Đỗ Thành Nhân, VNTB, 18/09/2021
Hồi nhỏ chưa có TV, buổi tối thường tập trung nghe cụ già kể chuyện, có câu chuyện Tàu như thế này :
Cuối đời Vua cha Càn Long, quốc khố gần như trống rỗng. Vua con Gia Khánh lên ngôi rất lo lắng vì không còn ngân sách để chi tiêu cho quốc gia trong khi thiên tai, dân tình điêu linh ai oán. Trước khi chết Vua cha Thái thượng hoàng Càn Long nói với Vua con Gia Khánh : ngân khố để trong phủ Hòa Khôn.
Hiểu ý, sau khi Vua cha chết được 5 ngày, Vua con cho tịch thu tài sản quan tham Hòa Khôn (Hòa Thân), thu được "Số tài sản nhiều gấp 15 lần ngân khố quốc gia"[1]
Vậy là triều đình của Vua con Gia Khánh đạt được nhiều mục đích : (1) Có ngân sách để chi tiêu ; (2) Thể hiện là một vị minh quân diệt trừ tham nhũng ; (3) Răn đe quan lại triều đình không còn dám tham ô, những nhiễu ; (4) Điều quan trọng lấy lại niềm tin của nhân dân vì bị quốc nạn tham nhũng.
Lịch sử ghi nhận : Trong thời gian trị vì của mình, Gia Khánh Đế đã có những hành động nỗ lực khôi phục lại triều Thanhsau một thời gian dài bị lũng đoạn bởi Hòa Thân, một tham quan nổi tiếng dưới thời Càn Long. Một trong những việc nổi tiếng nhất ông làm là hành quyết Hòa Thân, trừ nạn tham nhũng.
Hòa Thân và biệt phủ không kém Hòa Thân
Trong giai đoạn cả nước gồng mình "chống dịch như giặc", có thể nói như là giai đoạn chiến tranh (nếu xét về số tử vong vì "dịch – giặc hàng ngày"). Vậy mà thông tin từ cuộc họp Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/9 "hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch phía Nam đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai nhưng không còn ngân sách hỗ trợ, giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi, và khoảng 14.620 tỉ" [2].
Nếu chiến tranh thực sự, không có tiền chi cho những người lính ở chiến trường nhưng quan chức vẫn nhận đủ là vô cùng nguy hiểm. Với một quốc gia dân số 98 triệu, mà trông chờ vào khoảng tiền 14.620 tỉ đồng, bình quân đầu người chưa được 7 USD để chống "giặc-dịch" là quá thấp.
Trong khi "ngân sách gần như cạn", nguồn thu giảm do các loại thuế, phí phải giảm hoặc miễn ; chi thường xuyên không giảm, nhưng lại phát sinh nhiều khoản chi từ chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đến lúc này không thể ngạo nghễ, đạo đức giả lên giọng "tiền nhiều để làm gì" nữa ; mà phải thừa nhận thực tế, nếu không có tiền thì sẽ thua trận trong cuộc chiến chống giặc-dịch Covid-19.
Nhà nước không thể huy động sức dân mãi được, mà sức dân thì có hạn và người dân cũng không sẵn sàng hy sinh khi quá nhiều quan chức sống phè phỡn. Còn với doanh nghiệp khi có doanh thu và lợi nhuận thì mới nộp thuế, khó khăn thì họ rút [3].
Câu hỏi đặt ra là : Tiền từ đâu ?
Câu trả lời : Tại sao không vận dụng bài học từ lịch sử !
Chính phủ mới được thành lập vào tháng 7/2021 – giai đoạn đất nước gặp khó khăn, cuộc họp Quốc hội lần đầu phải rút ngắn lại vì lý do dịch [4]. Chẳng biết có phải ngẫu nhiên không mà Chính phủ nhiệm kỳ này là "CHÍNH PHỦ MINH CHÍNH" ("minh chính" là gọi theo tên người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính ; tiếng Việt "minh chính" còn có nghĩa là minh bạch, chính đại).
Để đạt được mục tiêu chống "giặc-dịch" cao nhất, Quốc hội giao cho "Thủ tướng Chính phủ được quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật để phòng, chống dịch, bệnh Covid-19".[5]
Nhờ có đặc quyền được quyết định các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật. Cho nên mặc dù các chỉ thị 15, 16 trái với Hiến pháp và pháp luật, xâm phạm quyền con người, quyền công dân [6] nhưng vẫn được cả hệ thống hành pháp, tư pháp thực hiện ; được đa số người dân chấp nhận thi hành.
Nhiệm kỳ Chính phủ mới được 2 tháng nhưng "ngân sách gần như cạn" [2], vậy lấy tiền đâu cho công cuộc chống giặc-dịch lâu dài. Cũng không thể tăng thuế vào giai đoạn này được.
Tôi đề xuất với Thủ tướng ban hành "Chỉ thị Minh bạch tài sản", để lấy tiền chống dịch. Theo đó, tịch thu toàn bộ tài sản của các đối tượng sau :
– Cán bộ phải kê khai và công khai tài sản nhưng không chứng minh được nguồn gốc tài sản : tịch thu tài sản không chứng minh nguồn gốc minh bạch.
– Những cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ từ thiện : tịch thu tài sản không thực hiện từ thiện.
– v.v… (cộng đồng sẽ bổ sung thên các đối tượng khác).
Nếu Thủ tướng ban hành "Chỉ thị Minh bạch tài sản" thì hoàn toàn khả thi và giải quyết nhiều vấn đề lớn trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể :
Thứ nhất về pháp lý :
Phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và đặc quyền Thủ tướng "thực hiện các các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật để phòng, chống dịch, bệnh Covid-19".
Đất nước có chiến tranh (chống giặc), Chính phủ có quyền trưng thu, trương mua tài sản, thì tại sao lại không thể tịch thu tài sản phi pháp để lấy tiền chống giặc-dịch.
Trong khi người dân quá đói, phải mò ra đường kiếm miếng ăn còn bị phạt tiền, thì tịch thu tài sản phi pháp để chống dịch cũng rất hợp pháp, hợp lý và hợp tình.
Thứ hai dư tiền chống dịch :
– Số cán bộ, quan chức "Hòa Thân" từ các nhiệm kỳ trước không ít. "Cậu học trò nghèo đốn củi" mà có cung điện hàng trăm triệu USD. Có những người lúc nhỏ không có đèn dầu, phải học bài bằng đèn đom đóm trong vỏ trứng, vỏ cà nhưng vẫn cho con cái học nước ngoài, xây lăng mộ hàng 5-6 hecta đất. Có người, cha liệt sĩ, cả đời là "bộ đội Cụ Hồ" cũng xây được lăng mộ cho mình hơn 2.500 m2 – hơn 300 ngôi mộ dân thường. v.v… (tra Google để có thông tin chi tiết)
– Số tiền các cá nhân, tổ chức mang danh nghĩa cứu trợ, từ thiện đã kêu gọi cộng đồng đóng góp cho thiên tai, dịch bệnh hàng chục tỷ, trăm tỷ nhưng chi ra như thế nào thì không ai kiểm soát được. …
Chỉ cần thu hồi hai khoản tiền tham nhũng và chiếm dụng bất hợp pháp này là Chính phủ thu về nhiều tỷ dollars – bảo đảm dư tiền chống dịch.
Thứ ba các hiệu quả bền vững khác :
– Thủ tướng ban hành "Chỉ thị Minh bạch tài sản" đồng thời thực hiện được mục tiêu kép là thực sự chống và tiêu diệt được hai loại giặc : giặc nội xâm – tham nhũng và giặc dịch – Covid-19.
