nước về tổng kết điều tra cơ bản Đề án 47, việc thực hiện Đề án 47 còn một số hạn chế là do ở giai đoạn xây dựng, thẩm định, trình báo và phê duyệt dự án kéo dài, cộng với kinh phí thực hiện dự án chưa hợp lý. Theo thông tin từ cuộc họp cho biết, kinh phí triển khai thực hiện Đề án, đã được phê duyệt khoảng 6.325 tỷ đồng, thì số được giao thực hiện hơn 40%, chừng khoảng 2.607 tỷ.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, người chủ trì cuộc họp đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường nhanh chóng triển khai và đưa các kết quả điều tra đã thu được vào sử dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông đề nghị rằng : "Phải sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên biển quốc gia, phân cấp quản lý ; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý biển, phát triển kinh tế biển ; xây dựng quy trình công nghệ điều tra tài nguyên môi trường biển".

Khi được hỏi về lời đề nghị này, Giáo sư Lê Huy Bá không đánh giá về kinh phí của Đề án 47, tuy nhiên, ông đề cập đến tầm quan trọng của ngân sách để đạt đến tính hữu ích của việc quy hoạch, khảo sát, đánh giá. Theo ông, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi và những công cụ tối ưu.

"Tuy nhiên, tất cả những cái đó ở Việt Nam đang thiếu. Và chúng ta xưa nay làm theo kiểu cảm tính nhiều hơn. Thậm chí đôi lúc còn võ đoán. Xác định các biển, đảo trong 1 liên kết hữu cơ với nhau, thềm lục địa, ven bờ, nối bờ, biển sâu… những chuyện đó xưa nay có được nghiên cứu gì mấy đâu ?

Gần đây có chuyện tranh chấp biển với Trung Quốc và các nước khác thì mới nghĩ đến việc nghiên cứu biển".

Theo ông, ba miền của Việt Nam đều là biển và sở hữu hơn hàng nghìn hòn đảo, thế nhưng chuyện nghiên cứu về biển trước đến giờ ít được quan tâm đến.

Khả năng phục hồi biển ?

VIETNAM-TOURISM-PHU QUOC

Các tàu du lịch neo đậu tại bãi biển Phú Quốc hôm 11/4/2017. AFP photo

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 21 tháng 5, rằng "Phục hồi tái tạo môi trường biển cần 1 số tiền khổng lồ".

Tuyên bố của Ông Nguyễn Xuân Cường liên quan đến vấn nạn ô nhiễm biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra hồi tháng 4 năm ngoái, đã khiến hàng tấn cá chết dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200.000 người, theo một báo cáo của chính phủ vào năm ngoái. Vụ việc này cho đến nay vẫn chưa được chính phủ Việt Nam giải quyết thoả đáng, về nguyên nhân cũng như hậu quả.

Ngay cả chính lời cam kết ngừng xả thải của Formosa cũng không thể giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường biển trong thời gian ngắn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang khẳng định việc ngừng xả thải để nâng cao thiết bị xử lý như Formosa cam kết cũng không thể hoàn trả lại biển sạch cho môi trường.

"Tác động môi trường của ô nhiễm công nghiệp là mang tính tích lũy, cũng như con người đã ăn những chất độc hại trong người thì dù không ăn nữa, chất độc hại đó vẫn tác động. Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài".

Do đó, bên cạnh "ngân sách khổng lồ’ mà ông Nguyễn Xuân Cường đề cập, hay cho dù Formosa có tiếp tục xả thải như theo giả định của Tiến sĩ Nguyễn Tác An, thì Giáo sư Lê Huy Bá còn đưa thêm một nhận định của ông :

"Để khôi phục lại môi trường biển, không phải chỉ nhờ vào khả năng làm sạch, mà phải là tác động của con người nữa".

Theo ông, vấn đề cần được quan tâm nhất, đó là các rặng san hô, cái mà ông gọi là "rừng nhiệt đới của biển"

"Người ta làm ô nhiễm, làm độc biển, làm các rặng san hô trắng xoá, bị chết, mà không khôi phục được thì đừng nói đến chuyện phục hồi biển".

Vào hôm 17 tháng 5, Việt Nam tiếp tục khuyến cáo ngư dân 4 tỉnh miền Trung không nên đánh bắt hải sản ở tầng đáy ở khu vực 20 hải lý trở vào bờ do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố, ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho bốn tỉnh bị ảnh hưởng bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đây là bốn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Formosa thải chất độc làm cá chết hàng loạt vào tháng 4 năm 2016.

Mặc dù cả nước đã có nhiều hội đoàn dân chủ độc lập lên tiếng, cũng như nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ của dân chúng liên tục diễn ra đòi bồi thường thiệt hại và đóng cửa nhà máy, tuy nhiên trong một quyết định mới nhất, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép.

Trước đây, vào ngày 10 tháng 5, khi Hội đồng giám sát liên ngành của Việt Nam công bố quyết định cho phép nhà máy thép này được vận hành thử nghiệm lò cao số 1, xưởng luyện thép và các công trình phụ trợ trong thời hạn 6 tháng, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải Dương Học Nha Trang, đã trả lời Đài Á Châu Tư do rằng nhà nước không thể xem nhẹ mức độ an toàn khi cho Formosa vận hành thử nghiệm lò cao cũng như xưởng luyện thép, dù chỉ trong 6 tháng :

"Bây giờ tất cả đều hòa tan trong biển, nó đi nó phát ra khắp nơi, nó chả còn gì đọng lại quanh đó cả nhưng mà cũng phải cảnh giác".

Riêng với giáo sư Lê Huy Bá, ông nói rằng dù chỉ còn lại một lỗi dập cốc ước, dập cốc khô chưa khắc phục được trong 53 lỗi của nhà máy Formosa, thì đó vẫn là điều làm cho các nhà khoa học lo lắng.

"Về bản thân các nhà chuyên môn chúng tôi vẫn chưa thật yên tâm lắm. Hơn nữa, tất cả số liệu quan trắc ấy nên được phổ biến rộng rãi cho các nhà khoa học và dân chúng đều biết".

Chưa biết được đến năm 2020, đề án 47 có được thực thi đúng như lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị với Bộ Tài nguyên và môi trường hay không ? Chỉ biết rằng tại cuộc hội thảo mang tên "Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái pháp luật" tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 23 tháng 5 cho biết tình trạng ngư dân Việt Nam bị bắt ở lãnh hải nước khác do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật ngày càng tăng. Nguyên nhân được đưa ra do là nguồn tài nguyên thuỷ sản trong vùng biển trong nước bị cạn kiệt.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 24/05/2017

Additional Info

  • Author Cát Linh
Published in Diễn đàn