Phạm Quý Thọ, RFA, 22/05/2022
Chính sách phân quyền cho địa phương là thiết yếu cho chuyển đổi thị trường, nhưng thiếu cơ chế phù hợp và hiệu quả kiểm soát lạm quyền đã dẫn đến hiện trạng quan chức địa phương giàu nhanh, "tài sản khủng" bất chính.
Báo Quảng Ninh, AFP, RFA edi
Việc ông Phạm Hồng Hà - nguyên Chủ tịch thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bị Cơ quan Công An khởi tố bắt giam hôm 14/5 khiến dư luận ‘xôn xao’ không chỉ vì lý do về tội 'lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' theo Điều 356 Bộ Luật Hình sự, mà còn vì khối tài sản khủng của ông này. Các báo Nhà nước đồng loạt đưa tin rằng ông này có biệt thự sang trọng trên lô đất rộng khoảng 400 m2 mặt đường bao biển Hạ Long và, nếu ước tính theo thị trường hiện tại, thì nhà và đất ở đó có giá không dưới 170 tỷ. Ngoài ra, ông còn có bốn chiếc xe hạng sang có trị giá hàng chục tỷ đồng, là tài sản ‘bề nổi’ cũng bị thu giữ để phục vụ công tác điều tra…
Đây không còn là các hiện tượng đơn lẻ khi báo chí đưa tin ngày càng nhiều, công khai, mô tả đích danh những biệt thự, xe sang - bề nổi tài sản ‘khủng’ của các ông chủ là các quan chức, thường là sau khi đã ‘hạ cánh an toàn’ nghỉ hưu hay đã và đang có vấn đề liên quan đến vi phạm pháp luật. Báo chí Nhà nước đã được "bật đèn xanh" để tham gia, mà trước hết là tạo sức ép từ công luận. Các bài viết đặt vấn đề "Dàn xe tiền tỉ của nguyên Chủ tịch Thành phố Hạ Long khiến nhiều người bàn tán" (Báo Vietnamnet.vn, 18/5/2022). Rõ ràng rằng việc một quan chức hành chính cấp thành phố trực thuộc tỉnh, tương đương cấp huyện, nhưng có khối tài sản ‘khủng’ như vậy là "chuyện động trời". Con số 170 tỷ mới chỉ là ước tính giá trị "của nổi", nhưng đã lớn hơn với mức thu nội địa vào ngân sách của huyện Đầm Hà (127 tỷ), một huyện ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh có số dân gần 48 nghìn người!
Biệt phủ của đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát tại đường Lê Hồng Phong, Thành phố Hải Phòng.
Thời gian đầu khi Đảng thừa nhận tham nhũng trầm trọng và đề ra chính sách phòng chống tham nhũng, đặc biệt sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng năm 2013, các nỗ lực dường như tập trung trừng phạt những những quan chức, đối thủ suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến, tự chuyển hoá" ra khỏi tổ chức, nhất là ở trung ương. Các tài sản ‘khủng’ bề nổi của quan chức chỉ được biết ‘mập mờ’ trên các trang mạng ngoài lề, không chính thức, nhưng những thông tin chi tiết về vị trí các biệt thự, xe sang mà gia đình họ sở hữu, con cái họ học ở nước ngoài nào… khiến dư luận nghĩ về mức độ giàu có của quan chức. Nay, chiến dịch phòng chống tham nhũng mở rộng xuống các địa phương cấp tỉnh, những vị cựu quan chức cấp tỉnh bị kỷ luật đảng và truy tố pháp luật nhiều hơn kèm theo đó là thúc đẩy việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Biệt phủ dát vàng 9999 kiểu hoàng gia của đại gia khoáng sản ở Thái Nguyên
Nguyên nhân nào khiến quan chức cấp tỉnh giàu nhanh và có tài sản ‘khủng’ ? Đảng nhận định sự suy thoái tư tưởng đạo đức để phục vụ cho chính sách phòng chống tham nhũng, nhưng đây là nguyên nhân chủ quan. Cũng không thể đổ lỗi cho thị trường được vì nó vận hành theo những quy luật khách quan, là động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời có tác động tiêu cực từ những mặt trái của nó. Bởi vậy, đây là "lỗi hệ thống", cụ thể là cơ chế phân cấp phân quyền cho quan chức địa phương nhưng thiếu kiểm soát tha hóa quyền lực hiệu quả thông qua cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm.
Trước hết, quá trình Trung ương phân cấp, phân quyền cho địa phương, về bản chất là ‘tản quyền hay phi tập trung quyền lực khi công cụ điều hành và giám sát bằng kế hoạch hóa tập trung không còn phù hợp, nhưng bị che phủ bởi bề ngoài là sự ủy quyền quản lý bởi Chính quyền trung ương, nhằm mục đích đáp ứng chuyển đổi thị trường. Tuy không được độc lập nhưng chính quyền tỉnh, thành đã được tự chủ tương đối để điều hành kinh tế xã hội ở địa phương.