– Tịch thu tài sản của quá nhiều cán bộ, quan chức tham nhũng và dẹp được loạn kêu gọi để chiếm dụng tiền cứu trợ, từ thiện thì sẽ có được một Chính phủ liêm chính, minh bạch ; từ đó khôi phục lại niềm tin trong nhân dân. Và người dân sẵn sàng đồng hành với Chính phủ trong những điều kiện khó khăn nhất.
– Từ "Chỉ thị Minh bạch tài sản" thực hiện ngay trong giai đoạn chống Covid-19 đặc thù này, sau đó nâng lên thành "Luật Minh bạch tài sản" để Quốc hội thông qua cho phù hợp Hiến pháp, làm cơ sở pháp lý cho công cuộc chống tham nhũng thành công, để có hy vọng nâng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Việt Nam lên trên trung bình [7] so với thế giới.
Theo dõi các cuộc họp Chính phủ, nghe Thủ tướng hay nói chỉ đạo cấp dưới "phải biến nguy thành cơ" [8]. Những công dân có trách nhiệm với đất nước đều thấy rõ 3 mối "NGUY" lớn hiển hiện qua 3 loại giặc : giặc ngoại xâm – trên Biển Đông, giặc nội xâm – tham những trên đất liền, thêm thứ giặc vô hình – dịch Covid-19 ; tuy nhiên tìm cái "CƠ" một cách căn cơ thì chưa thấy rõ ràng !
Thủ tướng chỉ đạo : "phải biến nguy thành cơ"
Nhìn lại vụ án Trần Dụ Châu tháng 9 năm 1950 [9], tổng số tiền tham nhũng quy đổi giá hiện nay chưa tới 300.000 USD, nhưng với hai bản án tử hình Trần Dụ Châu và Lê Sĩ Cửu đã hướng lòng dân đến Chính phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh, để từ đó tập trung sức người, sức của làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Số tiền tham nhũng 300.000 USD thời Trần Dụ Châu, chưa tới 7 tỷ VND không bằng cái nhà nhỏ nhỏ của nhiều quan chức học đèn đom đóm, đốn củi, buôn chổi đót, chạy xe ôm, làm thêm đến thối móng tay, … Quyết cho "đồng chí" Trần Dụ Châu tội chết, trước hết ông Hồ Chí Minh phải liêm khiết, chí công vô tư. Nay, có ai đủ liêm khiết, chí công vô tư để xử các đồng chí bị lộ tham nhũng vào tội chết theo đúng pháp luật ?
Trong cái "NGUY" là tiền từ đâu để chống giặc Covid-19 ? thì cái "CƠ" cho Thủ tướng là "Chỉ thị Minh bạch tài sản" : tịch thu mọi tài sản chiếm dụng của nhân dân để chống giặc-dịch Covid-19 ; xây dựng một nhà nước pháp trị, một xã hội minh bạch.
MINH CHÍNH : MINH BẠCH + CHÍNH ĐẠI
Nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính xây dựng được một Chính phủ đúng tên của mình "Chính phủ minh chính" thì nhiều khó khăn, nguy cơ của đất nước sẽ được hóa giải.
Ghi chú :
[1] Số tài sản nhiều gấp 15 lần ngân khố quốc gia của vị quan nổi tiếng Hòa Thân gồm những gì ?
[2] Ngân sách trung ương rất khó khăn, chờ tiết kiệm chi 14.600 tỉ
[3] Lo vốn ngoại rời đi nếu Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài giãn cách
[4] Quốc hội rút ngắn thời gian họp 3 ngày, bế mạc ngày 28-7
[5] Vì sao Quốc hội trao một số quyền cho Chính phủ và Thủ tướng để chống Covid-19 ?
[6] Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ
6/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ
Chỉ thị phòng chống Covid-19 của Chính phủ Việt Nam có trái Hiến pháp và pháp luật ?
[8] Thủ tướng Chính phủ : "Phải biến nguy thành cơ"
[9] 55 năm nhìn lại vụ án Trần Dụ Châu
***********************
Vì sao bây giờ mới yêu cầu sĩ quan quân đội kê khai tài sản ?
RFA, 15/09/2021
Theo dự thảo được Bộ Quốc phòng Việt Nam ban hành hôm 15/9, mọi sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công viên chức quốc phòng sẽ phải kê khai tài sản, thu nhập...
Các sĩ quan quân đội Việt Nam tại Đồng Đăng trước đây - Reuters
Theo Bộ này, mục đích của việc ban hành dự thảo là để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền kiểm soát của quân đội, để từng bước đẩy lùi tham nhũng, xây dựng quân đội trong sạch.
Thiếu tướng Lê Kế Lâm - nguyên Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 15/9, nhận định :
"Hiện nay Đảng và Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm chống tham nhũng đến cùng. Do đó trong lực lượng vũ trang cũng không thoát khỏi có một số thành phần thoái hóa đã tham nhũng, vì vậy phải kê khai tài sản để phát hiện có tham nhũng hay không".
Vì sao Luật Phòng chống tham nhũng của Việt Nam đã có từ năm 2005, và Luật này đã sửa đổi năm 2018, đến năm 2020 Chính phủ còn ban hành Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm cà quân đội và công an Nhưng đến nay Bộ Quốc phòng Việt Nam mới ra Dự thảo buộc sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công viên chức quốc phòng phải kê khai tài sản, thu nhập để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng (!?).
Liệu có phải quân đội không thuộc nhóm phải tuân thủ Luật Phòng chống tham nhũng của Việt Nam trước đây ? Liên quan vấn đề này, Thiếu tướng Lê Kế Lâm giải thích :
"Theo tôi lực lượng vũ trang của Việt Nam không có quản lý riêng, mà đều do Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang theo ba nguyên tắc ‘Tuyệt đối, Thống nhất và Toàn diên’ Đó là nguyên tắc lãnh đạo lực lượng vũ trang của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng phải nói, chống tham nhũng ở những năm trước, trước khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư thì có những cái không cương quyết và không chặt chẽ. Do đó cho nên số người tham nhũng phát hiện ra ngày càng rõ ra nên Đại hội 13 của Đảng quyết tâm chống tham nhũng, nếu không dân sẽ không tin. Mà ông Trọng đã nói, dân mà không tin thì mất cả đảng lẫn chế độ. Cho nên phải cương quyết chống tham nhũng kể cả quân đội, công an".
Theo Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nếu Bộ Quốc phòng ra được Dự thảo buộc quân nhân kê khai tài sản thì quân đội đã chuyển biến và họ đã nghiêm túc thực hiện nghị quyết của đảng cộng sản Việt Nam tại đại hội 13 vừa rồi.
Tuy nhiên, khi trao đổi với RFA tối 15/9, ông Vũ Minh Trí, trước khi về hưu giữ chức vụ Trung tá tại Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, cho rằng, có nghịch lý trong phòng chống tham nhũng tại Việt Nam :
"Có một nghịch lý, Việt Nam có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ lâu rồi, nhưng hầu hết các vụ án lớn đưa ra xét xử thì hầu hết không phải tội tham nhũng. Mà chủ yếu là tội cố ý làm trái, vi phạm quy định còn chỉ đích danh tội tham nhũng thì không. Thí dụ gần đây nhất là vụ Thượng tướng Nguyễn Văn Hiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng không bị xử vì tội tham nhũng. Thế nên trong chuyện chống tham nhũng thì tôi thấy thật sự nói một đàng làm một nẻo. Nếu nhìn vào các vụ án đã được xử thì có thể thấy kết quả gần như =0, vì nói theo kiểu TQ là đả hổ diệt ruồi thì có bắt được con hổ nào đâu ? Toàn là tội cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng.."..