Quá trình này được thực hiện, khởi đầu "từ trên xuống dưới" và, nay những đòi hỏi quyền lớn hơn "từ dưới lên", ngày càng nhiều địa phương muốn có "cơ chế đặc thù", lúc đầu là "cơ chế thủ đô", cho Hà Nội, thu chi ngân sách cho trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nay Nghệ An, Thanh Hóa cũng ‘đòi’ cơ chế riêng cho địa phương mình. Đã trở nên công khai và nhiều hơn những tít bài kiểu như "Thành phố Hồ Chí Minh cần 10 lít xăng, cho 8 lít thì làm sao đi tới nơi" như Báo Tuổi trẻ 17/5/2022 đưa lời phát biểu của một đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng Thành phố cần đột phá hơn.
Quyền đi đôi với lợi, muốn có lợi phải có quyền. Mối quan hệ trung ương - địa phương đang thay đổi về nội dung và tính chất, từ đơn thuần hành chính sang thành quyền lợi, sau đó là tính tự chủ về kinh tế và chính trị, từ phục tùng trung ương sang thành đòi hỏi và thoả thuận.
Quá trình ‘tản quyền’ ngày càng nhanh khi nhu cầu chuyển đổi thị trường càng lớn và mang xu hướng tất yếu. Nghĩa là, về cơ bản, không thể dừng lại hay quay lại cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đây. Tuy nhiên, cải cách thể chế đã không theo kịp thực tế chuyển đổi.
Các nhà cải cách, lãnh đạo và điều hành, đã, ‘cố ý hay vô tình’, hiểu ‘sai lệch’ về tính hai mặt của thị trường, khi coi nó chỉ là công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như một sự đảm bảo duy trì chế độ, và quan niệm rằng thị trường không phải là chủ nghĩa tư bản để ‘bảo vệ’ nền tảng ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều. Từ điểm xuất phát kinh tế thấp khi động lực kinh doanh được kích hoạt bởi thị trường, trước hết đã đánh thức tiềm năng đất đai, tài nguyên và lao động để sản xuất hàng hóa và tích luỹ tư bản để tăng trưởng nhanh chóng, khiến cho căn bệnh duy ý chí của chế độ phát tác rằng Đảng cộng sản có thể lãnh đạo kinh tế thị trường bằng chính sách thực dụng trong bối cảnh toàn cầu hóa tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, cùng với thời gian dư địa tăng trưởng kinh tế đã cạn dần, tỷ lệ tăng giảm sút, trồi sụt trong bối cảnh kinh tế không còn thuận lợi như trước, cải cách chính trị không phù hợp, dẫn đến lạm quyền, "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" tràn lan, tự chống tham nhũng đòi hỏi chi phí cao, kém hiệu quả.
Các thể chế hiện có như Hội đồng nhân dân các cấp và dân chủ cơ sở không phát huy được vai trò và chức năng giám sát, vẫn mang tính ‘trang trí’, cơ cấu hình thức thay vì thực quyền, khiến biên chế bộ máy "đông nhưng không mạnh". Một số ‘sáng kiến’ cải cách như "lồng thể chế nhốt quyền lực", "minh bạch tài sản quan chức", kiểm soát tài sản là cơ chế hữu hiệu để chống tham nhũng là quan niệm đúng, nhưng đã bế tắc trong môi trường tập trung quyền lực Đảng.
Quan chức giàu lên nhanh chóng, lộ rõ không chỉ ở trung ương mà còn ở địa phương, không thể giải thích được nguồn gốc đang là thực trạng nhức nhối không chỉ trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (phòng chống tham nhũng) mà còn là thách thức đối với cải cách thể chế nói chung. Chính sách phân cấp, phân quyền cho địa phương, cho các đơn vị sự nghiệp công lập là những nội dung lớn, quan trọng của cải cách chính trị. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, nếu nó không gắn với việc kiểm soát tha hóa quyền lực phù hợp và hiệu quả thì cải cách thể chế sẽ rơi vào bế tắc. Chống tham nhũng chỉ là giải pháp cấp bách thay vì cơ chế kiểm soát quyền lực bền vững lâu dài, cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm đối với quan chức hệ thống chính trị.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 22/05/2022
************************
Còn đảng còn... giàu
Trân Văn, VOA, 19/05/2022
Tai sao phòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" mà lại từ chối xem việc viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội "làm giàu bất chính" khi sửa Luật Hình sự năm 2015.
Ông Phạm Hồng Hà.
Các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đang thi nhau phơi bày sự giàu có của ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hà Long từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 7 năm 2020.
Ông Hà bị tạm giam hôm 14/5/2022 vì liên quan đến vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Quản lý đường sông số 3 và Ban quản lý vịnh Hạ Long(1).