Nguyên Thứ trưởng quốc phòng, Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến chính thức bị khởi tố vì liên quan trách nhiệm trong vụ án Đinh Ngọc Hệ, tức ‘Út Trọc’, Bùi Văn Nga và đồng phạm. Ông Nguyễn Văn Hiến bị qui tội ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ theo khoản 3, Điều 360 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam. Sau đó tại phiên phúc thẩm hôm 11 tháng 12 năm 2020, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiến ba năm sáu tháng tù giam.
Còn bị cáo Đinh Ngọc Hệ tức Út Trọc, cựu thượng tá quân đội, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, trong phiên xử vào năm 2018 bị tuyên tổng cộng 12 năm tù với tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức.
Cựu Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến dự một hội nghị quan chức quốc phòng ASEAN ở Subang, Malaysia hôm 4/11/2015. AFP
Liên quan việc vì sao bây giờ Bộ Quốc phòng lại ra dự thảo yêu cầu quân nhân kê khai tài sản. Liệu dự thảo này có đem lại hiệu quả, hay chỉ là hình thức như những lời tuyên bố chống tham nhũng trong quân đội trước đây ? Ông Vũ Minh Trí nhận định :
"Trước kia có vẻ mọi người nghĩ quân đội không có thu nhập gì, tức chỉ tiêu xài bằng ngân sách nhà nước. Nhưng thực chất quân đội quản lý một khối lượng tài sản rất lớn, ví dụ như đất đai, nhà cửa, kể cả trong việc mua sắm trang thiết bị. Hôm trước tôi đọc thấy hợp đồng lớn nhất ký với nước ngoài là của một công ty quân đội mua tàu, máy bay trị giá đến 5 tỷ USD tôi nghĩ tất cả những cái đấy đều chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao. Tôi phải khẳng định lương, kể cả cấp tướng cũng chẳng được bao nhiêu, thế mà ai cũng có cuộc sống xa hoa, nhiều nhà, nhiều xe nhưng bị quản lý chặt chẽ, không được kinh doanh, thì lấy ở đâu ra ? Chỉ là do tham nhũng".
Cho nên theo ông Vũ Minh Trí, việc kê khai tài sản quân nhân tuy đã rất chậm, nhưng thật sự cần thiết. Với điều kiện việc kê khai tài sản tiến hành công khai và được sự giám sát của báo chí, nhân dân thì mới có tác dụng. Nếu không sẽ như vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, qua hai lần kê khai bị phát hiện có rất nhiều tài sản, nhưng cuối cùng cũng không xử lý gì và đi vào im lặng. Điều đó theo ông Trí, có nghĩa việc kê khai tài sản chẳng có ý nghĩa gì, chẳng qua chi là trò hề đối với nhân dân, còn giữa họ với nhau thì có thể đó là công cụ để khi cần thì lôi ra đấu đá, loại trừ nhau Ông Vũ Minh Trí cho rằng, đã là quy định thì tất cả mọi nơi phải được áp dụng như nhau, quân đội cũng không ngoại lệ. Ông nêu v í dụ :
"Vụ xử một số tướng quân đội bên quân chủng phòng không như Tướng Phương Minh Hòa, Tướng Trần Văn Thanh thì báo có đăng quân đội đề nghị xử lý nội bộ nhưng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng kiên quyết đưa ra pháp luật. Nhưng cuối cùng chỉ xử mỗi Tướng Nguyễn Văn Hiến, còn gần 20 tướng khác chưa thấy xử. Thế nên tôi nghĩ rằng ở Việt Nam luật là một đàng, còn thực hiện là hoàn toàn khác. Bởi vì như Tổng bí thư Trọng có nói, Hiến Pháp là văn kiện quan trọng thứ hai sau Cương Lĩnh Đảng có nghĩa những chỉ thị của đảng nhiều khi được đặt lên trên pháp luật".
Ông Vũ Minh Trí cho rằng, Luật pháp của Việt Nam dù cũng theo tiêu chuẩn chung của thế giới, nhưng việc áp dụng luật thì hết sức tùy tiện, thậm chí không áp dụng hoặc áp dụng ngược lại.
Nguồn : RFA, 17/09/2021