Trước mắt, từ kết quả khám xét tư gia để thực hiện lệnh tạm giam ông Hà, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam ước đoán, chỉ tính riêng giá trị mảnh đất mà ông Hà sử dụng để xây biệt thự bốn tầng đã lên tới 150 tỉ đồng. Còn chỉ tính riêng xe hơi mà gia đình ông Hà sử dụng thì một Mercedes, một Vinfast Lux SA, hai Lexus đã xấp xỉ 20 tỉ đồng(2). Không có đảng, cựu chủ tịch một đơn vị hành chánh cấp huyện không thể nào thủ đắc khối tài sản mà tổng giá trị chắc chắn còn lớn hơn như vậy nhiều lần !
Còn chỉ tính riêng xe hơi mà gia đình ông Hà sử dụng thì một Mercedes, một Vinfast Lux SA, hai Lexus đã xấp xỉ 20 tỉ đồng - Ảnh minh họa dàn xe khủng bị tịch thu
Muốn có khối tài sản chỉ tạm tính đã khoảng vài trăm tỉ ấy, ông Hà phải mất nhiều năm và trẻ con cũng biết khối tài sản đó từ đâu mà ra, tuy nhiên, giống như nhiều đồng chí khác, ông Hà không ngần ngại phô bày sự "tháo vát" của chính ông.
Muốn biết "chỉnh đốn đảng" hiệu quả thế nào, thực chất và triển vọng củacông cuộc phòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" ra sao cứ nhìn vào tư gia, vật dụng, phục sức, sinh hoạt từ cá nhân đến gia đình của các viên chức đã cũng như đang phục vụ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền. Ông Hà chỉ là ví dụ mới nhất. Đến bây giờ ông Hà mới bị tống giam để điều tra về một sai phạm xảy ra cách nay vài năm chắc chắn không phải vì nghiêm minh !
***
Nhân chuyện ông Hà, có lẽ cử tri Việt Nam nên chất vấn những cá nhân vừa là thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương đảng, vừa sắm vai đại biểu cho dân chúng khu vực nào đó trong Quốc hội Việt Nam, rằng tại saophòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" nhưng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn cương quyết không đáp ứng đề nghị của nhiều người thuộc nhiều giới, trong nhiều năm vừa qua :Công bố các tờ khai tài sản ?
Từ chối công bố tờ khai tài sản của những viên chức trong diện buộc phải kê khai tài sản có khác gì sợ dân chúng thực thi quyền giám sát và khiếu nại, tố cáo, sợ các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng như thân nhân của họ không vui, không hãnh diện bởi không còn cơ hội khoe sang, khoe giàu, khoe sự sành điệu trong chuyện hưởng lạc thú cuộc đời nhờ biết cách vươn lên trong việc theo đảng dẫn dắt quốc gia, dân tộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" ?
Tai sao phòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" mà lại từ chối xem việc viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội "làm giàu bất chính" khi sửa Luật Hình sự năm 2015(3). Đến năm 2018 lại tiếp tục từ chối các đề nghị : Hoặc hình sự hóa hành vi ‘làm giàu bất chính’.Hoặc giao cho Tòa án quyết định, hoặc tịch thu sung công, hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trịkhi sửa Luật Phòng, chống tham nhũng (4) ?
***
Không thể đếm xuể số lần ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông thề thốt, hứa hẹn sẽ kiên quyết phòng – chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp. Cũng không thể đếm xuể số lần ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông than thở rằng công cuộc phòng – chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp "vừa khó khăn, vừa phức tạp". Thời nào cũng thế và ở đâu cũng vậy, phòng – chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ là công việc đơn giản.
Tuy nhiên ở Việt Nam, thay vì học thiên hạ, trước nay, ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí đồng đảng với ông chỉ thề rồi than. Làm sao "phòng – chống tham nhũng, tiêu cực" có thể hữu hiệu khi thẳng tay gạt bỏ toàn bộ các biện pháp răn đe lúc sửaLuật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng,khăng khăng từ chối việc công bố các tờ khai tài sản cho dân chúng xem xét, đối chiếu với lý do "rất nhạy cảm" (5) để áp dụng những "sáng kiến" kiểu như Nghị định 130/2020/NĐ.CP (tháng 10/2020) : Hướng dẫnkiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng cáchtổ chức bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên xem ai thuộc trường hợp phải xác minh – kiểm tra mức độ chính xác, trung thực khi kê khai tài sản, thu nhập.
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thiếu sự tôn trọng yếu tố "rất nhạy cảm" liên quan đến "quyền đời tư và bí mật cá nhân" đó, sẽ còn bao nhiêu người trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam như ông Phạm Hồng Hà ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/05/2022
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-ong-pham-hong-ha-cuu-chu-tich-ubnd-tp-ha-long-bi-bat-20220514202724593.htm
(3) https://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm